T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Đức Nhì : THẦY TRÒ TAM TẠNG (1) VÀ THƠ

 

clip_image002

Trong mỗi con người, trong mỗi thi sĩ
đều có một Tề Thiên (1)
một Tam Tạng (1)
một Trư Bát Giới (1)
một Sa Tăng (1)
(dù họ có nhận biết điều đó hay không)
tôi, cũng được vài người gọi là thi sĩ
đã đôi lần bỏ mặc Tề Thiên hứng chí
vung thiết bảng phang ngang, bổ dọc
Trư Bát Giới, Sa Tăng ngủ mê mệt
Tam Tạng ngoảnh mặt làm ngơ
lúc ấy những gì viết ra
tôi cứ tưởng là thơ
nhưng người đọc chỉ cho là văn vần
là vè
là kệ
“rất khôn ngoan, đầy lý lẽ
ý đẹp lời hay
rất tiếc, chẳng có một mảy may cảm xúc”

Sự khác biệt giữa thơ và những gì không phải thơ (ngoài hình thức, vần điệu) chính là cảm xúc. Tôi đồng ý với nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc khi ông viết:

Thơ là cảm xúc (bằng kỹ thuật thơ) đi tìm một đồng cảm.(những chữ màu đỏ là của PĐN, để phân biệt với các loại hình nghệ thuật khác).

Cũng xin nói thêm, mục đích chính, nhiệm vụ chính của văn xuôi là chuyển tải thông tin, gởi một hay nhiều thông điệp đến độc giả. Tuy nhiên, văn xuôi, dưới ngòi bút của nhiều tác giả tài năng, đôi khi cũng rất đậm tình, rất dạt dào cảm xúc; nhưng cái nét đậm tình, cái dạt dào cảm xúc ấy chỉ là “sản phẩm phụ”. Trong khi đó, thơ cũng có thông điệp để gởi đến độc giả, nhưng cảm xúc mới là chính, mới là cốt tủy của bài thơ. Thông điệp có khi chỉ là cái cớ để tác giả biểu lộ cảm xúc của mình.

Khi thi sĩ chỉ dùng “phần cứng” của bản tâm là lý trí (Tề Thiên) để viết mà (hoàn toàn) bỏ quên “phần mềm” là bản năng, tình cảm (Trư Bát Giới, Sa Tăng) thì sản phẩm của ông (bà) sẽ chỉ là vè hoặc văn vần.

Thí dụ1:

       Công cha như núi Thái Sơn
       Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
       Một lòng thờ mẹ kính cha
       Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

              (ca dao)

Ở đây nhà đạo đức mượn hình thức thơ lục bát để chuyển thông điệp là bài học về chữ hiếu. Tuyệt nhiên không có một “mảy may cảm xúc” nào trong đoạn văn vần này.

Thí dụ 2:

Tháng giêng ăn tết ở nhà,
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè.
Tháng tư đong đậu nấu chè,
Ăn tết đoan ngọ trở về tháng năm.
Tháng sáu buôn nhãn bán trăm,
Tháng bảy hôm rằm, xá tội vong nhân.
Tháng tám chơi đèn kéo quân,
Trở về tháng chín chung chân buôn hồng.
Tháng mười buôn thóc, bán bông,
Tháng một tháng chạp nên công hoàn thành.

(Văn Hóa Việt, e-cadao.com)

Một nhà văn hóa ẩn danh đã mượn thể thơ lục bát để mô tả sinh hoạt của dân quê Việt Nam trong một năm. Ở đây cũng không có cảm xúc.

Thí dụ 3:

       HÃY  MUA  THUỐC   SỐ  42

Ai khóc ngoài quan ải?
Ai chưa đánh đã chạy dài?
Thuốc này bôi một tý thôi
Là trèo lên ngựa vung roi cả ngày
Thuốc này, ôi! Thật là hay
Thuốc này tên gọi là Xây Xập Zì (tiếng Hoa: 42)

Đây có vóc dáng là thơ nhưng chỉ là bài quảng cáo thuốc “chơi lâu” ở các tỉnh biên giới phía bắc.

Thí dụ 4:

                VÈ  CÁC  RAU

Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè các rau
Ăn nói hỗn hào
Là rau ngành ngạnh
Trong lòng không chánh
Vốn thật tâm lang (rau lang)
Đất rộng bò ngang
Là rau muống biển
Quan đòi thầy kiện
Bình bát nấu canh
Ăn hơi tanh tanh
Là rau dấp cá
Có mẹ không cha
Rau má mọc bờ
Thò tay sợ dơ
Đó là rau nhớt
Rau cay như ớt
Vốn thiệt rau răm
Sống suốt ngàn năm
Là rau vạn thọ
Tính hay sợ vợ
Chính thiệt rau co
Làng hiếp chẳng cho
Đó là rau húng (hung)
Lên chùa thờ cúng
Thật dạ hành hương
Dục ngựa buông cương
Là rau mã đề

(Vè Nam Bộ)

Rõ ràng đây là một bài vè. Mỗi câu 4 chữ, gieo vần liên tiếp. Tác giả (khuyết danh) dùng lối chơi chữ gọi tên các loại rau một cách trào phúng. Tuyệt nhiên không có cảm xúc.

Thí dụ 5:

THỊ ĐỆ TỬ
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
(Sư Vạn Hạnh, thivien.net)DẶN HỌC TRÒ
Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cối xuân tươi thu não nùng
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông
(Ngô Tất Tố dịch)Thiền sư Vạn Hạnh đã dùng hình thức thơ thất ngôn tứ tuyệt để lý giải lẽ Vô Thường. Tất cả những câu chữ ông viết ra đều đến từ bề mặt ý thức. Ông truyền đạt cho mọi người một phần sự hiểu biết của ông về đạo Phật; đó là lẽ Vô Thường của vạn vật. Tề Thiên của ông đã lén trốn Tam Tạng, Trư Bát Giới, Sa Tăng đi chơi riêng. Bản tâm của ông (cả 4 nhân vật) chưa thực sự đối diện với cảnh sắc; Tam Tạng và đặc biệt là Trư Bát Giới, Sa Tăng chưa có cơ hội chứng tỏ bản lãnh của mình – vẫn ung dung tự tại hoặc bị lôi cuốn rồi đắm chìm trong cảnh sắc. Do không có tâm đối diện với cảnh sắc, lý chưa biến thành sự, bài Thị Đệ Tử chỉ là Kệ chứ chưa phải là Thơ.Thí dụ 6:CÁO  TẬT  THỊ  CHÚNG

Âm:

            Xuân khứ bách họa lạc,
            Xuân đáo bách hoa khai.
            Sự trục nhãn tiền quá,
            Lão tùng đầu thượng lai.
            Mạc vị xuân tàn hoa lạc tân,
            Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.              (Mãn Giác Thiền Sư, thivien.net)

Dịch:

             CÓ BỆNH BẢO MỌI NGƯỜI

            Xuân đi trăm hoa rụng,
            Xuân đến trăm hoa cười.
            Trước mắt việc đi mãi,
            Trên đầu già đến rồi.
            Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
            Đêm qua sân trước một cành mai.               (Thích Quảng Độ)

Cũng có bất đồng ý kiến trong việc xếp loại bài Cáo Tật Thị Chúng; nơi này gọi là kệ, chỗ khác gọi là thơ. Ngay trang web thivien.net – nơi tôi trích đăng bài này – cũng xếp loại nó là thơ.

Bốn câu đầu cũng nói về lẽ vô thường như Thị Đệ Tử của sư Vạn Hạnh. Nhưng hai câu sau hay quá! Nên thơ quá! Tứ thơ đẹp quá!

Trong 4 câu đầu, cả sư Vạn Hạnh và sư Mãn Giác đều xác định: “vạn vật đều vô thường.” Nếu đẩy mạch lý luận đi xa hơn nữa, người ta sẽ hỏi: “nếu nói vạn vật đều vô thường thì câu nói vạn vật đều vô thường có vô thường không?” Và sư Mãn Giác đã trả lời:

              Mạc vị xuân tàn hoa lạc tân
              Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Vâng! Xuân tàn hoa rụng hết, nhưng vẫn còn một cành mai. Đó chính là “đóa hoa vô thường”. Bởi nếu không có “đóa hoa vô thường” đó thì cái Lý Vô Thường của đạo Phật sẽ không còn chỗ đứng.

Sư Mãn Giác đã đi xa hơn sư Vạn Hạnh một đoạn đường để bảo vệ cái Lý Lẽ Vô Thường, nhưng tựu trung cũng chỉ dùng kiến thức của ngài để lập luận. Hai câu

               Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
              Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

ẩn dụ tuyệt quá, tứ thơ hay quá, nhưng chỉ là sản phẩm của lý trí, phát xuất từ cái đầu chứ không phải trái tim.

Ở đây Tề Thiên vẫn một mình một chợ. Tam Tạng, Trư Bát Giới, Sa Tăng không được dự phần.

Chính vì thế kẻ viết bài này xin được phép kết luận: Cáo Tật Thị Chúng chỉ là một bài kệ (rất hay) chứ không phải là thơ.

Thí dụ 7:

ĐỀ TỪ TẬP THƠ VIỆT BẮC

Nhân dân là bể
Văn nghệ là thuyền
Thuyền xô sóng dậy
Sóng đẩy thuyền lên
Thuyền ra khơi xa
Gió căng buồm lộng
Buồm là lao động
Gió là Đảng ta.(Tố Hữu, tnxm.net)

Trong bài Quan Niệm Của Nhà Thơ Tố Hữu Về Thơ đăng trên trang web của Tạp Chí Nhà Văn (tapchinhavan.vn) ngày 26 tháng 10 năm 2011,  Đặng Hiển đã viết:

TCNV– Tố Hữu đã có những bài thơ trực tiếp phát biểu quan niệm của mình về thơ như Đảng và thơ, Đề từ tập thơ Việt Bắc …”

Như vậy, ngay cả những người làm công tác văn học dòng chính (Tạp Chí Nhà Văn) cũng cho Đề Từ Tập Thơ Việt Bắc là một bài thơ. Thật ra, đây chỉ là đoạn văn vần, vạch ra đường lối văn nghệ của đảng cộng sản Việt Nam; nó hoàn toàn là sản phẩm từ cái đầu của Tố Hữu, không dính dáng một tí gì đến trái tim của ông ta cả. Nói cách khác, Tề Thiên của Tố Hữu lộng hành, đã tạo ra đoạn văn vần đó. Nhất định không phải là thơ.

Thí dụ 8:

KIM  LŨ  Y

Khuyến quân mạc tích kim lũ y
Khuyến quân tích thủ thiếu niên thì
Hoa khai kham chiết trực tu chiết
Mạc đãi vô hoa không chiết chi.     (Đỗ Thu Nương, thivien.net)

              ÁO  KIM  TUYẾN

Tiếc chi chiếc áo thêu vàng
Khuyên chàng hãy tiếc tuổi chàng xuân xanh
Hoa khoe sắc, hãy bẻ nhanh
Đừng chờ hoa rụng bẻ cành làm chi.     (Nguyễn Lãm Thắng dịch)

Bàn về bài Kim Lũ Y dễ đưa đến sự tranh cãi. Ai học chứng chỉ Việt Hán ở Văn Khoa (miền nam) trước 75 mà không một lần đọc Kim Lũ Y của Đỗ Thu Nương trong danh sách thơ Đường. Bây giờ lại dám bảo Kim Lũ Y không phải là thơ thì có vẻ “ngược đời” quá chăng?  Nếu có “ngược đời” cũng đành chịu vậy, chứ theo tôi, muốn gọi Kim Lũ Y là gì thì gọi chứ nó không phải là thơ. Đây là những lời giáo huấn, khuyên bảo của một bậc trưởng thượng đối với những người trẻ tuổi: đừng phung phí tuổi xuân. Những lời giáo huấn đó phát xuất từ ý chứ không phải từ tâm – dĩ nhiên, hoàn toàn không có một chút cảm xúc nào. Đây là việc làm của Tề Thiên; không có sự tham dự của Trư Bát Giới hoặc Sa Tăng. Nếu những câu:

                     Trai thời đọc sách ngâm thơ
                     Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa
                     Gái thời giữ việc trong nhà
                     Khi vào canh cửi khi ra thêu thùa                           (Gia Huấn Ca, Nguyễn Trãi)

chỉ được xếp vào loại văn vần, thì làm sao có thể chấp nhận Kim Lũ Y là thơ được.

 

KHÁC  BIỆT  GIỮA  KỆ  VÀ  THƠ THIỀN

 

1) Trăng Non và Sơ Tam Sơ Tứ

TRĂNG  NON

Vũ trụ bao la rất nhiệm mầu
Chân không diệu hữu thật thâm sâu
Trùng trùng duyên khởi không gì mất
Trăng khuyết lại tròn – đời biển dâu
(Minh Lương Trương Minh Sung,  via yahoogroups.com )

Bài Trăng Non viết về trùng trùng duyên khởi của vạn vật, mất rồi lại có, như trăng khuyết lại tròn, biển biến thành nương dâu. Cả 4 câu, 28 chữ đều phát xuất từ bề mặt ý thức, trong đó chỉ có một mình Tề Thiên “vung thiết bảng phang ngang, bổ dọc”, còn Tam Tạng, Trư Bát Giới, Sa Tăng đều vắng mặt; chính vì chỉ có “lý” mà thiếu “sự”, nên không thể  gọi là thơ. Tuy nhiên, tác giả đã thành công trong việc biểu lộ kiến thức của mình về đạo pháp, đem cái hạt giống đạo pháp đó truyền đạt cho mọi người. Đây có thể gọi là một bài kệ, một chiếc cầu để đưa người đời đến với những lời dạy cao siêu, thâm thúy của đức Phật (kinh).

Sơ tam sơ tứ (3) nguyệt mông lung
Bán tự ngân câu bán tự cung
Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn
Bán trầm thủy để bán phù không

     (hoasontrang.us)

Mồng ba mồng bốn trăng mờ

Nửa dường móc bạc nửa như cung trời
Một bình ngọc trắng chia hai
Nửa chìm đáy nước nửa cài từng không

      (Trần Trọng San dịch)

Ở đây sư ông và chú tiểu chùa Hàn San đã thực sự đứng trước và thưởng thức vẻ đẹp của cảnh trăng non. Tâm đã đối cảnh. Cả bộ tứ Tam Tạng, Tề Thiên, Trư Bát Giới, Sa Tăng của sư ông và chú tiểu đều có mặt. Sư ông lặng ngắm vẻ đẹp của trăng trên bầu trời. Chú tiểu đứng ở vị trí khác, có góc nhìn khác, thấy được cả phần chìm đáy nước của mặt trăng. Cả 4 câu gộp lại thành một bài thơ thật đẹp, không có tư ý, tư dục.

Cùng một cảnh (trăng non) nhưng bài Trăng Non chỉ là kệ, còn Sơ Tam Sơ Tứ là thơ. Khác nhau ở chỗ tâm đối cảnh

2) Phong Lai Sơ Trúc và Thơ Trên Cát

Phong lai sơ trúc

Phong khứ nhi trúc bất lưu thanh
nhạn quá hàn đàm
nhạn khứ nhi đàm vô lưu ảnh
thị cố quân tử
sự lai (#) nhi tâm thỉ hiện
sự khứ nhi tâm tùy không

(daitangkinhvietnam.org)

            (#) Có bản dùng chữ đáo

Gió đến bụi trúc
Gió qua rồi mà trúc không lưu lại âm thanh
Nhạn bay qua đầm nước lạnh
Nhạn qua rồi mà mặt nước đầm không lưu lại hình ảnh
Cho nên người quân tử
Việc đến thì tâm khởi
Việc qua thì tâm hoàn không

Một Nho gia đã viết Phong Lai Sơ Trúc để chỉ cho đám hậu bối phương cách “chính kỳ tâm”, một trong chuỗi mắt xích “thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” mà nho sinh phải từng bước tu tập để thành người quân tử. Bốn câu đầu tượng thanh, tượng hình, đẹp như một bài thơ nên nhiều người lầm tưởng đó là thơ. Thật ra 4 câu đó đã được tác giả “nghĩ ra từ trước”, nay moi trong “kho kiến thức” ra sử dụng để viết bài “huấn thị” cho đám học trò. Rất tình cờ, ở đây Nho học đã gặp Phật học. Nhiều Phật tử trên đường học đạo đã cho đó là một bài thơ và thường chiêm nghiệm để tu tâm. Đúng ra Phong Lai Sơ Trúc có thể gọi là kệ (hay một cái tên gì khác) chứ nó không phải là một bài thơ. Tác giả không đối cảnh rồi cảm ứng sáng tác ra nó; đây chỉ là công việc riêng lẻ của Tề Thiên, của lý trí; những thành phần khác của tâm như Tam Tạng, Trư Bát Giới, Sa Tăng (bản năng, tình cảm) đều không có cơ hội, không được quyền tham dự vào.

Bây giờ chúng ta cùng đọc Thơ Trên Cát của thiền sư Viên Minh

THƠ TRÊN CÁT

Viết bài thơ trên cát
Cơn sóng vỗ xóa đi
Vô tình đâu biết được
Mình viết bài thơ gì.

(Viên Minh, từ tác giả)

Cũng cái ý đấy, nhưng ở đây thiền sư của chúng ta đã thực sự đối diện với cảnh đời, cảnh bao la sóng nước của biển cả, để có hứng, có cảm xúc viết thành bài thơ. Những thành viên của bản tâm từ Tam Tạng, Tề Thiên, đến Trư Bát Giới, Sa Tăng đều có mặt. Nhưng do được “rèn luyện đến nơi đến chốn” nên tất cả đều lặng thinh. Thơ Trên Cát được viết ra để nói về bài thơ đã mất; mất thật sự, không lưu lại một dấu tích gì trong lòng tác giả; bài thơ mất mà tác giả của nó không một chút bận tâm, luyến tiếc. So sánh với “phong lai sơ trúc” và “nhạn quá hàn đàm” thì hình ảnh cơn sóng vỗ xóa mất bài thơ cũng đẹp và nên thơ không kém.  Đối cảnh tâm bất khởi chính là trường hợp này. Có thể nói đây là bài thơ thiền của một người đạt đạo.

Cùng một ý nhưng Thơ Trên Cát của Viên Minh là thơ, còn Phong Lai Sơ Trúc chỉ là một lời khuyên, một thứ “huấn thị”. Khác biệt cũng chỉ ở chỗ tâm đối cảnh.

Sau đây là vài bài thơ thiền:

HÃY  NHƯ  MÂY TRẮNG

Mây trắng lang thang khắp đỉnh trời
Tùy duyên tan hợp dạo nơi nơi
Mây không hò hẹn không vương vấn
Thế giới ba ngàn mặc sức chơi

(Linh Như, từ tác giả)

Ung dung tự tại (như mây trắng), tác giả không còn bị trói buộc bởi thất tình, lục dục của người đời

BIỆT  NHẤT  PHƯƠNG

Đáo tận yên hà xứ
Hồi đầu biệt nhất phương
Mục tiền sơn thủy hạo
Nguyệt hiện thảo đầu sương
(Viên Minh, từ tác giả)
Đến tận vùng mây nước
Ngoảnh lại riêng một cõi
Trước mắt núi sông hùng vĩ
Trăng đọng trên đầu nhọn cỏ

Tác giả sảng khoái đến độ lạc thần trí trước vẻ đẹp của mây núi, sóng nước nhưng không có một chút tư ý, tư dục. Có thể nói cái tiểu ngã của tác giả đã hòa nhập vào cái đại ngã của đất trời, của vũ trụ.

Kẻ viết bài này sử dụng hình ảnh của thầy trò Tam Tạng với hy vọng thuyết phục được người đọc đồng ý về vai trò đặc biệt của Tề Thiên trong việc làm ra những thứ không phải là thơ.

Khi Tề Thiên vừa là người khởi xướng vừa là anh thợ duy nhất trong tiến trình “chế tạo thơ ca”, sản phẩm làm ra – dù được khoác cái áo có vóc dáng thơ – cũng không phải là thơ, mà chỉ là vè, là kệ, là văn vần…

Muốn được gọi là thơ, điều kiện tối cần thiết (nhưng chưa đủ) là tâm phải đối cảnh. Nếu thầy trò Tam Tạng ung dung tự tại trước cám dỗ của sắc dục, hoặc thả hồn hòa nhập với cảnh đẹp của thiên nhiên, không gợn lên một chút tư ý, tư dục, và nếu sản phẩm của thi sĩ có hình thức được văn giới, thi giới chấp nhận là thơ, nó sẽ là bài thơ thiền.

Nếu có sự dự phần của Trư Bát Giới, Sa Tăng trong việc thực hiện tiến trình “chế tạo thơ ca” (ai khởi xướng cũng được), và nếu sản phẩm của thi sĩ có hình thức được văn giới, thi giới chấp nhận là thơ, ta sẽ có một bài thơ thế tục trong đó tư ý, tư dục (yêu ghét, ham muốn, giận hờn….) được tự do tung hoành.

tôi cũng khá nhiều lần
trong tim mình sôi sục
lỡ để Trư Bát Giới sổng chuồng
rủ theo anh chàng khờ khạo – Sa Tăng
đi ăn mảnh
Tề Thiên xua tay
nhưng làm sao ngăn cản
con heo nọc đang lên cơn
lời nhỏ nhẹ Tam Tạng khuyên lơn
chỉ thoảng bay theo gió
lạ thay! Chính những giây phút đó
giây phút của hào khí ngất trời
của lửa dục nóng bỏng
hận thù đằng đằng
đau thương chất ngất
tôi đã viết  mấy vần thơ chân thật
không làm dáng, không sợ sệt, nể nang
được khen là dễ cảm, có hồn

Như vậy, có khi nào Trư Bát Giới và Sa Tăng của thi sĩ, bằng cách này hay cách khác, lừa được Tề Thiên, tạo ra sản phẩm thơ của riêng mình mà hoàn toàn không bị “con khỉ nhiều chuyện” để mắt tới, rồi xía vào, thêm chỗ này, bớt chỗ kia, hay không? Câu trả lời là Không Bao Giờ. Bài thơ (hay bất cứ một sản phẩm tinh thần nào) muốn được coi là hoàn thành phải được sự gật đầu chấp thuận của Tam Tạng (chủ của bản tâm). Mà Tam Tạng trước khi đưa ra quyết định gì lại hỏi ý kiến Tề Thiên. Thế là hắn lại vung thiết bảng chỉ trỏ, đập phá và…sửa chữa.

Ngay cả những nhà thơ siêu thực, muốn trốn chạy ảnh hưởng của Tề Thiên, tìm cách lôi từ trong vô thức ra (rồi ghi vội trên trang giấy) những chất liệu còn rối rắm, ngổn ngang để hy vọng chuyển đến người đọc những gì rất thật của tâm hồn mình. Nhưng hỡi ôi! Tề Thiên của họ cũng lại xen vào. Hắn sẽ phải chọn một trong hai điều. Một:cứ để mặc những mảng tâm sự vui buồn, yêu ghét, những mảnh vụn suy tưởng về cuộc sống, đan kết lộn xộn với nhau như mớ bòng bong, đặt cho nó một cái tựa, gọi nó là thơ rồi tung đi khắp bốn phương trời. Lúc ấy, cái bài thơ siêu thực ấy sẽ phạm một lỗi rất sơ đẳng của thơ ca là không hoàn thành chức năng truyền thông vì người đọc đụng vào cái mớ bòng bong ấy sẽ chẳng hiểu gì cả. Hai: ra sức “gỡ rối tơ lòng” rồi sắp xếp lại cho gọn gàng để người đọc có thể cảm thông. Nhưng khi đã qua bàn tay của Tề Thiên gỡ rối, sắp xếp thì những gì rất thật sẽ không còn rất thật nữa.

Thế thì tại sao vẫn có những bài thơ hay, hừng hực cảm xúc mà lại rất tự nhiên? Xin thưa: những bài thơ đó trước tiên phải do Trư Bát Giới, Sa Tăng khởi xướng và nắm toàn quyền quyết định trong tiến trình “chế tạo thơ ca”. Đây là lúc thi sĩ cao hứng đến mức cảm xúc phủ mờ lý trí. Dĩ nhiên, khi bài thơ hoàn tất Tam Tạng sẽ hỏi ý Tề Thiên trước khi gật đầu chấp thuận.

–        Nếu cảm xúc của Trư Bát Giới, Sa Tăng hợp ý Tề Thiên (tâm ý hợp nhất), bài thơ sẽ được “ra lò” không cần (bị) sửa chữa. Và nếu Kỹ Thuật Thơ Ca của tác giả cao, chọn được tứ thơ độc đáo, bài thơ sẽ hay, tự nhiên và có hồn.

–        Nếu cảm xúc của Trư Bát Giới, Sa Tăng chưa hợp ý Tề Thiên (tâm ý bất nhất), nhưng việc sửa chữa “lớn” quá, đòi hỏi quá nhiều công sức, Tề Thiên ép bụng cho qua, và nếu Kỹ Thuật Thơ Ca của tác giả cao, tứ thơ độc đáo, bài thơ vẫn hay, vẫn có hồn nhưng sẽ kém tự nhiên.

Theo tôi, có 3 yếu tố làm nên cái Hay của một bài thơ thế tục:

1)  Tứ thơ:

Lúc mới bước chân vào cõi thơ, với một lô kiến thức về lý thuyết trong đầu, tôi rất hoang mang, bối rối khi chọn đề tài. Không biết viết về cái gì đây. Hình như lãnh vực nào cũng có vết chân người đi trước; những cảnh đời, dù éo le cách mấy, cũng có bóng dáng của thơ xuất hiện. Rồi mấy người bạn học văn khoa góp ý: “Làm thơ, viết về cái gì (What) không quan trọng; cái làm nên thơ, cái tạo nên nhà thơ chính là viết thế nào (How).” Nhưng càng làm thơ tôi càng thấy “What” cũng quan trọng chẳng kém “How”. Lãnh vực nào, đề tài nào cũng có người khai thác đến cạn kiệt. Nếu không khéo, thơ của mình sẽ chìm trong cả một đại dương thi ca mà không một ai biết đến. Tôi đã xoay ngang, trở dọc để có thể nhìn sự vật, cảnh đời bằng một góc nhìn mới, với hy vọng sẽ có được cảm xúc mới cho thơ. Tôi nghiệm ra rằng kiến thức càng rộng, vốn sống càng nhiều, càng dễ tìm được tứ thơ độc đáo. Và đặc biệt lưu ý: đừng để Tề Thiên chọn tứ thơ cho mình. Hãy chờ lúc cao hứng, Trư Bát Giới, Sa Tăng thức dậy dạo chơi, tứ thơ sẽ ập đến.

2) Kỹ thuật thơ ca:

–        Ngôn ngữ thơ: chữ dùng chính xác, tự nhiên (ngôn ngữ đời thường), đắc địa

–        Bố Cục: để ý đến đấu pháp toàn đội, có cái nhìn toàn cảnh.

–        Hình ảnh: tạo nhiều hình ảnh đẹp, nên thơ

–        Vần điệu: sử dụng vần thoang thoảng, giúp làm trơn dòng chảy của thơ. Không vần, thơ sẽ như văn xuôi, như chè không có đường, thiếu vị ngọt của thơ ca. Gieo vần nhiều quá sẽ bị “hội chứng nhàm chán vần”; nếu số chữ trong câu cố định, bài thơ dài, đọc rất dễ chán, rất dễ buồn ngủ, như chè nêm quá nhiều đường, ngọt lợ, ăn gắt cổ.

–        Thể thơ: chọn thể thơ phù hợp để thể hiện tứ thơ. Không nhất thiết phải chọn một trong những thể thơ truyền thống.  Nên để ý những thể thơ dễ mắc “hội chứng nhàm chán vần”: song thất lục bát, lục bát, ngũ ngôn trường thiên, thất ngôn trường thiên, bát ngôn trường thiên, thơ mới gieo vần liên tiếp kiểu Nhớ Rừng của Thế Lữ… Nếu tự mình sửa đổi những thể thơ cũ hoặc tạo ra một thể thơ mới toanh cho riêng mình thì càng tốt.

–        ………

3)  Hồn thơ:

Càng ít bị Tề Thiên xen vào, đặc biệt lúc tứ thơ ập đến và trong suốt tiến trình “chế tạo thơ ca”, bài thơ càng có nhiều cảm xúc. Khi cảm xúc ngập tràn, có thể chảy thành dòng, người đọc sẽ nói: “hồn thơ lai láng.”

Bài Thơ Con Cóc và bài thơ Đời Đời Nhớ Ông của Tố Hữu

     CON CÓC

Con cóc trong hang
Con cóc nhảy ra
Con cóc nhảy ra
Con cóc ngồi đó
Con cóc ngồi đó
Con cóc nhảy đi

Theo truyện kể thì bài thơ Con Cóc là tổng hợp tài năng của 3 chàng ngốc. Nhìn thấy con cóc từ trong hang nhảy ra, tuần tự mỗi người 2 câu, họ đã hoàn thành bài thơ nổi tiếng “dở” cho đến ngày hôm nay.

Đây đích thực là một bài thơ vì khi con cóc nhảy ra, cả 3 chàng đều nhìn thấy và đã chuẩn bị để làm thơ. Tâm đã đối cảnh. Cảm xúc không được khơi dậy không phải vì 3 chàng đã đạt tới trình độ “đối cảnh tâm bất khởi” như các thiền sư trong những bài thơ thiền, mà bởi đầu óc 3 chàng rỗng tuếch,  ngôn ngữ quá nghèo nàn, kỹ thuật thơ quá kém, mà ra.

Không còn nghi ngờ gì nữa. Đây là một bài thơ. Và là bài thơ dở.

ÐỜI ĐỜI NHỚ ÔNG

Bữa trước mẹ cho con xem ảnh
Ông Sta-lin bên cạnh nhi đồng
…………………………
Sta-lin! Sta-lin!
Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Sta-lin!
Mồm con thơm sữa xinh xinh
Như con chim của hòa bình trắng trong
…………………………………….
Ông Sta-lin ơi! Ông Sta-lin ơi!
Hỡi ôi Ông mất! Ðất trời có không?
Thương cha thương mẹ thương chồng
Thương mình thương một thương Ông
thương mười
Yêu con yêu nước yêu nòi
Yêu bao nhiêu lại yêu Người bấy nhiêu

………………………
5-1953

(Tố Hữu, Trang thơ Tố Hữu, thivien.net)

Trước hết xin người đọc đừng hiểu lầm. Dù không cùng chính kiến tôi cũng không dị ứng với thơ của Tố Hữu. Tôi, không giống số đông dân miền bắc có một dạo xem ông là “thi thánh”, nhưng với tài năng thơ của ông, tôi cũng nhiều phần nể phục. Phải nói trong khá nhiều bài thơ hay của ông, hơi thơ rất mạnh, dòng cảm xúc cuồn cuộn chảy. Nhưng ông đặt lý tưởng của ông cao quá, xem lý tưởng của ông nặng quá, nên đã có vài lần tự hủy cái phẩm giá của danh hiệu nhà thơ để viết những điều dối trá, có lợi cho chính sách của đảng và nhà nước.

Hãy nghe ông đóng vai cô gái kể chuyện quê hương Bến Tre của cô:

Ôi kể làm sao hết được anh!
Bao nhiêu máu chảy, bấy dòng kênh
Phải chi em gởi cho anh được
Nắm đất đang nồng lửa đấu tranh!

……………………..
Ôi nói làm sao được hở anh
Buồn vui muôn nỗi của quê mình!
Phải chi em gởi cho anh được
Những ảnh hình ghi những tâm tình…

(Lá Thư Bến Tre)

Ôi! Những câu thơ thật đẹp, thật chí tình. Tôi “phục” tài thơ của Tố Hữu ở những câu thơ như vậy. Chưa một lần đặt chân đến Bến Tre mà ông viết (những câu thơ viết hộ người khác) cứ như mình đã “chôn rau cắt rốn” hoặc đã sống ở địa phương ấy lâu lắm rồi vậy. Nhưng cũng từ Bến Tre ông lại viết những câu:

Có những ông già, nó khảo tra
Chẳng khai, nó chém giữa sân nhà
Có chị gần sinh, không chịu nhục
Lấy vồ nó đập, vọt thai ra.

………………..

Có em nhỏ nghịch, ra xem giặc
Nó bắt vô vườn, trói gốc cau
Nó đốt, nó cười… em nhỏ hét:
“Má ơi, nóng quá, cứu con mau!”
(Lá Thư Bến Tre, trang thơ Tố Hữu, thivien.net)

Tôi may mắn được sống ở Bến Tre (tỉnh Kiến Hòa theo cách gọi của chính phủ VNCH) một thời gian; đã đi qua Trúc Giang, Ba Tri, Bình Đại, có bạn bè ở Thạnh Phú, Mỏ Cày. Khi tôi đưa bài Lá Thư Bến Tre cho một giáo viên tiểu học ở quận Bình Đại, anh đọc xong, lắc đầu nói “Thằng cha này xạo quá!” Hầu hết dân miền nam đều có thể dễ dàng đồng tình với câu nói này. Nhưng với người dân miền bắc thì lại khác. Họ bị nhồi nhét, bưng bít đến độ sau ngày 30-4-75 vào tìm thăm người thân ở miền nam rất nhiều người đem theo chục chén sành, vài ký gạo. Họ sợ bà con miền nam đói khổ quá, không gạo ăn, không có cả chén ăn cơm. Chuyện đập vọt thai phụ nữ gần sinh, đốt sống trẻ con, rất nhiều người cũng tin là đã thực sự xảy ra. Cái hay, cái tài của Tố Hữu là ở chỗ ấy. Nghe một ông bạn văn chương ở Hải Phòng nói: “Có một thời đọc thơ ông, thanh niên miền bắc khoác ba lô đi vào chỗ sống chết mà lòng thơ thới hân hoan.”  tôi cứ tưởng là ông bạn “ca” Tố Hữu quá đáng. Nhưng khi trò chuyện tâm tình với những chàng bộ đội phục viên (nay cũng trên 6 bó như mình) tôi mới biết đó là sự thật. Tố Hữu đã dùng tài thơ của mình, cùng với sự giúp sức của một số nhà thơ, nhà văn khác trong Hội Nhà Văn Việt Nam, lúc chân tình, khi lừa bịp, đẩy hàng loạt thanh niên miền bắc vào chiến trường miền nam.

Trong khi Tố Hữu là một nhà thơ “cộng sản triệt để” thì ở hải ngoại chúng ta có những nhà thơ “chống cộng cực đoan”. Cái gì của cộng sản cũng chống, chống kịch liệt, chống bất cần thân thể, chống bất kể gia đình. Lập trường chống cộng của họ cứng ngắc đến độ bất di bất dịch nên trong một số bài thơ của họ thiếu hẳn tính bất ngờ, đọc 2, 3 câu là đã có thể biết tác giả sẽ đưa mình đi về đâu; có khi chỉ cần đọc cái tựa cũng đoán được kết cuộc sẽ như thế nào. Cũng như Tố Hữu, Tề Thiên của họ vừa chọn tứ vừa điều khiển công việc “chế tạo thơ ca”; Trư Bát Giới, Sa Tăng chỉ đóng vai trò “nghị gật”. Trong số những nhà thơ đó, có một thời, cũng có cả tôi.

Có một thời bị đọa đày hành hạ
thơ của tôi rực lửa căm thù
máu và nước mắt
ướt đẫm những trang thơ
nực mùi tử khí
thơ cũng rất đậm màu chính trị
màu này thật dễ thương
còn màu đó…
thấy mà ghê!
ôi! Đẹp quá phe mình
còn phe bên kia
phải chọn góc nhìn
để chỉ thấy toàn điều xấu
mỗi câu thơ
một bài ca chiến đấu
một viên đạn đồng đen
bắn vào chế độ cộng sản bạo tàn
tôi bỗng thành người lính hiên ngang
cầm bút

(PĐN, Yêu Thơ Nên Phải Hết Lòng Với Thơ)

Nhưng trong một tình cờ may mắn tôi đã vung bút đâm chết người lính; vâng! Người lính ngày xưa chống cộng kiên cường, nhưng nay đối với việc sáng tác thơ của tôi, có khi thì là kỷ niệm thân thương, có lúc lại là bóng ma phiền toái, đã chết.

Đời Đời Nhớ Ông là trường hợp cá biệt. Chúng ta hãy đọc lại những câu thơ in nghiêng màu xanh một lần nữa.

Sta-lin! Sta-lin!
Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Sta-lin!

và rồi

Thương cha thương mẹ thương chồng
Thương mình thương một thương Ông
thương mười

Ôi! Xạo quá xá là xạo! Nhà thơ đã chẳng còn biết liêm sỉ là gì nữa. Ông đã vì lý tưởng cộng sản, vì muốn giữ quan hệ thắm thiết với nước mẹ Liên Xô, đã phải viết những vần thơ “nâng bi”, vừa hèn hạ vừa cực kỳ dối trá. Dối trá một cách trắng trợn. Dối trá một cách trơ trẽn. Đọc lên, đứa học trò cấp 2 cũng thấy ngay những lời thơ ông viết là dối trá. Tề Thiên đã một mình một chợ làm hại ông, khiến ông đã xúc phạm Nàng Thơ, xúc phạm độc giả, xúc phạm hai chữ liêm khiết trong hồn thơ của ông, đã đánh mất cái phẩm giá của danh hiệu nhà thơ của ông.

Chỗ dở, chỗ kém cỏi của bài thơ Con Cóc rất dễ nhận ra, nhưng chỗ dối trá của thơ Tố Hữu thì, ngoại trừ cái lần nói dối trắng trợn khi khóc Stalin, người đọc phải dầy trải nghiệm, phải thật tinh ý mới thấy được. Cái nguy hiểm, cái ác, cái tai hại của tài thơ Tố Hữu là ở chỗ ấy.

Để kết thúc bài viết tôi xin kể một kinh nghiệm riêng trong việc giải quyết bất đồng giữa một bên làTề Thiên và bên kia là Trư Bát Giới, Sa Tăng.

Trong những năm tháng chịu đọa đày trong các nhà tù cộng sản tôi đã được gặp và sống chung với rất nhiều sĩ quan cao cấp (cao nhất là Đại Tá), viên chức chính quyền từ Phó Tỉnh Hành Chánh đến các Tổng Trưởng, Bộ Trưởng, lãnh đạo các tổ chức đấu tranh chính trị, tôn giáo… Tôi đã thấy, dù phải sống trong hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn, nhiều vị vẫn tỏ ra rất đàng hoàng, có tư cách, giữ tiết tháo của kẻ sĩ, là tấm gương tốt cho đám sĩ quan, viên chức trẻ như chúng tôi. Nhưng cũng có không ít những người Hèn mà lại … Hám Danh. Lúc đụng chuyện cần đối đầu với bọn cai tù, trật tự, thi đua thì “nhũn như con chi chi”, cúi đầu sát đất, có khi còn khóc hu hu để xin tí xót thương. Nhưng hễ đánh hơi thấy thời thế sắp thay đổi là xông ra “chiếm sân khấu, giành micro” chỉ bên này, trỏ bên kia như là một anh hùng thực sự, muốn được cầm súng để bắn viên đạn cuối cùng, kết thúc trận chiến. Tôi đã viết bài thơ có đoạn:

       Chúng tôi sẵn sàng nổ phát súng đầu tiên rồi ngã gục
       cho các anh được bắn viên đạn cuối cùng
       giữa tiếng reo hò vang dậy chiến công
       chúng tôi sẵn sàng bắc cầu qua suối
       cho các anh xông tới
       phất cờ hát khúc khải hoàn ca
       chỉ cần ngay bây giờ
       các anh đứng vào đội ngũ

       giữa lúc mịt mù khói lửa
       các anh còn ngái ngủ trên giường
       đợi tàn cuộc
       các anh tung cửa
       ra giữa chiến trường chỉ trỏ nghênh ngang
       các anh tự đeo lên ngực mình
       hàng tá huy chương
       trong khi những anh hùng thực sự
       vẫn ngực trần lặng bước

Và tôi đã viết tiếp mấy câu chửi thật nặng nề, thật cay độc cho… đã giận. Nhưng một ông anh nghe xong bài thơ vỗ vai tôi khuyên bảo:

“Cậu phải bớt nóng đi một tý. Viết như thế không được.  Tôi cũng bực cành hông đây; muốn đấm vào mặt mấy tay đó vài cái rồi đến đâu thì đến. Nhưng làm như thế thì có lợi gì? Chỉ đẩy họ vào chỗ “cô lập” rồi rất có thể, ngả về phía bên kia. Vì sự đoàn kết sống còn cho phong trào đấu tranh ở trong trại, cậu phải sửa đoạn kết bài thơ cho nhẹ nhàng hơn, để người bị chửi không bị mất mặt quá đáng.”

Ở đây Tề Thiên của người khác cầm thiết bảng xía vào chỉ trỏ. Tôi bị thuyết phục và sửa lại đoạn kết bài thơ:

        Trễ cũng còn hơn không
       chúng tôi tha thiết chờ mong
       sự thức dậy của lương tâm
       của tinh thần trách nhiệm
       lớp trẻ mai đây sẽ đỡ phần hổ thẹn
       nhìn thế hệ ông cha
       chúng sẽ viết tiếp bản hùng ca
       với hào khí của tất cả chúng ta dồn lại
       vinh nhục hôm nay
       lịch sử sẽ còn ghi mãi.
     (PĐN, Lịch Sử Sẽ Không Quên)

Ôi! Bây giờ đọc lại thấy đoạn kết bài thơ được viết một cách tỉnh táo quá, suy nghĩ chín chắn quá. Còn đâu cái hừng hực của lửa giận tuổi thanh niên lúc thấy cảnh ngang tai, trái mắt trong trại tù. Cái khúc mương cong cong tôi đào để đổi hướng dòng chảy của bài thơ đã giúp bài thơ của tôi “phải đạo” hơn, hợp ý Tề Thiên hơn, nhưng lại khiến Trư Bát Giới, Sa Tăng gầm gừ, bực bội.

Giờ đây, trên nước Mỹ và một số nước tự do khác ở hải ngoại, mấy tay ngày xưa hèn nhát, cúi rạp đầu, khóc lóc lúc cùng ở một trại với tôi, đang huênh hoang trong tổ chức này, đoàn thể nọ. Nghiệm thấy bài thơ mình viết hơn 30 năm trước sao mà đúng quá, tôi chợt suy nghĩ vẩn vơ. Việc nghe lời Tề Thiên của người khác, ra sức đào khúc mương đổi dòng chảy bài thơ của mình, không biết là đúng hay sai?

Phạm Đức Nhìnhidpham@gmail.com

Rất mong nhận được chỉ điểm, bổ khuyết, phê bình của người đọc yêu thơ.

____________________________________________________________________________

Chú thích:

1) Thầy trò Tam Tạng: nhân vật trong Tây Du Ký, trong nội dung bài viết này, tôi dùng họ như những biểu tượng nhằm ám chỉ bản tâm của con người.

a)  Tam Tạng: chủ bản tâm

b) Tề Thiên: lý trí

c)  Trư Bát Giới: bản năng

d) Sa Tăng: tình cảm

2)    Chuyện kể rằng, sau một ngày làm việc ở Tô Châu, thương gia và cũng là nhà thơ Trương Kế neo thuyền nghỉ ở bến Phong Kiều. Cảm xúc trước cảnh buồn ảm đạm của một đêm trăng mờ, nhà thơ ngẫu hứng làm nên hai câu:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Đến đây, nhà thơ “bí”…
Cùng lúc đó, Sư Ông trụ trì chùa Hàn Sơn vì không ngủ được nên đang đi dạo trong khuôn viên chùa. Ngẩng nhìn trời đêm, tứ thơ chợt đến và Sư ông buột miệng:
Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung
Bán tự ngân câu bán tự cung
Đến đây, Sư Ông cũng “bí” luôn.
Chú tiểu đang ngủ chợt thức dậy vì phải đi … tè. Vừa ra khỏi mái hiên nhà dưới, chú tiểu thấy Sư Ông đang đứng lặng trong vườn, vẻ mặt đăm chiêu. Hỏi ra mới hay Sư Ông đang “bí” nguồn thơ.
Phải giải quyết việc trước mắt nên chú tiểu đi ra sau vườn và … thoải mái. Bất chợt chú nhìn thấy một nửa bóng trăng dưới hồ (vũng?) nước sau chùa và xuất khẩu thành thơ:

Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn
Bán trầm thủy để bán phù không

Chạy ngay đến bên Sư Ông, chú tiểu bạch thầy xin được đọc lại cả bốn câu:

Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung
Bán tự ngân câu bán tự cung
Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn
Bán trầm thủy để bán phù không

(Bản dịch Trần Trọng San
Mồng ba mồng bốn trăng mờ

Nửa dường móc bạc nửa như cung trời
Một bình ngọc trắng chia hai
Nửa chìm đáy nước nửa cài từng không )

Nghe xong, Sư Ông rất hoan hỉ và dạy chú tiểu thỉnh một hồi chuông để tạ ơn Phật Tổ đã tạo cơ duyên cho hai thầy trò hoàn tất bài thơ tứ tuyệt dù lúc đó đã nửa đêm. (Nhà chùa chỉ thỉnh chuông công phu vào buổi sáng sớm vào khoảng 4-5 giờ sáng chứ không có lệ thỉnh chuông khuya.)
Chính tiếng chuông chùa nửa đêm này đã vọng đến bến Phong Kiều nơi nhà thơ Trương Kế vẫn đang còn … “bí” nguồn thơ.
Hoan hỷ thay, tiếng chuông “cảnh tỉnh” này đã làm cho nhà thơ “ngộ” và thể hiện qua hai câu kết
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
và đã làm nên nét đặc thù của bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc.
Tháng 7.2007
Trần Dương Hân

(hoasontrang.us)

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search