T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 171)

Đàn đáy (2)

Đàn đáy là nhạc khí đặc trưng trước kia chỉ dùng để đệm cho một thể loại hát duy nhất với hai nhánh mà ngày nay người Việt thường gọi là Hát cửa đình và Hát ả đào (hoặc Ca trù). Chỉ nam giới mới chơi nhạc cụ này. Có lẽ đàn được sáng tạo từ thế kỷ 15.

Âm sắc trầm, đục, ấm nhưng ngắn của đàn đáy tạo nên sự tương phản làm nổi bật âm sắc của những người bạn hòa tấu với nó.

Bởi tính chất khiêm tốn, nhũn nhặn của tiếng đàn trong khi đệm cho hát, có người đã ví đàn đáy như một “triết gia ẩn dật”.

(Nguồn: Bùi Đẹp)

 

Chữ nghĩa làng văn

(…trích lục lại)

Theo người Tây phương báo chí một thời không được coi là văn chương. Vì văn chương theo định nghĩa ở thế kỷ 19 chỉ gồm có:

Thơ, kịch, tiểu thuyết và truyện ngắn.

Thi sĩ người Anh Mathew Arnold (1822-1888) phát biểu:

– Báo chí là văn chương…viết vội vàng.

(Vũ Thụy Hoàng – Múa bút)

Chữ nghĩa làng văn

Cái khó đầu tiên là chọn cách diễn đạt cái thực thể đó: cách hành văn, bố cục, đối thọai, tả cảnh, tả tình, xây dựng nhân vật, xây dựng sự biến đổi hay ngay cả dùng chữ nghĩa để làm “rối tung” mọi sự lên. Thông thường thì mỗi nhà văn đều chọn cho mình một cách diễn đạt riêng từ trước. Họ chỉ lập lại cách đó (có khi suốt cả sự nghiệp của họ). Ta gọi là văn phong.

Văn phong thể hiện cá tính nhà văn trong tác phẩm.

Hiếm nhà văn nào thay đổi văn phong một cách dễ dàng. Tuy văn phong không thay đổi, nhưng tác giả thường thay đổi cách diễn đạt ở một mức độ nào đó cho phù hợp với cái chất, cái đặc tính, hay không khí và chủ đề của tác phẩm.

(Viết: Săn lùng ngôn ngữ – Trần Hữu Thục)

Tiếng lóng hiện thực

Sành điệu củ kiệu

Chữ nghĩa làng văn

Viết là tìm cách diễn dịch bằng con chữ làm sao cho chúng phù hợp. Bởi thế, nhà văn làm một cuộc săn lùng ngôn ngữ, thiết kế ngôn ngữ và cấu trúc chúng thành một tổng thể làm sao để chúng có thể truyền đạt được hết những gì muốn truyền đạt. Vì để làm được điều đó, nhà văn phải vượt qua nhiều khoảng cách bất định: hiện thực. Các khoảng cách luôn luôn trắc trở, không thể lấp đầy.

Chính vì thế, trong nỗ lực (tuyệt vọng) để cho các con chữ thể hiện trung thành cái mình muốn thể hiện (vốn cũng bất định), nhà văn dùng đủ thứ xảo thuật: ẩn dụ, hoán dụ, chuyển ngữ, đảo ngữ, chấm phết hoặc không chấm phết, nhân vật, cốt truyện, đối thoại, độc thoại…Người ta vẫn tưởng rằng khi xây dựng một nhân vật hay một cốt truyện thì người ta muốn tạo nên một nhân vật hay cốt truyện. Thực ra, đó cũng là một loại cấu trúc ngôn ngữ để diễn tả ý niệm hay một hình ảnh về cái sự vật mà tâm thức tiếp nhận.

(Viết: Săn lùng ngôn ngữ – Trần Hữu Thục)

 

Chữ và nghĩa

Tiếc công khổ cực nuôi cu,

Cu ăn, cu lớn, cu gù, cu đi,

 

Chữ nghĩa làng văn

Tùy bút – tùy hứng là phóng bút, gặp gì chép nấy, nghĩ sao nói vậy: Một cơn mưa, một giọng hát, một hớp trà, một trang sách, một tiếng ve rỉ rả trong rừng... bất kỳ một sự việc nào, hễ gợi hứng cho ta cũng có thể là đề tài một thiên tùy bút.
Nó phóng túng như vậy nên ta tưởng là dễ, nhưng có viết thử mới thấy khó. Trước hết nó phải thanh thoát, nhẹ nhàng như ngồi bên giàn hoa hay một ấm trà. Nó không dài, trung bình mươi trang trở lại, nhưng lời phải tự nhiên, có duyên, nội dung phải có ý vị.

Quan trọng nhất vẫn là nghệ thuật. Tiểu thuyết mà dở thì người ta vẫn gọi là tiểu thuyết; thơ mà dở thì cũng vẫn là thơ – thơ con cóc. Còn tùy bút mà thiếu nghệ thuật thì không có tên để gọi vì lẽ không ai thèm biết tới. Cho nên lựa thể tùy bút là làm một công việc chỉ có thành công hay thất bại, không thể nhùng nhằng được.

 (Nguồn: Nguyễn Hiến Lê)

 

Nậy

Nậy: to, lớn

(heo nậy, bò nậy)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 

Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu !?

Theo các sử gia cận đại thì cho tới nay nước ta đã trải qua ba thời kỳ bị Tàu đô hộ, mà ông cha chúng ta thường nói một cách vắn tắt: Một ngàn năm đô hộ giặc Tầu.

– Theo Truyền thuyết, Họ Hồng Bàng (các Vua Hùng) trị vì đất nước, thời ấy có quốc hiệu là Văn Lang từ năm 2879 tới 258 trước Tây lịch mất ngôi về tay Thục Phán. Phán lên làm vua, đặt tên nước là Âu Lạc, trị vì từ 258 tới 207, tướng của Tần Thủy Hoàng là Triệu Đà tới đánh chiếm. Triệu Đà xưng Vương, lập ra Nhà Triệu, đặt quốc hiệu là Nam Việt, trị vì từ 207 tới 111.

– Bắc thuộc lần thứ 1 từ năm này bên Tầu đã thuộc Hán, Hán qua dẹp Đà, thế là nước ta lọt vào vòng nô lệ giặc Hán từ đó, kéo dài tới năm 40 sau Tây lịch, may mà có Hai Bà nổi lên chấm dứt cuộc đô hộ này (dài 111+40 =150 năm).

– Bắc thuộc lần thứ 2 kéo dài từ 43-544, Lý Bôn chấm dứt (dài 544-43 = 501 năm).

– Bắc thuộc lần thứ 3 từ 603-939, Ngô Quyền chấm dứt (dài 939-603 = 336 năm).

– Bắc thuộc lần thứ 4 kéo dài từ 1407-1427. Lê Lợi chấm dứt (dài 1427-1407 = 20 năm).

Tổng cộng: 150+501+336+20 = 1007 năm.

 

Chữ và nghĩa

Ai xui ai khiến bất nhơn
Tui thấy vợ bạn tui thương hơn vợ nhà.

 

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

 

Chiêu hồn nạp táng

Trong gia phả các họ rất chú trọng mục: Mộ táng ở đâu.

Trong mục này có một số trường hợp ghi chú: “Chiêu hồn nạp táng” là gì? Đó là những ngôi mộ không có tử thi, hài cốt, mộ người chết trận, chết đuối hay do thú dữ vồ… không tìm được tử thi. Thân nhân làm hình nhân và làm lễ an táng theo như lễ an táng thông thường.

Các cụ kể lại rằng: chất liệu làm hình nhân, có địa phương dùng cây núc nác (còn gọi là sò đo thuyền, mộc hồ điệp, nam hoàng bá, bạch ngọc nhi). Núc nác là loại gỗ mềm và xốp, dễ tạo hình, chôn dưới đất lâu hoai, lại dễ kiếm vì mọc ở nhiều nơi. Có địa phương dùng bùn lấy ở giữa dòng sông, có địa phương dùng mùn đào ở giữa ngã tư đường cái.

Hình nhân được đẽo gọt hoặc nhào nặn thô sơ, có đầu mình chân tay là được (vì đa số không phải là nghệ nhân). Kích thước của hình nhân khoảng 30-40 cm chiều dài. Thi hài tượng trưng đó cũng được khâm liệm, đưa vào áo quan làm bằng gỗ vàng tâm, kích thước nhỏ bé, hoặc đưa vào tiểu sành. Trên hình nhân có phủ lên linh vị viết trên giấy kim tuyến, nội dung giống như linh vị đặt ở bàn thờ. Trước khi làm lễ an táng có mời thầy cúng làm bùa ấn phù phép để vong hồn nhập vào hình nhân. Lễ an táng và các lễ các lễ khác cũng tiến hành như tang lễ thông thường.

 

Chữ nghĩa với ca dao dân gian

Ông lão chống gậy lù khù

Hỏi thăm bà lão “tiệm” mu nơi nào

Bà lão mới sẽ thì thào

Đi qua “quán” rốn thì vào “tiệm” mu

 

Phở xuất hiện lúc nào? (12)

Vì gánh phở thường có bếp lửa nên có người cho rằng người Pháp nhìn thấy cái hàng phở rong đi qua mà lại có ánh lửa bập bùng, bèn kêu lên: “feu! feu!” (Lửa lửa, hay bếp lửa). Người bán hiểu ý, trả lời “Oui, feu” và bưng phở vào. Thế là ra cái tên “phở”.

Liên quan đến từ feu của tiếng Pháp, ta còn có thể kể đến ý kiến của Alain Guillemin trong một truyện ngắn do Ngô Tự Lập chuyển ngữ sang tiếng Việt. Theo Guillemin thì món phở Việt Nam là kết quả đầy sáng tạo của Thị Ba, tình nhân của François Pierre Vidcoq, ông ngoại của tác giả, một hạ sĩ quan hải quân thời trẻ từng sống ở Sài Gòn trong khoảng 1910-1914, khi cô phải chế biến món pot-au-feu của Pháp là món thịt bò hầm cà rốt cho anh ta ăn. Nhưng bài viết của Alain Guillemin là truyện, không phải là biên khảo . Hơn nữa, ông ngoại tác giả và Thị Ba sống tại Việt Nam trong khoảng 1910 -1914 mà năm 1909 thì món yụk phẳn, tức món phở đã có mặt trong quyển “Technique du peuple annamite” (Kỹ thuật của dân An Nam) của Henri Oger nói đến rồi.

Dẫu sao ý kiến của A. Guillemin cũng trùng với ý kiến của linh mục Eugène Gouin khi định nghĩa Phở là Pot au feu (Bò hầm, bò xáo, bò xào, bò kho…)

(Sơn Trung – Lịch sử Phở)

 

Whisky

Whisky cấ từ lúa đại mạch đen. Sau năm 1830, trộn thêm bắp nên có mùi dịu hơn và cấm kỵ trộn với khoai tây hay trái cây.

Hiện có 4 Whisky nổi tiếng:

Whisky Scotch (Tô Cách Lan), Irish (Ái Nhĩ Lan), Hoa Kỳ và Gia Nã Đại.

Whisky Tô Cách Lan nổi tiếng với 2 loại Johnnie Walker .

(Ông già chống gậy) với loại nhãn đỏ 3 năm, nhãn đen 12 năm.

Whisky Gia Nã Đại có nhãn hiệu Crown Royal mầu sậm.

Bourbon là “Whisky Mỹ” như Jack Danniel Bourbon.

(Nguồn: Mường Giang)

 

Tiếng lóng hiện thực

Tê tái con gà mái

 

Rượu trong văn học (4)

 Nói đến rượu mà quên đề cập đến Phạm Thái kể như là một thiếu sót đáng kể. Phạm Thái hiệu là Đan Phượng, thường gọi là Chiêu Lỳ, người mà Khái Hưng cảm khái viết ra truyện “Tiêu Sơn tráng sĩ”, một trang Anh hùng có thể chết vì ánh mắt giai nhân Trương Quỳnh Như. Khi nhà Tây Sơn ra đánh Bắc Hà, Phạm Thái bỏ đi tu, lấy hiệu là Phổ Chiêu thiền sư.

Phạm Thái sinh thời, rất thích rượu, thơ nhưng lại có tính ngông:
“Có ai muốn biết tuổi tên gì,
“Vừa chẵn ba mươi gọi chú Lỳ,
“Năm bảy bài thơ gầy gối hạc.
“Một vài đứa trẻ béo răng nghê.
“Tranh vờn sơn thủy màu nhem nhuốc,
“Bầu dốc kiền khôn giọng bét be,
“Miễn được ngày nào cho sướng kiếp,
“Sống thì nuôi lấy, chết chôn đi.

(Tự trào)

“Một tập thơ sầu ngâm đã chán
“Vài be rượu nhạt uống ra gì
“Thôi về tiên phật cho xong kiếp
“Đù ỏa trần gian sống mãi chi?

(Cảm thán)

Nhưng bài sau đây có lẽ biểu lộ tính ngông trần đời của Chiêu Lỳ hơn hết:
“Sống ở trần gian đánh chén nhè
“Chết về âm phủ cắp kè kè
“Diêm vương phán hỏi mang gì đó:
“- Be! “

Nhà thơ họ Phạm cũng chẳng ở cõi đời lâu. Ông mất lúc 35 tuổi.

(Khuyết danh – Tết nói chuyện rượu)

 

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ (3)

Với bài thơ này, Hoàng Cầm đưa ra câu chuyện một chị đàn bà xấu xí, muốn có bộ mặt đẹp nên dỗ dành đàn em đi tìm hộ chị thứ lá thẩm mỹ này. A! Chị muốn có chiếc lá thần dược để làm cho mặt chị đẹp? Chỉ vài ngày sau đã có người tìm ra chiếc lá. Ðó là chiếc lá dân tộc, giản dị là như vậy!…”

(Lại Nguyên Ân – Trích Hoàng Cầm tác phẩm – Thơ)

 

Giai thoại làng văn xóm chữ

Câu đối

 Tương truyền rằng vợ ba Cai Vàng khi xưa, hồi còn con gái tên là cô Miên, có ra một vế đối kén chồng: Cô Miên ngủ một mình.
Cô là một mình, miên là ngủ. Cô Miên lại là tên.
Câu cô miên ngủ một mình trên kia ra đã lâu không ai đối được, mãi sau này mới có Cai-tổng Thịnh, tức là Cai Vàng, đến đối: Tổng Thịnh tóm nhiều đứa
(Tổng là tóm, thịnh là số đông, lại cũng là tên).

Vế đối có vẻ bông đùa nhưng lại chỉnh, nên cô Miên ưng thuận lấy ông Tổng Thịnh, dù là phải làm lẽ thứ ba. Đến khi Cai Vàng trong một cuộc giao tranh với Pháp, bị trúng đạn bỏ mình, bà ba có câu đối khóc:
Chị thưa chị, một tiếng đùng, kiếp phù sinh ông lớn đã xong rồi, trị mà chi, loạn mà chi, ngơ ngẩn sống thừa, em với chị.

Con ơi con, ba đời dõi, gương thế phiệt chúng bay coi lấy đó, vinh là thế, nhục là thế, ngậm ngùi chết điếng mẹ cùng con …

Hạ đến chữ chúng bay thì rõ là giọng “bà tướng” có cái hùng khí coi thiên hạ như rơm rác. Có bạn cho đôi câu đối này là của vợ lẽ ông Cung Khắc Đản, xin khi vào đây để tồn nghi.
(Lãng Nhân Phùng Tất Đắc – Chơi chữ 1960)

 

Nhà văn (2)

Có một nhà văn động viên một người viết vào Hội. Người kia hỏi: “ Vào hội để làm gì?” . Anh nhà văn kia cười: “ Vào để khỏi phải viết nữa”. Anh ấy hài hước như vậy vì thực tế có những người vào hội rồi, vỗ ngực xưng danh “ ta là nhà văn”, rồi bẵng bặt có khi vài ba năm sau mới viết được một truyện ngắn, để nhắc với mọi người rằng “ ta là nhà văn”. Thế nên, điều lệ mới đây của hội nhà văn đã phải nhắc đến thời hạn không sáng tác của nhà văn để giới hạn độ “lỳ” của những nhà văn chỉ cần có cái danh xưng.

(Nguyễn Đức Thiện – Danh xưng “Nhà văn”)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search