T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Phú Yên: ĐÊM NHẠC TƯỞNG NHỚ NHẠC SĨ HOÀNG NGUYÊN

Nhạc Sĩ Hoàng Nguyên (Cao Cự Phách)

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày mất của nhạc sĩ Hoàng Nguyên (21/8/1973-21/8/2023), Chi hội VHNT Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã tổ chức chương trình nghệ thuật tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa, người con của quê hương Phủ Diễn vào ngày 20/8/2023 vừa qua.

Đây là lần đầu tiên chúng tôi được biết một chương trình dành riêng cho một nhạc sĩ miền Nam trước năm 1975, lại là một người lính VNCH, được giới thiệu trong một đêm nhạc trên đất Bắc. Điều làm chúng tôi khá bất ngờ là những người tổ chức đã nhận ra giá trị của văn học nghệ thuật nằm ngoài biên giới của hệ quy chiếu chính trị một thời. Phải chăng đây là biểu hiện cho một tầm nhìn biết mở rộng để lòng người xích lại gần nhau mà mấy chục năm qua chưa có được?

Nhạc sĩ Hoàng Nguyên (1930 – 1973) tên thật là Cao Cự Phúc, sinh ra và lớn lên tại làng Chợ Mới, xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, là người dòng họ Cao miền đất Nho Lâm – Diễn Thọ. Mồ côi mẹ từ lúc lên 3 tuổi, Hoàng Nguyên sống cùng gia đình bên nội, lớn lên học trường huyện, từng được học nhạc với thầy Nguyễn Văn Thương. Do biến động của thời cuộc, ông theo bố vào Quảng Trị tiếp tục con đường học hành. Sau đó ông học ở Trường Quốc Học, Huế, dạy học và sáng tác âm nhạc, rồi lên Đà Lạt dạy Việt văn lớp đệ lục tại Trường tư thục Tuệ Quang. NS Nguyễn Ánh 9 là học trò của Hoàng Nguyên lúc đó.

Năm 1957, NS Hoàng Nguyên hoạt động trong phong trào yêu nước của học sinh – sinh viên Đà Lạt. Trong một đợt truy lùng của chính quyền, do trong nhà có bản nhạc “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao, người mà Hoàng Nguyên rất ái mộ, ông bị bắt và bị đày ra Côn Đảo. Ở đây, Hoàng Nguyên được ông chủ nhà tù mến mộ, đưa về tư gia dạy học cho con gái. Không ngờ, lửa tình giữa chàng nhạc sĩ và cô gái 19 tuổi bùng cháy mãnh liệt. Kết quả là ái nữ đã mang thai. Chủ nhà tù buộc ông phải hợp thức hóa chuyện tình và hứa trả tự do cho ông. Như lời hứa của ông chủ, nhạc sĩ được trả tự do về lại Sài Gòn, vừa dạy học ở Trường tư thục Quốc Anh vừa sáng tác.

Năm 1961, Hoàng Nguyên theo học tại Đại học Sư phạm Sài Gòn, ban Anh văn. Trong thời gian này, ông có quen biết với ông Phạm Ngọc Thìn, thị trưởng thành phố Phan Thiết. Bà vợ ông là nữ diễn viên Huỳnh Khanh, mến mộ tài năng của Hoàng Nguyên đã nhận ông làm em nuôi. Ông dạy kèm cho Ngọc Thuận, con gái ông bà Phạm Ngọc Thìn. Hai người yêu nhau và ông trở thành con rể của ông bà. Trước đó ông có ý định quay lại với cô gái ở Côn Sơn, nhưng cô đã đi lấy chồng. Ca khúc “Thuở ấy yêu nhau” ra đời trong khoảng thời gian này.

Năm 1965, Hoàng Nguyên bị động viên vào Trường Bộ binh Thủ Đức, sau đó chuyển về Cục Quân cụ, dưới quyền của Đại tá nhạc sĩ Anh Việt Trần Văn Trọng và được giao quản lý ban nhạc Hương Thời Gian của Anh Việt.

Ông qua đời vào ngày 21-8-1973 ở Vũng Tàu trong một tai nạn giao thông. Ông ra đi quá sớm, lúc mới 43 tuổi.

Tác phẩm tiêu biểu: Anh đi mai về (1954), Đàn ơi xa rồi (1954), Tiếng hai đêm (1957), Bài thơ hoa đào (1960), Đường nào lên Thiên Thai (1960), Lá rụng ven sông (1960), Ai lên xứ hoa đào (1961), Anh đi về đâu (1961), Tôi sẽ về thăm em (1962), Em chờ anh trở lại (1963), Tà áo tím (1963), Thuở ấy yêu nhau (1964), Cho người tình lỡ (1970)…

Nguyễn Phú Yên

Bài Mới Nhất
Search