T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan Nhật Nam: Sự Thật cuối cùng đến quá trễ!

(Nguồn: Thông Luận)

“…Đoạn đường dài đẫm máu toàn Dân Tộc Việt này không loại trừ một ai được tổ chức/chỉ đạo/điều hành bởi: Nguyễn Sinh Côn, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Linov, Vương Đông Hải, Hồ Quang, Hồ Chí Minh… được thi hành, thực hiện với Trường Chinh, Võ (Nguyên) Giáp, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nguyễn Văn Linh… Danh sách sẽ rất dài nếu muốn kể đủ…”

hochiminh016
Từ trái qua: Ông Tôn Đức Thắng, ông Hồ Chí Minh
và ông Hoàng Quốc Việt trong căn cứ kháng chiến Việt Bắc năm 1948

Nỗ lực của hệ thống cộng sản phương Đông là tạo nên một tính chất tôn giáo, và nguồn cảm hứng của một tôn giáo.

Albert Einstein

Đời sống không Tình Thương giống như cây không nở hoa, đơm trái.

Khalil Gibran

Tôi biết nó!

Thằng nói câu nói đó!

Tôi biết nó!

Đồng bào miền Bắc biết nó!

Nguyễn Chí Thiện, 1968

Không có gì quý hơn Độc Lập-Tự Do

Hồ Chí Minh

Xã hội chủ nghĩa dẫu chưa hoàn chỉnh nhưng tốt đẹp gấp vạn lần chế độ tư bản!

Trường Chinh, dịp “Thống nhất nước nhà về mặt nhà nước”, 1976.

Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô. Đánh cho Trung Quốc.

Lê Duẩn

Đường vinh quang xây trên xác quân thù! Thề phanh thây uống máu quân thù!

Tiến Quân Ca của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa/Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Văn Cao, Trưởng Ban Ám Sát Thành Phố Hải Phòng, 1945

Người cộng sản phải luôn sẵn sàng trong mọi thời thế để đấu tranh cho Sự Thật, bởi Sự Thật chính là Quyền Lợi của Nhân Dân.

Mao Trạch Đông “Về Chính Phủ Liên Hiệp” (Ngày 24 tháng 4, 1945)


Dẫn Nhập: Vào một ngày dịp Tết năm 1950 qua 1951, trong chiến khu tả ngạn sông Hương, đứa nhỏ hỏi một cán bộ cộng sản loại cao cấp tên Nhân (chắc chỉ là bí danh; có cây súng cá nhân nhỏ): Tại sao súng chú to vậy? Chú Nhân đáp: Súng to dùng để bắn Tây. Vài ngày sau người trong khu khám phá xác bà mẹ chị Trang (người giúp việc cho gia đình đứa nhỏ) chết ngã sấp nơi bờ sông, chỗ đứa bé và chú Nhân có đối thoại kể trên. Vừa thấy xác mẹ chị Trang, đứa nhỏ nhớ ngay đến hai hình ảnh: Đêm đêm bà đút nước cháo cho du kích. Và ánh mắt tìm kiếm, dò xét của chú Nhân khi loay hoay nơi bờ sông… Nay, sáu mươi năm hơn, trí nhớ của đứa trẻ chưa lên mười năm ấy vẫn còn nguyên độ với câu tự xác định từ tấm bé: Chú Nhân bắn mẹ chị Trang chứ không ai hết. Chú Nhân ÁC quá!

Kể thêm câu chuyện, qua năm 1954 sau khi đã vào Đà Nẵng, đến khu bệnh viện Đường Lê Lợi (sau 1954 sửa chữa thành Trường Nam Tiểu Học; sau 1975, nhà nước cộng sản đổi thành Trường Trung Học Cơ Sở Phan Châu Trinh thay thế Trường Phan Châu Trinh cũ (đối diện với trường Nam Tiểu Học) xem cuộc triển lãm tranh ảnh của Chiến Dịch Tố Cộng… Nhìn thấy bức ảnh ông Hồ ngồi giữa một đám thiếu nữ với lời ghi chú “Bác Hồ dâm bôn”. Dẫu chưa hiểu đủ nghĩa chữ “dâm bôn” nhưng gã thiếu niên tin rằng “Bác Hồ (quả thật) dâm bôn” vì nhìn ra nét mặt hả hê thống khoái của ông Hồ được nhiều thiếu nữ vây quanh. Qua thập niên 60, lớn lên đi lính dịp hành quân, bản thân tìm thấy trong mật khu cộng sản những hình ảnh ông Hồ ôm hôn trẻ con (phần đông là trẻ gái) từ trong Nam ra Bắc…

Từ những sự kiện này, ý “dâm bôn” đối với Hồ Chí Minh từ nhỏ được khẳng định/rõ hơn là ấu dâm-Hiện thực nên thành chữ nghĩa trong Phan Nhật Nam, Chương “Cái Chết Của Một Lãnh Tụ – Dọc Đường Số I, NXB ĐạiNgã Sài Gòn, 1970. Và sau này, khi đọc đến vụ việc Hồ Chí Minh thuận để bộ trưởng công an Trần Quốc Hoàn hiếp xong giết hại cô Nông Thị Xuân, người đã thai sinh Nguyễn Tất Trung sau thời gian dài ăn ở với ông Hồ dưới danh nghĩa “con nuôi của bác”. Với vụ việc này cảm nhận từ những năm 50, 60 xa xôi kia càng trở nên hiện thực qua kết luận: Hồ Chí Minh là biểu hiện thuần thành của Tính Dâm/Sự Ác. Nói rõ hơn: Nơi nhân sự có tên Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Sinh Côn, Nguyễn Ái Quốc, Linov, Lão Vương, Hồ Quang… mà cuối cùng là Hồ Chí Minh thì Lực Dâm đã được chuyển hóa nên thành Mưu Thuật/Trí Hiểm/Bản Lãnh một cách toàn diện và triệt để của Sự Ác.

Ý niệm ÁC từ 1950, 1960… về người và chế độ cộng sản điển hình với Hồ Chí Minh dần được xác chứng bởi mắt thấy/tai nghe/thính giác ghi nhận/xúc giác chạm đủ với tận mười đầu ngón tay tại những hiện trường còn mùi bom đạn/âm âm sự chết/đầm đìa sự tàn nhẫn do người cộng sản gây nên khắp từng thước đất miền Nam. Sự Chết với tác nhân cộng sản bày ra đủ từ vùng Châu Thổ sông Cửu Long qua chiến khu D, vùng rừng miền Đông Nam Bộ; ở Cao Nguyên Trung Phần đầu nguồn sông Ia Drang… Và cụ thể với mỗi con đường, mỗi căn nhà ở Huế sau Mậu Thân (2/1968). Điển hình hơn hết trên 9 cây số đường từ Hải Lăng đến Cầu Câu Nhi Phường, ngày theo Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù tái chiếm Quảng Trị 25 tháng 6, 1972. Và cuối cùng, nói sao cho đủ, viết sao cho hết với mỗi bước chân dẫm lên xác người di tản từ Pleiku về Tuy Hòa, bắt đầu ngày 16 Tháng 3, 1975 đề kết thúc đúng giờ Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng với thây một con trẻ nát nhầy trước Trại Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù Đường Lê Văn Duyệt, đối diện Nghĩa Trang Đô Thành. Tiếp theo với mười-bốn năm nơi những nhà tù Bắc/Nam sau 1975 thì xác chứng kể trên đã nên thành một xác quyết không thể nào phủ nhận được – Cộng Sản/Sự Ác là Một.

Đèn Cù của Trần Đĩnh đến năm 2014 mới được in ra. Quá trễ. Nhưng muộn còn hơn không bởi còn nhiều người, rất nhiều người vẫn tin rằng: Người cộng sản dẫu sao cũng là người việt nam (không thể có can đảm viết hoa vì không đủ nhẫn tâm đối với 90 Triệu Người Việt Nam hiện tại đang ở trong nước). Bài viết sẽ được chứng minh từ, với chữ của Trần Đĩnh chứ không phải của ai khác – Đảng viên đảng cộng sản việt nam, từ 1948, bắt đầu 1951 viết báo “Sự Thật”. Cái gọi là “Sự Thật” đến bây giờ mới được soi tỏ bởi ánh sáng một cây Đèn Cù – Một loại đèn với hình ảnh, ánh sáng không thật.

Một: Đảng không thật/Đảng không mạnh

Đảng không thật. Vì ngay từ lúc chưa chính thức thành hình, năm 1925, Nguyễn Sinh Côn (Hồ Chí Minh sau này) thử “Việt Nam Hóa” tổ chức thanh niên cộng sản do ông thành lập qua danh xưng Việt Nam Thanh Niên Kách Mệnh Ðồng Chí Hội. Mưu định “Việt Nam Hóa” bị khám phá, ông Côn bị thất sủng do nghi ngờ có tinh thần “hữu khuynh quốc gia” đối với Ban Phương Ðông của Quốc Tế Cộng Sản. Năm 1930, ông lại thêm một lần bị chỉ trích và phê phán vì đã tự động thống nhất ba chi phái cộng sản (Đông Dương Cộng Sản Đảng; Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn; An Nam Cộng Sản Đảng) dưới danh xưng Việt Nam Cộng Sản Ðảng! Quốc Tế Cộng Sản cực lực lên án sự thống nhất với danh xưng này vì cho đây là biểu hiện của sự phân liệt, đặt mục tiêu quốc gia lên mục tiêu quốc tế. Cuối cùng, tổ chức cộng sản (gọi là Việt Nam) đầu tiên phải lấy lại tên cũ: Đông Dương Cộng Sản Đảng! Quyết định do Đại Hội Trung Ương Đảng Lần Thứ Nhất họp tại Hồng Kông (Tháng 10, 1930) căn cứ trên nghị quyết của Quốc Tế Cộng Sản. Như thế Đảng cộng sản (gọi là) Việt Nam sống đúng được 8 tháng từ tháng 2 đến tháng 10 năm 1930.

Nhưng dẫu đã ngoan ngoãn tuân hành Quốc Tế Cộng Sản… Tháng 12, 1945, Đảng Cộng Sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán với tờ báo đầu tiên của nó, Cờ Giải Phóng. Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác (không cõng kèm theo chủ nghĩa Lê-nin) bèn ra đời cùng báo Sự Thật (Lại thêm một lần của nhiều vay mượn, vì “Pravda -Sự Thật” là cơ quan ngôn luận của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Dân chủ Xã hội Nga và Đảng Cộng sản Liên Xô từ 1912 đến 1991. Sau này, Sự Thật/Việt Nam được thay thế bởi Nhân Dân, số báo đầu tiên ra ngày 11 Tháng 3 năm 1951 tại chiến khu Việt Bắc. Báo Sự Thật/Nhân Dân/Cộng Sản Việt Nam giữ vai trò tương tự như báo của Liên Xô cho đến hôm nay, Thế Kỷ 21, với tổng số phát hành 180.000 tờ/ngày. Hầu hết người Việt, kể cả đảng viên, các cơ quan nhà nước thường dùng gói đồ, việc vệ sinh… Pnn).

Đây là một vận động trái khoáy, ngược chiều cực kỳ hiếm mà lúc ấy (1945-Pnn) tôi chưa biết: Vừa giành được chính quyền để nổi lên thì đảng đảng lập tức “thoái trào”, rút vào bí mật, giấu tiếng, ẩn danh như chưa từng có bao giờ… (Đèn Cù, trg 19).

Giải tán đảng, đổi tên báo không phải là việc làm tùy tiện, nhất thời của Hồ Chí Minh, ủy ban trung ương đảng… Trần Đĩnh giải thích: Cụ Hồ mượn tên Trần Lục (Hồ Chí Minh luôn có thói tiếm danh/giấu tung tích, như đã một lần với danh xưng Nguyễn Ái Quốc của nhóm Ngũ Long – Năm Người An Nam Yêu Nước ở Paris, 1919) của Cụ Sáu, Phêrô Trần Lục (1825-1899), giáo sĩ nổi tiếng vùng Bùi Chu, Phát Diệm)chỉ viết đến kháng chiến thắng lợi và đất nước hạnh phúc chung chung. Ai rồ mà nói lại chủ nghĩa xã hội, cải cách ruộng đất,thủ tiêu giai cấp? Để cho dân bỏ vào tề (Tề/Thành/T: Vùng quốc gia -Pnn). Về danh nghĩa đảng đã giải tán hoạt động trong bóng tối che chắn của chính quyền (Chính phủ liên hiệp/Chính phủ kháng chiến, thành hình tại Hà Nội, 2/9/45 -Pnn) do đảng nắm chặt (Đèn Cù- Trg 28).

Cần nhắc lại, năm 1942, Hồ Chí Minh (đang mang tên Nguyễn Ái Quốc bị Quốc Dân Đảng Trung Hoa cầm tù) và tổ chức cộng sản (Việt Nam) cũng đã một lần buộc phải cởi lốt, mặc áo khác, trốn sau lưng một danh xưng khác… “Theo lệnh trung ương (đảng), Hoàng Quốc Việt đến bảo Kỳ Vân (Một đảng viên trung ương cự phách, sau này phải tự vẫn vì tội “chống đảng”, cả gia đình phải chịu liên hệ. Sẽ nói lại nhân vật kiệt liệt này ở chương sau-Pnn)sang Hoa Nam tham dự đại hội Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội do Quốc Dân Đảng Trung Hoa, Tưởng Giới Thạch triệu tập cuối năm 1942. Họ (Quốc Dân Đảng Trung Hoa-Pnn) muốn thống nhất các tổ chức chính trị Việt Nam ở Hoa Nam để đánh Nhật ở trong nước… Cũng nhờ Hồ Học Lãm (Phe cách mạng quốc gia-Pnn) nói với Trương Phát Khuê (Một thủ lãnh Quốc Dân Đảng Trung Hoa-Pnn) nên cụ (NAQ/Hồ Chí Minh-Pnn)được ra khỏi tù cùng với Nguyễn Hải Thần (Phe cách mạng quốc gia-Pnn) về nước lãnh đạo Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội (gọi tắt Việt Minh)(Đèn Cù, trg 39).

Tóm lại, tất cả nguyên nhân quyết định tiên khởi để có “Cách mạng mùa Thu/Cướp chính quyền/Tuyên ngôn độc lập đọc tại Ba Đình ngày 2/9/45” là từ đây: Nguyễn Ái Quốc/Hồ Chí Minh được ra khỏi nhà tù của Tưởng Giới Thạch do sự bảo chứng của Hồ Học Lãm, Nguyễn Hải Thần, những lãnh tụ cách mạng quốc gia đối với Quốc Dân Đảng Trung Hoa.

Đảng không mạnh. Tháng 10, 1949 nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ra đời. Hơn hai tháng sau cụ Hồ (đã là chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ 2/9/1945-Pnn)bí mật len qua vùng địch ở Phục Hòa, Cao Bằng đi Trung quốc…

…Đâu biết đại thí sinh sắp dự cuộc khẩu thí mà nếu trúng tuyển thì đất nước sẽ đoạn tuyệt hẳn với thế giới…

…Ông cụ sang kiểm thảo với Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai…

…Ông cụ kiểm thảo xong, Lưu Thiếu Kỳ nhận xét, góp ý kiến…

– Sao lại kiểm thảo?

– Là một chi bộ của quốc tế. Phải xin quốc tế cho nhận xét chứ!…

Nhưng hệ lụy đã nằm sâu bến trong vô thức đảng viên cộng sản Việt Nam: Vị trí đàn em, bên dưới, yên phận, biết ơn…

…Xuân Trường (Ủy viên trung ương đảng, thập niên 60, 70-Pnn)bác nhà mình chủ động khẳng định với Bác Mao quan hệ môi răng giữa Việt Nam và Trung Quốc…

…Bác tự động nhận mình chỉ nêu được có tác phong, còn tư tưởng, lý luận thì để cho Mao Chủ Tịch. Được lãnh tụ ráo riết giáo dục (?-Pnn)điều lệ thêm câu: Lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam…

…Từ 1951, tuần nào báo Nhân Dân cũng có vài mẫu của CB (tức cụ Hồ) phổ biến mọi mặt của Trung Quốc… Dần dà đảng viên cộng sản Việt Nam lại tìm ra chỗ để tự hào được làm em của hai nước vĩ đại: Liên Xô anh cả và Trung Quốc anh hai…(Đèn Cù, từ trg 47-51).

Từ 1951 đã là vậy huống gì đến năm 1954 với yểm trợ của Trung cộng từ bát ăn cơm, bánh lương khô, đến khẩu pháo kéo vào trận địa… Nên dẫu đã chiến thắng trong những ngày đầu Tháng 5, 1954. Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đã buộc phải đến Liễu Châu theo lệnh từ Bắc Kinh trong lúc thế nước đang hồi quyết định để tiến hành tám lần họp trong ba ngày (3-5 Tháng 7, 1954). Cuộc họp đưa ra quyết định trọng đại tại Hội Nghị Đình Chiến Đông Dương đang họp tại Genève (7/1954) đối với số phận tương lai của Việt Nam dưới chủ trì của Chu Ân Lai nhận lệnh trực tiếp từ Mao Trạch Đông.

40 năm sau, 1990 tại Thành Đô, Trung Hoa khi hệ thống đảng cộng sản thế giới đang trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Với tập đoàn lãnh đạo gồm những nhân vật thứ yếu như Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười…Và dẫu có sự tham dự của cố vấn Phạm Văn Đồng, thuộc thế hệ lãnh đạo cộng sản thứ nhất cùng đến Thành Đô. Nhưng cố vấn Đồng cũng chỉ có mặt đề xác chứng thêm một lần thuận nhượng Hoàng Sa-Trường Sa qua công hàm ấn ký ngày 14 tháng 9, 1959 về quy định của Châu Ân Lai. Vậy hỏi thử tập đoàn cầm đầu đảng cộng sản nơi Hà Nội hôm nay có thể xoay trở được gì qua sự kiện giàn khoan HD981?

Trong suốt quá trình gần một thế kỷ (1930-2014), Đảng cộng sản Việt Nam không hề thật/Đảng không hề mạnh/Đảng chỉ là vệ tinh của Quốc Tế Cộng sản, nói rõ hơn thống thuộc với Đảng cộng sản Trung Hoa. Và tất cả tai họa cuối cùng chung nhất của toàn Dân Tộc Việt Nam rộng ra với dân chúng ba nước Đông Dương (tất nhiên bao gồm cả người/tổ chức đảng cộng Đông Dương/Đảng cộng sản Việt Nam) không phải là vấn đề: “Mao nhều”- Chữ của Trần Đĩnh để chỉ nhóm “thuần Mao” nơi tòa soạn báo Nhân Dân, nhà xuất bản Sự Thật, Bộ chính trị ở Hà Nội… Hay là nhóm gọi là “Xét Lại” tức là thành phần “Mao (không) nhiều” mà là “Khruschev gộc” tức là nhóm theo Liên Xô/Thuần Nga, v.v.

Những vấn đề như trên là “VẤN ĐỀ GIẢ”. Vấn đề chính là “Hồ hàm” tức là “Thuần Hồ/Từ Hồ/Của Hồ/Với Hồ” – Đầu mối toàn bộ tai họa của Phận Mệnh Việt Nam/Đông Dương. Tập thể “Hồ hàm”” không chỉ giới hạn nơi Hà Nội mà có mặt của Mặt trận giải phóng Miền Nam; Đảng Nhân Dân Cách Mạng Lào; đảng Nhân Dân Cách Mạng Khmer – Những sản phẩm thuần thành từ Đảng cộng sản Đông Dương/Việt Nam – Tức là của “Hồ hàm” chứ không thể của ai khác. Đây là nội dung của những phần kế tiếp mà bản thân phải nói cho đến tận cùng khi Viết với Tính Thật của hôm nay 2/9/2014 thay thế Lịch Sử bị đánh tráo từ 2/9/1945 khi đọc Đèn Cù của Trần Đĩnh.

Bởi, chỉ mấy chục trang sách từ 19 đến 51 thôi mà Trần Đĩnh phải đợi hết một đời người mới viết được viết nên!

Hai: Thuần Hồ/Của Hồ/Với Hồ

Quả thật Đảng cộng sản Việt Nam không phải hên may mà đoạt thắng suốt lịch sử dài từ 1945, 1954, 1968, 1972, 1975… nhưng bởi đã tập họp đủ các điều kiện thuận tiện, vận động thời cơ đúng lúc, lợi dụng được tình thế… do những sơ hở, nhầm lẫn của lịch sử luôn lập lại. Những nhầm lẫn khách quan và chủ quan của thế trận quốc tế, nơi khu vực Đông Nam Á đưa tới để thực hiện “Cách mạng Tháng 8 năm 1945”; những lổ hổng (có dự tính của các bên đàm phán) của Hiệp Ước Đình Chiến Đông Dương 1954; những mù mờ (rất nhiều tính toán của các bên giữ phần quyết định) khi ký kết Hiệp Định Tái Lập Hòa Bình Tại Việt Nam 1973… Những nhầm lẫn, dự mưu, tính toán từ nhiều thế hệ lãnh đạo mang đủ quốc tịch Mỹ, Hoa, Nga, Anh, Pháp…Những nhân sự khôn ngoan, trí hiểm nói lên lời và thực hiện đủ sách lược: “Trong chính trị không có kẻ thù vĩnh viễn chỉ có lợi ích (quốc gia của mỗi bên) là không thay đổi… “. Đây là những người không hề kể đến mối đau Việt Nam, vì “Việt Nam Cộng Hòa” hay “Việt Nam Cộng Sản” không là mối quan tâm của họ như trong lần Cố vấn an ninh quốc gia Kissinger bàn tính với Thủ tướng Châu Ân Lai ở năm 1972 về cục diện Đông Nam Á, thế trận toàn cầu. Và cuối cùng, nhân vật tên gọi Nguyển Tất Thành, Nguyễn Sinh Côn, Linov, Thầu Chín, Lão Vương, Hồ Quang, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh và những kẻ phụ tá, Trường Chinh, Lê Duẩn, Võ Giáp, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ… cùng một tập thể gồm những cá nhân thuộc tổ chức đảng cộng sản – Tập thể tuy gọi là người Việt này nhưng suy nghĩ, hành động theo chỉ đạo của tổ chức cộng sản quốc tế, cụ thể những nghị quyết xuất phát từ Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh.

Kể từ Hội Nghị Thành Đô 1990 Bắc Kinh chiếm giữ độc quyền chỉ đạo Hà Nội, sau khi đảng và nhà nước cộng sản Liên Xô tan rã, 1991. Đồng thời trong quá trình tuân phục tổ chức quốc tế cộng sản, giới cầm quyền đảng, nhà nước cộng sản Việt Nam luôn áp dụng một phương cách, phương tiện, điều kiện,hoàn cảnh riêng để thực hiện cho bằng được mục tiêu: “Bao nhiêu lợi quyền tất qua tay mình. Đấu tranh này là trận cuối cùng. Kết đoàn lại để ngày mai… Sẽ là xã hội tương lai..”., như bài hát Quốc Tế Ca kêu gọi thúc dục. Chỉ khác, nội dung bài hát được sáng tác năm 1870 từ lời thơ viết bởi trái tim cao thượng của Eugène Pottier (1816-1887), sau được Pierre Degeyter (1848-1932) phổ thành khúc ca hùng tráng thì quyền lợi hôm nay không vào tay của giai cấp công nhân-nông dân như lời tuyên truyền khuyến dụ của Karl Marx, Lenin, Stalin, Fidel Castro, Kim Nhật Thành, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh khi khởi nghiệp bạo loạn, cướp chính quyền. Trái lại, hai giai cấp tiền phong này trở thành thành phần cùng khổ, đọa đày nhất với thực tế suốt một thế kỷ vừa qua và hiện nay. Công nhân, nhất là nông dân chiếm số lượng lớn trong tổng số 100 triệu người bị giết bởi những chế độ cộng sản Đông- Tây. Và giai cấp gọi là “vô sản chuyên chính cầm quyền” trở thành một loại “tư bản đỏ/thái tử đảng” – Hội đủ toàn phần những tính chất “tàn bạo/bóc lột/phản động/lạc hậu/độc đoán/tham lam/ích kỷ..”. của tất cả những chế độ, cá nhân độc tài cầm quyền mà lịch sử nhân loại hẳng chứng kiến. Tập đoàn những cá nhân – gia tộc-phườnghội-bè đảng hiện đang ở Bắc Kinh, Hà Nội, Bình Nhưỡng, La Havana… Putin, kẻ cầm quyền hiện tại nơi nước Nga cũng là một sản phẩm của thứ loại cầm quyền này chứ không thể ai khác. Chúng ta hãy xem người cộng sản Việt Nam đoạt quyền/thu lợi/chiếm giữ vị thế như thế nào.

Cần nhắc lại sự kiện, được sự đồng ý của Quốc Tế Cộng Sản, Tháng 12, 1945, Hồ Chí Minh giải tán Đảng Cộng Sản Đông Dương, tức tiền thân của đảng cộng sản Việt Nam. Đồng thời tuyên bố kết thúc tờ báo đầu tiên của đảng, báo Cờ Giải Phóng. Tiếp theo, đảng (đã rút vào bí mật) cho ra báo Sự Thật, tiếp là Nhân Dân để thay thế. Đây là tờ báo mà Trần Đĩnh hãnh diện kể lại là một trong ba người biên tập đầu tiên, lúc mới qua tuổi 20 (Trần Đĩnh sinh năm 1930). Mối hãnh diện mà nay viết lại sau hơn nửa thế kỷ vẫn còn nguyên cảm xúc Cái gì còn lại của bài học Tổng bí thư (Trường Chinh)trực tiếp buổi ngu ngơ nhập môn… Tinh thần được nhìn, phê phán, xây dựng y như Tổng bí thư” (Đèn Cù, trg 23). Báo Sự Thật hay báo Nhân Dân thay thế sau này giữ vai trò quan trọng tương tự như các báo chính thức của đảng cộng sản Liên Xô, Trung Cộng cho đến hôm nay, Thế Kỷ 21.

Báo Nhân Dân với ba thành viên cốt cán đầu tiên gồm Trường Chinh, Hoàng Tùng, Trần Đĩnh còn có một cây bút ần danh khác… “Có lẽ để phối hợp với bài báo của tôi (Trần Đĩnh), CB (bí danh của Bác Hồ) gởi đến bài “Địa chủ ác ghê” có nội dung: Thánh hiền dạy rằng: “Vi phú bất nhân”. Ai cũng biết rằng địac chủ thì ác: như bóc lột nhân dân, tô cao lãi nặng, chây lười thuế khoa -thế thôi. Nào ngờ có bọn địa chủ giết người không nháy mắt. Đây là một thí dụ: Mụ địa chủ Cát-Hanh-Long cùng hai đứa con và mấy tên lâu la đã kể các tội cụ thể và con số cụ thể (Đèn Cù, trg 85). Trần Đĩnh đã kể lại chính xác hành vi, bút phê, chữ ký của Hồ Chí Minh khi quyết định giết bà Nguyễn Thị Năm (Cát-Hanh-Long), là người chủ gia đình đã đón bản thân Hồ Chí Minh và đám cán bộ trung ương Việt Minh cộng sản về trú ngụ tại nhà bà ở Hà Nội trong những ngày tháng 8, tháng 9, 1945 trước khi Hồ khai sinh nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ngày 2 Tháng 9, 1945.

Bà Nguyễn Thị Năm không phải “được chết oan” một cách yên lành nhưng với cảnh kinh hoàng… “Khi du kích đến đưa bà đi, bà ta đã cảm thấy như có sự gì nên cứ van lạy “các anh làm gì thì bảo em trước để em còn tụng kinh..”.. Bà ta vừa quay người thì mấy loạt đạn tiểu liê nổ sát lưng… Mua áo áo quan được thì không cho bà ta vào lọt. Du kích mấy người bèn đặt bà ta lên miện cổ áo quan rồi nhảy lên vừa giẫm vừa hô: “chết rồi còn ngoan cố này..”.. Nghe xương kêu răng rắc… Cuối cùng bà ta cũng vào lọt, nằm vẹo vọ như con rối vậy..”. (Đèn Cù, trg 86).

Bà Nguyễn Thị Năm không bị thanh toán một mình, con bà… “Chính ủy Công, Trung đoàn pháo 105 ly đang học ở Côn Minh, Trung Quốc (Bài báo trên của CB (Hồ Chí Minh) có nhắc đến trường hợp Chính ủy Công)bị điệu về cùng mẹ chịu đấu tố, nhưng “nghe nói” không được chứng kiến vụ chôn cất mẹ” (Theo cách man rợ kể trên -pnn) (Đèn Cù, trg86). Sợ rằng viết như thế chưa trình bày đủ khả năng/quyền giết người của Hồ Chí Minh, Trần Đĩnh viết rõ hơn… “Sở dĩ báo chí báo chí không dự đấu là vì giữ bí mật, ngại Đồng Bẩm cách Hà Nội vài chục cây số đường chim bay, Pháp có thể nhảy dù xuống đó. Cụ Hồ bịt râu đến dự một buổi và Trường chinh thì đeo kính râm suốt” (Đèn Cù, trg 84).

Giết bà Nguyễn Thị Năm, (Ân nhân lớn của đảng nhà nước cộng sản khi đang trong hoạt động bí mật) không phải chỉ do hành vi đơn lẻ của một đội cải cách ruộng đất, nhưng là một sách lược chung được chỉ đạo nhất quán từ quyền giết người của Hồ Chí Minh… “Tôi(Trần Đĩnh)đọc lại danh sách những người bị tuyên án tử hình do các đoàn ủy thí điểm giảm tô trong Thanh-Nghệ gửi lên Cụ Hồ đề duyệt ân xá. Mỗi bản gồm tên bảy tám con người khốn khổ” (Đèn Cù, trg 90). Nhưng Hồ Chí Minh thật ra cũng chỉ là kẻ thi hành vì: “Hoàng Tùng (Biên tập/Tổng biên tập Nhân Dân (1951-1982); Ủy viên BCH/TUĐ (1976-82) -Pnn) hồi ký: “…Mùa hè năm 1952 Mao Trạch Đông và Stalin gọi Bác sang, nhất định bắt phải cải cách ruộng đất. Sau thấy không thể từ chối được nữa Bác mới quyết định phải thực hiện… Họ muốn qua cải cách ruộng đất để “chỉnh đốn” lại Đảng ta. Thời gian từ lúc tiến hành cải cách ruộng đất đến lúc dừng là 3 năm” (Trích đăng từ hối ký Hoàng Tùng “Vài chuyện về Bác Hồ với Trung quốc -Pnn). “Trung quốc đã rắp tâm đưa đảng cộng sản Việt Nam vào qũy đạo của Trung quốc như bóng với hình” (Đèn Cù, trg 95).

Cuối cùng, sợ rằng viết rõ như trên sẽ làm sứt mẻ đến “uy tín, đạo đức của bác Hồ”, Trần Đĩnh biện hộ mập mờ quanh quẩn: “Trong hồi ký nói về mười nỗi buồn của Bác Hồ, viết bác không tán thành đấu Nguyễn Thị Năm” (Đèn Cù, 85).

Đến đây chúng ta có thể kết luận không sợ sai lầm: Chính Hồ Chí Minh chứ không ai khác là tác nhân xây dựng/lãnh đạo/điều hành toàn diện các kế hoạch của đảng cộng sản Việt Nam từ ngày thành hình 1930 qua các giai đoạn cao trào cũng như thoái trào của tổ chức chính trị bạo lực này. Tiến trình này hiện thực cụ thể trong chiến dịch cải cách ruộng đất khởi động từ 1953 đến năm 1956 như trên đã đề cập với những nhân sự điển hình: “Phá đảng lừng danh quân Đặng Thí. Giết người khét tiếng gã Chu Biên” (Đèn Cù, trg 111). Những tên sát nhân thành danh này không hề bị trừng phạt, trái lại được tưởng thưởng do công lao xây dựng chế độ với thành tích: “Chu Văn Biên, bí thư đoàn ủy cải cách ruộng đất Nghệ-Tĩnh, bắt ghế ngồi trên thềm cao chỉ tay vào mặt mẹ đẻ chấp tay đứng dưới sân gằn giọng…Tao với mi khôn gmẹ không con mà chỉ là kẻ thù giai cấp của nhau. Tao có phận sự tiêu diệt mi… Chu Biên được đề bạt thứ trưởng nông nghiệp do”nhiệt tình cách mạng” (Đèn Cù, trg111). Và Đặng Thí được đề cử vào BCH/TUĐ khóa 1967-1982 cùng với Hoàng Tùng, đồng nghiệp, đồng chí thân thiết của Trần Đĩnh trong ban biên tập báo Nhân Dân từ 1951.

Thế nên những giọt nước mắt của Hồ Chí Minh trong lần khóc lóc nhận lỗi trước dân chúng miền Bắc vào ngày 18 tháng 8 năm 1956 không đủ đề xóa mờ tội ác đối với những người chỉ sở hữu 0,65 hécta đất! Hitler, Himmler thậm chí đến Rudolf Höss, chỉ huy trưởng trại hành quyết Auschwitz không hề bóp cò súng hay bấm nút lò hơi ngạt để giết một ai, nhưng đích thực là những thủ phạm tội ác diệt chủng 6 triệu người Do Thái. Cũng thế, Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn… tất cả tập đoàn bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam là thủ phạm lần tàn sát tập thể dân chúng Việt Nam một cách có hệ thống kể từ ngày đảng cộng sản thành lập. Quá trình tàn sát được thực hiện qua những cao điểm: Cải cách ruộng đất 1953-1956 ở Miền Bắc; Mậu Thân Huế, 1968; Đại Lộ Kinh Hoàng, Quảng Trị 1972… Và mỗi thước đất, mỗi làng xóm, thị trấn, thành phố của miền Nam dài theo chiến dịch Hồ Chí Minh khởi đi từ 10 tháng 3, 1975 với cuộc tấn công Ban Mê Thuộc. “Tội Ác-Đảng Cộng Sản” không ngừng lại tại Ngày 30 Tháng Tư, 1975 với 600.000 người Việt chết trên đường vượt biên, vượt biển bởi kế hoạch “công an tổ chức vượt biên/cộng an bán bãi vượt biên/công an tàn sát vượt biên”. Tội ác diệt chủng này được thực hiện bởi một “sợi chỉ hồng xuyên suốt”: Hồ Chí Minh.

Và tội ác có hệ thống/được chỉ đạo kể trên được lập lại với hình thức và đối tượng thụ nạn khác trong đợt “Cải Cách Công Thương Nghiệp miền Bắc” tại hai năm 1958-1960. Đây cũng là tiền đề “Chiến dịch cướp giật cấp nhà nước” đối với miền Nam sau khi đợt tiến công quân sự/Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc tại Ngày 30 Tháng 4, 1975. Và hiện tại là bước cuối cùng – Chiếm đoạt Quyền Sống của 90 triệu người dân Việt – Toàn khối dân chúng bị xóa bỏ quyền sở hữu đất đai trên khu đất, nhà ở từ trăm năm trước do tổ tiên để lại. Tất cả tội ác hôm nay chỉ là hệ quả tất yếu sau lần đoạt chiếm Miền Nam với cuộc xâm lăng ngụy danh chiến tranh giải phóng (1960-1975). Cuộc chiến mà Trần Đĩnh đã tích cực hãnh diện dự phần nay cố tâm làm nhẹ tội đối với Hồ Chí Minh, Trường Chinh – Những người Trần Đĩnh vẫn còn “nặng tình” khi viết Đèn Cù gần 40 năm sau lần đoạt chiếm miền Nam cho dẫu có lúc ông nói thật: “Bởi vì gần suốt cuộc đời viết, lách tôi đã tự nguyện làm thủ phạm tàn phá trước hết vào chính ngay mình”.

Trần Đĩnh nói thật nhưng chưa đủ. Phải nói như Nguyễn Chí Thiện: “Tôi biết nó! Thằng nói câu nói đó! Tôi biết nó! Đồng bào miền Bắc biết nó! “. Lời buộc tội phải tuyên cáo cùng thế giới, với dân tộc cụ thể sau Mậu Thân, 1968 khi Hồ Chí Minh ban lệnh tiến công giết dân miền Nam: “Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua. Thắng lợi tin vui khắp mọi nhà. Nam Bắc thi đua diệt giặc Mỹ. Tiến lên toàn thắng ắt về ta!”.

Trần Đĩnh không nói lên lời “PHẢI NÓI” này, ông khôn khéo chạy tội cho Hồ: “Luận điểm của Lê Duẩn… Cho là cụ Hồ đứt gánh giữa đưởng! Ở Đại Hội 3 (9/1960- Pnn)để những người gắn bó với Nam Bộ, Trung Bộ như Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng…v.v vào Bộ Chính Trị đông là Cụ (luôn được Trần Đĩnh viết hoa – Pnn) muốn bày tỏ ý gửi gắm công cuộc giải phóng miền Nam cho họ… Phải nhận là từ tuyên bố Hồ-Notvotny (?)đến việc không biểu quyết ở Hội Nghị 9 (Hội nghị trung ương đảng 9 quyết định đánh miền Nam bằng vũ lực, 1960 – Pnn), Ông Cụ nhất quán về quan điểm (Quan điểm “Chung Sống Hòa Bình của Khruschev/Không gây chiến tranh miền Nam (?!) – Pnn)(Đèn Cù, Trg 253).

Bắt đầu viết năm từ 1990 để năm 2014 có được những giòng chữ “khôn ngoan/sáng suốt/thành thực” như trên kể ra quá muộn và quá nhẹ đối với “Tội Diệt Chủng/Hồ Chí Minh – Tội ác thấm máu chính ông già vợ của Trần Đĩnh và bao nhiêu nước mắt, mạng sống từ thân tộc, đồng bào của ông – Nhà văn Trần Đĩnh.

Ba: Mao “nhều”/Mao “ít”

Sau thời gian viết loạt bài Một và Hai về cuốn Đèn Cù. Người viết phải tạm ngừng vì lần ra đi của Người Bạn Nguyễn Xuân Hoàng – Nhân dáng điển hình Kẻ Sĩ Miền Nam trước, sau 1975 ở trong nước, nơi hải ngoại. Người Bạn không lớn vì văn nghiệp-Văn nghiệp là gì khi con người đối diện cánh cửa tử/sinh với cơn đau cào xé từng tế bào nhỏ bị nhiễm độc?! Người Bạn cũng không lớn do quá trình đã đào tạo những thế hệ môn sinh, cao đồ lẫy lừng danh tính. Không, Bạn Chúng Ta – Nguyễn Xuân Hoàng là điển hình mẫu mực của Những Thế Hệ/Một Thế Hệ/Kẻ Sĩ Miền Nam. Thế hệ với những con người bình thường dạy học/viết văn/làm báo với một tấm lòng chân thực trong giai đoạn 1954-1975 ở trong nước, và sau ra hải ngoại khi đã gánh chịu đủ tháng năm dài tù ngục không án lệnh/không tội danh từ chế độ gọi là xã hội chủ nghĩa. Một chế độ mà hiện nay được cuốn Đèn Cù của Trần Đỉnh đốt lên một phần ánh sáng chiếu rọi. Nhưng thật ra chỉ là ánh sáng nhập nhằng lẫn quẩn của một cây đèn cù xoay quanh một trục Sự Thật Giả. Cũng vô tình, lần ra đi của Nhà Giáo/Nhà Văn/Nhà Báo Nguyễn Xuân Hoàng làm rõ ràng, chính xác thêm khi so sánh Thật/Giả- Nam/Bắc. Chúng tôi tiếp tục chứng minh.

Với lối hành văn của một người viết báo, viết sách chuyên nghiệp từ 1951, Trần Đĩnh dựng nên thế giới bát nháo xoay vòng như cây Đèn Cù của xã hội tệ hại, ác độc từ miền Bắc nói chung, của tập đoàn cầm quyền, giới viết văn làm báo Hà Nội trước 1975, của cả nước sau 1975. Đấy là lối hành văn tuyên truyền chính trị dùng để viết báo Nhân Dân cơ quan ngôn luận trung ương đảng cộng sản; lối viết sách hô hào chiến đấu gọi là chống thực dân Pháp trước 1954 (cuốn Bất Khuất/Trần Đỉnh (?); những chữ nghĩa gọi là chống đế quốc Mỹ trước 1975; chống Ngụy Quân-Ngụy Quyền kể cả sau ngày 30 tháng 4, 1975. Loại sách, báo có lời văn và nội dung sau này được những “liệt sĩ” Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc… lấy làm khuôn mẫu viết nên những lời khí thế: “Thằng Mỹ như thế nào? Tôi muốn đâm lưỡi dao vào trái tim đen đúa của nó… Nguyễn Văn Thạc. Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi. NXB Thanh Niên, Việt Nam, 2005.

Tuy nhiên khác hơn đám văn công máu me được khai sinh từ Hội Nhà Văn Hà Nội/Hội Nhà Văn Việt Nam sau 1975, Trần Đĩnh cao hơn vì ông được dẫn dắt vào nghề viết bởi Tổng Bí Thư Trường Chinh, Đặng Xuân Khu, tay lý luận hàng đầu của đảng cộng sản Việt Nam. Tổng bí thư TC “giáo dục” anh thanh niên 21 tuổi Trần Đĩnh: “Làm báo phải phát hiện vấn đề. Đề xuất ý kiến… Trường Chinh cầm bút giập đi chữ “nhật” thừa (Của bài xã luận có tiêu đề “Nhân ngày sinh nhật của Hồ Chủ Tịch”-Pnn)rồi kéo từ đó ra ngoài lề bằng một đường thẳng mà anh cho tận cùng bằng một ốc sên, nói… Chữ tắt này là chữ “d” của deleitur, tiếng La-tinh có nghĩa là xóa… Còn gì của bài học Tổng bí thư trực tiếp dạy tôi buổi ngu ngơ nhập môn? Tinh thần không sùng bái, tinh thần được nhìn, phê phán xây dựng y như Tổng bí thư…(Đèn Cù, Trg 23).

Trời đất! Cho phép chúng tôi được kể ra một so sánh… Bài học nhập môn của Tổng bí thư Trường Chinh dạy nhà văn/nhà báo trụ cột Trần Đĩnh là việc làm hằng ngày của thợ sắp chữ (thường lả trẻ vị thành niên) và giới thầy cò của các báo và nhà sách ở Sài gòn, nơi Miền Nam trước 1975. Hoạt động này được xem như một nghề thủ công/sửa bản vỗ cho nhà in trước khi đem đi đăng báo, in thành sách. Đám trẻ thợ sắp chữ và giới thầy cò Sàigòn không hề cần đến một ông thầy gọi là tổng bí thư đảng cộng sản.

Trở lại với Trần Đĩnh, từ buổi đầu “ngu ngơ” (chữ của Trần Đĩnh), ông tiến nhanh trên nghiệp vụ, trở nên là người thân cận (thân cận nhất) của tập thể nhân sự cầm đầu đảng cộng sản… Ông nghe tận tai lời của Trường Chinh (Nhân vật “ấn tượng” của Trần Đĩnh suốt một đời dài cho dến hôm nay) nói về sinh hoạt tính dục của bản thân thì cũng dặn sách vở giáo điều thế thôi, chứ tôi ấy, mai bà Minh đây (chỉ bà vợ)đẻ, tối nay tôi vẫn jusqu’au bout – đến cùng…”. (Đèn Cù, trg 26). Ông được chứng kiến và nghe kể trực tiếp từ người trong cuộc: ” Một dạo Phan Kế An ngày ngày đến vẽ Cụ Hồ. Một chiều về sớm hơn, An nói: À cái P.M. (Phương Mai) tự nhiên mang ba lô chăn chiếu đến chỗ Ông Cụ, tớ được xua về sớm…”. (Đèn Cù, trg30). Trần Đĩnh còn đem chuyện riêng tư ăn nằm với phụ nữ của Hồ Chí Minh ra kể lại công khai để bảo đảm tính cách thân thích/chính xác đối với lãnh tụ “…Ông Bác chỉ tìm nạ dòng. “Sao lại thế”. Thấy Bác dại chúng tôi kêu lên. Thì được giải thích. “Thế là Bác khôn. Nạ dòng thì đỡ rầy rà hậu sự” (Đèn Cù, trg32).

Những chuyện ” bí mật/phòng the” của Hồ Chí Minh, Trường Chinh dẫu đã được Trần Đĩnh trình bày dưới những góc cạnh “thật thà” như trên vẫn chưa đủ để dựng nên cảnh tượng trân tráo của “đèn cù cộng sản Hà Nội”. Trần Đĩnh gắn thêm những con rối khác: Trước tiên là Tố Hữu, đệ nhất văn công của chế độ. Đây là nhân sự nhờ đã viết những vần thơ rừng rực “thi khí” (Mượn chữ “văn khí” từ Ngô Nhân Dụng/Báo Người Việt khi tán tụng Trần Đĩnh) nên đã lên chức phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (phó thủ tướng) đảm trách nông nghiệp khiến dẫn đến tình cảnh cả nước gần chết đói sau 1975 khi đã tịch thu hết lúa gạo miền Nam trả nợ cho Tàu. Tố Hữu bị mất uy tín vì vai trò “nhà (làm) thơ (lại) đi làm kinh tế (trật)” qua những vụ khủng hoảng tiền tệ (1985), cải cách nông nghiệp (1981) nên bị miễn nhiệm mọi chức vụ, chỉ còn làm một chức nghiên cứu hình thức hờ. Tuy nhiên “thi khí” của Tố Hữu vẫn luôn luôn “cực kỳ” với những chữ/nghĩa mà Trần Đĩnh trong nhiều trang sách không dấu sự ghen ghét/ganh tỵ nên liệt Tố Hữu vào loại “Mao nhều” nặng nề nhất (sẽ nói rõ thêm về “Mao nhều” ở đoạn sau).

Năm 1953, Tố Hữu khi chưa là “Mao nhều” đã có màn kêu khóc: “Ông Stalin ơi! Ông Stalin ơi! Thương cha, thương mẹ, thương chồng. Thương mình thương một. Thương ông thương mười!” để ngợi ca tên sát nhân thấm máu 20 triệu dân Nga và các sắc dân thuộc Liên Bang Sô Viết chết. Tố Hữu không khóc một mình, y có “đồng chí/bác vĩ đại” đồng tế: Một tối kẻng thình lình gọi toàn thể lên hội trường… Thì Tố Hữu ủ rũ đi vào theo sau là cụ Hồ. tôi bỏ chỗ leo ngồi đàng sau lưng ông Cụ… Tố Hữu bước lên sân khấu, cầm đè lên hai tay bưng một vật gì ấp vào ngực… Tố Hữu mới từ từ quay lại nước mắt chan hòa trên mặt từ lúc nào. Trên phông màn đò hiện nên chân dung đại nguyên soái Stalin… Tôi thấy bàng hoàng hơn là đau buồn… Tôi vẫn bị khó chịu vì cái cảnh “đánh đố loài người” của Tố Hữu. Ông ấy hình như tranh hơn thiên hạ (cụ thể là hơn “tôi” đang ngồi sau lưng Cụ! Trần Đĩnh) cả ở chỗ được biết sớm hơn hung tin, do đó được ưu tiên đau xót trước (Tội nặng hơn nữa là trước cả “tôi” đang ngồi sau lưng Cụ! Trần Đĩnh). Trước mặt tôi. Cụ Hồ nức nở. Không ngừng đưa khăn tay màu trắng lên lau nước mắt. Và nước mắt thì cứ chảy trên hai má Cụ đỏ bóng, vì khóc, vì xúc động” (Đèn Cù, trg 73-74).

Mấy năm sau, “thi khí” của Tố Hữu (khi đã bắt đầu thành Mao “nhều”) vượt biên giới Xô Viết, chuyển qua Trung Quốc với: “Mao Trạch Đông! Mao Trạch Đông! Tôi đã thấy: Dáng người cao lồng lộng. Đẹp như một ngọn cờ hồng. Trên mặt người. Mặt đất mênh mông”. Hoặc:“Bác Mao tuy ở rất xa. Bác Hổ ta đó ấy là Bác Mao”. Hay: “Bên đây biên giới là nhà. Bên kia biên giới cũng là quê hương” (Đèn Cù, trg 233). Thơ như thế quả thật rất xứng đáng với thành tích giết 50 triệu người Hoa (Có thể cao hơn nữa, tài liệu của nhà nghiên cứu Trung Hoa, Stuart Schram nêu ra con số 70 triệu -Pnn). Tệ hại hơn, Tố Hữu được Trần Đĩnh mô tả dưới dạng tướng, tầm tầm, vụn vặt Tố Hữu một trưa dậy ra suối giặt quần đùi… Ca cẩm với Kim Lân… Xuân Diệu nó mó máy mà tuột bu nó mất xích, mệt quá! Mà hai hôm nay lại ăn toàn cơm với măng (Đèn Cù, Trg 32). Hoặc cảnh ăn thịt chó của những tay đầu sõ, lẽ tất nhiên có mặt Trần Đĩnh vì bữa thịt chó là do tiền ăn mừng thành tích viết xong tiểu sử Hồ Chí Minh mà Trần Đĩnh được đến 400 đồng trong tổng số 900 đồng nhuận bút (Vàng 16 Đồng/Một chỉ). “…Mừng tiểu sử chính thức của Hồ Chủ tịch ra đời, Tố Hữu khao một bữa thịt chó thịnh soạn tại nhà… Tố Hữu còn mời Nguyễn Chí Thanh (Thao) và Hoàng Tùng (Tổng biên tập lâu nhất của báo Nhân Dân (1954-1982); Tùng cũng là một “Mao nhều” được Trần Đĩnhĩnh “luộc” rất kỹ. Dẫu Tùng là đồng nghiệp/đồng sự với Đĩnh từ 1951-Pnn). (Đèn Cù, trg172). Bữa tiệc thịt chó được mô tả sống động qua những trao đổi thủ thỉ ân tình “…Thao Thao (NcThanh) đưa Lành (Tố Hữu) chai dấm… Lành, Lành đưa Thao chai vang… (Đèn Cù, trg 173). Cũng bởi Thanh là đối thủ của Giáp (gốc cộng sản Bắc Kỳ, có học đại học, cánh của Trần Đĩnhĩnh -Pnn) nên bị Đĩnh khinh thường xếp vào loại “Mao nhều” với những đặc chất: “… Thao (NCThanh) đã luận thuyết hào hứng về thiên tài bếp núp dân tộc- đã thịt chó thì nhất định phải thằng bún đi với thằng mắm tôm… Về chính trị, Thanh nghe Bắc Kinh nồng nhiệt hơn Giáp. Và ít ra lý lịch (của Thanh) không dính đến đại học” (Đèn Cù, trg 173). Nhưng Nguyễn Chí Thanh (ông tướng nông dân/chỉ thiếu chữ “vô học”- Cách Trần Đĩnh gọi NcThanh- Pnn) ngoài khả năng uống sâm banh Moet & Chandon, ăn thịt chó, Thanh còn có những khả năng đa dạng khác… Với những chức vụ quan trọng như Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội miền Bắc (1950); Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam (1965-1967) (bị thanh toán, không rõ nguyên nhân và thủ phạm, ngày 6 tháng 7, 1967 tại Hà Nội)… Viên tướng gốc nông dân này phát động chiến dịch: “…Đánh phá ác liệt tiểu thuyết “Phá Vây” của Phù Thăng vì có câu: “Hòa bình là nguyện ước của vạn vạn con người” rồi tiểu thuyết “Vào Đời” của nhà văn quân đội Hà Minh Tuân..”. (Đèn Cù, trg 234-235). Không chỉ chỉ đạo sâu sắc trong mặt trận văn hóa/tư tưởng, nhân vật được mệnh danh “con người của những đột phá“, mang quân hàm đại tướng, Nguyễn Chí Thanh còn nâng cao khả năng lãnh đạo/nhận thức lên một tầm vóc mới: “Năm 1963, Nguyễn Chí Thanh có bài đăng trang nhất của báo Nhân Dân (Nhắc lại, Thanh là “ông tướng nông dân” theo cách đánh giá của Trần Đĩnh, nói trắng ra là đồ “vô học”- Pnn) kêu gọi tiết kiệm lương thực… Biện pháp duy nhất là bóp miệng lại. Thanh nay liệt bún vào bảng xa xỉ phẩm. Viết hẳn: Tại sao phải ăn bún! (Đèn Cù, trg 235). Cũng nên nhắc lại: Khi ăn thịt chó nhà Tố Hũu, chính Thanh đã một lần hùng hồn ca ngợi: Thao (NCThanh) đã luận thuyết hào hứng về thiên tài bếp núp dân tộc- đã thịt chó thì nhất định phải thằng bún đi với thằng mắm tôm..”. (Đèn Cù, trg 173). Tóm lại theo quan điểm chính trị sáng tạo của viên đại tướng quân đội nhân dân thì “thằng bún” đã tiếp tay cho Mỹ-Ngụy, là thủ phạm phá hoại nền kinh tế xã hộ chủ nghĩa! Tại sao Tướng Thanh mắc phải quan điểm tả khuynh sai trái như vậy? Trần Đĩnh gom chung vào một bọc – Bọn “Mao nhều” – Thủ phạm chính của bi kịch Việt Nam!

Sự sáng suốt của Trần Đĩnh sau này được Như Phong “Là cựu Văn Hóa Cứu Quốc nhưng nay cũng đang ở danh sách, những người mê Mao, sùng bái Mao, Mao “nhều”… Cuối những năm 70, chính anh đã bảo tôi: Mầy nhìn rõ lão Mao rất đúng và rất sớm (Đèn Cù, trg 235).

Đến đây, chúng ta có thể kết luận về “Phát hiện Mao nhều/Trụ cột của Đèn Cù” của Trần Đĩnh và những tác động hậu quả, hệ quả của nó tại ngày trước và hôm nay.

Kết Luận: Đèn Cù- Bi kịch của một cọng lông trong bãi máu!

Sau ba bài viết căn cứ từ chữ nghĩa của Trần Đĩnh (của chính Trần Đĩnh viết về mình và về người)… Người viết có thể khẳng định với lương tâm/lương tri/lương năng của một người đã đi trọn con đường khổ nạn/Cùng về một phía những người khổ nạn – Tử khi khởi đầu câu chuyện/Cũng là thời điểm (thập niên 50) Trần Đĩnh bắt đầu viết báo Nhân Dân do dẫn dắt của Tổng Bí thư Trường Chinh. Người viết xác định thêm một lần: Viết từ phía của Nạn Nhân Cộng Sản. Và Trần Đĩnh (cho đến năm 2014 này/năm phát hành cuốn sách) vẫn luôn luôn là một Người Cộng Sản/Người Cộng Sản Phản Tỉnh (nếu muốn nói rõ hơn) – Tức là nhân tố của tập thể /tổ chức chính trị bạo lực gọi là Đảng Cộng Sản Việt Nam – Tác nhân chính đã gây nên tai họa vô tận/không cùng/không thể chấm dứt/không cách giài quyết của toàn bộ Việt Nam (Không phân biệt Cộng Hòa/Cộng Sản; Bắc/Nam; Trước/Sau 1945; 1954; 1968; 1975 ). Người viết minh chứng điều xác quyết này.

Từ tiền đề kể trên, những phát hiện gọi là “Mao Nhều/Mao nhuần/Mao thuần..”. của Trần Đĩnh trãi dài trong nhiều trang sách đối với Tố Hữu, hoặc đám ủy viên trung ương giữ chức tổng biên tập Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận trung ương đảng cộng sản từ 1951 như Trần Quang Huy; Vũ Tuân; Hoàng Tùng; Hồng Hà; Hà Đăng; Hữu Thọ; Hồng Vinh; Đinh Thế Huynh; cho đến tên tuổi mới nổi từ 2011 là Thuận Hữu, một nhà thơ không ai đọc, một tác giả không ai biết…vv. Những công thần/thợ viết báo (đảng) nên danh phận này góp một mẫu số chung về tính chất “Mao nhều” chất nặng.

“Mao nhều” của Trần Đĩnh cũng không loại bỏ Nguyễn Chí Thanh, viên đại tướng có khả năng uống champagne và ăn thịt chó; viên đại tướng gốc nông dân có khả năng đặt vấn đề “lớn”: Tại sao phải ăn bún! Và tướng Thanh dẫu có “Mao nhều /hay/Mao ít” cuối cùng phải tắc tử vì: “… Nguyễn Chí Thanh đại diện cho phái tả” chết trước Tết Mậu Thân nửa năm là giọt nước làm tràn li. Thanh chết mồng 6 thì 28 tháng 7 -1967 bắt bốn xét lại đầu tiên trong đó có Hoàng Minh Chính, Hoàng thế dũng, Trần Châu (anh của Đĩnh), Phạm Viết… (Đèn Cù, trg 320).

Nguyễn Chí Thanh/Phái Tả/”Mao nhều” bị thanh toán tháng 7/67 thì Võ Giáp/Phái Hữu/”Mao (không) nhều/Cánh “xét lại” của Đĩnh Tháng 9 Giáp thình lình đi Bastislava dưỡng bệnh – Cuộc xa xứ này là đền bù vào sự vắng mặt mãi mãi của Nguyễn chí Thanh – Lê Đức Thọ vào quân ủy trung ương, thế lực Thọ hùng mạnh lên nhiều (Đèn Cù, trg 320).

Như thế là thế nào? Mao “nhều”/Mao ít/Mao (không) nhều/Xét lại… cuối cùng tất cả đều bị tắc tử, ngồi tù, đi chữa bệnh… Không loại trừ “ông bác” bị tống qua Tàu ngay trong dịp Tết Mậu Thân. Chúng ta hãy xem lại tình cảnh: Sau hội nghị trung ương 14, chiều 20 tháng 1, 1968 Lê Đức Thọ có đến Bắc Kinh để “báo cáo bác Hồ”… Sáng 25 tháng 1, 1968 trong khi “Cha già dân tộc” và “Anh cả của quân đội” vẫn đang “an trí” ở Bắc Kinh thì những binh đoàn chủ lực miền Bắc bí mật áp sát các độ thị miền Nam… (Huy Đức. Bên Thắng Cuộc/II/Quyền Bính. OSIN Book, USA. 2012, Trg 158).

“Cha già dân tộc/Hồ Chí Minh”, “Anh cả quân đội/VG” (chữ của Huy Đức-Pnn) làm những gì, ở đâu khi cả miền Nam đang dầm trong biển máu lửa Mậu Thân 1968. Hãy nghe Huy Đức kể lại để thấy ra điều “thành thật/khôn ngoan/mục đích/yêu cầu của Trần Đĩnh khi viết Đèn Cù… “Cái đêm mà cả miền Nam chìm trong khói lửa của Tổng tiến công ấy, Hồ Chí Minh đang ở Bắc Kinh “trong căn phòng vắng” chỉ có ông và thư ký Vũ Kỳ, Bác mĩm cười nghe một em bé hát “Bé né bồng bông..”. và lời chúc Tết của chính mình (?!): Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/Thắng lợi tin vui khắp mọi nhà/Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/Tiến lên toàn thắng ắt về ta” (Huy Đức, ibid; trg 158).

Về phần tướng Võ Giáp (tên thật) thì tình cảnh cũng không khá hơn… “Máy bay Trung Quốc đưa tướng Giáp về Hà Nội ngay trong ngày 29 Tết. Hôm sau ông mới được tướng Vũ Lăng, Cục Trưởng Cục Tác Chiến báo cáo “kế hoạch Tổng Công Kích, Tồng Khởi Nghĩa”. Vũ Lăng nói: Anh Văn Tiến Dũng (Tổng Tham Mưu Trưởng/Gốc thợ may – Pnn)bây giờ thì có thể báo cáo với anh Văn (Giáp).Tướng giáp cố giữ vẻ mặt bình thản để che giấu niềm cay đắng. Ông, vị tổng tư lệnh đã không được biết một kế hoạch lớn như vậy cho đến trước khi nổ súng một ngày (Huy Đức, ibid, trg 159).

Từ những chi tiết “cần thiết/quan trọng” như trên buộc chúng ta phải thấy những chữ nghĩa đầy “văn khí-Lời tán/ Ngô Nhân Dụng/NV” từ Trần Đĩnh chỉ cốt viết nên những trò đấu đá ấm ớ, vớ vẫn giữa hai phe “Mao nhều/Mao (không) nhều”: “…Từ đấy Mao”nhều” thường từng đám túm tụm chưởi Khrouschev (Bí thư thứ Nhất/Thủ tướng Liên xô chủ trương “Chung sống Hòa Bình với Mỹ, 1960-Pnn) rồi hễ thấy chúng tôi (Mao (không) nhều-Pnn)thì lại cố tình liếc liếc và ré lên cười… Gần tháng sau Hoàng Tùng (Tổng Biên tập báo Nhân Dân 1954-1982-Pnn)thăm Trung quốc mang theo Hồng Hà, Phan Quang (Sao lại không mang Trần Đĩnh, học tại Bắc Kinh 5 năm?-Pnn)… Trở về viết “Vĩ đại Trung Quốc dài hết trang báo (Đèn Cù, trg 249-250); hoặc diễn tả chi tiết sờ mó tục tỉu giữa Trưởng Ban Tuyên Truyền/TU Lê Quang Đạo với chính Trần Đĩnh (Đèn Cù, trg 22); giữa Tố Hữu/Xuân Diệu (Đèn Cù, Trg 32); hay cách ăn nằm với vợ của Trường Chinh (Đèn Cù, trg 26); thói ham gái, sở thích đàn bà của Hồ Chí Minh (Đèn Cù Trg 30, 32); hoặc cách ăn nói xỏ xiên, đểu cáng (tương tự như những nhân vật trong Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng) từ những tay thủ lĩnh văn nghệ miền Bắc như Tô Hoài, Chế Lan Viên, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng. “…Nguyên Hồng đọc được hai câu thì Nguyễn Tuân giật giật tay tôi (Trần Đĩnh)– Nghe thơ tình lũy (Lui/Nó/Tiếng Pháp- Pnn) làm gì? Lũy tay chìa tiền. Tay tụt yếm… (Đèn Cù, trg 446); hay “bí mật cuộc tình của các quan văn nghệ Hà Nội”. “… Một sáng vào Việt-Xô khám bệnh, tôi (Trần Đĩnh) gặp Tô Hoài năm chữa thần kinh tim. Anh cho hay một tên tuổi văn nghệ vừa bị cô nhân tình nộp tố Hữu bức thư cha này gửi cho cô… Vừa lúc ấy Chế Lan Viên đi vào. Anh bảo tôi: này Trần đĩnh mình bị cái này lạ lắm. Ngọt với mặn bây giờ đếch phân biệt được. Tô Hoài tưng tửng: Ăn phải một thìa cứt mà không phân biệt thì phải chữa thật! (Đèn Cù, trg 455).

Chúng ta có thể đóng lại những “chữ nghĩa/văn khí” của Đèn Cù diễn tả về những vụ việc/ngôn ngữ/con người tầm phào bát nháo nơi Hà Nội trước 1975 như vừa kể ra tại đây để nêu lên kết luận: Đây là Vấn Đề Giả mà Trần Đĩnh mất đến 24 năm để viết nên – Bi Kịch Việt Nam Không Phải Là Vậy.

Đây, Bi Kịch Việt Nam với một trong những thủ phạm cần phải gọi đích danh: Tổng Bí Tư Lê Duẩn với cái đầu được tán tụng là có đến “200 bougies/hai trăm bóng đèn/đơn vị khởi động diện của một động cơ”. Nhân sự này với cái đầu cực kỳ ghê gớm kia có khả năng..”.Ông không bận tâm tới ý người khác. Chúng tôi là những mặt người giống như các vách hang đá cho ông thử nghiệm độ vang của lời ông… Lê Duẩn cáu tức thì. Hai con mắt càng xáp lại gần nhau. tiếng nói càn ríu lại

… Marx… Marx… Ở đây có ý gì? (Đèn Cù, trg 186). Quả thật cái đầu tổng bí thư “200 bougie” của Duẩn không hiểu Marx là cái gì hết nên mới xẩy ra hoạt cảnh hài hước… “Duẩn nói hết (về Marx), Bình (NĐBình thư ký của Duẩn) lên tiếng: Tổng bí thư đã nói xong, xin giáo sư góp ý kiến. Ngơ ngác một lúc, Thảo (Trần Đức Thảo, giáo sư tiến sĩ đại học Sorbone Pháp, năm 1951 xin “cụ Hồ về nước phục vụ kháng chiến”. Sau 1956 do dính líu với vụ Nhân Văn-Giai Phẩm, tuy không bị tù nhưng được giao công tác cho ra nông trường chăn bò -Pnn). Thảo nói: Tôi không hiểu gì cả! Thảo vừa dứt lời, thoắt một cái rất nhanh, Duẩn đã nhào đến đằng sau lưng anh, quàng hai tay vào ngực anh rồi liên tiếp xốc lên , dội xuống anh mấy bận… Bị Duẩn dộng mình xuống đất nhưng Thảo vẫn không chừa thói của kẻ ỉ mình có học/đại trí thức. Thảo phân giải cùng Đĩnh: “Ở ta chỉ có Trường Chinh hiểu được chủ nghĩa Marx chứ Duẩn thì không. Thảo lắc đầu quần quậy (Đèn Cù, trg 436). Điều này được Đĩnh hoàn toàn đồng ý, vì đối với Đĩnh Trường Chinh luôn là: “Anh (TCh) là cây bút lão luyện, dạy tôi từ chữ “ngày sinh nhật..”. (Đèn Cù, trg 221) – Nhắc lại bài học ngày nhập môn năm 1951 với Trường Chinh, chứng tỏ Đĩnh là người biết “ăn trái nhờ kẻ trồng cây”. Nhưng biết ơn là một chuyện, Đĩnh hình như không nhớ cách hiểu “Marx nhều/Mao nhều” của Trường Chinh: “Chế độ xã hội chủ nghĩa dẫu chưa hoàn chỉnh những tốt đẹp gấp vạn lần chế độ tư bản” – Tuyên bố với tư cách gọi là chủ tịch quốc hội Việt Nam (Tức là của toàn thể dân chúng người Việt theo quy định của quốc hội kháng chiến 1946 -Một quốc hội mà kẻ ứng cử/người đi bầu hoàn toàn không hề biết nhau-Pnn) nhân dịp “Thống Nhất Nước Nhà Về Mặt Nhà Nước” khi ông chủ tịch đến Sài Gòn năm 1976.

Chúng ta tiếp xem xét “cái đầu 200 bougies” của tổng bí thư Duẩn đã làm gì với thảm kịch Việt Nam. Với cái đầu “cực kỳ” này, Duẩn chỉ đạo: “Kìa, không có thì in ra! In ra! Không sợ lạm phát! Tư bản đế quốc in tiền mới sợ lạm phát chứ ta, chuyên thì sao lại là lạm phát mà sợ (Đèn Cù, trg 187). Và chuyên chính vô sản là gì? Duẩn ngắn gọn vô cùng: “Người ta lầm Marx đã đề ra đấu tranh giai cấp. Không, nhiều người đã nói đã nói cái này trước Marx rồi. Vậy phát kiến vĩ đại của Marx là gì? Rồi Duẩn cười cười đưa cạnh bàn tay lên ngang cổ nói: Là như Jacobin thời Đại Cách Mạng Pháp -Giết! Thủ tiêu! Bạo lực! (Đèn Cù, trg 187) Với cách hiểu Marx “chính xác” như thế này mà giáo sư tiến sĩ Thảo bảo Duẩn không hiểu Marx thì quả tình đáng để bị Duẩn dộng người lên xuống là phải. Có điều trong suốt cuốn sách, Đĩnh vẫn không dám gọi Duẩn là “Mao nhều” dẫu Duẩn đã chết từ 1986.

Nhưng Duẩn không nói suông. Con người này với Đảng cộng sản đã lập nên thành tích qua báo cáo chính trị của Đại Hội 4, 1977: Đã đập tan của cuộc phản công lớn nhất của tên đầu sỏ chỉ vào các lực lượng cách mạng (Tức chủ yếu Việt Nam, Trung Quốc, Liên Xô), đã đẩy lùi trận địa đế quốc, mở rộng trận địa xã hội chủ nghĩa… Về miền Bắc, ông (Duẩn) nói: Thành tựu to lớn nhất là đã thủ tiêu chế độ người bóc lột người (…) Các giai cấp bóc lột đã bị xóa bỏ…Người với người sống có tình nghĩa, đoàn kết, thu7ong yêu nhau cùng với “chuyên chính vô sản được củng cố…Hệ tư tưởng và nền văn hóa xã hội chủ nghĩa được đặt trên nền móng vững chắc… (Đèn Cù, 462).

Tóm lại “Thành tích” kể trên không chỉ là:“Bác Hồ vô vàn kính yêu” luôn sống mãi trong “Sự Nghiệp Chúng Ta” – Khẩu hiệu chiến lược luôn đi kèm theo “Chân lý: “Không có gì quý hơn Độc Lập-Tự Do”. Thành tích này là tổng hợp của: Cách mạng Tháng 8, 1945 -Tuyên ngôn độc lập Ngày 2 Tháng 9/1945-Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946-Cải Cách Ruộng Đất 1953-1956-Cải tạo Công Thương Nghiệp miền Bắc (1956-1958)-Đại Hội 3/Nghị Quyết 9 TUĐ/Đồng khởi miền Nam/1960 – Tổng Công Kích Mậu Thân 1968 – Chiến Dịch Nguyễn Huệ 1972 – Chiến Dịch Hồ Chí Minh 1975. Đoạn đường dài đẫm máu toàn Dân Tộc Việt này không loại trừ một ai được tổ chức/chỉ đạo/điều hành bởi: Nguyễn Sinh Côn, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Linov, Vương Đông Hải, Hồ Quang, Hồ Chí Minh… được thi hành, thực hiện với Trường Chinh, Võ (Nguyên) Giáp, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nguyễn Văn Linh… Danh sách sẽ rất dài nếu muốn kể đủ. Tất nhiên bao gồm “Mao nhều”/Xét lại/Báo Nhân Dân/Báo Sự Thật/Hội Nhà Văn v.v.”. Những quân cờ tay em chạy quanh cái Đèn Cù nơi Hà Nội gần nửa thế kỷ nay mới được Trần Đĩnh thắp lên quá đỗi muộn màng.

Phan Nhật Nam

(Tháng 8-9/2014)

Bài Mới Nhất
Search