T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hồng Lĩnh: Sài Gòn

 xe-ngua1

(Ảnh: VietTimes newspaper)

  1. Sài Gòn trong ký ức của tôi

Có lẽ hoài niệm về quá khứ, luôn là lý do của người ở tuổi trung niên như chúng tôi thường có. Ngồi trên một cái ghế đong đưa, nghe một đoạn dạ khúc trong chiếc máy hát, uống một ly trà nóng, và nhìn hoàng hôn từ từ kéo đi những vạt nắng lấp lánh yếu ớt rồi trả lại không gian yên tĩnh, cho một cận cảnh ngày và đêm. Lúc ấy, tôi mới thấm đậm một nỗi nhớ của những ngày đã qua. Thời gian cũ không bao giờ trở lại, cảnh vật xưa cũng không còn nguyên vẹn, và cố nhân cũng đã xa lìa. Lúc ấy trí nhớ giống như một chuyến xe của quá khứ, đưa tôi về mọi nơi chốn mà tôi đã từng đến, rồi đi với những buồn vui của kỷ niệm.
Mời các bạn cùng tôi ngồi trên một cỗ xe ngựa của Sài Gòn xưa, với con ngựa già kéo một cỗ xe chất đầy thương nhớ, người đánh xe cũng là một cụ già, trên chuyến xe hồi tưởng ấy ông đã miên man kể lể những chuyện thăng trầm của cảnh vật thành phố đã trải qua bao nhiêu cuộc đổi dời. Tại sao có người gọi là Sài Gòn? người khác lại gọi là Thày Gòn? và người khác nữa lại gọi Sè Ghềnh? và chúng ta những người ngồi trên cỗ xe ấy cũng không còn trẻ nữa. Đi xuyên qua thành phố cũng già cỗi vì thời gian, có hàng cây cổ thụ cao, hai hàng-cây-lá-xanh-gần-với nhau, như một câu hát của nhạc sỉ TCS. Chúng ta sẽ đi qua những ngôi biệt thự cổ, nằm giữa những lùm cây và tiếng đàn dương cầm của một cô bé mới lớn, thường đánh sai một nốt la của chữ yêu trong bài nhạc của cô vì cảm xúc. Những ngôi trường nam trung học, hay nữ trung học thật cổ kính với thầy cô nghiêm trang và dịu dàng dạy thêm cho học trò, bài học đạo làm người, tự trọng và danh dự. Hay ngoài sân trường có một lá thư tình mang theo trong cặp xách, nhưng không dám gửi rồi lại mang về với ngượng ngùng xấu hổ của cậu nam sinh. Chiếc xe đạp của các cô nữ sinh với tà áo trắng bay trong gió chiều, vẫn không dám đạp nhanh qua mặt người cô giáo lớn tuổi vì sợ thất lễ.
Chúng ta sẽ đi qua nhiều công viên với toàn cây xanh và bãi cỏ mới cắt, chỉ dành cho người ngồi đọc báo, ngắm dòng sông trong mát và không khí yên tỉnh bởi không gian sống quá bình yên.
Cỗ xe đưa chúng ta về lại tuổi thơ, với những đứa trẻ hồn nhiên chạy dưới cơn mưa mùa hạ, reo vang vì được tắm mát, những cuốn sách chuyền tay để đọc, những quả cóc chua đến tê dại và cay nồng muối ớt ăn chung. Một chiếc xe đạp chở nhau trên con đường đến trường với niềm vui của bè bạn, những mái đầu cúi xuống ngoan ngoãn học hành và mọi thứ đều dễ thương cho dù là nỗi giận hờn vu vơ với đứa bạn thân nhất.
Cỗ xe trong ý nghĩ của chúng ta không cần phải là chiếc xe thật đắt tiền, để tạo nên đẳng cấp, cũng như thành phố không cần phải có nhiều nhà cao tầng mới thể hiện được sự tráng lệ. Người ta không cần phải đeo vào người nhiều phụ kiện và trang sức để chứng minh là ta giàu có. Cái chúng ta muốn tìm đến đó là cái đẹp, bình yên và có giá trị thật sự của nó,
Tôi đã từng đến nhiều nơi, người dân địa phương ở đó, họ vô cùng hãnh diện khi giới thiệu cho tôi thành phố cổ của họ, cây cầu, hay pho tượng…nước tiên tiến nào cũng đều trân trọng dấu tích của lịch sử của họ. Luôn luôn có hai thành phố, cũ và mới. Cái cũ là lịch sử, cái mới là tân thời. Đó là lý do tại sao đấu trường của người La mã cổ đại vẫn sừng sững ở giữa thành phố Roma dù chỉ là phế tích, tôi đôi lúc cũng nghĩ quẩn, là nếu kỳ quan thế giới này ở Việt Nam sẽ được phục chế lại bằng xi măng rồi sơn xanh, sơn đỏ như những ngôi chùa và tượng cổ gần cả ngàn năm của xứ ta. (Ôi Buồn!) Không ai có thể mua, sửa chữa và làm lại được hai điều là: thời gian và lịch sử. Đó là lý do tại sao cổ vật đắt giá có khi lên hàng cả chục triệu hay trăm triệu Mỹ kim! Chúng ta là một nước có văn hóa lâu đời, nhưng cổ vật và di tích lịch sử đã mai một khá nhiều vì tinh thần chuộng mới, phá cũ.
Người dân sẽ rất vui khi sống trong thành phố mới, tiện nghi và sang đẹp. Khu phố mới sẽ thỏa mãn họ. Đó là chuyện phải làm, nhưng họ cũng cần bảo tồn những gì cần giữ lại để mà đánh dấu thời gian và lịch sử của nó. Để chứng minh từ nguồn gốc văn hóa của mình, chúng ta cần phải bảo vệ các di tích lịch sử. Đó là lý do khi tôi đến Aspen, một thành phố du lịch miền núi khá đẹp của miền trung Mỹ, bao quanh thành phố là rặng núi Rocky, nó làm tôi nhớ đến những thành phố châu Âu, như Thụy sĩ, nhà cửa ở đó đắt ghê lắm vì dân giàu họ đổ về đó mua nhà, mùa đông thì lên núi trượt tuyết, mùa hè thì cắm trại, leo núi. Thành phố của họ mang đậm tinh chất cổ kính, không ai được quyền xây nhà cao tầng trong khu phố cổ, muốn sơn sửa phải đúng y mẫu mã, màu sơn của phố cổ. Chính những điều đó làm nên giá trị của thành phố, của lịch sử và văn hóa của đất nước và con người có hiểu biết và ý thức…( nước Mỹ không có lịch sử văn hóa lâu đời như các nước khác vì thời gian lập quốc của họ chỉ khoảng 300 năm)
Theo chu trình xây dựng mà tôi biết, là người ta đào cống, đặt ống nước, dẫn điện, cáp tin học, làm đường xá rồi mới xây nhà. Và quy định nhà nào cũng phải có sân cỏ trước sau và chung quanh. Riêng ở Việt Nam thì làm ngược lại vì chúng ta thường theo chủ nghĩa tự phát, quy hoạch xây nhà rồi phá kế hoạch lại xây chợ, rồi phá chợ xây ngân hàng rồi sau đó lại kế hoạch xây đường cao tốc rồi phá kế hoạch lại xây cái gì… gì đó nữa thì tùy theo cảm hứng của các người có chức năng chỉnh trang đô thị.
Chúng tôi rất buồn vì những cái xưa cũ đã dần hư hại vì không được chăm sóc bảo tồn, rồi bị phá đi để thay cho những cái mới. Lạ một điều, là cái cũ vẫn lảng vảng ở đó chưa mất hết, rồi cái mới lại được dựng lên. Giống như cổ kim hòa điệu cái sắc thái này giống như những chiếc răng khập khễnh của những ngôi nhà vừa ốm, vừa cao chỉ chực chờ ngả qua nhà bên cạnh để dựa nhờ vì quá mệt mỏi. Sài gòn mới cho chúng tôi cái cảm giác của Từ Thức về trần, ngao ngán trước sự thay đổi đã làm mất đi khá nhiều dấu vết của kỷ niệm
Tóm lại Sài Gòn bây giờ trong mắt tôi, giống như một bà già chín mươi tuổi vừa đi sửa sắc đẹp, người thì già yếu mà phải đi trên đôi giầy cao gót của tuổi hai mươi, mặc mini jupe nhảy theo điệu Rap để hòa mình với văn minh hiện đại, lẫn lộn của cũ và mới, nham nhở của sự phá hoại, rồi bất lực trong sửa chữa. Thành phố mang theo quá nhiều sức nặng mà không thể kham nổi. Sự bất lực của những người muốn thay đổi bằng cách sơn, vẽ lên thật nhiều sự hào nhóang bên ngoài, để cho mọi người và cả chính họ thấy được sự bóng bẩy, xa hoa tạm bợ. Nói như thế không phải là tôi không yêu Sài Gòn, tình yêu ấy vẫn nằm trong trái tim bồi hồi khi nghe đến hai chữ Sài Gòn. Có những chuyến đi vội qua Trung Quốc vì công việc, tôi cũng nghĩ đến một vài ngày ghé lại để thăm, nhưng rồi giống như tâm trạng của người thường hoài niệm của quá khứ, tôi muốn giữ cho mình một hình ảnh rất đẹp của Sài Gòn trong tâm tưởng. Đành mượn hai câu thơ của Vũ Đình Liên làm câu kết “Những người muôn năm cũ . Hồn ở đâu bây giờ?”.

 

2.

 Vẫn còn là nỗi nhớ…Sài Gòn

 Đi đến nhiều miền đất, ghé đến cũng nhiều chỗ, ở cũng có vài nơi nhưng có một vùng đất mà tôi vẫn nhớ và nghĩ về với nhiều niềm thương nỗi nhớ.

Những ngày Tết tha hương là thời gian mà những người sống xa đất mẹ luôn nhớ đến một nơi mà họ đã từng được nuôi lớn lên từ mảnh đất đã gắn bó quá nhiều điều mà bước chân đi, đều luôn quay đầu lại để nhìn về nơi đó.

Sài Gòn không chỉ là nhìn vào những sự thay đổi của bộ mặt thành phố, những ngôi nhà lầu cao, cùng những hàng dây điện chằng chịt đến độ ngạc nhiên và kinh hãi trong mắt người ngoại quốc, một trong những tấm hình của Việt Nam từ khách du lịch, là cảnh nhậu nhẹt ở những vỉa hè, hàng rong và bãi rác. Sao thế? Sài gòn sẽ đẹp hơn nhiều khi không phải nhìn thấy những chiếc xe hơi đắt tiền bên cạnh những chiếc xe gắn máy cũ kỹ tạo nên cái chênh lệch của sự bất công trong xả hội huyền hoặc của vinh quang giả dối mà gần cả một thế kỷ nay người ta đi tìm hạnh phúc trong thế giới của những kẻ mộng du…và trong những dòng xe dài hàng cây số trong tình trạng bế tắc và cùng với vẻ mặt cam chịu của những người đang sống trong một bầu trời đầy khói và Sài gòn sẽ vẫn là Sài gòn trong ký ức của chúng tôi, những người đã xa Sài gòn là những hàng cây cổ thụ không phải bị đốn đi để dành cho sự phát triển của một thành phố hiện đại ngập nước ở mỗi cơn mưa lớn. Sài gòn cũng lãng mạn hơn nhiều khi mà không cần có những phố Tây với tiếng nhạc xập xình và các thanh niên thiếu nữ học lấy sự liều mạng, bất cần đời và chủ nghĩa tự do cá nhân qua kẻ lạ để dung nạp một lối sống hưởng thụ, ích kỷ và kỳ quặc của thời đại cô đơn và xa lạ của loài người đã không còn có nhiều tình thương và cuộc sống mà không mặc cả, để thỏa mãn sự khám phá của bắt chước, đua đòi của những kẻ đã thất lạc chính mình trong một khung trời mới.

Sài gòn sẽ hấp dẫn hơn với các thanh niên thiếu nữ không cần đánh đổi mọi thứ cho những sản phẫm đắt tiền để tạo thành một thứ đẳng cấp vay mượn khi chính bản thân của họ cũng đã nghi ngờ đến cả giá trị thực của chính mình.

Sài gòn đáng yêu hơn khi mỗi ngày có những điều tốt đẹp được sinh ra từ sự chia sẻ và quan tâm hơn trong cuộc sống cơ cực, giống như làn gió mát của mùa nắng nóng oi ả đó là cảnh người nghĩ đến người, có lẽ người Sài gòn vẫn còn nhân hậu từ tâm khi chia sẻ miếng cơm manh áo cho nhau như là những quán cơm 2000 đồng, hủ tíu 1000 đồng, bún bò Huế 1000 đồng, thùng bánh mì, trà đá, bao gạo nhỏ miễn phí kể cả phục vụ như vá xe cho những người nghèo cơ nhỡ đã làm tôi càng thấy vui và hãnh diện và thương Sài gòn như thương một bà mẹ đã xa, thương như những kỷ niệm đã cũ và cho dù cái mới và cái cũ rất vô cùng khác biệt, nhưng nó vẫn là cả một lòng thương yêu quay quắt. Sài gòn đáng yêu hơn khi mà người ta đã bắt đầu có sự quan tâm và thân ái, người Sài gòn hồn hậu và dễ thương vẫn còn ở một góc phố nào đó người ta dặn dò nhau, chỉ vẽ nhau và ở một góc nào đó trong trái tim cằn cỗi của người Sài gòn đã hồi sinh và đập lại nhịp thương yêu và từ đó đã làm nên những điều lương thiện và tử tế.

Một điều nữa mà tôi nói đến một lớp học tình thương của 140 em hàng ngày kiếm sống qua những con đường của Saigon như đánh giầy, bán báo, bán vé số rồi đêm về tập trung vào một quán ăn chay của một Phật tử dạy học từ chữ viết, con số cho đến đạo đức làm người… Các cháu ngoan ngoãn, hiền hậu và sống như người tử tế cho dù hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn mong được làm người tốt.

Sài gòn vẫn sống và âm thầm chuyển mình trong những ước mơ giản dị nhất là sống giống như ngày xưa, thành phố đã từng là một nơi đã từng có rất nhiều kỷ niệm đẹp, và hồi ức thân ái của tôi.

Một lời chúc cho Sài Gòn, sẽ có nhiều niềm vui cho những ước mơ đạt được trong khao khát của người dân, sẽ có một ngày trẻ nhỏ sẽ có nhiều công viên để vui chơi, và cha mẹ sẽ có nhiều thời gian cho gia đình của mình, người già sẽ thôi bớt cơ cực và người trẻ đã tìm được những gì mà họ đã tìm kiếm trong bao năm. Thanh bình đúng nghĩa của một đất nước được minh định bằng sự giàu mạnh, của tự do và dân chủ chứ không phải bằng ảo mộng và bích chương.

Sài Gòn sẽ không còn là niềm nhớ trong trái tim buồn của những kẻ sống tha hương như tôi.

Hồng Lĩnh

 

©T.Vấn 2017

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2017

 

 

Bài Mới Nhất
Search