T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Hiền Mây: PHẠM DUY – QUÊ HƯƠNG ƠI, TÓC SƯƠNG MẸ GIÀ YÊU DẤU

Ảnh (Nguồn: http://www.vodoanmy.com/)

Tình Hoài Hương, nghĩa là: hoài nghĩ, hoài thương, hoài nhớ về quê hương.

Tình Hoài Hương được Phạm Duy viết vào năm một ngàn chín trăm năm mươi hai, lúc ông vào Nam sinh sống.

Khoảng thời gian này, ông chưa di cư, chưa quyết định đưa gia đình vào Nam hẳn, thế mà nỗi nhớ nhà đã quay quắt đến mức, ông phải viết ra một bản nhạc và khi hát bản nhạc lên, cứ ngỡ như, người viết, hẳn đã bị buộc phải xa quê rất lâu rồi.

Mới nói, người nghệ sĩ, họ có những mẫn cảm đặc biệt, những linh tính, những dự báo, hay còn gọi là tiên tri, khác hơn người bình thường.

Nói, không gì bằng nỗi nhớ quê hương, là một câu nói thực, và cũng chẳng có gì ngoa ngôn ở đây. Quê hương, đôi khi không chỉ là xứ sở, vùng đất, thói quen, tập tục, lối sống. Quê hương, còn bao hàm một ý nghĩa rộng hơn, lớn hơn, đó là nơi mà ông bà, cha mẹ, gia đình, họ mạc và bạn bè còn đang sinh sống. Và nỗi nhớ quê hương, thậm chí không tính bằng năm tháng, mà còn tính bằng từng phút từng giây.

Yêu quê hương là một thứ tình cảm thuộc bản năng, sâu kín và không đổi dời. Không chỉ yêu đâu, mà người ta còn ngấm ngầm tự hào về nó. Không chỉ tự hào đâu, mà người ta còn có ý thức  bảo vệ nó. Chớ các bạn không thấy sao, tổ tiên mình, cha anh mình, biết bao người, đổ xương đổ máu cũng chỉ vì hai chữ: Tổ Quốc, Quê Hương!

******

TÌNH HOÀI HƯƠNG

1.
Quê hương tôi, có con sông đào xinh xắn

Nước tuôn trên đồng vuông vắn

Lúa thơm cho đủ hai mùa
Dân trong làng, trời về khuya, vẳng tiếng lúa đê mê

**

Ba chữ “quê hương tôi” khi thốt lên, vẻ như, có một sự tự hào ngấm ngầm và một sự khẳng định ngấm ngầm nữa. Khẳng định gì ư? Khẳng định, quê hương ấy là của tôi.

Tôi đọc tiểu sử của Phạm Duy, thì thấy ông ấy sinh ở Hà Nội, nhưng không hiểu sao, con sông quê hương mà ông nhắc tới lại là con sông ở Nam Định. Sông Nam Định còn gọi là sông Đào, là phân lưu của sông Hồng và chi lưu của sông Đáy. Nó đưa một phần nước của sông Hồng đổ vào sông Đáy và chảy ra biển Đông. Có thể, từ “đào” này, có nghĩa là do con người đào. Mà cũng có thể, từ “đào” này, chỉ màu đỏ hồng của dòng sông. 

Quê hương của ông là một quê hương no đủ. Ruộng thì no nước. Mùa thì no lúa. Dân thì no bụng. Trời về khuya rồi, mà cứ vẳng hoài, tiếng sàng sẩy lúa; mà cứ vẳng hoài, tiếng hát tiếng ca; mà cứ vẳng hoài, tiếng đòng lúa non xào xạc.

****

2.

Quê hương tôi, có con đê dài ngây ngất

Lúc tan chợ chiều xa tắp

Bóng nâu trên đường bước dồn

Lửa bếp nồng, vòm tre non, làn khói ấm hương thôn

**

Trong Tình Hoài Hương, có đến sáu lần cả thảy, Phạm Duy thốt lên: quê hương tôi, quê hương ơi. Hai chữ quê hương mới đẹp làm sao. Thốt lên sáu lần, chớ có thốt lên mười sáu hay hai mươi sáu lần, có nghe hoài, cũng không thấy chán. Phàm cái gì mình yêu, đều như vậy hết, có nói, có nhắc, có gọi tên bao nhiêu lần, cũng vẫn cho là chưa đủ.

Phạm Duy không chỉ là một bậc thầy trong soạn nhạc, trong việc viết lên tiết tấu, giai điệu mà Phạm Duy còn là bậc thầy về ngôn ngữ. Chữ Việt của ông giàu có, đặc biệt, là những từ ngữ xuất phát từ làng quê, trong trẻo, chất phác, hồn hậu. Ông thường sử dụng các từ láy. Và các từ láy ấy thường nằm ở cuối câu, thường được ông đặt vào các nốt luyến. Đó là các từ như: xinh xắn, vuông vắn, đê mê, ngây ngất, im lìm, chơi vơi, lai láng. Và vì vậy, quyến luyến. Và vì vậy, thiết tha.

Quyến luyến và thiết tha, tình quê hương.

Lời nhạc ông viết, không chỉ tượng thanh, mà còn tượng hình nữa, những âm thanh rất đẹp, những hình ảnh rất nên thơ.

Trong trí nhớ ông, quê hương hiện ra với biết bao là cảnh sắc thơ mộng, xinh xắn, đẹp đẽ và hiền hòa.

Đó là con đê dài ngây ngất. Con đê dài ngây ngất, tôi đồ rằng, chắc chỉ trong nhạc Phạm Duy mới có. Chỉ Phạm Duy mới dám viết như vậy. Chỉ Phạm Duy mới có đủ bản lĩnh, sự tự tin và cả vốn từ nữa, mới dám viết như thế. Trong văn chương, không ai viết con đê dài, mà dài ngây ngất cả. Đó là một cách viết sai. Nhưng vào nhạc Phạm Duy, nó trở nên đúng, là đúng với tình cảm – tình cảm quá chừng quá đỗi tha thiết của con người với quê hương của mình.

Đó là lúc tan chợ chiều xa tắp với những bóng nâu trên đường bước dồn. Chiều thì xuống nhanh, đường thì còn xa tít tắp, bóng nâu nào cũng vội vội vàng vàng để về với đàn con yêu dấu, để về với lũ chim con, chíu chít, ríu rít, đang há mỏ, chờ bữa cơm chiều no lành mẹ nấu. Lửa bếp nồng sẽ được khơi lên, nào là mùi củi còn ướt, nào là mùi củ khoai vùi, nào là mùi cơm sôi, và bao nhiêu mùi quen thuộc khác, rất thương rất nhớ, mùi mồ hôi áo cha, mùi khói cay xộc mắt.

Tỏa khắp vòm tre non. Quyện ấm làn hương thôn xóm.

****

3.

Ai về, về có nhớ, nhớ cô mình chăng

Tôi về, về tôi nhớ, hàm răng cô mình cười
Ơ ơ ớ

Ai về, về mua lấy, lấy miệng cười

Ðể riêng tôi mua lại, mảnh đời, thơ ngây thơ
Ơ ớ ơ ơ ờ

**

Đột ngột, ông chuyển sang lời nhắn nhủ. Có thương mới nhắn đó. Có nhớ mới gởi lời hỏi thăm đó. Không thương không nhớ ấy à, thì đi một mạch luôn, hơi đâu mà thương với nhớ.

Có ai về không, thì cho tôi nhắn với. Có ai về không, thì cho tôi nhắn cùng. Nhắn gì ư? Nhắn rằng: tôi nhớ, tôi nhớ lắm, hàm răng cô mình cười.

À há, cô mình là cô nào vậy ta. Cái từ “cô mình” này, là từ dùng để gọi, có pha chút nghịch ngợm, ghẹo trêu. Giống như ở miền Nam, người ta sẽ gọi, cô gì ấy ơi, thì miền Bắc, sẽ gọi là, cô mình ơi.

Rồi nhắn gì nữa? Ai về, thì nhớ mua cái miệng cười nha, miệng cười của cô ấy đẹp lắm. Còn để riêng tôi, thì tôi sẽ mua lại, mua lại mảnh đời, mảnh đời thơ, mảnh đời ngây thơ.

****

4.

Quê hương ơi, bóng đa ôm đàn em bé

Nắng trưa im lìm trong lá
Những con trâu lành trên đồi nằm mộng gì
Chờ nghe tôi thổi khúc sáo chơi vơi

**

Quê hương là bóng đa, bóng đa ôm đàn em bé, che mát cho đàn em bé vui chơi, học hành.

Quê hương là nắng trưa, nắng trưa biết thương người nông phu, người làm đồng áng, nên nằm im lìm trong lá, chẳng động đậy gì, để làm mát buổi ban trưa.

Quê hương còn là hình ảnh của những con trâu hiền lành nằm trên đồi, mắt lim dim ngủ, chẳng biết chúng đang mộng gì, hay đang chờ tôi thổi khúc sáo đồng quê chơi vơi gọi gió.

****

5.
Quê hương ơi, tóc sương mẹ già yêu dấu

Tiếng ru nỗi niềm thơ ấu

Cánh tay êm tựa mái đầu

Ôi bóng hình, từ bao lâu, còn ghi mãi sắc màu

**

Quê hương ơi, tóc sương mẹ già yêu dấu – tôi đã lấy câu này để làm câu tựa đề cho bài viết hôm nay, bởi vì nó hay quá, bởi vì nó đẹp quá, bởi vì nó thơ quá.

Tất cả những gì viết về mẹ, đều là thơ, đều là nhạc. Tóc mẹ sương rồi!

Không hiểu sao, cứ nghe Thái Thanh hát đến câu này, là tôi lại chạnh lòng mà rưng rưng giọt khóe. Lạ lùng. Tóc sương, người ta vẫn dùng để viết văn, viết thơ đấy thôi, có gì lạ đâu. Vậy mà đến khi ông Phạm Duy ổng đưa nó vào nhạc, thì nó lại làm động lòng tôi quá thể.

Tài hoa, thiên tài, là ở chỗ này đây.

Quê hương là tiếng mẹ ru con, những ngày thơ ấu. Quê hương là cánh tay mẹ êm, cho con tựa mái đầu. Quê hương là bóng hình mẹ, bóng hình cha, từ xưa đến nay, con vẫn còn ghi tạc mãi.

****

6.
Tình hoài hương

Khói lam vương tâm hồn chìm xuống

Chiều xoay hướng

Sống vui trong mối tình muôn đường

Tình ngàn phương

Biết yêu nhau như lòng đại dương

Người phiêu lãng
Nước mắt xuôi về miền quê lai lángQuê hương ơi
Quê hương ơi.

**

Những khi nghe lòng mình hoài hương là những khi tác giả lại nghe tâm hồn như chìm xuống, trĩu nặng nỗi nhớ thương.

Tác giả, thời tuổi trẻ, thường ước, giá gì có cuộc xoay chuyển của đất trời, cho mình thoát khỏi nơi đây, thoát những quanh quẩn làng quê chật hẹp, được đi đó đi đây, khắp nơi, vạn hướng, với cuộc đời muôn phương, với cuộc tình như đại dương, sóng biếc.

Nhưng rồi, người phiêu lãng nào rồi cũng đến lúc quay về, tìm về.

Tôi thích nhứt là câu “nước mắt xuôi” ở đoạn cuối này. Nước mắt khi nào cũng chảy xuôi, như cây có cội, như nước có nguồn.

Xuôi, là tìm về. Xuôi, là quy luật.

Nước mắt xuôi về đâu vậy? Xuôi về miền quê lai láng. Lai láng tình mẹ. Lai láng tình cha. Lai láng tình quê hương, cố xứ.

Quê hương ơi. Quê hương ơi!

******

Năm một ngàn chín trăm chín mươi, trong Hồi Ký của mình, Phạm Duy viết: Tình Hoài Hương nằm trong loạt bài quê hương mà tôi sáng tác trong cả thời bình và thời chiến. Nó là sự nhớ nhung của tôi với một nửa quê hương mà tôi phải xa lìa. Lúc viết, tôi có ngờ đâu, sau này, nó lại trở thành bài hát hoài hương của một triệu người di cư vào Nam, hai năm sau đó.

Đâu chỉ một triệu người di cư từ Bắc vào Nam nhỉ. Mà tôi nghĩ, còn nhiều triệu người Việt lìa xứ, vì lý do này hay lý do khác, Tình Hoài Hương cũng trở thành nỗi niềm riêng của họ.

Một người bạn của tôi, nay đang ở Mỹ, bạn ấy tâm sự, có một chiều giáp Tết, ngoài trời tuyết bay trắng xóa, bạn ấy và hai người bạn khác, cùng là gốc Việt, khi nghe Tình Hoài Hương, tất cả, đều đã rơi nước mắt.

Ngay cả tôi giờ đây, viết đến câu này, tự dưng cũng nghe nghẹn ngang lồng ngực, tưởng như ai lấy đá đè lên, một nỗi khó tả, có phải chăng, đó cũng là nỗi nhớ quê hương?

Các bạn, có khi sẽ cười tôi, và thắc mắc, tôi đang ở chính trên quê hương của mình, vậy mà sao nói nhớ? Nhớ ấy là nhớ gì?

Thì tôi sẽ hỏi lại các bạn, Thanh Tâm Tuyền từng viết: ôm em trong tay mà nhớ em ngày sắp tới, thì tại sao tôi lại không được nhớ quê hương của mình, ngay cả khi tôi đang vẫn còn ở tại quê hương?

Quê hương của tôi, không chỉ là vùng đất nơi tôi sinh ra, lớn lên và đang cùng trải qua mọi thứ với nó, mỗi ngày. Quê hương của tôi còn bao hàm cả những ngày thơ ấu, của lứa tuổi học trò, ăn chưa no lo chưa tới. Tôi nhớ quê hương ấy đó, không được sao?

Ai cũng được quyền nhớ quê hương và lứa tuổi nào cũng có thể nhớ về quê hương của mình. Không chỉ một ông Phạm Duy nhớ quê hương mà viết Tình Hoài Hương lúc ba mươi tuổi. Một đứa bé ba tuổi, mà buột ra, khi thấy mẹ đi chợ về “con nhớ mẹ quá, mẹ ơi”, cũng là đang nhớ quê hương mình đó.

Tôi rơi nước mắt, khi viết đến đây.

Quê hương là mẹ. Quê hương là ba. Làm sao mà không nhớ. Làm sao mà không tình.

Tình Hoài Hương!

Sài Gòn 30.03.2024
Phạm Hiền Mây

Tình Hoài Hương (Phạm Duy) Thái Thanh

Paris By Night 19 – Tác Phẩm & Con Người Phạm Duy

Bài Mới Nhất
Search