T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Captovan: “Trước Sau Như Một”!

clip_image002

Trại Vĩnh Quang A có 14 đội tù, mỗi đội phụ trách một ngành nghề khác nhau, nông nghiệp, mộc, rèn, xây cất v.v.. mà nghề nào cũng ói máu, xì hơi ra đằng sau, duy chỉ có đội 9 trồng trà là có vẻ tà tà hơn cả. Sáng sáng tù theo cán bộ trai hoặc gái rủ nhau “trèo lên đồi đá, đá cho leo” để hái búp trà, búp non nhất để về sấy khô thành trà tàu (?), 4 kg lá búp, mà là búp số 1 hay 2 thì mới sấy được 1kg trà “móc câu”, thứ này thuộc loại quý hiếm, chỉ trại trưởng mới có quyền uống và dùng để biếu thủ trưởng lon to hơn. Nhưng trong “quá trình*” chế biến thì tù ta cũng “xà-xẻo” một nhúm cho vào “gô” (lon guigoz), đổ nước sôi uống trước, bụng đói mà uống thứ trà quặu này thì bật ngửa, đã đ.. chịu được.

Đồi trà và chỗ sấy trà nằm sát đường nên các “bò vàng” (công an coi tù mặc đồ bàng) đi ngang thường tạt vào “tham quan” nhưng thực ra là muốn làm quan tham … nhũng xin một nhúm, vì thế họ mới kiếm câu chuyện làm quà làm quen với mấy anh tù có nhiệm vụ sấy trà, mà lệnh trại trưởng là không được cho “cán bộ” nào hết. Thỉnh thoảng có vài “bò vàng” gái tạt ngang, cũng kiếm chuyện an ủi tù, khuyên cố gắng “nao động tốt, chính sách khoan hồng nhân đạo của nhà lước ta trước sau như một”!.

Nghe mãi nhức đầu, anh Trọng-Nha Trang hóm hỉnh, thâm nho, hay cướp lời cán bộ gái. Khi cán bộ gái (CBG) vừa nói tới chính sách khoan hồng nhà nước .. thì Trọng cướp lời.

_CBG: …Chính sách khoan hồng nhà nước..

_Trọng-NT nói ngay: Thưa … cán bộ trước sau như một

_ CBG: Anh nói đúng, học hành mau tiến bộ, chính sách nhà nước..

Nhưng Trọng-Nha Trang thì lại cứ luôn miệng cướp lời:

_Cán bộ trước sau như một”.

Có tên “cần câu” nào đó tâu với cán bộ cái rằng Thọ-Già nó đểu, nó bôi bác chính sách của đảng, nó dám so sánh cái ngực và lưng phằng lì của cán bộ gái với chính sách khoan hồng của nhà nước. Lời bàn của tên mao-tôn-cương này khiến cán bộ gái đỏ mặt. Chỉ vì hiểu sai “trước sau như một” mà Thọ-NT bị cùm.

Cùm là phải, thà phản đối chính sách của đảng thì OK, chứ chê ngực phụ nữ lép xẹp thì chỉ có nước chết, chê bác thì được, chê cái ấy của phụ nữ là tiêu đời. Tại trại 8 Hoàng Liên Sơn, đội trưởng Minh Khố Chuối (quần rách lòi cu hắn lấy là chuối che đi) ca tụng “bác Hồ là vĩ nhân” của nhân loại, ăng-ten mao-tôn-cương với quản giáo Môn rằng đội trưởng Minh nói bác Hồ là cái đuôi của nhân loại, vĩ là cái đuôi, nhất thủ nhì vĩ mà lị. Minh bị cùm. Bọn ăng-ten này trước sau như một, dù chúng có làm thầy năm, sáu gì đi nữa thì ăng-ten vẫn là ăng-ten.

Đội 12 của đội trưởng Ngo-Lùn có bố Ánh-Già* khéo tay may vá trạm trổ nên được quản giáo cho ngồi một chỗ để “nao động nhẹ”. Lao động nhẹ thì đói trong khi lao động nặng cũng đói nhưng nhờ xông pha vào rừng vào suối, “bới đất cuốc cỏ mà nhét cho đầy bụng đói” (lời cụ Phan), lao động “hăng say” phá hoại tài sản của trại như ND Võ Văn Đ..thì tuyệt. Hăn bẻ 200 trái bắp sai tôi nhét vào hang đá rồi lấp cửa hang để ăn dần, no. Nhưng bố Ánh Già thì đọi, quản giáo Mô chôm ở đâu được miếng da trâu đã phơi khô lâu ngày để làm mặt trống rồi giao cho bố Ánh-Già bào gọt rồi làm cho hắn cái ví mà người miến Nam gọi là bóp. Vì ngồi một chỗ nên đói, bố già Ánh cho những miếng da thừa vào lon gô hầm rồi nuốt, bố làm gì có răng mà nhai, có răng cũng không nhai nổi da trâu phơi khô hằng mấy năm trời. Đội trưởng Ngo thấy được bèn hỏi đểu:

_ Ngon không? Bổ không?

Bố Ánh-Già là cha mấy thằng đểu nên nhẹ nhàng sỏ là kềnh thưa với đội trưởng:

_ “Trước sau như một”.

Hoan hô bố Ánh-Già, đem chất phế thải mà so sánh với chính sách khoan hồng của đảng thì đúng quá rồi. Khi được tha, bố về ở gần chỗ tôi, đường Tô Hiến Thành Q10. Nhưng không biết bây giờ bố ở đâu, có đi tỵ nạn không? Tôi học được ở bố nhiều điều.

Đội 4 trại 8 Hoàng Liên Sơn, lao động giỏi có bố già* to khỏe là Đạt “đi.m”, anh là Bắc Kỳ di cư nên không “đu.m” mà “đi.m”. To khỏe nên khẩu phần tù chỉ đủ xỉa răng, anh lại nhanh chân lẹ tay nên cũng “bới đất cuốc cỏ cho đầy bụng đói..”. Sau một đêm mưa to, gió bão, sáng hôm sau lên rừng “kéo cưa lừa xẻ, anh nào khỏe thì về ăn cơm trưa, anh nào thua thì về bú mẹ”, Đạt không thua, nhưng không có cơm ăn nên anh ăn “tai gỗ”, mộc là gỗ, nhĩ là tai tức là mộc nhĩ hay nấm tai mèo, thứ này ẩn mình trong gỗ mục, trời mưa là nở rộ. Cái thứ này mà bà xã trộn với thịt heo xay, thêm ít miến để làm chả giò thì số một, ăn sựt sựt dòn-dòn, tưởng ngon, mà ngon thật, tuy chẳng có mùi vị bổ béo gì. Già Đạt ém mộc nhĩ vào lon gô, đổ nước, thêm ti nước muối (VC không phát muối hột) đem đun sôi rổi ngồi thưởng thức mà NM (anh em) tù xung quanh không biết anh ăn thứ gì, tôi hỏi anh trả lời ỡm ờ có vẻ bí mật như sợ đồng tù khám phá ra nguồn cung cấp thực phẩm của anh:

_ Tao ăn chả giò.

Tối đó về anh no căng bụng, ôm bụng kêu rên, nằm bên cạnh, tôi định báo đội trưởng để hắn kêu to cho bò vàng nghe “có người đau cần cấp cứu” như những lần trước có “sự cố”, nhưng già Đạt cản lại bảo đừng, tụi nó biết được thêm rắc rối, biết tỏng tôi hỏi:

_Á à, hồi sáng anh “cải thiện” ăn sắn non của trại phải không?

_ Không không, không phải, nói khẽ thôi, tao ăn mộc nhĩ.

_ Thế là khổ rồi, nó nở sình lên làm anh no rồi bây giờ lo, lo mà đi ỉa đi.

Sáng sớm hôm sau, thấy anh tươi tỉnh, tôi hỏi “sao” thì anh mỉm cười bẽn lẽn:

_ “Trước sau như một”.

_ Anh đểu vừa thôi chứ.

(* tôi gọi các anh là bố già, nhưng thực ra vào thời điểm đi tù ấy, 1979-80, các anh chỉ ở độ tuổi 50, còn chúng tôi 35).

Đội 12 Vĩnh Quang A, có bạn tù rất trẻ tên An, thiếu úy, hình như mới tốt nghiệp khóa.. thì phải, không hiều lý do nào mà nai vàng ngơ ngác này lại nhập chung với toán “ tá ác ôn” rồi ra Bắc. Ngày mùa gặt lúa mà VC gọi là thu hoạch, An đói bụng quá trong khi gặt lúa thì An nhai trộm thóc cho đỡ đói lòng, tuổi trẻ mà, sợ chi, ngoài là thóc trong là gạo, chỉ khác nhau một lớp vỏ trấu, cũng như vỏ khoai, nhai đại nuốt đại cho no bụng. Đêm đó An chổng mông kêu bác, “bác ôi ..bác.. không ra đau quá bác ôi”! Đội phó là Phan Trừng** đến săn sóc đàn em, khám bệnh, hỏi bệnh tình của An xong rồi anh đi tìm cái móc, bắt An chổng mông rồi anh móc, sau một hồi An thoải mái, nhìn đám thóc do đội phó Phan Trưng vừa móc ra hộ, An cười bẽn lẽn như bà già sồn sồn mới về nhà chồng:

_ Trước sau như một.

Già Ánh, già Đạt đã đểu, trẻ như An lại sỏ lá kềnh, dám so sánh chính sách khoan hồng nhân đạo của nhà nước trước sau như một của đảng với phế thải của tù thì không thể tha thứ được. Theo “quá trình phân tích đánh giá” về phầm chất của công ty TNHH-Phan thì “thành phẩm” của phân ngoại là số 1, tức hốt ở các tòa đại sứ, còn sản phẩm ở các trại giam thì vất đi.

(** Đội phó Phan Trừng gốc tr/tá KQ, rất tận tụy với NM tù, anh hiện định cư tại Nam CA, Little Saigon, nếu anh có đọc đoạn này thì làm chứng cho tôi là tôi thật thà kể lại chứ không có ý xỏ xiên chuyện trước sau như một).

Báo VNExpress online trong nước XHCN vừa đăng tin một “ông” trung tá công an dùng dùi cui đánh gẫy cổ một người dân chết ngắc tại giữa thủ đô. Đầu đuôi tóm tắt là thế này, người dân tên Hùng đi xe honda ôm không đội mũ an toàn, trung tá công an chặn lại phạt anh lái xe rồi hai bên cãi nhau, Hùng thấy CA làm quá nên can ngăn, nào ngờ tên CA quay dùi cui đập Hùng té xuống đất lại còn gọi thêm đồng bọn đến đấm đá và còng Hùng kéo về đồn điều tra. Tại đồn Hùng bị đau đớn xin đi nhà thương nhưng CA không cho, gia đình cha mẹ vợ con đến đồn năn nỉ CA cho Hùng đi bệnh viện nhưng cũng không được chấp thuận. Cho tới khi thấy Hùng sắp chết, chúng mới cho chở Hùng đi bệnh viện để xoa tay “ta vô tội”, nhưng khi đến BV thì Hùng chết ngắc, pháp y kết luận Hùng chết vì gãy cổ.

Dư luận quần chúng thủ đô phẫn uất về thái độ “vô cảm” này. Người dân XHCN gọi là vô cảm, nhưng danh từ thông thường của xã hội loài người thì gọi trường hợp này là vô nhân đạo, dã man, không còn tính người. Đó là chuyện tháng 10/2011 taị Hà Nội.

Ngày 22 tháng 2 năm 1976 lúc 1 giờ trưa tại trại tù Suối Máu Biên Hòa xẩy ra một vụ chui hàng rào kẽm gai, bỏ lớp “học tập cải tạo” vì lý do chính sách khoan hồng của VC trước sau không như một, bảo mang tiền và quần áo đi học 1 tháng, mà đến 10 lần 1 tháng vẫn lơ đi và có chiều đi lên 100, 200 tháng. Bực mình vì thái độ lươn lẹo của VC, Thiếu tá Phạm Văn Tư K19 VB, giã từ trại giam Sưối Máu chui rào kẽm gai ra về. Chẳng may áo anh bị vướng vào kẽm gai, lùng nhùng mãi chưa thoát được nên bị lộ và cây thượng liên trên chòi canh xả đạn xuống tấm bia người trong vòng kẽm gai. Thực ra thì không cần bắn chết mà bắt sống để xử tội “lăng trì”. Khi chúng kéo anh Phạm Văn Tư ra khỏi hàng rào thì thân Tư nát như tương, nhưng kỳ diệu thay là anh vẫn còn thở, còn sống, thấy vậy tên thiếu úy Hải VC rút K54 ra tặng thêm cho Tư bốn phát vào tứ chi cho thêm thịt nát xương tan!

Tư vẫn không chết, chúng kéo xác Tư còn thoi thóp thở vứt trên nền đất của căn nhà tôn bỏ hoang. Tới 6 giờ chiều, tức 5 tiếng sau, cai tù vào bảo anh em cùng phòng mang hết đồ đạc của Tư sang cho anh. Anh em tù kín đáo cử anh bác sĩ Lãng Uyên mang đồ đạc đi với mục đích là nhờ BS Uyên xem xét bệnh tình của Tư ra sao. Khi xong việc trở về BS Uyên cho biết:

_ Anh Tư không được băng bó gì cả, máu ra quá nhiều, não bị động mạnh, vì anh Tư đang nôn mửa, chỉ có thể chịu đựng được vài tiếng nữa thôi”!

Sáng hôm sau, 23/2/76, mấy vệ binh vào lán dẫn 6 anh tù đi chôn cất anh Tư! Anh Tư ra đi trên nền đất lạnh, xung quanh là côn trùng cùng kiến lửa bu quanh!

Trước…, 2/1976, anh Tư bị bắn trọng thương, bỏ đó cho chết, cho kiến bu.

Sau.., 10/2011, anh Hùng bị đánh gẫy cổ, còng tay, không cho đi BV rồi chết.

_ “Trước sau như một”.

Tàn ác dã man như nhau, bản chất đó trước sau như một.

Người lính VNCH thì không có cái khoan hồng trước sau như một mà trước khác sau khác. Người viết xin nêu ra một thí dụ cụ thể trong ngàn vạn trường hợp tương tự

Tháng 10 năm 1968, Tiểu Đoàn Trâu Điên quần thảo với 1 trung đoàn VC trong mật khu Bời Lời suốt cả đêm tới sáng. Thông thường đụng nhau, dù nặng hay nhẹ thì các chú chém vè trước khi trời sáng, nhưng trận này thì khi mặt trời mọc rồi mà vẫn còn súng nổ. Sáng banh mắt, một tên VC núp bên hố bom B52 với CKC có ống nhắm, hắn bắn chết HS1 Thà, nguời mang máy cho tôi, rồi bắn thêm Hạ Sĩ Tha đi luôn, Tha là cao bồi của ĐDP Tr/ Úy Thạnh Lâm, nhưng rối hắn cũng bị anh em phát giác bắn lật nhào xuống hố bom.

Anh em kéo xác hắn lên thì nó chỉ bị thương nhẹ vào cánh tay, trong trường hợp nóng hổi này, đệ tử ruột mang máy vừa bị hắn bắn chết thì cho hắn một tràng M16 vừa nhẹ nhàng vừa đỡ tức, chiến tranh mà, đối diện kẻ thù ai bắn chậm thì chết. Nhưng ở đây đã nắm được địch trong tay, chưa nói đến quy luật chiến tranh, mà bản tính con người VN không thể sát hại địch đã bị bắt hay đầu hàng nên tôi cho gọi y tá đại đội đến băng bó cho nó. Thấy nó ướt sũng, run cầm cập, tuy cái đầu tôi không chủ ý nhưng rồi cái tay lại tự động rút Ruby Queen, quẹt zippo cho hắn hút, không đành cho nó một viên “bỏ hút”.

Nhưng tr/úy ĐĐP của tôi thì nóng mặt, Tha là cao bồi ruột, người lo café, cơm sấy nước suối vừa bị tử thương vì nó nên Thạnh co chân đạp cho nó một phát té ngửa, bất ngờ bác sĩ tiểu đoàn là Qu.. đang đi kiểm soát thương binh cả hai phía, trông thấy Thạnh đá tù binh, Qu la:

_ Tại sao tr/uy đánh tù binh?

_ CCCC, nó vừa bắn chết lính tôi, anh biết đéo gì.

_ Nhưng nó đã bị bắt, là tù binh.

Thấy đđp của mình và bác sĩ tiểu đoàn to tiếng chỉ vì một tên tù binh nên tôi phải cản ra. Cả hai anh đều đúng về tình và lý, tình người và lý luật chiến trường, lòng nhân đạo, khác hẳn với “khoan đỏ nhân đạo trước sau như một” của thú dữ.

Ngày 3 tháng 11 năm 2011, công an Hà Nội đóng kịch giả dạng côn đồ du đãng vào dánh đập tu sĩ và phá hoại nhà thờ giáo xứ Thái Hà ngay trung tâm thủ đô Hà Nội. Bỏ qua một bên về việc mượn đất, cướp đất dẫn đến tranh chấp ai trái ai phải. Chỉ biết đây là một vụ kiện thưa của người dân với nhà cầm quyền, hai vế chênh lệch rõ ràng, luật pháp trong tay, quyền lực trong tay, quân đội và công an Nhân Dân trong tay, nếu muốn thì cứ thẳng tay trừng trị “bọn dân ngoan cố”, như Gadhafi, như Taliban đem xe tăng cà nông bắn sập đền đài tượng thờ, mặc xác Liên Hiệp Quốc của ông Ky-Mun khuyến cáo, cần gì phải đóng kịch cởi bỏ quần áo quân đội và CA nhân dân để mặc đồ côn đồ, uống rượu say, giả điên để hành hung và đập phá một cơ sơ tôn giáo? Giả say để mai mốt nếu dân có kiện ra tòa thì chánh án nhân dân tối cao phán rằng vì say rượu, mất binh tĩnh nên không có tội. tha tù, xử ný nội bộ thôi, cho làm kiểm điểm là đúng luật XHCN rồi. Một màn kịch “dân chủ” quá ư là tồi.

Ngày 22 tháng 2 năm 1976 tại trại tù Suối máu Biên Hòa, cùng vượt ngục với Phạm Văn Tư có Trần Văn Bé K19VB. Tư bị kẹt trong hàng rào, bị bắn, chưa chết nhưng “được” để cho kiến cắn chết. Bé trốn thoát nhưng sau đó bị bắt lại.

Ngày 10 tháng 4 năm 1976, VC thiết lập tòa án để xử Trần Văn Bé và anh Thịnh (Thủ Đức, trốn trại tại Hóc Môn). Tòa án là Niệm Phật Đường trước 1975, nay chúng phá bỏ tượng Phật, treo hình HCM để làm tòa án. Chánh án là tr/tá trung đoàn trưởng QK7/ Đoàn 775 Nguyễn Văn Bản, hai công tố là thượng úy Nguyễn Tử Mùi va Hà Minh Thuyết thuộc quân huấn và quân pháp QK7. đ/úy Lê Văn Giác, đại diện viện kiểm soát QK7. Thư ký tòa là tr/úy quân pháp Nguyễn Văn Thành, luật sư không có, khán giả là bạn tù của Bé và Thịnh.

Chánh án Bản tuyên bố khai mạc phiên tòa xử Bé với lời lẽ nhân đạo như sau:

_ Anh có điều gì cứ trình bày, cứ khai thật, khai hết, để đảng và nhà nước sẽ xử khoan hồng tha cho anh về với vợ con.

Lời tuyên bố của chánh án được thư ký ghi ngay vào biên bản, Bé chưa kịp nói gì thì hai viên công tố đã dọc ngay bản luận tội “can tội trốn trại cải tạo mục đích phản cách mạng ..vv” và trăm thứ tội khác. Sau hơn 3 tiếng đồng hồ kết tội, cuối cùng chánh án Bản đứng dậy nhìn một vòng các ‘cử tọa” dõng dạc đọc bản án do “nhân dân” quyết định:

“ Căn cứ vào chính sách khoan hồng nhân đạo trước sau như một

“Căn cứ vào điều 2 chương 1 luật số 03/SL.. ngày 15/3/76 của chính phủ …

“Căn cứ vào…

“Căn cứ vào…

“ Tòa án Quân Sự Quân Khu 7 quyết định xử phạt:

Trần Văn Bé ….. tử hình.*

(* tất cả diễn tiến thủ tục pháp lý xử án công khai và công minh đã được thư ký tòa ghi vào biên bản và mấy năm sau, biên bản này mới được trao cho bà quả phụ Trần Văn Bé)

Đồng hồ chỉ 10 giờ 10 phút ngày 10 tháng 4 năm 1976, bọn vệ binh chạy lại tử tù Trần Văn Bé, bịt mặt, bịt miệng còng chân tay, lôi ra cột đã đóng sẵn, lấy dây thừng quấn anh vào với cột, đội hành quyết đã sẵn sàng.. nhiều tràng AK nổ, đầu Trần Văn Bé gục xuống, một phát súng K54 “ân huệ” vào tai tử tội. Đồng hồ chỉ 10 giờ 30 sáng ngày 10 tháng 4 năm 1976

Vệ binh cắt dây thừng cột tử tội, bỏ xác vào hòm đã đóng sẵn, và chôn vào huyệt đã đào sẵn ngay trong vòng rào “tòa án”.

“Trước ngày xử án, hội đồng xét xử đã nhân đạo lo cho tử tội được chôn cất tử tế bằng cách cho đóng sẵn 2 quan tài và đem để ngay bên cạnh “tòa án? Một hòm cho Bé vào buổi sáng, một hòm cho Thịnh xử vào buổi chiều cùng ngày.”

“Trước ngày xử án một ngày, ban chỉ huy trại tù đã lo mồ mả cho tử tội sẵn sàng đàng hoàng bằng cách ra lệnh cho bạn tù đào 2 lỗ chôn người ngay bên cạnh tòa án.”

Trước khi xử phạm nhân thì án đã được quyết định sẵn, và đây cũng là những thủ tục mà bản án dành cho những người trong nước đòi dân chủ tự do hiện nay và sau này cùa nhà nước XHCNVN: “Trước sau như một”.

Nhà nước XHCNVN diễn một màn hài kịch triệt hạ đối với giáo xứ Thái Hà quá tệ.

Nhà nước XHCNVN diễn một màn hài kịch giết Trần Văn Bé quá tệ.

“Trước sau như một” … quá tệ và tàn ác.

Ác cho đến nỗi ông trời còn phải kêu lên: “ Trời ơi là trời”

Ngay sau khi Th/tá Trần Văn Bé vừa gục đầu xuống vì những tràng AK thì trời đất bỗng nổi cơn gió bụi, mây đen từ đâu kéo tới bao phủ bầu trời nơi “tòa án” và cũng là nơi anh Bé bị bắn, phủ toàn vùng trại tù Suối Máu Biên Hòa,, gió lốc từ đâu bay tới cuộn bốc tất cả cát bụi sỏi đá bay lên mù mịt, cát đá rơi xuống mái tôn trại tù nghe lộp bộp, rơi vào những thau cơm sắp sẵn để phát cho tù vào buổi trưa. Không phải cơn mưa bình thường, mà là những hạt nước thật to rơi lộp bộp lên mái tôn trại tù.

Tất cả sự kiện này xảy ra trong vòng 5 tới 10 phút rồi tan đi như tiễn đưa linh hồn người chiến sĩ Trần Văn Bé.

Tùy vào niềm tin của mỗi người mà có suy tư về hiện tượng này khác nhau, nhưng cùng chung ý nghĩ trời cũng phải phẫn uất, phải khóc vì sự giả dối và tàn bạo này của CSVN.

Đọc giả nào không có mặt tại nơi và thời điểm chính phủ XHCNVN xử án Trần Văn Bé thì có thể nghi ngờ sự kiện kể trên, nhưng hơn 4 ngàn cựu sĩ quan VNCH bị nhốt tại trại tù Suối Máu tháng 4/1976 đều chứng kiến hiện tượng lạ lùng này. Những Cọp Biển là nhân chứng cho hiện tượng lạ lùng này thì còn đây, là những TQLC:

Trần Vệ, (người bị bắt đi dự phiên tòa), Đoàn Trọng Cảo, Nguyễn Đức Ân, Trần Ngọc Toàn, Đinh Xuân Lãm, Trần Kim Hoàng, Lê Văn Cưu, Lê Văn Huyền, Phan Công Tôn, Huỳnh Văn Phú, Trần Văn Hợp, Trần Xuân Bàng, Tô Văn Cấp, Trần Văn Duật, Doãn Thiện Niệm, Quách Ngọc Lâm, Lâm Tải Thạnh v.v..

Lâm Tài Thạnh, TĐT/TĐ.9 TQLC ghi lại như sau:

Tôi Cựu MX Lâm Tài Thạnh cựu tù Long Giao, Suối Máu xác nhận sự hiện tượng "kỳ bí" ở trại tù Suối Máu Tháng 4 Năm 1976 là gió lốc và mây đen tự nhiên kéo đến sau khi cựu Thiếu Tá Trần Văn Bé bị xử bắn. Thời điểm nầy tôi còn nhớ sau khi xảy ra hiện tượng đó thì cựu Thiếu Tá Đoàn văn Lý, tức Lý Lùn trường Sinh Ngữ QD và Ủy Ban Liên Hợp QS 4 Bên mời các cha tuyên úy Công Giáo trong đội chúng tôi là cha Trần Ngọc Minh (SĐ.5),cha Ngô Đình Thỏa, cha Quế để làm lễ cầu nguyện cho Anh Bé, nhưng sau đó chúng tôi bị ăng-ten báo cáo nên bị gọi lên ban chỉ huy làm việc (điều tra) và giảm khẩu phần ăn hết một tuần”.

Chuyện “trước sau như một” của nhà nước XHCN thì là “chuyện thường ngày ở huyện”, nhưng cái không bình thường là những tên gốc là tỵ nạn CS, trốn CS vượt biển vượt biên, HO v.v.. van lạy thề thốt không là CS, không làm tay sai cho CS để được vào đất Mỹ sống cuộc đời ăn nhờ ở đậu, cố ăn gian nói dối để được làm công dân Mỹ. Khi đã là công dân Mỹ rồi thì lại phản nước Mỹ quay lại làm tay sai cho VC quậy phá cồng đồng người việt tỵ nạn CS. VC quăng cho khúc xương, cái vé máy bay, cho vài ngàn đô là hí hửng quay về XHCN ngồi chung bàn, ăn chung đũa với tướng CA truyền thông báo chí VC để nhận chì thị.

Phila Tô

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search