T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 60)

clip_image001

Giá sách cũ làng văn 1975-2010

Lớp nhà văn từ 70 tuổi trở lên…
Những nhà văn còn sót lại của lớp tuổi trên 70 có thể đếm trên đầu ngón tay. Như Doãn Quốc Sĩ sau 1975, ở hải ngoại, ông cho xuất bản Mình lại soi mình (1981), Người vái tứ phương (1982), Dấu chân cát xóa, Cỏ đùm (1997). So ra, văn nghiệp thời kỳ sau 75 của ông kể là sút giảm… Võ Phiến với Văn học miền Nam tổng quan, Thư gửi Bạn, Lại thư gửi Bạn… Thanh Nam kể như ông đã không sáng tác được gì từ khi ra hải ngoại, ngoại trừ một số bài thơ cảm khái về số phận. Hoàng Hải Thủy vẫn viết cho các báo chợ và mới cho xuất bản cuốn Những tên biệt kích cầm bút, (2000). Chuyện không có gì đặc biệt, chẳng nhắn gửi được gì, cũng chẳng nói lên được gì, hoặc gây một ấn tượng đặc biệt nào. Người đọc cũng thấy rõ sức viết của ông không còn nữa. Viết như thể cho xong, tàm nhàm giống như cuốn sách Những tên biệt kích cầm bút có thể nói là tầm thường, điển hình cho một loại sách viết đã hết hơi. Người đọc ông lấy làm thất vọng.

Võ Ðình với Xứ sấm sét (1987), Ðóa sen và nụ cười (1990), Sao có tiếng sóng (1991) được kể là một trong số những nhà văn viết muộn ở hải ngoại, nhưng viết có chất lượng, khá hay với một văn phong riêng, chải chuốt và đặc sắc.
Nói chung trong số tất cả những nhà văn vừa nêu trên, sức sáng tác vừa có sự sa sút rõ nét vể phẩm cũng như về lượng. Thanh Nam kể như tắt tiếng. Hoàng Hải Thủy sa sút đến chẳng còn gì để nói. Trừ Võ Phiến và Võ Ðình có những tác phẩm được kể là sáng giá. Dù vậy, nó cũng không đủ gây một cú sốc đặc biệt trong văn học Hải ngoại. Nó vẫn chưa có được tầm vóc như độc giả mong đợi, nhất là trong trường hợp Võ Phiến. Một mặt khác, nó báo hiệu một thời kỳ suy tàn khó tránh khỏi.

(trích Hiện trạng lão hóa nơi các nhà văn Hải ngoại)

Tiếng Việt dễ và…dễ thương

Năm 2002, Tí lùn về đi ra vịnh Hạ Long, ở lại khách sạn, sáng ra Tí lùn kêu, 2 trứng hột gà ốp la, 1 ổ bánh mì, và cho xin 1 chén nước tương. 30 phút sao, Tí lùn được là:
2 cái trứng chiên (hong phải ốp la, mà y như luột)
1 ổ bánh mì
1 chén tương ớt
Bó tay
Khánh sạn tại thành phố Hà Nội, gần 36 phố phường, kêu 1 tô phở, cho đem ra 1 tô hủ tiếu, hổng rau hổng giá, chỉ có hành bào. Xin 1 chén nước mắm được trả lời là hổng có Bó luôn chân
Lên tới Sapa, người ta nói Tí lùn nói tiếng gì mà hỏng hiểu clip_image002

Mẹ ui! Tui nói tiếng Việt Nam mà người VN hỏng hiểu á.

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Dương Khuê với Trăng nước Hồ Tây

Dương Khuê đã phóng bút bài thơ Trăng nước Hồ Tây (theo Thái Văn Kiểm, tựa bài đúng ra là Hà Nội tức cảnh) có câu:

Phất phơ ngọn trúc trăng tà

Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương

Thế kỷ 16, chúa Tiên xuôi nam vào Thừa Thiên, xây chùa Thiên Mụ. Gần đây có câu được coi là ca dao:

Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương

Thôn Vĩ Dạ có làng Thọ Xương phía tây chùa Thiên Mụ khỏang cách hơn mười cây số đường chim bay, thì làm sao nghe được tiếng gà gáy te te. Đúng ra phải là “Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Cương. Vì theo Đại Nam Thống Nhất Chí, đình gò Long Thọ ở xã Nguyệt Biểu phía nam sông Hương đối diện ngay với chùa Thiên Mụ được vua Gia Long đổi tên là…Thọ Cương.

(Phụ chú: Vân Trì Dương Khuê (1836-1898) quê Vân Đình, Hà Đông. Đỗ tiến sĩ thời Tự Đức, tổng đốc Nam Định và Ninh Bình).

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

“Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư” thì một trong ba

ông thầy ấy hình như có một ông thầy còn…dốt hơn ta!

Câu đối

Nguyễn Tử Mẫn, được gọi là Nguyễn Hiệp Hòa (1820-1901) có câu đối đi vào văn học:

Sáng sáng ăn sáng rồi, cầm quyển mới, kỳ cui ký cúi viết vài chương, đoạn thu gương mắt, xếp khăn tay, giắt bút vào tam sơn, ngả lưng ngáy khò khò chờ tối xuống.

Ngày ngày ngủ ngày dậy, vớ câu cũ, phếu pháo phều phào mấy khẩu, đứng dậy ngắm chậu hoa, nhìn cây thế, rê chân đi bách bộ, vỗ tay cười khanh khách đón trăng lên.

Chữ nghĩa tiếng Việt

Theo thời gian các từ Hán Việt bị đọc trại đi, như:

– “mạn tính” bị đọc thành “mãn tính”.

– “khuyến mãi” bị đọc thành “khuyến mại”.

– “mại dâm” bị gọi là “mãi dâm”

– “năng nỗ” bị đọc là “năng nổ”

Rồi thì lâu ngày “sai lâu thành đúng”.

(nguồn Wikipedia)

Bích Câu…

Bích Câu kỳ ngộ” là cuộc gặp gỡ kỳ ngộ giữa Tú Uyên và Giáng Kiều. Bích là mầu xanh, câu là dòng nước.

Bích Câu là địa danh gần Văn Miếu. Chùa Bà Ngô, cũng có tên là chùa Ngọc Hồ ở phố Sinh Từ xây trên đất Bích Câu xưa kia.

Ca dao

Ca dao là thơ, được gạn lọc từ thời này qua thời khác do những thi sĩ khuyết danh. Cách gieo vần hạ chữ tài tình, giầu âm thanh mộc mạc, gợi cảm.

Tưởng như vô tình nhưng khó có thể thay thế câu, chữ được:

Người xinh cái bóng cũng xinh

Người giòn cái tính tình tinh cũng giòn

Vậy chứ cái tính tình tinh, là cái gì đây?

(Nguyễn Phú Long – báo Xây Dựng)

Ca dao Tầu

Việt Nam và Trung Hoa là hai nước duy nhất trên thế giới có ca dao. Ca dao của Tàu có tên là Kinh Thi do Khổng Tử (551-479? TTL) thu thập và san định lại những bài ca dao nơi thôn quê và những bài hát khi có yến tiệc, tế lễ nơi triều miếu. Kinh Thi gồm bốn phần là quốc phong, tiểu nhã, đại nhã, và tụng, nhưng chỉ riêng có phần quốc phong là gồm những bài ca dao, còn những phần khác là các bài hát trong triều đình (tiểu nhã), bài hát trong miếu đường (đại nhã), bài hát ngợi khen các vua đời trước (tụng). Kinh Thi của Tàu chỉ có một phần là ca dao mà lại là những câu ca dao cổ từ thời nhà Chu trở về trước, trong khi ca dao Việt Nam tồn tại và phát triển liên tục từ thời thượng cổ tới hiện đại. Kinh Thi của Tàu nghèo nàn vì hạn chế và bất biến còn ca dao Việt Nam có đời sống phong phú và sống động theo thời gian quả là một kho tàng văn học độc đáo có một không hai trên thế giới vậy.

(Trần Gia Thái – Nguồn gốc văn học Việt Nam)

Tam sao thất bản

Ba lần chép lại (sao lại) thì mất hẳn gốc. Ý nói trong văn chương trải qua nhiều năm, chép đi chép lại nhiều lần không thể nào đúng theo nguyên bản được.

Cùng có có người viết “tam thao thất bản”, nghĩa kể lại một chuyện do ba người lập đi lập lại nhiều lần thì sai hẳn sự thật.

Chữ nghĩa di tản

Thị trường sách báo Việt ngữ ở hải ngoại lúc này thật là khởi sắc. Đa số các nhà văn, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng trước năm 1975 đều đang có mặt tại hải ngoại, đông đảo nhất là ở Hoa Kỳ. Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Đợt ra hải ngoại đầu tiên, tạm gọi là Di Tản, gồm có nhà văn Nhị Lang, nhà văn Võ Phiến, nhà văn Lê Tất Điều, nhà thơ Nguyên Sa, nhà văn Thanh Nam, nhà văn Tuý Hồng, nhà thơ Hà Huyền Chi, nhà văn Linh Bảo, nhà văn Minh-Đức Hoài-Trinh, nhà văn Vũ Khắc Khoan, nhà văn Xuân Vũ, nhà thơ Du Tử Lê, ký giả Thái Lân, nhà văn Cao Thế Dung, nhà thơ Trần Quốc Bảo, nhà thơ Hà Bỉnh Trung, nhà thơ Vi Khuê, họa sĩ Ngọc Dũng, ký giả Phạm Trần, ký giả Thái Linh..v..v ..
Đợt thứ hai, sau năm 1975, tạm gọi là Thuyền Nhân, gồm có nhà văn Nhật Tiến, ký giả Vũ Thanh Thủy, ký giả Dương Phục, nhà văn Mai Thảo, nhà văn Trần Hoài Thư, nhà thơ Hà Thúc Sinh, nhà văn Triều Khê, nhà văn Chu Tấn, v.v Có thể nói rằng đợt Thuyền Nhân này đông đảo nhất. Đợt sau cùng gồm những văn nghệ sĩ kém may mắn hơn vì đã bị tù đày trong lao tù Cộng sản, ít nhất cũng phải 5 năm, cho nên đã được chính phủ Hoa Kỳ cho đi theo diện HO.

(Đặng Trần Huân – Chữ nghĩa bề bề)

Dủ học dủ ngu IV

Nhiều câu thành ngữ, nghe người ta nói, hay đọc trong báo chí, sách vở, riết rồi quen, tôi cũng nói y theo như vậy, không cần biết trúng trật. Thí dụ như câu “Một kiểng hai quê”. Câu này, người ta vẫn nói và tôi vẫn nói theo, để chỉ người đàn ông có 2 vợ..
Một dịp tình cờ, tôi nghe một bà chị bày tỏ ý kiến 1 cách nhẹ nhàng, không cần thuyết phục người nghe: Phải nói là “Một kiểng hai huê” mới đúng.
Nghe xong, tôi giật mình. Té ra, bấy lâu nay mình quen miệng nói theo người ta, trật lất mà mình không biết. Một chậu kiểng mà trồng 2 loại hoa khác nhau, để chỉ người đàn ông 2 vợ là phải quá rồi. Từ cái câu “Một kiểng hai huê”, mới hợp với câu ca dao :
“Một bồn một kiểng tuổi xanh
Một chàng, hai thiếp khổ anh nhiều bề”

Đó, như đã nói, có nhiều câu nhiều chữ, nói riết thành quen, rồi hiểu cũng theo 1 thói quen, không cần tìm tới tận gốc cái nghĩa đích thực của nó.

(Nguyễn Ðức Lập – Góp nhặt trong điện thư)

Tết

Người Việt ngày nay gọi thu gọn là Tết. Xưa kia, nếu gọi đầy đủ thì dân gian nói là “Tết Cả”. Nghĩa là tết hàng đầu, tết to nhất, quan trọng nhất cho…cả năm. (Vì ta còn có tết con như Hàn thực, tết Đoan ngọ, tết Trung thu, tết Cơm mới… )

Hay theo Hán-Việt với “tên chữ” là Tết Nguyên Đán.

Nguyên là đầu tiên. Đán là buổi sớm. Theo nguyên nghĩa nguyên đán là buổi sớm đầu tiên của ngày đầu tiên, của tháng đầu tiên ”giêng” (riêng) của năm mới.

(Trần Quốc Vượng – Văn hóa Việt Nam)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Trước kia thời bao cấp ở miền Bắc, cái gì cũng phải qua hệ thống “phân phối” của nhà nước, từ cây kim, sợi chỉ đến mảnh quần, manh áo. Vì thế mới có câu truyền miệng trong dân gian:

Cái cứt gì cũng phân

Phân gì cũng như cứt

Ngộ Không

 

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search