T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

lê thị huệ: Hiểu thấu điêu tàn

clip_image001

(Nguồn: http://www.gio-o.com)

làm sao em hiểu thấu, trong lòng anh điêu tàn

nhạc sĩ Trần Quang Lộc

Ông ngồi giữa bằng hữu. Một bọn đàn ông đà sáu xược. Tóc họ nhuộm. Tóc họ muối tiêu. Tóc họ bạc. Họ lãng đãng đàn đùm xướng ca.

Đàn ông Miền NamViệt Nam Cọng Hòa.  Cũ! Thân mến.

Miền Nam Việt Nam bị tụm túm đế quốc chơi bàn Cờ Vua Thế Giới những niên 1950, 1960, 1970.  Mỹ đổ bộ lên xứ sở hình cong chữ ếch. Mỹ ỉa bãi cứt Thế Giới Tự Do, (lúc nhỏ tôi thấy người lớn xòe ra tờ báo Thế Giới Tự Do do cơ sở Thông Tin Hoa Kỳ in giấy trắng láng bóng đẹp nhất Châu Á). Xong.  Mỹ cắp đít bỏ đi. Để mặc Gian Ác Cọng Sản Tàu, Nga, Việt Cọng hiếp dâm Giải Phóng Miền Nam năm 1975.

Nội chiến kết thúc. Những người lính Miền Nam bị các đế quốc đưa vào con đường bức tử. Họ tự vận. Họ bị thủ tiêu.  Họ bị tù cải tạo từ người anh em Hà Nội tay sai chủ nghĩa Cọng Sản Mác Xít.

Họ sống sót.  Họ đến Hoa Kỳ theo diện HO (Humaritan Operation) do người Mỹ lập ra. Thứ nhân đạo thô bỉ và đạo đức dổm thúi tha. Cứu vài nhúm người sau khi đã khai tử một quốc gia Miền Nam Việt Nam mấy chục triệu con người ta.

Điêu tàn rơi trên từng chi tiết bị lật tẩy bởi những bài dịch Sử của ông Ngô Bắc trên gio-o.com  về  cuộc chiến Nam 1975. Tôi bị ám ảnh bởi con số 1975. Tôi cứ lặp đi lặp lại Nam 1975. Giống như người Do Thái lặp đi lặp lại lời than oán lò thiêu Holocaust 1945.  Từ đó đến nay.

Điêu Tàn. Mất Mát. Đau Đớn. Tuyệt Vọng. Như ly nước khổ đau tràn đầy mà mỗi người sống sót qua cuộc chiến ấy phải uống  tan nát tâm can và ngậm tăm tàn phế xác thân mình.

Điêu tàn. Làn da sẹo vĩnh viễn không lành trên khuôn mặt của Nam.

Việt chúng tôi không yêu cầu chiến tranh. Những người Mỹ người Cọng Sản Nga Tàu và Việt Cọng nhơn nhơn mang chiến tranh đến xứ sở tôi. Sự tàn ác ấy của họ hãy để cho đời đời lên tiếng lăng mạ. Đừng. Đừng tha họ, nhé đời.

Đường nhăn  gió Hạ Lào thổi thốc chết trận những mịn màng âu yếm của tuổi trẻ. Tình yêu đường da ngầu rám gió chiến tranh ấy là thứ tình yêu định mệnh. Bởi đời sống điêu tàn rách nát có nỗi u uẩn đẹp man dại của chúng. Người đàn ông rách da để chứng cầu chiến tranh đâm thọc vào đời sống những người dân bị gọi. Những nạn nhân bị động viên vào cuộc nội chiến Nam Bắc Việt Nam 1954-1975 là những kẻ bị gọi số đời. Không ai muốn tên gọi số phận tả tơi chiến tranh. Nhưng cuộn tròn đời mình vào trong đó rồi, chúng tôi tự yêu mình để sống sót mình.

Và như thế chiến tranh vận rãnh trên khuôn mặt người thanh niên thế hệ tôi. Nam là khuôn mặt suốt cả tuổi thanh xuân tôi hằng nhìn thấy. Có chút rách da. Có nhiều thẹo to. Đen đủi vì giang nắng. Mệt mỏi vì đeo ba lô lính trận. Điêu tàn là một bản doanh to tướng trên khuôn mặt Nam. Và tôi thấy mắt tôi thao láo nhìn sự điêu tàn trên khuôn mặt của Nam thân quen.

Mấy mươi năm sau, chợt nghe người đàn ông hát, “Làm sao em hiểu thấu .. trong lòng tôi điêu tàn”.  Ngay lập tức, tôi có cảm tưởng như linh hồn tôi rợp dậy đồng bóng ngất ngây khiêu vũ qua câu hát ấy. Họ đã chết ở một phương trời hoa mộng. Họ đẹp đớn đau khi khuôn mặt cúi xuống buồn buồn trong dấu vết âm thanh nức nở điêu tàn của đời đó. Ở nỗi phù trầm của một cung lòng luôn luôn thấy mình cao cả và  thánh thiện, tôi cảm thông nét điêu tàn có nỗ lực đẹp một cách hấp hối. Tôi không đành lòng bước đi. Tiếng hát địu chân tôi. Đời sống níu sự điêu tàn từng góc xó. Sống với điêu tàn nhưng tôi không tử vong. Chiến tranh không giết chết những người đàn ông sáu xược ấy. Họ sống sót trở về và ca hát “Làm sao em hiểu thấu trong lòng anh điêu tàn”. Bài hát chỉ còn lại đọng đúng lại một câu hát này.

Chiến tranh như cục bùi nhùi hoen đen quá khứ tôi. Ngày đó chung quanh tôi nhiều đàn bà, con gái có bồ có chồng là lính. Tôi nhìn đôi họ và tự hỏi sao cuộc đời con gái tôi chưa bao giờ cặp với một tên thiếu uy đính hoa mài vàng trên trên ngấn cổ áo. Có lẽ từ trong mơ tôi đã đẩy họ ra khỏi sổ lòng mình. Tôi sợ cái chết. Tôi sợ đổ nát. Tôi sợ mất mát. Tôi sợ điêu tàn. Nỗi sợ hãi chiến tranh làm tôi thấy mình tội lỗi vì đã là kẻ chân trong chần ngoài. Vì chưa một lần ôm một người lính Việt Nam Cọng Hòa vào lòng. Tôi chưa bao giờ biết nụ hôn của một người tình chiến tranh, tình anh lính chiến. Nhưng cũng vì thế nỗi háo hức để tìm tâm trạng “Làm sao em hiểu thấu … trong lòng tôi điêu tàn” có một cái giá đậu xuống lòng tôi.

Nhưng tôi đã một lần nằm chung  đơn vị ở Vùng Chiến Thuật Quân Khu 5 ấy.  Quân Khu 5. Quân Khu Tử Địa. Vùng Chiến Thuật số 5 là nơi chói lòa ánh hỏa châu thắp sáng những linh hồn trai ngon chết trẻ và khói súng thảo thơm những nấm mộ trắng lòng điêu tàn của những cuộc đời vinh danh sự tận tuyệt của đời sống.  Linh hồn và xác thân thế hệ chúng tôi  có chút hào hùng nào đó tử trận cùng với Nam tháng Tư năm 1975.  Đứa con gái lớn lên trong chiến tranh và đã sống sót trở về từ lòng điêu tàn của một quân khu chiến. Tôi sống trong cái chết của Nam. Và rồi đứa con của chiến tranh Nam đã không chết trong cái chết ấy.

Tôi rời Việt Nam. Tôi đến Camp Pendleton bang California tháng Tám 1975. Tôi sống trên xứ sở Cali xinh đẹp và giàu sang bao nhiêu năm qua, nhưng mỗi năm gió tháng Ba cuộn về lòng tôi cứ chồm lên những cơn sóng dữ hoang tàn đổ nát ở cuối đáy chiến cuộc . Lúc đó tôi đang là sinh viên năm thứ Tư. Cô sinh viên xinh đẹp hoa mộng của trường Văn Khoa  Đại Học Đà Lạt chạy tả tơi về và gặp Cha tôi cùng mấy đứa em trong trại tỵ nạn ở Cam Ranh. Một rừng sắn củ bị phạt phắt để những người tỵ nạn từ Đà Nẵng Qui Nhơn Huế chạy về dẫm đạp lên. Trên là trời dưới là đất. Nắng điêu tàn. Nóng lở loét. Không có nước để uống. Không có gạo để mua. Trời ơi sao con người ta khổ quá thế này. Tôi đã đau đớn khóc than cùng mấy chị em trong những cái lều do những người lính Quân Đội Miền Nam mang đến cung cấp.   Đó là những ngày mấy chị em tôi còn ngủ chung nhau trong chiếc chiếu cói trải ra trên đất cày củ sắn Cam Ranh. Mấy chị em gái da thơm tuổi mười sáu. Che chở thằng em út. Để thằng em út ngủ ở giữa vì sợ ai bắt mất thằng út cưng của sáu chị. Cha tôi không ngủ. Ngày đó tôi ngưỡng mộ Cha tôi là người đàn ông ngủ ít. Người nào ngủ ít là tôi ngưỡng mộ. Điêu tàn cùng giấc ngủ của Cha, Cha ơi. Khuôn mặt Cha trong những đêm khuya hắt hiu vì đài BBC nói ông Mỹ này tuyên bố cái chi đó về chính phủ Nguyễn Văn Thiệu hay chính phủ Bắc Việt. Cha thở ra hắt hiu. Con nhìn Cha và thấy tiếng thở dài của Cha như một chuỗi âm thanh đẹp tuyệt vời. Con chỉ biết nhớ thương âm tiếng thở dài của Cha trong thời chiến tranh. Ngày đó con nào biết đấy là hơi thở của điêu tàn. Trong lòng Cha điêu tàn. Ngày thơ Cha đã ôm con vào lòng cho con ngủ giữa lòng Cha. Con nhớ thương Cha khi tiếng thở dài của những người đàn ông tên Nam lướt qua trí nhớ của con bao lâu con còn mở mắt ngó trân trân vào một thế giới tưởng như khi nào cũng có thể tan vỡ vì một sự điên khùng chiến tranh nguyên tử nào đấy.

Sao nghĩ về Điêu Tàn tôi nhớ Cha tôi. Người đàn ông khi trẻ đẹp trai và thông làu chữ nghĩa nổi tiếng trong họ trong làng. Nhưng chợt đến năm 1975 thành một ông già ốp tong teo làn da mặt nhăn nheo điêu tàn vì quá nhiều vất vả lao động và suy tư của một người đàn ông vợ chết và nuôi một bầy con gái thanh thiếu niên.  Mỗi khi tôi hỏi cha điều gì. Cha thường không trả lời ngay, suy tư một hai phút và những câu trả lời của ông thường bắt tôi phải suy tư hơn suy tư hơn. Một lần Cha nói với tôi: Người Việt ác lắm con ạ. Chúng ta tiệt tiêu luôn cả cái nước Chàm ấy. Tôi bị sốc khi nghe câu ấy đến độ tối đó nằm trên sàn xi măng mát lạnh với mấy chị em tôi trong một mùa hè nóng cực ở một thành phố Trung Việt, tôi bị ám ảnh: Tại sao Cha lại trao cho tôi một chữ Ác kỳ lạ như thế. Đấy là lần đầu tiên trong đời tôi được giới thiệu đến khái niệm Ác . Sau đó tôi phiêu lưu xuống con đường to nhất của thành phố, đường Gia Long ở Qui Nhơn. Tôi đi nhìn mấy bà Chàm bán hàng trên hè phố. Tôi đứng sớ rớ làm sao mà có một bà đưa cho tôi gói thuốc gì đó, tôi nói tôi không có tiền. Bả nói về nhà nói với Mẹ đưa tiền ra trả cho bà. Tôi chạy về nhà nói với Mẹ. Mẹ tôi hốt hỏang nói: Con ơi tại sao con đi đâu coi chừng bị người Chàm thư! Mẹ tôi là người đàn bà hiền lành nhất thế giới, mở bâu áo đưa một món tiền khá to cho tôi chạy trở lại trả tiền cho người đàn bà Chàm ấy. Sau đó là cả hai mẹ con tôi bị nhiều người khác nói là sao khờ quá vậy. Bây giờ nghĩ lại tôi sung sướng thấy Mẹ và tôi đã làm một việc trả nợ tình xa. Trả nợ mối điêu tàn Chàm ám ảnh tiền thân chúng tôi. Trong đầu tôi khi nghe hai chữ Điêu Tàn là phọt ngay lên một bóng hình nhân sinh khốn khó kiếp người là Cha tôi và một chữ Chàm. Khắp miền Trung Việt Nam nơi tôi lớn lên toàn là những Tháp Chàm đổ nát …

clip_image003

Chiến tranh tọng vào hậu cung tôi cục huyết hoại. Tôi mang theo cục máu thổ tả của kẻ sống sót qua chiến tranh Nam. Cục máu đông chạy rần rật nhảy đành đạch Gangnam. Cục u chạy lên chạy xuống có khi đụng tim có khi đụng đầu. Di sản chiến tranh để lại mà. Tôi thường xuyên sống với nỗi ám ảnh coi chừng nó đụng. Có thể bị nó đụng ngày hôm qua ngày hôm nay và ngày mai.  Cục độc không chịu sung cơn thổ huyết.  Tôi thành kẻ phải chiến đấu với tất cả ý thức rằng tha nhân đã bắt tôi găm một cục thuốc độc chiến tranh vào thịt da.  Ý thức như một phụ gia hóa chất ăn ở trơn trượt viên đạn đồng trong người, càng làm cho cục độc không tiêu đi với thời gian.  Và trong nhiều canh trường tôi đã kêu lên tiếng khóc than của một sinh linh nhỏ bé bị hiếp dâm bởi lịch sử vĩ đại. Phẫn nộ thét lâu ngày mưng mủ chín muồi rồi tôi viết. Tôi viết những chương chữ với lời trách cứ những ai đã áp đặt cuộc chiến tranh Nam lên tôi. Tôi lên án Mỹ Việt Cọng Tàu Nga Nhật Đại Hàn Tân Tây Lan Pháp quốc đã buôn bán chúng tôi qua cuộc chiến ấy.  Điêu tàn chập chờn trong mớ tri thức bùng nhùng về những thế lực mạnh nhân danh các cục phân vĩ đại để uy hiếp những cá nhân nhỏ bé.  Từ nó chứ từ ai. Từ kinh nghiệm cục độc chiến tranh ấy, tôi phẫn nộ cái thân phận của đám đông nhân loại theo đuôi trong tôi. Chỉ biết tuân theo như con từu trong bầy cừu ngoan ngõan trong những đại danh từ Người Công Dân hay như Người Tín Đồ của tôn giáo. Tôi bắt đầu biết thế nào là viết với lòng phẫn nộ. Nhưng hình như phẫn nộ trong tâm hồn một kẻ lòng Lành thì dễ bị hóa giải bởi Lòng-Yêu-Thương-Cuộc-Đời-Nơi-Tôi-Đã-Sống-Đã-Cưu-Mang-Và-Đưa-Các-Con-Tôi vào đấy. Tôi bị vương vấn bởi mạch nước khoan dung rị mọ ra từ một bản chất xinh đẹp của đứa con gái trinh sơ được nuôi lớn bởi cát biển Thái Bình Dương. Bởi sự mềm mại bốc hương trinh thứ tha của bà mẹ sanh ra những đứa con ở bệnh viện Kaiser Permanente® sạch sẽ văn minh tiến bộ.  Và bởi cái ước muốn làm kẻ cao cả ngạo đời của một trí thức đã tiêu thụ cả đống kiến thức từ Republic của Plato cho đến The Female Mystic của Betty Friedan cho đến Killing Me Softly của Philip Nitschke. Đôi khi tôi cảm tưởng nấm mộ người trai trẻ chết ở Đà Lạt dội về những cơn gió khằng lạnh Tháng Tư oán trách anh không cần lòng cao cả khốn nạn ấy của em.  Dù thế nào thì tôi đã viết như vậy và cõi viết của tôi có tất cả niềm ăn rơ điêu tàn trong nỗi cô đơn của một người đàn bà sáng tác ở vô xứ.

Tôi là một người Lành. Và tôi có nhu cầu là nếu tôi không ác độc với ai thì tha nhân cũng hãy tôn trọng, đừng ác độc với tôi. Một nhu cầu to lớn!  Thế nhưng lịch sử như một ông Tây ông Mỹ ông Jesus ông Thích Ca to lớn vĩ đại, đùng đùng đến và quyết định các thứ lên trên đời tôi, trên đời mẹ con chúng tôi. Ai, ai mượn họ đến đề ra tôi thuộc về Làng này, Quốc Gia này, Tôn Giáo này, huh. Họ sở hữu tôi mà. Cái bác Tha Nhân vĩ đại kia nhân danh Lịch Sử, nhân danh Tôn Giáo, nhân danh Quốc Gia quyết định đời tôi. Họ quyết định tôi được sống ở chỗ này chỗ kia. Họ vẽ ranh giới địa lý và biểu tôi ở chốn này chốn nọ. Họ lập ra tôn giáo và bắt tôi phải tùng phục giáo lý của họ. OMG! Khi tôi có tí nhau hiểu biết, tôi bắt đầu tra hỏi về những vai trò Tha Nhân như Tôn Giáo, Lịch Sử, Quốc Gia đã quyết định trên số phận của tôi như thế nào.

Tôi tranh đấu để quyền Tự Do Định Đọat, Tự Do Phát Biểu, quyền Tự Do Sống của tôi được Họ tôn trọng và đối thoại. Thế nhưng trong phần lớn 90% hoàn cảnh, Họ đòi nhân danh Quyền-Lực-Cai-Trị-Tôn-Giáo, Quyền-Lực-Cai-Trị-Quốc-Gia để thay tôi nói và làm dùm tôi! Tôi đâu phải là ông Trịnh Công Sơn hát ẩu: Hãy sống dùm tôi, hãy hát dùm tôi, hãy thở dùm tôi. Tôi muốn tôi tự sống, tự hát, tự thở. Được không nào!

Tôi bị hãm hiếp thơ ngây. Tôi bị hãm hiếp số phận bởi những Kẻ Lạ Tha Nhân ấy. Tôi ngậm ngùi để thấy viết, sáng tác, là con đường tuyệt lộ điêu tàn. Bọn Họ không viết. Họ sản xuất súng ống pằng pằng lại kẻ nào daring đòi giết Họ. Biến cố 911 ở bầu trời nước Mỹ năm 2001 là người Islamist dám dùng máy bay đâm vào tòa buinh đinh Pentagon và World Trade Center của Mỹ. Là những năm tiếp theo Mỹ đánh một lô các nước Iran, Iraq, A Phú Hãn giết cho bằng được Ngụy quân Ngụy quyền al-Qaeda Bin Laden Hussien Gadafi etc … Phin Tàu mấy chục bộ chiếu trên Youtube toàn là Con giết kẻ thù báo oán Cha Mẹ. Võ Đang phục thù giết nhau như ngóe. Đảng Thiếu Lâm nổi như cồn chỉ vì giỏi úynh nhau để báo oán cũ. Giết. Killing. War. Họ là Tha Nhân sống bằng các món killing vĩ đại ấy. Còn tôi, tôi phải làm sao đây để vượt lên những lưỡi dao súng đạn của Tha Nhân tàn ác vây quanh ? Khi đặt vấn đề ấy ra trong các bài viết. Tôi bị lên án. Họ nói tôi không được tra hỏi các quyền lực Trắng, quyền lực các Sư Phật Giáo quyền lực các Cha Công Giáo, quyền lực Mỹ, quyền lực Do Thái, quyền lực Tàu, quyền lực Đảng Cọng Sản Việt Nam, quyền lực Đực, quyền lực Drug, quyền lực Violence, quyền lực Chúa Giê Su, quyền lực Phật Thích Ca … vv … Tôi cảm nhận rờn rợn những áp lực ấy.

Sống ở ngoài Việt Nam tôi đọc và tìm hiểu về chiến tranh Việt Nam. Mới biết ông Hồ Chí Minh là thứ đồ thổ tả. Đúng là một tên vô lại gian manh làm tay sai cho Đảng Cọng Sản Nga Tàu mang Cọng Sản về Việt Nam. Ông ấy giết bao nhiêu Đảng Phái Quốc Gia để ngoi lên. Tôi ghét ông ấy. Ông Ngô Đình Diệm thì tay sai cho Mỹ và Công Giáo CIA Spellman mới được mang về Việt Nam 1954. Phật Giáo vụ Tranh Đấu 1963 tôi chạy le te đi xem người ta mang bàn thờ Phật ra đường thiệt là ngoan mục vui mắt.  Và nghe vụ Sư Tự Thiêu, Thanh Bồ Đức Lợi, với nhiều hào hứng của cô bé ưa tò mò chuyện chính trị. Giờ ra sống ở hải ngoai, đọc được tài liệu tiếng ngoại quốc tôi rút ra kết luận là ba cái vụ tranh đấu này đều có bàn tay lông lá xa như Mỹ, Nga, Tàu giật mối từ bản doanh chiến tranh chính trị, chiến lược Dân Trí Vận của họ. Đọc nhiều tài liệu viết bằng ngoại ngữ làm tôi tức chết đi được. Thế nhưng khi tôi trình bày những sự việc ấy cho độc giả Việt Nam, tôi bị ném đá, bị những sợi dây vô hình tẩy chay và cô lập. Điêu tàn của đời sống du vào hồn như sự lặng im đồng thiếp trong tôi khi thấy những toa rập của kẻ mạnh đổ lên đời sống những gam màu theo được bước chân đế quốc của họ. Điêu tàn trong hồn tôi tru rống không thanh âm khi thấy đám đông khẩu phục tâm phục các tín điều, các chương sử, các quyển sách, các bài phát thanh, các lịch sử do bọn ác khống chế. Tôi phải làm sao đây. Im lặng cho yên đời một con đàn bà sống lửng chết lửng ư.

Đến Mỹ tỵ nạn. Cảm giác thứ nhất  tôi khựng đứng là xứ sở này không chiến tranh  mà sao house của Mỹ trổ những màn ảnh  ti vi cực tuyến xoa téc ních co lơ phân cảnh phin action bắn nhau giết người bóng và láng.  Bắn nhau như thiệt trên các phin ảnh action của Hollywood. Bạo động là liều thuốc an thần của các show truyền hình Mỹ thời tôi.

Sống ở Mỹ năm 1975 đến nay tôi thấy Đế Quốc Mỹ toàn là mang quân đi xâm lược và bỏ bom nhà thiên hạ. Đế Quốc Mỹ sáng chế và xuất cảng chiến tranh toàn cầu. Thế giới im re ngưỡng vọng Mỹ uýnh nhau chiến tranh này sang chiến tranh khác. Điêu Tàn tê liệt thần kinh nhân loại. Lại còn tôn thờ Mỹ Number One. We’re Number One. Các công dân thế giới tranh giành nhau cho được tấm Visa sang Upstate Newyork học,. Sang Đế Quốc Mỹ làm lao động nhổ cỏ bang Idaho và chùi cầu tiêu khách sạn song bài Las Vegas.

Tôi lạnh toàn thân khi nhìn Điêu Tàn lùa những cơn gió cóng nhân sinh trên những sa mạc của người A phú Hãn, người Iran Irac. Mỹ tha hồ giết những xứ sở cho thành quách thành phố quốc gia điêu tàn. Tôi ôm những cái màn truyền hình Mỹ xem chiến tranh và những xác người cùng tiếng súng vào lòng. Điêu Tàn đến tận tuyệt trái tim. Người Mỹ ơi sao người Mỹ phá hủy này bởi bom đạn made in USA lắm thế.

Xứ tôn vinh điêu tàn. Xứ gây nên nhiều cuộc chiến và gây điêu tàn cho nhiều nước trên thế giới.  Xứ xuất cảng chiến tranh.  Đấy là Mỹ. Mỹ giữ xứ United State of America luật pháp nghiêm minh.  Các kinh tế gia cừ khôi Hoa Kỳ giúp tổng thống họ lập ra những chính sách người người yên ắng với mortgages đời mình vào cái nhà và cái xe.  Bình an dưới thế cho người muốn ownership có thẻ credit card tốt.  Nhưng Mỹ chuyên môn gây chiến ở lãnh thổ xứ người.  Sau chiến tranh Việt Nam 1975, bước chân xuống thuyền nhập cư xứ  Mỹ, tưởng sang Hoa Kỳ xứ sở hoà bình để được bình hoà với cuộc đời. Ai dè không phải!  Tôi thấy nước Mỹ nó gờ la mô rai (glamorize) violence nhất thế giới.  Tôi thấy Mỹ sảng xất chiến cuộc sang Iran, Iraq, Ponoma … etc.  Từ ngày sang Mỹ tôi học hỏi được điều là nước Mỹ lâu lâu phải nhào dzô get involved với chiến tranh mới. Mỹ mang quân đi đánh chiến tranh này vài năm.  Nghỉ dưỡng sức vài năm.  Xong lại mang quân đi đánh tiếp xứ khác kế tiếp.  Từ ngày sang Mỹ tôi xem tivi, xem internet, nghe ra dô Mỹ, thấy tin chiến tranh này đến chiến tranh nọ không ngừng nghỉ. Tòan là nước Mỹ đem quân sang uýnh xứ người. Chỉ tôi là khác hòan cảnh. Trước 1975,  ở Việt Nam, tôi lo di tản đạn AK 47, tránh súng liên thanh Lockheed, bom Grumman, General Dinamics, Raytheon. Còn ở Mỹ thì tôi nằm ngay trên giường chăn êm nệm ấm nghe tổng thống Mỹ Jimmy Carter giải thích chiến tranh Shah of Iran, thổng thống Reagan giảng về chiến tranh Nicaragua,  Iran-Contra Sadinist Affair., Bush Cha nói về Persian Gulf War, Clinton nói về A Phú Hãn, Bush Con đánh Iraq bắt được Hussein, Obama nói về Khadafi chết rồi. Cảnh máu chảy đầu rơi đầy dẫy trên màn truyền hình Mỹ. Tôi vô tư và nước Mỹ đùi rung ngự trị number One vô địch đưa quân sang đánh ở đâu là dân chúng ở đó chết kệ thây bà chúng nó.

Chơi dao có ngày đứt tay. Mỹ khôn ngoan tránh được những cuộc nội chiến to lớn giữa các sắc tộc, giữa các đẳng cấp, giữa các đảng phái.  Để nước Mỹ có chút yên ổn về macro politics. Nhưng Mỹ không tránh được cơn  ghiền bạo động đến từ Cá Nhân Chủ Nghĩa micro. Cá nhân chủ nghĩa sở hữu những khẩu súng liên thanh xách đến trường học, đến shopping center, đến công sở bắn người người như bắn lỗ nẻ.  Cá nhân chủ nghĩa khua cần câu một con người nhỏ bé có thể gây ra hậu quả to lớn, giựt le sự chú ý to lớn. Mà nước Mỹ chưa dám lên tiếng ngăn cấm súng đạn. Chưa dám đụng đến mấy tên da trắng nắm giữ quyền lực thích chơi súng đạn giết nhau. Nước Mỹ bị ngay dân Mỹ dùng súng bắn nhau. Thế là bạo động xuất hiện ngay trong sân nhà yên ấm của Mỹ mà Mỹ cứng họng hơn 200 năm nay chả biết nói sao ! Giỏi đi hô hào và kêu gọi hoà bình thế giới, sao không giữ cho sân nhà mình không bạo động chút đi, nước Mỹ hỡi.

Colorado ngày 20 tháng 7 năm 2012, James Holmes xách súng giết 12 người trong một rạp xi nê trong khi những người này đang xem phim Batman. Chiến tranh với những khẩu súng đạn có mùi hấp dẫn của khủng bố tàn ác và ý muốn giết người như chứng cớ Homer đã hành động, không phải là thứ chúng tôi và Nam chọn lựa.. Điêu Tàn quá.  Điêu Tàn quá. Tâm hồn Holmer điều tàn ở những liều thuốc người nữ bác sĩ đại học Colorado của y kê toa cho vô số sinh viên xài drug nghiện hơi quen chemicals.  Xứ Mỹ giết lẫn nhau đã điếu. Khủng bố Mỹ Trắng xách súng giết nhau như ngóe. Người Mỹ im re điêu tàn cấp giấy phép mua súng một cách khóai lạc. Thẩm thấu điêu tàn là tôi mỗi sớm mai lái xe freeway lại nghe có vụ nổ súng ở New York ở Texas có khác gì ngày xưa hàng đêm nằm nghe đại bác Việt Cọng nả về ở hướng núi Ghềnh Ráng Qui Nhơn, ở hướng núi Phú Thượng Đà Nẵng …

Connecticut ngày  14, tháng 12 năm 2012  Adam Lanza 20 tuổi,xách súng vào trường Sandy Hook  bắn chết 20 em bé tiểu học.  Tôi vào internet ở các forum Mỹ, thấy dấy lên phong trào kêu gọi các chính quyền tiểu bang hãy cho phép các trường học mang súng để bảo vệ mạng sống của mình, của các em bé ngây thơ. Đấy tinh thần người Mỹ cao bồi là đây. Họ nghĩ là quyền của cá nhân được bảo vệ mình, được mang súng trước quyền lợi của những kẻ không muốn mang súng, không muốn dính dáng đến súng ống, không có khả năng mua súng, không dám nhìn thấy súng … như tôi. Thiệt là hết nước nói mà. Nhà ở Mỹ lâu nay xinh đẹp vì cổng không có, chỉ có thảo nguyên cỏ xanh áo đầm em nhỏ tóc vàng mắt xanh chạy tung tăng. Thế mà giờ chỉ vì quyền giữ súng của đàn ông da trắng trung niên, mà nước Mỹ điều chỉnh ai cũng nên có súng, kể cả sân trường tiểu học. Bộ họ muốn biến trẻ thơ thành kẻ ám ảnh súng ống luôn sao. Thế thì nhà trường thành nhà tù luôn rồi trời ơi. Điêu tàn từ trong trứng nước ý nghĩ của những người đàn ông da trắng trung niên nắm giữ quyền lực nhất thế giới. Có ai để ý điều này không ? Có ai dám thách đố quyền lực của họ không ?

Nước Mỹ điêu tàn như thế.. Chết chứ nhất định không xa rời khẩu súng. Đàn ông Mỹ Trắng trung niên xem khẩu súng là vật cần thiết để dùng khi cần. Họ thông minh xuất cảng chiến tranh sang các xứ sở Iran, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nam Mỹ để có thể hành xử điêu tàn súng bom ở các sân chơi ấy. Khi điêu tàn xảy ra ở sân trường tiểu học Newtown, họ mới nghĩ sơ sơ, thế mà tổng thống Obama nói chuyện kiểm soát súng ống, chuyện cấm súng là chuyện … phức tạp khó thực hiện. Đấy nước Mỹ điêu tàn thế đấy. Điêu tàn ngay trong thái độ xem sự giết nhau là chuyện để bàn thảo.  Chứ không phải là chuyện phải không xảy ra.

Bạn USA nhân danh Hòa Bình Tự Do Bình Đẳng Công Bằng sản xuất các thứ bom đạn thuốc nổ tinh vì tình vì cho Thế Giới.  Bạn đi bỏ bom hầm bom tàng hình bom tình xa giết hàng trăm nghìn con người ta ở Trung Đông Nam Mỹ Á Châu etc … Sao bạn Mỹ không thử cắm hai chữ Hòa Bình nơi back yard nhà bạn. Không thử biểu mấy ông trung niên Trắng National Rifle Association NRA ở bang Wyoming, Montana, South Dakota, đừng tàng trữ súng đại súng cồ nữa, huh. Bạn rao giảng và mần Nhân Quyền ở các nước khác thì to họng mà ngay tại sân sau của nhà mình lại nuôi dưỡng loại trùng độc này mạnh bạo hơn ai hết. Thế thì làm sao người đàn bà nhỏ nhoi Huệ Sầu này có thể vơi bớt nỗi buồn điêu tàn khi ngậm ngùi ngó chung quanh và thấy tất cả cái bi kịch của kiếp người vu vơ quờ quạng trên mặt đất này chớ. Tôi hiểu ra. Bạn là bạn nghiền bạo lực. Không phải mình ên bạn nghiền violence. Thế giới này, cuộc đời này chúng có nhu cầu bắn từng loạt con nít ngây thơ, lên kế hoạch thủ tiêu những con đàn bà yếu bóng vía, và mê trao súng cho những dân tộc có nhiều đàn ông đần ngu yêu nhau.

Dù tôi có sầu đời tới chừng nào thì bạo lực vẫn tràn lan thấm đẫm mặt đất này. Thế thì tại sao tôi phải đi chết đi.  Tôi có im miệng câm họng tự tử vì sầu đời thì đời vẫn nhăn răng cười cợt trả lời tôi không cần bà. Không. Tôi phải sống. A Survivor. Tôi không thể chết. Em Cũng Phải Sống khi mà Anh Phải Sống. Anh phải bỏ đi thắp lên ngọn lửa hy vọng. Anh phải bỏ đi để em còn sống.  Ông nhạc sĩ nói như thế. Các ông bỏ đi lấy vợ mới rồi gửi lại đời những lời lừa mị. Thế thì tại sao đàn bà chúng tôi phải nghe những lời hát nhảm nhí này. Thôi để em sống. Em phải sống sót. Tôi tự nhủ tôi. Em phải sống và em đé cần anh nữa anh ơi.

1993 lần đầu tiên đặt chân lên đất nước Hà Nội. Tôi bị dội ra ngay bởi những thị dân phố Tràng Tiền chửi xoen xoét nhau và liệng giấy lau chén ngập trắng sàn nhà tiệm phở Lý Quốc Sư gần nhà ông Hoàng Cầm thi sĩ bóng trợt dầu mỡ chữ. Những khuôn mặt Hà Nội xám xịt đầy defensive tàn và ác từ quá khứ chiến tranh Bắc bám sâu trên rãnh da môi mép họ. Tôi cúi đầu nuốt không nổi cọng phở ngoay ngóay trong cái bát. Điêu tàn đội mồ khóc trong bát phở lừng danh Hà Nội. Cuộc chiến thắng của người Cọng Sản Miền Bắc mà tôi nô nức muốn nhìn thẳng vào mặt, ra là thế này ư. Sau chiến tranh, tôi chưa hề gặp được một khuôn mặt thị dân Hà Nội hiền hòa đáng yêu để cho tôi tương tư. Tôi chỉ gặp toàn sư tử và quỷ sứ ở Hà Nội. Thành phố Hà Nội là thành phố nuôi âm binh. Lòng của tôi điêu tàn hoảng hốt tháo chạy ra khỏi thành phố ấy ngay. Tôi ngấm ngầm trách cứ nỗi tàn tạ đã đến trong lòng tôi từ đó.

clip_image005
photo: NAT

Từ khi em đi theo trời rộng

Gió trong tôi bỗng thổi lạnh lùng

Bướm hoa xưa thôi đã tạ tàn

Nhìn nhau thôi mê say hiền dịu

Là thôi chim đã về ngàn

Là thôi em cứ phụ phàng

Là thôi em cứ đi tìm thiên đàng

tạ ơn em cho tôi đau khổ

Tạ ơn em cho tôi nấm mộ

Xin cúi chào chút dĩ vãng tang thương

( nhạc Đynh Trầm Ca)

Thế giới được chế ngự bởi cái Ác. Ác Sáng Ngời Đắc Thắng. Ác là mầm sống muôn năm của nhân loại. Thế gian bị hấp dẫn và được hình thành bởi sức mạnh của cái Ác. Kẻ chiến thắng thường là Kẻ Ác.

Khi tôi thấy chút Lành le lói thắp sáng, tôi bị thu hút ngay.

Những câu hát tiêu biểu cho phần lớn thơ và nhạc tình Miền Nam thời tôi lớn dậy.  Một mùi hương của Điêu Tàn Lành tỏa ra từ câu hát trên. Nó mang bóng dáng nhẹ nhàng sáng láng của đau khổ . Sự  Nhẹ Nhàng Lành tỏa ra từ câu hát vẩn vơ  mà tôi thường thấy trong thơ nhạc của Miền Nam giai đoạn này có một sức thu hút tôi mãnh liệt.  Tôi thấy tôi cận kề và an toàn khi nghe những lời hát này. Tôi thấy sức mạnh của an bình. Sức mạnh của sự vỗ về.  Ít ra chúng vỗ về và không làm cho tôi hãi sợ. Sức mạnh của sự không bị đe doạ không bị khống chế. Cái nhu cầu không bị đe doạ không bị khống chế của con người cũng lớn lắm chứ.  Nỗi đau khổ tiềm ẩn sự dịu dàng của sợi dây níu bóng vía tha nhân.  Tha nhân này cũng rớt rơi xuống hố khổ đau như tôi.  Tha nhân này không ác thú như  Đế Quốc Mỹ Đế Quốc Việt Cọng Đế Quốc Nga Đế Quốc Tàu.

Có lẽ sự Thua Thiệt cũng có sức hút ít ai ngờ.  Nếu Thú Đau Thương là bí ẩn thì Duyên Thua Thiệt có ma lực lôi cuốn . Sự Thua Thiệt làm cho lòng trắc ẩn con người trổi dậy. Và rồi cứ thế ta bị lôi theo.  Ta đi theo vực đỡ người Thua Thiệt. Ta thương người hay ta thương ta … tình tang.  Đàn  bà con gái đầy lòng trắc ẩn thương người, thường hay làm như thế.

Tôi biết một người lính Miền Nam cụt chân vì chiến cuộc. Trước anh là sinh viên hào hoa của đại học Đà Lạt. Bị động viên năm 1972. Đăng lính loại ra trận đánh giặc cho oai phong oai hùng.  Bị thương phải cưa chân.  Năm 1979 anh đi với gia đình vượt biên dẫn theo em gái một người bạn trai khá thân sang Mỹ.  Tôi gặp và chúc mừng anh chị. Cô vợ anh theo bám tôi kể lể và lầu bầu. Qua đó tôi biết cô không cảm thấy thoải mái để sống với một người chồng cụt chân. Năm sau cô bỏ chồng. Bạn bè đều thương hại anh. Dẫn một người mình yêu thương sang. Bị phản bội. Ít lâu sau một cô bạn của em gái anh sang Mỹ đoàn tụ gia đình. Cô gái xinh đẹp hiền lành, học giỏi. Bỗng cô cặp với anh và ngỏ ý sẵn sàng lập gia đình với anh. Bạn bè chúng tôi chưng hửng. Sao mà có thể tin được. Một cô gái ngoài hai mươi, xinh đẹp, hiền lành, đang hoàn tất BA ngành Business, chấp nhận một người đàn ông thua thiệt đến thế sao. Lúc đó vào khoảng những năm 1980. Bang giao Mỹ – Việt Nam chưa thiết lập. Con gái Việt Nam ở Mỹ quý như vàng.  Đàn ông kiếm bạn tình Việt Nam rất khó khăn. Chuyện xảy ra là chuyện khó tin và có thật. Nhiều năm sau, tôi hỏi cô gái tại sao cô chấp nhận môt người đàn ông tàn phế. Cô nói cô thấy thương hại anh và cô không thể chạy trốn lòng thương hại trong người. Nó mạnh mẽ và cô có cảm tưởng nếu không có cô thì sẽ không ai thương anh như thế. Và cô bị tình cảm ấy dẫn dụ. Cô không cưỡng lại nó được. Gần ba mươi năm trôi qua, đời sống họ êm đềm không sóng gió. Eh, tôi biết nhiều con gái đàn bà Lành như thế. Không chỉ môt mình cô ta đâu.

Hình như đâu đó trong tôi vẫn nương náu vào những câu thơ những vờn chữ chất chứa nỗi điều tàn lành. Điêu Tàn Lành. Đúng vậy. Tôi gọi nó là Điêu Tàn Lành. Vì nó là một đổ nát điêu tàn đớn đau. Nó không khích thích nỗi phá hủy và tiêu diệt địch thù.  Nó không ác độc. Nó không xô đẩy người ta vào tận tuyệt của lòng thù hận giữa con người với con người với nhau.

Nó vạm vỡ cái Sống Sót.

Phải sống sót để chứng tỏ sự có mặt huy hoàng của sức mạnh của kẻ sống sót khi mà cuộc đời muốn thủ tiêu và giết hại chúng tôi. Sống sót và ngợi ca đời sống. Sống sót và nói lại cho cuộc đời lịch sử không chỉ được ghi lại bởi những kẻ chiến thắng.

Nhờ những kẻ sống  sót hải ngoại mà nay một lịch sử huy hoàng của Văn Chương Hải Ngoại. Văn Hóa Hải Ngoại Việt Nam ra đời. Điều gọi là “Hải Ngoại” chỉ ra đời sau khi những người tỵ nạn chính trị rời Việt Nam năm 1975. Những kẻ chối bỏ sự chiến thắng của cuộc chiến Quốc Gia Cọng Sản chấm dứt ở Việt Nam 1975, và họ rời bỏ đất Việt Nam để tạo dựng ra một thế giới “Lịch Sử Người Việt Hải Ngoại”

Nó hữu thể sự Lành.

Lành ở đây như kim cương cứng sáng và bất tử.

Tôi thấy trong những sáng tác của các nhà thơ của các nhạc sĩ Miền Nam Tự Do 1954-1975 mang dấu ấn Điêu Tàn Lành một cách huy hoàng  mãnh liệt.

Chỉ có tình yêu từ những người đàn ông Nam mới dúng dắng những tình cảm nhẹ nhàng rộng thênh thang như trên. Ôi những người tình Nam điêu tàn. Một loài tình yêu hiếm và quý. Tôi đã bỏ họ để tìm những chân trời hoa mộng nào đó. Có hoa mộng không ? Nhưng khi tuổi tôi cũng sắp sửa xược, tôi ngoảnh lại liếc qua những kỷ niệm. Nỗi điêu tàn của ngày tháng chỉ còn lại là vệt nắng chiều hay một cơn gío lướt qua hoàng hôn trên bãi biển làm cho tôi nhớ về họ ngất ngây. Những cuộc tình lắng đọng đẹp trong nỗi điêu tàn của kiếp người: Linh hồn tôi nhớ nhung quay quắt muốn gặp lại cố nhân nhưng thân xác bèo nhèo tôi tự nhủ không còn chỗ cho sờ mó cấu véo thèm khát lời tỏ tình.

Một ngày nào đó con trai tôi đọc được những giòng chữ tôi bị ám ảnh bởi cuộc điêu tàn Nam. Con trai tôi sẽ rúng động và hiểu thấu nỗi điêu tàn giao chuyển từ thế hệ mẹ sang thế hệ con vì con lỡ sinh ra làm con của một người đàn bà Nam. Sự bất lực tôi khi không muốn con bước đi giữa nhân loại bát ngát điêu tàn hư vô. Tôi đã cố xua che tấm phên để con đừng cảm nghiệm ra triết lý điêu tàn là mầm mống tàn phai ngày con chào thế gian. Nhưng tôi lại đặt tên con là Nam. Con ôi ! Trong lòng mẹ hiểu thấu điêu tàn từ một định mệnh có tên gọi là Nam.
Và tôi khám phá cái ước muốn đảo ngược phương trình: Cái Đẹp hùng hồn của Điêu Tàn. Bởi tôi nhìn thấy trong tâm hồn chúng tôi sự điêu tàn nhưng hơn thế nữa, có một nỗi thúc hối và tranh đấu để sống sót.

Cái Đẹp của Sống Sót là nét bất tử ở tư thế của những kẻ không gian ác hát chen được bản chiến thắng của sự Điêu Tàn và Sống Sót soi hoàng hôn mặt đất. Trái đất này không thể chỉ thuộc về những bàn chân sáng sớm bình minh chỉ chực đạp nát mặt đất bằng sự gây chiến gian ác.  Mặt đất của chúng tôi có kẻ kèn cựa mang bóng hoàng hôn Điêu Tàn và nói Sống Sót là buổi trời chiều tịch lặng khi lịch sử soi lại gương ngày. Có mặt! Và chúng tôi kiêu hãnh ngợi ca sự sống sót Điêu Tàn Sống Sót hùng hồn này thôi.

Chúng tôi từ xứ sở lưu vong Hoa Kỳ, từ phía bên ngoài Việt Nam nhìn về Việt Nam và thấy cái chết của mình bị treo tên đọan đầu đài lịch sử như bóng ma vĩ đại không chịu đi đầu thai cõi khác.

Nên một chiều thứ Bảy tháng Bảy bên hiên nhà hiền hòa an lành của Cali, tôi bị cái chết tru hồn réo trí về tụ họp cảm thức.  Phiến đá vườn nhà pha hoàng hôn gọi mây không về trên bầu trời tháng Bảy xanh đờ gió Cali  “Làm sao em hiểu thấu trong lòng anh điêu tàn” Câu hát cứ bần bật rung lên trong lòng tôi suốt ngày đêm. Suốt một mùa hè không dứt …

lê thị huệ

tháng bảy. 2012

http://www.gio-o.com/LeThiHue2.html

Bài Mới Nhất
Search