T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lê Mai Lĩnh : Những bài thơ một thời không thể quên

 

 

Tranh – Trần Thanh Châu

 

Lời Giới Thiệu :

Nhà thơ Lê Mai Lĩnh, tức Sương Biên Thùy, tác giả tập thơ “ Thơ Lê Mai Lĩnh “, nhà xuất bản Sông Thu ấn hành tại Hoa Kỳ năm 1997. Đây là tập thơ gồm hai phần. Phần I,những bài thơ làm trong tù được trí nhớ tuyệt vời của anh ghi lại. Phần II, những bài thơ tình cháy bỏng , đầy nhựa sống , chứng nhân cho những ngày tháng làm lại cuộc đời . Hai mảng thơ về hai đọan đời gắn liền với sự sống chết của nhà thơ đã được gom lại trong ấn phẩm rất đẹp . Trước đây, T.Vấn & Bạn Hữu đã trân trọng giới thiệu phần II của tuyển tập “ Thơ Lê Mai Lĩnh “ : Những bài thơ tình của một thời ngao ngán nhất. Dưới đây là phần I của tập thơ, Những bài thơ một thời không thể quên được chúng tôi tiếp tục giới thiệu.

T.Vấn & Bạn Hữu

Lời Mở :

Hai mươi lăm năm qua, tôi đã để lại thành phố này một đứa con, không biết trai hay gái, tên nó là NỖI BUỒN NHƯỢC TIỂU.*

Hai mươi lăm năm qua, tôi đã lưu lạc giang hồ. Tôi chọn cho mình giang hồ và đời đã bắt tôi phải lưu lạc.

Hai mươi lăm năm qua, tôi đã sống tưởng chừng như tôi đã chết.

Hai mươi lăm năm qua, tôi đã đi nhiều nơi và tôi đã làm nhiều việc. Những nơi tôi đã đến, là cùng hang cùng ngõ, từ Bắc chí Nam. Nơi có núi có sông, có thác có ghềnh, có đỉnh cao vực sâu. Có lạnh như dao cắt và nóng như lửa đốt. Có bom đạn ác liệt và tình yêu nên thơ. Có đau đớn thể xác và ngây ngất nhục tình. Có máu chảy và nước mắt rơi. Có máu tươi ngọt, u uất và nước mắt đớn đau, hạnh phúc. Có thủy chung và có phản bội. Có nước mắt trẻ thơ và nụ cười tuổi già. Có sự sống và có cả cái chết. Có tiếng gió vi vu của thông và tiếng rì rào của sóng. Có tiếng gầm thét của đại bác và tiếng thở hân hoan của khóai lạc. Có Đà Lạt hoa và Hòang Liên Sơn tai mèo, núi. Có tất cả. Có tuốt luốt.

Những việc tôi đã làm là tùm lum tà la. Nhớ không hết. Nghĩ mệt óc. Viết tốn giấy. Duy có một điều, tôi không thể nào quên. ĐÓ LÀ LÀM THƠ.

Làm thơ trong lúc cầy ruộng, nghĩ trong đầu thuộc, tối về chép lại. Làm thơ bên bếp lửa, giữa giờ giải lao, trên bao thuốc lá Sông Cầu giữa cơn lạnh mùa đông Yên Bái. Làm thơ lúc đang tắm cho heo, tay chà, đầu nhớ. Làm thơ trong lúc bụng đói cồn cào, phải uống nước lạnh để đánh lừa bao tử ở Lào Kai. Làm thơ lúc hân hoan vì trước mặt có thịt, cá, bánh chưng ba ngày Tết ở Vĩnh Phú. Làm thơ lúc phá rừng trồng sắn, lúc leo núi đẵn tre, lúc lội sông gánh nứơc. Làm thơ lúc gánh cứt tưới rau, sau đó biết mình thành công, vì thơ làm ra không thúi. Chẳng hạn như những câu thơ dưới đây có thúi đâu :

Trời trong xanh buổi sáng hôm nay

Soi xuống hố cứt, thấy mặt mình vẫn còn tươi sáng

Còn nét thơ ngây, còn dáng hình người

Chưa có gì ra vẻ đười ươi

Hỡi những cục cứt còn xác bắp cộng rau

Trôi lềnh bềnh giữa bầy dòi bọ

Trông các em thân quá làm sao

Giữa đời ta, chuỗi ngày lem lọ

Đại khái, đại để, đại lọai là như thế. Hoặc nữa, làm thơ vào buổi sáng, giữa núi rừng, lúc mặt trời mọc, trong gió mát, trời thanh, bình minh dậy.Làm thơ vào giữa trưa, dưới cánh đồng, lúc nắng chang chang, mồi hôi nhễ nhại, mệt lả. Làm thơ vào buổi chiều, công việc trong ngày đã xong ( trả nợ quỷ thần) đôi vai nhẹ tênh, thơ thới. làm thơ vào ban đêm, rệp cắn, muỗi đốt, người nằm chật như cá hộp. Đại khái, đại để, đại lọai là như thế. Hoặc nữa. Nhưng thôi. Và, đã có lần, tôi sém chết vì thơ. Nhưng đã có rất nhiều lần, tôi sống được, nhờ thơ.

Làm thơ và ngay cả những bài thơ làm ra, quả tình, có một điều gì thật kỳ lạ. Và, cũng là một điều tậht kỳ lạ, là khi anh làm thơ, anh phải thiết tha, đam mê, yêu một cái gì đó.Một cái gì đó, có thể là quê hương anh dấu yêu, lý tưởng anh tôn thờ, hay là một nhan sắc người tình, một dáng đàn bà trẻ con, nỗi cô đơn góa phụ, một thóang qua tuyệt vời yêu dấu, mà anh yêu, tưởng chừng như có thể chết đi được . . .

Phải thế không, họa sĩ Thanh Hồ ?

Thanh Hồ, tôi gọi tên anh, ngày trở lại, sau hai mươi lăm năm, là vì hai mươi lăm năm qua, anh đã cất giữ dùm tôi một đứa con mồ côi mồ cút. Nếu không có anh thì nó đã không còn. Và, không nhờ có anh, tôi là cha nó, đã không còn cơ hội nhìn lại mặt nó, con của tôi. Tôi cảm ơn anh. Tôi phải ảcm ơn anh, vì một lý do khác nữa, là ngày đó, đã hai mươi lăm năm rồi, tôi rách nát làm sao. Tôi đâu có làm thơ được, tôi đâu có in thơ được, nếu thiếu đi những ly cà phê, những gói thuốc lá, thì đời buồn lạ. Nhưng anh đã tiếp tế cho tôi, thường xuyên, đều đặn để tăng nguồn cảm hứng lúc sáng tác, dẫu cỏn con, hnưng cần thiết biết bao, cho một gã làm thơ, cho một đời thi sĩ.

Ngày đó, đã hai mươi lăm năm rồi, khi trở lại, trên mỗi bước chân đi, dẫm lên đá cuội, trong công viên, dẫm lên cát mịn, dọc bờ biển biếc, trắng xóa bọt sóng, gió từ khơi xa phả hơi mặn lên mặt người . . ., tôi nhớ lại, như vừa mới đây, như vừa mới hôm qua, chúng ta . . . Thế mà, đã lâu lắm rồi. Ngày xưa. Đã hai mươi lăm năm. Đã một phần tư thế kỷ. Khiếp thật. Phải thế không Thanh Hồ ? Phải thế không Thanh Hồ, đã hai mươi lăm năm qua.

Đã hai mươi lăm năm qua. Nhìn lại. Mất. Còn. Được.Có. Không. Những gì.

Nó-đã-là-như-thế thì nó-phải-là-như-thế.

Nhưng mà, liệu chúng ta, có lẽ nào, để cho nó mãi mãi là như thế được. Trong chúng ta, ngày đó, giờ còn lại, mấy ai. Bạn bè đã xa. Có đứa đã chết. Có đứa đã điên. Người còn vật vờ. Giờ là lúc, không khiếp sợ, không trách móc, không chạy trốn. Ai hay ai dở đã biết. Ai còn ai mất đã rõ. Ai đúng ai sai đã tường. Giờ không còn là lúc mọi người nguyền rủa nhau. Phải thấy được cái đúng cái sai của chính mình, để mà lo liệu, để mà nghĩ tới quê hương. Tất cả chúng ta đều là những kẻ chiến bại trước sự nghèo đói của nhân dân. Trước quê hương khổ đau, chúng ta đều có tội, dẫu chúng ta khóac cho nhau mầu áo nào.

Thanh Hồ ơi, tôi đã muốn khóc. Thì ra, tôi còn mềm lòng quá nhỉ. Và, tôi đang khóc đây.

Trong tôi, từ cha sinh mẹ đẻ, chưa bao giờ, không bao giờ có lòng thù hận. Ngày xưa đã một thời tôi cầm súng vì tôi không thể không cầm súng. Ngày xưa, anh em bạn bè tôi đều làm như thế; tại sao tôi lại không. Tách mình ra khỏi số phận chung là điều tôi không muốn. Vả lại, bấy giờ chiến tranh với tôi như một trò chơi, nói theo ý thơ của một ngừơi bạn tôi, nhà thơ Nguễyn Bắc Sơn :

“ Chiến tranh này như một trò chơi

Suy nghĩ làm gì hao tâm tổn khí “

Do đó, nêu lên được thiên đường một mình tôi, tôi cũng không lên. Buồn lắm, nhớ bạn bè quá, lấy ai để “ quàng vai ấm áp cuộc rong chơi “ (thơ Nguyễn Bắc Sơn).

Và bây giờ chúng ta còn sống. Vậy thì, xin thưa với những người đã chết, rằng thì là, lỡ đã chết, dẫu với lý do nào, thì xin cứ hạnh phúc ngủ yên. Tôi nói hạnh phúc ngủ yên, vì rằng, chết được cũng là điều hạnh phúc. Vậy thì, xin đừng về quậy chúng tôi nữa. Và những người còn sống, dẫu vì lý do nào mà chưa chết được, xin đừng quên, cái giá phải trả, trước tương lai dân tộc và lịch sử giống nòi.Vì rằng, CON NGƯỜI, DÂN TỘC và LỊCH SỬ là một quan tòa nghiêm minh lắm, sẽ không tha thứ cho những ai đã sống mà không sống ra hồn người. Nước mắt và trái tim tôi đây, ngày trở lại, sau hai mươi lăm năm xin tặng cho bạn bè.

Lê Mai Lĩnh

Nha Trang Noel 1989

*Nỗi Buồn Nhược Tiểu là tên tập thơ đầu tiên của tôi xuất bản khi còn là học sinh trường trung học Võ Tánh , Nha Trang năm 1963.

 

 

 

LỜI TẠ LỖI

VỚI QUÊ HƯƠNG

Dẫu thế nào tôi cũng phải đi
Đành đoạn ra đi
Thà chọn cho mình một kiếp lưu đày
Hơn bị lưu đày trên chính quê hương
Hãy thông cảm và tha thứ cho tôi
Nguyễn Hoàng ơi, Việt Nam ơi, Việt Nam ơi
Xin đừng gọi tôi là tên đào ngủ
Dù ở nơi nào trên mặt đất này
Tôi không quên, tôi, một NHÀ THƠ CHIẾN SĨ
Mãi mãi chiến đấu cho QUÊ HƯƠNG VÀ TỰ DO

Tôi ra đi mang theo nửa trái tim
Nửa còn lại giữ giùm tôi nhé
Tôi ra đi mang theo cả quê hương
Vãn chưa đủ ấm lòng tôi đó
Nguyễn Hoàng ơi, Quảng Trị ơi, Việt Nam ơi
Làm sao tôi có thể quên

Làm sao tôi có thể quên những người mẹ Quảng Trị
Phơi tấm thân gầy trên ruộng đồng
Dưới cái nắng chang chang cơn gió Lào rát mặt
Chắt chiu từng hạt lúa củ khoai
Nuôi cho con ăn học
Con được vào trường Nguyễn Hoàng
là niềm tự hào của mẹ

Làm sao tôi co thể quên những người cha Quảng Trị
Tất bật ngược xuôi cuối bãi đầu ghềnh
Nhặt nhạnh từng gánh than gánh củi
Đổi thành gạo thành tiền,thành cơm, thành áo
Mong cho con nên người
Dưới mái trường Nguyễn Hoàng Quảng Tri thương yêu

Làm sao tôi có thể quên các thầy các cô
Đã suốt đời hy sinh tận tụy
Dạy cho tôi những kiến thức làm người
Và những bài đạo lý vỡ lòng tôi nhớ mãi
“Tiên học lễ, hậu học văn”

Làm sao tôi có thể quên những bạn bè dưới mái trường xưa
Thương nhau như ruột thịt
Tôi nhớ cả sân trường, cột cờ, tiếng trống giờ chơi
Nhớ từng viên sỏi, ngọn cỏ lấp lánh sương mai
Nhớ buổi tan trường như đàn ong vỡ tổ
Màu trắng học trò và màu phượng vĩ đỏ
Là bức tranh diệu kỳ vẽ trên nền trời biếc xanh
Nguyễn Hoàng ơi, Quảng Trị ơi

Vâng tôi nhớ mãi Quảng Trị
Thành phố nhỏ như một bàn tay
Mà năm ngón là những đại lộ
Và phố xá, đường làng, ngõ quê, xóm vắng
Là những đường chỉ tay đan kết vào nhau
Nhớ như in từng địa chỉ ngôi nhà
Từng khung cửa sổ, ngọn đèn học thi
Nhớ từng khuôn mặt, từng dáng đi
Từng mái tóc vờn bay trong gió
Từng tà áo thướt tha đầu ngõ
Vành nó lá nghiêng nghiêng

Những con đường bờ sông phượng đỏ một trời
Con đường đêm đêm mở ra một thế giới thần tiên
Ở đó có nàng Công Chúa ngủ quên
Chờ Hoàng Tử thức dậy
Ở đó có những thảm cỏ xanh, gốc cây
Và bóng tối thật dễ chịu
Chúng không can dự vào những nụ hôn, lời thầm thì
Của những đôi tình nhân yêu nhau, yêu nhau
Ở đó có một dòng trăng chạy dài
từ cầu ga đến chùa Tỉnh Hội
Đêm đêm dập dìu những dáng liêu trai
Làm sao tôi có thể quên

Và cả em nửa, làm sao tôi không nhớ
Chính em đó, làm sao tôi có thể quên
Những đêm Nguyễn Hoàng đầy trăng
Tôi đi bộ hàng mấy cây số đường làng
Qua những lũy tre bời dậu đến nhà ông Lê Chí Khiêm
Hái trộm những cành hoa dạ lý hương
Về cắm lên cửa sổ nhà em trọ học
Đó là mùa hè năm  1962
Và cũng từ đó tôi mất em vì nỗi ngu ngơ
dại khờ của tôi
Và cũng từ đó tôi ra đi
Chia tay Nguyễn Hoàng Quảng Trị
Buổi lên đường, trong trái tim tôi em là kỷ niệm
Em là kỷ niệm đẹp nhất thời thơ ấu của tôi
Cảm ơn em, Cảm ơn em, Cảm ơn em.
Em ở đâu, giờ này tôi biết
Tôi cầu mong em hạnh phúc
Và được yêu như tôi đã yêu em

Làm sao tôi có thể quên
Làm sao tôi không nhớ
Nguyễn Hoàng, Quảng Trị, Việt Nam chiến tranh
Những cha con, chồng vợ, cháu chắt, ông bà
Bồng bế, gồng gánh, chân đất đầu trần
Đói khát khóc la và gào thét
Đi trên mìn chông, đi trong đạn lạc
Đi giữa bom napal, đi cùng tiếng đại bác
Đi suốt con đường khổ nạn, trầm luân
Bên thây người lăn lóc
Bên thây người thối rữa
Bên thây người tanh hôi
Và những em thơ gào la bên xác mẹ
không còn giọt sửa
Đại lộ Kinh Hoàng
Quảng Trị quê tôi trong ngút trời lửa đạn
Những La Vang, Nhan Biều
Trí Bưu, Cổ Thành, Chợ Sải
Trần Hưng Đạo, Quang Trung, bờ sông Thạch Hãn
Cửa nát nhà tan, ruộng đồng cháy đỏ
Xác người đỏ
Quê hương thành bình địa
Dưới bom chiêu bài, đạn chủ nghĩa
Của lũ người hiếu chiến, bọn người phi nhân
Bởi người Marxist, Leninist Việt Nam
Làm sao tôi có thể quên

Bài thơ này như một quà tặng trước giờ lên đường
Con xin gởi lại thầy cô và bè bạn
Anh gởi lại cho em
Như nửa trái tim lưu luyến
Cùng với nỗi xót xa
“Trường đã mất và tên trường cũng không còn” (*)
Nguyễn Hoàng ơi lẽ nào như thế mãi
Và vấn đề hôm nay
Đâu là sứ mệnh của chúng ta
(*) Lời thầy Thái Mộng Hùng

BẢN CÁO TRẠNG

HAY THƯ GỞI TÊN TÙ NHÂN

CỦA LỊCH SỬ

 

Thưa Ông,
Ký tên dưới đây là tôi
Lê – Mai – Lĩnh
Thi sĩ
Yêu quê hương như yêu chính bản thân mình
Và Tổ Quốc, trong trái tim hằng đêm thao thức
Bụi và lãng mạn
Thêm một chút khùng
Khi trái trời trở gió biến thành điên
Có máu hiệp sĩ
Thích trừ gian diệt bạo
Dù chỉ cân nặng 46 kílô và cao 1 mét sáu mươi lăm
Nhưng tôi vẫn luôn đứng thẳng
Dầu đã qua mấy mùa giông bão

Cha tôi là Lê Văn Thông
Từ người kháng chiến yêu nước năm 45
Biết nói tiếng Pháp như gió
Sau trở thành tên đảng viên CS chỉ biết
cầm súng cắc-bụp-xòe
Giờ đã 80 nằm một chỗ chưởi ông
và tập đoàn lãnh đạo CSVN
Bởi theo các ông mà thân tàn ma dại

Mẹ tôi là Nguyễn Thị Sầm
Tần tảo một mình nuôi 4 đứa con từ ngày chồng
tham gia kháng chiến
Nhờ thế chúng tôi lớn khôn

Ba người anh tôi
Một người đi lính Biệt Động Quân
Một người đi Thủy Quân Lục Chiến
Một người đi Biệt Kích Dù
Còn tôi, ngành Chiến Tranh Chính Trị
Sau 30 tháng 4 mẹ tôi bị cha tôi nạo
một trận nên thân
“Sao mụ cho chúng đi toàn thứ dữ”
Mẹ tôi đã chết sau ông đúng mười năm
Sau hai ngày Công An dẫn Ban Thuế Vụ vào nhà
người anh tôi khiêng cái tủ thờ bằng gỗ cẩm lai và
bắt con heo nái cùng bầy con để trừ vào thuế nông nghiệp.
Lúc trên tường cái Huân Chương 40 năm tuổi đảng
của cha tôi đỏ chói treo lủng lẳng
Im lặng đồng lõa
Mẹ tôi tức hộc máu mà chết

Tôi sinh ở Bình Trị Thiên
Cùng quê với đôi dép râu
Nhưng một đời tôi chỉ thích đi chân đất và giày sô
Cho dễ chạy
Chạy, bằng đôi chân của mẹ,khi còn là hài nhi
thời tản cư năm 45.
Chạy, khi thực dân Pháp bỏ bom thời ông Tiêu-Thổ-
Kháng-Chiến.
Chạy, khi ông ra lệnh rào làng chiến đấu, giặc Pháp
về đốt nhà bắt người xếp hàng bắn như xâu táo.
Đó là thời kỳ chạy lui bằng chân đất của tôi
thời thơ ấu
Khi chưa biết ông là ai ?

Nhưng từ Tết Mậu Thân năm 68
Khi ông dùng thơ làm mật lệnh
Xua quân vào Huế chôn sống hàng chục ngàn người
Tôi bắt đầu biết ông là ai ?
Và từ đó tôi mang giày sô tiến lên phía trước

Tôi vào quân trường Thủ Đức học vài môn ăn chơi
Cầm súng, ném lựu đạn, xốc lưỡi lê về phía trước
Biết nhắm vào ai
Tôi biết bò dưới hỏa lực và chủ động cho đường đạn
bay tới
Tôi biết di chuyển theo đội hình và thế nào là
hiệp đồng tác chiến
Chừng đó đủ cho tôi biết chơi trò chơi chiến tranh

Ba người anh dữ dằn của tôi chơi ở Bình Long, An Lộc,
Khe Sanh, Hạ Lào, Cổ Thành Quảng Trị.
Tôi biết mình nhỏ con, trói gà không chặt,lấy đâu
thần công lực
Chơi bạo, chơi xa
Tôi về Tiểu Khu Phan Thiết quẩn quanh rong chơi
nơi mật khu Lê Hồng Phong, Tam Giác Sắt
Cầm chắc khẩu súng trong tay
Nảy cò, làm thơ và uống rượu
Quần thảo với lính ông, đàn dế điên mắt mù tai điếc
Chúng lẩn tránh chui rúc tinh ranh như quỷ
Chơi với dế điên lắm lúc cũng bực mình
Chuyện sứt trán, bể vai là điều dễ hiểu
tôi không muốn nói ra.

Cuốc thế đổi thay, lịch sử xoay vần
Tôi vào tù và ông khô xác
Làm con vật người triển lãm
Chuyện kể ra dài dòng
Để đó. Hồi sẽ rõ
Lịch sử sẽ phân minh
Công và tội
Duy một điều tôi cần nói với ông
Là hiện nay,nhân dân đang nguyền rũa ông quá đỗi

Họ nguyền rũa ông đã làm tay sai cho CS Quốc Tế
Đem chủ nghĩa phi nhân, ngoại lai về giết hại dân lành
Họ nguyền rũa ông đã Bần Cùng Hoá Nhân Dân
Đưa Dân Tộc vào tận cùng rách nát

Ông đã sản sinh một lũ máy người
Líu lo vẹt
Nói dối như Vẹm
Giết người không gớm tay
Cướp đoạt tài sản của nhân dân không bút mực nào
kể nổi
Năm kháng chiến 45 ông đã giết hàng ngàn giáo dân
Cao Đài Hòa Hảo
Chứng tích rành rành theo lời ông Nguyễn Hộ
Đảng viên 55 tuổi đảng đã tố cáo trước thế giới và
nhân dân
Ông giết những nhà trí thức, những người yêu nước
Không chịu theo ông: Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi,
Khái Hưng, Hoàng Đạo, Huỳnh Phú Sổ,
Tạ Thu Thâu…
Và nhiều người nữa không sao kể hết.

Năm Cải Cách Ruộng Đất 53, 54
Ông giết hằng chục ngàn người, bị ông đem ra Đấu Tố
Không từ đàn bà,trẻ em, người già, người bệnh

Năm Nhân Dân Giai Phẩm 56
Ông nhốt trí thức, văn nghệ sĩ vào tù, thủ tiêu,
đọa đày xác thân
Năm Tết Mậu Thân ở Huế, chỉ trong 21 ngày
Ông đã ra lệnh chôn sống hàng chục ngàn người
trong những ngôi mồ tập thể
Hai mươi một ngày chừng đó người ông thủ tiêu
Nếu hai mươi mốt tháng
và hai mươi mốt tháng cho toàn miền Nam
Thì bao nhiêu mồ chôn nếu các ông chiến thắng

Năm 75, ngày 30 tháng 4
Đảng ông xua quân vào cướp miền Nam
Xé bỏ hiệp định Ba Lê
Đảng ông chơi trò giải phóng
Giải phóng cho nhân dân lầm than
Giải phóng cho nhân dân tù đày
Giải phóng cho đảng ông mặc tình vơ vét
(vội vã vào vơ vét)

Các ông lùa dân đi kinh tế mới
Để cướp nhà đoạt của
Đói khát, nheo nhóc, bệnh tật, người dân bỏ về
thành phố
Nhà các ông đã cướp, của cải, tài sản các ông
chiếm đoạt
Người dân sống ở vỉa hè, nơi công viên,
đầu đường xó chợ
Kéo lê một đời khổ nhục lang thang
Ông có biết không ?

Đảng ông chủ trương đánh Tư Sản để tài sản của
nhân dân vào tay những tên Tư Sản Đỏ,
là bọn đảng viên quyền thế các ông
Ông có biết không ?

Đảng ông tổ chức Vượt Biên Bán Chính Thức
Để cướp nhà, đoạt của , đoạt vàng
Các ông ra lệnh cho người nhái, đặc công phá tàu, đục
huyền, bắn xối xả vào thuyền cho dân chết chìm, chết thảm
Ông có biết không ?

Tội của ông :
“Trúc rừng Nam sơn không ghi hết tội
Nước biển đông không rửa sạch tanh hôi”
(Nói như thơ Nguyễn Trãi)

Chùa chiền nhà thờ các ông cấm
Di tích văn hóa các ông phá
Đồ cổ, tài sản quý hiếm của quốc gia
các ông chia nhau
Bán cho ngoại nhân
Văn hóa phẩm các ông đốt
Trí thức, văn nghệ sĩ các ông nhốt vào tú
Địa ngục đỏ trần gian càc ông đày đọa nhân dân
Tệ hơn Phong Kiến
Thâm độc hơn Thực Dân
Tàn bạo hơn Đế Quốc
Ông có biết không ?

Đảng ông
Cướp đất, cướp nhà, cướp của, cướp máu
Cướp Tự do, cướp Dân chủ
Là tội của ông
Đảng ông
Bán máu nhân dân, mánh mung giống nòi
Xây nhà lầu, mua xe hơi
Là tôi của ông
Đảng ông
Nay nói thế này, mai nói thế khác
Tráo trở, láo lường như chó sói
Là tội của ông
Đạo đức luân lý ngược ngạo
Văn hóa giáo dục ngu dân
Tham nhũng cướp bóc lộng hành
Ma túy, đĩ điếm, Si da tràn lan
Là tội của ông
……………….
……………….
Thưa ông
Nhân danh tôi, một nhà thơ
Có máu hiệp sĩ
Thích rút súng, vung gươm và
Múa bút
Bênh vực và xót thương cho những phận đời bất hạnh
Thấy ông bị nguyền rũa
Tôi muốn thương ông mà thương không vô
Hởi tên TÙ NHÂN LỊCH SỬ
HỒ CHÍ MINH

 

LỜI BẦY TỎ CÙNG CÁC CON

Các con hãy tha thứ cho cha

Vì quá tin đời nên cha lầm lỗi

Các con hãy tha thứ cho mẹ các con

Vì quá tin người nên bị lừa dối

Nội, sẽ nuôi các con lớn khôn

Ngọai, sẽ nuôi các con lớn khôn

Các chú, các bác, các cô, các cậu

Sẽ nuôi các con lớn khôn

Hãy cho ngoan, dù ăn sắn, ăn khoai

Dù ăn rau, ăn cỏ, cũng nên nhìn thẳng

Dẫu quanh năm không có miếng thịt nào

Cũng phải cố giữ gìn cho thẳng

Cố gắng khắc phục nghe các con

Rau cỏ cứ điều vào cho đầy bụng

Khi đau ốm, lấy rễ tranh mà dùng

Trời lạnh rét, lấy rơm mà sử dụng

Cố gắng khắc phục nghe các con

Những khó khăn này chưa hết đâu

Dẫu hy vọng, lạc uqan, còn đó

Cũng phải chờ qua hết đêm thâu

Cha không muốn các con mù chữ

Ví dù như thế cũng đành thôi

Cha chỉ muốn có điều ngôn ngữ

Phải thế nào cho có lý, hỡi ôi

Đã hai năm con sống mồ côi

Đã hai năm cha mẹ xa nhà

Xa mẹ xa cha con có biết

Nơi đây cha vẫn giữ làm Người

(Trại tù Long Giao 5/77).

 

NGUYỄN TRÃI I

Thao thức hòai cùng nỗi đau Nguyễn Trãi

Nhiều đêm, không làm sao chớp mắt

Trăn trở cùng núi sông trở trăn

Nghe vọng lại, tiếng người khuất mặt

Hơn sáu trăm năm từ Nguyễn Trãi rồi

Mà cơn quốc biến vẫn còn thôi

Con đỏ, dân đen, đau đời quằn quại

Căm gận bầm gan, tím cả môi

Trăn trở hòai cùng tiếng đêm thầm thì

Nằm ngửa, nằm nghiêng, lật trái, lật phải

Không làm sao chớp mắt

Nghĩ mình, chung nỗi đau Ức Trai

Nghĩ mình, phải làm gì cùng Nguyễn Trãi

Trắng đêm thức với những cơn mộng tỉnh

Đôi lần, thấy Nguyễn Trãi trong mơ

Một mình, không có nàng Thị Lộ

Cầm trong tay một Cáo Bình Ngô

Mùa mưa kéo dài với những cơn muộn sót

Những giọt rơi thánh thót xuống đời ta

Như những lần Ức Trai gieo vần chọn chữ

Bút thần dệt nên khúc Hùng Ca

Màu trắng sữa ngòai song sắt là ánh trăng

Hay báo hiệu bình minh

Lòng bồn chồn, phân vân ta tự hỏi

Tiếng còi xa là tàu đã mấy giờ

Chuyến cuối đêm hay đầu ngày ra khỏi

Tiếng còi xa, tiếng còi xa, còi xa

Đêm dần qua, đêm tối dần qua

Trắng bao lần với hồn Nguyễn Trãi

Đau cùng ông, nỗi đau quê nhà

( Trại tù Gia Rai 1981)

 

NGUYỄN TRÃI II

Cười, không thể được

Khóc, chẳng phải hay

Giận mình, đời hèn mọn

Bất lực và nhỏ nhoi

Trước trăm muôn buốt nhói

Giữa nỗi đau nhân quần

Đọc lại thơ Ức Trai

Soi rõ tài thao lược

Đời múa bút vung gươm

Dựng lên người tầm thước

Muôn năm sau sử sách còn ươm

Hơn sáu trăm năm đời sau

Nhân danh Ức-Trai Đại-Nghĩa Chí-Nhân

Người gây thù đấu tranh giai cấp

Bạo lực sáng ngời mũi súng, lưỡi lê

Trên ngọn lửa hung tàn,

Đồng bào Ức Trai là dân đen bị nướng

Dưới hầm tai vạ, đồng bào Ức Trai là con đỏ

Bị chôn sống

Huế-Mậu-Thân

Trúc rừng Nam-Sơn không ghi hết tội

Nước biển đông không rửa sạch tanh hôi

Dối trời, lừa dân, đủ muôn nghìn kế

Đau lòng Ức –Trai vô kể

Mấy trăm năm rồi Nguyễn Trãi không ngủ yên

Đã nhiều năm rồi, ta, cũng không ngủ yên

Đau xót tim gan từng cơn đòi đọan

Mơ làm Nguyễn Trãi viết cáo Bình Ngô

Dựng cờ Lam Sơn dấy binh khởi nghĩa

Sao cho nhà nhà trong ấm, ngòai êm

Đường ta đi sạch bóng quân thù

Đường ta về nhân dân hạnh phúc

Trong xóm vắng thôn cùng không có tiếng than oan

Đã nhiều năm rồi ta đứng ngồi nhiều bận

Sục sôi trong ta một niềm căm giận

Nghĩ tới đường ra, đường đến, đường đi

Ta nghe những tiếng tim đời thổn thức

Và trái tim ta như cũng muốn nổ tung

Ức Trai, Ức Trai

Ánh Sao Khuê soi đường hậu thế

Những ai là Nguyễn Trãi của thế kỷ hai mươi

Phải anh là Nguyễn Trãi của thế kỷ hai mươi ?

Hãy tìm về Lam Sơn dựng lại những đời Lê Lợi

Cờ nghĩa tung bay rập trời, phất phới

Củi, đã có nhân dân

Lửa, đã có đồng bào

Thắp sáng lên một trời quật khởi

Chiến thắng quân thù, giành lại núi sông

Bốn mươi, năm mươi, sá gì đầu bạc

Đường tới tương lai dẫu là ghềnh thác

Cũng sẵn sàng đội ngũ đứng lên

Soi sáng đường ta đi

Đã có ánh sao Nguyễn Trãi

(Trại tù Gia Rai 1981)

 

SẮN

Hãy cuốc xuống thật sâu, nạy lên bật gốc
Hãy dọn dẹp, vun thành đống, châm lửa đốt cho sạch
Nương rẫy đã xong, đất đai đã hoàn thành
Hãy trồng xuống
Hom sắn

Sắn đã nuôi ta sống
Sắn đã hại đời ta say
Ôi những bữa ăn đắng cay
Những sắn. Toàn sắn

Sắn sớm, sắn trưa, sắn chiều, sắn cải thiện
Sắn trao đổi áo quần, sắn trộm cắp dấu diếm
Sắn nhờ thuốc thẳng, sắn lượm lặt hàng hiên
Sắn thừa mứa chó chê,người đói nghèo nhặt nhạnh
Sắn củ ngon, sắn lớn bành ky
Sắn đuôi chuột, sắn trong đống vỏ
Sắn gì cũng không chê không bỏ
Ta cứ ăn vào đầy bao tử được là hay
Đời tù no đếm được từng ngày
Ôi hạnh phúc qua đêm, bụng không cồn cào là tốt
Hỡi sắn, mày đã nuôi ta suốt bốn mùa
Sắn tươi ngọt bột nhiều ăn ngon khoái chí
Sắn chặt khúc phơi khô, nặng mùi nắng ăn vào
khó chịu
Sắn dzui từng sợi ăn có mùi chua
Tất cả đều thua
Sắn làm bột cho bánh ăn là nhất

Hỡi sắn, lương thực quý giá vô song
Mà ông cha ta đã phụ bạc
Mầy phải được phục hồi danh dự không thể khác
Mầy phải đưọc nâng lên hàng đúng chỗ
Lá, cũng chứa nhiều chất bổ
Ôi sắn thần tiên đã đi suốt cuộc trường chinh
Với Đảng Quang Vinh mấy mươi năm sống còn

nhờ cây sắn nuôi mình
Sắn Vĩ Đại
Sắn muôn năm
Sắn đời đời ghi nhớ
Sống Mãi Trong Sự Nghiệp Của Chúng Ta

Hỡi sắn,
Có người dại khờ quên mầy nhiều chất bổ
Họ dùng sửa bột, bắp xay, gạo đỏ để nuôi gia súc
Và nhiều thứ thịt họ không thèm ăn
Đem đổ xuống Đại Dương tránh dòi bọ lân la lúc nhúc
Hỡi sắn,
Niềm tự hào của Đảng ta
Nhờ mầy,
Thế giới biết tên Việt Nam – Hồ Chí Minh
Và nhân dân có sắn ăn ngon bá thở
Ơn của người ta nhớ mãi trong mình

Hãy cuốc xuống thật sâu chôn kín lũ bạo tàn
Hãy dọn dẹp, chất thành đống, châm lửa đốt cho sạch
Trời của ta, đất của ta
Ta phải đối đầu thử thách
Diệt cho tàn loài sâu bọ dã man

Lê Mai Lĩnh

(Nghĩ Hoàng Liên Sơn 1977, Làm tại Vĩnh Phú 1979)

 

GIAO THỪA NĂM 37 TUỔI

Ta tù nhân hề, khi nước nhà thống nhất
Khi độc lập hề, dân đói quanh năm
Ôi Đảng quang vinh hề, chỉ hay mồm mép
Mấy mươi năm rồi, nước chỗ yên nằm

Ta nay đã 37 tuổi tròn
Đầu lốm đốm với hai thứ tóc
Nhớ từ thuở còn thơ đi học
Qua đồng làng, ruộng lúa , nương khoai
Thấy những đàn trâu ăn cỏ mệt nhoài
Và những bác nông phu suốt đời vất vả
Ta thấy xót xa cõi lòng khôn tả
Mong có ngày đất ngước tiến lên
Mong có ngày cơ giới làm nền
Để giải phóng sức người lao động
Ôi tuổi thơ ta với những tháng ngày trầm thống
Ôi những ngày cuốc đất hái rau
Cơm không đủ ăn, thiếu thuốc khi đau
Phải lên rừng vào truông kiếm củi
Tuổi thơ ta với những tháng ngày lầm lũi

Khi lớn lên nhận tay đời khẩu súng
Để sửa sai người anh em khoác áo chiêu bài
Nào Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc
Ôi những trò bịp bợm, quái thai.

Nào ngờ đâu trong cơn mặc cả
Của lũ người mua bán chiến tranh
Chúng trao ta vào tay đối nghịch
Ôm hận tù đày, tội phạm chiến tranh

Ta được người mệnh danh giải phóng
Đưa xuống tàu từ giã miền Nam
Ra tới đây núi rừng Việt Bắc
Tù khổ sai, không được than van

Nhờ ra đây ta còn thấy lại
Những chiếc cày và mấy con trâu
Những cụ già còng lưng cày cấy
Trên ruộng đồng nước lũ thật sâu

Và những em thơ chân đất đến trường
Như ta đã ba mươi năm về trước
Ôi em thơ ngây áo quần tơi tước
Đất nước thống nhất rồi, em có hay

Nhớ một lần đi gánh gạo Bằng- La
Ta thấy lại cảnh đời năm cũ
Mẹ 60 cày sâu ruộng lũ
Mắt sáng ngời khi bắt được con cá to bằng ngón tay

Và những em nhỏ mặt mày đen đúa
Thơ ngây đâu, tuổi trẻ cũng không còn
Sao Đảng nói các em là những
Đã làm người, Ông chủ tí hon
Bác đã cho các em rất nhiều bánh
Vẽ trên giấy tha hồ mà ăn

Nầy em nhỏ cầm đá ném vào đầu ta
Trên đoạn đường gần ga Hà Nội
Nếu không nhanh tay ta đã u đầu
Chắc em buồn lòng không thơi thới

Đôi lúc các em cũng thành công
Nói cho để các em mừng
Bạn ta có đã năm, mười đứa
Đã sưng đầu chảy máu đầy lưng

Này cô gái chu miệng chưởi rủa mẹ cha ta
Trên đoạn đường gần ga Yên Bái
Chắc cô vui vì ta đã nghe
Chắc cô buồn vì ta đã cười

Dẫu thế nào ta vẫn khôn hơn cô
Này cô bé, sao không về đi cày
Ai bắt cô đứng đây giờ đó
Để diễn trò căm phẩn, lạ thay

Giao Thừa đến rồi, ban giám đốc đốt pháo
Bác Tôn chúc thư, trại đã mở đài
Bánh chưng bóc rồi, ta ăn một nửa
Từ từ thôi để hạnh phúc còn dài

Đã ba năm rồi ăn Tết trong tù
Vợ con ta ơi, bốn phương lưu lạc
Thôi đành xin lỗi vợ con
Đón Giao Thừa hề, ta ôm chiếc bánh
Nhân thịt ngón tay hề, ôi chiếc bánh chưng

Đã lâu lắm, ta thèm miếng thịt
Nay Tết đến rồi nhà nước mới cho
Ôi miếng thịt này sao ngon đáo để
Chẳng biết trâu hay ngựa hay bò.

Mặt trời mọc rồi ở Phương Đông
Chẳng thể phương nào khác như chúng muốn
Chiều nay lặn ở Phương Tây
Điều chắc chúng sẽ buồn

Ta thấy rồi TỰ DO mở rộng
Song sắt nào khóa nổi hồn ta
Đón Giao Thừa trong nhà giam lạnh
Nhưng ấm lòng ta, niềm tin quê nhà

 

(Trại tù Lào Kai 1978)

 

CHUYẾN TÀU CUỐI NĂM

Về quê hương vào những ngày cuối năm
Trên con tàu chở đầy xiềng xích
Xin vĩnh biệt chào vương quốc lừa dối
Trả lại Người những đói rét hờn căm

Mai ta đi từ bóng tối mù tăm
Nơi ta về quê miền Nam yêu dấu
Hãy ở lại những đói nghèo đau thương ẩn náu
Chia tay nghe, vĩnh biệt yên nằm

Chào không chút xót thương núi rừng Việt Bắc
Hoàng Liên Sơn, Yên Bái, Lào Kai
Chào Vĩnh Phú, Thanh Phong, Thanh Hóa
Còn trong ta cơn ác mộng chưa phai

Chào bo bo, chào sắn khoai, bắp xay bắp hột
Vĩnh biệt nghe nước muối đại dương
Chào rau tàu bay, lá rừng chua xót
Khi nghĩ về lạnh buốt khớp xương

Mai ta đi chào những ngôi giáo đường
Đứng lạnh lùng giữa hoang tàn cỏ dại
Hãy ở lại nghe những nghiêng chùa đổ chái
Áo rêu phong khép kín niềm thương

Chào con phố nào ta đã có lần qua
Dẫu không biết tên để gọi
Nhưng trong lòng ta thầm nói
Đó là phố Sinh Từ
Để nhớ Trần Dần và nhóm Nhân Văn
Để ngợi ca những thi sĩ, nhà văn
Đã dũng cảm đấu tranh cho Sự Thật
Ngậm ngùi trong lòng ta tưởng nhớ Phan Khôi
Nhớ ông Bình Vôi bất hủ
Nơi miền quê nào ông đã yên nằm ấp ủ
Nhưng trong lòng tôi ông sống mãi
Ông sống mãi rồi ông Phan Khôi ơi
Nhớ về ông tôi nghĩ tới Kim Tự Tháp của ông Hồ
Mai cuộc vuông tròn đời còn tính sổ

Mai ta đi chào những gia đình bị chỉ định cư trú
Vách đất mái tranh không đủ ấm mùa Đông
Nương sắn đồi khoai không đắp đổi qua ngày
Phải lặn lội rừng sâu năm năm một lần đổi chỗ
Thương cụ già tám mươi tất bật ngược xuôi
Mấy chục năm rồi đói khổ
Nhìn đàn con cháu điêu linh
Không dám đứng lâu để bày tỏ sự tình
Sợ thằng công an gó nhìn quở mắng

Chào em bé ném đá ta ngày mới tới
Và cô bé chu miệng chưởi rủa mẹ cha ta ngày mới ra
Giờ thì biết em đã biết ta
Không phải là quân ăn thịt người
Nên đã có em mang sắn đến cho ta

Từ con tàu qua khỏi bờ Nam
Kinh hoàng lòng ta rợn người muốn khóc
Đã sau lưng rồi xứ sờ đau thương
Ta đã thoát hang hùm khó nhọc

Trên những cánh đồng miền Trung tàu qua
Ta chỉ thấy đàn bà em nhỏ
Thanh niên đâu, đi lính hay tù
Đã mấy năm rồi quê hương thế đó

Này cô gái thanh niên xung phong
Khi con tàu qua khỏi hầm đèo
Sao cô cầm đá ném vào đầu công an
Rồi hai tay chống nạnh nhìn theo

Này các em ở sân ga Đà Nẵng
Có bao lăm lời lỗ thế nào
Mà em ném cho ta bao thuốc tặng
Nhỡ công thấy được làm sao

Này các em nhỏ ở sân ga Nha Trang
Em hát những gì nghe sao ngộ nhĩnh
Em giận đời chăng rằng em bị phỉnh
“Như có Bác Hồ trong thùng phuy đậy nắp
Mở nắp ra nghe cái cốc trên đầu”
Em hát lạ lùng giữa một đám đông
Đứng vẫy tay chào các anh trở lại
Trong lòng ta từ nay sống mãi
Tình quê hương lòng đồng bào miền Nam
Trong nỗi đau quân cướp Đỏ bạo tàn

Này cái vẫy tay vụng trộm đón chào
Này con mắt nhìn dấu yêu thầm lặng
Này nụ cười trao gởi niềm tin
Đã hiểu rồi ta nhất định thắng

Chúng không giết được chúng ta sau ngày 30 tháng 4
Chúng không giết được ta trong BÓNG TỐI
ĐÓI RÉT và SỰ LÃNG QUÊN
Nơi rừng núi âm u Việt Bắc
Ta đã ra ánh sánh ta đã về đất sống
Nhất định chúng ta phải thắng
Nhất định chúng  ta phải thắng

Nhất định chúng ta phải thắng
Thép đã tôi lưỡi gươm này phải sắc
Phải rắn phải chắc phải bền lòng dũng cảm
Đường gươm đi phải đẹp
Phải làm lại từ đầu với cái giá đã mua
Phải làm lại từ đầu đừng để lòng già nua
Tóc dẫu bạc nhưng lòng thanh niên trẻ lại
Trên bước đường đi, trong trái tim đời thoải mái
Ta hiên ngang chững chạc đàng hoàng
Ta đã về khi quân cướp hoang mang
Ta đã về với niềm tin tất thắng

Về quê hương vào những ngày cuối năm
Dẫu trong tay xích xiềng còn trói chặt
Nhưng trong lòng ta bao nỗi hân hoan
Khi thấy dấu bạo tàn sắp tắt

(Trại tù Gia Rai 1-1-81)

 

BÊN NÀY BÊN KIA

NÚI CHỨA CHAN

Bên kia núi Chứa Chan, anh có em
Em có anh bên này núi Chứa Chan
Qua trái núi ngăn cách tình chan chứa
Đã chán chưa trái núi cách ngăn

Bên này Chứa Chan anh còn trái tim
Anh còn tình yêu, anh còn cuộc đời
Còn em một trời chói chang hạnh phúc
Bóng núi kia đâu khuất nổi dáng người

Núi còn đó với rêu phong tháng năm
Trời cón lúc khói sương màn bông
Nhưng trong ta tình còn chói lọi
Ấp ủ tim yêu một ngọn lửa hồng

Qua trái núi anh nhớ em và con
Không vì thế ngày tháng mỏi mòn
Dậy trong ta một lòng son sắt
Tình yêu em như yêu nước non

Dưới chân núi là sân ga nhỏ
Mà con tàu thét gọi hằng đêm
Tiếng còi nghe lòng mình buốt nhói
Đã trể rồi qua mấy bận tàu qua

Lạ nhỉ, tiếng còi tàu mỗi đêm
Nghe như réo gọi, giục giã, lần khân
Rồi giận hờn, trách móc, tức tối
Tàu bỏ đi, còi xa, mất dần

Bao nhiêu rồi tàu đến, tàu đi
Đã bao nhiêu chiến hữu lên đường
Đã bao nhiêu tàu về Phục-Quốc
Sao còn đây ta trong buổi nhiểu nhương

Núi thì đứng, mà tàu thì đi
Em là núi hay em là tàu
Anh là tàu hay anh là núi
Giỏi theo nhau cùng một vầng trăng

Bên kia núi Chứa Chan anh có em
Em có anh bên này núi chứa chan
Qua trái núi ngăn cách tình Chan Chứa
Đã chán chưa trái núi cách ngăn
(Trại tù Gia Rai 1981)

 

MỘT NGÀY

NHƯ MỌI NGÀY

Sáng, một khúc sắn nhí
Trưa, hai chén sắn lưng
Chiều, lưng hai chén sắn
Làm, tám tiếng còng lưng

Ăn, nuôi như trẻ nít
Chơi, có thì giờ đâu
Ngủ, chật như cá hộp
Làm, hối thúc như trâu

Sáng mở mắt, khẩn trương
Tối đi ngủ, khẩn trương
Giờ tập họp, khẩn trương
Khẩn trương và khẩn trương

Nuôi như thế, đành sao
Dẫu chi cũng là người
Người nuôi người như thế
Rồi cũng thành đười ươi

Nào ếch nhái, ếch ương
Nào cào cào, chẫu chuột
Nào dế đũi, dế cơm
Nướng lửa rơm ăn tuốt

Nào vỏ khoai, vỏ sắn
Nào rau diệu, rau dừa
Nào rau ôm, rau ngố
Rửa qua loa, ăn bừa

Mỗi người một cái cóng
Mỗi người một cái gô
Sau mỗi giờ lao động
Thấy lửa cứ nhào dzô

Bạn ta ăn móng chó
Cơ quan thải ba ngày
Nướng lửa rơm vội vã
Ăn được, kể cũng hay

Bạn nói bạn nhập môn
Vào làng ăn thịt cầy
Với móng chó hôi thối
Bài học này đắng cay
(Trại tù Vĩnh Phú 1979)

 

Thời đại

HỒ CHÍ MINH

Thời buổi gì muối cũng không đủ ăn
Và có lúc thấy ngọt như đường
Thời buổi chi mà lạ lùng thế rứa
Mở mắt ra toàn nói chuyện ăn

Nầy bọn Tư Bản bốc lột kia ơi
Sao mầy toàn nói chuyện ăn chơi
Hãy xem đây Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa
Suối tháng, quanh năn, làm cả đời

Thời buổi gì trông cũng lạ lùng
Toàn nói chuyện ăn chơi mà giàu
Còn ta, thường xuyên thi đua lao động
Mấy chục năm qua dân vẫn đói nghèo

Nói Độc Lập, nước nhà thống nhất
Để mở ra thời kỳ vàng son
Cũng là lúc cầu bơ cầu bất
Dân đói ăn, khố áo chỉ còn

Trông lên thấy cở đỏ chói chang
Biểu ngữ, huy chương nghĩa chữ làng chàng
Ngó xuống thấy dân đời điêu đứng
Máu đổ, thây phơi hàng nối hàng
(Trại tù Thanh Phong 1980)

 

clip_image005

Lê Mai Lĩnh

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search