T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan : Những Ghi Chép Vụn (1)

 

old man leonardo

 Tranh : Old man with water studies – Leonardo da Vinci

1. Cà rốt…

Tôi tới chơi nhà anh bạn trẻ vào một ngày cuối tuần. Hai anh em lai rai xách bia tôi đem tới với sườn bò Đại hàn do anh bạn nướng ngoài sân sau nhà anh. Cả hai chúng tôi đều ít nói nên không gian chỉ có tiếng gió vít lá xào xạc; tiếng con bé con nhà bên cười khoái chí khi nó ném baby carrot cho những con thỏ rừng ăn. Cha mẹ của bé là hai người Mỹ trắng nên họ cũng rất yên lặng bên nhau với chai rượu vang trắng, hai cái ly cao nghệu như cẳng cò; họ ngồi nhìn con gái bé bỏng của họ vui thích với trò chơi cho thỏ rừng ăn baby carrot…

Nhưng vợ con anh bạn tôi về tới, căn nhà anh có sinh khí ngay! Chị vợ vừa thăm hỏi tôi vì đã lâu chị không gặp tôi; chị hỏi chồng đã làm tới đâu – những công việc nhà mà chị đã dặn chồng; chị chừng chừng thằng quý tử của hai vợ chồng, thằng bé thật sáng sủa, nhưng quậy dữ; vậy mà chị còn kẹp cái điện thoại trên cổ để nói chuyện với bà ngoại của cu Bi.

Hai chúng tôi nhìn nhau đủ hiểu! Đàn ông chúng ta chỉ làm được một việc, xong việc này mới làm việc khác được. Không thể một lúc vừa thăm hỏi bạn, vừa chất vấn chồng, rầy la con… và nói điện thoại với mẹ. Tôi chỉ nói nhỏ với người bạn trẻ, “đó là sự khác biệt của đàn ông với đàn bà.”

Nhưng liền sau đó tôi lại nhìn ra sự khác biệt của hai đứa trẻ Mỹ và Việt! Chuyện từ cu Bi ra sân chơi với ba, với bác cho mẹ làm thức ăn. Chị nhà cũng nhanh tay nên có món mới tức thì để tiếp tế cho chúng tôi; chị cũng nhanh miệng chào hỏi vợ chồng người hàng xóm Mỹ bên kia bờ rào bằng lưới kẽm B40. Bạn tôi nói, “thế giới không có đàn bà thì chỉ có chiến tranh, vì đàn ông chỉ nghinh nhau thôi. Em không chào thằng mắc dịch đó nữa vì em luôn chào nó trước, nhưng hôm nó vui thì nó chào lại; hôm nó bị vợ chửi hay gì đó thì nó nhìn trân trân vô mặt mình, rồi bỏ đi. Dễ quê không chứ!”

Đến hai con thỏ rừng chui rào qua nhà bạn tôi. Con bé Mỹ bên kia khóc ròng vì nó còn baby carrot, sao thỏ bỏ đi qua nhà bạn Bi. Nhưng bên đây là nhà Việt nam, chị vợ của bạn tôi là người Việt nam, nên chị vào nhà lấy củ cà rốt to như trái chuối già, đem ra sân, bẻ làm hai, và bảo, “Bi. Con cho thỏ ăn cà rốt đi con.” Chị phớt lờ ý kiến của chồng, “Thỏ con, nó ăn được baby carrot thôi! Chứ làm sao nó ăn được củ cà rốt bự bằng nó. Mà em nói cu Bi cho thỏ ăn…”

Chị vợ cứ dúi nửa củ cà rốt vô tay cu Bi, đẩy lưng thằng con đang lưỡng lự, không muốn ra sân cỏ để cho thỏ ăn. Không biết nó sợ thỏ, hay vì chưa từng cho thỏ ăn bao giờ nên nó sợ! Làm thằng bé cũng khóc như con bé bên hàng xóm, nhưng hai ý nghĩa của sự khóc hoàn toàn khác nhau. Anh bạn tôi phải can thiệp với vợ để bảo vệ con trai.

Và thằng nhỏ Việt nam, mới ba, bốn tuổi đầu, qua được sợ hãi là dân tộc tính đã trùng trùng nổi lên… Nó nói với mẹ, “tại sao mình phải cho thỏ ăn cà-dót (cà rốt). Mà mình không bắt thỏ vô nhà nấu canh cà-dót, mình ăn?”

Có vậy thôi mà anh bạn trẻ của tôi đi đến kết luận: “Cho dù con cái mình sinh ra trên nước Mỹ, không đói khổ như mình. Nhưng bản năng con gì nhúc nhích thì ăn, vẫn di truyền cho đời sau…”

Tôi thì không nghĩ thế mà chỉ thấy người Mỹ thương con là để cho nó sống hồn nhiên với lứa tuổi; còn người Việt luôn bắt đứa con làm theo ý mình từ khi sanh nó ra. Nên đời này qua đời khác đã hình thành văn hoá của người Mỹ là làm chủ bản thân từ nhỏ, làm chủ cuộc đời khi trưởng thành. Còn văn hoá của người Việt là làm theo ý muốn của người khác để trở thành đứa con ngoan trong gia đình khi còn nhỏ; làm theo ý sếp khi đã trưởng thành, đi làm; làm theo ý vợ khi đã lập gia đình… Nói chung là cách giáo dục phục tùng của văn hoá phương đông không phát triển được năng lực và sáng tạo, không có tình với tự nhiên. Cách giáo dục ấy chỉ tạo ra được những con người nô lệ thuần thục đến không có ý thức phản kháng, vì làm theo ý muốn của người khác được cho là văn hoá phương đông.

2. Đồ dại gái…

Trước cửa chợ Hiệp Thái, chếch về phía tiệm bánh mì Sài gòn. Một cô gái người Việt đang hí hoáy với chiếc Camry cũ không chịu nổ máy. Những người ngồi ăn, uống trong trong tiệm bánh mì Sài gòn có thấy; không thấy… không ai biết!
Một chiếc xe thể thao đắt tiền đã cố tình ngoặt lái để đậu xe đối đầu với chiếc xe tàng của cô gái. Người thanh niên Việt rất bảnh trai bước xuống xe, để giúp cô. Nhưng xe anh mới quá nên không có dây câu bình; trong khi xe cô quá cũ mà cũng không có dây câu bình vì là xe của con gái.
Tôi đứng đợi lấy bánh mì to go. Phải hôm tiệm đông phát sợ, nên một mắt trong tiệm để theo dõi phản ứng của khán giả, mắt còn lại ngoài parking lạnh teo thì theo dõi hai diễn viên trẻ.
Người thanh niên mở cửa xe cô gái, chắc bảo cô vào xe ngồi đợi anh cho đỡ lạnh… Cô gái nghe lời và anh ta vọt cái vèo qua tiệm AutoZone ngay trong khu thương mại này luôn, rất gần.
Anh ấy trở lại với sợi dây câu bình mới toanh… nhưng chiếc xe bướng bỉnh của cô gái như con trâu già – vẫn không chịu nổ máy.
Anh ấy lại mở cửa xe của cô gái, bảo cô ngồi vào trong xe cho đỡ lạnh. Tôi ghi nhận là cô gái ngoan hơn cái xe của cô ấy! Và cô ta là một người có giáo dục qua việc trời lạnh cỡ nào thì dù cô ấy cũng chỉ biết đứng nhìn, nhưng cô vẫn ra khỏi xe để chia chung sự khắc nghiệt của thời tiết với người giúp mình. Có những xử sự rất nhỏ nhưng lại đòi hỏi một nền giáo dục rất lớn từ gia đình và bản thân.
Lần thứ hai anh thanh niên trở lại với cái bình điện mới toanh, luôn cả đồ nghề để thay bình điện cũng mới toanh. Anh thay bình điện mới cho chiếc xe của cô gái xong. Vội vã chào từ giã và vọt xe đi…
“Đồ dại gái!”
Không biết ai nói, chỉ biết là một người đang ăn, uống trong tiệm bánh mì Sài gòn, và chắc chắn là tôi không điếc. Nên thật tội nghiệp cho một người có mắt trong cuộc sống, nhưng lại là một khán giả mù của vở kịch hay.

Phan

©T.Vấn 20165

Bài Mới Nhất
Search