T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Võ Công Liêm: NÓI CHUYỆN VỚI THI/NHẠC SĨ KHÊ KINH KHA

Trước khi vào chuyện với thi/nhạc sĩ Khê Kinh Kha; được tác giả hài lòng trả lời những yêu cầu cần thiết với lời lẽ tự nhiên, chân thật trong phạm vi vây quanh việc sáng tác.. Thơ nhạc đã đồng điệu với nhau. Nhạc của Khê Kinh Kha là thơ, thơ là nhạc nghe rõ từng con chữ, nhạc và thơ quyện vào nhau khác gì nhạc sĩ  Bob Dylan của Mỹ. Đây là một khám phá mới mà tác giả mong muốn từ lâu.

Võ Công Liêm

                                          Võ Công Liêm (VCL) Khê Kinh Kha (KKK)

VCL: Cảm ơn thi/nhạc sĩ đã dành thời gian cho cuộc nói chuyện này. Trước tiên xin hỏi tác giả cho biết sơ qua tiểu sử và bút hiệu  này có từ khi nào và lấy từ đâu ?

KKK: Thân chào văn thơ họa sĩ Võ Công Liêm, hân hạnh được hầu chuyện cùng anh.

Tôi sinh ở Hà Tĩnh, Làng Bích Khê. Thời kỳ chiến tranh bố mẹ tôi lưu lạc khắp nơi sau đó vào định cư ở Huế, một thời gian sau chuyển đổi vào Qui Nhơn, Sông Cầu, cuối cùng cư ngụ ở Sài Gòn. Tuổi nhỏ tôi đam mê về thơ và nhạc. Hồi còn ở bậc trung học tôi đã làm thơ và khởi đăng trên báo Văn Nghệ Tiền Phong với nhiều bút danh khác nhau, trong đó đã ký tên Lê Thị Minh Đức lấy từ tên mẹ tôi như một tình yêu cao qúy. Vào năm 1968 du học ở Hoa Kỳ thì tôi lấy bút danh Khê Kinh Kha. Sở dĩ có danh xưng này vì tôi cảm phục khí khái người tráng sĩ yêu nước Kinh Kha; tuy nhiên đây không phải mình là Kinh Kha mà đó là một lý do để dựng tên với một ý nghĩa khác của chữ Khê như một hạ mình vì Khê là khét là cơm khê với một ý nghĩa mộc mạc. Khê cũng là tên làng nơi tôi sinh ra và lớn lên  bên bờ sông ‘dịch thủy’ của làng Bích Khê. Chữ Khê Kinh Kha viết tắt K. K. K. là một sự trùng hợp với nhà thơ Thanh Tâm Tuyền viết tắt T. T. T. Như một số bạn văn nghệ thường viết tên tôi qua ba chữ viết tắt.

VCL: Anh viết nhạc từ hồi nào? Ở trường, thầy hay tự học? Và do động lực nào đẩy anh vào con đường văn học nghệ thuật?

KKK: Tôi viết nhạc vào những năm 1967/1975. Thời đó sinh viên Việt Nam ở Hoa Kỳ ít ỏi cho nên việc liên lạc rất khó khăn, việc truyền thông rất hạn hẹp, nếu điện thoại đường xa quá đắt tiền và từ chỗ đó sinh ra lạc lõng, cô đơn nhất là ở xứ người chỉ còn cách giải sầu ‘tâm sự’ qua thi ca hay âm nhạc. Trong tinh thần đó đưa tôi tới gần với thơ và âm nhạc một thú đam mê cần thiết cho người xa xứ như tôi. Đôi khi trong thơ tôi làm như có âm điệu, trong nhạc tôi sáng tác như có thơ. Hai bộ môn này đã nẩy mầm từ hồi niên thiếu cho nên nhạy cảm để quyết định mua cây đàn ghi-ta thùng và một số sách viết về âm nhạc và khởi sự bước vào với âm nhạc. Ngày còn ở trung học tôi giao lưu âm nhạc với bè bạn; say mê ban tứ ca the Beatles, The Animals, Rolling Stones và những ban nhạc thành danh cùng thời, đã đi vào hồn tôi những nhạc điệu, những hòa âm một cách linh động.Tôi đã sáng tác thơ/nhạc theo cảm hứng, ngoài ra tôi không qua một trường lớp âm nhạc nào cả, nói đúng ra tôi tự học âm nhạc ở chính mình.

Và đó cũng đã là động lực thúc đẩy tôi đi vào con đường văn học nghệ thuật từ đó cho đến nay.

VCL: Nhạc và thơ đầu tiên anh sáng tác vào năm nào? Ở đâu? Là một ghi nhận đáng nhớ?

KKK: Thưa anh. Nói về sáng tác tôi đã thực hiện một số lượng không lớn vào thời điểm còn ở trung học và sau đó gởi bài qua các báo trong nước. Tôi còn nhớ vào năm 1969 báo Bách Khoa đã đăng bài thơ ‘Tình Thu Yếu Đuối’. Đây cũng là kỷ niệm thời gian tôi học ở tiểu bang Michigan Hoa Kỳ. Michigan có nhiều kỷ niệm trong tôi, kỷ niệm thiên nhiên và tình người. Tôi lấy bài thơ đó đưa vào nhạc. Cho nên chi trong thơ có nhạc, trong nhạc có thơ hai thứ đó quấn vào nhau như tình thân. Ca khúc này đã được ca sĩ Ý Lan trình bày, bản nhạc này ca sĩ Ý Lan ưa ý nhất và tôi đã có lần hát chung với ca sĩ.

VCL: Viết nhạc, làm thơ ra sách thơ, thâu CD anh có chủ đích gì? Nói đúng ra cả hai thứ đó cho anh  một lợi nhuận khác hay chỉ phục vụ văn nghệ?

KKK: Anh và tôi cùng quan điểm lấy văn học nghệ thuật để phục vụ nghệ thuật và không bao giờ làm thơ, viết nhạc mang ý nghĩ lợi nhuận mà coi đó là sản phẩm cống hiến bất vụ lợi thì mới có giá trị lâu dài còn ngược lại với chủ đích khác thì tôi nghĩ chỉ một sớm, một chiều mà thôi. In sách thơ hay ra CD chủ đích là làm ra để tặng hơn để ‘mua’. Còn buôn thơ bán nhạc là phi lợi nhuận. Anh hiểu cho.

VCL: Như anh có lần nói: ‘anh muốn đổi mới tư duy trong việc sáng tác’. Nhạc và thơ mang nặng tính trữ tình. Thơ có khuynh hướng khác biệt với nhạc. Anh chủ trương âm nhạc không còn kiểu ‘thương vay khóc mướn’ mà hầu hết các nhạc sĩ quen dùng. Anh nói rằng ‘Viết nhạc là một diễn tả thực tế và đồng cảm giữa tình yêu và con người một cách sống thực như tình nghĩa vợ chồng’Anh cho đó là điều hợp lý.

KKK: Tôi soạn nhạc hầu hết lấy từ thơ của tôi, mặc dù thơ tôi làm nhiều thể loại khác nhau, đều cô đọng tình yêu: tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương. Trong mỗi hoàn cảnh của tình yêu  thường nói lên tình buồn, tình dang dở, chia xa tình người, như anh đã nói ‘thương vay khóc mướn’ mà một số nhạc sĩ thường lấy đó làm chủ đề đồng thời mang tính chất ủy mị không thực với đời thường. Theo tôi suy nghĩ tình yêu hôm nay mang tính chất phũ phàng trong chia ly hay tình yêu ngang trái, một thứ ‘bolero’ quen thuộc có thể gây ra nhàm chán. Tình yêu hôm nay nói lên nghĩa cử cao đẹp (dù có chia xa) nhưng vẫn là tình người. Một tình yêu cao đẹp giữa vợ chồng là tình yêu đời đời sống mãi và không thấy mình là vợ chồng mà là ‘người tình’. Xin đơn cử ở đây qua ca khúc ‘ Xin Tạ Ơn Em’ là một biểu hiện rõ nét. Khi ca khúc này ra đời qua tiếng hát người bạn đời tôi không khỏi ngậm ngùi và rơi lệ như một chứng tỏ cụ thể. Đó là một ý thức lớn giữa vợ và chồng. Tư duy này là một cảm xúc lớn đối với tôi.

VCL: Ngoài những thơ và nhạc nói về tình yêu và quê hương qua những ca sĩ trong và ngoài nước trình diễn. Vậy anh đã có dịp về thăm quê hương và tiếp cận những gì ở Việtnam để sáng tác ?

KKK: Tôi có về thăm quê hương hai lần. Nơi cho tôi nhiều cảm hứng về thơ và nhạc. Tôi đã soạn ‘Huế của tôi’, Em Hội An’, ‘Em Hà Nội yêu’, ‘Em Qui Nhơn’, ‘Em Nha Trang’…Một chọn lựa khác qua bài thơ mà vợ tôi làm đã soạn thành ca khúc ‘Em Tìm Anh’ trong thời gian lưu lại ở Sài Gòn. Và được ca sĩ Bảo Yến trình bày. Nhạc tôi được ca sĩ trong và ngoài nước hát là chuyện thường tình cho người nhạc sĩ chọn lựa ăn hợp với ca khúc; điều này không có gì làm lạ, mà hơn mười năm trưuớc đây ca sĩ trong nước thường hát nhạc của tôi như Quỳnh Lan, Bảo Yến, Ánh Tuyết, Diệu Hiền … Hải ngoại có Ý Lan, Hương Giang, Quốc Dũng… mà tôi rất cảm động mỗi khi họ nhận hát những ca khúc của tôi

VCL: Nhạc và thơ anh chịu ảnh hưởng tác giả nào mỗi khi thành hình tác phẩm hay trong tư thế độc lập?

KKK: Thơ nhạc mà tôi sáng tác hầu hết từ cảm xúc mà ra với một tư duy sáng tạo để thành hình bài thơ hay tiếng nhạc cách riêng, nghĩa là không ảnh hưởng một ai mà độc lập để tạo cho mình một vị trí khác biệt và độc đáo. Chỉ có sáng tạo từ chữ nghĩa đến lời nhạc là yêu cầu cần thiết.

VCL: Câu hỏi cuối. Trong trào lưu đương đại âm nhạc là một thỏa hiệp giữa người và đời. Anh có ý kiến gì không? Nếu thấy cần thiết.

KKK: Trọng tâm của sáng tác thơ và nhạc tôi đều chủ trương ngợi ca tình yêu, một thứ tình yêu chân thật, một thứ tình trọn vẹn dành cho tình yêu như tình yêu vợ chồng cũng là tình yêu, một thứ tình thực tế không thề non, hẹn biển như những năm xa xưa. Tình yêu còn là thông điệp để đời giữa người với người. Tôi hy vọng điều này có thể đả thông một cách trung thực qua mọi thế hệ.Tôi hy vọng lời phát biểu này sẽ đem lại một cảm thứ chung và đồng tình. Tôi hy vọng độc giả, thính già chia sẻ với chúng tôi và đón nhận những lời phê bình để ngõ hầu thực hiện những gì về sau được tốt đẹp.

VCL: Thành thật cảm ơn thi/nhạc sĩ Khê Kinh Kha đã trả lời trọn vẹn trong cuộc nói chuyện này. Thân chúc anh sức khoẻ và đạt mọi điều mong muốn trong sáng tác thơ, nhạc đầy sáng tạo và độc đáo.

VÕ CÔNG LIÊM ( vn. tp huế . 3/2023)

Vài Ca Khúc trong CD XIN TẠ ƠN EM:

TÌNH NỒNG SAY – Ý Lan Trình Bày

LẠC BƯỚC-  Ánh Tuyết Trình Bày

YÊU EM ĐẾN NGÀN NĂM – Hoàng Quân Trình Bày


LY RƯỢU ĐỜI

ta rót vào ly, men rượu đời
mời em cạn chén giữa đêm nay
đêm nay trăng sáng ngập hồn vắng
rượu cay hay nước mắt ta cay?
.
ta rót vào ly, rượu tình buồn
tình ta như quán trọ không đèn
đời còn lận đận theo năm tháng
uống đi em, quên hết muộn phiền
.
ta rót vào ly, rượu đau thương
mời em cạn chén cho vơi lòng
say cùng ta, quên đi cuộc sống
tủi hờn chi đời vẫn lệ buồn
.
ta rót thêm kỷ niệm xót xa
kỷ niệm hằn thương tích trong ta
bởi sự thật ta không khóc nổi
dĩ vãng buồn, kể mãi không ra
.
ta rót thêm giọt rượu ưu tư
bởi vì đời biển mặn phù du
rượu ưu tư có ta choáng váng
hay có em say mướt bên ta ?
.
khóc chi em, đời còn buồn lắm
và mai đây hồ rượu vỡ tan
như tình mình cạn ly rượu đắng
như đời mình tàn mạt đau thương

KhêKinhKha
(1970)

Bài Mới Nhất
Search