T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

TV&BH: Trưởng ban Việt ngữ đài SBS Radio “giã từ vũ khí“

clip_image002

Sau gần 20 năm làm việc trong chương trình Việt Ngữ đài phát thanh SBS (Special Broadcasting Service) của nước Úc với tư cách phát thanh viên và là Trưởng Ban Việt Ngữ của đài, anh Quốc Việt Trần Như Hùng đã chính thức xin nghỉ việc hôm thứ Tư 21 tháng 3 năm 2012.

Đây là một tin, mà theo lời nhà báo Hoài Nam, tác giả chương trình 70 năm Tình ca trong tân nhạc Việt Nam từng được phát nhiều năm trên đài SBS trước đây, “ . . . đã làm rúng động dư luận người Việt trên toàn quốc Úc. Bởi vì thích hay không thích “cá nhân Trần Như Hùng ”, trong tập thể người Việt quốc gia, không ai có thể phủ nhận tinh thần quốc gia và công sức phục vụ của TNH trong suốt mấy chục năm qua. . . “.

Hôm nay (24 tháng 3 năm 2012), trong phần “Tiếng Việt“ của đài SBS Radio, chúng tôi vẫn còn trích được phần nói về tiểu sử của anh Quốc Việt và hình ảnh như sau:

clip_image004

Trần Như Hùng

Trưởng ban Việt ngữ của SBS Radio là Quốc Việt (Trần Như Hùng).
Là một nguời tỵ nạn, ông đến Úc định cư năm 1985, vừa học (ngành Xã Hội, ĐH La Trobe, Melbourne) vừa làm (cố vấn, giúp đỡ sinh viên di dân theo học Trường Ngôn Ngữ của RMIT)
Từ cuối năm 1988 đến giữa năm 1991, ông làm việc với Phủ Cao Uỷ Tỵ Nạn UNHCR, giúp đỡ thuyền nhân Việt Nam trong các trại giam tại Hồng Kông.
Về lại Úc, ông làm việc 1 thời gian ngắn trong lĩnh vực xã hội truớc khi trở thành Trưởng ban Việt ngữ SBS Radio (tại Melbourne)  từ năm 1992 đến nay.
Một thời gian ông từng dạy khoá Thông ngôn – Phiên dịch tại các trường RMIT và Đại học Deakins.
Ngoài việc phát thanh, từ ngày đến Úc, ông là 1 huynh trưởng cuả Hội Huớng đạo Úc (chi nhánh Victoria).

Trong bài nói chuyện giã biệt thính giả Việt ngữ đài SBS Radio hôm thứ tư 21 tháng 3, anh Quốc Việt đã nhắc lại (với dụng ý?) rằng chương trình Việt ngữ của đài SBS không phải là một chương trình phát thanh “của” cộng đồng người Việt Quốc Gia tị nạn Cộng sản tại Úc (chữ Của ở đây phải được hiểu là thuộc quyền sở hữu và đề ra cương lĩnh họat động của Cộng đồng). Một cách chính xác, chương trình Việt ngữ với ban Việt ngữ mà Quốc Việt Trần Như Hùng là Trưởng Ban, cùng với 68 chương trình thuộc các ban ngôn ngữ khác, chịu sự lãnh đạo về mọi mặt của Ban điều hành đài phát thanh SBS.

SBS Radio (tức Special Broadcasting Service), tự tên gọi, là một chương trình phát thanh của chính phủ Úc nhằm đối tượng là những công dân Úc di dân đến từ những quốc gia khác trên thế giới, với mục đích “giúp họ hiểu biết về đời sống xã hội, về quê hương họ đã chọn làm nơi sinh sống để họ hội nhập cũng như thành công trong cuộc sống ở đây . . . “. Đài radio SBS khởi sự họat động từ năm 1975, đến nay với tổng số 69 chương trình phát thanh bằng 69 ngôn ngữ khác nhau và số thính giả ước lượng là 2.7 triệu người Úc gốc di dân, trong đó có cộng đồng người Việt.

Nguyên nhân nào khiến anh Quốc Việt xin nghỉ việc sau gần 20 năm gắn bó với chương trình phát thanh trên đài SBS Radio?

Cá nhân tôi, sau khi được tin từ anh Hòai Nam (hiện sinh sống ở Úc) đã nghe được phần phát thanh giã biệt thính giả của anh Quốc Việt trên đài SBS Radio tối thứ tư 21 tháng 3 năm 2012 (Xin bấm vào phần Phụ Lục Audio “Từ giã thính giả “ ở cuối bài để nghe).

Phần mở đầu là một đọan nhạc trích trong bài “Mai tôi đi“ của Nguyễn Đình Tòan do Khánh Ly hát và đọan nhạc đóng lại là một ca khúc “chiến đấu“ được hát bởi một ca sĩ không chuyên nghiệp nhưng rất có hồn (ca khúc này có tên “Người lính không bao giờ chết“ của tác giả Dzuy Linh – cũng là người trình bày – vốn là một chiến hữu cùng binh chủng TQLC với Quốc Việt năm xưa) khiến người nghe (tôi) ngay lập tức “ngửi“ ra một điều gì đó mà anh Quốc Việt hình như muốn gởi gấm đến thính giả và bạn hữu của anh. Kể cả nội dung phần nói chuyện từ giã, anh cũng đã nhấn mạnh nhiều lần rằng, anh đã cố gắng rất nhiều để làm tròn bổn phận một phát thanh viên, một trưởng ban ngôn ngữ và không quên mình còn là một người Việt tị nạn Cộng sản đã từng sống qua bao ngày cơ cực như thính giả của ban Việt ngữ đài SBS Radio, rằng “xin qúy thính giả thứ lỗi nếu anh đã không đáp ứng được 100% sự mong đợi“, và “sức người có hạn, không ai có thể làm tất cả mọi việc . . .“ .

Tôi tin mình đã hiểu được phần nào những lý do khiến anh Quốc Việt “giã từ vũ khí”.

Trong bức thư báo “tin dữ “ liên quan đến sự ra đi của người trưởng ban Việt ngữ đài SBS Radio từ anh Hòai Nam, tôi đã được khẳng định điều mình vừa “ngửi“ thấy:

“ . . . Trần Như Hùng vừa nghỉ việc ở SBS Radio, do không chịu nổi áp lực trực tiếp của Ban giám đốc, và gián tiếp của Tòa đại sứ CSVN.

Như trong email TNH gửi cho anh trước đây, nhiệm vụ chính của các ban ngôn ngữ sắc tộc là giúp những người không nói được tiếng Anh trong cộng đồng mình dễ dàng hòa nhập vào xã hội Úc, và nhiệm vụ phụ là “làm gạch nối giữa quê hương cũ (motherland) và quê hương mới”.

Nhưng ngay từ những ngày đầu, anh chị em trong ban, dưới sự lèo lái của TNH đã cố gắng đưa vào những chương trình, hoặc chất liệu mang màu sắc “quốc gia”, hoặc chỉ trích chế độ CSVN. Chính vì thế, Ban giám đốc đã nhiều lần lưu ý, thậm chí khiển trách (mà TNH hiểu là do sự “khiếu nại” của Tòa đại sứ CSVN).

Anh cũng nên biết là trong hai, ba chục năm qua, vì quyền lợi kinh tế cũng như quan hệ ngoại giao, chính phủ Úc (nhất là các chính phủ Lao Động) luôn o bế CSVN, và tìm mọi cách để làm hài lòng Hà Nội – đến nỗi ông cựu Chuẩn tướng Chủ tịch Hội Cựu Quân Nhân toàn quốc Úc còn đề nghị mời các cựu chiến binh CSVN sang Úc diễn hành chung trong Ngày Quân Lực Úc!…

Mỗi lần bị Ban giám đốc lưu ý, khiển trách như thế, TNH lại phải tìm cách “phân bua”. Thời gian gần đây, cùng với việc CSVN (thông qua các tay sai) mua quảng cáo để quảng cáo đủ thứ hàng hóa, dịch vụ của họ trên SBS, một đài phát thanh có tiếng là “chống cộng”, Ban giám đốc đã gia tăng áp lực với TNH.

Sức chịu đựng có hạn, trong một buổi “đối thoại” với ông Giám đốc SBS Radio ở Melbourne, TNH đã nổi nóng (nghe nói anh chàng đã… đập bàn rồi bỏ đi ra khỏi phòng!).

Sáng hôm sau (Thứ Hai vừa qua) TNH nộp đơn xin nghỉ việc và đã chính thức từ giã thính giả trong buổi phát thanh tối Thứ Tư vừa qua! . . . “.

Vậy là chúng ta đã hiểu tại sao, một con người đầy nhiệt huyết, đầy năng lực như anh Quốc Việt Trần Như Hùng, đã phải từ bỏ một công việc vừa ưa thích, vừa là cơ hội quý giá, hiếm hoi để phục vụ cộng đồng người Việt tại Úc (và có lẽ, cả cộng đồng người Việt khắp nơi trên tòan thế giới) sau khi đã gắn bó gần 20 năm.

Chúng tôi mong sẽ lại gặp Quốc Việt Trần Như Hùng trên một trận tuyến khác. Như người bạn quá cố Cao Xuân Huy của anh, người lính TQLC Ó Biển lại thêm một lần “tháng ba gãy súng“. Khi tôi viết những dòng kết thúc này thì nhận được điện thư của anh khẳng định “rằng Tháng ba lại về nhưng súng chưa gãy và Hùng nhô cũng chưa giã từ vũ khí mà chỉ đổi mặt trận thôi. “old soldiers never die; they just fade away” .

24 tháng 3 năm 2012

T.Vấn

Chú thích : Để giúp quý độc giả tiện theo dõi, chúng tôi kèm theo đây đọan trích trong chương trình phát thanh tối thứ tư 21 tháng 3 năm 2012 cùa đài SBS Radio liên quan đến quyết định rời bỏ nhiệm vụ Trưởng ban Việt Ngữ của anh Quốc Việt. Ngòai ra, chúng tôi cũng xin phép anh Dzuy Linh và anh Quốc Việt được giới thiệu trọn vẹn bài hát “ Người Lính Già Không Bao Giờ Chết “ mà anh Quốc Việt đã sử dụng một đọan ngắn trong bài phát thanh cuối cùng của mình trên đài SBS Radio. Riêng bài “ Mai Tôi Đi “ của nhạc sĩ nhà thơ Nguyễn Đình Tòan thì đã được rất nhiều người biết đến nên chúng tôi thấy không cần thiết phải giới thiệu lại ở đây.

Phụ Lục Audio: Từ giã thính giả ( trích SBS Radio 21-03-2012 )- Quốc Việt

vietnamese_120319_207807

Phụ Lục Audio : Người Lính Già không Bao Giờ Chết – Dzuy Linh

NguoiLinhKhongBaoGioChet

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search