T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 89)

clip_image001

 

Bạch diện thư sinh
Đời nhà Tống, có người tên là Trầm Khánh Chi, từ nhỏ đã ôm chí lớn, giỏi về bài binh bố trận. Vua Tống muốn mở mang bờ cõi, sai nhóm Vương Huyền Mô đem quân Bắc phạt. Trầm Khánh Chi can ngăn, đưa ra trường hợp của nhiều vị vua trước, đã nhiều lần Bắc phạt nhưng đều thất bại. Vua Tống cử 2 vị quan văn ra tranh luận, Trầm Khánh Chi nói :
– Muốn bàn luận về việc cày ruộng thì phải bàn luận với nông phu. Muốn bàn luận về việc canh cửi thì phải bàn luận với người đàn bà dệt vải. Nay bệ hạ muốn mở chiến tranh với nước khác, mà lại để những người bạch diện thư sinh không chút kinh nghiệm về quân sự đứng ra bàn luận, thì làm sao mà thành công được.
Vua Tống không nghe lời Trầm Khánh Chi, cứ cho đem quân đánh phương Bắc, và quả nhiên bại trận nặng nề. Từ câu nói của Trầm Khánh Chi, người đời sau rút ra thành ngữ “bạch diện thư sinh” để chỉ người trẻ tuổi, chỉ có cái học sách vở, không biết đối phó với thực tế ngoài đời.

Tiếng Việt không đơn giản

Hỏi: “Sắc không, không sắc…”

Hôm qua đi chùa, một vị sư giảng có câu : “Sắc không không sắc sắc thị không”, nghĩa là gì vậy? Xưa nay chỉ nghe câu “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”, phải chăng nghĩa là phàm vật chỉ có sắc tướng đều là vật tạm, phải có một ngày hư nát? Chỉ đoán thôi, không biết có đúng không?

Đáp: Không hiểu!

Hỏi: hai chữ “Sắc Không, Không Sắc” người tu thường lẫn lộn nói rằng “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”. Vậy thì điểm khác biệt giữa 2 câu này là gì?

Đáp: Không thông!

(Nguồn ĐatViet.com)

Từ điến, tự điển

Từ điển khác với Tự điển. Tự điển mỗi điều chỉ có một chữ, mà từ điển mỗi điều phải từ hai chữ sắp lên đến sáu bảy chữ, ấy là vì chữ “Từ” khác với chữ “Tự”. “Từ” nghĩa là lời, “Tự” nghĩa là chữ, hiệp nhiều chữ lại mới thành lời.

Nhưng không phải hễ thấy lời nào có nhiều chữ mà cho là “từ” hết thảy được đâu. Phải biết thế nào mới gọi là “từ ” được.

Từ (lời) là hiệp mấy tự (chữ) lại mà thành ra, để chỉ tên một sự vật hoặc một danh lý, để biểu thị một ý tưởng hoặc một tình cảm của người ta; song, tuy có nhiều chữ mà đã thành ra như một chữ, và nó có cái vẻ đặc biệt, gần gần như là một cái điển cố vậy.

Phải lấy ví dụ cho rõ hơn. Vậy như: Thiên mã thì gọi là từ được, mà tẫn mã hay dịch mã thì không gọi là từ được.

Bởi vì, đời vua Võ Đế nhà Hán có được một con ngựa bên Tây Vực hay lắm, bèn đặt tên là thiên mã, nghĩa là con ngựa của trời, thế thì thiên mã là tên đặc biệt, cho nên gọi là từ. Và chữ thiên mã ấy đáng để vào từ điển, vì sau nầy có con ngựa nào hay như con ngựa ấy thì người ta có thể dựa theo đó mà gọi nó là thiên mã được.

Còn tẫn mã là ngựa cái, dịch mã là ngựa trạm, chẳng qua lấy chữ tẫn chữ dịch ghép với chữ mà thôi, là phổ thông, không phải là đặc biệt, cho nên không gọi là từ được, và không đáng đem vào từ điển.

(Phan Khôi – Cái dốt của triều đình Huế)

Con cà con kê (I)

Nhưng tại sao Con cà con kê lại có nghĩa như vậy? Câu hỏi chính xác hơn là Con cà con kê là con gì?

là chữ Hán, nghĩa là con gà. Con kê là con gà… nửa Việt nửa Hán ! Còn Con cà ? Chữ Hán không có con cà.

Thành ngữ Con cà con kê dứt khoát không phải là chữ Hán. Tiếng Việt không có con kê, không có con cà. Chỉ có vài con có tên kép như cà cuống, cà kếu, cà niễng…

Thành ngữ nói trống không con cà thì khó mà đoán biết là con gì.

Nguyễn Lân cho biết là do từ cổ ca nghĩa là gà. Chữ Nôm được viết bằng chữ ca (người anh) và bộ điểu. Từ cổ ca (nghĩa là gà) của Nguyễn Lân có liên hệ gì với từ ca của chữ Hán không?

Theo Nguyễn Lân thì về mặt ngữ nghĩa, thành ngữ “Con cà con kê” tương đương với con gà con kê. Nôm na là… con gà con gà.

Một thành ngữ chỉ có bốn chữ mà bị khập khiễng tới hai lần (vừa pha trộn Việt Hán, vừa lặp lại cùng một ý) thì khó đứng vững và tồn tại được. Rốt cuộc, thành ngữ Con cà con kê cũng chẳng phải là tiếng Việt. Không phải Hán, không phải Việt. Hay là do đọc trại, nói trại mà ra?

(Nguyễn Dư – Chimviet.free.fr)

Tục ngữ Ta và Tầu

Ngày làm sao, chiêm bao làm vậy

(Nhật hữu sở tư, dạ hữu sở mộng)

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

Chữ nghĩa làng văn

Vào đến trong Nam chóa mắt với xe cộ chạy hà rầm.. xe gắn máy ba bánh nổ bành bạch điếc con ráy. Xe thổ mộ thong thả dời Ngã Ba ông Tạ, đi chợ Bà Chiểu. Chú đánh xe thổ mộ ngồi nghiêng bên thành cán xe ngựa thò chân xuống đất, mồm kêu toóc toóc như dục chú ngựa ráng tý nữa, ráng tý nữa đi cưng.

Hoa trái bầy la liệt mua một chục ê hề đủ loại. Bà bán hàng ra giá mua một chục có đầu., nghĩa là chục có thể 11, 12 đến 13, 14 trái tùy theo thỏa thuận. Nội thế thôi, mua bán kiểu kỳ cục Nam Kỳ cũng thấy đủ sướng rồi. Chẳng ai bảo ai, ngay cả đám sĩ phu Bắc Hà, đám trí thức thành thị cũng rứa. Quên hết chơn, hết chọi.. câu chuyện văn hóa ngàn năm…

Định nghĩa phê bình văn học

Nghĩa chữ Hán với “phê” là bày tỏ cho biết và “bình” là luận về một điều gì.

“Phê bình văn học” là dùng phương pháp khoa học để phân tích, phán đoán một tác phẩm với mục đích thẩm định giá trị khách quan của tác phẩm ấy.

Chính vì vậy mà người ta dùng danh từ gọi ngự sử văn học để gọi những nhà phê bình văn học chân chính.

(Phụ chú: Phan Khôi, người đầu tiên dùng chữ “ngự sử văn đàn”)

(Trần Bích San – Văn Khảo)

Những hình dạng mới của chữ nghĩa

Một giáo sư ngữ học dậy khoa Văn tại Đại học tổng hợp ở Hà Nội cho biết nhiều nhà văn, nhà thơ thành danh đã phạm những lỗi ngữ pháp về tư duy lôgích. Ngoài lỗi trùng ngôn, trùng ngữ ra còn có một lỗi khác nữa do không hiểu cái thái độ khiêm tốn cố hữu của người Á Đông tôn vinh người đối thoại với mình. Trong khi bản thân mình thì tự hạ thấp bằng những từ xấu nghĩa, cho nên dần dần chuyển thành một nghĩa khác.

Chẳng hạn chữ “quý” trong quý phương, quý nữ hay chữ “nhã” trong nhã ý, chữ “cao” trong cao kiến đã trở thành một đại từ sở hữu chỉ ngôi thứ hai (có nghĩa là “của ngài”) chữ “tệ” trong tệ xá hay chữ “hàn” trong hàn gia, chữ “ngu” trong ngu ý đã trở thành một đại từ sở hữu dùng cho ngôi thứ nhất (“của tôi”).
Vì không hiểu những ý nghĩa phái sinh này, có khá nhiều người nói những câu như “Tôi có nhã ý mời anh chị đến dùng cơm” hay “Theo thiển ý của bố tôi thì họ rất tốt” đều không ổn, vì “nhã ý” chỉ có thể dùng cho ngôi thứ hai (“cái ý nhã nhặn của ngài”), còn “thiển ý” chỉ có thể dùng cho ngôi thứ nhất (vì tôi không có quyền “khiêm tốn giùm” cho bất kỳ ai khác).

Chữ nghĩa trong câu đối

“Xuất đối dị, dị đối nan” hiểu theo nghĩa là “ra đối dễ, đối lại khó” . Tuy nhiên một đôi khi lại ngược lại “Xuất đối dị, dị đối…dị” như dưới đây:

Cụ Nguyễn Khuyến về hưu, gần tết, ông hàng xóm bảo con kiếm cơi trầu sang thưa với cụ xin một câu đối về thờ ông bà. Người con bưng sang, đứng ở bên này dậu, cụ đã nghe biết nên vui vẻ bảo người con “Bố anh đã làm xong câu đối rồi, ta khỏi phải làm nữa”. Người con đang ngơ ngác không hiểu, cụ bảo lấy bút ra chép và cụ đọc một câu đối gần như ông bố đã dặn con:

Kiếm một cơi trầu thưa với cụ

Xin đôi câu đối để thờ ông

Thay đổi ngữ nghĩa

Có những từ Hán – Việt lại mang mầu sắc trái ngược so với từ gốc Hán. Như:

Đáo để vốn có nghĩa “đến cùng”, ngôn ngữ Việt Nam lại là “riết róng, đanh đá”.

Thủ đoạn chỉ có nghĩa “phương pháp, kỹ pháp”, ta chỉ “mưu mẹo, mánh khóe” theo nghĩa xấu.

Dã tâm trong tiếng Hán chỉ mang nghĩa “tham vọng”, Việt thì có nghĩa “lòng dạ hiểm độc”.

(Võ Ngân Vương – Tạp chí Tài hoa trẻ)

Hồ Xuân Hương bản truyện

Tiểu sử bà Hồ Xuân Hương trước kia vẫn mù mờ. Căn cứ vào chứng liệu mới gần đây, người ta đã xác định được năm sinh của bà Hồ Xuân Hương là 1772 và đặc biệt năm mất là 1822.

Điều đó đã được tìm thấy qua tấm bia đá khắc khá lớn của dòng họ Hồ tại Quỳnh Đôi quê hương bà ở Nghệ An.

(Trần Nhuận Minh – Tạp chí Tân Văn)

Nét đặc biệt trong tiếng Huế

Tiếng Huế không phải chỉ đơn giản tê mô răng rứa như vẫn xuất hiện trong thơ và văn xuôi như những nét chấm phá rất dễ thương để nói về người và xứ Huế; mà nhức đầu, phức tạp, nhiêu khê, đa dạng và phong phú hơn nhiều. Tùy vào từng địa phương của Huế, cách phát âm có chỗ nặng nơi nhẹ; lúc thanh tao khi khó hiểu.

Chiều hắn cho gắt, hắn được lờn !

(Chiều nó cho lắm vào, nó làm tới).
Mệ tra rồi mệ chướng:

(Bà ấy già nên sinh tật).

Chữ chướng, người Huế cũng thường dùng để chỉ mấy đấng nhóc tì khóc nhè, bướng bỉnh hoặc các vị có lối nói, cách hành xử ngang như cua .
Ăn bụ cua cho hết đái mế:

(Ăn vú cua cho hết đái dầm).

Chữ bụ cũng dành cho người và các loài có vú khác. Bụ mạ là vú mẹ, bọp bụ là bóp .

(Nguồn ĐatViet.com)

Góp nhặt sỏi đá

Ðược thua hơn kém: lưng hồ rượu,

Hay dở khen chê một trận cười.

(Nguyễn Khuyến)

Ngộ Không

(Sưu Tầm)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search