T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 209)

clip_image002

 

Chữ nghĩa làng văn

Nhà văn giỏi là người biết quan sát và kể chuyện, hé lộ những điểm thắt nút, nhưng chi tiết tinh tế, gợi mở cho những gì sắp xảy ra. Người kể chuyện không nên có giọng điệu giảng giải. Anh ta phải biết tôn trọng sự thông minh của độc giả. Họ luôn biết lý giải câu chuyện theo cách riêng của mình.

(Nhà văn không nên giảng giải cho độc giả – Ha Jin)

Chữ Việt cổ

 Lưng chưng: chưa xuôi bề nào

 (Đại Nam quốc âm tự vị – Huỳnh Tịnh Paulus Của)

Nguồn gốc chữ Quốc ngữ

Đầu thế kỷ thứ 17 các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha đến Việt Nam. Dòng Tên chính thức được thành lập ở Đàng Trong năm 1615. Đàng Ngoài năm 1627.

Trong giới giáo sĩ dòng Tên người Bồ có một nhân vật đóng một vai trò lịch sử trong nền văn hóa Việt Nam, đó là Francisco de Pina. Pina sinh  năm 1585, đến Macau năm 1613, đặc biệt rất giỏi tiếng Nhật. Năm 1617 ông đến Đàng Trong truyền giáo và bắt đầu dịch một số văn bản của Ki Tô giáo ra tiếng Nôm, một thứ chữ Hán được bản địa hóa..

Nhưng Pina nhận thấy các nhà truyền giáo khác họ không sao học được chữ Nôm. Pina thấy chữ Nôm không thể là phương tiện giao tiếp với người bản xứ, ông nghĩ ra một cách đơn giản. Ông thử lắng nghe người Việt phát âm ra sao rồi dùng mẫu tự la tinh để diễn tả âm tiết theo cách mà tiếng Bồ Đào Nha thường làm. Đó là thời điểm khai sinh của chữ quốc ngữ chúng ta ngày nay.

Từ năm 1622, ông đã tạo một hệ thống chuyển mẫu tự la tinh cho hợp với thanh điệu và lối phát âm của tiếng Việt. Pina cũng soạn cả một tập văn phạm thô sơ cho loại chữ viết mới mẻ này.

 Mún

Mún: miếng nhỏ

(chặt măm, chặt mún

băm mún, manh mún)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Chữ nghĩa làng văn

Ở đâu nhà văn và nhà giáo cũng có quan hệ khá chặt chẽ với nhau. Cả hai loại người này đều sinh hoạt trong thế giới sách vở.

Hậu quả là phần lớn các nhà văn đều có khuynh hướng viết văn như một nhà giáo. Một biểu hiện khác của việc viết văn như một nhà giáo là khuynh hướng diễn giải. Cứ thế, nhà giáo phải giảng đi giảng lại những điều cực kỳ căn bản. Rất tiếc, không ít người đem cả thói quen diễn giảng ấy vào văn chương.

Trong bài viết của họ, mỗi câu văn phải cõng trên lưng nó năm bảy câu giải thích. Chuyện mới, giải thích đã đành. Ngay cả những chuyện xưa như trái đất cũng vẫn giải thích. Lặp lại những kiến thức sơ đẳng và cũ rích, cách viết như thế là một sự xúc phạm đến sự hiểu biết của người đọc. Giọng văn làm nhàm và lảm nhảm, cách viết như thế là một sự xúc phạm đến tính chất thẩm mỹ của văn chương.

 (Nhà văn…không là ai – Nguyễn Hưng Quốc)

 Muổi

 Muổi: quả chín

(chín muổi)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Cách đây mấy ngàn năm, ngoài tiếng Tàu ra, ông bà ta còn dùng và xài không biết bao nhiêu là tiếng nước ngoài ở Đông nam Á châu mà ta cứ tưởng đâu là tiếng Việt, không ngờ đó là tiếng nói của biết bao ngôn ngữ láng giềng, mà lại không phải là tiếng Tàu.

Như cụ Nguyễn Trãi cách đây gần 600 năm nói:

Tuy rằng bốn bể cũng anh tam,

“anh tam” là tiếng Mã lai hiện nay, có nghia là thằng em trai

(Nguyễn Hy Vọng – sưu tầm & tản mạn)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Yêu nhiều thì ốm, ôm nhiều thì yếu.

Chữ nghĩa làng văn

Nhiều nhà văn miền Nam cho là truyện ngắn có trước truyện dài.

Dương Nghiễm Mậu: “Phải trải qua truyện ngắn trước truyện dài”.

Nguyễn Thụy Long: “Truyện ngắn là bước khởi đầu của nhà văn”.

Mai Thảo: “Truyện ngắn là những bước chân đi vào văn chương”.

(Văn Khảo – Trần Bích San)

Chữ Việt cổ

 Từ cổ tiếng Việt trong “Đại Nam quốc âm tự vị” của Huỳnh Tịnh Paulus Của. Những cứ liệu khảo sát từ cổ rất đa dạng và phong phú, nhưng do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại

 Cố lý: xứ sở mình sanh đẻ

 (Đại Nam quốc âm tự vị – Huỳnh Tịnh Paulus Của)

Chữ nghĩa làng văn

(…trích lục lại)

Nền tảng của văn phong là nếu có lời văn hoa mỹ, chải chuốt là điều hay. Nhưng điều quan trọng hơn vẫn là rõ ràng và dễ hiểu.

Triết gia Aristotle của Hy Lạp từ thế kỷ thứ tư trước Tây lịch đã nói: “Viết giỏi là có tư tưởng như người thông thái, nhưng phát biểu như người thường”.

Mark Twain cho rằng chữ ngắn, câu ngắn, đó cách viết hay nhất. Ông bảo: “Văn của tôi là nước lã. Văn của các đại văn hào là rượu nho. Mọi người đều uống…nước lã”.

(Vũ Thụy Hoàng – Múa bút)

Mứa

Mứa: còn dư, còn lại

(bỏ mứa, thừa mứa)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Chữ nghĩa làng văn

Tuy nhiên cái tinh thần coi trọng truyện dài từ thế kỷ 18 của Tây phương khi truyện ngắn chưa định hình được lập đi lập lại bởi chính những nười cầm bút:

“Nhà văn chưa phải là nhà văn nếu chưa viết được truyện dài”.

Đã đến lúc phải xét lại với quan niệm sai lầm và lỗi thời.

(Văn Khảo – Trần Bích San)

Chữ Nho

Người dạy chữ Nho gọi là “cụ đồ Nho”, sách viết theo chữ Nho gọi là “sách Nho”. Thực ra, chữ Nho chính là chữ Hán của Trung Hoa. Thế thì tại sao người Việt lại gọi chữ Hán là chữ Nho? “Nho” ở đây chính là “Nho” trong “Nho giáo”, “Nho học”, “Nho sinh”, “Nho gia” của tiếng Hán. Cái nghĩa gốc xa xưa chữ “nho” trong tiếng Hán vốn chỉ những người học hành, những người có học thức.

Sách “Pháp ngôn” có câu: “Thông thiên địa nhân viết nho” (người thông tỏ mọi lẽ của trời, đất, người gọi là nho). Về sau, “nho” thường được dùng để chỉ các Nho gia. Từ thời Bắc thuộc ngàn năm, Nho giáo đã được truyền bá vào nước ta và dần dần trở thành quốc giáo. Lẽ dĩ nhiên, Nho giáo muốn truyền vào được phải kèm theo các sách thánh hiền. Nhưng người Việt không gọi các chữ trong đó là chữ Hán như tên vốn có của nó mà lại gọi là chữ Nho, có lẽ hàm ý là chữ Nho học.

Hồn Bướm Mơ Tiên

Hồn bướm mơ tiên trích từ hai câu thơ cổ trong Bích Câu Kỳ Ngộ:

Gió thông đưa kệ tan niềm tục

Hồn bướm mơ tiên lẩn sự đời

Tương truyền là của vua Lê Thánh Tông làm để xướng họa với một nàng tiên ni cô ở chùa Ngọc Hồ. Sự lựa chọn của Khái Hưng hàm ý thần tiên, thơ mộng, nảy ra từ một kỳ tích Việt. Âm vang hồn bướm mơ tiên gợi không khí Tú Uyên, nhắc đến phường Bích Câu, đến kỳ ngộ trong lịch sử và văn hóa Việt.

Cách mở màn trực tiếp và bát ngát của Hồn Bướm Mơ Tiên dẫn thẳng vào không gian Bắc Ninh, vào chùa Long Giáng, vào ca dao, vào đời sống dân quê miền Bắc; mà sau này lối khai khúc ấy xuất hiện trong trường ca Con Đường Cái Quan. Phạm Duy chịu ảnh hưởng Khái Hưng chăng? Chưa chắc. Có thể chỉ là ngẫu nhiên bởi những nghệ sĩ đắm mình trong linh hồn dân tộc thường gặp nhau trong ca dao, huyền sử:

Hỡi anh đi đường cái quan

Dừng chân đứng lại em than đôi lời

(Khái Hưng 1896/1947 – Thụy Khuê)

Chữ nghĩa làng văn

Tùy bút – tùy hứng là phóng bút – là một thể rất tự do, gặp gì chép nấy, nghĩ sao nói vậy: Một cơn mưa, một giọng hát, một hớp trà, một trang sách, một tà áo phất phơ dưới gió, một tiếng ve rỉ rả trong rừng... bất kỳ một cảnh vật nào, một sự việc nào, hễ gợi hứng cho ta cũng có thể là đề tài một thiên tùy bút. Nó tựa như nhật ký mà không phải là nhật ký, vì nó là “bút” chứ không phải là “ký”; nó tựa như nghị luận mà không phải là nghị luận, vì nó là tùy hứng suy đoán chứ không phải dụng ý biện luận.

Nó phóng túng như vậy nên ta tưởng là dễ, nhưng có viết thử mới thấy khó. Trước hết nó phải thanh thoát, nhẹ nhàng như ngồi bên giàn hoa hay một ấm trà. Nó không dài, trung bình mươi trang trở lại, nhưng lời phải tự nhiên, có duyên, nội dung phải có ý vị.
Quan trọng nhất vẫn là nghệ thuật.

Tiểu thuyết mà dở thì người ta vẫn gọi là tiểu thuyết; thơ mà dở thì cũng vẫn là thơ – thơ con cóc. Còn tùy bút mà thiếu nghệ thuật thì không có tên để gọi vì lẽ không ai thèm biết tới.

Cho nên lựa thể tùy bút là làm một công việc chỉ có thành công hay thất bại, không thể nhùng nhằng được.

 (Nguồn: Nguyễn Hiến Lê)

Nả

Nả: từ nghi vấn đật cuối câu

(được mấy nả, có việc gì nả, nói gì nả)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Chữ nghĩa làng văn

Dường như ai cũng đã biết là mình sẽ viết như thế nào. Vấn đề còn lại chỉ là cảm hứng. Có cảm hứng là có tất cả. Những người lâu lắm không viết được gì hoặc viết không hay là bởi vì cảm hứng của họ đã cạn hoặc không còn nồng. Điều này lại dẫn đến những bằng chứng cho thấy sự khủng hoảng của thể truyện, là các quan điểm có tính chất lý thuyết về thể truyện tại Việt Nam phát triển rất chậm, cực kỳ chậm, chậm đến đáng kinh ngạc: nghe những lời phát biểu về tiểu thuyết, đâu đó, trên báo chí, có khi từ những cây bút thành danh từ lâu, người ta không khỏi có cảm tưởng như đang sống ở thế kỷ… 19, thậm chí, đầu thế kỷ 19.

(Một số vấn đề mỹ học – Nguyễn Hưng Quốc)

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Cách đây mấy ngàn năm, ngoài tiếng Tàu ra, ông bà ta còn dùng và xài không biết bao nhiêu là tiếng nước láng giềng mà ta cứ tưởng đâu là tiếng Việt của ta, không ngờ đó là tiếng nói của biết bao ngôn ngữ láng giềng, mà lại không phải là tiếng Tàu.

Hai tiếng Nôm na mà ai cũng cho là “Nôm” là Nam , vậy thì “na” là gì? mọi người đều lờ đi !

Thật ra, “Nôm và na”  đều có nghĩa gốc là xưa, cũ, lâu đời…đã có từ lâu.

[Các tiếng Lào Thái Khmer đều có ghi hai tiếng “nôm na” và đều giải thích như vậy]

Tiếng Nôm là tiếng nói xưa của người nước ta, đã nói như vậy từ lâu, truớc khi ông bà ta gặp người Tàu.

(Nguyễn Hy Vọng – sưu tầm & tản mạn)

 

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

Bài Mới Nhất
Search