T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khải Triều: GIÃ BIỆT QUÊ HƯƠNG

clip_image002

Cuối năm 2018 quê hương tôi đã mở một Hội làng, mừng kỷ niệm ngôi nhà thờ 100 năm xây dựng (1914-2018). Và đầu năm 2019, ngôi nhà thờ này và bàn thờ đá được Cung hiến. Để đáp đền công ơn sinh thành của cội nguồn tôi, từ cha mẹ, họ hàng và quê hương, tôi đã viết tập truyện Những người đồng hương, Tủ sách T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện đầu năm 2018. Nay tôi lại vừa viết xong một quyển sách thứ hai về quê nhà mình.

Sách có hai phần. Phần một là Gia phả của dòng họ, gồm năm chi, viết từ cụ Cao Tổ cho đến hàng cháu, đời thứ 7, khoảng gần 200 năm. Phần hai, viết về lịch sử của làng, từ địa lý, văn hóa và tôn giáo. Trong dòng lịch sử này, tôi chọn được mười nhân vật tiểu biểu của làng, về tôn giáo, văn hóa, chính trị, quân sự, trước và sau năm 1954. Tôi cũng viết về cây đa và giếng nước trong làng, về quê hương trong chiến tranh và hòa bình, về kiến trúc của những mái nhà cổ ba gian còn lại cho đến nay. Sách dày hơn 200 trang và nhiều hình ảnh.

Tôi đã về thăm nhà khoảng 20 lần và kết quả là quyển sách này. Đến nay thì tuổi đã già và biết không còn thời giờ nữa, nên tôi đã viết bài Giã biệt quê hương, để cuối sách. Tôi gửi bài viết ngắn này cho anh Trương Vấn, sáng lập trang T.Van & Banhuu.

Dẫu là thế, tôi vẫn thấy như còn thiếu một mảng tâm tư chưa trải ra được trong hơn 200 trang sách. Vậy, tôi xin gửi nốt mảng tâm tư này cho quê hương yêu dấu qua mấy lời thơ:

1-Tôi rời xa quê nhà từ năm 18 tuổi, khi trở về thì tóc đã bạc, cảnh trí nơi ngày xưa mình gắn bó đã thay đổi. Tôi ra bờ hồ, nơi có tượng đài Đức Maria Hồn Xác lên trời, Bổn mạng quê hương tôi, nhìn lên Mẹ mà tâm tư:

Mẹ còn đây. Quê hương còn đây

Ánh vầng dương vẫn chan đầy Tin Yêu

Ôi quê hương! Vấn vương nhiều

Thơ tôi là tiếng quốc kêu đêm hè

Bao lần về. Bao lần đi

Đi về hai ngả biệt ly trăm chiều

Bâng khuâng nhớ bát cơm chiều

Hồi chuông tắt lửa đìu hiu cõi lòng

Ở nông thôn ngày xưa, lúc tác giả còn ở nhà, có ba hiện tượng rất ấn tượng. Đó là tiếng chim quốc kêu trong đêm mùa hè tại các rặng tre ở bờ ao. Nó trở nên biểu tượng của những tâm tư, những sĩ phu yêu nước, thấy lòng tan nát khi nhìn thấy đất nước bị nhấn chìm trong lửa máu chiến tranh, phận người lênh đênh, chìm nổi. Thời gian người ta nghe tiếng chim quốc kêu lại là về đêm, nên nó gợi cho người ta nhớ đến bài ca dao “Đêm buồn”:

Đêm qua ra đứng bờ ao

Trông cá, cá lặn

Trông sao, sao mờ

Buồn trông con nhện giăng tơ

Nhện ơi! Nhện hỡi! Nhện chờ mối ai?

Buồn trông chênh chếch sao mai

Sao ơi! Sao hỡi! Nhớ ai sao mờ?!

…..

Chữ “nhớ” ở đây là “nhớ nước”. Vì nước đã mất. Nên hiểu bài ca dao này xuất hiện trong thời kỳ Việt Nam bị Pháp đô hộ trong suốt 8o năm. Và có lẽ thế mà con chim kia gọi là “chim quốc”? Quốc là nước. Còn nhóm chữ “chờ mối ai” ở câu trên là chờ một anh quân, xuất hiện cứu nước.

Thứ hai là “bát cơm chiều”, nó chứa đựng biết bao nhiêu là tình cảm và trìu mến đối với người xa quê. Thứ ba là “hồi chuông tắt lửa”. Sau buổi kinh chiều, đèn trong nhà thờ đều tắt. Đã gần 100 năm nay, những điều này không thấy được nói đến trong văn học nữa. Vì thế cần được nhắc lại vì đó là những sắc thái đặc thù của nông thôn Việt Nam ở thời yên bình, yên ả. Còn hồi chuông tắt lửa là một biểu hiện mầu nhiệm của đời sống tôn giáo, nó làm cho tâm hồn con người thấy nao nao lúc chiều tà.

2- Với những người năm xưa đã khuất bóng và những người ra đi không trở về:

Ở đâu bây giờ những người năm cũ?

Gió từ tha ma dưới kia thổi về

Bờ tre xơ xác, ao hồ hoang lạnh

Cây đại ngoài sân có ai quét lá?

Một người cô đơn

Ngồi bên thềm đá

Tóc rũ gió lùa

Lệ ứa bờ mi

Lá vàng bay bay

Rơi trên bờ cỏ

Lá vàng rơi rơi

Rơi về cổ mộ

Nhớ người nằm đó

Trăm năm còn gì!

Lá rơi vào tim

Con tim rướm máu.

3- Sau khi nhận được một bức hình từ quê nhà đăng trên facebook (Ảnh trên), ngôi nhà thờ có tháp chuông cao và hai mái này “đón ánhhoàng hôn đầu thu 2018”, tác giả cảm xúc viết bài thơ Trăm Năm, kèm một lời nhắn gửi người trẻ:

TRĂM NĂM

Thu tới hoàng hôn êm dịu quá

U hoài cho lữ khách viễn du

Trăm năm còn đó người đâu tá?

Hỏi người hay ta hỏi ta!

 

Hỏi người hay ta lại hỏi ta?

Tình xưa hương lửa (1) đã phai nhòa?

Nhắn người năm cũ (2) bao vương vấn

Xưa hoàng hôn nay lại hoàng hôn.

 

Bây giờ ta lại hỏi ta

Trăm năm hồn cũ còn đâu nhỉ

Ai người biết được chỉ ta nhé

Lửa hương xin hãy nhóm lên đi.

———-

Ghi chú:

(1)Tình xưa hương lửa”: “hương lửa”: chỉ sự thăng hoa tinh thần (như lửa và hương bốc lên) trong phụng vụ. Ở đây chỉ sự gắn bó giữa nhà xứ, nhà thờ với tác giả từ những năm 1948-1954.

(2)“Nhắn người năm cũ”: nhân cách hóa hai nơi này.

Sài Gòn, 8/2019

KHẢI TRIỀU

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search