T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Ngân Bình và “ Ta Vẫn Lạc Nhau “

 

1.

Một nhà văn người Pê Ru nổi tiếng mới đây đã nói: Đàn ông bây giờ không đọc sách nữa. Nếu văn học còn sống sót, nó sẽ là của phụ nữ.

Nhưng đó là chuyện của văn học Nam Mỹ La tinh, dù sau này các nhà văn của những vùng đất nhiệt đới này được biết đến ở hầu như khắp thế giới, như Gabriel Marcia Marque của Trăm Năm Cô Đơn chẳng hạn.

Tôi bỗng giật mình khi nhớ tới chính sinh họat văn chương chữ nghĩa hải ngọai.

Ở Cali chẳng hạn, chủ nhân những tờ báo lớn như Sài Gòn Nhỏ là của bà ĐN Hòang Dược Thảo. Tờ Việt Báo là của bà Nhã Ca. Thế giới ảo thì trang mạng văn hóa chính trị xã hội uy tín nhất Talawas là do bà nhà văn Phạm thị Hòai chủ trương. Trang văn học nghệ thuật lớn nhất cả hải ngọai lẫn trong nước là Da Màu thì do bà Đinh Từ Bích Thúy làm trưởng ban biên tập.

Ở ngay tại thành phố Dallas thì có tờ tạp chí Cadao bộ cũ trong vòng 10 năm trời đã là một tờ báo được nhiều người yêu chuộng. Chủ bút của nó cũng là một phụ nữ. Và người đó không ai khác hơn chính là Ngân Bình, một thân hữu góp mặt ngay từ những ngày đầu của trang T.Vấn & Bạn Hữu, và cũng người bạn đầu ấp tay gối của người bạn lừng danh ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng ĐHS của tôi .

Hãy đọc anh bạn của tôi viết về tác phẩm của người bạn đời:

Cuộc sống không phải là một bức tranh, mà là một cuộc hành trình. Dù muốn dù không, mỗi người sẽ bước theo dòng thời gian không bao giờ ngừng nghỉ cho đến khi nhắm mắt. Không ai bước đi một mình -cho dù có người chỉ sống một mình. Bởi vì, còn biết bao “mối tơ vương” đã nối kết bằng cách nầy hay cách khác. Chữ ân, chữ oán, chữ tình…mà mỗi người đã tạo nên bằng một cơ duyên nào đó. Trong cuộc đời, mỗi người mỗi vẻ rất riêng, nhưng đôi khi có điểm tương đồng. Ngược lại, có lúc cùng đi trên một con đường mà người ta vẫn lạc nhau, dù tay đang trong tay. Thật là một ý nhị khi tác giả chọn “Ta Vẫn Lạc Nhau” làm tựa cho tuyển tập Gửi Chút niềm riêng 2. Ngân Bình không phải là một nhà đạo đức học, cũng không phải là một tâm lý gia chuyên giải đáp tâm tình. Cô chỉ là người viết, dùng bàn phím để vẽ nên những bức tranh bằng chữ nghĩa từ những mảnh đời nghe được, thấy được trong cuộc sống quanh mình. Với 32 câu chuyện chọn lọc, Ngân Bình đã vẽ nên 32 bức tranh đầy màu sắc. Có lẽ mỗi độc giả sẽ có những cảm xúc khác nhau, khi nhìn tác phẩm dưới góc độ chiêm ngắm của mình. Tác giả chỉ mong sao tuyển tập của mình tựa như cánh hoa vàng lung linh, chợt vươn lên giữa cõi mông lung, trong lòng của một khách lữ hành đang lê bước. Riêng người viết, khi đọc những câu chuyện trong tuyển tập nầy, lại liên tưởng đến bài “Những cái cần gạt nước” của Hoài Nam. Trong đó, tác giả so sánh những người đang đối diện với nghịch cảnh cũng giống như người đang lái xe trong mưa. Lúc đó, hai cái cần gạt nước vô cùng cần thiết. Và cái cần gạt nước trong đời sống con người chính là tinh thần lạc quan, kiên trì, chia xẻ và cảm nghiệm từ những biến cố cuộc đời. Những câu chuyện éo le của ai đó mà Ngân Bình ghi lại qua cảm xúc của cô, biết đâu độc giả sẽ bắt gặp “cái cần gạt nước” trên kính xe của cuộc đời mình!! Trên xa lộ liên bang, khi chạy qua cánh đồng hoa dại mênh mông, hay căn nhà lụp xụp, hư nát bên vệ đường, có người sẽ nhìn một cách lơ đãng, có người sẽ dừng lại chiêm ngắm từng dãy hoa với chút bồi hồi, hay chợt thấy bóng mình ẩn hiện trong những hoang tàn. Nhưng dù cho thế nào, những hình ảnh tưởng chừng như thoáng qua ấy vẫn để lại ít nhiều ấn tượng trong lòng người. Tuyển tập “Ta Vẫn Lạc Nhau” có thể ví như một con đường lạ, khách bộ hành là người đọc, đang từng bước khám phá những tiếng nấc nghẹn ngào hay nụ cười pha lê của một thời hoa mộng,

Đặng Hiếu Sinh

Mùa Tạ Ơn 2011

(Tựa – Ta Vẫn Lạc Nhau )

2.

Dù quen biết với chị từ rất nhiều năm, nhưng mãi đến vài năm gần đây tôi mới biết bút hiệu Ngân Bình là của bà chủ bút tạp chí Cadao. Cũng là nhờ phụ trách việc đưa bài vở của tạp chí Cadao lên mạng tạp chí Cadao thường kỳ và những mẩu chuyện trong GCNR đã khiến tôi chú ý đặc biệt. Đến khi đó tôi mới biết NB là ai.

Dài dòng như vậy để muốn nói lên một điều. Tôi đã đọc những chuyện GCNR không chỉ một lần và không chỉ mới đây khi được in thành sách. Vậy mà mỗi lần đọc xong, cũng những câu chuyện ấy , mà sao như chúng mang một nội dung mới, với những ý nghĩa mới.

Có lẽ là vì những nhân vật với những tình tiết trong câu chuyện của NB là những con người thật, những tình tiết đã từng xẩy ra ngòai đời. Hay nói cách khác, những con người đó với chuyện đời của mình hiện hữu trong đời sống. Mà đời sống thì lúc nào cũng chảy về phía trước và dành sẵn cho chúng ta những bất ngờ. Có bất ngờ dễ thương, có bất ngờ đáng ghét. Có bất ngờ mình chỉ mong nó đừng xẩy ra. Và tất nhiên, có bất ngờ đem lại hạnh phúc cả đời. Thí dụ như cái bất ngờ khiến mình gặp gỡ người bạn đời.

Tôi nghĩ rằng đây chính là yếu tố chính đem lại sự thành công của Ngân Bình. Nó khiến người đọc, khi gấp trang cuối cùng của câu chuyện lại, vẫn còn mang cảm giác buồn vui thương giận với nhân vật trong truyện.

Truyện hay, theo quan niệm thông thường, là phải hấp dẫn, lôi cuốn người đọc trên từng trang chữ. Cái hấp dẫn của GCNR không phải là những tình tiết đầy kịch tính, bất ngờ mà là cái phản ứng, sự đối phó của những con người khác nhau trong những trạng huống tình cảm khác nhau. Người đọc theo dõi những phản ứng ấy để xem có giống như là chính mình sẽ phản ứng nếu ở trong một trạng huống tương tự.

Những câu chuyện trong GCNR, có chuyện có đọan kết rất trọn vẹn, gọi là có hậu, sau bao sóng gió thăng trầm của đời, những kẻ yêu nhau lại ở bên nhau, những hiểu lầm trong gia đình rồi cũng được giải tỏa để hạnh phúc lại quay trở về. Nhưng cũng có những chuyện có đọan kết không vui, vì tự ái của người trong cuộc, vì những lỗi lầm khó tha thứ, vì v..vv. và v..v…

Nhưng, dù kết cuộc chuyện vui hay buồn, những chuyện của GCNR vẫn hàm chứa một thông điệp gởi đến người đọc. Thông điệp đó là: đây không phải là câu chuyện tiểu thuyết, là hư cấu của người viết truyện, mà chính là những mẩu có thật từ đời sống, từ một hay nhiều người, nhiều trạng huống khác nhau mà tác giả thu thập ghi lại bằng ngôn ngữ của văn chương.

Trong mỗi mái gia đình đều ẩn chứa cả niềm vui lẫn nỗi buồn. Niềm vui thì thường giống nhau. Vợ chồng yêu thương nhau, chung thủy với nhau, con cái ngoan ngõan, siêng năng, nên người, thành đạt v..v… Nhưng nỗi buồn thì dưới mỗi mái gia đình, đều có nguyên nhân và mang một hình dáng khác nhau. Người ngòai nhìn vào không biết, không thấy đã đành. Mà chính những người trong nhà, đôi khi cũng vô tình không biết, không thấy, hoặc có thấy có biết, cũng không hiểu nguyên nhân vì đâu nên nỗi. Tôi tin rằng, có người đọc GCNR sẽ giật mình nhìn lại chính mình, nhìn lại gia đình mình. Như lời người xưa đã nói. Trông người lại nghĩ đến ta.

3.

Tháng 2 năm 2011, chị Ngân Bình cho ra mắt tập 1 “Gởi Chút Niềm Riêng”. Chỉ trong vài tháng, số sách in lần thứ nhất đã được độc gỉa chiếu cố tận tình, hai vợ chồng người bạn tôi lại lặn lội đi Cali sắp đặt việc tái bản tập 1. Cùng lúc đó, với sự thúc hối của những độc gỉa đã đọc tập 1, tập 2 Gởi Chút Niềm Riêng lại được thu góp, biên tập, sửa chữa. Ngày 10 tháng 12 năm 2011, cũng thành phố Dallas, tập 2 với nhan đề “Ta Vẫn Lạc Nhau” của chị Ngân Bình chính thức ra mắt độc gỉa của chị. Đặc biệt, lần ra mắt này, cây viết trẻ có tên Phan Vỉa Hè đảm nhận công việc giới thiệu. 3 năm trước, khi tôi còn phụ trách một Góc Riêng trên trang Damau, tôi có dịp viết về anh bạn trẻ này và gián tiếp giải thích cái biệt danh “Vỉa Hè” mà tôi đã gọi anh một cách ưu ái như sau:

“ . . . Thật là một ngạc nhiên thú vị. Bàn cà phê của tôi được đón tiếp vài người bạn vừa già vừa trẻ, trong đó có anh bạn trẻ thường chỉ thích lang thang những vỉa hè, nghe ngóng chuyện nước mắt nụ cười của bàn dân thiên hạ, để rồi đêm về, cùng với chữ nghĩa anh cũng khóc cũng cười như thể những hệ lụy ấy là của riêng cuộc đời anh. Xưa nay, ít người viết từ và trên những vỉa hè. Nhưng anh bạn trẻ của tôi đã chọn cho mình cách thế cho chữ nghĩa xuống đường, nôm na của “nhập thế”. Lớp già chúng tôi, bạo gan lắm thì cũng chỉ dám cho chữ nghĩa vào quán cà phê (cả ảo lẫn thật, kiểu một góc ngồi thời thượng trong Starbuck). Từ cái góc êm ái của quán cà phê (mùa hè thì có máy lạnh, mùa đông thì có máy sưởi), chúng tôi nhìn dòng sống hối hả bên ngoài. Thấy kẻ bộ hành uể oải với khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi, chúng tôi đặt bút viết: “trời đang nóng chảy mỡ”. Bắt gặp kẻ ốm yếu gầy gò co ro bước thất thểu trong bầu trời mùa đông xám xịt, chúng tôi gõ vội vào máy: “cơn gió bấc cắt da vừa thổi qua thành phố”. Có thể chúng tôi không còn đủ trẻ để “trải nghiệm cuộc hành lao lung” chăng? Còn anh bạn trẻ thì không ngại ngùng bước hẳn vào khu vườn (đầy muỗi) để xem hoa nở, mạnh dạn đứng giữa trời đêm (vốn lắm ma) để nhìn trăng lên. Trong không khí sông nước hữu tình ấy, thì ắt hẳn chữ nghĩa phải “lăn tăn” thôi. Và khi bị đời hắt hủi, chúng tôi co rúm lại gậm nhấm nỗi hờn tủi riêng mình, kiểu những lời rên rỉ thảm não: “đêm sắp cạn nhưng buồn sao chưa hết”, thì anh bạn trẻ vừa hào sảng, vừa hóm hỉnh sẵn sàng đùa cợt với sự nghiệt ngã của cuộc đời như thể sức nặng của chúng không bằng hạt bụi dính ở gót giầy.. . “.

Hơn một lần, tôi nhìn ra sự khác biệt giữa tuổi trẻ và tuổi già. Hơn một lần, tôi tin rằng, nếu có một sự khôn ngoan của người già, thì điều khôn ngoan nhất là ông (bà) ta biết nhường mặt tiền sân khấu (cuộc đời) cho những người trẻ. Nếu không, họ cũng sẽ có cách để đẩy mình về phía sau cánh cửa hậu trường.

Để anh bạn trẻ Vỉa Hè tên Phan giới thiệu Ngân Bình thì quả là đúng người đúng việc. Cả hai tìm chất liệu cho chữ nghĩa của mình qua đời sống, trong đời sống. Cả hai đều diễn đạt những điều tai nghe mắt thấy với trái tim đồng cảm, hiểu biết và độ lượng. Cả hai đều không có ý định làm văn chương qua những trang viết nóng hổi hơi thở từ đời sống của mình. Cả hai đều có những độc gỉa riêng của mình và được họ yêu mến. Từ góc nhìn người viết, tôi có thể nói một cách mạnh bạo rằng hai người bạn của tôi đã thành công rực rỡ, đã đạt được niềm mơ ước mà người cầm viết nào cũng hằng nghĩ tới.

T.Vấn & Bạn Hữu thân chúc hai người bạn tiếp tục vững bước trên con đường đang thênh thang rộng mở cho những thành công mới trong tương lai.

T.Vấn

17 tháng 12 năm 2011

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search