T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: Tôi đi tìm Tào Tháo

Người từ muôn năm cũ – Tranh: Thanh Châu

 

Là Bắc kỳ đặc, nằm co ấm ổ rơm ôm bó chữ “Sĩ phu Bắc Hà” thấy cảm khái gì đâu, mặc dù chả biết người Thăng Long ngàn năm văn vật nhất thanh nhì dáng ở cái khổ nào.

Rồi thì cái hào khí của một tôi co cỏm dần theo ai đấy…

Người Hà Nội thuộc thế hệ cũ có cái dáng vẻ thanh lịch truyền thống. Ngôn ngữ họ thanh lịch. Tác phong họ thanh lịch. Cách hành xử của họ cũng thanh lịch. Nét thanh lịch ấy không còn thấy ở thế hệ bây giờ với những người gốc Thanh-Nghệ. Bây giờ cũng vậy, thời nào cũng thế, Hà Nộị bao giờ cũng là nơi chốn các nơi hội tụ về và thanh lọc đi.

Một ngày một tôi ngẫn ngẫn mắc chứng gì dân Thanh-Nghệ…“hội tụ” về đây từ thập niên 40. Sau đó làm như có hẹn hò nhau từ kiếp trước, người “cá gỗ xứ Nghệ” kéo theo người Đàng Trong thổ cư Bình-Trị-Thiên tới ám quẻ đất Bắc tôi, sau một mùa thu chết trở thành “Bắc kỳ ăn cá rô cây”. Mụ chữ tôi bèn ngẫm nguội sĩ phu Bắc Hà, ông ở đâu? Hay như thời Lê-Trịnh, ông lừng lững phong kiếm quy điền, đóng cửa tạ khách, nhìn đám kiêu binh gốc Thanh Hoá-Nghệ An làm loạn, đốt phá kinh thành Thăng Long. (còn được gọi là lính tam phủ từ thời Trịnh Khải và chấm dứt khi Quang Trung kéo quân ra Bắc Hà)

Đến thiên niên kỷ 21, theo ai đó…

Trong số di dân có tội đồ, tù binh của chúa Trịnh, đào binh của chúa Nguyễn được đưa vào phương Nam khai khẩn đất hoang, họ mang khí phách của 18 anh hùng Lương sơn bạc nên chỉ thích lám tướng đánh giặc. Ở miền Trung, ranh giới Nghệ An-Hà Tĩnh chiều ngang chỉ 40 cây số, thắt lại như cái cổ họng đến nghẹt thở. Thế nên một ngày như mọi bữa của người vùng đất này là: sáng tụng kinh, trưa làm giặc, chiều ngâm thơ. Còn người miền Bắc ở đất ngàn năm văn vật với nghìn năm mây bay cùng tiếng Bắc chuẩn xác nhất nước, nói rắn trong hang cũng phải bò ra nên chỉ thích làm thầy….

 

***

Thế là mụ chữ tôi, trong cái đầu chờ vờ như cá trê gặp nước mặn nhẩy bung lên khỏi mặt nước chuyện Tôi đi tìm Tào Tháo với đầu trỏ xuống, cuống trở lên thế này đây….

Chuyện là sĩ phu Bắc Hà có Lê Đức Thọ (người Nam Định) làm thầy…dùi cho Lê Duẩn (thổ ngơi Bình-Trị-Thiên ở Quảng Trị). Người Quảng Trị đây về khoản tàn ác cũng có chút tiếng tăm, hoang dâm vô độ cũng chẳng kém ai, cũng lưu danh hậu thế.

Lê Đức Thọ có vẻ tài ba hơn, thông tuệ hơn Lê Duẩn về khoản giết người một cách đam mê, nâng giết người lên hàng nghệ thuật. Lê Đức Thọ như Tư Mã Ý làm quân sư cho Tào Tháo và cũng như Tư Mã Ý, người Lê Đức Thọ cũng thích làm vua.

Ông Trường Chinh (Nam Định) cũng thích làm vua, vi ông được “bốc” như vầy:

“Tôi (Võ Văn Kiêt) hoạt động ở miền Nam nên chỉ hình dung diện mạo qua tên từng đồng chí. Tới năm 1950, ra chiến khu Việt Bắc dự Đại hội đảng lần II, tôi mới được gặp các đồng chí: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp…Tôi được nghe kể về vua Quang Trung và rất ấn tượng với hình ảnh “Sĩ phu Bắc Hà”. Tôi có cảm giác đồng chí Trường Chinh như một sĩ phu với những đặc trưng đáng kính của một nhà Nho tu thân, tề gia, trị quốc…”.

Nói cho ngay tạp bút này mặn chuyện với Quang Trung thì ít mà mọc ra chuyện Tào Tháo thì nhiều. Vì ông họ Tào có 10 câu tào lao được ghi chép lại thì các đồng chí lãnh đạo đều thủ kỹ vào túi để thủ thân. Gần đây người trong nước cho rằng ông Hồ sai vì ông không cõng Marx và Lenin về nước thì nuớc ta cũng độc lập, Vì hai ông này mà gần hai triệu người Việt ta nằm xuống. Nhưng ông Hồ học khôn vay mượn Tào Tháo: “Biết mình sai nhưng không bao giờ nhận mình sai”. Phạm Văn Đồng học mót Tào Tháo: “Phàm những chuyện đại sự trong thiên hạ nên về nhà hỏi vợ, vợ bảo sao cứ làm ngược lại. Ắt là thành công”. Lê Duẩn thuộc bài hơn: “Mỹ nhân trong thiên hạ đều tầm thường với ta, duy nhất chỉ có vợ thiên hạ là ta thích thú” nhưng ấy là chuyện sau. Chuyện lúc này tới về sau là Lê Duẩn rấm rẳn với Lê Đức Thọ: “Tại sao lòng bàn chân trắng hơn mặt và tay?”. Tích từ họ Tào hỏi Tư Mã Ý: Người Tư Mã nghĩ hoài không biết trả lời sao. Tháo bảo: “Vì lòng bàn chân nó biết giấu mặt”. Lòng bàn chân ai cũng có phần lõm vào, có thể giấu được cái gì đó. Vậy nên ở đời đừng để người ta nhìn hết ruột gan mình. Ám chỉ Tháo biết ông quân sư có ý làm vua nên cảnh cáo. Như Lê Duẩn biết tỏng ý đồ Lê Đức Thọ muốn làm tổng bí thư nên phải thủ thân.

Ôi thôi trong lãnh đạo cao cấp như Tào Tháo thì nhiều như nấm sau cơn mưa. Nhưng “Ai” là Tào Tháo đích thực thì phải hỏi triết gia Trần Đức Thảo, khi này ông đang khóm róm …chăn bò ở Việt Bắc. Với Việt Bắc.thì khởi đầu bằng vào phe Đàng Trong với ông Phạm Văn Đồng (Quảng Ngải), Võ Nguyên Giáp (Quảng Bình) sang Tàu gặp ông Hồ (Nghệ An).

Chuyện ông Hồ rối như con rối nước bởi nhẽ này đây:

Năm 1911, ông xuống tầu làm phụ bếp. Từ Pháp ông đi Mỹ (là nghi vấn của dật sử), ông đi Anh, đi Nga, với tên Nguyễn Tất Thành. Cái tên rối rắm ở Pháp là Nguyễn Ái Quốc, là bút hiệu chung của Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường. Khi ở Tàu, ông lấy tên Hồ Chí Minh. Hẳn là ông vay mượn họ Hồ của Hồ Quý Ly có quốc hiệu là Đại Ngu?.

Từ Tàu về hang Pắc Bó, Cao Bằng (cách Cao Bằng 55 cây số) hành lý của ông là một chiếc vali nhỏ đan bằng mây đựng hai ông Marx, Lenin và một chiếc máy chữ xách tay. Dòng suối lớn chảy qua đây được ông Hồ gọi là suối Lê-nin, ngọn núi đá cao được gọi là núi Các-Mác để gợi hứng cho ông viết lách. Ông có tới 173 bút danh khi viết báo, làm thơ. Trong số bút danh này có Trần Dân Tiên để ông như gà ấp bóng viết tiểu sử của mình.

Nhưng trong tiểu sử, Trần Dân Tiên không ghi chép chuyện này:

Tố Hữu duyệt kịch bản phim Nguyễn Tất Thành. Tố Hữu sầm mặt lại nói: “Tôi không thích cái tên Nguyễn Tất Thành. Là gì đây? Chẳng là gì hết! Phải là Nguyễn Ái Quốc vì Nguyễn Tất Thành đã đầu hàng giai cấp công nhân, đã sang Nga làm việc cho Quốc tế”. Thế là đao phủ thủ Tố Hữu cắt béng phim “Nguyễn Tất Thành. (khi ông Hồ bị thất thế, xem trang 4)

Sau cuộc Cải cách ruộng đất thất bại, Trường Chinh bị mất chức. Ông Hồ gọi Lê Duẩn từ trong Nam ra để làm bí thư thứ nhất. Ông chọn Lê Duẩn vì không dính dánh gì đến Cải cách ruộng đất. Lý do nữa vì đảng cộng sản đang mưu toan thôn tính miền Nam.

(….có thể vì “địa phương tính” Bình-Trị-Thiên, ông chọn Lê Duẩn gốc Quảng Trị. Cũng như vì “huyện bênh huyện phủ bênh phủ”, Lê Duẩn chọn Tố Hữu gốc Thừa Thiên…)

Lê Duẩn đề cử Lê Đức Thọ giữ chức Trưởng ban tổ chức đảng vì hai người quen biết nhau ở trong Nam. Năm 1945, phong trào kháng chiến chiếm chính quyền tai Sài Gòn, phong trào (Nguyễn Văn Trấn) đã không đón Lê Duẩn ngay. Được đón về Sài Gòn, ông vẫn bị…bỏ quên, phải đợi khi Lê Đức Thọ vào Nam, ông mới được trọng dụng.

Lý do rất củ chuối nữa để ông mắc nợ Lê Đức Thọ…

Bà Nguyễn Thụỵ Nga năm 14 tuổi lỡ theo “mấy chú” đi hoạt động kháng chiến và chót yêu một chú có vợ: Đó là Nguyễn Văn Trấn. “Chú” vừa là người lãnh đao cướp chính quyền tai Sài Gòn trước đó và cũng là “hung thần chợ Đệm” lúc bấy giờ. Cuộc tình kìm nén suốt 10 năm thì bị tỉnh uỷ Cần Thơ khám phá và bà Nga bị chuyển công tác về Sài Gòn.

Đúng lúc bí thư Xứ uỷ Lê Duẩn xuất hiện. Bà là người chăm lo ăn uống cho Xứ uỷ nên tâm sự với ông: “Lên Sài Gòn với tôi không là công tác khó và nguy hiểm. Nhưng bảo tôi thôi yêu người tôi đã yêu thì khó làm được. Xa nhau cũng được, nhưng yêu là do trái tim tôi, đừng bắt buộc”. Ít lâu sau Lê Đức Thọ xuống Cần Thơ công tác, ông nói: “Nếu cưới vợ tôi thích người chung tình như chị Nga”. Lê Đức Thọ “xúi” bà Nga lấy Lê Duẩn vì vợ Lê Duẩn bị kẹt trong vùng địch. Sau đám cưới qua Lê Đức Thọ làm “ông mai. Bà có thai, lên Sài Gòn sinh con gái đặt tên là Lê Vũ Anh. Thời gian này ông Hồ gọi ông ra Bắc…

(nguồn trích hồi ký của bà Nguyễn Thụỵ Nga trang 421-424).

Sau này như một ngẫu nhiên, nhà của Nguyễn Văn Trấn (tác giả cuốn Gửi Mẹ và Quốc hội) lại gần nhà bà Nguyễn Thuỵ Nga ở Nghi Tàm. Nguời viết tiểu sử Hồ Chí Minh gặp tác giả Gửi Mẹ và Quốc hội dưới loáng thoáng mưa, quần đùi xà lỏn, trơ giẻ xuơng sườn, cái bụng lép kẹp. Ông đứng ở đầu ngõ nhà bà Nga như…một tượng La Hán chùa Tây Phương.

(…theo ngoại sử: Một đêm, Lê Đức Thọ dàn cảnh cho Lê Duẩn hiếp bà Nga rồi bà phải lấy Lê Duẩn. Vì vậy Lê Duẩn phải “cõng” Lê Đức Thọ từ năm 1956 đến chết là năm1986…)

Từ miền Nam ra, không có hậu thuẫn đảng nên Lê Duẩn phải dựa vào Lê Đức Thọ, để mặc cho Lê Đức Thọ thao túng về “nhân sự” của đảng. Suốt hơn 20 năm sau 1956, vì lý do chiến tranh, không có đại hội đảng nào được triệu tập nên Lê Đức Thọ với cương vị trưởng ban tổ chức Trung ương đảng được toàn quyền sắp xếp và thay đổi nhân sự trong đảng..

Giống như Nga Xô và Tàu, mỗi lần thay đổi nhân sự, bầu tổng bí thư đều có “quan chức” khi không chết…bất đắc kỳ tử. Mặc dù không nhiều bằng Nga Xô hay Tàu, nhưng tính theo tỷ lệ dân số không phải là ít. Vì có nhiều cuộc thảm sát ít người hay biết như vụ xử tử 10 người Hoa có đảng tịch ngay tại ty công an Tuyên Quang do chính Lê Dức Thọ ra lệnh giết.

– Chu Văn Tấn, bộ trưởng quốc phòng, vì bị nghi ngơ gần gũi với Hoàng Văn Hoan, sau khi Hoàng Văn Hoan trốn sang Tàu nên bị bắt. Chu Văn Tấn…“tự tử” trong tù.

– Năm 1986, Lê Duẩn chết, kéo theo những cái chết mờ ám như: Lê Thiết Hùng, chỉ huy trưởng trường Lục quân Quốc Tuấn. Tạ Quang Bửu, thứ trưởng quốc phòng.

– Đại hội đảng VI, đại hôi này hay xảy ra đột tử như Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, thì sau đó Lê Đức Anh liền thế hai ông này làm bộ trưởng quốc phòng. Đại hội VII, Nguyễn Đình Tứ chuẩn bị lên Chủ tịch nhà nước cũng lại đột tử, Lê Đức Anh cũng lại lên thay.

– Tướng Phan Bình, đặc trách tình báo quân đội, cũng “tự tử” trong tù như Chu Văn Tấn. Vợ kể lại khi đưa xác về nhà, con Phan Bình kêu khóc: “Bố bị người ta bắn chết”. Tức thì con Phan Bình bị công an đưa vào bệnh viện tâm thần rồi mấy ngày sau chết trong đó.

(…nếu như trong bộ Chính trị của Nga Xô Brezhnev/tổng bí thư, Gromyco/ngoại giao, Andropov/công an đều ở lỳ chức vụ trên dưới 2o năm. Thì những khuôn mặt lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam cũng vậy như Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Trần Quốc Hoàn. Nói đến đảng cộng sản phải nói đến công an bắt bớ, thủ tiêu mà ông trùm công an là Trần Quốc Hoàn. Ông này cùng “thổ ngơi” Nghệ An với ông Hồ.  Khởi đầu Trần Quốc Hoàn (vợ là đại tá công an) là thứ trưởng bộ Công an của ông Hồ, sau là bộ trưởng bộ Công an của Lê Duẩn .

Nhưng còn một người nữa nấp trong bóng tôi là Dương Thông.

Dương Thông trước là đại tá, sau là trung tướng thuộc bộ Công an. Nhưng trực thuộc Lê Duẩn đà ám hại nhiều người trong vụ án xét lại. Dương Thông là em vợ Lê Duẩn…)

Theo tác giả Trần Nhu: Võ Nguyên Giáp những khi không nhận “công tác” bất khả thi của đảng. Lê Đức Thọ dọa sẽ gây khó dễ cho ba người con đang du học ở nước ngoài

Cũng đi du học, con gái Lê Duẩn là Lê Vũ Anh lấy ông thầy người Nga sau đó bị tai nạn xe cộ (?). Người ta đồn cái chết này do Lê Đức Thọ (?) ra lệnh để giữ uy tín cho lãnh tụ….

Cô Lê Vũ Anh du học Moskva. Luật của sứ quán cấm sinh viên không được kết hôn với người ngoại quốc. Ông giáo sư môn toán vật lý học MGU tên Viktor Maslov hơn cô 20 tuổi, là người đã có vợ, ngoài tiết học ông còn kèm tiếng Nga và môn vật lý cho riêng cô tại thư viện. Ông yêu thầm cô rồi tỏ tình. Cô sau một thời gian đắn đo đã ngả vào vòng tay ông thầy, hai người vẫn lén lút gặp nhau ở nhiều nơi khác nhau.

Ông không biết cô là con gái của Lê Duẩn, đến khi KGB cho hay ông nên chấm dứt liên hệ với cô vì bố cô sắp qua Moscow gặp Brezhnev. Ông muốn ngà bổ chửng ra vì gặp Brezhnev thì phải là Lê Duẩn. Có thể vì bố, cô cắt đứt tình yêu với ông thầy bằng cách lấy chồng (người Việt). Ít lâu sau nghĩ lại, cô quay về với Viktor Maslov. Và họ lấy nhau có 3 người con, khi sinh đứa con thứ ba cô bị băng huyết. Viktor Maslov thuật lại trong hồi ký:

“…Tôi nghi người ta đã đầu độc Vũ Anh. Tôi chia sẻ phỏng đoán với các bác sĩ. Họ không loại trừ khả năng ấy, vì các vết xanh-đỏ trên da. Sau đó nhiều năm, khi nằm điều trị tim tại bệnh viện tim mạch, tôi quan sát thấy người ta đã tiêm geparin cho các bệnh nhân để làm loãng máu, và trên người họ cũng xuất hiện những vết xanh-đỏ như thế. Theo quan điểm của tôi đã xuất hiện thêm một phương án khả tín: việc chảy máu là do tác động cố ý, bằng cách tiêm thứ thuốc đó. Không phải tự nhiên Vũ Anh đã linh cảm thấy tai họa. Trong đám tang bà mẹ đau khổ đến mất trí. Bà ấy (bà Nguyễn Thụỵ Nga) nói với tôi rằng cha của Vũ Anh đã giết con và muốn giúp đỡ tôi đưa bọn trẻ về Việt Nam…”.

(nguồn trích hồi ký gần 34 trang của Viktor Maslov)

***

Để dón chuyện “Đa nghi như Tào Tháo” như khi đưa Trần Đăng Ninh sang quân đội. Vũ Đình Hùynh hỏi ông Hồ: “Anh Ninh biết gì về quân đội mà cụ đưa sang anh Giáp”. Ông hỏi lại: “Thế không sợ chú Giáp thành quân phiệt à?”. Ông bụng óc bóc vậy vì với đảng thì chính quyền ra từ nòng súng, nên ai chĩa nòng súng ra là đảng sợ. Mà ông cũng “cá gỗ xứ Nghệ” quá lắm, vì Trần Đăng Ninh là người thân cận theo ông từ Nga sang Tàu. Hộ tống ông tới Tàu, đứng bên đường chờ họ, ông đang hút thuốc, ông Ninh bảo: “Bác cho tôi một điếu”. Ông lắc đàu: “Chú hút thì chú mua sao lại đi xin”. Xe đến bứt ông Hồ đi tuốt luôn, vứt ông Ninh ở lại giữa đường phố Bắc Kinh và chả biết ông Hồ đi đâu?.

Nhưng với chuyện ông đi đứng thì chuyện này đã thành giai thoại:

Năm 1946, ông Hồ từ hội nghị Fontainebleau về bằng đường thủy, tới Hải Phòng lên Hà Nội bằng xe lửa. Đến ga Hàng Cỏ, dân vẫy tay phất cờ chào đón. Ông lên đài đáp từ xong có người nhét ông vào xe để “diễu hành”. Mãi gần đây người ta mới biết “ông đeo râu” ngồi trên xe diễu hành là ông Hồ giả nhòm ra vẫy vãy đồng bào. Phản động phơ thì “ông đeo râu” hứng đạn. Đến cải cách ruộng đất, “ông đeo râu” bị đấu tố là địa chủ. Vừa lúc Tào Tháo/Hồ Chí Minh xuất hiện và cười khẩy: “Thà ta phụ người chứ không để người phụ ta”.

Ông đa nghi như Tào Tháo (nhưng thực ra Tào Tháo có câu để lại cho người sau: “Không tin thì không dùng, đã dùng là phải tin”) ẩn hiện như ma trơi vậy mà vẫn bị ông Tào Mạnh Đức/Lê Duẩn bịt mắt dắt đi chỗ khác chơi…tới tận Bắc Kinh ..

(…từ Bắc Kinh, ông về nước ban đêm bằng máy bay nhỏ. Về đến sân bay Bạch Mai phát hiện đèn hiệu đã bị đặt lệch 15 độ, hạ cánh theo nó thì đâm cổ hết xuống khu ao đầm quanh đó. Anh phi công đành xin hạ cánh mù, là theo thói quen. Ông thóat bị sát hại…

Trong khi ấy, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Trần Quốc Hoàn, Tố Hữu đứng ở sân bay Bạch Mai ngóng cổ lên trời đợi. Sau đó có họp hội nghị, ông hỏi trận Mậu Thân đang diễn tiến…Chưa hỏi hết câu, Tố Hữu ngắt lời luôn: “Bác chữa bệnh ở xa lâu ngày, nhiều cái bác không biết”. Ý Tố Hữu là thôi đi,…bác hỏi làm gì…)

Ông lạc vào bát quái trận đồ với hỏa mù tối như đêm dày như đất thế này đây:

Chiến dịch Mậu Thân lên kế hoạch sau “những cuộc họp liên miên” và “tranh cãi gay gắt” vì có hai khuynh hướng: Một xu hướng cho rằng phải đánh bằng quân sự do Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đưa ra, hậu thuẫn là Lê Duẩn.

(…Lê Duẩn không ưa tướng Thanh vì Mao Trạch Đông ép Lê Duẩn chọn tướng Thanh. Thêm trong lý lịch, tướng Thanh bị tì vết khi bị Pháp bắt đã khai những công tác nội thành…)

Xu hướng vừa đánh vừa đàm, người đứng đàu là Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, đứng sau là Võ Nguyên Giáp. Tháng 6-1967 đôi bên thống nhất: Đánh với ý đồ chiến lược được hình thành có tên là “Kế hoạch 67-68”.

Đầu tháng 7-1967, Bộ chính trị làm cơm tiễn đưa Nguyễn Chí Thanh trở lại miền Nam cùng dự có ông Hồ. Sau bữa cơm tướng Thanh ngồi lại khá lâu với tướng Giáp và rất tâm đầu ý hợp. Tối về nhà cảm thấy choáng mệt, gần sáng tướng Thanh được đưa vào Quân y viện 108. Nhưng vừa đặt xuống giườnh bệnh, thì từ miệng tướng Thanh phát ra những tiếng “ặc…ặc…”, mặt tím ngắt rồi nhắm măt. Bệnh viện kết luận là “nhồi cơ tim”.

(…trong hồi ký của ai đấy viết: “Một nỗi đau của bác Hồ là mấy vị đầu não của đảng không ưa nhau. Từ 1966, bác hay mời cơm mấy vị sang ăn nhưng chả ai nói với ai câu nào. Riêng Trường Chinh vì lý do nào đó không ăn ở chỗ lạ…).

Sự ra đi của tướng Thanh làm tướng Giáp bị sốc, ngay sau tang lễ của tướng Thanh, tướng Giáp được…“sốc” đi Hungary dưỡng bệnh (theo hồi ký, ông cảm thấy mệt nên gọi xe cấp cứu, ngỡ xe đua vào bệnh viện thì xe cấp cứu đưa thẳng ra phi trường). Hai tháng sau, ông Hồ cũng được cho đi nghỉ…mát ở Bắc Kinh. Lê Đức Thọ gửi thư cho ban Tổ chức Trung ương: “Bác mệt, phải đi nghỉ đông Từ nay, ai làm việc với Bác thì làm việc với đồng chí Lê Duẩn”. Kế hoạch 67-68 được đổi tên là “Chiến dịch Quang Trung” vừa đánh vừa đàm dưới quyền chỉ huy của tướng Nguyễn Văn Vịnh. Sau cuộc họp trung ương, tháng 1-1968, Lê Đức Thọ lên Bắc Kinh “báo cáo bác Hồ”. Tướng Giáp nhớ lại sắp nổ súng thì Bác điện thoại cho tôi: “Chú thu xếp về càng sớm càng tốt”. Từ Hungary, tướng Giáp bay về Bắc Kinh. Ngày 29 thág Chạp, những binh đoàn Bắc Việt đang áp sát các đô thị miền Nam thì “Cha già dân tộc” và “Anh cả của quân đội” đang bị an trí ở Bắc Kinh.

(…khoảng thời gian Mao Trạch Đông cho Hồng vệ binh “đánh” xét lại Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình và sau khi cho Lê Duẩn nằm chờ một tháng không tiếp (vi họ Mao chỉ cho ăn cơm hẩm nên tao đoạn này người Hà Nội gọi Lê Duẩn là: Câu Tiễn). Họ Mao chỉ thị cho Lê Duẩn đích danh tướng Giáp, phái hữu, phải xuống, Nguyễn Chí Thanh, phái tả, cần đưa lên. Tướng Giáp phải xuống vì Lê Đức Thọ với cương vị trưởng ban tổ chức đảng nắm giữ hồ sơ của tất cả đảng viên, nên đã biết được nhiều yếu điểm trong lý lịch Võ Nguyên Giáp như con nuôi của chánh mật thám Marty. Và cũng làm đơn đi Pháp học như ông Hồ, v…v…)

Cùng ngày 29, tướng Giáp bay về Hà Nội. Bốn ngày sau tướng Nguyễn Văn Vịnh bị vô hiệu hoá và phải về Hà Nội. Lê Đức Thọ kêu tới nhà riêng và tước tất cả những chức vụ: uỷ viên dự khuyết trung ương đảng, thứ trưởng quốc phòng. Khoảng 30 nhân viên cao cấp thân cận với tướng Giáp bị bắt như: Thiếu tướng Đặng Kim Giang, Cục trưởng Cục II Đại tá Lê Trọng Nghĩa, Cục trưởng Cục tác chiến Đại tá Đỗ Đức Kiên, v…v…Trận Tết Mậu Thân với Tào Tháo/ Lê Duẩn “Thắng bại là chuyện thường tình của binh gia”, nhưng với Lê Duẩn đã đánh tan được “vai trò cầm đầu của tướng Giáp” trong vụ xét lại.

Cũng như ông Giáp, ông Hồ bị Lê Đức Thọ nắm được điều gì trong lý lịch, thảng như vụ cụ Phan Bội Châu (Nghệ An) bị ông Hồ (Nghệ An) tố cáo để mật thám Pháp bắt. Riêng Lê Duẩn vì thấy ông Hồ giống in hịt mình ở khoản hoang dâm vô độ cũng chẳng kém ai, cũng lưu danh hậu thế. Bởi dựa dẫm vào Tố nữ kinh: có quyền lực thì ham mê tình dục, vì vậy Lê Duẩn, Lê Đức Thọ dàn dựng chuyện lung tung trống kèn giữa ông với Nông Thị Xuân. Trùng hợp một tháng sau khi đẩy được ông đi Bắc Kinh, bí thư của ông là Vũ Đình Huỳnh bị bắt. Vụ án được gọi là  “chống đảng” do Lê Đức Thọ và Trần Quốc Hoàn trực tiếp chỉ đạo.

(…trong “Đêm giữa ban ngày” của Vũ Thư Hiên viết: “Cha tôi (Vũ Đình Huỳnh) sai tôi chở ông lên đường Cổ Ngư cũ về phía Chèm. Tới dốc lên đê, ông bảo tôi dừng xe và nói: “Con nhớ lấy chỗ này, quãng gốc cây thứ tư và thứ năm từ trên đê đổ xuống”. Cha tôi chỉ tay về phía trước: “Nơi này đã xảy ra một tấn thảm kịch mà rồi đây con phải tìm hiểu để mà viết…”. Với chuyện là vào một buổi sáng mùa hè năm 1961 hay 1960, người ta thấy có xác một người đàn bà bị xe cán chết ở dốc Cổ Ngư lên Chém. Xác chết được đưa vào bệnh viện Việt Đức, được nhận dạng là Nông Thị Xuân. Nhưng xác không được mổ theo thường lệ mà bị chôn cất vội vã, theo lệnh của Trần Quốc Hoàn.

Thêm vì cây dây quấn của một tác giả khuyết danh:

Em Nông Thị Xuân là Nông Thị Vàng vội chạy về báo cho người chồng sắp cưới đang ở tỉnh Cao Bằng. Cô Vàng biết chắc rằng cô cũng sẽ bị thủ tiêu vì vô tình cô chứng kiến chị của cô bị sát hại bằng cách bị trùm chăn lên đầu rồi bị đập bằng búa…Ngày 2-11-1957, cô Vàng bị giết chết và xác được tìm thấy trên sông Bằng Giang. Năm 1983, gần cuối đời, chồng sắp cưới của cô Vàng làm đơn khiếu nại lên Chủ tịch quốc hội Nguyễn Hữu Thọ…).

***

Đến tuổi gần đất xa trời, săm nắm theo ông Hồ làm di chúc, Lê Duẩn phải lo đến nhân sự kế thừa, ông không chọn Trường Chinh vì năm 1963, Lê Đức Thọ mang thư của Trường Chinh vào Nam phê bình ông. Vì vậy suốt ba mươi năm, Trường Chinh đã bị Lê Duẩn gạt ra ngoài như một kẻ đứng bên lề, không có thực quyền (chủ tịch quốc hội).

Lê Duẩn không tin Lê Đức Thọ. Vì Lê Duẩn không thể không tự hỏi sao Lê Đức Thọ lại cho Hoàng Văn Hoan đi chữa bệnh rồi chuồn sang Bắc Kinh. Chuyện là Hoàng Văn Hoan đi Đông Đức chữa bệnh, khi máy bay tạm ngừng ở Karach, Hồi Quốc, bỏ trốn sang Tàu (như Kissinger) được Tàu giúp đỡ lập “Măt trận giải phóng” để đêm đêm lên đài đọc hồi ký chửi mê tơi ông. Mà không chửi Lê Đức Thọ?. Lê Duẩn không thể không biết người ta đang xì xào: “Anh Thọ sẽ là tổng bí thư, thực chất đã thế”. Tai mắt của ông sao lại không biết chuyện Lê Đức Thọ dạm ý Vũ Oanh, phó ban tổ chức ủng hộ mình lên tổng bí thư

Lê Đức Thọ đến Nghi Tàm thăm dọ ý để được đề cử làm tổng bí thư, Lê Duẩn trả lời: “Anh háo danh nên tôi cho anh đi Paris đàm phán. Thôi, anh về đi, tôi không muốn nhìn thấy mặt anh nữa”  Lê Duẩn đuổi thẳng cánh. Ông cũng sợ Lê Đức Thọ vì qua vợ con thổ lộ sợ sau khi Lê Duẩn mất sẽ bị Lê Đức Thọ thanh toán. Nên ông phải tính…(xem trang 7)

Và ông chấm Tố Hữu (Thừa Thiên) là tổng bí thư. Thực ra không phải đợi đến lúc này vì từ Đại hội đảng IV, Tố Hữu được ông cử làm phó thủ tướng đặc trách kinh tế. Tố Hữu rất trung kiên về ý thức hệ, rất tôn phục Nga Xô. Trong giai đoạn này, bộ chính trị quyết tâm xã hội chủ nghĩa hoá kinh tế theo khuôn mẫu Nga Xô. Vì vậy Tố Hữu được ông nâng đỡ và dự trù sẽ thay thế Phạm Văn Đồng làm thủ tướng khi ông này về hưu.

Đến đây người ngợm một tôi cứ thủng ra vì cớ sự gì Lê ông không chọn Phạm Văn Đồng. Một tôi đồ là vì ông Đồng là người ngồi ghế thủ tướng kỹ nhất thế gian: 32 năm. Bởi thế một tôi đoán chừng ông quái ngại ông Đồng làm tổng bí thư như mình mấy chục năm nữa thì…khổ cho dân. Thêm nữa, ông.nghĩ dại lỡ ông Đồng lại gửi công hàm cho tổng lý để xác nhận “Được lớm, được lớm” thêm 12 hải lý với Trường Sa thì bỏ bu. Mà ông Duẩn cũng chả hơn gì, ông “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, nay người Hà Nội nhúc nhắc: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Hoa vào”. Người Hà Nội được thể vun chuyện: “Thằng Tây nó tếch, thằng Tàu nó sang”. Bắt qua Trường Sa, trong cuộc biểu tình ở Hà Nội, dân đã giương cao tên các người lính hải quân Sài Gòn Sài Gòn hy sinh năm 1974 ở Hoàng Sa và gọi họ là liệt sĩ, anh hùng. Người Hà Nội đã đón nhận vào lòng mình người lính Sài Gòn. Hạm trưởng Sài Gòn hy sinh tên: Nguỵ Văn Thà. Họ bảo nhau cùng hô to vang trời đất: Thà như Ngụy.

Chuyện Khổ cho dân qua báo Le Monde đăng chuyện tiếu lâm của tác giả Van Dulik.

Chuyện này được thư ký của ông Lê Duẩn kể cho ông nghe: (nghe xong ông cười, theo nguồn của người viết giai thoại này). Trên máy bay có Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng. Trước cảnh hoang tàn đau khổ của đất nước, Lê Duẩn động lòng trắc ẩn nói: Tôi có 100 đồng đây, ném xuống, ai nhặt được thì biết thế nào là hết khổ. Trường Chinh nói: Xin đổi ra tôi thì 100 nhà hết khổ. Phạm Văn Đồng nói: Nếu đổi ra tôi thì 1000 nhà hết khổ ngay ấy mà. Phi hành đoàn nói với nhau: Ném cả 3 ông xuống thì toàn dân hết khổ ngay”.

Có thể vì vậy mà ông không để mắt gì đến ông Đồng, và dường như ông đã chấm Tố Hữu làm tổng bí thư từ năm 1968. Năm ấy Lê Duẩn lên kế hoạch đưa Tố Hữu vào Bình-Trị-Thiên để rèn luyện, nhưng trận đánh tết Mậu Thân lại thất bái. Sau đó vì vụ đổi tiền thảm khốc của Tố Hữu năm 1985 đưa khủng hoảng lạm phát lên đến780% nên bị hạ tầng công tác. Ông bỏ ý định chọn Tố Hữu làm tổng bí thư. Từ đó có giai thoại từ phòng họp ra, mặt mày Tố Hữu như bánh xe xẹp lốp nên không biết xe mình tài xế đâu ở…mô.

Nếu Lê Đức Thọ tài ba về khoản giết người một cách đam mê, nâng giết người lên hàng nghệ thuật. Thì trong văn học Hà Nội, Tố Hữu có tên…đao phủ thủ. Và chuyện là:

Nguyễn Đình Nghi con nhà văn Thế Lữ thổ lộ: “Ông cụ tôi không hề hé ra một lời nào về hoạt động cộng sản của cụ. Nhưng khủng bố đỏ thì ghi lại và nói cho con trai ghi chép hết cả như đoàn kịch Anh Vũ của cụ đang dựng diễn ở Huế thì Việt Minh lùng bắt ông cụ để thủ tiêu (thời gian này Thế Lữ hoạt động cho VNQDĐ), may mà cụ trốn được. Dạo ấy Tố Hữu phụ trách Xứ ủy Trung Kỳ để trừ Việt gian ghê lắm. Chính dạo ấy Tố Hữu truy sát Phạm Quỳnh (1945) và các trí thức thân sĩ khác (Nguyễn Bá Trác) suốt cả dẻo Trung bộ.

Chuyện gì cũng có thể xảy ra dưới ánh sáng mặt trời qua Chuyện bây giờ mới kể

Một lúc Kim Lân rầu rầu kể: Tớ kể một chuyện về Nam Cao. Hồi ấy khoảng năm 1951, các đồng chí Trung ương nói phải lột xác, cải tạo triệt để, chứ lý lịch lập trường hôi hám quá.

Một hôm ông Nam Cao đọc bản thảo để tổ văn nghệ góp ý. Đang đọc đến chương ba, Nguyên Hồng cườ phá lên: “Nam Cao lột xác bịa hay quá”. Chỉ sau đó vài tháng, Nam Cao nhận công tác vào Nam Hà khu III làm thuế nông nghiệp do các đồng chí của Mao sang dậy: Nam Cao bị Pháp bắn chết trên thuyền. Sau này có một lần Tô Hoà bảo tôi: “Nam Cao nếu còn sống thì không vướng vào Nhân Văn cũng sa vào xét lại như các cậu”.

Ấy thế mà Nam Cao chết, Tố Hữu lại bảo Kim Lân lên đường…Thì tớ lên đượng. May mà tớ nhát vì nghĩ đến Nam Cao, thuyền sắp đến bến, tớ bảo anh giao liên hãy cho thuyền ghé vào dưới bến một quãng xem sao Thì tớ nghe thấy lính Tây đang đợi sẵn xuỵt chó, tiếng chó đánh hợi tiếng đạn lên nòng xoành xoạch. Hãi quá, tớ vội tụt xuống đám bèo, thò cái mũi lên chờ. Khoảng nửa giờ, lính Tây bật lửa châm thuốc hút rồi kéo nhau đi. Thế là thoát. Hú vía! Không thì lại như Nam Cao. Tớ họp hay ngồi dưới cùng, một hôm ông ấy xuống hỏi sao không sáng tác. Này, ông Lành có con mắt ghê ghê nhìn tớ lạnh toát ngay người.

Những nạn nhân dưới tay “đao phủ thủ Tố Hữu” (mảng chữ của nhà phê bình văn học Hà Nội: Vương Trí Nhàn) trực tiếp hay gián tiếp có Nguyễn Hữu Đang bị đưa vào trại Cổng Trời, mười người vào, chín người để xác lại, chỉ một người ra. Vũ Trọng Phụng nằm trong sổ đen của Tố Hữu vì từng viết chửi Nguyễn Ái Quốc. Vì ông già Hải An trong Giông Tố ám chỉ  Nguyễn Ái Quốc. Quang Dũng vì ”Mắt trừng gửi mộng qua biên giới – Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” và “Tây tiến đoàn quân không mọc tóc”, nên cuối đời không được vào bệnh viện quân đội nên mất sau đó, vì Tố Hữu lắc đầu, phẩy tay. Cuộc đấu tố văn nghệ sĩ trụ chì là Tố Hữu diễn ra gay gắt căng thẳng, quyết liệt dồn người làm văn vào tận chân tường. Tác giả Lều chõngViệc làng đã phạm tội phục cổ nhằm mục đích gì đấy. Ông đã qua đời vào đêm tháng 4-1954 bằng cách thắt cổ tại nhà ở Yên Thế, Bắc Giang. Cái sự chết của ông khắc nghiệt đến mức nghĩa trang ở địa phương từ chối không cho chôn

***

Năm 1986, Lê Duẩn chết, dân chúng Hà Nội đứng hai bên đường đếm mấy bà tổng bí thư goá. Dân om thòm bảo nhau cái bà tre trẻ mặc áo đen dắt đứa be bé kia đứt đuôi là vợ tư. Ấy là chưa kể mấy bà bị gạt xuống nữa chứ. Cho cả mấy bà tổng bí thư goá lên thì không khéo phải hai ba xe nữa kìa. Ít ngày sau, dân Hà Nội rọ rạy con cháu Ba Duẩn đang bị kiểm điểm để “cải tạo”. Dân còn nói rõ con gái, con rể Lê Duẩn đang lo quăn đít.

(…theo kỳ thư Lớn lên với đất nước của tác giả Vy Thanh: Lấy lý do để các cán bộ cao cấp không bị bức xúc về sinh lý để phục vụ tốt cho xã hội chủ nghĩa. Nên đảng ra chỉ thị cho cán bộ cao cấp xa nhà trên 300 cây số được bỏ vợ cũ lấy vợ khác. Với tình dục hỗn mang tông tộc của nhà Trần không có chỉ dụ nào đại loại như thế. Với 300 cây số, ngẫm chuyện nhân sinh chỉ béo cho mấy ông Bình-Trị-Thiên. Ngược lại thì khốn khổ cho mấy bà. Vì thế mới có chuyện như bịa: Một bà vợ ở nhà quê, xa chồng mấy chục năm, đọc báo thấy tên chồng là tổng bí thư (tác giả không ghi danh tính), và ú ớ tên vợ không phải là mình…)

Lê Duẩn chết, dù thế lực Lê Đức Thọ còn mạnh nhưng vì nhu cầu cấp bách phải gần với Tàu nên nhân vật số hai trong Bộ chính trị là Trường Chinh được tạm cử lên tổng bí thư. (Nguyễn Văn Linh được đôn lên nhân vật thứ hai vì có khuynh hướng cởi mở với Nga Xô). Tướng Lê Đức Anh cho Lê Đức Thọ hay: Trong quân đội đang có vận động Võ Nguyên Giáp làm thủ tướng, Trường Chinh làm tổng bí thư, Phạm Văn Đồng làm chủ tịch nhà nước (Lê Đức Anh gặp Lê Đức Thọ xong, đi giật lùi ra cửa). Lê Đức Thọ cảm thấy bất an vì nếu để Võ Nguyên Giáp trở lại thì mình không còn đầu để đội mũ .

(…vì Lê Đức Thọ từng nói: Tao còn để cái đầu thằng Giáp trên cổ nó là may lắm rồi. Cấp lãnh đạo hay gọi người vắng mặt “thằng, nó”. Lê Duẩn rất thường hăn học xưng hô “mày, tao” với Lê Đức Thọ. Riêng Lê Đức Thọ, qua thư từ đôi khi xưng “em” với Lê Duẩn…)

Lê Đức Thọ cảm thấy thất thế với Trường Chinh-thân Tàu nên ngầm ủng hộ ông Nguyễn Văn Linh-thân Nga. Theo một tài liệu, ông gọi ông Nguyễn Văn Linh đến nhà và bảo: “Kỳ đại hội này sẽ sắp xếp đồng chí làm tổng bí thư”. Vì đã nắm quyền ở ban tổ chức đảng trên 20 năm, nên dù từ chức, ông vẫn còn ảnh hưởng lâu dài. Ông tính sẽ cho ông Nguyễn Văn Linh về và lúc ấy, đàn em ông sẽ lên và ông sẽ thu vén sơn hà vào tay.

Buổi sáng trước hôm đại hội chính thức, Lê Đức Thọ kéo Lê Văn Lương, Lê Thanh Nghị, Phạm Văn Đồng tới nhà Trường Chinh. (Lê Đức Thọ đẩy mấy thư ký và vợ con Trường Chinh sang phòng bên: Nhưng họ là nhân chứng vì nghe rõ hết cuộc dồn nén của lịch sử). Trước đó đã mấy phen Trường Chinh cự tuyệt ký vào thư xin nghỉ đã thảo sẵn mang đến tận nhà. Lần này chính ông dẫn một phái đoàn hùng hậu đến, Trường Chinh vẫn nói ở hay về tuỳ theo đại hội ngày mai. Cuối cùng Phạm Văn Đồng nói: “Anh là tổng bí thư yếu kém nhất xưa nay”. Phạm Văn Đồng bóng gío: “Anh không về sẽ có những điều không hay”.

Trời Hà Nội mưa nặng hạt, rét căm căm…Tin đồn mỗi lúc mỗi nhiều: Võ Nguyễn Giáp chắc chắn sẽ là thủ tướng, Lê Đức Thọ sẽ về hưu. Có một đại tá công an đang tại chức còn khoe bằng cách đưa ra danh sách Trung ương sắp bầu: Sau tên từng người có cả số phiếu: Võ Nguyên Giáp là thủ tướng, số phiếu bầu còn hơn Tổng bí thư Trường Chinh. Phiếu của Lê Đức Thọ gần bét. Có người la lên: Đất nước ta thế này sắp khá rồi đây.

Đến đây, một tôi chắc mẩm chức “tổng” còn ai trồng khoai đất này là người Hành Thiện, đất của văn học thì…Thì đại hội được “vẽ” lên TV.: Trường Chinh đọc báo cáo chính trị đánh giá trung thực, đảng mất lòng dân vì lời nói không đi với việc làm. Dân cảm động theo dõi. Đến sáu giờ, công bố nhân sự đại hội. Rụng rời. Trường Chinh rút. Nguyễn Văn Linh lên.

Ha! Ông Trường Chinh đây cũng đến hay, tên cúng cơm là gì mụ chữ tôi rửa óc nghĩ mãi mới ra! Hẳn là vì các ông làm cách mạng nên phải đổi họ tên, nay cách mạng đã mồ yên mả đẹp rôi, các ông phe lờ luôn tên họ bố mẹ đặt cho. Lạ một nhẽ sau 75, theo bước chim di của mấy ông đi Nga, đi Tàu, ấy vậy mà mụ chữ tôi chả thấy ông cố nội Bình-Trị-Thiên nào về thăm quê cha đất tổ. Nghĩ trộm chả phải tội tổ tông mà tội ở hai ông Marx và Lenin.

Quái hơn nữa mấy ông ngỏm củ tỉ, mẫu cáo phó được cắt xén theo chức vụ. Chết rồi chả ông nào chịu chôn cất ở quê nhà, chen chân vào nghĩa trang Mai Dịch, chê Văn Điển cổ lỗ sĩ. Trừ ông Giáp, tro tàn hương lạnh về lại đèo Ngang, Quảng Bình, để ông ngậm ngùi qua một thoáng mây bay ”Dừng chân đứng lại trời non nước – Một mảnh tình riêng ta với ta”.

***

Năm tao bảy tiết một tôi có giấc mơ “chữ nghĩa” về bài viết nó đang hành mình…

In hịt như cụ Hoàng Câm nằm mơ nghe bà hàng xóm ư hử “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng”, cụ tỉnh dậy hấm húi ghi chép trong bóng tối nên có bài Lá diêu bông. Như tối hôm qua đây, trong giấc miên du, một tôi gặp cụ Trung niên thi sĩ họ Bùi, cụ chào mụ chữ tôi: “Xin chào nhau giữa con đường – Mùa xuân phía trước miên trường phía sau”. Không đợi một tôi góp nhóp, cụ Bùi tồn lưu (bút danh của cụ Bùi Giáng) nhành mồm ra kể chuyện:

Ông Đỗ Mười nằm trong bệnh viện Việt-Xô. Lên cơn, ông tô hô bày của quý leo lên cây hô: “Xung phong, xung phong”. Các cô y tá chạy te vì trận địa pháo đài bày ra hết.

Cụ Bùi dùi (bút danh)…dùi vào đầu gáo tôi chuyện nữa:

Có một nhà báo nhận xét và hỏi bạn đồng nghiệp tại sao mặc quần tây mà ông bộ trưởng Đỗ Mười cứ xắn một bên gấu. “À, trước kia là hoạn lợn, ống quần bên chân xéo vào chuồng bắt lợn phải xắn lên, nên đã thành thói nghề”, bạn đồng nghiệp bung bét.

Thấy một tôi ngáo ệch ra vì thửa được sĩ phu Bắc Hà Đỗ Mười người Hà Đông thì ông lại là hoạn lợn, học đến lớp ba là hết đất. Trong cái hoài bão đi tìm sĩ phu Bắc Hà làm ông “tổng” cả nước như…tổng thống lại gặp người điên mới…điên người. Giống như tiên sinh Hiếu Tân người Tiều, người Quảng gì ấy với kỳ thư Ta khoái Tào Tháo viết trong cơn say: “Tào Tháo gian và ác với hồn nhiên và chân thật của hắn”. Cũng vậy, ông Đỗ Mười thường sảng khoái vô tư nói: “Tớ đã xấu giai lại dốt chữ, kém lý luận thì không khéo sau này thành công đấy”.

Bởi chưng ông Tào Mạnh Đức đã dậy: “Từ trước tới nay gian xảo và gian ác đều không thể nhìn thấy được dựa vào biểu hiện bên ngoài”. Thế nhưng với nhất thanh, nhì dáng qua giong trọ trẹ “Được lớm, được lớm”, nên một tôi tam toạng chả nhẽ hậu thân Tào Tháo là Đỗ Mười hay Phạm Văn Đồng chăng. Thấy vậy, cụ Đười ươi thi sĩ (bút danh) bảo tôi đi tìm Tào Tháo sao không hỏi sĩ phu Bắc Hà mà thần hoàng bản thổ cùng quê Thái Bình với một tôi:

Chuyện là ông Trần Đức Thảo đất Thái Bình đang chăn bò ở Ba Vì thì Phạm Văn Đồng bảo bà Nhất, vợ triết gia: “Chị hãy chịu khó lên Ba Vì khuyên anh ấy gắng cải tạo tốt….”.

Tất cả tang thương ngẫu lục của ông trăm sự ở ông Phạm Văn Đồng…

Ở Paris, Phạm Văn Đồng “tam cố thảo lư” mới đưa được ông về Hà Nội để “phụng sự đất nước”. Vì vụ phê bình Cải cách ruộng đất ông phải đi chăn bò và mất vợ. Sau 40 năm, theo hồi ký thì ông bị trục xuất khỏi Việt Nam như một thứ đồ phế thải. Nhưng họ lại gọi là chuyến đi công tác nghiên cứu khoa học (với một vé máy bay có đi không có về)

Tháng 4-1993, tin triết gia Trần Đức Thảo chuẩn bị họp báo để chính thức tuyên bố chọn tự do, được loan truyền khắp Paris. Nghe tin này có nhiều người lo ngại cho ông.

(qua Tố Hữu chuyện gì cũng có xảy ra với Nam Cao và Kim Lân ở trên)

Tại nhà khách của sứ quán số 2 Le Verrier, quận 5, ông bỗng nhiên bị thượng thổ hạ tả như bị trúng độc. Nhưng theo nhân viên sứ quán thì ông bị ngất xỉu rồi ngã cầu thang…

Đoạn văn của Phùng Quán (cháu Tố Hữu) nói về hành trình cuối cùng của triết gia.

Lần này triết gia trở về Hà Nội trong khoang hành lý máy bay, chiếm một chỗ hết sức khiêm nhường. Triết gia đã hoá thân thành tro nằm trong cái bình bằng kim loại màu xanh để ở dưới gầm cầu thang nhà quàn vì không có cơ quan nào nhận. Tôi được biết cái bình  tro tạm trú ở đây 50 ngày đêm để chờ quyết định trên chôn ở nghĩa trang nào.

***

Tối nay trong giấc ngủ, một tôi sẽ nhập hồn nhập vía vào bài viết để có một giấc mơ.

Tôi sẽ ghé nghĩa trang Văn Điển cổ lỗ sĩ để hỏi người sĩ phu Thái Bình: Ai là Tào Tháo? Và một tôi thiếp đi, trong giấc mơ về tới Sài Gòn, chưa kịp ra Hà Nội. Đang ngồi thì lì ở quán xá bên chợ Trương Minh Giảng, thì bắt gặp cụ Đười ươi thi sĩ đi ngang qua. Đeo trên vai cụ có dăm con khỉ già đang “khẹc khẹc” chí choé nhau. Chợt ngớ ra cụ quê Quảng Nam vỡi Ngũ phụng tề phi. Thế là một tôi ới cụ vào quán để hỏi lý sự gì người Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Ngãi như quỷ ám…ám quẻ đất Bắc tôi không ngóc đầu lên nổi. Cụ đùm đậu…

Vua Lê Thánh Tông di dân vào miền đất mới, trong số di dân có tội đồ bị lưu đày.

Nhà Lê chia tội lưu đày làm 3 hạng: Lưu cận châu (châu gần), bị đày đi Thanh Hoa, Nghệ An (sau đổi tên là Thanh Hoá), hình phạt thích vào mặt 6 chữ, đeo xiềng 1 vòng. Lưu ngoại châu (châu ngoài), bị đày xuống Quảng Bình, thích 8 chữ vào mặt, đeo xiềng 2 vòng  Lưu viễn châu (châu xa gần biên cương), bị đày lên Cao Bằng, thích 10 chữ vào mặt, đeo xiềng 3 vòng.

Các chúa Nguyễn theo chân nhà Lê, di dân từ Quảng Tri, Thừa Thiên tới Quảng Nam. Riêng tội đồ, tù binh chúa Trịnh, đào binh chúa Nguyễn bị đày xuống giải đất tận cùng là Quảng Ngãi.

Bỗng dưng cụ khẽ khàng với mụ chữ tôi mà rằng:

– Tiên sinh lộng chữ với danh xưng…“một tôi” là đúng quá rồi.

Cụ rọ rạy “một tôi” chỉ biết…một mà chả biết hai. Một trong hai cái không biết là:

Lịch sử kết tội nhà Mạc dâng đất cho Tàu. Nhưng nay sử gia Hà Nội dàn dựng lại nhà Mạc không có chuyện ấy. (vì ông Hồ cũng để mất đất cho Tàu).

Cái thứ hai một tôi không hay là: Trong số di dân thời Lê có họ Mạc. Họ này phải đổi họ vì tránh bị trả thù của vua Lê chúa Trịnh. Sau 14, 15 đời, họ Mạc có 37 họ khác nhau từ Cao Bằng xuống Thanh Hoá, Nghệ An và Quảng Ngãi (chi, hệ là Ông già Ba Tri ở Bến Tre).

Khi không cụ vắn vỏi:

– Tiên sinh đã tìm ra hậu thân của Tào Tháo chưa?

Không đợi một tôi gọ gạy, cụ dông dài:

– Đến giữa thế kỷ 20, cu ti tỉ muội của cao tằng tổ khảo họ Mạc, đổi họ, về lai Cao Bằng, đất cũ của tổ tiên để san sẻ cho Tàu, hẳn là vậy. Còn hậu duệ tứ ngũ lục đại của đám tội đồ Thanh-Nghệ và Bình-Trị-Thiên thay họ đổi tên và cũng ngược lên Cao Bằng ẩn náu trong hang hốc. Họ ngừng chân ở chốn cũ một thời gian rồi kéo về đánh chiếm Hà Nội để trả thù món nợ truyền kiếp tự trăm năm. Chuyện là vậy đấy, thưa tiên sinh.

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 

Nguồn: Trần Quốc Vượng, Huy Đức, Vương Trí Nhàn, Hoàng Tùng

Trần Đỉnh, Nguyễn Văn Lục, Trí Vũ, Hoàng Dung, Nguyễn Cao Quyền

Cao Kim Ánh, Huy Phương, Đỗ Quyên, Phan Ngọc Khuê, Thái Doãn Hiếu.

 

 

©T.Vấn2020

 

Bài Mới Nhất
Search