T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lê Khánh Long: “Tôi là Sơn – Sơn là Núi”

Đá

Đá – Tranh: Mai Tâm

Trong bóng tối, người nhạc sĩ ngồi lặng lẽ ở một góc ban công nhỏ cầu thang đàng sau nhạc sảnh. Điếu thuốc từng chập cháy sáng lên, khói lan tỏa vào không khí theo làn gió bay đi. Chút ánh sáng từ đèn đường hắt vào. Xa xa phía sông Sàigòn, những ngọn đèn vàng trên những chiếc tàu lớn cập bờ gần bến cảng soi xuống dòng nước lung linh. Gió thổi nhẹ làm không gian thật buồn.

Sàigòn buổi tối giữa những năm 80, đã nhiều ánh sáng hơn, sự hưởng thụ đòi hỏi nhiều và kén chọn hơn. Ăn uống, âm nhạc, phim ảnh . . .. Một người nhạc sĩ nổi tiếng với những bài tình ca trên đất Pháp đã về nước sinh sống, sáng tác và thuê mặt bằng này để làm nơi tổ chức những đêm nhạc trữ tình. Người dân đã quá chán ngán với những bài nhạc đỏ sắt máu và đầy căm thù, họ yêu chuộng những bài tình ca, tuy thế phải là những bài được duyệt và cho phép hát. Âm nhạc miền Nam được liệt vào loại nhạc vàng, ủy mị, phản động. Vì thế người tổ chức rất cố gắng khi chọn lựa bài hát cho chương trình. Nhạc tiền chiến (không có bài của PD), TCS (không có những bài phản chiến), PTC và một số bài ca tụng quê hương vô thưởng vô phạt. Khá nghèo nàn. Khán thính giả trong nhiều tuần liên tiếp có thể phải nghe một vài bài luôn có trong từng đêm diễn mà vẫn không lấy làm phiền lòng vì họ biết có còn hơn phải nghe những tiếng gào thét xung phong. Thế nên khi một nhạc sĩ nổi tiếng, được nhiều người biết và ái mộ, trình bày bài hát do mình sáng tác là một điều mới và tạo sự thích thú cho khán giả. Nhạc sĩ có hàng trăm bài hát, bài nào người sẽ hát?

0o0o0

Tôi mở cửa bước ra, anh ngước nhìn tôi và mỉm cười. Tôi mạnh dạn hỏi:

–  Một cô bé làm việc ở đây nói rằng thuộc tất cả những bài hát của anh – nhạc sĩ gật gù – và bảo rằng những câu này là của bài Tự Tình Khúc. Tôi đọc,

“Từ đây tôi đã có nàng,

Biết ơn sông núi đáp đền tiếng ca.

Mùa xuân trên những mái nhà,

Có con chim hót tên là ái ân.”

. . . Em bảo không phải, mà là của bài Đóa Hoa Vô Thường. Bọn em cá nhau một chầu cà phê.

Nhạc sĩ: “Em thắng rồi.” rồi hóm hỉnh nói thêm:

– Tôi là Sơn. Sơn là Núi – Giọng anh nhỏ nhẹ, ngón tay gầy guộc chỉ vào ngực.

Tôi không hỏi: “Ai là Sông của anh?” e rằng đường đột quá. Chỉ là một câu chuyện bâng quơ, một câu chuyện chứng tỏ mình cũng là người ái mộ. Là Giang hay Hà. Giang là Sông, Hà cũng là Sông. Chẳng thể lập luận như thế. Sau vầng trán cao rộng, suy nghĩ của nhạc sĩ sâu và bao la như biển. Chữ nhạc sĩ viết ta đọc trong bài nhạc rồi nghe, rồi hát lên, nghĩa của chúng mấy ai hình dung ra hết. Có người bảo trong nhạc của anh có một chút Thiền, có giáo lý nhà Phật, có đầy tư tưởng về triết . . . Không phải một chút. Không phải nhiều. Như thế nào là một chút Thiền khiến người nghe thoáng trầm tư. Chỉ một chữ “Tâm” con người suốt đời không kiểm soát được. Chỉ một chữ “Tâm”, có thiền giả ngồi cả đời vẫn nhìn không thấu.

“Tôi là Sơn. Sơn là Núi” Tôi hiểu lời anh nói. Đó là một sự tự hào, một nỗi niềm. “Tôi” đã chẳng viết rất nhiều bài hát về quê hương, về thân phận của dân tộc da vàng này hay sao? “Tôi” là một phần của quê hương. Quê hương là sông, là núi, là rừng, là biển, là câu hát, tiếng hò, là con tôm, con cá, là ngọn cỏ, là hạt cát, là hạt cơm, là nụ hoa, là người con trai, là người con gái, là đêm tình tự, là phút ái ân, là trăng sáng trên ngọn cau, là khói bếp tỏa quyện mái rạ, là đồng lúa, là giếng khơi . . . Tôi là Sơn. Sơn là Núi . . . “Tôi là Em và Em cũng là Tôi?”

Một nhà thơ cũng đặt câu hỏi: “Quê hương là gì hở Mẹ? Ai đi xa cũng nhớ nhiều.” và đó “. . . là con diều biếc. Tuổi thơ con thả trên đồng. . . Quê hương là đêm trăng tỏ. Hoa cau rụng trắng ngoài thềm”. Quê hương không phải những công trình to lớn, sáng loáng về đêm ngốn tiền của dân trong lúc dân vẫn nghèo khổ.

0o0o0

Sau lời giới thiệu của người nhạc sĩ tóc xù râu rậm, anh bước lên sân khấu, đến ngồi xuống chiếc ghế đã được đặt sẵn. Chiếc đàn thùng dựa kế bên, anh cầm lấy. Nhạc sảnh im lặng, thật im lặng. Anh cũng không nói hay giới thiệu điều gì. Anh hơi cúi đầu nhìn vào chiếc đàn. Những ngón tay trái bấm một hợp âm. Anh ngước lên, sau đôi kính cận là đôi mắt sâu, gương mặt khắc khổ, đầy suy tư. Âm thanh rải nhẹ . . . giọng khàn khàn rất đặc biệt cất lên “Có khi . . .” Tiếng vỗ tay đồng loạt vang dội, khán giả thuộc nhạc của anh đến như vậy, chỉ mới nghe có hai chữ đã biết bài hát nào “. . . mưa ngoài trời . . .” một dòng điện nhẹ chạy suốt thân tôi. Chỉ cần một bài hát này thôi anh đã làm cho đêm nhạc trở nên đáng giá. Những người yêu mến anh ngồi nghe đêm ấy hẳn cũng sẽ khó quên. Giai điệu bài hát và giọng hát anh đầy xúc cảm. “. . . là giọt nước mắt em, Đã nương theo vào đời làm nên những ưu phiền. Ngoài phố mùa đông đôi môi em là đốm lửa hồng. Ru đời đi nhé, cho ta nương nhờ lúc thở than . . .” Bài hát tuyệt vời mà tôi chờ đợi đã lâu nay mới được nghe, lại do chính anh hát. Cho đến tận bây giờ, anh hát bài này vẫn là hay nhất, nghe phiêu nhất, lãng đãng nhất. “Ôi môi ngon này giữa trần gian. Ru từng chiếc bóng lênh đênh vào giấc ngủ ngoan. Cho tôi tay gối mong manh. Cho tôi ôm lấy vai thon.”

Em yêu! Chiếc hôn đầu đời của anh và em rất vụng về nhưng là tuyệt diệu nhất, phải không? Anh, gã trai khờ, lúng túng đến tội nghiệp khi lần đầu trong đời ôm một người con gái và chúng ta đã trao nhau nụ hôn. Khi đôi môi chạm vào nhau toàn thân chúng ta đã tê dại như đông cứng lại. “Ôi môi ngon này giữa trần gian . . .” “. . . đôi môi em là đốm lửa hồng.” Ấm áp. Đê mê. Nuối tiếc rời nhau. Rồi thêm lần nữa. Một lần nữa. Nụ hôn đầu đời đã đi cùng chúng ta đến nay, gắn kết cuộc đời nhau đến bạc đầu, đến cùng trời cuối đất, đến chốn mộ phần.

Tôi nghĩ đến những người đàn ông gặp gian nan trên đường đời. Danh vọng và sự nghiệp. Thành nhân hay thành công. . . Chốn nương tựa khi sa cơ, thất bại chính là người phụ nữ của cuộc đời họ. “Ru đời đi nhé, cho ta nương nhờ lúc thở than.” Chức phận của người phụ nữ mà thượng đế đã ban cho họ chính là khả năng xoa dịu những vết thương đời, nâng đỡ những vấp ngã mà người đàn ông của họ gặp phải. “Ru từng chiếc bóng lênh đênh vào giấc ngủ ngoan”. Để anh biết rằng cuộc đời này vẫn còn có em, vẫn còn đáng sống, để không chấp nhận làm “chiếc bóng lênh đênh” trôi nổi như phù du. Anh có trách nhiệm với đời em và với chính đời mình.

0o0o0

Sàigòn có một đặc trưng là những ngõ hẻm. Ở nhiều nơi chúng giống như mạng nhện, như ma trận, người xa lạ bước vào dễ lạc lối. Đầu hẻm luôn bị chiếm để mưu sinh, thường là bán thức ăn hay cà phê. Người Sàigòn gọi là quán cóc. Ngồi uống cà phê quán cóc rất thích. Nhà anh ở cuối ngõ và đầu hẻm cũng có một quán cóc. Tôi cũng đã rất nhiều lần ngồi nơi đó, nhìn xe cộ qua lại, nhìn những gương mặt người lướt qua và nhớ bài hát về con đường đẹp được một nhạc sĩ khác gọi là con đường tình này.

Một ngày, con đường bỗng rất chật vì ken đặc người và xe, buổi tối quán cà phê cóc không bày bán, suốt hai bên bờ tường dựng đầy những lẳng hoa chia buồn. Có vòng khăn tang. Có giọt nước mắt của người mến mộ. Cánh vạc đã bay về trời. Khách đã giã từ quán trọ trần gian. Giã từ quán trọ trái tim em nơi trọn đời tôi đã chọn làm nơi trú ngụ. Núi đã về với đêm tối đen thấy mình hóa thành thác đổ.

Tiếng guitar và tiếng hát anh kêu gọi “nối vòng tay lớn” trên sóng radio vào buổi trưa lịch sử định mệnh lại không như mong ước, đất nước bắt đầu đi vào một chương tang thương mới. Tàn bạo hơn. Dã man hơn. Vô nhân hơn. Nhưng cũng chính vào thời điểm ấy anh cũng đã nhận ra điều mong đợi là không hề có. Nhiều lời hát anh viết như chứa đựng những linh cảm bất thường, xuất hiện như những chứng tích của một chế độ hoang dã.

0o0o0

Tôi không trách anh. Anh đã tin tưởng lầm. Cha, chú, bác tôi đã lầm dù đã một lần tháo chạy bởi tờ giấy lộn mang tên hiệp định Geneve. Rất nhiều người dân Việt đã lầm. Cả thế giới đã lầm chúng, những con quỷ mang gương mặt con người. Những kẻ điên cuồng, ngu si, hoang tưởng.

0o0o0

Anh đã là một phần của quê hương. Tứ đại giai không đã về lại với cát bụi: ”Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi. . . .” “Đóa Hoa” đã về với “Vô Thường”. “. . . Cõi Đi Về” chờ nhau trong kiếp khác. “Sơn” đã về với bóng núi quê hương . . . buổi chiều . . . đen thẫm, nhưng những nốt nhạc tình “Núi” để lại vẫn “ru tình” những người yêu nhau còn mãi về sau.

Lê Khánh Long

 

 

 

©T.Vấn 2018

 

Bài Mới Nhất
Search