T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: Ngồi ở quán…

     

      Cà phê Sài Gòn – Tranh: Thanh Châu

 

Năm không rộng, tháng không dài

       Bởi người thu hết ban mai vào chiều

       (Ngô Hồng Nga)

 

***

Vừa moi tiền trong túi quần, gã vừa loay hoay với cách viết truyện hậu hiện đại:

“…Đó là truyện không cần có truyện. Từ đó làm nẩy sinh hiện tượng truyện-trong-truyện. Tác giả hình thành thủ pháp siêu hư cấu (metafiction), tính chất hư cấu nhắc nhở người đọc sự hiện hữu của câu chuyện như một sản phẩm nghệ thuật. Từ đó, nảy sinh việc trích dẫn, việc sử dụng nhiều loại văn bản phi-văn chương, thủ pháp viết lại các văn bản cũ, ngay cả tranh ảnh. Các truyện sáng tác theo phong cách hậu hiện đại đều có vẻ gì như vô lý và phi thực. Truyện-trong-truyện bất chấp lối viết truyện truyền thống như sự mạch lạc trong cốt truyện và sự hợp lý trong tình tiết…Ngoài những tình tiết được he hé mở trước và được kín đáo đóng lại sau, tình tiết còn được nhắc lại ở khúc cuối để người đọc không quên khúc đầu”.

Thửa được cái vé máy bay để đi đàn đúm với bạn xưa trường cũ. Từ văn phòng dịch vụ bước ra, nhìn thấy quán cà phê Lee bên kia bãi đậu xe. Gã lan man tiếp:

“…Trong cái được gọi là nền văn chương của sự phong dật/đạo văn ấy (literature of plagiarism), tác giả có thể cấu tạo bằng nhiều phần mảnh rút ra từ/hoặc được bắt chước từ/nhiều tác phẩm khác nhau. Nhà văn có thể sáng tạo bằng cách nhặt nhạnh những mảnh văn bản có sẵn và lắp ghép lại theo kiểu người ta làm tranh khảm (mosaic).

Duy chỉ có một đặc điểm bức tranh khảm bằng ngôn ngữ không có khuôn sẵn. Cái khuôn chữ nghĩa mỗi nhà văn, khi sáng tác tự tạo ra. Chính đặc trưng này, phân biệt truyện hậu hiện đạitruyện truyền thống Việt Nam: Một truyền thống kéo dài đến tận ngày nay, mọi người cầm bút dường như có một cái khuôn chung được đúc sẵn, ở đó, người ta chỉ làm mỗi một công việc đơn giản là “rót” câu chuyện của mình vào! Thường thì họ viết theo chuyện kể đã có sẵn của họ hay của những người quen biết, họ không sáng tạo mà chỉ chế tạo (zarathustrainsara). Họ kể chuyện chứ không dựng chuyện…”

Tiếp, gã cùm na cụm nụm rằng cứ theo gã thì truyện hậu hiện đại là…chuyện chổi cùn rế rách. Là…vay mượn chữ nghĩa vá chỗ này đắp chỗ kia, vá chằng vá chịt như váy đùm, váy đụp. Nghĩ đến cái váy ngồi nhiều mới rách…gã bật ra ý nghĩ:

Ừ thì hãy ngồi ở quán. Trong một buổi sáng đất trời đang cãi vã nhau rất siêu thực.

***

Thế là gã đi bách bộ. Chẳng là từ ngày yêu lại đến giờ, gã đi bộ mong níu kéo năm tháng đong đưa. Gã bước những bước thật chậm để có nhiều thời gian tiêu pha với tình yêu cuối đời của gã hơn. Thời gian lững thức bước vào cõi nhân gian vô tận. Xuôi theo dòng đời, cái đầu gã đẩy đưa rằng bấy lâu nay gã vẫn ấp ủ một ngày nào đó gã sẽ viết những gì hiện thực về người tình của gã mà gã biết ít nhiều. Vì ít nhất hơn một lần người tình gã nhắc nhớm: “Anh yêu em mấy tháng rồi mà không viết nổi một chuyện tình cho ra hồn sao?”. Gã lập bập: “Vậy chuyện tình có hồn phách phải như thế nào?”. Bên kia phố chợ Hồng Kông có cái tháp chùa như một phế tích còn vang vọng mãi tiếng chuông câm. Người tình gã mõ sớm chuông chiều: “Thì phải biết tưởng tượng chứ!”.

Ngồi trong quán, bất giác nhìn ra ngoài cửa kính của vọng tưởng, va vào mặt gã là có một chàng, một nàng trong nguyên thủy Adam và Eva đang quần thảo nhau ở bãi đậu xe. Xe đi qua, người đi lại, ai nấy không biết làm gì hơn là…làm thinh. Cả hai đi tìm hoan lạc. Thời gian làm tình với không gian. Họ vật nhau thật quyết liệt. Nàng tan vào chàng và chàng tan vào nàng. Đất trời ngun ngút xanh um, bỗng không tối hà rầm, mây ở đâu ù ù bâu lại, mưa ào xuống. Cả hai vội vã bẽn lẽn rời nhau. Chàng Vện chạy qua bên kia phố chợ Hồng Kông, ở góc chợ có cái tháp chùa như nấm mồ và chàng nằm chờ chết vì ngỡ nơi đây là cực lạc. Nàng Mực khoả thân dầm mưa chạy về phía cửa hàng bánh cuốn Thiên Thanh, có thương hiệu vẽ Chùa Một Cột như một phế tích…

Đặt ly cà phê lên mặt bàn. Gã ngồi đó như hóa đá và gã nói chuyện với ly cà phê bằng vào cất lên tiếng nói câu thơ của Thanh Tâm Tuyền: Tôi không còn cô độc.

        ***

Gã vẫn ngồi một chỗ quen thuộc cùng cái bàn này, hai cái ghế kia. Nhìn cái ghế trống, gã nhớ cô. Mây vẫn bay ngày vẫn trôi đi, gã nhớ lại những ngày đầu…Ừ thì chỉ là chuyện bình thường của hai người yêu nhau. Vậy mà cũng đã gần một năm…

Tháng tám, tháng chín năm ngoái cô có những chông chênh chống chếnh với yêu chẳng biết khi nào dại, khi nào khôn. Và cô nhập thất, nhắm mắt, tịnh khẩu qua câu kinh tiếng kệ đi vào cõi vô cùng với chuỗi hành tinh Mars, Jupiter, Neptune…Pluto:

Ôm ấp hoài tinh ma

Buông ra hãy buông ra
Tất cả đều do ta
Trong cảnh giới giãi thoát
Ta lại tự trói ta

(Lâm Văn)

Cô tự trói cô trong giải thoát và khỏa lấp những trống vắng bằng vào…gã.

Bằng vào cô điện thư cho gã ngày 4 tháng 11. Một tháng sau, ngày 4 tháng 12 năm 2011, cô hẹn hò gã. Tim gã trượt vỏ chuối té nhào. Hai tuần sau gã tỏ tình với cô. Từ ngày gã yêu cô, tình yêu rơm rạ bùng cháy mãnh liệt, dồn dập đến chóng mặt, cũng khao khát, day dứt này kia, kia nọ…Chuyện không bình thường đây. Gã nghĩ vậy.

Không có lửa sao có khói, bỗng gã thèm một hơi thuốc lá, dấu tích của yêu nhau đốt cháy cuộc đời, vàng tay khói thuốc vẫn còn yêu em. Nhưng từ ngày lỡ yêu cô, tàn thuốc đã rơi tõm vào lỗ hổng thời gian. Hương khói đã bay vào thiên niên kỷ của thời Big Bang. Gã nghiện thuốc lá như nghiện chữ nghĩa, đến độ nhìn cái gì gã cũng thấy ra hình chữ. Ngay cả cô đây cũng xuất hiện dưới mắt gã như một con chữ ngọ nguậy.

Cô hay phiền hà là gặp gã, gã cứ ngồi phền phễn nói chuyện với con chữ.. Gã nhai văn nhá chữ: “Thì anh đang làm tình với chữ nghĩa đây…”. Cô chúm môi: “Toàn những hư cấu!”. Gã nghiện chữ nghĩa nhưng chữ nghĩa không nghiện gã, nên gã cãi: “Hư cấu sao được? Không vật lộn với chữ nghĩa như vậy thì làm sao có thể là anh hôm nay?”. Cô rấm rẳn: “Bộ anh-hôm-nay của anh quý lắm hở?”. Gã trả lời: “Không quý, nhưng dù sao cũng là một cái gì thuộc về văn hoá. Ngay khi anh hôn em thì anh cũng hôn bằng cái hôn của hàng nghìn năm văn hóa trống đồng Đông Sơn đấy chứ”. Cô tắp lự: “Ối dào! Chỉ nghe mùi thuốc lá!”. Thế là gã bật ra cái ý nghĩ, một ngày nào đó gã đến nhà thăm cô. Va sẽ tặng cô một món đồ cổ để trưng trong nhà: Ấy là…cái gạt tàn thuốc lá.

***

Quá vãng có thật đang ngủ yên, gã đánh thức nó dậy, thôi thì hãy trở về với ngày đầu gặp gỡ và cũng ở chỗ ngồi trong quán này đây của ngày nào năm ngoái:

Hỡi người tình đâu đó

Một lần gặp trong đời

Mắt môi đã biểu tỏ

Nói chi, dẫu một lời!

(Hoàng Vũ Thuật)

Cô ngồi trước mặt gã qua một buổi chiều với mắt môi đã biểu tỏ: Mặt cô lắc qua lắc lại, man mát mơn mởn. Mắt cô đong đầy hoài niệm. Môi cô mọng ướt múa máy. Cô hoài đồng vọng cung trời hội cũ của ông anh cô và gã qua những mênh mang, dòi dõi tận đẩu tận đâu. Mắt cô lúng liếng lẩn khuất một cõi thần di, hồn dịch. Và cô như từ trường thu hút gã, để gã chìm dần một trong “Vài mẩu chuyện” vừa rị mọ về cô.

Gã đi lấy đường, thêm một mẩu chuyện nữa: Nói cho ngay chuyện cũng chẳng có gì không ngoài lúc này trước mặt gã thiếu vắng cô, trộm vía cô chứ…Chứ một trong vài mẩu chuyện đây là hấp lực của cô với gã là cốt cách dắng dả vun chuyện. Cô có phong cách, phong thái nói năng tự nhiên, thỏa mái và nhàn nhã thu hút. Tự nhiên đến…quyến rũ với bùi bùi, ươn ướt. Và gã đã chìm lỉm trong cô từ những hình ảnh ấy khi cô ngồi nghiêng ngả trong xe ngoài cửa kính của vọng niệm, của quán vắng chiều hôm.

Chiều hôm ấy, quơ cào với chữ nghĩa thì gã đến với cô bằng vào thân xác mây mẩy, gợi cảm của cô trước, rồi gánh vác tình yêu trọn vẹn tới sau. Cô ngả người ra ghế. Thân thế mặn mòi, nồng nàn. Cái đầu ngắc ngư. Mặt ngời ngời. Vì lối nói chuyện đầu mặt cuối mắt của cô với gã. Nên mắt gã cứ dán chặt vào bộ ngực bị cái áo nịt ngực bó chặt và đùn lên như muốn chui ra khỏi cổ áo rộng. Dấu ấn của gã là làm như đang ăn một miếng thịt bò Kobé Nhật Bản với vị ngọt mặn mà, ngầy ngậy của thịt. Nhìn bộ ngực trễ nải qua cổ áo, miếng thịt ngập răng gã với dục tính, nhễ nhại, mời gọi. Đậm đà hơn nữa là qua lớp áo, cô có một thân xác mẫn cảm, cay nồng mùi “mù-tạt”  Washabi…

Bên trong cửa kính xe, gã bị cuốn hút như hòn bi lăn vào mê cung, mê muội.

Cô nói chuyện dắng dả vậy đấy nhưng không nói hết những gì cô nghĩ. Làm như đọc được ý nghĩ của gã, cô mang ý nghĩ của cô và gã nhốt chung vào bộ nhớ, lâu lâu mang ra gậm nhấm từng mẩu một. Nói cho ngay, đàn bà săm soi chi tiết hơn đàn ông, thế nên cô mang từng chữ, từng câu của gã nhét vào cũi ký ức, khóa lại và để đó, càng để lâu, gã càng thấp thỏm hoang mang. Gã hoang mang gì gã cũng chẳng biết nữa.

Thế là gã đổ ít cà phê lên bàn và dùng ngón tay vẽ…cái hoang mang! Một dòng thơ siêu ngã, siêu thực nằm ngủ quên từ ngàn năm trước, trăm năm sau. Từ…đầu gã lừ đừ chui ra theo nét vẽ tay qua trường phái hội họa Tân cổ điển đến thời kỳ Phục hưng:

Khi ta vẽ trừu tượng

Cái đầu ta hiện thực

Khi ta vẽ hiện thực

Cái đầu ta trừu tượng

Khi ta vẽ em

Đầu ta bay đâu mất

(Nguyễn Hải Chí)

Thế nhưng không phải vì vậy mà gã yêu cô cùn đi. Ngược lại gã yêu cô từ những nhạy cảm, thông minh mà một lần gã dây dưa với chữ nghĩa qua chuyện Jean-Paul Sartre gặp bà Simone de Beauvoir ở quán cà phê La Flore. Chuyện là ngày nào họ cũng gặp nhau, nói cho nhau biết mọi chuyện về đời sống hàng ngày, những suy nghĩ của họ. Họ sống trong suốt với nhau rất thật, ngay cả những chi tiết thầm kín của những mối tình riêng tư của từng người. Jean-Paul Sartre đã có lần ghi nhận rằng: “Simone de Beauvoir là một người đàn bà thông minh của một người đàn ông và nhạy cảm của một người đàn bà. Và là một người đàn bà đầy hấp lực hơn những người đàn bà khác…”.

         Ngu lâu đần dai cách mấy gã chẳng tội vạ gì làm dáng trí thức với Jean-Paul Sartre, bà Simone de Beauvoir. Không ngoài quán cà phê Lee và quán La Flore là một trùng hợp ngẫu nhiên. Nhưng chẳng hẳn là ngẫu nhiên, vì cô cũng là một người đàn bà thông minh của một người đàn ông. Và ngập đầy nhạy cảm của một người đàn bà. Cô là một người đàn bà đầy hấp lực hơn những người đàn bà khác mà gã đã từng.

Ngoài nhạy cảm và thông minh, rời rạc quanh cô là vài mẩu chuyện. Một trong mẩu chuyện khác nữa là sự “hiểu biết”. Hiểu biết đây chẳng hẳn là theo phạm trù trí thức với tri thức. Theo gã thì “hiểu” là nhận ra sự việc gì đó theo cảm nhận. Còn “biết” là biết đến đâu, đúng hay sai, phải hay trái. Riêng cô, dường như giời cho cô hai con mắt nằm ở trong đầu nên cô có một nhân sinh quan về cuộc sống đời thường với cái nhìn tinh tế, bén nhậy. Nhiều khi không cần suy luận hay trực giác, cô lượng định sâu xa, sắc nét như…đàn ông. Những hiểu biết tiềm ẩn ấy, cô để lộ ra bằng vào khi phóng túng, lúc co cụm. Lắm lúc chỉ là một hai chữ nèo neo hóm hỉnh, vậy mà diễn nghĩa bằng cả một câu dài ngoằng ngoẵng, khiến gã tự hỏi người hay ma đây? Với những tương giao, tương cảm, cô chiêu hồn gã qua những thu hút khác thường, tưởng như có ma thuật nên gã ngụp lặn trong những hiểu và biết của cô với những lạ lẫm, lạ đời này.

Ma đâu chưa thấy nhưng cô ma mãnh thì có. Đôi khi bất ngờ, cô buông cái sự hiểu biết “nhìn xa trông rộng” xuống như đánh rơi cái bát, cái đĩa cổ khiến gã ngớ ra thì chuyện như thế này đây: Chuyện là hôm ấy trời mưa, gã cặp nách món đồ cổ 55 năm cũ sì cũ mốc gói bằng giấy báo: Đó là cái gạt tàn thuốc lá. Gã để dù và đôi giầy trước cửa nhà cô rồi bước vào. Khi ấy cô hỏi gã lúc nãy để chiếc dù ở bên phải hay trái của đôi giầy?. Gã vặn óc nghĩ không ra để quán chiếu với chánh niệm về…giầy dép. Nên gã hỏi cô nếu như để chiếc dù bên trái thì sao, bên phải thì sao?. Cô lót đót là sao gã…ngộ thiền quá thể! Vì cô chỉ sợ…mất cái dù.

Ngộ chữ một cách khác, ngẫm chuyện nhân sinh trong cõi người ta thì không có gì chán bằng có một người yêu…thiếu vắng sự hiểu biết! Hay dựa dẫm theo một nhà bác vật nào đó thì cớ sự ấy nào có khác gì chán bằng…làm tình với một người không yêu! Cũng từ giầy dép với chánh niệm, gã đốn ngộ túi bụi ra rằng thiền cũng như…yêu. Lái xe cũng yêu, đi bộ cũng yêu, ngồi ở quán cũng yêu, và…đi ăn giỗ cũng yêu.

Chuyện cô như thế đấy và chuyện gã như thế đó.

Chả là vì một lần cô ủ ê viết truyện tình thì phải tưởng tượng! Vì vậy gã kể lể cô nghe gã “rót” vào giấy những gì gã “biết” về cô như trên. Làm như không biết, cô nhẹ nhướng mắt, khẽ mím môi…Gã biết sắp có chuyện nên lấp liếm cái khiêm tốn về sự không biết của mình bằng vào vay mượn chuyện triết học phương Tây qua câu nói của Socrate: “Tôi chỉ biết một điều, đó là tôi không biết gì cả”.

Cô chắt bóp con mắt:

–  Nghe hết biết.

Gã đụt trông thấy vì ngỡ cô nói gã…không biết gì…hết? Để khoe mẽ gã cũng sơ sịa với thượng thông thiên văn, hạ thức địa lý, trung trí nhân sự như ai. Nên gã lơ mơ lỗ mỗ dăm khoảnh chữ về sự “biết” từ bên Tầu, qua Luận ngữ với “Tri vi tri, bất tri vi bất tri, thị tri” và nôm na với cô là: “Biết nói là biết, không biết nói là không biết, đó là biết”.

Cô múm mím miệng:

–  Biết chết liền.

Gã lại cứ ngỡ biết nhiều như gã là…chết liền! Chẳng lẽ gã lại ngu ngơ…”Biết đâu đấy!” nên tịt mít. Nhưng được cái buôn chuyện với cô, gã chẳng phải e dè với ý tại ngôn ngoại hay diễn nôm với thiên trời, địa đất, tồn còn, tử mất cho nhiễu chuyện. Thế nhưng cũng từ đó gã không dám hớ hênh để cô đọc được ý nghĩ gã vì nhoáng nhoàng một cái là cô biết ngay. Vì thế gã quay quả ngược về những ngày mới lớn và biết yêu lần đầu qua “câu kệ” gối đầu giường của chính gã. Rằng: “Trong tình yêu phải thành thật. Mà muốn thành thật phải biết…ăn gian nói dối”. Nay vì sự hiểu biết ma mãnh quá đỗi và nỗi thông minh…không bình thường của cô. Thành thật mà nói thì gã không bao giờ thành thật…để “gian dối chỉ là dối gian” với cô.

Tất cả sự thể từ truyện ngắn Ly cà phê muối:

“…Chàng trai gặp cô gái ở quán cà phê. Cô rất xinh, chàng trai ngượng ngập mời cô gái ngồi uống cà phê cùng bàn với mình. Cô gái ngạc nhiên nhưng cũng đồng ý. Bỗng nhiên, chàng trai gọi người phục vụ: “Xin cho tôi ít muối để tôi cho vào cà phê!”. Cô tò mò: “Sao anh có sở thích lạ thế?”, Chàng trai trả lời: “Khi tôi còn nhỏ, tôi sống gần biển, tôi có thể cảm thấy vị mặn của nước, giống như cà phê cho muối vào vậy! Nên mỗi khi tôi uống cà phê với muối, tôi lại nhớ tới tuổi thơ và quê hương của mình”.

Cô gái cảm động vì một người đàn ông yêu nơi mình sinh ra thì chắc chắn sẽ yêu gia đình của mình. Trước khi ra về, họ hẹn hò nhau, qua nhiều lần gặp gỡ, cô gái thấy chàng trai quả là một người chân thật. Cô đã tìm được người đàn ông của mình nhờ ly cà phê muối. Và họ cưới nhau, sống hạnh phúc.

Mỗi buổi sáng, cô gái đều pha cho chồng cô một ly cà phê với một thìa muối. Suốt 50 năm kể từ ngày họ cưới nhau, bao giờ người chồng cũng uống ly cà phê muối và cảm ơn vợ đã pha cho mình ly cà phê ngon đến thế. Sau người chồng bị bạo bệnh và qua đời, để lại cho người vợ một bức thư:

Gửi vợ của anh,

Xin em tha thứ cho lời nói dối suốt cả cuộc đời của anh. Đó là lời nói dối duy nhất về ly cà phê muối. Em có nhớ lần đầu tiên anh mời em uống cà phê không? Lúc đó, vì  quá lo lắng, anh định hỏi xin ít đường nhưng anh lại nói nhầm thành muối. Anh bịa ra câu chuyện về tuổi thơ ở gần biển để được nói chuyện với em. Anh đã định nói thật với em rất nhiều lần nhưng rồi anh sợ em sẽ không tha thứ cho anh. Và anh đã tự hứa với mình sẽ không bao giờ nói dối em một lời nào nữa, để chuộc lại lời nói dối ban đầu.

Bây giờ anh đã đi thật xa rồi, nên anh nói sự thật với em. Anh không thích cà phê muối, nhưng mỗi sáng được uống ly cà phê muối từ ngày cưới em, anh chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc vì mình đã phải uống cả. Nếu anh có thể làm lại từ đầu, anh vẫn sẽ làm như thế để có được em, và anh sẽ uống cà phê muối cả cuộc đời”.

Từ chàng trai”, gã không nói dối. Từ “Jean-Paul Sartre, bà Simone de Beauvoir” chuyện gì gã cũng nói cho cô nghe. Gã trở nên một người bình thường. Nếu không, cô sẽ “ghim” những…không bình thường của gã vào bộ nhớ để gậm nhấm thì một ngày nào đó ngọn gió thu phong rụng lá vàng  thì…Thì chuyện tình của gã sẽ thành tình chết, tình buồn với mùa thu là bay! Và ngược lại, thành thật mà nói thì chớ nên nói là gã cũng “ghim” vào đầu không để cô hay: Ấy là mỗi lần cô nắc nỏm muốn cất giữ những không bình thường của bất cứ ai, của gã và ngay cả của…chính cô nữa. Sau đó cô mang nhốt chung vào cũi ký ức, khóa lại và để đó thì…

Thì đất sinh cỏ, trời sinh tật, cái tật của cô là…nhẹ nhướng mắt, khẽ mím môi.

***

Gã vớ được mảnh rời cuối và nhét vào bài viết. Ấy là cá tính năng động, thụ động. Bối rối với chữ nghĩa thì cô là người chủ động chứ không bị động. Với năng động, cô có một chút nào táo tợn, bốc đồng như ngựa rừng, ngựa chứng. Cô cứ nghĩ nắm giữ được nó, làm chủ được nó, nhưng hóa ra nó vẫn tận đẩu tận đâu. Nó đây là hạnh phúc trong yêu đương. Nó như cái ly bôi, đắng mà ngọt. Nhưng khi nhắp thấy ngọt mà đắng. Nhắp sắp cạn rồi, cô thôi và để dành. Nhưng ấy là chuyện sau. Chuyện với tha nhân là cô không thụ động để hệ lụy vào bất cứ ai. Dễ hiểu là hai người không giống nhau, không sống cùng một không gian, hoàn cảnh, người này không phải hậu thân người kia.

Khác với gã: Nếu như người ta mời gã ăn món thịt lợn rừng thì gã cứ tin rằng gã đang ăn món thịt lợn rừng. Gã chẳng tìm hiểu làm gì cho nhọc sức. Nếu xuống bếp, xem đầu bếp nấu nướng, biết món mình đang ăn là…lợn chuồng thì cũng mất vui.

Trở lại cô với yêu đương, cô như bị đọa trong tình trường: Tuổi nào cũng thế. Nhất là nằm vào cái tuổi lá xanh lá vàng: Cứ theo cô thì yêu không dại không khôn. Mà nếu có, chỉ toàn là dại. Dại mới yêu kẻ rày đây mai đó, rã rệu tình ảo, mệt mỏi cả mình mẩy. Nên cô là người cho chứ không nhận bởi người khác để vướng víu, để mắc nợ. Nợ tình khó trả, cái nợ đồng lần. Đừng ai rách chuyện khuyên cô làm cái này, theo cái kia. Là người dư thừa sức sống, và tự tin, cô không muốn là một âm bản của một ai khác.

Ngay như gã với nhập thế tục bất khả vô văn tự chẳng hạn, gã biết thừa bứa ra rằng: Cô đến với gã không qua con lộ sáo mòn văn chương thiên cổ sự của gã. Hay nói thẳng mực tầu đau lòng gỗ thi: Cô sính thơ hơn văn. Thế mới phiền. Và nếu như truyện ngắn này có tráng tí văn vẻ mà được gửi đến cô. Gã chẳng ngứa miệng hỏi cô đọc chưa? Hay gãi ngứa rằng viết…”được” chăng? Hoặc giả có…”hay” lắm không? Gã bụng bảo dạ là bụng dạ cô sẽ lâm râm: “Viết…đựợc! Nhưng đừng viết thì …hay hơn!”.

Cô như thế đấy, và may quá là may là gã…không như thế đó.

Gã tự “đọa” mình là người có chiều sâu, nhiều suy tư, sặc mùi triết lý. Thứ sách gã đâm đầu vào đọc là triết học. Đọc nhiều có lúc bị “ngộ triết”. Đọc xong là… phun ra phèo phèo nằm êm dưới lớp chữ. Gã cho là nếu như cần viết một mẩu truyện dễ hiểu: Như khi viết về cái chủ động, bị động của cô, thì cái suy tư kia tự nó đã ở trong từng câu chữ. Văn thơ là để cảm chứ đâu phải để hiểu, nên gã dàn trải…chuyện ruồi bu như sau:

“…Đột nhiên có chị ruồi ở đâu bay tới, đậu trên bàn. Cùng lúc, có anh ruồi đang bò lên ly cà phê và nhìn xuống bức tranh Hoang mang của gã và ngo ngoe:

– Đẹp khỉ gì.

Chị ruồi ngửa mặt lên:

– Mi biết gì về nghệ thuật.
Anh ruồi hóng miệng xuống:

– Mi không là ta, sao dám nói ta không biết gì về nghệ thuật?
– Nghệ thuật với mi là gì?
– Là rung động khi ta nhìn bức tranh màu sắc, cây cỏ…rung động. Là cảm xúc trước đàn bà. Ta nhìn mi, cảm xúc với cái đẹp của con ruồi đực là…con ruồi cái.

Anh ruồi hết nhìn ly cà phê:

– Giữa cuộc sống đời thường, viên đá tự tan chẩy để tìm bản ngã của mình. Khi mi không nhìn thấy viên đá nữa thì mi làm sao biết được nó tồn tại hay không tồn tại?

Lại đến nhìn chị ruồi:

– Ta bỏ cả giờ để ngắm viên đá đang tan chẩy. Để tìm hiểu bản ngã của mi.

– Mi không phải là viên đá để chỉ bảo ta điều gì.

Anh ruồi bò vào ly cà phê và nói vọng ra:

– Mi hỏi chỉ làm rối rắm thêm những rối rắm sẵn của mình. Mi có bản ngã của mi. Không tin một ai. Không lụy một ai.

Anh ruồi nhìn bức tranh xuyên qua ly cà phê giấy:

– Thằng người đeo kính ngồi kia mài mòn chữ để vẽ vời thứ bùa chú mà mi cho là nghệ thuật. Mi bị thằng người đeo kính dãn dụ đấy thôi.

Anh ruồi vén môi khoắng lưỡi

– Hãy để bản ngã của mi trên bàn, vào đây uống cà phê với ta.

Chị ruồi nhẹ cât cánh bay vào một cõi thái cổ Đông phương u u minh minh …”.

***

Văn mình vợ người, gã lấy đó làm tâm đắc, tâm thần lắm vì truyện trong văn có triết, hay hơn nữa lại lẫn thiền với con ruồi có “bản ngã”. Giống như công án “Con chó có tâm Phật hay không?” trong Vô môn quan của thiền sư Wumen Huikai. Như có đồng cảm, cô nhăn nhúm rằng chưa hẳn là đã hay! Cô góp nhặt sỏi đá về…cái ngã của gã:

“…Có hai cặp tình nhân thạch sùng yêu nhau đã lâu. Một tối cả hai đang bò trên trần nhà. Chị thạch sùng tỉ tê với anh thạch thùng:

– Từ ngày “iu” nhau đến giờ, anh chủ động. Còn em chỉ bị động thôi.

Anh thạch sùng lập cập:

– Là sao?

Chị thạch sùng cười tít:

– Là tối nay, em nằm trên, anh nằm dưới.

Anh thạch sùng sướng quá, dang tay chân ra nằm ngửa thỏa mái và…

Và…ngã cái bịch…”

***

Nhờ ăn chực nằm chờ với những mảnh rời ở trên, gã thu vén ít nhiều những hiểu và biết của cô. Cô hiểu những gì dung dị, thoáng đãng của đời sống hàng ngày như ăn với ngủ. Như thở và yêu. Cái biết của cô theo kiến thức đóng hộp của gã thuộc dạng chỉ số thông minh (IQ – intelligent quotient) đạt tới độ nhiều khi gã bối rối cần thiết đến sững người. Theo gã không nhiêu khê lắm như ai đấy có chỉ số thông minh cao thì dễ tự mãn, coi thường người khác, nên khi thất bại dễ rơi vào cô đơn với trầm cảm.

Ngoài ra chỉ số xúc cảm (EQ – emotion quotient) của cô còn làm gã lao xao hơn nữa. Theo gã liêu xiêu thì những người có chỉ số cảm xúc thoáng đãng thường ít thành công ở trường học mà lại thành công trong trường đời. Nhờ cảm xúc ngập đầy, cô tự nhận thức, dựa vào sách vở mà gã ăn mày chữ nghĩa bấy lâu thì cô thấu cảm được với tha nhân và có khả năng thích ứng với những người chung quanh. Là người biết lắng nghe người khác, dễ…sai khiến cho người khác theo mình. Trong đó có…gã.

Ngồi không nhìn cái ghế trước mặt…trống không, gã mường tượng khuôn mặt cô có cái nốt ruối giống Marilyne Monroe. Cái nốt ruồi theo Y ma thần tường ám quẻ cho những người đàn bà sống ngoài khung cửa. Nhưng cái nốt ruồi chỉ có thể cho gã biết về…quá khứ, nó hoàn toàn tít mù trong việc bói mò…tương lai. Một ngày, cái nốt ruồi Marilyne Monroe rơi tõm đâu mất nên cô cũng mù tịt về tương lai của cô…như gã.

Gã học lóm được môn học gọi là Bản thể trong thuyết tiến hóa ngược. Ấy là bản thể như vết nám trên thân thể con người là không có thật, bởi lẽ bản thể của vết nám chẳng hề tồn tại. Nhưng sự tồn tại theo thuyết tiến hóa ngược là khi mất đi thì mọi sự trở lại bản thể trước kia. Vì vậy khi vết nám mất đi, có người mất định hướng và không thoát khỏi bản thể. Có người hớn hở vì tưởng nhìn thấy lối thoát. Một phản cảm nội tại là khi bản thể mất đi, ảnh hưởng tới một số người mất ý niệm cảm tính, và họ tin rằng họ đã…mắc sai lầm. Bởi vậy thay vì lẩn tránh những lỗi lầm, họ luôn cố tình tìm đến nó. Họ cho rằng nếu tránh được sai lầm này tất nhiên sẽ…phạm lỗi lầm khác lớn hơn.

Khi cô nói có cái nốt ruồi, gã luận về cái số của cô trong quá khứ. Thế nhưng khi cô đánh mất cái nốt ruồi, gã “ghim” vào đầu: Là trong tương lai, cô sẽ…hớn hở tìm thấy lối thoát. Vì nếu thêm một lần cô bước ra ngoài khung cửa thì…theo Bản thể trong thuyết tiến hóa ngược…thì với cảm tính, cảm nhận cô sẽ gặp…gã.

Trở lại chuyện quá khứ của cô, tất cả bằng vào những đam mê tiềm ẩn tra tấn cô. Và tùy theo sự co giãn và sự thoắt biến của thời gian và không gian lúc lạnh băng, khi nẩy lửa. Cuộc hành trình vào mê cung của cô tưởng như đùa chơi tưng tửng mà lại cấu đau, sâu xoáy. Ừ thì cứ cho là số cô cứ đèo bòng những “u mê ám chướng” như thở và yêu. Cô thở ra vì tình hẹp như đò ngang. Yêu ai không thành, râm ran một cõi với yêu biết khi nào dại khi nào khôn. Nhờ biết tự kềm chế cảm xúc, lại nữa vì nợ tình khó trả nên yêu ai cô cũng giữ một khoảng cách. Cô chủ động với thân xác đến trước để được nuông chiều, vỗ về rồi tình yêu là chuyện hậu sự. Vì rằng khi vừa lúc cô yêu tít mít thì cô túm tó được ai đó đúng là…cái nợ đồng lần. Lòng dứt với nợ, thế nên tiếp đến cô không yêu hết mình làm như muốn để dành cho người đến sau, cho trọn vẹn.

Quá khứ đang ẩn mình trong giấc miên du, buồn như nón lá mùa mưa, mưa đêm rả rích, cô gọi nó dậy…Ừ thôi thì hãy se sắt với những gì đã qua, sau khi chui rúc trong cái đám mờ mịt của mảng tình đầu, cho đến mảnh tình cuối mới đây đã hoang đường từ cổ đại. Thế nên cô không có hứng thú trở về thăm lại nơi mình đã bỏ đi sau những mùa đông lạnh lẽo. Cô thích những lạ lẫm chưa từng nếm trải để được lôi cuốn, và nhắm mắt lao vào trong đó mà tiếng Việt bây giờ gọi là tình yêu…nháp.

Và gã có mặt trong tình yêu.. ‘’nháp’’ của cô qua những ngày nắng quái chiều hôm.

Với gã thì giầy dép cũng còn có số nữa là, thật đúng là giời đày! Chẳng qua số gã ruồi nên quá cảnh từ quá khứ vị lai, gã cứ mòng mòng…những em gái bạn. Cô là một…Nếu gã gọt câu đẽo chữ những gì đơn giản nhưng lại hóa ra phức tạp: Cô trở thành người hiểu biết, phản xạ bản năng với năng động, thụ động. Nếu như gã có vật lộn với chữ nghĩa với nhân bản vô tính: Cô hóa thân là người tình ảo với tâm thức bao la, tâm hồn nhậy cảm, vốn sống ngập đầy. Cuối cùng là bản thể thì chữ nghĩa như trốn biệt đâu mất cả. Vì thảng như gã có đắp chữ vá câu để diễn tả những điều dễ hiểu, rất dễ trở thành khó hiểu. Và rồi bản thể cô đột biến như thế này đây: Về mặt tổng thể, đây là một siêu ngã để qua đó khẳng định một siêu tôi. Bằng cách này hay cách khác cũng chỉ quy chiếu vào cô. Cô là một…Cũng là tình cuối của gã qua bóng ngả đường chiều.

Nhớ ngày nào cô hẹn hò gã ở cà phê Lee. Đằng sau quán có một cái “bayou”, tức con rạch nhân tạo. Gã ỉ ôi một chiều trên bến nước qua con rạch…bê-tông cốt sắt:

Này người tình cuối sông

Nước rong đầy rồi đó

Hãy giương buồm thong dong

Đừng vì ta neo ụ

(Nguyễn Đạm Thạch)

Chuyện vì ta neo ụ, hãy giương buồm thong dong nằm ở phần kết luận. Chuyện bây giờ đến tháng 11 này là gần một năm…Vậy mà đôi khi cô vẫn còn hỗn lọan và hỗn mang với gã. Số là cô đa mang, bộc phá, nổi loạn, muốn thì bất chấp tất cả, tiến tới cho bằng được. Đến khi nắm được rồi cô lại lấn cấn, ngại ngùng, e dè. Thế nên cho đến lúc này cô vẫn là bóng tối đen thui bao trùm lên gã. Gã chưa nhấp một ngụm cà phê nào đã thấy đắng ngắt qua câu thơ: Bóng tối đen như cà phê, bóng tối đắng như cà phê

        Từ ngày gặp cô, bất cứ ở đâu, bất cứ nơi nào, ngay đây chẳng hạn. Gã chìm sâu vào mắt cô để vặn vẹo cho…đủ lãng quên đời, Nhưng gã không thấy gì cả. Cho đến khi gã tình cờ phát hiện trong đôi mắt ấy có hình ảnh của chính gã. Gã bắt đầu yêu. Bây giờ dòm ra ngoài cửa kính nắng chang chang chẳng thấy…bóng tối đâu! Dòm ly cà phê sữa chứ chẳng phải là ly cà phê đen! Nào khác gì anh ruồi nhìn qua ly giấy thấy chị ruồi với những rối rắm. Và gã hiểu…chết liền!

Chuyện bây giờ gã hiểu…hết biết với những rối rắm là nếu chắp vá những mảnh rời của cô lại. Cái váy đùm, váy đụp vá chằng, vá chịt chẳng qua ví nó rách. Nó rách bươm như cuộc tình của gã. Vì rằng: Gã yêu cô chẳng hẳn thỏa mái mà là nhọc nhằn. Vì cô nhạy cảm trước mọi tình huống, cô không mơ mộng trong tình trường. Gã yêu cô như chó hóc xương, nên tình yêu của gã không dễ nuốt mà khó nhai. Vì cô sòng phẳng với hệ lụy yêu đương, cô yêu không đến nơi đến chốn, nếu có chỉ thấy đi vào ngõ cụt. Gã yêu cô như chạy bộ mỗi buổi sáng, gã yêu cô chân thật. Trong khi cô yêu khập khiễng với…chân giả, chân thật. Vì vậy cứ tạm cho là tình yêu của gã mong manh, bùi ngùi. Một sự yên tĩnh đầy đe dọa. Trong khi Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh

Vì vậy nói trộm sau lưng cô chứ,…chứ có một đôi lần, gã đã muốn…chán cô.

Gã đi tìm những nét xấu của cô qua kinh điển: “Đàn bà, hễ mũi xấu thì mắt đẹp, mắt mũi xấu thì miệng đẹp, mặt xấu thì dáng đẹp, người xấu thì tâm hồn đẹp. Bằng cách này hay cách khác, họ cứ phải đẹp”. Nhưng ngắm cô từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, gã chẳng bắt gặp nét nào…xấu thì cô…đẹp ở cái khổ nào? Gã cố đi tìm những không bình thường ở cô để chán. Nhưng sau gã không chán cô nổi nên gã đành…chán gã. Vì khi chữ nghĩa nhập vào gã như người phi sì ke, phê phê, bay bay, gã không còn là gã nữa, đào sới chữ nghĩa để biến hóa cô bao nhiêu, gã càng yêu cô bấy nhiêu.

Gã yêu cô thành thật đến khốn khổ để trở thành…bình thường.

Thành thật mà nói thì chớ nên nói. Thành thật mà nói thì gã không bao giờ thành thật, kể luôn khi gã nói gã không thành thật. Thành thật mà nói là khi đã là tình nhân, đã bao lần tu hú yêu đương, cô ngửa mặt lên, chờ…Mắt nhắm nghiền, đôi môi chín nuỗng. Gã cúi xuống với một cảm giác mong manh dễ vỡ. Và cúi xuống nữa chờ thời khắc giao mùa từ thu sang đông…Gã cúi xuống mãi. Bao nhiêu xuân, hạ đã qua. Bao nhiêu sợi tóc bạc đã rụng. Bao nhiêu đứa con tinh thần được thai nghén cuộc tình của gã và cô lần lượt oe oe chào đời. Vậy mà môi gã vẫn chưa đụng tới được…môi cô. Thời gian rón rén qua nhanh đến độ khi vừa kịp nhận ra mình chưa kịp hôn thì…gã đã già!

Lãng đãng từ đằng góc quán, dằn vặt ném xuống đầu gã dòng nhạc…Hãy cứ là tình nhân, để hẹn hò yêu đương, để khắc khoải chờ nhau…Và mời gọi, kêu réo…Hãy cứ là tình nhân, để mong mỏi đợi chờ, tìm nhau ở trong mơ, để tình ta mênh mông…

Gã chợt nhớ lại những bài tản bút, tản văn viết về cuộc tình của gã và cô. Bài đầu tiên có tựa đề Chỉ tại cái bông tai…về chuyện cái bông tai rớt xuống nệm xe trong một ngày lập đông. Cô bỏ đi. Gã đi tìm. Tận cùng thì Thuyết tiến hóa ngược đã đúng với cô: Bản thể của cái bông tai chẳng hề tồn tại, nhưng khi mất đi thì mọi sự “sẽ” trở lại bản thể trước kia. Cái bông tai đã trở về với cái bông tai còn lại. Xô bồ với chữ nghĩa thì cô vừa bước ra ngoài khung cửa thì gặp…gã. Và chẳng hẳn là…”sai lầm”. Tận cùng với định mệnh đã an bài, cái số cô chẳng hẳn là…ăn mày đánh đổ cầu ao.

Bản nhạc vừa chấm dứt với âm hưởng để hẹn hò yêu đương, để khắc khoải chờ nhau…. thì truyện ngắn phi thực, phi-văn chương Ngồi ở quán cũng vừa xong. Gã gục gặc cái đầu chỉ tiếc rằng truyện ngắn này: Gã không có thì giờ để viết…ngắn hơn.

Đút chữ nghĩa vào túi quần. Bất giác nhìn ra ngoài, gã bắt gặp anh Vện, chị Mực đang ôm nhau ngủ vùi dưới cái tháp chùa như một nấm mồ…Thò tay vào túi áo tìm một làn khói trắng, ru đời vào quên lãng chỉ thấy hư không. Gã ngồi đó mặt đực ra như ngỗng đực nhìn cái ghế trống vắng trước mặt. Gã lễnh đễnh nói chuyện với cái ghế bằng vào một câu thơ của Thanh Tâm Tuyền: Không ai biết chúng ta yêu nhau

Cùng lúc thoang thoảng có mùi nước hoa J’adore đầy gợi cảm, kích thích, ngất ngây đầy hoang dại, hoang dã. Anh ruồi động tình động não cất cánh nhẹ bay vào một cõi tiền cổ Tây phương từ thời hồng hoang…

Trước khi rời quán, gã nhìn ly cà phê lần cuối. Và cũng là…lần đầu tiên.

        ***

       Những bài tản bút, tản văn xưa cũ cũng lụi đụi theo gã về tận nhà và chúng rủ rê leo lên giường. Gã đang đo giường đo chiếu, lần nào cũng vậy, ngày mai có hẹn hò buổi tối thao thức không ngủ được. lan man về bài Độc thoại mà gã viết nỗi trống vắng với cô là nhân vật xưng “tôi” với một ngày như mọi ngày:

 “…Nghe ra có vẻ lạ lùng và khó hiểu nếu nói rằng tôi trò chuyện với…cái giường. Nhà vắng lặng. Và thói quen trước khi ngủ tôi thường ngó quanh quất thì tôi bỗng nhận ra nó, cái giường. Cảm nhận thật là khác lạ. Một niềm quyến luyến mơ hồ, nhưng oà vỡ trong tôi nỗi rung động rất dịu dàng. Cái giường đã cũ, chiếc nệm thân quen. Tôi nhìn cái gường và chợt nhớ ra lúc bấy lâu nay tôi chỉ nằm ở một chỗ quen thuộc mà không nằm một chỗ ngồi khác. Và chuyện là như vậy ít ai nghĩ ra, ngay cả chính tôi….”

Đọc tới khúc cô nằm mơ tới một người đàn ông lạ mặt hiện về với cô trong giấc mộng thì gã cũng muốn có một giấc mơ vê…một người đàn bà. Gã lồm cồm dậy ngậm viên thuốc mới phát minh trên thị trường dược phẩm tên “Dreamland” để có một giấc mơ. Chưa tan viên thuốc gã đã mơ nhưng lại gặp…God. Ông God ban cho gã một quyền năng tuyệt đối để gã có thể thực hiện bất cứ việc gì. Tuy nhiên, có một điều kiện duy nhất mà gã không bao giờ được phép làm, đó là gã sẽ không bao giờ tỉnh dậy sau giấc mơ. Gã đồng ý chịu điều kiện ấy và…”Marilyne Monroe có nốt ruồi” hiện về với gã.

Gã phân vân không biết có nên mang chuyện phong dật này vào bài viết hay chăng. Nhưng gã nghĩ lại, thôi thì cũng một lần trong đời với một giấc mơ hoa:

“…Em đến bên anh nhẹ nhàng trong một buổi tối êm dịu như đêm qua, và những gì xảy ra trên giường của anh còn đọng lại trong anh những cảm giác khó tả. Em chợt đến từ một nơi hư vô nào đó, không hề báo trước. Em nằm trên người anh, em làm tan biến cảm giác băng giá trong anh. Em cắn anh, không hề tội lỗi, em làm cho anh phát điên.

Cuối cùng anh chìm vào trong giấc ngủ.

Sáng nay, khi anh tỉnh dậy thì em đã đi rồi. Anh tìm em nhưng không thấy dấu vết chỉ có những bức tường chứng kiến chuyện đôi ta đêm hôm qua. Cơ thể anh vẫn còn in dấu vết của em. Đêm nay, anh sẽ thức chờ em. Ngay khi em đến anh sẽ vồ lấy em, anh sẽ không để em ra. Anh sẽ giữ chặt em trong lòng bàn tay anh để em mãi mãi không biến mất. Anh sẽ…giết chết em:

Những đáng ghét nhất trần đời”.

Ây vậy mà may quá là may…May mà trong giấc mơ có mặt cô làm nhân chứng, tức người tình hiện thực của gã. Cô gọi gã dậy vì đã đến ngày hò hẹn yêu đương…

***

Đến ngày neo ụ hẹn hò, trời đất gừ gào sương muối đầy ý niệm ảo. Tới trước cửa nhà cô, gã khép dù lại và tháo giầy. Chiếc giầy trái để bên trái, chiếc giầy phải để bên phải cái dù. Rồi bước vào, vì không đi giầy, gã không nhớ chân nào chân phải, chân nào chân trái. Gã bắt gặp cô đeo cái tạp dề đang làm bếp. Đứng đằng sau lưng. Gã hôn nhẹ lên gáy, quanh vành tai cô. Hai tay gã ôm phần đằng trước để tìm nhau ở trong mơ, để tình ta mênh mông…Cô quay lại ôm hôn gã, một nụ hôn từ tiền kiếp, từ ngàn năm mây bay. Xong, cô nói đợi tối ra ngoài vườn xem…hoa qùynh nở.

Tối vào khuya, cô nằm trên giường. Bò lên nằm trên người cô, gã nhìn thấy mặt cô trắng nồng nỗng, rồi đỏ lựng dần. Đầu óc cứ rối tinh vì gã không biết cách khéo vun chuyện dắng dả như cô. Vì không biết làm gì, gã mang chuyện ra…đọc cho cô nghe.

Đọc xong gã bắt gặp cô…nhẹ nhướng mắt, khẽ mím môi.

        Ừ thì chuyện ngồi ở quán của gã như thế đó, cô như thế đấy.

Thạch trúc gia trang

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search