T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đất đai có trước hay giấy chứng nhận có trước

(Nguồn: Báo Tiếng Dân)

FB Huy Đức

Từ hôm Tân Bình cưỡng chế, đập phá nhà cửa của dân tại “vườn rau Lộc Hưng”, tôi hỏi nhiều nhà báo vì sao báo chí im lặng. Có bạn nói là “đang làm” nhưng cho đến nay vẫn không có một dòng trên báo. Tại sao thế. Ngay cả khi người dân sai thì báo chí cũng cần lên tiếng.

Nếu quả thực, “Bà con đã đóng thuế 20 – 30 năm có đầy đủ giấy tờ pháp lý…; Đất vườn rau sử dụng đất 1954…” thì theo Luật Đất Đai 1993, phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà con. Trong trường hợp nhà nước lấy đất đó để xây trường công lập thì phải bồi thường, bất kể người dân có giấy hay không có giấy.

Đất đai là tài nguyên, có trước bất cứ thứ nhà nước và luật pháp nào. Từ ngàn đời nay, người dân thủ đắc đất đai một cách tự nhiên, bằng khai hoang, phục hoá hoặc sang nhượng. Nước Việt ta hẳn không kéo dài từ Ải Nam Quan tới Mũi Cà Mau nếu không có những người dân mang cuốc xẻng đi mở cõi.

Theo pháp luật hiện nay thì “hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có nhà ở, công trình xây dựng khác từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993” thì ngay cả khi không phù hợp quy hoạch mà nếu quy hoạch đó được phê duyệt sau khi người dân sử dụng đất thì chính quyền vẫn phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ.

Giấy tờ không phải là căn cứ duy nhất để xác lập quyền của người dân với tài sản của mình. Bộ Luật Dân Sự quy định thời hiệu “ngay tình thủ đắc” với bất động sản là 30 năm. Ông cha ta từng quy định thời hiệu này ngắn hơn, từ thời Lý, Trần, “Phàm vườn ruộng bỏ hoang, đã có người cầy cấy, người chủ chỉ có quyền đòi lại trong hạn một năm. Trái lệnh này, sẽ phải phạt 80 trượng”.

Đừng lấy lý do chưa có giấy tờ mà lấy đất của dân. Không có dân, không an dân thì đất đai chỉ là nghĩa địa.

Đập phá nhà cửa chưa đủ, lừa dân, cướp sạch đồ đạc

FB Trịnh Kim Tiến

Trong khi thực hiện đập phá, những kẻ đeo băng đỏ đến dụ, đuổi từng người dân ra khỏi căn nhà đổ nát của họ. Chúng hứa với những cụ già và những người nông dân vườn rau rằng, đi ra đi rồi chúng sẽ bảo vệ tài sản cho bà con, sáng mai quay về lấy.

Con đường vào vườn rau bị bao vây cho đến sáng nay, người có thể ra nhưng khó có thể vào.

Vì nhà cửa đã tan hoang, cả ngày bị tra tấn về thể xác và tinh thần, bà con đi lang thang kiếm chỗ ngủ qua đêm.

Sáng hôm nay trở về, đến con gà họ nuôi cũng bị bắt mất, toàn bộ đồ đạc của bà con đều không cánh mà bay, có người bị mất cả xe Honda. Nói chung là họ mất sạch sẽ. Trẻ con không có sách vở mang đi học, người lớn không còn quần áo để mặc.

Họ nhìn nhau đau khổ, bây giờ chỉ còn khóc chứ còn biết nói gì nữa?

Họ kể về ngày hôm qua, cái ngày mà cả cuộc đời họ chắc chắn không thể quên. Trong số họ, có người chỉ có 30m2 nhà ở, có người đang phải chạy thận từ số tiền ít ỏi cho thuê trọ. Bây giờ không còn nơi để đi, không một đồng trong túi, không đồ dùng sinh hoạt. Đừng hỏi họ sẽ tính ra sao hay ngày mai sẽ như thế nào.

Con đường duy nhất của họ là dựng chòi trên đất của mình để sống lay lắt, chờ và những kẻ gọi là lãnh đạo đoái hoài đến bất công của mình.

Giữa lòng thành phố lớn, những kẻ bịt mặt lấy túi nilong đen trùm kín mặt người dân, bắt đem đi và rồi đem máy ủi vào xúc nhà của họ. Chúng xúc cả gốc cây lâu năm người ta trồng lấy bóng mát. Đập cho những mái tôn nhà nát từng mảng, chọc thủng những bồn nước, cắt nát dây điện làm nhiều khúc để người dân không còn có thể sử dụng.

Một bà lão nói, trong khi đập phá nhà của bà chúng nó dọa bà phải lên nộp phạt tiền, lừa bà cầm giấy phạt nhưng bà không cầm.

Gần một tuần nay cắt điện cắt nước, đập phá liên tục, người dân nơi đây không được tắm giặt, được ăn tử tế.

Tôi tự hỏi giờ nhiều người trong họ biết phải sống sao khi trên người chỉ còn bộ quần áo?

 

Bài Mới Nhất
Search