T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Thanh Hà: Mùa Giáng Sinh Tan Tác

Chó Sủa Đêm – Tranh: THANH CHÂU

(Giáng sinh là mùa của đoàn tụ, sum họp – giống như Tết Nguyên Đán của người Việt–. Dù ai đi đâu, bận gì cũng thu xếp thời gian để tìm về cái nôi gia đình. Nhưng trong đời tôi ít nhất có hai mùa Giáng Sinh (1977, 2013) là hai mùa tượng trưng cho sự tan tác chia lìa, đau thương vĩnh cách. Để lại trong tôi vết sẹo không bao giờ phai nhạt. Trong bài viết này tôi sẽ kể về mùa Giáng Sinh 1977. TH)

Cận Giáng Sinh năm 1977 anh Nhân ghé qua nhà tìm chị hai tôi đề nghị chị làm thư ký cho nông trường trồng khóm (thơm) ở xã Lình Huỳnh thuộc quận Hòn Đất, Kiên Giang do anh làm giám đốc, cách nhà tôi 45 km.

Nguyên anh Nhân là nhân viên văn phòng trong ty do ba tôi phụ trách trước tháng tư năm 75, chị hai tôi cũng là thư ký ở đây. Sau ngày 30 tháng tư đen tối, ba bị đưa xuống rừng U Minh Thượng “học tập cải tạo tư tưởng” mà thực chất là tù đày khổ sai. Chị tôi bị triệu tập học lý thuyết mười ngày rồi cho về nhà nấu cơm giặt quần áo, đã là may mắn lắm rồi.

Anh Nhân đến thăm bất ngờ, thật ra anh rất quí mến ba má tôi và xem chị hai như em gái, nên không giấu diếm kể rằng vì bên họ hàng nhà vợ có nhiều người theo “phía bên kia” chức vụ khá cao nên khi thời cuộc đổi thay anh không bị ảnh hưởng gì. Giờ gió xoay chiều, anh phải tìm việc để nuôi thân và vợ con nên xin mở nông trường trồng khóm, mía được vài tháng nay. Đã thu nhận hai thư ký nữ, nhưng cần thêm một người có kinh nghiệm về kế toán và tin cậy. Thế là anh nhớ đến chị hai.

Đã có một thời gian ba tôi bị nạn vắng nhà gần năm năm, phó thác việc chăm lo chị em chúng tôi cho ông bà Ngoại, Má. Chị hai lúc đó mới 10 tuổi mà đã biết san sẻ trách nhiệm đỡ đần đàn em nhỏ dại. Mười một năm sau, cảnh nầy lập lại lần nữa thì ông bà Ngoại già yếu, Má bước vào tuổi trung niên, chị hai ngoài hai mươi hai tuổi đã tự lập thân, gánh nặng rơi vào hai vai chị lần nữa.

Vì vậy chị không thể rời nhà đi xa nên đề nghị anh Nhân cho tôi làm thay chị, có lẽ anh không muốn nhưng bất đắc dĩ phải nhận lời. Thế là hôm sau tôi thu xếp ít bộ quần áo, chọn những kiểu may đơn giản cho vào túi xách nho nhỏ, má kêu cậu em thứ sáu chở tôi đến nông trường bằng chiếc Honda dame 50.

Ra khỏi tỉnh, con đường bắt đầu gồ ghề toàn đá cục to nhỏ, ổ gà ổ voi hoà với bụi đỏ bay mù mịt rất vất vả. Không hiểu chiếc xe bị gì mà chao đảo về một phía, em tôi phải kềm tay lái cho chặt không thì nó cứ lủi vào lề. Lại tưởng là tôi ngồi không đúng cách, quay lại gắt mấy lần:

—Chị cứ ngồi ngay ngắn bình thường đừng có gồng một bên em chạy không được đây nầy. Đường xá hư hỏng dơ dáy rất khó đi.

Tôi bị la oan, thanh minh mà cậu ấy vẫn không tin. Đưa tôi đến nơi, lúc quay trở về một mình thì chiếc xe vẫn ngoẹo đầu một bên, lúc về nhà kể lại với mọi người là ân hận đã nói oan cho tôi.

Căn nhà lá mặt trước nằm cạnh con đường liên tỉnh, mặt sau hướng ra sông. Đó là một căn nhà thật rộng, lợp lá dừa nước còn mới, nền đất khá sạch sẽ vừa dùng làm văn phòng vừa là nơi ở cho các thư ký nữ. Có ba chiếc giường đôi, mỗi chiếc cách nhau khoảng một mét, hai cô đến trước chiếm hai chiếc từ trong góc được che lại bằng tấm rideau vải, tất nhiên chiếc còn lại nằm tênh hênh giữa nhà là dành cho tôi. Có cái tủ nhỏ đặt ở mỗi đầu giường để đựng quần áo vật dụng cá nhân.

Khoảng không gian còn lại đặt thêm một cái bàn đủ lớn dùng làm bàn viết lẫn bàn ăn. Xa hơn trong góc kia cạnh cửa sau là hai cái lò bằng đất nung đỏ, bên cạnh chất một đống các thanh củi tràm cho việc nấu nướng.

Nhà dựng lên tạm lúc thành lập nông trường cách nhà dân vài trăm mét, nằm trơ trọi giữa khoảng đất chung quanh hãy còn đầy cỏ dại.

Hai cô gái nhỏ hơn tôi hai tuổi, cùng tên Xuân quê Long Xuyên là bạn thân học cùng lớp. Một người dáng nhỏ nhắn, tự động quán xuyến việc nấu ăn. Cô còn lại thân hình hơi đẩy đà nhưng rất xinh xắn với mái tóc dài đen nhánh xoã tận eo, đôi mắt to tròn long lanh. Cô hay cười, có lúm đồng tiền duyên, giọng cười nghe rất giòn. Nhưng thỉnh thoảng giữa những khoảnh khắc hồn nhiên vô tư đang chuyện trò vui vẻ cùng nhau, thái độ cô thay đổi đột ngột. Cô bỗng im lặng không tham gia vào cuộc chuyện trò mà thả hồn đi đâu mất, đôi mắt hướng ra sông buồn da diết. Trạng thái ấy cứ xảy ra nhiều lần trong ngày nêntôi đâm e ngại với người tâm tánh thay đổi thất thường như vậy, chỉ gần gũi với cô Xuân nhỏ nhắn kia.

Đến đây được hai ngày, ngoài ba người chúng tôi thì không thấy bất cứ một bóng dáng nào lai vãng, ngay cả anh Nhân. Tôi thắc mắc thì được hai cô giải thích rằng nông trường được anh Nhân cùng một người bạn thành lập, hiện giờ cả hai đang về tỉnh tìm đối tác hay mua thêm vật liệu gì đó. Nông trường ở cách đây ba cây số, đasố công nhân được thuê mướn là người địa phương nên tối họ về nhà. Những nơi khác đến thì dựng tạm lều ăn ở cạnh nông trường cho tiện. Chỉ kỳ lãnh lương vào mỗi hai tuần thì mới tụ họp về văn phòng.

Hai cô Xuân đã được anh Nhân thông báo việc tôi đến, vì vậy họ không ngạc nhiên về sự hiện diện của tôi.

Chốn ấy ban ngày vốn đã lặng lẽ, năm thì mười thuở mới có một chiếc xe cà rịch cà tang hì hục chạy qua con đường đất đỏ, động cơ vang lên ầm ĩ rồi biến mất để lại một màn bụi mù mịt bay lẩn quẩn trong không gian, bay cả vào nhà nên cửa trước gần như lúc nào cũng đóng kín. Dòng sông sau nhà có màu xanh trong vắt, nước biển pha trộn nên vị lợ không uống được, chỉ dùng để giặt quần áo rửa chén bát. Nước uống, nấu ăn phải mua từ chiếc ghe thỉnh thoảng chở nước từ Long Xuyên mang tới. Dân vùng ấy tắm nước mặn hèn chi ai cũng có màu da đen sậm. Tôi ở đó chỉ mấy ngày mà khi về Rạch Sỏi, mọi người đã nhận xét sao da tôi đổi màu nhanh quá.

Mặt nước sông phẳng lặng gần như mặt hồ, lâu lâu mới có chiếc đò gọi là tắc ráng, động cơ nhỏ hoặc chiếc xuồng ba lá chèo ngang nên không gian như ngưng đọng, vô cùng yên ắng. Có bắc một chiếc cầu de ra ngoài sông cho chúng tôi xuống giặt quần áo hay rửa thực phẩm, chén bát. Hàng đàn cá chốt, cá lòng tong quanh quẩn, chỉ nghe tiếng chân người động đậy bước xuống cầu là đã bơi lại gần. Chúng tôi thò tay xuống nước là chúng bu lại cắn nhẹ nhẹ vào tay rất dạn dĩ. Chúng tôi dùng thau hay rỗ thử bắt chúng rất dễ dàng. Mà lạ lùng là không ai nghĩ đến chuyện đem kho nấu, cho là loài cá tí hon không đáng để ăn.

Thời gian ấy các loại cá tôm, rau muống bông súng trong thiên nhiên vẫn dư thừa dễ kiếm.

Tôi thường nghe nói lương công nhân viên chức làm việc cho Cộng sản rất thấp, phải dè xẻn từng đồng mới đủ trang trải cho sinh hoạt thường nhật. Nhưng các bữa ăn của ba chúng tôi do cô Xuân-nhỏ-nhắn lãnh phần nấu nướng khá tươm tất. Gồm rau cải tươi, thịt heo, cá lóc, cá rô thay đổi mà mỗi ngày cô đón xuồng bán thực phẩm trái cây dọc theo sông lại mua rất thoải mái. Cô giải thích chúng tôi không phải trừ tiền ăn vào lương, mà do các ông chủ–hiện đi vắng vì công việc– đưa tiền cho chúng tôi chi tiêu vào việc ăn uống. Để tiện lợi cô thường kho một nồi thịt heo với nước dừa tươi kèm trứng vịt, thật là đế vương ở thời buổi cả nước ăn bo bo, cơm độn khoai sắn, rau muống cầm hơi.

Tôi hơi ngạc nhiên về sự hào phóng của anh Nhân và người hợp tác của anh, rồi cho rằng chắc các ông xem chúng tôi như người thân thuộc, tội nghiệp cho hoàn cảnh gia đình nên bao biện luôn bữa ăn. Vì ba của hai cô Xuân đều là sĩ quan VNCH đang ở tù trong trại khổ sai mà tôi không nhớ tên*

*Về sau, khi không còn làm ở nông trường nữa thì tôi mới biết vì sao mà “hai ông chủ” lại hào phóng với hai cô thư ký tuổi xuân mơn mởn.

Ban ngày đã vắng lặng như thế thì ban đêm còn tịch mịch u trầm thế nào. Chiều vừa tắt nắng, hàng đàn muỗi đã vo ve ùa đến, nên mới 7 giờ ba đứa chúng tôi đã chun vô mùng, đặt cây đèn dầu hột vịt cháy leo lét trên bàn. Tôi cứ thao thức cố dỗ giấc mà chập chờn không ngủ yên, bởi hai nguyên nhân: thiếu chiếc gối dài để ôm vào lòng mà tôi đã quen từ bé cho đến giờ. Và sợ ma!!!

Tôi quaylưng về hướng giường của hai cô, mặt xoay ra ngoài, cố nằm im không dám cựa quậy lăn trở dù rất mỏi vì sợ nếu “nó” đứng rình ở đầu giường thấy tôi còn thức sẽ giở mí mùng khều lưng nhát. Tôi thật là trẻ con nhỉ.

Trong bầu không khí ảm đạm sợ sệt tôi nghĩ ngợi lẩn thẩn: chúng tôi ba cô gái tuổi ngoài hai mươi xuân xanh, mới rời trường học, xuất thân từ thị tứ sầm uất, tự nhiên đâm đầu lên cái xứ khỉ ho cò gáy. Buổi tối ngủ trong căn nhà lá mà cánh cửa mỏng dính khép cho có lệ, chỉ cần đạp chân mạnh là bung ra dễ dàng. Nếu như ai có ý định xấu, nửa đêm mò đến giở trò đồi bại thì chỉ có nước chịu trận chứ la cũng chẳng ai nghe. Các ông chủ sao gan quá, dám bỏ ba đứa con gái chúng tôi một mình giữa đồng không mông quạnh như thế.

Tôi vừa sợ ma vừa nhớ nhà mới vài ngày đã thấy mệt mỏi vì đêm thiếu ngủ. Nghĩ thầm thôi cố làm cho đủ một tháng sẽ xin anh Nhân nghỉ việc. Thà theo ngoại ra đồng làm ruộng mà được gần gia đình, tối ngủ có gối để ôm vào lòng và không bị ma ám ảnh.

Một tuần sau anh Nhân cùng người cộng tác lần lượt từ tỉnh trở lại văn phòng. Đi bằng ghe bầu có chở nhiều vật dụng cuốc xẻng dao rựa cây cọc..v..v…cho nông trường.

Hai cô Xuân chạy ào xuống bến chào đón mừng vui.

Tôi cũng mừng, nghĩ giờ nhà có đàn ông thì sẽ hết sợ ma và kẻ gian đột nhập.

Đó là đêm đầu tiên ở Lình Huỳnh tôi không còn sợ bóng tối. Noel đã qua, dù tôi đạo Phật nhưng năm nào cũng theo bạn đi xem lễ nhà thờ. Nhớ thời gian còn học ở Sài Gòn, đêm 24 hoà theo đám đông đi bộ đến Vương Cung Thánh Đường, ra Nguyễn Huệ, Lê Lợi vòng vòng tới nửa đêm rồi ghé nhà bạn ăn tiệc thật vui. Bây giờ nằm đây trong căn nhà lá trống trải với người xa lạ chỉ mới quen được dăm hôm.Thật là cảnh ngộ kỳ cục. Rồi tôi chìm vào giấc ngủ thật sâu. Sáng dậy, hai ông chủ đã đi ra nông trường từ sớm tinh mơ.

Tiếng là làm thư ký nhưng từ lúc đến tôi chưa được giao việc sổ sách gì làm hết, vì chỉ mỗi hai tuần phát lương cho công nhân là mới bận rộn thôi mà tôi mới đến chưa đầy tuần lễ.

Buổi trưa, gió bấc thổi lạnh, nghĩ đến tương lai mờ mịt mà buồn hiu hắt theo ngọn heo may. Tôi mặc thêm áo len ra ngồi trên cầu nhìn mặt sông xanh thẳm gợn sóng lăn tăn. Bầy cá lòng tong, cá chốt bu lại như chào mừng. Nhìn chúng bơi lội tung tăng trên dòng sông mênh mông nước, tôi ước gì mình hoá thân thành cá để nương theo dòng chảy của sông ra biển vượt thoát khỏi địa ngục trần gian nầy.

Đại Tây Dương dậy sóng gọi sông

trời tha thiết đùn mây soi nước

cửa đã mở thênh thang phía trước

sao sông còn bám chặt đôi bờ ?…

…chân dung em xanh thẳm biển trời

óng ánh mãi cuộc đời trôi nổi

biển ngàn năm vẫn nôn nao đợi

sông bâng khuâng chở nước về nguồn

(Đợi, Con Sông Ra Biển, thơ Phạm Hồng Ân)

Đang thả hồn mơ ngày bỏ quê hương đi tìm tự do nơi đất khách, bỗng nghe có tiếng kêu quen thuộc gọi tên mình từ trên nhà:

—TH ơi, dì ba nè, dì ba đến kiếm con nè.

Quay lại nhìn, thấy dì ba tất tưởi bước tới . Dì là em họ bạn dì của má, ở cạnh nhà chúng tôi. Linh cảm có điều gì bất thường. Sao tôi đi mới có dăm ngày dì ba đã đến tìm, mà không là ai trong gia đình.

—Ủa, sao dì ba biết con ở đây mà tìm vậy? Bộ nhà con có chuyện gì hở dì?

Chưa kịp nói dì đã oà khóc nức nở, khiến tôi càng quýnh quáng. Cố dìm cơn xúc động, dì bù lu bù loa:

—Ừ, ngoại con kêu dì hỏi người ta chỉ đi tìm con. Con thu xếp đồ đạc về với dì ngay đi. Tối hôm kia Công An tỉnh vô bắt má, chị em của con vô tù hết rồi. Còn ông bà ngoại với bé út (10 tuổi) thì bị đuổi ra khỏi nhà, chúng tràn vô chiếm hết đồ đạc trong nhà giờ ông bà ngoại, bé út đang sống tạm trong cái lều bỏ hoang của dì đó. Họ nói nhà con chứa súng để chống lại họ.

Các sợi thần kinh cảm xúc trong tôi bỗng đông cứng lại, tôi như hoá đá không phản ứng nói năng gì được. Như thể linh hồn tôi xuất ra khỏi thể xác bay đi đâu mất tiêu. Phải, khi biến cố vượt lên trên mọi suy đoán, tưởng tượng thì chúng ta trở thành tượng đá. Chai lì, trơ cứng. Tôi vào thu dọn mấy bộ quần áo cho vào túi xách. Từ giã hai cô Xuân đang đứng bàng hoàng không biết làm gì để an ủi tôi, chỉ nói là sẽ nhắn lại cho anh Nhân hay tin tức.

Tôi cùng dì ba ra đứng đón xe đò trở về phố. Trời xế chiều, xe đò chắc đã chạy qua hết rồi. May thay, có một chiếc xe hạng nặng kéo theo sau rề-mọt (remorque) chạy tới. Thấy chúng tôi đứng lủi thủi bên vệ đường gương mặt thất thần, họ tử tế dừng lại cho chúng tôi quá giang về tỉnh.

Về đến nơi, thấy ông bà Ngoại gương mặt còn hằn nét kinh hãi ngồi thu lu trên bộ ván trong căn lều lụp xụp xiêu vẹo chỉ còn một mái lợp lá dừa thủng lỗ chỗ mà dì ba đã bỏ hoang từ nhiều năm. Bé út 10 tuổi vô tư ngồi kế mở tập ra học bài. Vài nồi xoong đặt cạnh cái lò đất, tô chén đũa đựng trong rỗ tre, mùng mền, ít quần áo cũ kỹ đựng trong bọc ni-lông đặt trên bộ ván mà dì ba kịp mang cho mượn làm nơi ngã lưng. Cảnh tượng rách rưới tiêu điều trong chút ánh nắng hoàng hôn vàng vọt chiếu ngang, giờ tôi mới chạnh lòng oà lên khóc tức tưởi.

Hỏi nguyên do vì sao ra thảm cảnh. Ngoại nghẹn ngào tiếng được tiếng mất kể rằng mấy đêm trước, giữa khuya có mấy chục tên công an rầm rập tới gõ cửa đòi xét nhà. Má tôi vừa mở cửa thì chúng súng ống cầm tay ào vào như thác lũ, kéo em trai tôi bị trói oặt cánh tay ra sau lưng đẩy ngồi vào một góc.–Nguyên em tôi nghỉ học xin làm khuân vác cho hãng sản xuất nước đá cách nhà tôi một quãng, buổi tối tới phiên trực nên ngủ lại ở đó–. Chúng đẩy má tôi qua một bên hùng hổ đi từ trước ra sau, vào phòng ngủ dựng các chị em gái tôi dậy kêu ra ngồi cạnh em trai không được động đậy. Ngoại ngủ ở căn nhà sát vách, có cửa thông liền hai nhà nên nghe và chứng kiến rõ mọi việc. Má tuy run sợ nhưng ngoài mặt giữ bình tĩnh hỏi:

—Các ông làm gì mà nửa đêm vào nhà chúng tôi lục soát, bắt con tôi trói như thể nó là tội phạm vậy.

Một tên có vẻ là chỉ huy cao giọng trả lời:

—Có người tố giác nhà thím là ổ phản động, con trai thím giấu súng mưu toan chống lại nhà nước.

—Trời ơi, con trai tôi mới 17 tuổi, là học sinh miệng còn hôi sữa làm gì dám chống lại mấy ông hả trời.

Tên công an cười nham hiểm:

—Rồi sẽ biết ngay thôi.

Không đợi lâu, lát sau một trong mấy tên công an đang leo vào bồ lúa dựng sau bếp la lên, trong tay vung vẫy khẩu súng lục:

—Súng đây rồi, nó giấu trong bồ lúa đây.

Má, các chị em tôi bàng hoàng không hiểu súng từ đâu mà ra. Tên chỉ huy lạnh lùng ra lệnh cho mỗi người đem hai bộ quần áo rồi theo chúng ra xe đậu sẵn ngoài đường.

Thế là má, chị hai, chị ba, em gái thứ năm, em trai thứ sáu bị chở thẳng vô trại tù Khám Lớn tỉnh, kể cả đứa bé 11 tháng tuổi con của chị ba–chồng của chị đi công tác xa, sau chúng cũng lùng bắt bỏ tù luôn. Phần ông bà ngoại ngoài 70 tuổi và cô út 10 tuổi thì chúng chừa ra không bắt, cũng chưa vội đuổi khỏi nhà ngay vì trưa hôm sau còn phải chứng kiến một màn đớn đau dao cứa tâm can nữa rồi mới “nhận ân huệ” dắt díu nhau rời tổ ấm, đẩy sang căn nhà hoang rách nát cách một mảnh sân, đóng trọn vai trò cho tấn bi-kịch-đời nầy.

Chúng, cả chục công an, chở em trai tôi về lại nhà, tay vẫn bị còng sau lưng. Hạ nhục bằng cách bắt ngồi bẹp ngoài hàng hiên để chụp hình với cây súng lấy từ bồ lúa đặt vào lòng. Trong lúc hàng xóm hay tin đổ xô đứng lấp ló từ ngoài đường, bên sân nhà họ nhìn sang. Vừa quay phim vừa thuyết trình khoe thành tích là vừa tóm cổ tên phản động để đưa lên đài phát thanh tỉnh. Bé út kể rằng em trai rất đói, nên bà Ngoại năn nỉ với chúng mở còng cho em ăn chút cơm lót dạ. Lúc đầu chúng từ chối, nhưng thấy nhiều người chứng kiến nên chúng buộc phải đồng ý, vẫn còng tay nhưng ra phía trước mặt, như thể sợ em tôi trốn thoát giữa vòng vây của chúng vậy. Bé út vào bới tô cơm với ít cá đưa cho anh trai, nhìn cảnh hai tay vẫn bị còng run rẩy vì đói bưng tô cơm nguội múc từng muỗng đưa lên miệng khó khăn, có người kín đáo quệt nước mắt, các bác lớn tuổi oà khóc thành tiếng vì cảnh tượng quá thương tâm.

Sau trò quay phim chụp ảnh, chúng chở em tôi quay lại trại tù. Thì đến phiên  công an huyện ra uy, tống cổ ông bà ngoại và bé út sang căn chòi hoang như đã kể phần trên.

Bây giờ nghĩ lại, không biết tôi có thiên thần hộ mạng hay chỉ là sự ngẫu nhiên mà anh Nhân đến rủ chị hai tôi đi làm vào thời điểm một tuần trước Giáng Sinh. Bởi chỉ cần anh đến trễ hơn vài ngày thì tôi cũng đồng số phận nếm cơm tù Khám Lớn cùng với gia đình rồi còn đâu.

Nên tôi là người thay thế chị hai đi làm, vì vậy tôi thoát cảnh tù tội trongcâu chuyện gây tiếng vang long trời lở đất ở cái quận chúng tôi sinh sống, bay xa tới tận hàng tỉnh và vài vùng phụ cận, ai nghe thảy đều rúng động bàng hoàng.

Tôi không đi tù.Cũng nghỉ việc nông trường. Ở ngoài trách nhiệm càng nặng nề, vì phải tìm cách mưu sinh chắt chiu từng đồng mỗi cuối tuần chuẩn bị hai giỏ thức ăn gởi vào Khám Lớn: một cho bên phụ nữ, một cho em trai nằm cát-sô. Và mỗi tháng lặn lội mang một giỏ theo tàu nhỏ đi U Minh Thượng thăm nuôi ba tôi nữa.

Thời gian ấy phong trào vượt biên bùng phát mạnh mẽ. Số người bị bắt nhiều vô kể, hết chỗ chứa nên chúng thả bớt tù cũ. Công an tỉnh điều tra biết gia đình tôi vô tội, chẳng qua công an quận lấy cớ để chiếm tài sản nhà cửa nhân chiến dịch càn quét Tư Sản Phản Động, chọn gia đình tôi là điển hình cho mỗi khu xóm, nên sau ba tháng chúng thả phụ nữ trẻ con về. Cậu em trai bị đưa đi U Minh Thượng làm khổ sai thêm hai năm. Ba tôi lâu hơn, 7 năm.

Nhà cửa thì chúng đã chiếm, vơ vét sạch sẽ. Gia đình tôi còn tiếp tục nương náu trong ngôi lều bỏ hoang thêm thời gian rồi mới cất căn nhà mái lá trên mảnh vườn bên kia đường ở tạm hơn 10 năm nữa.

Một tháng sau khi em tôi ra tù, thì vào đêm tối trời nhóm công an huyện (quận)

lại mò đến kêu cửa đòi dẫn em trai tôi lên đồn. Má tôi hỏi lý do, chúng nói là lên đó sẽ biết. Má tôi bèn đi theo, chúng ngăn không cho nhưng má tôi cương quyết nói:

—Tự dưng nửa đêm các ông bắt con tôi đi không lý do tôi đâu biết các ông định làm gì con tôi, nên tôi phải đi theo để biết cơ sự thế nào chứ.

Thì ra chúng lấy lý do là bắt em tôi đi làm thuỷ lợi tức đào kinh gì đó ở tận miệt nào chẳng biết. Uất ức dồn nén lâu ngày, má tôi không sợ nữa:

—Thật là kỳ lạ, con tôi giờ không còn tên trong sổ gia đình, không hưởng chút quyền công dân nào, mất tự do cấm không được đi đâu khỏi xómvậy mà khi lao động cực khổ vất vả thì các ông lại bắt con tôi đi là sao. Bắt nó đi xa qua nơi khác tức là trái lịnh cấm không được đi khỏi nơi cư trú, khiến nó phạm tội bất tuân không chấp hành lịnh để các ông lấy cớ bắt nó đi tù nữa a.

Đuối lý, cuối cùng chúng để em tôi về, cũng thôi bắt đi làm thuỷ lợi. Vì má tôi nói nếu muốn em tôi đi thuỷ lợi thì phải trả giấy tờ, phục hồi quyền công dân trước đã.

Không thể tiếp tục sống trong hoàn cảnh nầy được, tháng chín năm đó em cùng nhóm bạn trẻ hùn nhau mua tàu nhỏ, xăng dầu liều mình vượt biển. May mắn qua đến đảo Pulau Bidong bị cảnh sát Mã Lai bắt lên bãi biển phát cho mỗi người một cái xẻng tự đào hố cao tới cổ rồi bảo vào đứng. Em nghĩ thầm: Chết rồi, chắc chúng chôn sống tụi mình đây. Thì đúng lúc phái đoàn Canada vừa tới đảo, chứng kiến cảnh ấy họ liền đón nhận nên em chỉ ở đúng hai tuần lễ là được đi định cư ở xứ lạnh tình nồng, cuộc đời yên ấm cho đến ngày nay.

Thanh Hà

Bài Mới Nhất
Search