T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đỗ Xuân Tê : Đọc thơ Ngọc Phi – Nhớ về sông Măng

 

( Thủ Bút Ngọc Phi)

Cứ mỗi lần đọc bài viết của T.Vấn, người ta lại bắt gặp ở góc phải trên trang đầu có vài câu thơ trích từ một tác giả có tên Ngọc Phi. Bình thường phải trân trọng hay có sự đồng cảm sâu sắc nào đó giữa nhà thơ với người viết nên mới có một ước lệ như vậy. Tôi trở thành người chia trí khi chưa vội đọc bài viết mà lại lang thang nhẩm đi nhẩm lại mấy câu thơ trích dẫn ở đầu trang. Từ đấy cái tên Ngọc Phi nghe rất quen mà lại thành rất lạ. Quen vì có cảm tưởng như đã gặp nhau đâu đó, trong quân ngũ hay chốn trại tù, lạ là vì chưa quen với thơ của một bút hiệu mới, mà ý thơ nghe lạ nhưng chưa hẳn là chưa hay hoặc quá hay. Tôi có thú đọc thơ không phải từ những tuyển tập hàng mấy chục bài, dày hàng trăm trang như những người yêu thơ chân chính, nhưng lại thích thú khi bắt gặp đâu đó trên báo trên mạng tình cờ đọc được những vần thơ hay, những bài thơ lạ, mà cha đẻ của nó không nhất thiết là những cây đại thụ, có khi chỉ là những cây viết mới nhưng đọc một lần nhớ mãi không quên.

Tôi đến với thơ Ngọc Phi cũng bằng lối tiếp cận tình cờ, về sau được đọc nhiều bài của anh trên cùng trang web, tôi lại mâu thuẫn với chính tôi khi trao đổi với hai anh bạn trẻ (T.L. Việt và T.Vấn) là không hiểu sao những dòng thơ “đích thực là thơ ” của Ngọc Phi chưa thấy ‘xuất bản thành tập’ để phổ biến rộng rãi hơn, vì quả thật ở vùng tôi nơi hội tụ của những nhà thơ tên tuổi cả cũ lẫn mới cùng độc giả hải ngoại yêu thơ nhiều người vẫn chưa quen với bút hiệu này. Tôi được vắn tắt cho biết Ngọc Phi làm thơ trước hết để hoài niệm về một thời khổ nạn, lấy thơ làm vật lưu niệm trước dành cho người yêu, sau là người thân và chỗ bạn bè đã từng ngọt bùi chia sẻ, rồi nếu thơ có được ai đó đồng cảm dù gần dù xa là tác giả vui rồi. Càng vui khi biết Ngọc Phi cũng là chỗ thân tình, anh chàng đội cầy năm xưa cùng trại tù ở một vùng trung du Tam Đảo, không ngờ sống sót ra hải ngoại tay cầy bỗng trở thành tay viết, mà qua sự đánh giá của T.Vấn vốn là người chẳng phải non tay trong cách bình thơ, và Trần Lê Việt không phải tình cờ khi chọn những vần thơ của Ngọc Phi đem phổ nhạc, thì công bằng mà nói Ngọc Phi là cây bút có tài năng, thơ của anh đủ sức khơi dậy được cảm xúc mạnh mẽ cho người đọc và tạo ấn tượng khó quên trong lòng người yêu thơ. Tất nhiên hữu xạ tự nhiên hương việc thưởng lãm còn tùy thuộc cảm quan và tâm thức của từng độc giả. Chỉ biết T.Vấn có nhận xét như thầm nhắc người đọc “thế giới thơ của Ngọc Phi tuy đơn giản, nhưng coi chừng lạc lối.” Còn tôi trong lối thẩm thơ mộc mạc của mình, tôi nghĩ rằng thơ Ngọc Phi chưa hẳn là đơn giản, nhưng người đọc dễ dàng “lạc lối” nếu thiếu tầm nhìn trong ngữ cảnh của vần thơ.

Làm thơ đã khó, bình thơ càng khó hơn, nên người xưa chỉ “bình” khi phải làm một bài thơ họa lại, nên chi ca ngợi một người thơ với những vần thơ được thai nghén qua nỗi đau trải dài theo năm tháng không phải dễ dàng gì cho những người muốn viết về anh. Trong khả năng của mình, tôi chỉ làm được cái việc minh chứng vài điều khi ngẫu hứng góp nhặt theo kiểu chọn những bài thơ tiêu biểu, rồi từ đó khái quát vẽ lên cái tổng thể của bức tranh thơ, và ghi lại theo cảm nhận chủ quan cố hữu của mình.

“Tháng Tư -Nhớ về sông Măng, Bù Đốp” như gợi cho tôi cảm tưởng anh bắt đầu làm thơ từ chốn khỉ ho chim hú này. Phải chăng dòng sông Măng là điểm hẹn của số phận, anh đến đây không hề tự nguyện, người ta đẩy anh lên đây sau tháng tư đen để làm quen với muỗi rừng, với đại ngàn tre nứa, với cái tên Bù Đốp một địa danh gần biên giới Việt –Miên có thời là tiền đồn của phe ta, tiền trạm của phe địch, mà chỉ nghe tên muốn nổi da gà,

Nơi đó trại tù đầu tiên anh đã ở. Những lán trại âm u bên dòng sông Măng, Bù Đốp. Bốn bề gió thốc từng cơn, những chiếc lá đỏ thẫm như máu người lợp dầy trên mái lán.

Khi bài thơ được post lên trangT.Vấn kèm phần minh họa của Trần thanh Châu, bằng một cỗ xe trâu đưa những người tù về cõi, bất giác tôi cảm khái viết một truyện tựa đề,” Một cỗ Xe Trâu “ * được xem như một hồi ức tiêu biểu đăng tải trên nhiều diễn đàn hải ngoại, mà động lực sáng tác chính nhờ những vần thơ khởi xướng của Ngọc Phi.

Tất nhiên , chẳng phải Ngọc Phi làm thơ để nhớ những chuyện tù, nhưng chính trong hoàn cảnh tù anh mới có dịp chiêm nghiệm về nhiều mặt của số phận, của con người, của cuộc đời, của lẽ sống. Thơ anh sâu lắng, không ồn ào (ngôn ngữ của Khuất Đẩu), không diêm dúa sắc màu, không lung linh ảo ảnh, có lúc như ảnh hưởng Đường thi, có lúc quay về lục bát.

Mộng sẽ trăm năm hề bất toại

Câu thơ khánh tận tại nhân gian

Rượu cạn đêm tàn Xuân cảm khái

Giai nhân tự cổ sầu mênh mang

(Ngọc Phi : Tận Đường thi)

Tôi ít thấy dấu vết của thơ tiền chiến trong dòng thơ Ngọc Phithường những người làm thơ thuộc thế hệ anh hay nhập tâm ở tuổi học trò. Anh cũng ít làm những bài thơ dài nhưng lại hay dùng những câu thơ ngắn sắp xếp từng chùm khi tứ tuyệt , khi ngũ ngôn. “ Biệt khúc tháng 9” tiêu biểu cho cấu trúc này:

Đưa nhau về cõi

Chân mây cuối trời

Mai đời quên lãng

Rong rêu phận người.

( Ngọc Phi : Biệt khúc tháng 9 )

Ta nghe như hơi hướm TCS? Không, con chữ có trùng lặp vài chỗ nhưng ý thơ và lời của toàn bài vẫn là của riêng anh.

Có điều lạ là những chùm thơ theo mùa lấy dấu mốc tháng tư (tan hàng), tháng sáu (trời mưa) tháng chín (vào thu) đều là những bài thơ hay, đậm nét dấu ấn Ngọc Phi mà bóng bảy , có thể ví như “ đường cầy trên những thửa ruộng bậc thang “ trong cánh đồng thơ của anh.

Thơ Ngọc Phi cũng không khuôn sáo (chẳng theo bước chân ai), chẳng cách tân (như ngắt câu theo lối thơ ‘tân hình thức’ ) mà nửa như cổ điển, nửa như thơ mới, thỉnh thoảng có chơi chữ như bài Tứ Tuyệt để trân trọng người tình anh yêu,

Bạch đầu vọng nguyệt sầu ly khách

Yến sa song ngoại dạ hoài hương

Ngọc trầm giang thủy tang thương mộng

Phi tận thiên thu khúc đoạn trường

(Những con chữ đầu câu viết đậm người đọc thân quen đều biết là ai).

Tôi cũng nhớ một trong những bài thơ gây nhiều tranh cãi là bài “Độc Âm” khi được giới thiệu trong một bài viết của T.Vấn trên trang văn học của đài VOA (do nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng phụ trách), bài thơ bị ‘phê’ tơi tả, hệ quả do những nhận thức trái chiều của lớp độc giả trong ngoài nước khi mà trình độ nhận thức và tâm thức có những độ lệch nhất định. Đến khi chính tôi vào cuộc khi hé lộ nhân thân tác giả, bối cảnh sáng tác, ghi nhận khen chê, phần phẩm bình được khép lại sau góp ý của tôi. Tôi mừng vì đây là một bài thơ tôi rất tâm đắc, xin trích thử một đoạn,

Ngẩn ngơ một khúc đàn ai oán

Nghe giữa nhân gian kiệt quệ tình

Một cánh hoa trà vừa chợt rụng

Cả một trời xuân bát ngát buồn.

( Ngọc Phi : Độc ẩm )

Bàn về thơ Ngọc Phi còn cần thời gian, ta còn nhiều dịp tiếp cận với những bài thơ mới tôi nghĩ là còn ấp ủ đâu đó. Hấp tấp chủ quan e dễ lạc lối, nên xin khép lại với mong ưóc một ngày không xa Tuyển tập Thơ Ngọc Phi xuất hiện trên kệ sách để người đọc như tôi làm quen với lối đọc thơ của những ‘người yêu thơ chân chính’.

Đỗ Xuân Tê

 

Trang T.Vấn & Bạn Hữu mời quý độc gỉa đọc vài bài thơ tiêu biểu của Ngọc Phi :

 

Gặp nhau sông núi ngời trong mắt

Cứ ngỡ bèo mây không gặp nữa

Từ ngày bỏ lại núi cùng sông

Một túi hành trang sầu nặng trĩu

Tha hương còn ngộ cố tri không ?

Đất lạ nhiều năm không thấy bóng

Bạn bè mỗi đứa một chân mây

Có đứa đèo heo vùng Đông Bắc

Đứa lầm lũi sống tận trời Tây

Cứ ngỡ bèo mây không gặp nữa

Để cùng nhớ lại chuyện lao lung

Qua mấy trại tù xưa nghiệt ngã

Mấy đèo, mấy núi, mấy khe sông

Nhớ điếu thuốc lào say thất đảm

Giữa rừng Yên Bái rét từng cơn

Ngửa mặt ngó trời cao bất tận

Cúi nhìn đất đá lạnh lùng thêm

Đêm mưa Vĩnh Phú co ro ngủ

Mảnh chiếu trần gian rách tả tơi

Lào Kai chướng khí mờ cây cỏ

Núi dựng sương lam buốt lạnh đời

 

 

Gặp nhau sông núi ngời trong mắt

Mà nghe như lệ sắp trào rơi

Hỏi xem có đứa nào chưa gặp

Mười năm quê lạ gió tơi bời

Con chim nào hót lời tha thiết

Biển lớn sông hồ lại gặp nhau

Vòng tay mẹ ấm đời ly biệt

Những đứa con xa đã bạc đầu

Gặp nhau sông núi ngời trong mắt

Chập chùng khi thấy bóng quê xưa

Nhìn nhau thương khó đời phiêu bạt

Lệ chảy mà quên chuyện gió mưa.

Ngọc Phi

 

Hương cố nhân

Ta thấy mưa từ trong mắt em

Cơn mưa mù khuất mái linh hồn

Bàn tay buốt giá buông hờn tủi

Ngày bỗng dưng buồn như bóng đêm

Ta gặp nhau mà lòng hắt hiu

Buồn gặp em sao buồn thêm nhiều

Gió xa xưa tiếng đời vẫy gọi

Cây cúi đầu lá cũng đăm chiêu

Ta gặp em và ta yêu đêm

Từng nhớ nhung ôi bàn tay mềm

Những lời thơ tím đau rừng núi

Núi lặng thầm trong chiều lãng quên

Hát ru bài ca, ru lòng ai

Bánh xe lăn hòai, con đường dài

Em điểm trang cho sầu thêm đẹp

Ngày não nùng rồi đêm phôi phai

Ta ngỡ trái tim từ đã lâu

Không còn lỗi nhịp không còn đau

Ngờ đâu một thóang tìm dư ảnh

Mà đã lao xao lọan nhịp sầu

Mây vẫn bay trên trời bâng khuâng

Người bước đi áo phai nhạt dần

Ta nghe ta gọi thầm trong gió

Hương cố nhân ờ hương cố nhân

Ngọc Phi

 

  • Chú thích : T.Vấn & Bạn Hữu sẽ giới thiệu bài viết “ Một cỗ xe trâu “ của Đỗ Xuân Tê trong một chuyên đề về trại tù cộng sản sắp tới. TV&BH.

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search