T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Trần Yên Hạ: Như Mẹ vẫn còn đây

Mẹ và Con – Tranh: Thanh Châu

Tiếng chuông reo đánh thức giấc ngủ chập chờn của buổi sáng Chúa nhật, tôi nhắc vội điện thoại. Tiếng chị Hai nghẹn ngào trong khoảng âm thanh thật xa xôi:

-Em đó phải không…chị mới đưa mẹ vô bệnh viện cứu cấp. Mẹ bị mệt và khó thở, bây giờ đang hôn mê…

Qua vài lời trao đổi ngắn ngủi, tôi gác điện thoại với tâm trạng đầy lo âu. Giờ này, nhà tôi và các con vẫn đang say ngủ. Tôi bước ra phòng làm việc, đầu óc miên man nghĩ về mẹ. Cách đây một tuần, có một đêm, tôi bỗng nhớ mẹ vô cùng. Nỗi nhớ se thắt, bồn chồn làm tôi không ngủ được. Hôm qua, lại mơ thấy người bạn -đã chết rồi- nằm mê man trên giường. Một nỗi lo sợ ghê gớm bỗng vây quanh tôi. Không lẽ, đây là một điềm báo trước mẹ tôi sẽ….  Với số tuổi tám mươi sáu, sức khỏe yếu đuối, mong manh, liệu tôi có còn nhìn thấy mẹ? Chưa bao giờ tôi cảm thấy những câu thơ quen thuộc của Trần Trung Đạo lại hàm chứa tất cả nỗi xao động trong lòng tôi như hôm nay.

Nhắc chiếc phone lên bỗng lặng người,

Tiếng ai như thể tiếng mưa rơi,

Nếu mà tôi đổi thời gian được,

Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.

Mẹ ơi! mẹ sẽ khỏe lại. Con tin như vậy. Mẹ sẽ trở về nhà, ngồi ăn miếng trầu cay như thuở nào, để chờ  vợ chồng con và hai cháu nội về ngồi quanh mẹ.

Suốt ngày Chúa nhật, tôi lẩn quẩn trong nhà thờ với những công việc như bình thường. Tôi đi dọn từng bao rác, cắt cỏ và thầm thì xin cùng Chúa “Lạy Chúa! xin đừng đem mẹ con đi”.  Tôi sợ ở nhà với gương mặt ủ rũ sẽ làm mọi người trong gia đình lo lắng. Tôi sợ tiếng chuông điện thoại reo và giọng nói tắt nghẹn, nức nở của chị tôi từ Việt Nam.

Và rồi thời gian trôi đi, chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa tôi sẽ ra phi trường để về thăm mẹ. Trong khi nhà tôi đang sửa soạn hành trang, thì tin khủng bố từ TV đã làm tôi choáng váng. Lửa cháy! Máy bay đâm vào tòa cao ốc. Gạch đá đổ xuống. Những cột khói cao mịt mù. Chuyện gì đã xảy ra nơi đây? và chuyện gì sẽ xảy ra ở bên kia trời quê hương cho mẹ?

Cuối cùng, chuyến đi bị hủy bỏ.

-Mẹ đã hôn mê ba ngày rồi. Hồi sáng này mẹ hơi tỉnh và hỏi chị, em con có về kịp không?

Tiếng chị Hai vang lên trong điện thoại. Tôi bật khóc. Mẹ ơi! làm sao con về được? Con đang bình an nơi đây, xem tin tức ở New York tang tóc và tin tức từ Việt Nam, mẹ đang thoi thóp từng hơi thở mà lòng đau như dao cắt. Đất nước này đang lâm nguy! Việc làm của con chỉ còn đếm từng ngày! Và từng giờ trôi qua để rồi con sẽ mất mẹ! Chưa bao giờ những chuỗi âu lo đè nặng trên vai tôi như hôm nay. Xin Chúa cho con đừng gục xuống.

Vậy mà điều tôi lo sợ đã đến. Mẹ tôi vĩnh viễn ra đi sau mười lăm ngày tỉnh tỉnh, mê mê ở bệnh viện. Mẹ đã đợi chờ tôi mòn mỏi, để rồi tôi không bao giờ về kịp nữa. Tôi vẫn nhớ hoài dáng mẹ ngồi co ro trước cửa với hai dòng lệ chảy dài trên má, khi tôi quỳ xuống, ôm mẹ giã từ để trở về Mỹ trong lần đầu tiên trở về thăm -đâu ngờ, đó cũng là lần vĩnh biệt. Mẹ ôm đầu tôi vào ngực và hỏi:

-Chừng nào con về nữa?

Con vẫn muốn về, nhưng rất sợ những buổi sáng chia tay như năm nào. Kể từ nay và mãi mãi đến ngày nhắm mắt, con sẽ chẳng bao giờ còn được thấy mẹ khóc hay cười.

Hơn ba mươi năm, kể từ ngày ba nằm xuống, vai mẹ mỗi ngày gầy đi vì gồng gánh biết bao nỗi thương đau, chia lìa. Con chợt nhớ lời thơ,

Nắng mưa từ buổi tang chồng

Tơ tằm rút mãi cho lòng héo hon.

 Và cũng kể từ đó, con của mẹ đã rời xa mẹ. Hết chinh chiến lại bị tù đày, rồi lưu lạc nơi đất khách quê người. Mẹ mừng cho con, vì thoát được cuộc đời tăm tối, nhưng lại tủi buồn vì con mãi biền biệt phương xa. Con còn nhớ, có lần theo đoàn quân đi ngang thành phố, con xin dừng xe, chạy vội vào nhà thăm mẹ vài phút. Mẹ ôm con, bật khóc khi nhét vội vào túi con chai dầu gió và nói:

“Con đi ngoài trời, đêm hôm mưa gió, ráng giữ gìn cho ấm, kẻo bệnh hoạn không ai lo cho con”.

Con thì cười cho cái lẩm cẩm của mẹ:

“Con như vầy mà bệnh sao được, mẹ đừng lo!”.

Nhớ hồi bé, khi học xong tiểu học, vì làng mình không có trường, con phải đi học khá xa. Lần nào về, mẹ cũng đưa con ra bến xe với đôi mắt đỏ hoe và lần nào con cũng đòi nghỉ học ở nhà. Những lúc đó mẹ cười trong nước mắt và nói:

“Mười một tuổi rồi mà theo mẹ làm gì, ráng đi học để biết chữ với người ta, mẹ sẽ dành cho con nguyên một nhánh quýt đường con thích”.

Khi về nhà, việc đầu tiên là con chạy ngay ra vườn, hái những trái quýt đường chín mộng ngọt lịm. Nhưng khi nhìn thấy một đám cỏ chừng vài mét vuông mà ba để dành cho con, con lại nhăn nhó, phụng phịu. Ba muốn con tập làm việc để giúp đỡ gia đình, nhưng con lúc nào cũng thích những nhánh quýt đường hơn là đám cỏ. Quýt thì ăn nhanh, nhưng đám cỏ thì làm hoài không hết. Mẹ phải lén ba, nhổ cỏ giúp con. Nhưng khi có mẹ làm thì con biến mất theo đám bạn đi bắn chim. Con hư như vậy mà chưa lần nào mẹ rày la con. Ngoại trừ những lần con nhăn nhó, vì mẹ muốn con phải luôn luôn làm vui lòng những người khách không mời, từ dưới quê lên, ở nhờ để trị bệnh. Lúc đó, nhà mình mới lên tỉnh, còn nghèo và chật hẹp lắm, mà hầu như tháng nào cũng có vài người đến tá túc. Mẹ luôn dạy dỗ con về lòng nhân hậu, yêu thương, sự hy sinh và giúp đỡ người khác.

Mẹ ơi! mẹ mất lâu rồi mà đến hôm nay con vẫn không muốn tin đó là sự thật. Con ngồi đây một mình trơ trọi. Chưa bao giờ con cảm thấy mình nhỏ bé, yếu đuối như bây giờ. Ước gì, con nhỏ lại như ngày xưa, để còn được dựa vào cánh tay độ lượng của mẹ.

Giờ này, chắc mẹ đang ở với Chúa, hẳn mẹ thấy và biết con đang làm gì. Xin mẹ hãy cầu nguyện cho con luôn xứng đáng với tình yêu mẹ đã cho và  không phụ lòng thương mến của những người thân yêu. Cảm tạ Thiên Chúa đã cho con niềm tin, để biết rằng, sự ra đi của mẹ không phải là hết “Sự sống của mẹ  không mất, nhưng chỉ đổi thay”, như lời hát kinh cầu và  chính mẹ vẫn còn đang sống cuộc đời của con.

 

Trần Yên Hạ

(Viết trong ngày giỗ Mẹ)

 

 

 

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search