T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 6)

Cóc chết ba năm quay đầu về núi .

Trong Từ điển thành ngữ Việt Nam có câu thành ngữ “cóc chết ba năm  quay đầu về núi”. Hình thức gốc của câu này là “cáo chết ba năm quay đầu về núi” như ai nấy đều biết. Đâu có thể nào tự tiện đổi “cáo” thành “cóc” được, vì nếu có thể hoán vị một cách tuỳ tiện như thế thì biết đâu sẽ chẳng có người hứng chí viết con cáo là cậu ông trời” để làm một cuộc đổi đời vì xưa nay ai cũng biết rằng cậu của ông trời là…con cóc.

Rất có thể là thợ nhà in chơi khăm các nhà biên soạn Từ điển thành ngữ Việt Nam nên mới xếp sai “cáo” thành “cóc” chăng!

(Phan Trọng Hoa – Thành ngữ, tục ngữ khó hiểu)

 

Nông Cổ Mín Ðàm

Là tuần báo phát hành vào ngày thứ Năm, do Canavaggio sáng lập. Số 1 ra ngày 1-8-1901, chủ bút tờ báo nầy lần lượt gồm có: Dũ Thúc Lương Khắc Ninh, Gilbert Trần Chánh Chiếu, Tân Châu Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn Viên Kiều, Nguyễn Ðồng Trụ, còn có sự cộng tác của các nhà văn danh tiếng như Nguyễn An Khương, Thượng Tân Thị Phan Quốc Quang, Lê Quang Chiểu, Giáo Sỏi. Nội dung báo gồm có luận thuyết, tin tức, lời rao, dịch chuyện Tàu, diễn Nôm các bản cổ văn, thi ca, nhàn đàm.

Tiếp đến là Lục Tỉnh Tân Văn (số 1: 15/1/1907)

Theo Nguyễn Văn Trung, cuốn tiểu thuyết quốc ngữ sớm nhất viết theo lối Tây phương, Thày Lazzaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản, xuất hiện ở trong Nam ngay từ 1887 và bản dịch Tam Quốc Chí đầu tiên, cũng khởi đăng trên Nông Cổ Mín Đàm, số một.

Sau đây trích một bài dịch Hán văn của Nguyễn Chánh Sắt :

Chuyện mộ Tào Tháo

Phía ngoài thành Hứa-Ðô có một cái sông nước chảy rất mạnh, hai bên thì bờ vực thẳm sâu. Mùa hè trời nóng nực, có một người kia xuống tắm, giây phút nổi lên như bị đao búa chém đứt ra từng khúc. Sau có một người cũng bị như vậy, thiên-hạ thất-kinh lấy làm lạ. Quan phủ sở tại thấy vậy, bèn bắt nhiều dân khiêng đất đốn cây chận ngọn nước sông lại, lúc nước cạn rồi thì thấy dưới sông có cái hang sâu, trong ấy có đặt những xa máy tinh những gươm bén lắm. Phá máy lấy gươm lên, moi riết vào thấy có cái bia nhỏ đề chữ giống điệu chữ đời Hớn, xem kỷ ra mới biết là mộ của Tào Mạnh Ðức. Quan phủ bèn dạy phá hòm ra, lấy xương đem chôn nơi khác. Còn những ngọc ngà châu báu liệm trong hòm, thì lấy hết mà bỏ vào kho.

Trong sách có nói Tào Tháo có bảy mươi hai cái mã nghi, hay đâu ngoài bảy mươi hai cái lại còn một cái nầy nữa. Ấy vậy thì gian trá như Tào Tháo, đến thác cũng còn gian trá. Song nghĩ lại mà coi, gian trá cho lắm lại có ích gì ngoài một nắm xương tàn.

 

Cục cứt và con chó…

Trước năm 75, miền Nam có câu thơ:

Em như cục cứt trôi sông

Anh như con chó chạy rông trên bờ

Hai câu thơ trên xuất xứ từ văn chương bình dân truyền khẩu:

Em đẹp như phân lạc giữa dòng
Anh như chú khuyển đứng bên sông
Dòng sông nước chảy em trôi mãi
Anh đứng trên bờ rỏ dãi trông

 

Tiếng Việt vừa dễ vừa khó

Hỏi : Bạn ơi! Chè hoa cau là chè gì bạn nhi?

Đáp : Theo cái hiểu biết nông cạn sệt của tui thì “chè hoa cau” miền Bắc nó giống như chè táo soạn miền Nam. clip_image002
Tui chỉ dám viết…nó giống như vì trên căn bản cùng là chè nấu với đậu xanh cà vỏ. Nhưng chè táo soạn nấu cho nhiều bột mì tinh nên sệt hơn, và ăn với nước cốt dừa. Trong khi chè hoa cau có hương thơm thoang thoảng nhờ nước bông bưởi.
Kêu là táo nhưng có…dừa. Gọi là hoa cau nhưng mùi hoa bưởi!! Hè hè, ngộ héng.

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

 

Sưu tầm, sưu tập

Sưu tầm là tìm kiếm, thu thập, tập hợp lại một cách có hệ thống.

Bộ sưu tập là kết quả của công việc đó.

Cách nói đúng là: “Nhà sưu tầm và bộ sưu tập”.

Thí dụ: Nhà sưu tầm nổi tiếng với những bộ sưu tập quý hiếm.

Nhưng gần đây, trên sách báo trong nước gọi là “nhà sưu tập” như thể “nhà sưu tầm” chưa bao giờ hiện hữu và tồn tại vậy.

 

Bất tri tam bách…

Có người cho là cụ Nguyễn Du rất cẩn trọng và khiêm cung nên câu “Bất tri tam bách dư niên hậu, thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” là của ai đó viết, chứ câu ấy chẳng thể là của cụ Nguyễn Du.


Quan quả

‘’Quan’’ (Hán Việt) là người đàn ông không lấy vợ.

’’Quả’’ (Hán Việt) là người đàn bà góa chồng.

’’Quả nữ’’ (Hán Việt) là người con gái còn độc thân.

Chồng chết, đàn bà lấy chồng khác thì gọi ‘’tái giá’’.

Tái là thêm, là lại, là hai lần, g là lấy chồng

Vợ chết, đàn ông lấy vợ khác gọi ‘’tục huyền’’.

Tục là tiếp nối, huyền là dây đàn. Ðàn ông vợ chết

coi như dây đàn đứt nên lấy vợ khác nối lại dây đàn.

Đàn bà goá chồng gọi là ‘’quả phụ’’. Quả bộ thủy.

Đàn ông goá vợ gọi là ‘’quan phu’’. Quan bộ ngư.

(còn nghĩa khác nữa là chưa có vợ?)

Bố mẹ vợ gọi là ông bà nhạc.

Còn bố mẹ chồng gọi là gì?

 

Giá sách cũ thập niên 20

Năm 1913, Nguyễn Văn Vĩnh xuất bản Đông Dương tạp chí, mở đầu một giai đoạn mới trong nền văn học Việt Nam. Đông Dương tạp chí là một tờ tuần báo, ban biên tập gồm những người Tây học và Hán học.

Đến giữa năm 1917, Phạm Quỳnh phát hành tờ nguyệt san Nam phong tạp chí. Cả hai tờ báo được coi như hai luồng gió mới thổi vào nền văn học Việt Nam khiến cho chữ quốc ngữ phát triển nhanh chóng hơn.

Ông Vĩnh còn làm báo “An Nam Nouveau”, Trung Bắc Tân Văn. Tân Nam Tử là biệt hiệu của ông.

(Tạ Quang Khôi – Sơ lược văn học Việt Nam tiền bán thế kỷ 20)

 

Những dị biệt với Truyện Kiều

Theo Hoàng Xuân Hãn, Truyện Kiều có nhiều ấn bản khác nhau với những chữ khác nhau. Theo ông phải biết tiếng Nôm, phải hiểu tiếng Việt, nhiều khi gặp tiếng địa phương lại khác nữa, như:

Nằm tròn như cuội trong mây

Trần trần một phận ấp cây đã liều

Thực ra phảI đọc là:

Vuông tròn như cuội trong mây

Triền triền một phận ấp cây đã liều

(Thụy Khuê – Nguyễn Đình Toàn)

 

Tiếng Việt dễ nhưng…thương không dễ

Bà con nghe tui định nghĩa dìa “cháo Bắc kỳ” à nghen :

Cháo muốn – Cháo nấu với rau muốn (….rau muống)

Cháo hoa – Ăn wài vẩn hoa mắt… vì đói.

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

 

Cội nguồn tiếng Việt

Vào cái thưở mới thôi nôi Ta chưa phải là Ta, Tầu chưa phải là Tầu, Ta đã có chừng 27.000 tiếng Việt trong ngôn ngữ thì mỗi tiếng phải có một nguồn gốc nào đó mà sinh ra và góp lại mà thấy nó quanh quất ở Đông Nam Á thì nguồn gốc nó là ở Đông Nam Á.

Thí dụ chữ cái “nếp sống” mà người Thái, người Là gọi là “song viết” thì xưa kia, cụ Nguyễn Trãi cũng nói và viết với chữ Nôm là “song viết” rồi sau đấy mới có chữ…nếp sống.

Thật ra dù Ta có vay mượn 24.000 tiếng mà nói thì sau hai ngàn năm tức 24.000 tháng, Ta chỉ vay mượn mỗi tháng 1 (một) chữ mà thôi, có chi mà gọi là nhiều trong 270.000 chữ? Vì vậy chớ la hoảng tiếng Ta là…tiếng Tầu!

Vì vậy, tiếng Việt ta không hề là một bản rập khuôn của tiếng Tầu bao giờ đâu!Thí dụ:

Ta nói con cua gạch chứ đâu nói…con vô tràng công tử đâu.

Ta nói là con nhện chứ đâu nói…con tri thủ hồi nào.

Ta nói là con nòng nọc chứ đâu nói…con khoa đẩu.

(Nguyễn Hy Vọng – Tiếng Việt là linh hồn của người Việt)

 

Tiếng Việt diệu kỳ

Tiếng Anh nói “carry”, tiếng Pháp là “porter” thì Việt Nam ta có nhiều tiếng tương đương:

“ẵm, bồng, đội, đeo, mang, xách, ôm, xốc, vác, gánh, bưng, bê, khuân, chở, cõng, vực, dìu dắt, quảy, khiêng..v..v…”

(Cực kỳ hơn cả cực kỳ)

(Nguyễn Triệu Việt – tạp chí Tân Văn)

 

Giai thoại làng văn

Buổi chiều, trong tiệm cà phê bánh mì Hòa Mã đường Cao Thắng , tôi (Hoàng Hải Thủy) nghe Văn Thanh báo tin anh Chương đã chết, tôi đạp xe về nhà ở Ngã Ba Ông Tạ. Tôi nhớ một buổi tối chừng ba, bốn tháng sau ngày 30 Tháng Tư, tôi gặp Hoài Bắc Phạm Đình Chương trên đường này, chúng tôi ghếch xe đạp lên vỉa hè đứng nói chuyện với nhau. Hoài Bắc kể:
“Trần Dần nhắn người vào nói với Vũ Hoàng Chương: “Thơ của anh, và thơ của anh Hùng không bao giờ mất được.”
Anh Hùng đây là Đinh Hùng. Và đúng như lời Trần Dần, thơ Vũ Hoàng Chương không bao giờ mất được. Hai mươi năm sau những tập Thơ Mây, Thơ Say, Hồi Ký Ta đã làm cho đời ta của Vũ Hoàng Chương ngang nhiên xuất hiện và chiếm những chỗ quan trọng trên những giá sách thành phố Sài Gòn.

(Hòang Hải Thủy – Tháng Bẩy vào thu mưa lạnh bay)

 

Tiếng Tầu tiếng ta

Trước 75, một nước bên Âu Châu nằm thấp hơn mặt nước biển có tên Holland mà ta gọi là Hòa Lan.

Nay người trong nước gọi là Hà Lan. Nhiều người nghĩ “hà lan” đúng hơn vì đất nước này có nhiều…nước.

Thực ra vì người Tầu dịch là Hà Lan.

(Phụ chú: Vì “hà lan” phát âm thành “hồ làn”. Nếu dịch ra Hòa Lan thì người Tầu đọc là “Wò-Làn” nên…mất vui).

(Nguyễn Đức Tuấn – Đặc san Phù Sa Sông Cửu)

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search