T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Tuấn Khanh & Hòai Linh: Giọt Lệ Vu Quy

“. . .Nhạc sĩ Hoài Linh qua đời đúng ngày 30 tháng 4 năm 1995 trong nghèo khó và bệnh tật. Chú bị bại liệt do tai biến mạch máu não. Nhớ đến chú, Hoàng Oanh cảm thương cho một nhạc sĩ kỳ tài của âm nhạc Việt Nam, nhưng tài năng lại bị dập vùi trong một chế độ khai trừ nghệ thuật. Thử tưởng tượng, nếu đất nước vẫn còn tự do thì chắc chắn chúng ta sẽ còn được nghe thêm biết bao ca khúc, lời ca tuyệt vời của nhạc sĩ Hoài Linh nữa.. .”

Tuấn Khanh & Hòai Linh: Giọt Lệ Vu Quy

(Xin bấm vào hình để mở lớn)

Giot le vu quy 1

Giot le vu quy 2

Giot le vu quy 3

Giot le vu quy 4

Giọt Lệ Vu Quy – Sáng Tác: Tuấn Khanh & Hòai Linh

Trình Bày: Giao Linh (Pre 75)

Trong một chuyến về thăm quê nhà gần đây nhất, tôi lại được người Sài Gòn cũ gởi gắm hồn của những người trẻ năm xưa còn sống ở quê nhà. Trẻ năm xưa nhưng nay đã là những ông bà lão tóc hai màu. Dầu vậy, hồn Sài Gòn cũ vẫn như ngày nào trước khi có cuộc đổi đời. Nó không mất, không bị “cải tạo”. Nó vẫn sừng sững tồn tại trong những ấn phẩm văn hóa trước 1975 sống sót qua cuộc phần thư tàn khốc. Nó sống sót được là nhờ ở lòng dân. Nhờ vậy, hôm nay đây tôi may mắn “sở hữu” hồn Sài Gòn ấy qua kho tài sản vô giá: hàng mấy trăm bài nhạc cũ in trước 1975, với thủ bút, chữ ký của các nhạc sĩ tác giả, với cả những hàng chữ viết tay của người chủ sở hữu năm xưa ghi lại kỷ niệm của riêng mình.

Từ kho tài sản quý báu này, chuyên mục:“Dòng Nhạc Kỷ Niệm” hình thành.

Chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” trên TV&BH sẽ là một công trình dài hạn. Mỗi kỳ chúng tôi sẽ giới thiệu một bài nhạc, với phần phóng ảnh của Bìa Trước, Bìa Sau, hai trang ghi nhạc và lời bên trong. Kèm theo đó sẽ là phần sưu tập audio, tức bài nhạc được hát bởi một ca sĩ. Chúng tôi sẽ cố sưu tập bản nhạc được hát bởi một ca sĩ miền Nam trước 1975 để ý nghĩa bảo tồn được trọn vẹn, dù rằng cũng bản nhạc đó, với phần kỹ thuật, phối âm , phối khí và ca sĩ trẻ hơn thực hiện tại hải ngọai sau này có hay hơn nhiều. Mặt khác, như tên gọi “Dòng Nhạc Kỷ Niệm”, nghe một bản nhạc cũ bằng chính âm thanh cũ của ngày xưa, là sống lại kỷ niệm về một đoạn đời cùng với những niềm vui, những nỗi buồn của riêng mỗi người. Chúng ta nghe nhạc cũ là nghe kỷ niệm, nhờ kỷ niệm, âm thanh bài nhạc ở lại trong hồn lâu hơn, sâu hơn, đằm thắm hơn. Do đó, ở đây không có chỗ cho những thẩm định chủ quan nhạc hay, nhạc dở, nhạc sang, nhạc sến, nhạc nghệ thuật, nhạc thương mại v.v… (T.Vấn: Dòng Nhạc Kỷ Niệm  với Nhạc cũ miền Nam).

©T.Vấn 2018

Nghe Thêm:

Hòai Nam – 70 Năm Tình Ca (30) – Tuấn Khanh

Hòai Nam – 70 Năm Tình Ca (43) – Hòai Linh

Đọc Thêm:

Nhạc sĩ Hoài Linh

 HOÀNG OANH

Nhạc sĩ Hoài Linh hơn nhạc sĩ Minh Kỳ mười tuổi. Chú sinh trưởng và học nhạc tại Bắc Phần, nhưng sáng tác và thành danh tại Miền Nam Việt Nam.

Vào Saigon giữa thập niên 1950, nhạc sĩ Hoài Linh gia nhập Đoàn văn nghệ Vì Dân (dưới sự điều khiển của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông) với cấp bậc Trung úy.

Theo nhạc sĩ Lê Dinh cho biết: Chú Lê Dinh không quen nhiều với nhạc sĩ Hoài Linh, nhưng với nhạc sĩ Minh Kỳ trong nhóm Lê Minh Bằng thì thân nhau lắm! Cả hai chú Minh Kỳ và Hoài Linh đều là Cảnh sát mà chú Minh Kỳ làm Đại úy.

Cũng phải nhắc lại rằng: Bài hát Chuyến Tàu Hoàng Hôn là một trong những bài hợp soạn nổi tiếng nhất của hai chú Minh Kỳ và Hoài Linh. Vì sáng tác trong một mùa mưa (ở Thị Nghè, Saigon), nên đó là lý do mà trong cả hai lời bài hát, tác giả đều nhắc đến mưa:

– “Mưa thu bay bay sắt se lòng ướt vai mềm…”

– “Mưa thu bay bay vắt ngang trời ướt vai mềm…”

Bài hát chỉ thâu qua một lượt duy nhất, vỏn vẹn gần 3 phút mà sống mãi từ đó cho đến bây giờ.

Hoàng Oanh gặp gỡ nhạc sĩ Hoài Linh thường hơn, nhất là những lúc chú Hoài Linh đến đưa bài hát cho Hoàng Oanh nhờ thu dĩa – cũng như hát trên Đài phát thanh. Chú Hoài Linh người mập mạp, cao lớn, ai nhìn thấy chú cũng nể sợ. Nhưng thật ra, chú rất hiền lành, đặc biệt đặt lời bài hát rất xuất sắc. Chú đặt lời dễ dàng như chú nói chuyện. Lời ca của chú viết rất nên thơ, dụng ngữ đẹp. Nên hầu hết các sáng tác của chú (dù đặt lời cho nhạc của chú hay của các nhạc sĩ bạn) đều được thính giả khắp nơi say mê, như các bản:

Biệt Kinh Kỳ, Cánh Buồm Chuyển Bến, Mấy Độ Thu Về, Sầu Tím Thiệp Hồng, Thương Về Xứ Huế… hợp soạn với nhạc sĩ Minh Kỳ.

– Chiều Thương Đô Thị, Thiệp Hồng Anh Viết Tên Em, Một Chuyến Bay Đêm, Chúng Mình Ba Đứa… đặt lời cho các ca khúc của nhạc sĩ Song Ngọc.

Đây là hai tác giả mà nhạc sĩ Hoài Linh có mối thâm giao, thường xuyên gặp gỡ trong tinh thần văn nghệ. Ngoài ra, có rất nhiều nhạc sĩ cùng thời cũng tìm đến nhạc sĩ Hoài Linh nhờ đặt lời ca như: Nhạc sĩ Mạnh Phát (Nỗi Buồn Gác Trọ), Tấn An (Đầu Xuân Lính Chúc), Thu Hồ (Đôi Dòng Thương Mến), Thanh Sơn (Buồn Vào Đêm), Nguyễn Hiền (Chuyện Đêm Mưa), Tuấn Khanh (Quán Nửa Khuya)…

“Quán nửa khuya, bạn tôi chia tay nhé!

Nhớ nhau chăng là mỗi lúc đêm về

Siết chặt tay để ghi phút phân kỳ

Tiễn người đi…” – Quán Nửa Khuya

“Giữa lòng trời khuya muôn ánh sao hiền

Người trai đi viết câu chuyện: Một Chuyến Bay Đêm

Cánh Bằng nhẹ mơn trên làn gió

Đời ngây thơ xưa lại nhớ lúc mình còn thơ…” – Một Chuyến Bay Đêm

Lời lẽ của chú viết có ý nghĩa, gọn gàng, khúc chiết, có vần có điệu như một bài thơ. Ví dụ:

Muốn không gian đừng TAN, níu đôi chân thời GIAN.

Bâng khuâng gác vắng khêu tim đèn ĐÊM. Nhớ nhung đi vào QUÊN…

Vậy nên, khi có nhạc sĩ nào đặt nhạc mà gặp khó khăn khi phải đặt lời cho hay, đều phải nhờ đến nhạc sĩ Hoài Linh. Cho nên, Hoàng Oanh rất thích những bài hát có phần lời của nhạc sĩ Hoài Linh (trường hợp các bài của nhạc sĩ Song Ngọc, Nguyễn Hiền, Minh Kỳ và Tuấn Khanh).

Một kỷ niệm nhớ nhất là chú Hoài Linh đã đặt bài Về Đâu Mái Tóc Người Thương năm 1964. Và chú đã trao bài hát nầy cho Hãng dĩa Việt Nam, và yêu cầu được thu thanh với giọng ca Hoàng Oanh. Đây là một bài hát khó quên với tất cả những thính giả mộ điệu nhạc Vàng từ bấy lâu nay:

“Hồn lỡ sa vào đôi mắt em

Chiều nao xõa tóc ngồi bên rèm…

Ngày đi mắt em xanh biển sâu

Mắt tôi rưng rưng sầu

Lặng nghe tiếng pháo tiễn ai qua cầu…” – Về Đâu Mái Tóc Người Thương

Từ thập niên 1960 cho đến sau nầy khi ra Hải Ngoại, Hoàng Oanh đã thâu thanh rất nhiều bài hát (sáng tác riêng và hợp soạn) của chú Hoài Linh như:

Xuân Muộn, Lá Thư Trần Thế, Khách Lạ Đò Xưa, Người Bạn Vừa Quen, Về Đâu Mái Tóc Người Thương… – Nhạc sĩ Hoài Linh sáng tác riêng.

Cánh Buồm Chuyển Bến, Chuyện Buồn Năm Cũ, Chuyến Tàu Hoàng Hôn, Buồn Vào Đêm, Nếu Một Mai Anh Biệt Kinh Kỳ, Chuyến Đò Không Em, Thương Về Xứ Huế, Giọt Lệ Vu Quy… – được nhạc sĩ Hoài Linh soạn lời.

Đến khoảng sau năm 1990, nhạc sĩ Hoài Linh lúc đó đang sống tại Việt Nam, ông cảm thấy sức khỏe có phần yếu đi. Nên chú có nhờ người con trai của chú liên lạc với Hoàng Oanh, để gửi cho Hoàng Oanh một số bài Thánh ca của chú nhờ Hoàng Oanh phổ biến. Chú Hoài Linh có đạo Công giáo và ông đã dành trọn phần lớn thời gian cuối đời cho việc sáng tác Thánh ca, phục vụ cho Giáo hội Công giáo.

Và sau đó, Hoàng Oanh cũng có hỏi chú để chọn ra hai ca khúc, đó là bài Chặng Đường Cứu ChuộcCát Bụi Mong Manh. Cả hai bài hát nầy đều có trong CD Thánh Ca số 11 tựa đề Chúa Khoan Nhân do Trung tâm Hoàng Oanh phát hành.

Theo một bài viết của nhạc sĩ Tuấn Khanh (ở trong nước), nhạc sĩ Hoài Linh vì lưu luyến “Căn nhà màu tím” của gia đình trên đường Trương Minh Giảng mà chú đã ở lại, không ra đi trước thời điểm 30 tháng 4 – 1975. Cũng như trong suốt 20 năm sau đó, chú cũng từ bỏ ý định vượt biển vì thấy có quá nhiều đồng bào chết trong những chuyến hải hành tìm tự do.

Nhạc sĩ Hoài Linh qua đời đúng ngày 30 tháng 4 năm 1995 trong nghèo khó và bệnh tật. Chú bị bại liệt do tai biến mạch máu não. Nhớ đến chú, Hoàng Oanh cảm thương cho một nhạc sĩ kỳ tài của âm nhạc Việt Nam, nhưng tài năng lại bị dập vùi trong một chế độ khai trừ nghệ thuật. Thử tưởng tượng, nếu đất nước vẫn còn tự do thì chắc chắn chúng ta sẽ còn được nghe thêm biết bao ca khúc, lời ca tuyệt vời của nhạc sĩ Hoài Linh nữa.

Ở nơi phương trời xa thẳm, Hoàng Oanh vẫn nhớ mãi về các chú Hoài Linh và Minh Kỳ, cũng như tất cả những nhạc sĩ Việt Nam đã sáng tác cho đời, cho người biết bao nhạc phẩm chất chứa ân tình mà chúng ta không bao giờ quên được.

“Cho đây thương đấy, bao giờ thôi quên

Ai nhớ ai tìm, trong giấc êm đềm tha thiết gọi tên…”

(Cánh Buồm Chuyển Bến hợp soạn của Hoài Linh và Minh Kỳ)

California, tháng 10 – 2016

Hoàng Oanh

(Nguồn:internet)

Bài Mới Nhất
Search