T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Đình Tòan: LÊ THIỆP

clip_image001

( Bài viết này trích trong tác phẩm Bông Hồng Tạ Ơn của nhà văn Nguyễn Đình Tòan. Xin cám ơn tác giả đã cho phép TV&BH được đăng lại trong lọat bài tưởng niệm nhà báo Lê Thiệp vừa qua đời hôm thứ Sáu 5 tháng 7 năm 2013. TV&BH)

Vào thời kỳ cuộc chiến tranh Việt Nam sắp chấm dứt, hội nghị bốn bên được mở tại Paris, rồi thu nhỏ thành các cuộc cãi vã giữa hai phái đoàn quân sự VNCH và MTGPMN ở trại David Tân Sơn Nhất, Lê Thiệp đang làm việc cho nhật báo Chính Luận và được biết đến như một phóng viên trẻ, năng nổ với những bài phóng sự chiến trường và tường thuật các buổi họp ở trại David.

Tình hình Việt Nam càng ngày càng thu hút các ký giả, đại diện các hãng truyền thông khắp thế giới đến làm việc, nên các phóng viên của chúng ta lúc bấy giờ cũng bắt buộc phải có một trình độ chuyên môn nào đó mới hành nghề được.

Đó cũng là lúc chúng ta có một lớp phóng viên mới như Vũ Ánh, Dương Phục, Nguyễn Mạnh Tiến, Lê Thiệp…

Để làm một phóng sự, họ có thể phải nhẩy dù xuống những mặt trận đang đỏ lửa, ở trong hầm những đồn, trại đang bị vây hãm, và điều ấy có nghĩa là họ có thể mất mạng bất cứ lúc nào, để có được những tin tức xác thực.

Không biết bao nhiêu các phóng viên, ký giả quốc tế đã hy sinh trong cuộc chiến Việt Nam.

Sở dĩ Lê Thiệp cũng như Vũ Ánh, Dương Phục, Nguyễn Mạnh Tiến, được đọc, được chú ý, vì, tuy cũng là một bài tường thuật, một cái tin được loan đi, nhưng họ vẫn cho thấy cái nhìn riêng của mình đối với những sự việc xẩy ra, khiến người đọc có thể biết thêm một chút gì đó ở ngoài, ở đằng sau những bản tin, những phóng sự.

Điều này cũng hệt như việc cùng chụp hình một góc phố nhưng người ta vẫn có thể cho ra những bức ảnh khác nhau : kỹ thuật, nghệ thuật, góc nhìn, chi tiết vv… và nhất là bức ảnh còn có thể phản ánh một phần tâm hồn của người chụp nữa.

Thời gian qua mau hay người ta chóng già mà trong buổi phát hành cuốn Chân Ướt Chân Ráo vừa được tổ chức tại trụ sở nhật báo Người Việt tại quận Cam mới đây, chàng trai trẻ Lê Thiệp mái tóc đã không còn một sợi xanh bên cạnh những cái đầu cũng đã bạc trắng của Đỗ Ngọc Yến, cuả Uyên Thao.

Nếu chỉ viết phóng sự mà mau già đến thế, chắc không ai dám theo đuổi nghề làm báo nữa! Chân Ướt Chân Ráo vẫn cho thấy một Lê Thiệp ngoài cái sắc sảo của một nhà báo còn có thêm cái trầm tĩnh của tuổi tác, cái ưu tư của một nhà văn, cách nhìn nhận sự việc, chọn lọc chữ nghĩa để viết vv…

Trong đoản văn Chân Ướt Chân Ráo tác giả vừa lấy làm nhan vừa lấy làm tựa cho cuốn sách, Lê Thiệp viết:

“Quả thật không lúc nào trong cuộc sống lưu vong những suy nghĩ, những cái nhìn lại không vướng mắc vào quá khứ Việt Nam.

Những bữa ăn trong gia đình dù nói chuyện trời, chuyện đất, chuyện con cái học hành, chuyện nhà cửa, chuyện ‘bill’, rồi cuối cùng cũng lại chuyện Việt Nam.

Bằng hữu anh em những lúc trà dư tửu hậu, những lúc tính cái này cái nọ, kết cục thế nào cũng đá chuyện Việt Nam vào.

Cái quá khứ không thể cắt bỏ và cái hiện tại lưu vong không thể phủ nhận, hai thực tai đó quấn lấy nhau và vây bổ những suy nghĩ, những cái nhìn. Cho dù ngồi ăn giữa những người bản xứ da trắng, da đen, tâm sự đời, bàn về chính trị hay bất cứ đề tài nào, sao vẫn thấy mình như lạc lỏng, như kẻ đứng bên lề. Cũng làm việc như họ, cùng sinh hoạt với họ, nhưng ngoảnh đi ngoảnh lại là rút ngay vào cái ốc đảo của Việt Nam, là những băn khoăn về bạn bè anh em ở nửa bên kia địa cầu, là cái nhức nhối không phải chỉ là quá khứ mà là một hiện tại đang nhọc nhằn kéo dài ở đâu đó, Sài Gòn, Hà Nội “.

Có vẻ như cuộc chiến tranh kéo dài non một phần tư thế kỷ chưa đủ bi thảm, nên khi cuộc chiến chấm dứt, đất nước chúng ta còn phải chịu thêm một cuộc bi thảm nối dài nữa.

Đó là những trại tập trung, những nhà tù, những cuộc vượt biên bằng đường biển, đường bộ, số người chết không thua gì số người chết trong suốt cuộc chiến !

Chân Ướt Chân Ráo của Lê Thiệp bắt đầu bằng một cuộc chuẩn bị vượt biên, đến những mảnh đời lưu lạc nơi xứ người, những giây phút tưởng nhớ lại quá khứ, những địa danh như Kim Mã, Phùng, rồi nhà thơ Quang Dũng, ‘đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm’ tạch tạch sè [ tiểu tư sản ] đặc sệt, từ đứa trẻ quê mùa ở Sơn Tây đến người đàn ông Sài Gòn rồi Việt kiều Mỹ, bàn về rượu vang, cà-vạt, thay vì những trái ổi xanh, ổi trâu, ổi mỡ, người ta nghe ra một sự trôi giạt, mỗi dòng chữ như một cố gắng trở về nhưng không được.

Những chuyến trở lại Việt Nam hiện nay đã có thể gọi là những chuyến trở về được chưa ?

Những chuyến trở về không trọn ấy, giải nghĩa sự quẩn quanh Lê Thiệp gọi là nói chuyện trời chuyện đất, chuyện gì rồi rút cục cũng lại đá chuyện Việt Nam vào.

Qua cuốn sách, người đọc được biết thêm về một vài nhân vật như nhà báo Từ Chung, chính trị gia kiêm nhà báo Đặng Văn Sung cùng các cộng sự viên của tờ nhật báo Chính Luận, tờ báo đã được thực hiện như thế nào mỗi ngày, trước khi đến tay độc giả.

Các bài Lê Thiệp viết về họa sĩ Ngọc Dũng, nhà báo Thái Linh, Thu Thèm Rượu và nhất là đoản văn bàn về Sư Triệt Học, bàn về thơ Tỳ Bà Hành chứng tỏ người viết còn có môt tâm hồn thơ nữa.

Một điều đáng ghi nhận là, trong hầu hết các tác phẩm của chúng ta được xuất bản trong những năm gần đây, các nhân vật hình như đều là những người có thật.

Các nhân vật hư cấu như Dũng / Loan hay Lộc / Mai của Nhất Linh, của Khái Hưng không còn nữa.

Thúy Kiều, Kim Trọng không còn nữa.

Hay nói cách khác, không có một nhân vật tiểu thuyết tưởng tượng nào tồn tại trong trí nhớ của người đọc.

Đó là một hiện tượng.

Hiện tượng đó có lẽ cần được các nhà chuyên môn nghiên cứu và giải thích.

Nhưng trước hết, đó có phải là một bước ngoặt của tiểu thuyết Việt Nam chăng ?

Nguyễn Đình Tòan

[ Trích BHTO ]

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search