T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Trần Thảo: Đọc BÔNG HOA TRÊN PHÍM của HOÀNG QUÂN

clip_image002

Tôi còn nhớ, lúc sinh tiền, nhà văn Thạch Lam từng nói, ” Nghệ sĩ là thiên phú, không học mà cũng không dạy được.” Với những trải nghiệm của bản thân mình, tôi phải nói rằng Nhà Văn Thạch Lam đã vô cùng chính xác.

Một người yêu thích văn chương, suốt đời cặm cụi làm thơ, viết văn, nhưng phần thiên phú (tiên thiên) không có, chỉ chuyên cần, miệt mài viết tới, viết lui như tôi (hậu thiên) thì thành quả đạt được cũng chỉ giống như một ông nhà nghèo, cắt ca, cắt củm để dành, tiện tặn cho lắm, cũng chỉ lọt vô giới trung lưu là cùng. Câu thành ngữ tiếng Anh “Practice makes perfect” chỉ đúng với những ngành khoa học tự nhiên.

Nhà văn Tô Hoài, mà tác phẩm Dế Mèn Phiêu Lưu Ký của ông từng lay động tâm hồn của vô số tầng lớp thanh thiếu niên Việt Nam ngày trước, đã viết tác phẩm ấy khi mới 16 tuổi. Ông viết xong rồi cứ để đó, chứ có cho xuất bản gì đâu. Bởi ông nghĩ cái mình vừa viết ra chẳng đáng gì, ai thèm đọc, ai cho in một cuốn sách như vậy.Thế nhưng, như mọi người đã trải nghiệm, Dế Mèn Phiêu Lưu Ký và Quê Người, hai tác phẩm tưởng như giỡn chơi ấy đã làm nên sự nghiệp của Nhà Văn Tô Hoài.

Thật là thú vị cho một nhà xuất bản, hay cho giới độc giả, khi trong một thời điểm nào đó, chợt phát hiện ra một cây viết hoàn toàn mới, với phong cách và tài năng rất riêng, sớm được biểu hiện trong tác phẩm đầu tay của mình.

BÔNG HOA TRÊN PHÍM của Hoàng Quân là một tác phẩm như thế.

Có thể khẳng định rằng Bông Hoa Trên Phím của Hoàng Quân là một tập truyện ngắn mà chủ đề trọn gói của nó là viết về kỷ niệm. Kỷ niệm có thể là khoảng đời như mây, mấy mươi năm trước, một thời mới lớn của cô nữ sinh tỉnh nhỏ miền trung, với những nét trẻ trung, duyên dáng, thông minh, nghịch ngợm. Kỷ niệm cũng có thể là những ngày xất bất, xang bang, khi đất nước trải qua một cuộc đổi đời ngậm đắng nuốt cay. Kỷ niệm, dĩ nhiên cũng có thể là vài năm trước, vài tháng trước, đã xảy đến với nhà văn trong cuộc sống đời thường nơi xứ người Tây Âu.

Nhiều nhà văn đã viết về kỷ niệm, và thường thì người ta chọn thể loại hồi ký, hay như Nhà Văn Phan Lạc Phúc, ông đặt cho những hồi ức của mình với cái tên TẠP GHI.

Hoàng Quân không viết hồi ký. Những hồi ức của cô đã được viết trong dạng truyện ngắn. Nhưng yếu tố hư cấu, thường rất cần trong thể loại truyện ngắn, đã không thấy trong những truyện ngắn của Hoàng Quân.

Người đọc có thể cảm nhận được tất cả những chi tiết ngộ nghĩnh, dễ thương, nhiều khi cay đắng trong truyện, là những gì chân thật đã xảy ra. Người đọc có cảm giác như thấy chính mình, trong từng mẫu chuyện được Hoàng Quân khéo léo sắp xếp để chuyển đạt tình cảm của mình.

Hoàng Quân giống như một nghệ sĩ vẽ cảnh vật. Nhưng công việc của cô không chỉ là vẽ cảnh vật, mà còn mượn cảnh vật để nói lên cái tình của mình đối với cảnh vật (Ý tưởng của Nhà Thơ Quang Dũng).

Để nói về nỗi đam mê âm nhạc của mình, vì công việc và những bận rộn đời thường mà bị nguội đi, chứ không tắt hẳn, trong truyện ngắn được chọn làm tựa đề của tập truyện, truyện Bông Hoa Trên Phím Hoàng Quân viết:

Hơn hai chục năm qua, hình ảnh của cây đàn nhện giăng vẫn còn trong trí nhớ của tôi. Ở Đức, lúc nào trong nhà tôi cũng có cây đàn guitar. Lâu lâu tôi đem đàn xuống lau bụi. Cây đàn trong phòng khách nhà tôi sạch bóng. Nhưng cây đàn trong hồn tôi phủ đầy bụi và nhện giăng chằng chịt. Ngày nào đó, tôi sẽ cẩn trọng phủi đám bụi dày, gỡ những dây tơ nhện. Tôi sẽ gảy nhẹ, thật nhẹ những nốt nhạc cũ, đánh thức đam mê ngày xưa của mình. Tôi sẽ, tôi sẽ …”“

Cuộc sống đời thường cứ như sóng biển, hết đợt này đến đợt khác, ngay như những người đến tuổi về hưu vẫn có những lo toan hằng ngày, huống hồ gì những người còn tươi trẻ như Hoàng Quân, thế nên “Ngày nào đó” mà tác giả nêu lên nghe yếu xìu, và người đọc, trong một liên hệ cảm xúc, khó nén một tiếng thở dài.

Bên cạnh những cảm xúc man mác đó, người đọc tìm thấy rất rất nhiều những nụ cười dí dỏm, rất nghịch ngợm, rất dễ thương khi tác giả nhắc nhớ về một thời làm học trò. Trong truyện ngắn Thầy Trò, Trường Lớp, Ngày Xưa, Hoàng Quân viết:

“Người xưa có dạy rằng, muốn… mình hay chữ phải yêu kính thầy. Mấy chị giành “thầu” phần yêu. Còn tôi, hạng em út, vừa qua giai đoạn thò lò mũi xanh chưa lâu – phải “khoán ” phần kính. Nếu thuở đó, Tom Cruise đã tiếng tăm ở Hồ Ly Vọng, trường phái bút tre đã lẫy lừng trên thi đàn, chắc mấy chị trong lớp đã ngâm nga:

Thầy Kông thẩy rất nghiêm tràng ̣̣(trang)
Nhưng thầy đẹp trái (trai) ngang hàng Tôm- Cui.“

Tôi là người biết Hoàng Quân từ khi tác giả còn là cô bé học lớp chín, với mái tóc chấm vai, màu mắt trong xanh thông minh, lúc nào cũng như chứa đựng ánh cười trong đó, nên đọc đoạn văn trên, tôi như thấy lại một khoảng đời như xa, như gần, cực kỳ thân thiết và trìu mến.

Và đây, xin gửi thêm các bạn một nụ cười nữa nhé.

Trong truyện Trái Tim Nhiều Ngăn

…Một hôm, nhỏ bạn cùng lớp, rù rì:

– Ông bạn của ông anh tao đó, ổng biểu tao đưa bài thơ này cho mày nè.

Em rực rỡ giữa phố chiều đô thị
Mỉm môi cười thơm ngát nụ tin yêu
Đời mở cửa và thiên đường mở cửa
Em đã vào xao xuyến biết bao nhiêu

Giờ đã biết tim em bằng đá cuội
Buổi quay về sám hối nhuộm vàng tay
Ngồi thật lâu bên tách cà phê cuối
Xin vẫy chào khói ảo vọng bay bay.

(Thơ Trầm Thụy Du)

Cô đọc, cười khúc khích với nhỏ bạn:
– Mày coi, tao có cần đi bác sĩ chụp quang tuyến, coi thử tim tao bằng đá cuội trắng, cuội vàng, cuội xám….
Nhỏ bạn, chắc hơi bực mình giùm cho ông bạn của anh mình, lườm cô dài ngoằng, gắt:
-Khỉ đâu không. Ảnh nói thiệt mà mày còn giỡn gì đâu à .

Cô không trả lời trả vốn với nhỏ bạn, để nó về trình lại với ông anh. Cô cũng không kể cho nó nghe, rằng, cô đã gò bút trong màu mực tím, chép bài thơ của “ảnh” vào cuốn tập của cô. Đọc tới, đọc lui bài thơ, cô nghe, hình như những viên cuội trong tim cũng có lao xao…

Người đọc có cảm giác, ký ức của tác giả như một cuộn chỉ nhiều màu và tác giả cứ nhẩn nha kéo ra, mỗi đoạn một màu, lung linh, sinh động. Theo tôi, đây là một sáng tạo đầy nghệ thuật, và nhờ đó mà Hoàng Quân cuốn hút người đọc, tránh cho người đọc lọt vào trạng thái chưa hết trang sách đã buồn ngủ.

Viết một truyện ngắn, theo tôi, dễ mà khó. Dễ là bởi vì chỉ cần nghĩ trước một khung sườn, và ý tưởng chủ đạo mà ta muốn truyền đạt tới người đọc, thế là đã có một truyện ngắn. Nhưng khó là vì “đầu ai nấy nghĩ, tim ai nấy run”. Người viết truyện ngắn phải có nét riêng của mình trong cách dùng từ, thí dụ như Nhà Văn Nguyễn Huy Tưởng từng khuyên bạn văn của mình nên giới hạn dùng tĩnh từ, thay vào đó ta phải biết diễn đạt cái tĩnh từ đó bằng cách riêng, cho người đọc cảm nhận trọn vẹn được ý tưởng của người viết. Nói nghe rất đơn giản như đang giỡn, nhưng trong thực tế cầm bút thì không dễ tí nào.

Với BÔNG HOA TRÊN PHÍM, Hoàng Quân đã thành công với tác phẩm đầu tay của mình. Đây là một khích lệ rất cần thiết cho một nhà văn. Rồi đây, Hoàng Quân sẽ có nhiều niềm tin, nhiều sáng tạo hơn trong văn nghiệp của cô.

Tôi biết Hoàng Quân khi cô còn là một cô bé. Có ai ngờ đâu cô bé ngày xưa ấy, bây giờ đã trở thành một nhà văn. Tôi thực sự xúc động khi nhận món quà “tác phẩm đầu tay” của cô. Như đã nói ở phần mở đầu, tôi yêu thích văn chương, nhưng dù cố gắng bao nhiêu, tôi cũng chỉ là một “tiểu phú”, nếu so với cô em “đại phú” của tôi. Nhưng điều đó không là vấn đề, ngăn trở tôi diễn đạt cảm xúc của mình khi đọc tác phẩm của người em gái ngày xưa. Vì thế mà có bài viết điểm sách hôm nay, dù trong đời, tôi chưa bao giờ viết nhận định về một tác phẩm của người nào.

TRẦN THẢO

©T.Vấn 2017

Bài Mới Nhất
Search