T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoàng Quân: Hiện Tượng Màn Bạc

hoa sung

Hoa Súng – Tranh: Mai Tâm

Tôi cuộn mình trong mền lông vịt, tận hưởng hạnh phúc ngủ nướng buổi sáng thứ Bảy, bù lại cho cả tuần hội thảo, học hành căng thẳng gấp bao nhiêu lần so với những công việc thường ngày. Tưởng đâu, đem nộp cái bằng đại học cho hãng là thoát nạn bài vở. Ai dè, dăm ba tháng, hãng lại bắt làm học trò vài ngày. Tuy không có thi cử, nhưng “động não” nhức đầu, nhức cổ lắm. Tình cờ, cu Tí đang nghỉ lễ mùa thu, chồng tôi lấy vài ngày phép, hai cha con dắt nhau về quê nội chơi. Còn tôi, phải xách va li đi “biệt giam”, xa cách thế giới vui nhộn bên ngoài, để học trò hoàn toàn tập trung tinh thần vào học tập. Tôi định ngủ cho no mắt, đến trưa đứng bóng, thức dậy kiếm chi sơ sơ bỏ bụng, rồi sẽ viết dăm ba lá thư cho bạn bè, sẽ lựa, xếp mớ hình chụp cả mấy năm qua dồn đống, hay đem cọ mực múa may thư pháp. Nói chung, định như vậy, nhưng sẽ tùy tiện tiêu pha “độc lập tự do” bất ngờ của cuối tuần. Điện thoại kiên nhẫn reo, tôi dụi mắt nhìn vào màn ảnh nhỏ của điện thoại, giật mình thấy số của con em kế, tôi chụp vội điện thoại:

-Có chuyện chi mà gọi sớm vậy?

Giọng Hạ rụt rè:

-Chị còn ngủ hả?

-Không, cũng thức giấc nãy giờ rồi. – Tôi cảm thấy yên tâm, có lẽ không có gì quan trọng.

-Chị biết không, hôm qua anh Đạt chở mấy đứa nhỏ đi bơi, rồi ghé lại nhà chị Đính chơi tới khuya mới về.

-Ủa, sao hôm nay nhỏ em tôi dài dòng cứ như kể chuyện dệt vải, bắt nguồn từ việc trồng dâu nuôi tằm.

-Mấy đứa nhỏ ngủ trên xe. Về đến nhà, tụi em phải ẵm từng đứa vô.

-Ừ, chuyện ấy đâu có gì lạ. Con nít chơi mệt, xong lên xe ngủ là thường, khoẻ con, tiện cha mẹ. Tôi vẫn còn lơ mơ, nói vuốt đuôi cho qua chuyện.

-Em ở nhà chờ cả buổi. Coi ti vi, nên đã ngủ mơ màng.

Tôi tưởng như thấy nhỏ em tôi đang vặn vẹo người, tìm chữ để kể chuyện. Khác hẳn thường khi, nó hót líu lo, còn hơn xe đua chạy rút về đích. Tôi bịt ống điện thoại, để nhỏ em không nghe tôi đang ngáp một cái muốn sái cả quai hàm.

-Cho mấy đứa ngủ xong anh mới hỏi em có nghe chuyện chưa.

-Ừ. Rồi sao nữa?

Tôi hỏi, đầu óc vẫn lan man, mắt nhìn lướt qua hàng sách kiếm hiệp. Tự nhiên giữa bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ, sao lại là cuốn Lộc Đỉnh Ký, coi ngứa mắt quá. Lát nữa phải sắp xếp lại mới được. À, còn tập 1 của cuốn Giờ Thứ 25 đâu, mà tập 2 đứng trơ trọi đây. Để coi, mình cho ai mượn đây hè. Hình như là…

-Chị Đính gởi lời thăm chị. Chị hỏi, nghe nói anh chị…

-Nghe sao? Tao có mua vé số bao giờ đâu mà trúng độc đắc. Tôi sốt ruột cắt ngang

-Không phải chuyện giỡn đâu, chị Đính nghe nói là… là anh chị… ly dị rồi.  Hạ xuống giọng cả mấy octave.

-Cái gì mà ly với chén.

Tôi tỉnh hẳn, hất cái mền qua một bên ngồi bật dậy. Tôi rất quý vợ chồng chị Đính. Dù ít gặp anh chị, nhưng những dịp gặp anh chị luôn là những hội ngộ dễ thương. Anh chị không phải là tuýp tung tin vịt cho mọi người khua môi, múa mép lúc trà dư, tửu hậu.

Tôi đứng bên cạnh tủ sách, bồn chồn đổi chỗ các cuốn sách vừa tiếp tục hỏi đáp Hạ những chi tiết liên quan đến một sự kiện “vĩ đại” của chính tôi. Tôi với tay khoác chiếc áo choàng, cầm điện thoại ra an toạ trong phòng khách. Xem ra, Hạ có vẻ lúng túng hơn tôi, khi nghe tin này. Sau một hồi mằn mò xếp xong puzzles dựa theo những chi tiết Hạ cung cấp, tôi từ từ hiểu câu chuyện. À há, thế gian đang bàn về gia cảnh vợ chồng chúng tôi.

*          *          *

Lúc còn ở đại học, mấy ngoe sinh viên Việt trong mười mấy ngàn sinh viên của trường vẫn thỉnh thoảng đàn đúm, bày biện nấu nướng, tán dóc. Dạo đó, trong đám mỗi mình tôi đáng mặt anh thư. Vừa chồng, vừa con, vẫn bữa đực, bữa cái chen chân với đám sinh viên trẻ (hơn tôi) học hành dăm ba chữ. Trong nhóm, hầu hết học điện, tin học, cơ khí, nói chung, các ngành thuần về khoa học tự nhiên. Riêng Dương và tôi theo ngành quản trị kinh doanh. Nhiều người ngại ngành này vì tiếng Đức. Có ai đã than thở, tiếng Đức cà chớn lắm, nói tiếng “bồi”, chỉ có bồi hiểu. Ở Đức càng lâu, nói tiếng Đức lại càng lủng. Văn phạm rườm rà, phức tạp một cách quá dư thừa. Phát âm nghe lục khục như thể bị mắc xương nơi cổ, nhổ chẳng xong, nuốt chẳng đặng. Khi Dương thi ra trường, tôi mới vừa đủ chứng chỉ để xin nhận đề tài viết luận án thạc sĩ. Những cuộc họp bạn đại yến, tiểu yến thưa dần. Tôi gọi điện thoại đến Dương chúc mừng đại đăng khoa, hỏi thăm kinh nghiệm. “Sẵn dịp” xin các sách vở tài liệu Dương đã dùng. Không biết Dương muốn thổi phồng giá trị mảnh bằng đại học, hoặc muốn hù tôi, hay thật lòng truyền cho tôi kinh nghiệm đã trải qua.

-Thi tốt nghiệp “châm” lắm đó. Hồi làm mấy chứng chỉ chuyên ngành, đối với tui chuyện nhỏ, vừa học, vừa chơi. Mà kỳ thi vừa rồi, tui học ngày, học đêm đó. Tui nghĩ, có gia đình như Thu rồi, khó lắm.

-Ờ, Thu cũng lo ghê. Nhưng đã phóng lao, phải theo lao, chứ biết sao. Bây giờ bỏ ngang, đi học nghề gì, cũng phải đi lại từ đầu.

Dương đùa:

-Bắt chước bà xã tui nè. Chuyên nghề nội trợ cho khoẻ. Để ổng đi làm, ổng nuôi. Khỏi phải bận tâm.

Trật vuột vậy, cuối cùng tôi cũng xong. Tôi không có dịp khoe với Dương. Nghe đâu Dương đi làm ở ngân hàng lớn, áo vest, cà-vạt ra vẻ nhân vật quan trọng lắm. Đám bạn thời hàn nho kể rằng, bây giờ Dương rất ưa ca, nếu tình cờ gặp xin cứ làm ngơ. Nhiều may mắn đưa đẩy, tôi xin được việc làm tốt ở ngân hàng, miền nam nước Đức. Lại là ngân hàng lớn hơn ngân hàng “của” Dương. Có một lần, tôi không nhớ rõ thế nào, Dương có số điện thoại trong hãng của tôi. Dương gọi đến, chúc mừng tôi chen chân được vào chỗ ngang hàng với Dương (?). Dương nói tiếng Đức chen lẫn tiếng Anh. Tôi mặc kệ, cứ trả lời tiếng Việt. Tôi cảm thấy bực bội, mất cảm tình với Dương. Dương kể, thỉnh thoảng, vẫn đi làm nơi tỉnh tôi. Hẹn đến thăm vợ chồng tôi lần tới. Tôi không trả lời trực tiếp, chỉ xin lỗi phải chấm dứt cuộc điện đàm, vì đến giờ họp. Từ đó về sau, tôi không hề liên lạc với Dương. Thỉnh thoảng có bạn bè nhắc đến tên Dương. Với tôi chỉ là một quen biết hời hợt, chẳng thể gọi là tình thân.

Lệ, vợ Dương mở tiệm bán thực phẩm Á châu. Gia đình chị Đính vẫn hay ghé qua cửa hàng, khi mua bó ngò, lúc mua chai nước mắm. Tuần trước khi anh Văn đang hì hục khuân bao gạo ra xe, Lệ tức tốc kéo chị Đính lại gần quày, thì thầm thông báo cho chị Đính về tình trạng gia đình của tôi dưới hình thức một câu hỏi. Đại khái là, nghe nói vợ chồng Thu đã…

Tôi cố một nụ cười thành tiếng trấn an Hạ:

-Trời ơi, bà Lệ cái tật tuyên bố nhảm nhí vẫn không bỏ. Hỏi giùm số điện thoại của bả giùm chị. Để coi thử, bả tìm đâu có tin cà giựt vậy.

*          *          *

Lệ có vẻ hoảng, khi tôi hỏi thẳng, tại sao Lệ lại tung tin như vậy. Tôi chẳng vòng vo lịch sự hỏi thăm, xem vợ chồng Lệ có mấy cháu, Lệ có đắt hàng, phát tài không. Tôi cũng chẳng dấu nỗi bực bội, khi xẵng giọng hỏi dồn. Lệ bối rối:

-Chết chết, Lệ xin lỗi nha. Tại nghe anh Dương kể, Lệ chỉ hỏi thăm chị Đính thôi mà.

-Nếu Lệ thắc mắc, cứ gọi thẳng cho Thu. Đây, Thu đọc số điện thoại nhà Thu, chứ đừng cất công hỏi người này người kia. Tin tức từ người khác, sao bằng của chính đương sự hay đúng hơn là nạn nhân.

Tôi hơi ngạc nhiên về cái giọng đáo để của mình. Tôi thoáng chút tội nghiệp, tưởng tượng Lệ luýnh quýnh đưa nhanh điện thoại cho chồng.

Tôi cảm thấy cơn giận làm nghẹt cổ, khi nghe Dương đều đều giọng:

-Tuần trước ở hội trung thu, tui gặp đám bạn sinh viên tụi mình. Tui hỏi thăm vợ chồng Thu. Lâu quá, không ai gặp hai người, nên đứa nào đó mới đoán là ông bà bỏ nhau rồi.

Tôi hết kiên nhẫn:

-“Đứa” đó là ai?

-Tui không nhớ rõ. – Dương lúng túng.

-Thôi vậy Dương nói cho tôi nghe, hôm đó ai có mặt, tôi sẽ gọi từng người để hỏi cho ra lẽ. Tôi gằn giọng.

-Đông quá tui không nhớ hết.

Dương như đang cố gắng cất tiếng cười gượng gạo:

-Mà có gì quan trọng đâu. Tụi nó bàn vậy, không phải thì thôi.

-Nếu Dương không nhớ, tôi sẽ gọi tất cả bạn bè để hỏi.

Tôi bực tức gác máy, không cả lời chào.

Tôi chẳng biết nên bắt đầu từ đâu. Sẽ điểm mặt cả gần chục người quen. Rồi cứ mỗi người, lại những câu hỏi “cung” như vậy. Bao nhiêu năm không liên lạc bạn bè, mà giờ chỉ để hỏi cho ra lẽ một chuyện chẳng vào đâu như thế này. Tôi thấy tức anh ách trong bụng. Tôi bèn gọi điện thoại vấn kế con bạn thân. Nhỏ bạn coi bộ chẳng hiểu “nửa hồn thương đau” của tôi. Tôi tưởng như thấy môi nó trề ra, chọc quê tôi:

-Chuyện có gì đâu mà ầm ĩ.

-Có gì chớ sao không có gì. Hùng hổ của tôi trước khi gọi điện thoại đang xìu xuống.

-Giờ mày tính sao? Bộ mày định gọi hết bạn bè quyết tìm cho ra “đứa” đó hả? Rồi sao nữa? Hổng lẽ hai vợ chồng mày đi đến từng nhà bạn bè lưu diễn tuồng, tuồng gì hà, à, à… Tình đời thay trắng đổi đen, Tình mình nhất định đậu đen nấu đường. Hay là mày đem cái giấy hôn thú ra sở hộ tịch chứng nhận vẫn còn có giá trị, rồi copy ra gởi hết cho tất cả bạn bè thân quen. Hay là mày bắt chước chương trình Big Brother gì gì đó, quay phim cảnh sống hai vợ chồng tụi bây, vẫn cơm lành canh ngọt, chàng chàng thiếp thiếp, tình như dế nhũi… Mà thiệt vàng thì mắc gì sợ lửa… Ủa, hay chỉ mạ vàng thôi… Hổng sao đâu mày! Hàng mạ mà khéo, cũng xài được cho đến khi… thất thập cổ lai hi.

Con bạn tôi tuôn ra ào ào, mà không thấy qua điện thoại, sắc diện của tôi như bánh tráng nhúng nước. Tôi xuội lơ:

-Thôi mày! Thôi, thôi, tao không gọi ai hết. Ai muốn nghĩ sao thì nghĩ, đồn sao thì đồn. Chuyện nghiêm trọng vậy, sao mày còn giỡn được.

-Xì! Nghiêm trọng quái gì. Mày đừng giở tật nhà giàu đứt tay. Để dành thần trí đến khi nào… chồng mày tung tin này, lúc đó muốn rầu rĩ, tao hổng cấm. Nói chơi chọc mày chút. Chớ, nhớ nghen mày, dù ai nói ngả, nói nghiêng- rồi nó chép miệng, tự phản đề, – cái kiềng ba chân của mày tao coi bộ vững không nổi.

*          *          *

Tôi gặp anh Nghiêm trên xe điện ngầm. Cả hai tay bắt, mặt mừng. Thuở còn là sinh viên, tôi rất hăng hái tham gia tổ chức hội tết nguyên đán, giáng sinh. Hai ông bà xưng là anh chị, nên tụi tôi xưng em. Chứ con gái đầu của ông bà cũng gần bằng tuổi tôi. Vợ anh Nghiêm quen biết lớn, hay giúp chúng tôi tìm hội trường hoặc chỉ dẫn cách xin các hội từ thiện giúp đỡ. Có lần giữa buổi hội họp trong đám đông, anh chị nghe giọng miền thùy dương bóng dừa ngàn xanh của tôi, bèn chạy lại nhận đồng hương. Từ đó tôi được hân hạnh là thân hữu của anh chị. Tôi ngạc nhiên:

-Anh đi đâu mà lạc xuống tận đây vậy.

-Anh vẫn đi đi, về về đều lắm chứ. Hãng của anh có chi nhánh ở đây.

Nói dăm ba câu, đến lúc tôi phải xuống xe. Anh nói, anh xuống theo, trò chuyện chút cho vui. Tôi thật tình:

-Nếu chiều tối không bận rộn công việc, mời anh lại tụi em chơi.

Anh có vẻ ngần ngại:

-Anh chưa gặp ông xã mới của em nên cũng ngại.

-Ông xã mới? Tôi ngạc nhiên.

-Anh nghe nói, Thu đã ly dị, bỏ Frankfurt về đây, theo duyên mới.

Tôi như trên trời rớt xuống:

-Trời ơi, làm gì có chuyện đó.

Tôi bỗng dưng lẩm cẩm một cách trẻ con:

-Anh cứ đến chơi thì sẽ gặp và biết là không có gì thay đổi.

Lắm khi tôi có cảm tưởng, thiên hạ không muốn thấy những phụ nữ có chút may mắn trong xã hội cũng được phép có đời sống gia đình bình dị, đơn giản. Đâu đó trong thâm tâm của những “quan sát viên” hiển hiện những suy diễn, nếu phụ nữ thành công trong nghề nghiệp thì đời sống hôn nhân tất phải xiêu vẹo, ngổn ngang. Suy nghĩ này đối với họ như định đề toán học của Pythagoras. Cứ hễ bình phương cạnh huyền, phải bằng tổng bình phương hai cạnh góc vuông.

Munich là một trong những thành phố đẹp ở miền nam nước Đức với nhãn hiệu Die Weltstadt mit Herz- thành phố quốc tế với trái tim-. Nhưng vợ chồng tôi dọn nhà từ miền trung xuống miền nam chẳng phải vì phong cảnh hữu tình. Chúng tôi khăn gói đến đây, đúng nghĩa tha phương cầu thực. Mấy trăm người Việt sống ở Munich và vùng phụ cận, nếu từ những thành phố khác về đây, có lẽ cũng như chúng tôi, đi theo tiếng gọi của công việc làm. Không biết họ có phải gặp những câu hỏi lạ kỳ như tôi phải nghe chăng. Tôi hồi tưởng những bước mình đã qua trên con đường đưa tôi về Munich.

*          *          *

Ông Pellmann đưa tôi xuống tận cổng:

-Cô sang bên văn phòng ở Odeonplatz. Ông Ritter, giám đốc phòng Tín Dụng Quốc Tế, đang chờ cô bên ấy. Tôi mong ông Ritter sẽ cùng suy nghĩ như tôi, để ngân hàng đón tiếp thêm một nhân viên mới.

-Vâng, cám ơn ông và bà Meller. Buổi nói chuyện thật lý thú và thoải mái.

Tôi cẩn thận nở một nụ cười tươi tắn với ông trưởng phòng nhân sự của một công ty có hơn 40 ngàn nhân viên.

Hơn một tiếng đồng hồ qua, tôi đã trong tư thế căng thẳng như trong những kỳ thi vấn đáp hóc búa. Thật ra hai người chỉ hỏi tôi những câu hỏi rất thường tình. Đa số các câu hỏi tôi đã tập dợt, tự hỏi, tự đáp nhiều lần, “Vì sao cô lại nộp đơn xin việc ở ngân hàng này? Điều gì quan trọng nhất, khi cô quyết định nhận một công việc nào? Nếu chúng tôi quyết định thu nhận cô, cô nghĩ xem vì những lý do nào?”

Tôi nhớ mình đã nhè nhẹ đổi thế ngồi. Đột nhiên, tôi cảm thấy hơi chút không thoải mái, nhưng vẫn nhìn thẳng vào ông Pellmann, rồi nhìn qua cô Meller:

-Trong hơn một tiếng đồng hồ vừa qua, ông bà đã cung cấp cho tôi thêm nhiều thông tin về công ty. Đồng thời ông bà cũng có thêm những chi tiết về cá nhân tôi, mà ông bà cần biết. Tôi tin rằng, ngân hàng này là nơi tôi có thể áp dụng, cũng như mở rộng kiến thức và khả năng của tôi. Qua những trao đổi, ông bà chắc chắn nhận thấy rằng tôi là nguồn nhân lực thích hợp ngân hàng đang cần và tìm.

Tôi nói một hơi, suôn sẻ lưu loát, dù phát âm của tôi vẫn còn đầy accent. Tưởng như nếu dừng nửa câu, tôi sẽ không đủ can đảm… tung lựu đạn tiếp. Tôi biết, trong kỳ khảo sát này, tôi là một thí sinh có điểm bất lợi lớn. Những người đồng niên với tôi đã xong đại học trước đây 10 năm rồi. Ngoài ra, bằng tốt nghiệp đại học của tôi không phải thuộc hạng ưu tú.

Bà thư ký già đón tôi vào phòng ông Ritter. Sau câu thăm hỏi thông thường, bà xuống giọng ân cần như thể đang căn dặn con gái:

-Ông Ritter khó tính lắm, nhưng rất tử tế. Ông hỏi gì lắt léo, cô bình tĩnh suy nghĩ trả lời, đừng hoảng sợ. Chúc cô may mắn.

Dù đã được cảnh cáo trước, tôi vẫn hơi choáng váng, khi đối mặt với ông già đầu hói, cao to như người khổng lồ.

Tôi không nghi ngờ gì về khả năng của phụ nữ. Nhưng công việc này đòi hỏi rất cao. Rất khó kết hợp giữa sự nghiệp và gia đình.

Tôi thẳng lưng, cầm chặt cây viết, như cố giấu tay mình đang run:

-Thưa ông! Suốt mấy năm qua, tôi vừa đi học, vừa đi làm. Trên hết, chăm sóc con tôi còn nhỏ. Bây giờ, con tôi đã vào tiểu học. Tôi khỏi phải đêm hôm bồng ẵm con. Tôi đã tốt nghiệp, không còn bài vở thi cử thôi thúc. Gánh nặng của tôi đã nhẹ đi nhiều. Tôi nghĩ, tôi đã quen đối đầu với những thách thức trong cuộc sống. Hơn nữa, chồng tôi hết lòng chia sẻ với tôi những công việc trong gia đình.

Ông Ritter sửa gọng kính:

-Cô sống ở Frankfurt đã lâu, đã quen môi trường ở đó. Bây giờ về đây, sẽ là một sự thay đổi lớn. Cô đã tưởng tượng khi đi xa sẽ có những phiền toái gì không?

Tôi thở phào, hỏi như vậy thì có gì đâu mà ngoắt ngoéo:

-Thưa ông, tôi là người Việt Nam. Tôi đã “dọn nhà” đến nước Đức từ một nơi cách xa nửa vòng trái đất. Thì bây giờ, có sá gì một bước nhỏ từ miền trung xuống miền nam.

Tôi trơn tru nói thật những suy nghĩ của mình.

-Cô Hoàng à! Trong vòng hơn một tiếng đồng hồ, tôi không thể hỏi cô tất cả những điều tôi muốn biết về cô. Hay thế này nhé, nếu cô là người thứ ba, quan sát buổi phỏng vấn hôm nay, cô sẽ góp ý thế nào cho tôi có quyết định nhanh chóng.

Tôi nhìn thẳng gương mặt dường như vô cảm của ông Ritter. Tôi tự hỏi, có bao giờ trên gương mặt đó có được nụ cười. Tôi nghiêng nhẹ đầu, chọn cho mình miệng cười duyên dáng nhất, dù biết chắc chẳng có “ép phê” gì với cỗ máy vĩ đại trước mặt:

Thưa ông, nếu tôi là quan sát viên buổi phỏng vấn hôm nay, tôi đề nghị ông nhận cô Hoàng, cho cô một cơ hội chứng minh rằng ông đã có quyết định rất đúng.

Những cơ bắp trên mặt ông Ritter như có dãn ra, giọng nói của ông bớt vẻ “tra khảo”:

-Tôi hy vọng sẽ chẳng hối tiếc vì quyết định ngày hôm nay.

Nghĩ lại, lúc nói chuyện, nếu ông Ritter đặt vấn đề khác, đại khái như: Nếu cô đổi đi làm xa như vậy, người khác sẽ suy ra là cô có vấn đề trong đời sống hôn nhân… Không chừng, lúc đó tôi sẽ giật mình. Không chừng, lúc đó tôi sẽ xin ông cho tôi vài… năm để suy nghĩ. Không chừng, tôi sẽ lựa lời nói với ông rằng, tôi thật tiếc không nhận chỗ làm, bởi sợ mình không đủ cứng cựa để đối đầu với những điều người khác suy diễn về tình trạng gia đình của tôi. Ông Ritter có lẽ vẫn còn hài lòng về quyết định của ông. Phần tôi, dù công việc làm rất tốt, với nhiều cơ hội thăng tiến, đã có đôi lúc tôi quẩn quanh với những giả thuyết, phải chi thế này, phải chi thế nọ.

*          *          *

Tính ra, từ khi tôi tốt nghiệp đại học đi làm đến nay, chưa đến 10 năm, tôi nhận tin mình đã ly dị 3 lần. Đó là những nguồn tin chính thức, tôi nghe người ta hỏi trực tiếp, hoặc gián tiếp đến tai tôi. Không biết người ta còn tưởng tượng vẽ vời gì thêm, bao nhiêu điều tôi chưa tình cờ biết đến.

Những khi ngồi chờ trong phòng mạch bác sĩ, tôi có dịp đọc những tờ báo lá cải, lá rau. Không tờ nào không có tin minh tinh này vừa ly dị, ngôi sao kia sắp sửa bước thêm bước nữa, dõng dạc nói trước tòa, “Vâng, tôi muốn kết hôn với người này…” Nếu tài tử màn bạc chỉ lên xe hoa một lần cho tới bách niên giai lão, chỉ ngâm nga yêu ai yêu cả một đời, chắc mấy ông phóng viên các báo nhiều hình, ít chữ thất nghiệp, chết đói nhăn răng. Tính theo tốc độ này, tôi sẽ qua mặt luôn cô đào một thời xinh đẹp đã tám lần hát bài thơ vu qui trong vòng bốn thập niên. Có điều, cô ta khác tôi. Trước khi ly dị, cô tuyên bố rùm beng. Sau mỗi lần chia tay, cô lấy chồng khác. Còn tôi, chỉ giật mình thon thót, phải gọi điện thoại loanh quanh xem thử có phải chính bản thân mình đã “hủy bỏ hợp đồng hôn nhân” hay chăng. Đã vậy, sau mỗi lần “đì vót”, người mới vẫn là người cũ.

Thật lòng mà nói, những tin giật gân như vậy làm rầy rà vợ chồng tôi không ít. Nhưng có tác dụng không ngờ, là cả hai đều dốc lòng chứng minh: Mình hoàn toàn miễn nhiễm với căn bệnh thời thượng này.

Hoàng Quân

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2017

Bài Mới Nhất
Search