T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lê Hữu: Ông đồ trẻ, ông đồ già

(Ảnh: Hoàng Triều)

 

Chẳng tham ruộng cả, ao liền

Chỉ tham cái bút, cái nghiên anh đồ

(Ca dao)

Nhà thơ Vũ Đình Liên, giá mà còn tại thế, dạo bước trên những hè phố đông vui vào những ngày cận Tết, hẳn ông sẽ ngạc nhiên và thích thú lắm khi được tận mắt trông thấy có lắm “ông đồ trẻ” đang mải mê “hoa tay thảo những nét, như phượng múa rồng bay”.(*) Biết đâu nhà thơ lại chẳng ngẫu hứng mà đổi ít chữ trong bài thơ cũ của mình cho hợp tình, hợp cảnh.

Mỗi năm hoa đào nở
lại thấy ông đồ già
cùng nhiều ông đồ trẻ
bên phố đông người qua

Những “Phố ông đồ” ngày xuân

Những “phố đông người qua” ấy ngày nay được gọi là “Phố ông đồ”, dập dìu tài tử giai nhân trong những ngày Tết đến xuân về. Thường thì các “Phố ông đồ” này khởi sự hoạt động từ trung tuần tháng Chạp và kéo dài cho đến ngày rằm tháng Giêng của năm mới.

Các sinh hoạt nhộn nhịp ở những “Phố ông đồ” này đã trở thành quen mắt với người dân trong nước, từ Sài Gòn, Hà Nội cho đến các tỉnh thành và là một trong những địa điểm thu hút khách du xuân. Bên trong các gian hàng của khu phố này nổi bật lên hình ảnh nhiều ông đồ phục sức khăn xếp áo the, bày biện mực tàu giấy đỏ, bút nghiên lỉnh kỉnh. Những mặt hàng hấp dẫn người xem gồm các bức thư pháp, thư họa, câu đối chúc xuân, tranh thủy mặc, tranh ký họa chân dung trên các chất liệu đủ loại như giấy, vải , gỗ, đá, tre, nứa… mang đến không khí rộn ràng ngày xuân.

“Phố ông đồ” Sài Gòn ở góc đường Duy Tân và Hồng Thập Tự (tên cũ) và “Phố ông đồ” Hà Nội ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám được biết đến nhiều nhất và cũng có lắm ông đồ tài danh nhất.

Điểm khác biệt và lý thú so với hình ảnh các ông đồ ngày xưa là phần lớn các ông đồ ngày nay có tuổi đời khá trẻ thuộc đủ mọi ngành nghề. Nhiều “ông đồ” còn đang là học sinh hoặc sinh viên các trường đại học Mỹ Thuật, hoặc thành viên các Câu lạc bộ thư pháp, hoặc đơn thuần chỉ là yêu thích nghệ thuật thư pháp. Còn lại là những cụ đồ chính hiệu của những thế hệ trước với “nội lực thâm hậu”, tinh thông cả chữ Hán-Nôm lẫn chữ quốc ngữ và giàu kiến thức về văn học.

Thư pháp, nói đơn giản là nghệ thuật vẽ chữ, còn gọi là thư họa. Một bức thư họa là một bức tranh chữ, được “vẽ” bằng chữ Hán-Nôm hoặc chữ thuần Việt, như một thông điệp ý nghĩa gửi cho người được tặng.

Theo tập tục ngày Tết, khách du xuân tìm đến các ông đồ để “xin chữ” với mong ước sẽ gặp được những may mắn hoặc đạt được những ước mơ thầm kín trong năm mới. Các ông đồ “cho chữ” như mang đến cho khách những điều tốt lành theo ý nguyện.

Một trong những “ông đồ” trẻ nhất và được biết đến nhiều nhất là “ông đồ” Võ Tuấn Xuân Thành, sinh năm 2000. Thật khó mà ngờ rằng cậu bé Xuân Thành đã tìm đến nghệ thuật thư pháp khi cậu mới lên 8, được Mẹ dắt đi dạo xuân nơi “Phố ông đồ” Sài Gòn. Mải mê nhìn ngắm các ông đồ thi triển thư pháp với những đường nét hoa mỹ như rồng bay phượng múa, cậu bé thích quá và từ đó cậu miệt mài theo đuổi thú chơi tao nhã này.

“Ông đồ trẻ” Xuân Thành (Ảnh: Quỳnh Trần)

Sau mười năm khổ luyện bút nghiên, nhờ khiếu thẩm mỹ và chịu khó tìm tòi học hỏi, đến nay tay nghề của “cậu đồ” Xuân Thành tăng tiến vượt bực đến mức mỗi lần khách đến “xin chữ”, không đợi khách thỉnh cầu, chỉ cần ngắm nhìn thần thái của khách trong giây lát, cậu lẳng lặng phóng bút là ra đúng ngay “chữ” đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của khách. Đường nét bay bướm, lả lướt, từ nét thanh, nét đậm cho đến nét xổ đều uyển chuyển và dứt khoát, cho thấy thủ pháp cao tay của “cậu đồ” này không thua gì các ông đồ tiền bối.

Tính đến nay đã 5 năm liền, cứ vào những ngày cận Tết là ông đồ trẻ Xuân Thành lại háo hức sánh vai các ông đồ già, trẻ khác xuống đường để “bày mực tàu giấy đỏ, bên phố đông người qua”.(*)

Có ông đồ trẻ thì cũng phải có “bà đồ trẻ” chứ, tại sao không? Tuy không nhiều, các “cô đồ” này luôn là nét xuân duyên dáng, mang đến sự quyến rũ, tươi mát cho các “Phố ông đồ”. Phong cách dịu dàng đầy nữ tính của các “cô đồ” lại khá phù hợp với những đường nét uốn lượn mềm mại, thanh thoát của thư pháp. Các gian hàng của những “bà đồ trẻ” này có được khách nam giới chiếu cố nhiệt tình hơn gian hàng của những ông đồ khác cũng là điều dễ hiểu.

“Bà đồ trẻ” (Ảnh: Hoàng Giang)

Hình ảnh ông đồ già của những Tết xưa tuy có phôi pha nhưng không mất đi bao giờ. Một trong những ông đồ già ở “Phố ông đồ” Hà Nội được nhiều khách hàng ngưỡng mộ là nhà thư pháp Vũ Ngọc Kỳ, cháu ruột của nhà thơ Vũ Đình Liên, tác giả bài thơ nổi tiếng Ông đồ già. Gian hàng thư pháp của ông đồ vận áo the, khăn xếp có chòm râu bạc và khuôn mặt phúc hậu này lúc nào cũng đầy khách vây kín ông để “xin chữ”. Không chỉ “cho chữ” thôi, ông đồ chuyên nghiệp này còn bình chữ và ngâm nga thơ xuân cho khách thưởng thức.

 Ông đồ Vũ Ngọc Kỳ (Ảnh: Ngô Phương Anh)

Mặc dù không có những “Phố ông đồ” như ở trong nước, tại các Hội chợ Tết do Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tổ chức hàng năm ở Nam California và tại các Hội Xuân của cộng đồng người Việt, hình ảnh những ông đồ già thân quen được tái hiện gợi nhớ những Tết xưa đầm ấm và những mùa xuân thanh bình một thuở.

Nhà thư họa Vũ Hối–người Việt duy nhất có tên trong “Tuyển tập thư họa bậc thầy ở Đông phương” ấn hành tại Nhật Bản năm 2006–cho biết tình hình sinh hoạt về thư họa, thư pháp Việt ở hải ngoại ngày càng phát triển trong những năm gần đây. “Cụ đồ” nổi tiếng này cũng nhận được nhiều lời mời truyền dạy môn nghệ thuật thư pháp cho cả người Việt lẫn người nước ngoài.

 Nhà thư họa Vũ Hối tại một Hội chợ Tết
ở Melbourne, Úc Châu (Nguồn ảnh: hocxa.com)

Thư pháp như là tình yêu 

Trong số những “bà đồ trẻ” quen thuộc tại các “Phố ông đồ” không thể không nhắc đến những khuôn mặt khá đặc biệt, chẳng hạn “cô đồ” Yoshino Eri, sinh năm 1991, đến từ xứ Phù Tang. Cô gái người Nhật có khuôn mặt thanh tú và thích mặc áo dài Việt Nam đã sớm phải lòng thư pháp Việt sau những năm theo học khoa tiếng Việt tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

“Thư pháp Việt không dễ,” cô bày tỏ. “Khi viết một chữ, một câu thơ nào đó, em phải hiểu được ý nghĩa, phải cảm nhận được cái hay, cái đẹp của nó và để nó thấm thật sâu trong tâm hồn mình thì mới viết đẹp được.”

Đặc biệt, “cô đồ ngoại” này còn thực hiện những bức thư pháp song ngữ Việt-Nhật, như một hình thức phối hợp nghệ thuật, cho thấy thư pháp là không biên giới, đưa con người từ những không gian xa cách lại gần với nhau.

“Cô đồ ngoại” Yoshino Eri viết thư pháp

bằng tiếng Việt (Ảnh: Đông Hà)

Cũng vì thư pháp không dễ chút nào, nhiều người nước ngoài có yêu thích lắm thì cũng chỉ tập tành cho có chút “khái niệm nhập môn” và để được làm quen với môn nghệ thuật có sức quyến rũ này.

Một trong những “ông đồ tập sự” này là Ted Osius, nguyên đại sứ Mỹ tại Việt Nam, đã bôn ba tìm đến ông thầy đồ Cung Khắc Lược, một bậc “cao thủ” trong làng thư pháp để xin thụ giáo, và chỉ sau “khóa học cấp tốc” 30 phút chàng thực tập sinh lấy làm thích thú khi tự tay mình viết xuống được hai chữ “An Khang” theo đúng phong cách thư pháp để đón chào năm mới của người Việt.

“Ông đồ tập sự” Ted Osius học viết thư pháp

(Ảnh: Lê Hiếu) 

“Thư pháp như là tình yêu,” đấy là lời tâm tình của Nguyễn Quý, một “cậu đồ” sinh năm 1993. Nhờ ngoại hình khá bắt mắt, ông đồ trẻ này rất “đắt khách” trong những ngày Tết, được nhiều thiếu nữ hâm mộ tìm đến xin chụp ảnh chung và “tạo dáng” bên cạnh người mẫu ông đồ.

Không chỉ điển trai thôi, Nguyễn Quý còn là ông đồ tài hoa, tác giả nhiều bức tranh thủy mặc, tranh sơn dầu và ký họa chân dung được nhiều khách yêu chuộng. Không chỉ “cho chữ” thôi, khách còn được ông đồ trẻ này hướng dẫn tận tình về nghệ thuật viết thư pháp.

“Tôi có thể cho bạn kỹ thuật để viết nhưng tôi không thể cho bạn cảm xúc và tâm hồn,” ông đồ trẻ nói. “Bạn phải tự mình viết ra nét chữ của riêng mình. Chúng ta có thể viết cùng một chữ nhưng cảm xúc và tâm hồn không thể nào giống nhau được.”

Ông đồ Nguyễn Quý phát ngôn y như một kiếm khách truyền thụ võ công bằng “khẩu quyết”. Quả đúng như vậy, mỗi bức thư pháp biểu lộ tâm ý, khí lực và cũng thể hiện bản lãnh của người dụng bút.

“Ông đồ trẻ” Nguyễn Quý (Ảnh: NVCC)

Thư pháp chắt lọc những “chất ngọc” trong kho tàng tiếng Việt. Trong các bức thư họa, người ta đọc được những câu đối, những lời hay ý đẹp, những ca dao tục ngữ và những áng thi ca đầy “hương sắc quê mình”.

Chúc Tết đến trăm điều như ý

Mừng Xuân sang vạn sự thành công

Chiều Ba Mươi đầu bù tóc rối, hiu hắt tiễn năm tàn

Sáng Mùng Một mắt sáng môi tươi, rộn ràng mừng xuân mới

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài

Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời

Tiếng Việt còn, nước Việt còn…

Trong lúc người Việt có tâm huyết với nền văn hóa dân tộc ở trong và ngoài nước đang lên tiếng báo động về những mưu toan gọi là “cải cách chữ viết tiếng Việt”, làm méo mó, lai căng và biến dạng chữ quốc ngữ truyền thống thì những cố gắng tìm đến cái hay cái đẹp của “tiếng nước tôi” qua nghệ thuật thư pháp của các ông đồ già, trẻ là tiếng nói mạnh mẽ góp phần gìn giữ tính trong sáng, lành mạnh của ngôn ngữ tiếng Việt.

Vẻ đẹp của thư pháp tiếng Việt là vẻ đẹp của tâm hồn thanh khiết, của Chân, Thiện, Mỹ và “gìn vàng giữ ngọc”.

Những bức thư pháp ngày xuân của các ông đồ gửi đi thông điệp của tình yêu tiếng Việt và của lòng yêu mến, tự hào về bản sắc văn hóa của người Việt.

Đúng như cách nói của một ông đồ trẻ, “Thư pháp như là tình yêu.”

Lê Hữu

(*) Ông đồ già, thơ Vũ Đình Liên

Nguồn: TRẺ Magazine, Xuân Kỷ Hợi

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search