T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Phú Yên: VĂN CAO, GIẤC MƠ MỘT ĐỜI NGƯỜI

Nhạc Sĩ Văn Cao (15/11/1923-15/11/2023)

[Nhân 100 năm ngày sinh NS Văn Cao (15/11/1923-15/11/2023)]

    Đạo diễn Đinh Anh Dũng kể lại nhạc sĩ Văn Cao từng mơ giấc mơ được biểu diễn một đêm nhạc riêng ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Đó là giấc mơ của một đời người, một giấc mơ giản dị nhưng không hề có thực, để rồi khi nhắc đến Văn Cao, ta thấy chỉ còn lại hình ảnh chiếc bóng hiu hắt, buồn thảm đổ dài trong suốt cuộc đời ông.

    Cuối thập niên 1930, Văn Cao xuất hiện như một con người lạ lẫm trong lịch sử văn nghệ nước nhà. Bằng tài năng nghệ thuật đa dạng như là một hợp lưu của ba nhánh nghệ thuật văn chương – âm nhạc – hội họa, Văn Cao tài hoa đã sớm có những thành tựu ngay từ độ tuổi mười sáu đôi tám, nhất là về âm nhạc. Có thể nhìn thấy ở sự nghiệp âm nhạc của Văn Cao hai khuynh hướng sáng tác rõ ràng: giai đoạn đầu là khuynh hướng tình ca với những ca khúc lãng mạn trữ tình và giai đoạn hai là khuynh hướng hùng ca với những bài hành khúc hùng hồn, đầy phấn chấn.

      Dòng chảy của sáng tạo nghệ thuật âm nhạc đột khởi, bùng phát từ một con người có tài năng bẩm sinh với các tác phẩm tình ca tràn đầy cảm xúc diệu kỳ, không đi vào khuôn thước ngay từ bước đầu của nền tân nhạc. Khi tuổi còn quá trẻ, ở tuổi mười sáu Văn Cao đã viết “Buồn tàn thu” (1939), một ca khúc lãng mạn, một sáng tác trữ tình tuyệt mỹ. Văn Cao đã sử dụng thang âm ngũ cung để viết về một hình ảnh mang tính chất cổ điển: người phụ nữ đan áo ngồi chờ chồng. Đây là sáng tác đầu tay của một chàng tuổi trẻ mới bước chân vào đời mà đã mang cảm thức già dặn về sự mất mát trong tình yêu, sự cô đơn khi người xưa không còn, với ca từ thấm đẫm nỗi niềm nhung nhớ, khổ đau… Dường như cảm xúc của chàng đã chín hơn độ tuổi của mình:

Người ơi! còn biết em nhớ mong

Tình xưa còn đó xa xôi lòng

Nhờ bóng chim uyên nhờ gió đưa duyên

Chim với gió bay về chàng quên hết lời thề…

Thôi tình em đấy như mùa thu chết rơi theo lá vàng”.

Ngay từ ca khúc đầu tiên này, ta thấy Văn Cao đã dùng từ “mùa thu chết” trước cả Phạm Duy hàng chục năm. “Buồn tàn thu” được nhiều người biết đến, được biểu diễn trên các sân khấu trong những năm đầu thập niên 1940. Người đã đem “Buồn tàn thu” đi gieo rắc nỗi niềm đó chính là Phạm Duy, giọng ca trong gánh hát Đức Huy thời ấy, người bạn đã hết lời ca ngợi Văn Cao. Tiếp đó là danh ca Thái Thanh – giọng hát như hút hồn người nghe vào câu chuyện tình buồn thương đầy nước mắt.

Sau “Buồn tàn thu”, Văn Cao viết “Thiên thai”. Trong bài hát này, Văn Cao kể lại sự tích hai chàng trai Lưu Thần và Nguyễn Triệu đi lạc vào đường lên Thiên thai. Cảnh đẹp thiên nhiên đã cuốn hút hai chàng:

“Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng
Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên
Kìa đường lên tiên, kìa nguồn hương duyên

 Theo gió tiếng đàn xao xuyến”… 

Trong thiên nhiên tuyệt đẹp ấy, hai chàng gặp tiên nữ rồi cùng hai nàng kết duyên thành vợ chồng, sống bên nhau đầm ấm trong tiếng nhạc nghê thường say đắm:

    “Đàn xui ai quên đời dương thế
     Đàn non tiên đàn khao khát khúc tình duyên”.

Sau khi ở cảnh tiên một thời gian thì hai chàng chợt nhớ quê nhà, muốn về thăm. Khi trở lại quê hương thì cảnh vật hoàn toàn đổi khác, hỏi ra mới biết đã bao nhiêu đời đã đi qua. Người xưa không còn ai, lòng buồn vô hạn, hai chàng tìm đường trở lại nhưng than ôi, đường xưa lạc lối nên không tìm được cõi tiên nữa. Từ đó người ta chẳng còn thấy hình bóng hai chàng nơi nao.

Thế giới thần tiên đầy diễm tuyệt đúng là niềm ước vọng bất tận, nỗi thèm khát vĩnh cửu của con người: 
   “Thiên thai! Ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian
Ái ân thiên tiên em ngờ phút mê cuồng có một lần”…

Đào Nguyên trước Lưu Nguyễn khi trở về
Tìm Đào Nguyên, Đào Nguyên nơi nao?”…

(Thiên thai, 1941)

Sau đó Văn Cao có “Bến xuân” viết chung với Phạm Duy, về sau ông viết thêm lời mới cho ca khúc này và đặt tên “Đàn chim Việt”:

“Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước
Em đến tôi một lần
Bao lũ chim rừng hợp đàn trên khắp bến xuân
Từng đôi rung cánh trắng ríu rít ca u ú ù u ú
Cành đào hoen nắng chan hòa”…
(1942)

     Tiếp nối mạch cảm hứng lãng mạn, Văn Cao viết thêmca khúc cũng lấy đề tài mùa thu quen thuộc trong thơ nhạc thời ấy, nhưng ở đây tâm hồn người nghệ sĩ mang nỗi buồn cô độc và ngoại cảnh thì nhuốm vẻ hoang lạnh, đìu hiu:

 “Thu cô liêu, tịch liêu
Cô thôn chiều ta yêu thu, yêu thu, yêu mùa thu.
Vàng hoen đáy nước soi rõ đường đi
Một mùa thu, một mùa thu
Lá rơi, rơi rụng buồn chi lá vàng”…

            (Thu cô liêu, 1942)

Đôi khi người nghệ sĩ hồi tưởng những ngày quá vãng, thương tiếc người ra đi đã để lại nỗi buồn trống vắng khôn nguôi. Một nhịp luân vũ nhẹ nhàng trong nỗi niềm u uất của ca khúc:

 “Hồn cầm phong sương hình dáng xuân tàn
Ngày dần buông trôi sầu vắng cung đàn
Từ người ra đi chờ vắng tin người
Từ người ra đi là hết mơ rồi”…

(Cung đàn xưa,1942)

Sau đó lại thêm một khúc ca dịu dàng, êm ái vang lên đầy cảm hứng lãng mạn của chàng trai trẻ, cũng với khung cảnh của mùa thu:

  “Suối mơ!Bên rừng thu vắng
 Giòng nước trôi lững lờ ngoài nắng
Ngày chưa đi sao gió vương?
Bờ xanh ngát bóng đôi cây thùy dương”…

                  (Suối mơ, 1942)

Một câu chuyện tình diễm lệ khác được NS Văn Cao kể bằng những giai điệu tuyệt đẹp. Chuyện kể ngày xưa có nàng Mỵ Nương xinh đẹp tuyệt trần. Nàng sống cô đơn trong cảnh trướng phủ màn che nhưng lòng luôn buồn bã. Cha nàng cho xây một căn nhà nhỏ bên bờ sông, hằng ngày nàng ra đó để thêu thùa, đọc sách, nhất là để nghe tiếng sáo của chàng Trương Chi, một thanh niên làng chài ven sông:

 “Một chiều xưa trăng nước chưa thành thơ

Trầm trầm không gian mới rung thành tơ

Vương vất heo may hoa yến mong chờ

Ôi tiếng cầm ca thu tới bao giờ”…

Bỗng một thời gian Mỵ Nương không còn nghe tiếng sáo, vì quá thương nhớ tiếng sáo mà sinh bệnh. Không có ai chữa được bệnh của nàng.

 “Tây hiên Mỵ Nương khi nghe tiếng ngân
Hò khoan mơ bóng con đò trôi
Giai nhân cười nép trăng sáng lả lơi,

Lả lơi bên trời”…
Mỵ Nương nghe thấy tiếng sáo quen thuộc thì khỏi bệnh, xin được gặp người thổi sáo. Mỵ Nương vô cùng thất vọng vì dung mạo của chàng. CònTrương Chi thầm yêu trộm nhớ Mỵ Nương nhưng không được đền đáp. Chàng thất vọng và đau buồn, mang bệnh tương tư, rồi sầu héo dần mà chết. Kết thúc câu chuyện, Văn Cao gieo một nỗi buồn nhân thế:
 “Đàn đêm thâu trách ai khinh nghèo quên nhau
Đôi lứa bên giang đầu
Người ra đi với cuộc phân ly
Đâu bóng thuyền Trương Chi?”.

               (Trương Chi, 1943)

Sau này khi trả lời câu hỏi của ca sĩ Ánh Tuyết, Văn Cao trả lời ngắn gọn trong năm chữ: “Trương Chi, chính tôi đấy”. Bài hát đã phản ánh cuộc đời và tâm hồn của ông. Mỗi tácphẩm là một khúc tâm tình được dệt bằng những âm thanh tuôn chảy từ một tâm hồn nhạy cảm với nhiều sắc màu của từng giai điệu du dương hay sầu não, tất cả tạo thành một thế giới khi thì diễm ảo của mộng mơ hay một thực tại đau đớn, xé lòng.

     Nhìn lại những sáng tác lãng mạn trữ tình của Văn Cao, ta thấy quãng thời gian sáng tác này không dài, chỉ vài năm từ 1939 đến 1944, để rồi sau đó với những biến đổi phức tạp của thời cuộc đã ảnh hưởng đến cuộc đời ông và tạo một bước ngoặt thay đổi khuynh hướng sáng tác của Văn Cao. Thật ra khi còn ở Hải Phòng, Văn Cao đã tham gia phong trào hướng đạo của nhóm Đồng Vọng, lúc này ông có viết bài ca cho phong trào:

“Anh em khá cầm tay, mau đến cùng nhau hát nhé
Nơi đây chúng mình ca, trong gió hòa êm êm
Bao nhiêu gió về đây, chim chóc về đây hót nhé
A vui sướng làm sao, ta ngó trời xanh êm.
Mà ca hát cười nô, không biết chi buồn
Ðời trần gian chắc là thắm tươi, trời xanh ngát từng cao
Nhìn chúng ta cười, Này này sao các người vui thế?”

     (Anh em khá cầm tay)

Ông bắt đầu chuyển sang sáng tác những bài hùng ca rực lửa đấu tranh cổ vũ cho cuộc kháng chiến của dân tộc chống thực thực dân Pháp. Tâm hồn ông cũng bày tỏ nhiệt thành của một chàng trai 23 tuổi khi đứng cùng chiến tuyến đấu tranh giành độc lập của lớp thanh niên yêu nước.

Cuối năm 1944, Văn Cao làm việc tại báo Độc Lập. Thời gian này ông gặp lại Vũ Quý, một cán bộ Việt Minh mà ông đã quen biết trước đó. Vũ Quý thuyết phục ông tham gia Việt Minh và sáng tác một ca khúc cho lớp quân chính đầu tiên ở chiến khu. Văn Cao lúc ấy chưa biết chiến khu là gì, cũng chưa quen biết những người hoạt động cách mạng, ông chỉ biết những con đường Hà Nội mà ông thường đi qua, vậy mà vẫn bắt tay viết ca khúc đó chỉ trong vài ngày tại căn gác số 171 phố Mongrant (nay là số 45 phố Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội). Khi viết xong phần nhạc, Văn Cao đưa cho người bạn tên Đỗ Hữu Ích (bí danh là Hoàng Thoái) viết lời, hai người cùng xem lại và thế là hoàn thành bài hát, họ đặt tên cho tác phẩm làTiến quân ca”. Ban đầu bài hát có tính chất trang nghiêm, nhịp điệu chậm rãi vì là một bài chính ca, được in trên báo Độc Lập tháng 111944. Ngay từ khi ra đời, bài hát được coi là bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh. Bài hát có hai lời như sau: 

Lời 1:

Đoàn quân Việt Minh đi, chung lòng cứu quốc

Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa

Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước

Súng đằng xa chen khúc quân hành ca.

Đường vinh quang xây xác quân thù

Thắng gian lao đoàn Việt lập chiến khu.

Thề phanh thây uống máu quân thù

Tiến mau ra sa trường. Tiến lên!

Cùng thét lên! Chí trai là đây nơi ước nguyền!

Lời 2:

Đoàn quân Việt Minh đi, sao vàng phất phới

Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than.

Cùng chung sức kiến thiết xây đời mới

Đứng đều lên gông xích ta đập tan.

Dù thây tan xương nát khôn sờn

Gắng hy sinh đời ta tươi thắm hơn

Từ bao lâu ta nuốt căm hờn

Vũ trang đâu lên đường! Hỡi ai

Lòng chớ quên! Bắc Sơn cùng Đô Lương, Thái Nguyên.

(Tiến quân ca, nhạc Văn Cao & lời Đỗ Hữu Ích, 1944)

Ngày 13-8-1945, tại Đại hội Quốc dân ở Tân Trào, chính phủ lâm thời đã chọn bài hát này làm quốc ca, được hát trong cuộc tuần hành ngày 17-8-1945. Trong khóa họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa năm 1946, “Tiến quân ca” mới chính thứcđược chọn làm quốc ca. Lúc này bản quốc ca được nhiều nhạc sĩ và tác giả chỉnh sửa một số lời mới so với bản gốc, phần nhạc cũng có sửa đổi ở ô nhịp đầu tiên của bài hát (Văn Cao ban đầu viết 3 phách, nhưng cuối cùng bị sửa lại còn một phách rưỡi), nhịp điệu nhanh và hùng tráng hơn để trở thành một hành khúc. Ở câu đầu bài hát, hai chữ “Việt Minh” được đổi thành “Việt Nam”. Câu cuối bài hát được đổi thành “Nước non Việt Nam ta vững bền”. Câu này nguyên văn trước đó Văn Cao viết là “Núi sông Việt Nam ta vững bền”, sau đó một quan chức văn hóa cao cấp sửa hai chữ đầu tiên thành “Nước non”. Tuy vậy Văn Cao thích hai chữ“Núi sông”vì cho rằng nó hay hơn hai chữ “Nước non”. Ở lời ca 2, câu “Cùng chung sức kiến thiết xây đời mới” Văn Cao thích hai chữ “kiến thiết” nhưng sau đó bị sửa thành “phấn đấu”.Cuối cùng lời của quốc ca như được hát hiện nay:

        “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc
Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa
Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước,
Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca
”...

Từ đây cảm hứng của hùng ca ngày càng xâm chiếm tâm hồn Văn Cao. Ông sáng tác mạnh mẽ khi nhập cuộc với đội ngũ yêu nước của mình, dù chưa phải là đảng viên cộng sản. Một loạt hùng ca tiếp nối ra đời:Chiến sĩ Việt Nam (1945),Hải quân ViệtNam (1945), “Không quân Việt Nam (1945), Công nhân Việt Nam (1945), Bắc Sơn (1945).

Bao chiến sĩ anh hùng lạnh lùng vung gươm ra sa trường
Quân xung phong, nước Nam đang chờ mong tay ngươi
Hồn sông núi khí thiêng ghi muôn đời…

(Chiến sĩ Việt Nam)

“Ôi còn đâu đây sắc chàm pha màu gió
Ðau lòng bao năm sống lầm than đây đó
Ai về châu xưa nhớ hồi máu thắm cây rừng
Còn vang khe núi tiếng quân oai hùng:…

(Bắc Sơn)

Vào thời gian ấy, Văn Cao có chuyến đi lên Việt Bắc. Ông đã chứng kiến những xóm làng ven sông bị địch đốt phá và cảm nhận những niềm vui trên khuôn mặt người dân sau chiến thắng sông Lô. Những cảm xúc dâng tràn trong lòng nhạc sĩ khiến Văn Cao đã viết nên “Trường ca Sông Lô”, một khai phá mới cho thể loại trường ca. Mở đầu là giai điệu dàn trải với một tình cảm xót xa nhưng không bi lụy:

 “Sông Lô sóng ngàn Việt Bắc

Bãi dài ngô lau núi rừng âm u

Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc

Chìm một màu khói thu”…

Nếu đoạn nhạc mở đầu khoan thai với cung re trưởng vừa chấm dứt thì tác giả chuyển đoạn sang cung sol trưởng với tiết tấu nhanh, rộn rã:
 “Trên dòng sông trở về đoàn người

Reo mừng vui trên sóng nước biếc

Trôi đầy sông bao đám xác thù
Dân hân hoan nghe sóng réo vi vu xa xa”…

Bằng những giai điệu như những đường nét hội họa, tác giả phản ánh trung thực cuộc chiến đấu tưởng như đang xảy ra trước mắt với tất cả tình cảm hăng say đầy khí phách của người chiến sĩ:

 “Thây giặc trôi trở về ngập bờ

Sông gầm vang tiếng súng trái phá
Bao rừng thu như bát ngát cười
Dân hoan hô chiến sĩ pháo binh Việt Nam ghi công

    Tiếng trái phá quân thù ngập chìm dòng Lô”…

Câu nhạc đến đây chậm dần để chuẩn bị một chuyển doạn khác.Từ cung sol trưởng tác giả đưa đoạn nhạc sang cung si trưởng một cách khéo léo, tài tình:
“Đây dòng Lô, đây dòng Lô

Đoàn quân thời chinh chiến ca rằng:

Đây Volga, đây Dương Tử, đây sông Lô

Đây sóng căm hờn vút cao

Sóng lấp lánh vàng sao, ngàn chiến sĩ sông Lô

Chiến sĩ sông Lô thân rừng áo sương đang ca rằng

Giờ mồ thực dân, sóng lấp cát vàng
 Chiến sĩ sông Lô oai hùng

Đấu tranh gào kêu vang sóng

Đây giặc Pháp tàn trong căm gan toàn dân”…

Để khắc họa cảnh thê lương sau cuộc chiến đấu, tác giả cho câu nhạc chậm dần và trở về cung si thứ để rồi ngay sau đó khi mô tả cuộc sống vui của người dân, giai điệu rộn rã trở lại và đoạn nhạc trở về cung si trưởng:
 “Sông Lô đang xuôi mau

Tin về đồng lúa reo mừng
Rung trong bao hương nồng

Mừng một mùa chiến công”…

Để kết thúc trường ca, tác giả bày tỏ niềm kiêu hãnh và tự hào về dòng sông Lô lịch sử. Âm nhạc trở về với cung re trưởng chủ đạo của bài ca:

“Dòng sông Lô trôi, dòng sông Lô trôi
Mùa xuân tới nước băng qua ngàn
Nước in ven bờ xanh ôm bóng tre

Dòng sông Lô trôi”.

Phạm Duy viết: “Đó là tác phẩm vĩ đại… chẳng thua bất cứ một tuyệt phẩm nào của nhạc cổ điển Tây phương… Bài này đánh dấu sự trưởng thành của Tân nhạc”. Theo ông, Trường ca sông Lô phải là đỉnh cao nhất của nhạc kháng chiến nói riêng, của tân nhạc Việt Nam nói chung và Văn Cao là “cha đẻ” của hùng ca, trường ca Việt Nam.

Năm 1949, nhạc sĩ Văn Cao đã viết thêm bài hùng ca mô tả không khí oai hùng khi đoàn quân kháng chiến trở về Hà Nội:

“Trùng trùng quân đi như sóng
Lớp lớp đoàn quân tiến về
Chúng ta đi nghe vui

Lúc quân thù đầu hàng
Cờ ngày nào tung bay trên phố”…

(Tiến về Hà Nội)

Cuối năm 1949, Văn Cao thôi làm báo Văn Nghệ, ông chuyển về Đoàn Nhạc sĩ Việt Nam. Năm 1952, ông sang Liên Xô nghiên cứu về âm nhạc. Sau hiệp định Genève 1954, ông hồi cư về Hà Nội, làm việc cho Đài Phát thanh, nhưng rất ít sáng tác. Năm 1956, ông cầm bút viết bài cho đặc san Giai Phẩm. Ông bị kỷ luật, phải đi học tập chính trị vào tháng 7-1958 và không còn xuất hiện trên các tạp chí văn nghệ nữa. Vốn là người có tính khép kín, trầm tư, ít bộc lộ bản thân, giờ đây bị cơn hoạn nạn phủ bóng tối bi thảm lên đời ông, ông lại càng sống thầm lặng và cô độc hơn. Đây là những tháng ngày Văn Cao sống như một chiếc bóng hiu hắt bên đời. Tác phẩm cuối cùng của ông là “Mùa xuân đầu tiên”, nhưng lại bị phê bình và không được hát trong nhiều năm. Đến cuối thập niên 1980, các tác phẩm của Văn Cao mới được biểu diễn trở lại. Ông qua đời ngày 10-7-1995 tại bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội.

     Giấc mơ một đời người của ông phải đợi đến năm 2023 mới trở thành hiện thực, nhưng buồn thay, ông đã là người thiên cổ khi mọi người kỷ niệm 100 năm ngày sinh của một nhạc sĩ lớn của nền tân nhạc Việt Nam.

Nguyễn Phú Yên

Bài Mới Nhất
Search