T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam: NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (24)-Những ca khúc phổ thông (popular songs) – Dẫn nhập

clip_image001

Bắt đầu từ kỳ này, chúng tôi xin gửi tới độc giả TV&BH loạt bài về những ca khúc phổ thông (popular songs) điển hình, những sáng tác từ cuối thập niên 1940 trở về sau, mà cho tới nay vẫn còn được hàng triệu người trên thế giới ưa chuộng, vẫn tiếp tục được gửi tới thính giả qua các làn sóng điện khắp năm châu.

Tuy nhiên, trước khi giới thiệu những ca khúc ấy, chúng tôi xin dành một kỳ để viết về định nghĩa, sự hình thành và phát triển của “popular music” (trong đó có “popular songs”).

Một cách tổng quát, nền âm nhạc tây phương được chia ba lĩnh vực chính: art music, traditional music, popular music.

“Art music” là nhạc thuần nghệ thuật, chủ yếu là nhạc cổ điển (classical music) – gồm cả tác phẩm của người xưa lẫn những sáng tác thời hiện đại đặt nền tảng trên lý thuyết và khuôn mẫu cổ điển; nhạc jazz chính thống, tùy từng trường hợp, cũng được xem là “art music”.

“Traditional music” là nhạc dân gian truyền thống.

“Popular music” là nhạc dành cho đại chúng.

Popular music được Bách khoa tự điển Wikipedia định nghĩa như sau:

Popular music belongs to any of a number of musical genres “having wide appeal” and is typically distributed to large audiences through the music industry. It stands in contrast to both art music and traditional, which are typically disseminated academically or orally to smaller, local audiences. (Nhạc phổ thông là những sáng tác thuộc bất cứ thể loại nhạc nào trong số những thể loại “có sức thu hút rộng rãi” và được kỹ nghệ ca nhạc phổ biến tới đông đảo thính giả. Nhạc phổ thông tương phản với nhạc thuần nghệ thuật và nhạc truyền thống, vốn thường được phổ biến tới một số lượng thính giả nhỏ hơn, hoặc thính giả địa phương).

Hàng chữ “…any of a number of musical genres “having wide appeal”… đã cho chúng ta thấy tính cách bao quát, thậm chí mơ hồ của định nghĩa về “popular music”.

Bởi vì trong khi người ta có thể đồng ý với nhau “a number of musical genres” ấy là vào khoảng 20 thể loại khác nhau, thì lại bất đồng ý kiến về thế nào là“having wide appeal”: bán được nhiều đĩa, được phát thanh nhiều lần, được nhiều tầng lớp thính giả ưa thích?

Cho nên, tất cả những gì chúng tôi trình bày, đề cập tới trong loạt bài về những ca khúc phổ thông trên TV&BH cũng xin được xem như những hiểu biết, nhận định, và cảm quan của “một người nghe nhạc” hơn là công trình của “một nhà nghiên cứu”.

* * *

Theo bách khoa tự điển Wikipedia, chữ “popular music” bắt đầu được người Mỹ sử dụng vào thập niên 1880, thời gian hình thành của nhóm “Tin Pan Alley”, gồm các nhà xuất bản nhạc và các nhạc sĩ tiên phong của nền nhạc phổ thông.

“Tin Pan Alley” nguyên là tên của một con hẻm ở khu Mã-nhật-tân (Manhattan), thành phố Nữu Ước, nằm trên West 28th Street, đoạn giữa Fifth và Sixth Avenue, là nơi tập trung các cửa tiệm bán nhạc cụ, các cơ sở xuất bản nhạc và giới nhạc sĩ nói trên, về sau đã được sử dụng để gọi nhóm này. Có thể viết, Tin Pan Alley chính là cái nôi của nền nhạc phổ thông.

clip_image003

Ngày nay, con hẻm Tin Pan Alley không còn nữa, chỉ còn một tấm plaque ở West 28th Street để ghi nhớ.

Theo các nhạc sử gia cũng như nội dung tấm plaque, nền nhạc phổ thông của Hoa Kỳ phát triển mạnh vào những thập niên đầu của thế kỷ 20 cho tới khi xảy ra cuộc Đại khủng hoảng (Great Depression, thập niên 1930). Vì những ca khúc của thời đó hiện nay được người yêu nhạc trên thế giới biết tới cũng chẳng có bao nhiêu, trong phạm vi bài này, chúng tôi xin bắt đầu với thời gian sau Đệ nhị Thế chiến, thời gian mà mọi bộ môn nghệ thuật của Hoa Kỳ phát triển, hoặc tái phát triển mạnh mẽ.

Tên tuổi lớn nhất của nền nhạc phổ thông Mỹ thời hậu chiến là nam ca nhạc sĩ gốc Phi châu Nat King Cole (1919-1965).

clip_image005

Nat King Cole tên thật là Nathaniel Adams Coles, xuất thân là một nhạc sĩ dương cầm có hạng trong làng nhạc jazz, nhưng về sau lại được người yêu nhạc trên khắp thế giới biết tới, và ái mộ qua giọng nam trung (baritone) êm như nhung của ông.

Khởi đầu sự nghiệp, Nat King Cole đàn dương cầm và hát trong những ban nhạc jazz nổi tiếng của Mỹ. Tới đầu thập niên 1950, ông chuyển hướng, bắt đầu thu đĩa những ca khúc phổ thông và đạt thành công rực rỡ, như Mona Lisa (1950), Too Young (1951), Unforgettable (1951), v.v…

Ngày ấy, Nat King Cole đã bị không ít người trong làng nhạc jazz phê bình là “mất gốc”, nhưng theo suy nghĩ của chúng tôi, và cũng là của nhiều người khác, đó lại là một điều hay cho người yêu nhạc thuộc mọi tầng lớp. Bởi vì nói cho cùng, vẫn biết nhạc cổ điển, nhạc jazz có giá trị nghệ thuật cao, nhưng không phải tầng lớp, thành phần nào trong xã hội cũng có điều kiện và trình độ để thưởng thức.

Phụ lục (1): Too Young, Nat King Cole

01-TooYoung

Too Young do Sidney Lippman viết nhạc và Sylvia Dee đặt lời, được Nat King Cole thu đĩa vào đầu năm 1951, đã đứng No.1 trên bảng xếp hạng của tạp chí ca nhạc Billboard 5 tuần lễ liên tục, và nằm trong danh sách “best seller” suốt 29 tuần.

Tên tuổi thứ hai của nền nhạc phổ thông chúng tôi nhắc tới là Tony Bennett, một trong những nam ca sĩ Mỹ gốc Ý nổi tiếng của hậu bán thế kỷ thứ 20, và cũng là người duy nhất hiện còn sống, gồm:

– Perry Como (1912 – 2001)

– Frank Sinatra (1915 – 1998)

– Dean Martin (1917 – 1995)

– Mario Lanza (1921 – 1959)

– Tony Bennett (1926- )

– Al Martino (1927 – 2009)

Tony Bennett tên thật là Anthony Dominick Benedetto, ra chào đời tại Nữu Ước, có khiếu ca hát tử nhỏ. Cuối Đệ nhị Thế chiến, Tony Bennett phục vụ trong lực lượng Hoa Kỳ chiến đấu tại Âu châu. Sau khi giải ngũ, chàng trẻ tuổi đã tự luyện giọng theo kỹ thuật riêng của mình, được hãng đĩa Columbia Records ký hợp đồng, và tới năm 1951, bản Because of You, một ca khúc do Arthur Hammerstein và Dudley Wilkinson sáng tác vào năm 1940, được Tony Bennett thu đĩa đã lên tới hạng No.1 trên bảng xếp hạng của tạp chí ca nhạc Billboard.

clip_image007

Tuy nhiên, phải đợi tới năm 1962, Tony Bennett mới thực sự trở thành một tên tuổi quốc tế qua ca khúc bất hủ I Left My Heart in San Francisco.

Một cách chính xác, phải viết: ca khúc I Left My Heart in San Francisco đã trở nên bất hủ nhờ tiếng hát Tony Bennett.

I Left My Heart in San Francisco nguyên là một sáng tác của hai nhà viết ca khúc George Cory và Douglass Cross, nội dung nói về tâm trạng của một người dân San Francisco (Cựu Kim Sơn), đi bất cứ nơi nào trên thế giới, dù thơ mộng, to đẹp tới đâu, cũng mong trở về San Francisco, bởi lẽ trái tim của mình đã được để lại ở thành phố thân yêu ấy.

Viết năm 1953 và được một số ca sĩ lần lượt trình bày, nhưng phải đợi 9 năm sau, khi được Tony Bennett thu đĩa, I Left My Heart in San Francisco mới lên tới đỉnh cao, và mãi mãi ở trên đỉnh cao ấy.

Video:

I Left My Heart In San Francisco, Tony Bennett (Subtitled) – YouTube

Ba năm sau khi thu đĩa I Left My Heart in San Francisco, Tony Bennett đạt thêm một thành công khác với bản The Shadow of Your Smile, nguyên là một tình khúc viết riêng cho cuốn phim The Sandpiper (1965, do cặp Liz Taylor – Richard Burton thủ vai chính). The Shadow of Your Smile là một tuyệt tác của nhà soạn nhạc kiêm nhạc trưởng nổi tiếng Johnny Mandel và nhà đặt lời hát lừng danh Paul Francis Webster (ba lần đoạt giải Oscar cho ca khúc viết cho phim).

Trong năm 1965, bảnThe Shadow of Your Smile đã đoạt cả giải âm nhạc Grammy cho “Ca khúc hay nhất trong năm” lẫn giải điện ảnh Oscar cho “Ca khúc viết riêng cho phim hay nhất”.

The Shadow of Your Smile đã trở thành một trong những ca khúc phổ thông (hoặc jazz, tùy theo ban nhạc và người hát) được nhiều ca sĩ thu đĩa và nhiều ban nhạc trình bày nhất; đồng thời cũng là bản nhạc gần như bắt buộc của các tay kèn saxophone.

Trong số các ca sĩ Anh, Mỹ thu đĩa The Shadow of Your Smile, Barbra Streisand có lẽ là người được ái mộ nhất, vì giọng hát có một không hai cũng như nghệ thuật diễn tả tuyệt vời.

clip_image009

Phụ lục (2): The Shadow of Your Smile, Barbra Streisand

02-The shadow of your smile – Barbra Streisand

Qua năm 1966, tới lượt Frank Sinatra làm mưa gió trên các bảng xếp hạng với bản Strangers in the Night. Bản này đã đứng No.1 trên cả danh sách Hot 100 và Easy Listening của tạp chí ca nhạc Billboard, Hoa Kỳ, lẫn UK Singles Chart tại Anh quốc.

Tại giải âm nhạc Grammy 1967, Strangers in the Night đã đoạt ba giải thưởng sau đây: Ca khúc trong năm, Nam ca sĩ nhạc pop hay nhất, và Hòa âm nay nhất.

Hai năm sau, chàng ca sĩ có biệt hiệu “Ol’ Blue Eyes” lại làm mưa gió với bản My Way, về sau được đa số xem là “ca khúc cầu chứng” của Frank Sinatra; mặc dù chỉ đứng hạng 27 trong danh sách Hot 100, No.2 trong danh sách Easy Listening, và No.5 ở Anh quốc, nhưng đã tạo ra hai kỷ lục mà cho tới nay vẫn chưa có ca khúc (popular song) nào qua mặt: nằm trong Top 40 ở Anh trong suốt 75 tuần lễ liên tục, và là ca khúc được nhiều ca sĩ hát lại nhất (chúng tôi sẽ trở lại với ca khúc huyền thoại này trong loạt bài sắp tới).

Tuy nhiên, theo giới thưởng ngoạn, nếu chỉ xét về mặt nghệ thuật, đỉnh cao sự nghiệp của Frank Sinatra vẫn là bản Strangers in the Night.

clip_image010

 

Phụ lục (3): Strangers in the Night, Frank Sinatra

03-StrangersInTheNight-FrankSinatra

Trên đây là một số ca khúc phổ thông điển hình trong hai thập niên 1950, 1960, được tạp chí ca nhạc Billboard xếp vào danh sách “Adult Top 40”, còn tại giải âm nhạc Grammy được phân loại “traditional pop” (pop truyền thống).

Xin có đôi hàng về “traditional pop”: các ca khúc trong nền nhạc phổ thông được gọi chung là “popular song”, hoặc ngắn gọn hơn là “pop song”, nhưng các nhà phê bình âm nhạc và giới thưởng ngoạn sành điệu thì thường phân biệt từng thể loại “pop”, chẳng hạn: “traditional pop”, “rock pop”, “folk pop”, “country pop”, “dance pop”, v.v…

Trong số các thể loại ấy, “traditional pop”, còn được gọi là “classic pop”, được đánh giá cao nhất, về nhạc, về lời, cũng như “độ bền” của nó nơi người yêu nhạc. Thí dụ điển hình là các bản La Vie en Rose, Mona Lisa , Unforgettable (Nat King Cole), Strangers in the Night, My Way (Frank Sinatra), You Don’t Have to Say You Love Me (Dusty Springfield)…, và lẽ dĩ nhiên không thể thiếu I Left My Heart in San Francisco (Tony Bennett).

Hiện nay, tại giải thưởng thường niên Grammy của Hàn lâm viện Âm nhạc Hoa Kỳ (danh xưng đầy đủ là National Academy of Recording Arts and Sciences of the United States), có hai loại giải thưởng khác nhau cho “popular music” là: “traditional pop” (nhạc phổ thông truyền thống), và “pop”, được hiểu ngầm là “contemporary pop”(nhạc phổ thông đương đại).

* * *

Tới đây, chúng tôi xin bước vào phần “điên đầu” nhất (cho chúng tôi) và gây “nhức đầu” nhất (cho độc giả), đó là viết về chữ “pop” nói trên.

“Điên đầu” nhưng vẫn phải viết bởi hiện nay “pop” là từ được sử dụng thường xuyên nhất trong kỹ nghệ ca nhạc trong khi mọi người, mọi giới vẫn chưa thống nhất với nhau về định nghĩa của “pop music”, “pop songs”.

Trăm tội đều do… người Mỹ! Vì nền ca nhạc của họ quá sức phong phú cho nên họ đã sử dụng hàng chục cái tên để gọi các thể loại (genres), tiểu thể loại (sub-genres) khác nhau. Chẳng hạn, chỉ nền nhạc phổ thông (popular music) mà thôi, theo Wikikpedia, có tới 20 thể loại, trong đó có “pop music”.

Xét về từ vựng, chữ “pop” chỉ là viết tắt của chữ “popular”, “pop music” là viết tắt của “popular music”. Thế nhưng trong trường hợp hai chữ “pop music” được sử dụng để gọi thể loại nhạc phổ thông đương đại (contemporary pop) thì nó không phải là viết tắt của “popular music” nữa, mà là một thể loại trong nhiều thể loại của “popular music”!

Một cách chung chung, tuy đều là những ca khúc “phổ thông”, “được đại chúng ưa thích”, nhưng “pop đương đại” bị đánh giá thấp hơn “pop truyền thống”.

Một số tác giả cho rằng chữ “pop” trong “pop music” (nhạc phổ thông đương đại) cũng có cùng ý nghĩa với chữ “pop” trong “pop culture”, viết tắt của “popular culture”.

Hai chữ “popular culture” được phát sinh vào thế kỷ thứ 19, hoặc có thể sớm hơn. Thời gian đó, “popular culture” có nghĩa là bản chất vô văn hóa của các giai cấp thấp kém, phản nghĩa với “official culture” để chỉ trình độ giáo dục cao của các giai cấp trung lưu, thượng lưu.

Từ sau Đệ nhị Thế chiến, những đổi thay về mặt xã hội và văn hóa tại Hoa Kỳ, cùng với sự phát triển của truyền thông đại chúng, “popular culture” không còn mang nghĩa khinh miệt lúc ban đầu nữa, mà chỉ là xu hướng sống tầm thường, hời hợt, nặng về hưởng thụ, mà hậu quả là sự băng hoại về mọi mặt. Từ cuối thập niên 1950, “popular culture” được gọi tắt là “pop culture”, và được định nghĩa một cách ngắn gọn “pop culture: the everyday lives of the society”.

Tuy nhiên, cũng có không ít người đã phản bác việc đồng hóa “pop music” với “pop culture”; bởi vì theo họ, tương tự “pop art”, không nhất thiết tất cả mọi “pop song” đều hời hợt, tầm thường, mà cũng có những ca khúc có chiều sâu, có giá trị nghệ thuật, và bền lâu không thua gì những bản “traditional pop”, chẳng hạn các ca khúc Delilah (Tom Jones, 1968), Imagine (John Lennon, 1971), Ben (Michael Jackson, 1972), Yesterday Once More (Carpenters, 1973), Woman In Love (Barbra Streisand, 1980), What’s Love Got to Do with It (Tina Turner, 1984), The Power of Love (Jennifer Rush, Celine Dion, 1984), v.v…

Trở lại với “pop music” (nhạc phổ thông đương đại), chúng tôi cho rằng định nghĩa của Wikipedia là ngắn gọn và dễ hiểu nhất: Pop music is a genre of popular music which originated in its modern form in the 1950s, deriving from rock and roll. Tạm dịch: “pop music” là một thể loại nhạc phổ thông hiện đại, hình thành vào thập niên 1950, thoát thai từ “rock and roll”.

Cũng có một số tác giả cho rằng “pop music” chẳng qua chỉ là “rock and roll” ở dạng êm tai hơn.

Tới đây, lại phải có đôi dòng về “rock and roll”, một trong số “những thể loại có sức thu hút rộng rãi và được kỹ nghệ ca nhạc phổ biến tới đông đảo thính giả” đã được nhắc tới trong định nghĩa “popular music” ở phần đầu.

Cũng xin được nói rõ, “rock and roll” truyền thống (còn viết là “rock & roll” hoặc “rock ‘n’ roll”) khác với “rock music” của các thế hệ trẻ sau này.

Rock and roll hình thành tại Hoa Kỳ vào thập niên 1940 và phát triển mạnh trong thập niên 1950, là sự phối hợp của ba thể loại “rhythm and blues” (R&B) của người Mỹ gốc Phi châu, western music và country music.

Thời gian đầu, nhạc cụ chủ yếu của rock and roll là đàn dương cầm hoặc kèn saxophone, về sau, từ giữa thập niên 1950, cùng với việc phát minh đàn guitar điện, nhạc cụ căn bản của rock and roll là ba cây guitar (một lead, một rhythm, một bass) và một bộ trống jazz.

Bản rock and roll nổi tiếng đầu tiên là “Hound Dog” do Willie Thornton thu đĩa năm 1953, đứng No.1 liên tục trong 7 tuần lễ trên bảng xếp hạng R&B. Hound Dog được ghi nhận là ca khúc rock and roll đầu tiên được biến cải từ thể loại R&B, và là một trong những ca khúc đóng vai trò hình thành thể loại rock and roll.

Cho tới nay, Hound Dog đã được thu đĩa trên 250 lần, trong đó đĩa hát do Elvis Presley (1935 – 1977) thu năm 1956 đã được tạp chí ca nhạc Rolling Stone đưa vào danh sách “500 ca khúc hay nhất của mọi thời đại”.

 

clip_image011

 

Phụ lục (4): Hound Dog, Elvis Presly

04 – Hound Dog – Elvis Presley

Qua năm sau (1957), tên tuổi của Elvis Presly đã lên tới đỉnh cao với bản Jailhouse Rock, ca khúc rock and roll được xem là “khuôn mẫu”. Jailhouse Rock được Elvis Presly hát trong cuốn phim điện ảnh đầu tiên của chàng, có cùng tựa. Từ đó, Elvis Presly được xưng tụng là “the King of Rock and Roll”, hoặc ngắn gọn hơn, “the King”.

Phụ lục (5): Jailhouse Rock, Elvis Presly

05 – Jailhouse Rock – Elvis Presley

Nghe hai ca khúc Hound Dog Jailhouse Rock của Elvis Presly rồi nghe những bản pop đương đại của thập niên 1950, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều điểm tương đồng.

Phụ lục (6): Diana, Paul Anka

06-Diana – Paul Anka

Diana là một ca khúc do Paul Anka sáng tác và thu đĩa năm mới 16 tuổi. Vì câu hát mở đầu “I’m so young and you’re so old”, thoạt tiên người ta đồn rằng nhân vật Diana chính là cô vú em (nanny) trong gia đình, về sau có người ra vẻ hiểu chuyện hơn, cho biết Paul Anka đã lấy cảm hứng từ cô bạn học cùng trường tên là Diana Ayoub; phải đợi gần một nửa thế kỷ sau, trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2005, Paul Anka mới cho biết Diana chỉ là cái tên tưởng tượng đặt cho một nhân vật có thật, đó là một cô gái lớn tuổi hơn mình dự lễ chung nhà thờ mà ngày ấy đã khiến cậu bé 15, 16 tuổi phải ngẩn ngơ…

clip_image013

Paul Anka sinh năm 1941 tại Gia-nã-đại, trở thành công dân Mỹ năm 1990, là ca nhạc sĩ nổi tiếng nhất của nền nhạc pop trong những năm đầu, mà ngoài Diana ra còn có những bản lên Top khác như You Are My Destiny (1958), Lonely Boy (1958), Put Your Head on My Shoulder (1959)…

Hình thức cũng như nội dung các ca khúc của Paul Anka có thể xem là điển hình của nhạc pop đương đại từ giữa thập niên 1950 tới giữa thập niên 1960. Về hình thức, đây là những ca khúc ngắn, cấu trúc đơn giản, thường gồm hai phiên khúc và một điệp khúc, được mở đầu bằng phần “intro” độc đáo; về nội dung, nét nhạc không cao siêu nhưng giai điệu thu hút, thường lấy chủ đề tình yêu với lời hát đơn sơ dễ hiểu, chứ không cần văn hoa bóng bẩy.

Một thí dụ khác về nhạc pop đương đại trong thời kỳ đầu ở Hoa Kỳ là bản Oh Carol (1958) của Neil Sedaka.

Phụ lục (7): Oh Carol, Neil Sedaka

07-Oh Carol

Ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương thì tại Anh quốc, cho tới cuối thập niên 1950, hầu như chưa có nền nhạc “popular music” nói chung, “nhạc pop”, “nhạc rock and roll” nói riêng; những ca khúc thịnh hành tại xứ Nữ hoàng đều được du nhập từ Hoa Kỳ. Nhưng tới thập niên 1960, đã xảy ra sự kiện mà các nhạc sử gia gọi là “The British Invasion” (Cuộc xâm lược của Anh quốc), tức là việc các ca sĩ và ban nhạc Anh làm mưa gió trên thị trường nhạc ở Hoa Kỳ.

Khởi đầu với ban The Beatles, rồi tới các ban The Rolling Stones, Gerry & The Pacemakers, The Searchers, The Moody Blues, The Dave Clark Five, Herman’s Hermits, The Hollies…, và các ca sĩ Peter & Gordon, Petula Clark, Cilla Black, Dusty Springfield, Donovan, Tom Jones…

Nhưng có một điều mà người Mỹ không biết, hoặc rất ít người biết, là những viên gạch đầu tiên của nền nhạc pop, nhạc rock and roll ở Anh quốc chính là nam ca sĩ Cliff Richard và ban nhạc The Shadows.

clip_image015

Trong sự nghiệp trải dài hơn nửa thế kỷ, (Sir) Cliff Richard chưa bao giờ chinh phục được khán thính giả ở Hoa Kỳ, ban The Shadows cũng không khá gì hơn, nhưng tại Anh quốc và nhiều nơi trên thế giới, trong đó có miền nam Việt Nam, Cliff Richard và ban The Shadows đã làm mưa gió trong suốt mấy năm trời, khởi đầu với ca khúc The Young Ones, trích từ cuốn phim ca nhạc đầu tiên của họ có cùng tựa, ra mắt khán giả năm 1961.

Phụ lục (8): The Young Ones, Cliff Richard and The Shadows

08-The Young Ones

Tới đầu thập niên 1980, cùng với sự phát triển mạnh của kỹ nghệ và kỹ thuật truyền hình, cũng như hình thức “live concert” ngày càng ăn khách, nhạc pop đương đại cũng ngày càng nặng về hình thức hơn là nội dung.

Thành công của một ca khúc không còn tùy thuộc nhiều vào giá trị nghệ thuật nữa, mà tùy thuộc vào cách ăn mặc, trình diễn của ca sĩ hay ban nhạc, vào kỹ thuật tạo âm thanh, ánh sáng hiệu quả (sound, visual effects) của các chuyên viên, và vào nghệ thuật quảng trên các phương tiện truyền thông.

Thí dụ điển hình nhất là trường hợp của đài truyền hình ca nhạc MTV (Music Television) và hai “pop star” Michael Jackson, Madonna: MTV đã giúp Michael Jackson trở thành “King of Pop”, Madonna thành “Queen of Pop”; ngược lại, cũng nhờ Michael Jackson và Madonna mà MTV từ một chương trình giới thiệu nhạc mỗi tuần một tiếng đồng hồ đã trở thành một “siêu hệ thống truyền thông giải trí” như hiện nay.

Nói về Michael Jackson và Madonna, công tâm mà nhận xét thì “the King” có thực tài về ca hát (năm 11 tuổi đã nổi tiếng với bản Ben), có những bước nhảy thần kỳ, nhưng “the Queen” chẳng những đã không có giọng hát mà còn không biết kỹ thuật, nghệ thuật hát, vậy mà đã trở thành nữ ca sĩ nổi tiếng nhất, làm nhiều tiền nhất trong suốt hơn ba thập niên qua.

Video:

Michael Jackson – Billie Jean – YouTube

Madonna – Like A Virgin (video) – YouTube

Viết như thế không có nghĩa là tất cả các “pop star” đều không có thực tài, tất cả mọi ca khúc phổ thông đương đại được lên bảng xếp hạng đều không có giá trị nghệ thuật, nhưng cũng phải nhìn nhận là rất hiếm.

Rất có thể vì vậy, để những ca nhạc sĩ có thực tài không bị bỏ quên, những ca khúc có giá trị không bị “chèn ép”, từ năm 1992, tại giải Grammy của Hàn lâm viện Âm nhạc Hoa Kỳ, bên cạnh những giải cho nhạc “pop” (được hiểu là pop đương đại), đã có thêm giải cho ca sĩ hát “traditional pop” (nhạc phổ thông truyền thống), và các ca khúc “traditional pop” được tranh giải cao quý nhất là “Song of the Year”.

Thế nhưng, theo sự chỉ trích của giới phê bình, của các nhạc sử gia, kể cả Hàn lâm viện Âm nhạc Hoa Kỳ cũng có xu hướng thiên về “pop culture”, tức là theo thị hiếu của đám đông mà bỏ quên truyền thống.

Thực vậy, nhìn lại danh sách “Song of the Year” trong thời gian 20 năm qua, chúng ta thấy có được mấy ca khúc có giá trị đích thực, được mọi người mọi giới ưa chuộng và sống mãi với thời gian, mà từ âm nhạc gọi là “classic song”?!

Hình như chỉ có một bản: My Heart Will Go On, do Celine Dion hát trong phim Titanic (1997)

 

clip_image017

Có lẽ vì thế, trên thế giới hiện nay ngày càng có nhiều chương trình phát thanh, nhiều website trên Internet chuyên cống hiến thính giả những “classic songs” của một thời đã qua, thường được gọi là ”oldies goldies”.

Loại bài về những ca khúc phổ thông điển hình của chúng tôi cũng không ngoài mục đích ấy.

Phụ lục (9): Power of Love, Celine Dion (1984)

09-ThePowerOfLove-CelineDion

Hoài Nam

 

 

PHỤ LỤC:

Phụ lục (1): Too Young, Nat King Cole

Phụ lục (1): Too Young, Nat King Cole

Phụ lục (2): The Shadow of Your Smile, Barbra Streisand

Phụ lục (2): The Shadow of Your Smile, Barbra Streisand

Phụ lục (3): Strangers in the Night, Frank Sinatra

Phụ lục (3): Strangers in the Night, Frank Sinatra

Phụ lục (4): Hound Dog, Elvis Presly

Phụ lục (4): Hound Dog, Elvis Presly

Phụ lục (5): Jailhouse Rock, Elvis Presly

Phụ lục (5): Jailhouse Rock, Elvis Presly

Phụ lục (6): Diana- Paul Anka

Phụ lục (6): Diana- Paul Anka

Phụ lục (7): Oh Carol, Neil Sedaka

Phụ lục (7): Oh Carol, Neil Sedaka

Phụ lục (8): The Young Ones, Cliff Richard and The Shadows

Phụ lục (8): The Young Ones, Cliff Richard and The Shadows

Phụ lục (9): Power of Love, Celine Dion (1984)

Phụ lục (9): Power of Love, Celine Dion (1984)

 

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search