T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoàng Xuân Sơn: Cũng Cần Có Nhau – Đ i G i ữ a L ằ n R a n h

hinh bia

C H Ư Ơ N G  M Ư Ờ I  M Ộ T

 Đ i  G i ữ a  L ằ n  R a n h

T R Ò   C H Ơ I   Q U Ố C  /  C Ộ N G

 

Sau khoảng thời gian bạn Ngô Vương Toại bị lãnh kẹo đồng của phía bên kia, có nhiều biến động xẩy ra trong giới sinh viên học sinh :

Lê Khắc Sinh Nhật bị thanh toán ở trường Luật. Trần Văn Chương bị xô té xuống lầu ở đại học Y Khoa. Trong một kỳ trại hội thảo của Liên Minh Thế Giới & Á Châu Chống Cộng tổ chức tại Vũng Tàu (trong đó có sự tham gia của Hàng Ngũ Sinh Viên Quốc Gia Chống Cộng, một tổ chức mới ra đời nhằm đối phó với tình hình sôi động trong cơ chế học đường);  hai bạn Đào Trường Phúc/Bùi Hồng Sỹ từ Vũng Tàu trở về trường Văn Khoa có việc cần đã bị người của phía bên kia chặn lại ở góc đường Cường Để/Thống Nhất .  Và rồi Bùi Hồng Sỹ đã bị ăn đạn xuyên cần cổ (?!) [1].  Phép lạ lại tiếp tục xẩy ra : Sỹ cũng không việc gì tới tính mệnh.  Những tên tuổi sắt máu như Trần Khiêm, Lê Hiếu Đằng, Lê Quang Lộc (?), Vũ Quang Hùng, Nguyễn Thị Yến . . . đã là một nỗi lo sợ ám ảnh cho tất cả sinh viên thời bấy giờ. Có thật nhiều cái bất ngờ mà bạn không thể nào lường trước được.  Lý lịch từng cá nhân mù mờ.  Không thể nào minh định trắng/đen/vàng/đỏ.  Có những người thân, bằng hữu sát cánh một sớm một chiều đã lộ diện là người của phe đối nghịch.  Như có khoảng thời gian Ngô Vương Toại, Nguyễn Hữu Doãn (luật sư, chuyên viên xuống đường chống Hiến Chương Vũng Tàu thời Nguyễn Khánh), họa sĩ Tâm (ông bạn dễ mến, vui tính, vừa ngậm thuốc lá vừa cười ha hả được- Tâm nhét điếu thuốc vào khe hở của chiếc răng sún, vừa nói chuyện vừa cười), và tôi thường lui tới căn gác nhỏ của Ali Salé trong cao ốc Eden ăn uống, đàm đạo; mối liên lạc rất đậm đà thân thiết giữa đám bạn nhỏ với nhau. Cũng tại nơi cư ngụ của Ali, Ngô Vương Toại đã làm một kỳ tích là leo lên nóc tòa lãnh sự Ấn độ tháo gỡ cờ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (trong liên hợp quân sự 4 bên) xuống làm xôn xao dư luận thời bấy giờ.

Ali người Việt gốc Ấn, là một người hoạt bát, phóng khoáng.  Chàng ta sở hữu một chiếc xe Mini Austin (giống xe Mini Cooper thời bây giờ) mác Ăng Lê.  Ali sẵn sàng cho bạn mượn xe giong chơi đi cua đào bất cứ lúc nào.  Ali là một trong những Giám Đốc hãng BGI đặc trách giao tế.  Hôn lễ tụi tôi Ali có dự và cho nhân viên chở tới biếu tặng nhiều két la-de 33 loại nhãn xanh đặc biệt để khoản đãi thân nhân bạn bè.  Vậy mà sau 75, nghe được tin Ali đã từng hoạt động có lợi cho phía bên kia.   Chàng ta đã nối kết một đường dây liên lạc mật thiết với chính quyền cộng sản lúc bấy giờ (Ali đi đi về về Paris/Gàigòn như cơm bữa).  Cũng không ai ngờ anh bạn trắng trẻo đẹp trai năng nổ hoạt động Nguyễn Vạn Hồng/Văn Khoa là sinh viên nằm vùng?!  Và còn nhiều tay sát thủ khác nữa nằm trong bóng tối nào ai biết được?

Sau ngần ấy vụ sử dụng bạo lực đưa đến thảm sát của những người nhân danh chủ thuyết này nọ, trong tâm thức sâu xa của bọn trẻ chúng tôi đã có sự chọn lựa rõ ràng: Chúng tôi chỉ mong được sống một đời an lành bình thường, trong đó những quyền tự do tối thiểu của con người được tôn trọng; cho dù chính quyền của miền đất lựa chọn sinh sống có tồi tệ đến đâu.

Rồi chiến cuộc lan tràn khắp nơi.  Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ quyết định quân sự hóa học đường với chương trình Quân Sự Học Đường (QSHĐ):  Sinh viên cũng phải vào quân trường thụ huấn quân sự cơ bản như binh lính.  Bọn sinh viên còn theo học như chúng tôi phải bận đồng phục kaki, được huấn luyện quân sự sơ khởi tại chỗ, tập đi ắc-ê, tháo ráp vũ khí, và chia nhau canh gác trường ốc hàng đêm.  Sau đó thì lên đường vào quân trường thụ huấn như một quân nhân thực thụ.  Chương trình QSHĐ kéo dài khoảng một tháng tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung.  Tôi ở chung lán trại với Trần Hữu Thục (tức nhà văn Trần Doãn Nho hiện cư ngụ tại Mass. Hoa Kỳ), với Hàng Văn Bé ( Nhã Nam, hiện hành nghề giáo dục tại Mass.), và cùng với nhiều bạn người Huế như Nhàn, Hải, Cao Quảng Văn .v.v.   Học tập thì ít mà giỡn hớt thì nhiều!  Đây là một môi trường mới lạ đối với chúng tôi nên tha hồ mà Khám  và  Phá!  Giờ học trong lớp thì ngủ gật.  Ra sân bãi thực tập thì rất hào hứng.  Chúng tôi được bắn súng từ đạn mã tử tới đạn thật.  Nhớ mãi những khẩu lệnh: « bia lên ! thế bắn nằm thủ thế . . . » . Anh nào anh nấy cứ nằm bò ra mà đoành …đoành!

Mỗi một cuối tuần bọn tôi được về phép thăm nhà.   Mấy cu cậu lính nửa vời lúc nào cũng tìm cách moi địa gia đình, thủ sẵn vài ba choạc.  Lúc trở vào quân trường, cứ tà tà xuống câu lạc bộ là có chầu nhậu đóng góp ngay tại chỗ.  La-de con cọp (Quân Tiếp Vụ) chai bự rót như suối chảy vào . . . nón sắt.  Rồi hột vịt lộn, khô mực, tôm khô củ kiệu chui vào bao tử đều chi (ăn nhậu trả bữa cho những ngày tuân thủ khẩu phần cơm nhà bàn cá-mối-dưa-leo chán ngấy!).  Lại hô khẩu lệnh: « Bia lên ! Thế bắn NGỒI thủ thế ! ».  Kỳ này là bia xịn, không phải bia bằng giấy cạc-tông hay bia . . . đá!   Bia lên!  Bia lên!  Cho đến lúc có thật nhiều mặt trời đỏ gay chui vào mùng hạ hỏa.  Có tiếng nhạc văng vẳng ru  hời – tôi có người yêu chết trận Pleime . . . rồi  thư của lính ba lô làm bàn nên nét chữ không ngay . . . – ru nhau vào cơn đồng thiếp.  Giờ này nghe nhạc Trịnh hay nhạc Lính thì cũng lặng hồn như nhau !

Thế rồi cũng xong một khóa tập huấn.  Có giấy chứng nhận tốt nghiệp đàng hoàng. Tôi còn ngang xương lãnh thêm một cái bằng Tác Xạ Súng Trường?!  Không hiểu giấy tờ trục trặc thế nào, Hoàng Ngọc Tuấn bị chuyển từ QSHĐ sang Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ.  Sau đó chàng đăng lính thứ dữ : Thủy Quân Lục Chiến ngành Viễn Thám cho đến lúc . . . tự giải ngũ.

 

  Q U Á N   V Ă N.   N H Ữ N G    N G À Y   C Ò N   L Ạ I

Hoàng Xuân Giang lúc này cũng đã nhập ngũ, vào binh chủng Truyền Tin.  Nhờ quen biết chạy chọt, Giang được bổ về làm tùy viên liên lạc cho tướng Lam Sơn Phan Đình Thứ tại Quân Vụ Thị Trấn Sàigòn.  Do đó Giang vẫn có thì giờ rảnh rỗi viết nhạc và lui tới với anh em Quán Văn cũ.

Sau biến cố Mậu Thân 68, tuy Sàigòn không hề hấn gì, nhưng mọi trật tự, thói lề quen cũ hầu như bị xáo trộn, lật mặt hết trơn.  Quán Văn vẫn còn đó.  Nhưng xác xơ.  Tựa như một linh hồn đã rêu phong cùng năm tháng.  Đứng lặng yên, ngơ ngác sau những chặng đời sôi nổi.  Những kẻ sống sót sau Tết Mậu Thân ở Huế đã lục tục trở về nơi chốn ngụ cư cũ:  Trịnh Công Sơn, Trịnh  XuânTịnh, Hoàng Thi Thao, Phạm Nhuận, Hoàng Xuân Sơn . . . gặp lại Mai- HXGiang- Toại- Nhuệ Giang- Lai- Tự- Tuấn . . . mừng mừng tủi tủi .  Dù sao chúng ta cũng đã nối lại những bàn tay nhỏ đã chới với giữa cuộc đời trên một vùng đất đã có quá nhiều kỷ niệm thân thương.

Cuộc chiến đã trùm lên thành đô một bộ mặt đầy nghi kỵ.  Nhiều anh em trẻ của CPS, Quán Văn đã bị hốt về đồn bót an ninh thẩm tra lý lịch.  Như Sơn Con hay đi cặp kè với Quang, vô tình nhét một chiếc khăn lau màu đỏ sau yên xe gắn máy cũng bị cảnh sát « cum » nằm tạm giam mất hơn tuần lễ.  Phập phồng phập phồng lo âu.  Và tâm hồn rồi dột nát như dãy nhà dần hư hao tàn tạ.  Mọi thứ trong đời sống đã bắt đầu vẹo xiêu.  CPS dời trụ sở về Đinh Tiên Hoàng và rồi trở nên một bộ phận nằm trong Bộ Giáo Dục, sau đó. Như thế, những khuôn mặt cũ của sinh hoạt xã hội, học đường, của văn nghệ Quán Văn đã méo mó.  Người và vật dần thưa thớt, biến tan trong cái nóng nhiệt đới nung người của một Sàigòn bức rức theo cuộc chiến.  Khu tứ giác địa linh bị cúp điện thường xuyên. Nước rì rò nhỏ giọt.  Không còn ai muốn ngó ngàng tới sinh hoạt chung!  Chúng tôi phải làm công tác vệ sinh – nhỏ và lớn – trong vô vàn khó khăn.  Tự thích nghi lấy.  Có nhiều hôm phải sắp hàng chờ tới phiên nhúng mình dưới vòi nước hàng xóm đàng sau lưng Đại học Văn khoa cũ.  Như Nguyễn Thế Phồn, Trịnh Xuân Tịnh . . .phải lợi dụng những toilet cao sang của các nhà hàng Cái Chùa, Brodard . . ., mang theo vuông khăn nhỏ, tẩm nước lau mình tắm (khô) tại chỗ.  Nói chung, trong khuôn viên ngụ cư của bọn tôi mọi thứ đều rệu rã, kể cả con người.  Có còn thơ mộng nữa không?   Những đêm nằm trong nhà ngước mắt lên trần thấy cả một mảng trời sao nhấp nháy (nhiều mái tôn đã bị cuốn theo chiều gió!).  Có những đêm mưa tầm tã bọn tôi phải dời ghế bố liên tục để tránh những dòng nước hắt hiu lạnh.  Chỉ có mình chàng Hoàng Ngọc Tuấn là kiên trì không chịu dời ổ:  mưa dột đến đâu chàng ta chỉ việc quơ áo quần mùng mền trùm kín thân người, nằm co rúm, cũng qua được đêm dài trở trăn.

Quán Văn bây giờ chỉ còn sinh hoạt cục bộ.  Như bà mẹ đã trút hết sinh lực nuôi nấng dìu dắt đám con thơ.  Mẹ ngồi trăm năm như thân tượng buồn để lại quê hương. Vâng, quê hương vẫn còn đấy trong những ca khúc tiếp nối tràn đầy bóng lệ của Trịnh Công Sơn.  Hoàng Ngọc Tuấn viết Đừng Đến Sân Ga và Vĩnh Biệt Phố.  Toại và tôi làm những bài thơ chiêu niệm chuỗi ngày âm u buồn lặng.  Lệ Mai ngâm thơ trong bầu không khí nửa luyến thương, nửa ngậm ngùi.

Cho dù có những đêm thắp đuốc tìm lại tình bên Quán Thằng Bờm (đường Đề Thám), hay ở Câu Lạc Bộ Làng Văn, Hội Quán Cây Tre (số 2 bis Đinh Tiên Hoàng)[2].  Có những đêm nhạc lạ thường Lê Uyên Phương, Đêm-Những-Bài-Không-Tên-Vũ-Thành-An; Đêm đọc thơ bằng hữu Hà Nguyên Thạch/Phan Nhự Thức v. v. không khí cũng bùng lên phút chốc nhưng không còn hào hứng như xưa.  Không đâu bằng Quán Văn!

                            Áo xưa túy lục hay hồ thủy ?

                            Bướm cũ hồn mơ thoáng vai gầy

Quán Văn!  Quán Văn!  Mai sau dù có bao giờ.  Áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau!

Và rồi tin dữ đưa tới :  sắp có lệnh giải tỏa toàn bộ khu tứ giác vườn cỏ này để tái kiến thiết, xây dựng thành Thư Viện Quốc Gia.  Ca Đoàn Nguồn Sống cũng đã thu dọn trụ sở. Bọn tôi ai có mái ấm gia đình thì lục tục quy hồi.  Thế là vùng Lương Sơn Bạc tân thời sẽ phút chốc tan thành mây khói:  mộng của những kẻ giang hồ tứ chiến đồng thanh đồng điệu.

Toại về với gia đình người chú ở Trường Đua Phú Thọ, tạm thời làm phụ tá quản đốc Công Ty Giếng Nước.  HXGiang và tôi về lại Nguyễn Huỳnh Đức/Trương Tấn Bửu – Phú Nhuận (cơ sở của nhà xuất bản Trường Thi).  Nguyễn Xuân Hùng (Khê Kinh Kha) sửa soạn lên đường du học.  Lúc này đây mạ và cả nhà cũng đã di cư từ Huế vào Sàigòn sau tết Mậu Thân.

Chỉ còn Trịnh Công Sơn, Trịnh Xuân Tịnh, Hoàng Ngọc Tuấn kiên trì cố thủ vùng đất thiêng, đời đô từ CPS xuống trụ sở Hội Họa sĩ Trẻ, nơi đã không còn khách vãng lai. Trên nền đất chơ vơ, Quán Văn bây giờ chỉ còn bốn phên vách lụi tàn, dăm ghế bàn chỏng chơ.  Và chiếc dù che mưa nắng cũng đã rũ buồn trong gió sớm mưa chiều, không ai màng tháo gỡ.  Hình ảnh tang thương sau cùng của miền địa linh đã một thời nuôi nấng những tâm hồn bão nổi là:   một chiếc taxi của người say rượu ngày cận tết Kỷ Dậu, lạc tay lái đâm sầm vào cửa chính của Hội Họa Sĩ Trẻ, cuốn hết mùng màn chăn chiếu của 3 chàng ngự lâm pháo thủ còn lại dưới 4 bánh xe nặng nề kinh khiếp !!!!!! Cũng may cả bọn đang ngồi bên chái hông của trụ sở nên không có ai hề hấn gì.  Hú vía một cuộc chạm mặt tử thần ghê rợn khác!

Thôi là hết chia ly từ đây ! Chia tay nhé Quán Văn những-ngày-vàng-son-thơ-mộng .Vĩnh Biệt Phố.  Adieu!

________________________________________________________________

[1]  “Cũng nên ghi lại một số sự kiện nay đã thuộc về lịch sử: chỉ riêng với trường Y Khoa, đã có hai giáo sư bị sát hại [Gs Trần Anh, Cơ Thể học và GS Lê Minh Trí chuyên khoa Tai Mũi Họng], rồi đến sinh viên Y Khoa II Trần Quốc Chương [con của Thẩm Phán Tần Thúc Linh] có một giai đoạn vào bưng, sau trở về học lại thì bị trói tay bịt miệng ném từ lầu ba xuống đất ngay trong vòng thành trường Y Khoa trên đường Hồng Bàng, một cái chết rất thảm khốc. Sinh viên Luật khoa Lê Khắc Sinh Nhật cũng bị bắn chết. Hai sinh viên khác bên Văn Khoa cũng bị nhóm Biệt Động Thành bắn trọng thương nhưng may mắn sống sót là Ngô Vương Toại, Bùi Hồng Sĩ, hai anh ấy hiện đang sống ở Mỹ.

Rõ ràng có một cái giá phải trả của giới làm báo kể cả làm báo sinh viên trong suốt giai đoạn đó [nói tới sinh hoạt báo chí của Miền Nam 1954- 1975, không thể không nhắc tới sự hy sinh của các nhà báo như Từ Chung ký giả nhật báo Chính Luận [1965], một nạn nhân nổi tiếng khác bị ám sát nhưng thoát chết là nhà văn Chu Tử, chủ nhiệm nhật báo Sống [1966]…”

(Ngô Thế Vinh. Nguyệt San Tình Thương 1963 – 1967).

Trích :  www.motgoctroi.com

[2] Quán do Phạm Văn Sơn, anh ruột của Khánh Ly đứng tên làm chủ. Nhưng thật ra Hội Quán Cây Tre ra đời sinh hoạt vừa dưới hình thức văn nghệ, vừa thương mại tiếp nối các sinh hoạt của Khánh Ly như dựng lại video clip Ru Ta Ngậm Ngùi, phát hành băng nhạc Hát Cho Quê Hương Việt Nam 1969.

Nguồn tin: thu thập cá nhân và theo Wikipedia tiếng Việt

Hoàng Xuân Sơn

Bài Mới Nhất
Search