T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Anh Bằng-T.H.: Căn Nhà Ngoại Ô

“. . .Nhạc sĩ Anh Bằng viết ca khúc “Căn nhà ngoại ô” vào năm 1966 về một chuyện tình thời chinh chiến. Bài hát không phải là bài được ưa chuộng nhất trong những bài ông sáng tác, nhưng cũng rất được ưa thích vì nó nói lên tính chất bình dị của một cuộc tình giữa hai người trẻ vì quê hương phải xa nhau. . .”

Anh Bằng-T.H.: Căn Nhà Ngoại Ô

(Xin bấm vào hình để mở lớn)

Can nha ngoai o 1

Can nha ngoai o 2

Can nha ngoai o 3

Can nha ngoai o 4

Căn Nhà Ngoại Ô – Sáng Tác: Anh Bằng-T.H.

Trình Bày: Kim Loan (Pre 75)

Trong một chuyến về thăm quê nhà gần đây nhất, tôi lại được người Sài Gòn cũ gởi gắm hồn của những người trẻ năm xưa còn sống ở quê nhà. Trẻ năm xưa nhưng nay đã là những ông bà lão tóc hai màu. Dầu vậy, hồn Sài Gòn cũ vẫn như ngày nào trước khi có cuộc đổi đời. Nó không mất, không bị “cải tạo”. Nó vẫn sừng sững tồn tại trong những ấn phẩm văn hóa trước 1975 sống sót qua cuộc phần thư tàn khốc. Nó sống sót được là nhờ ở lòng dân. Nhờ vậy, hôm nay đây tôi may mắn “sở hữu” hồn Sài Gòn ấy qua kho tài sản vô giá: hàng mấy trăm bài nhạc cũ in trước 1975, với thủ bút, chữ ký của các nhạc sĩ tác giả, với cả những hàng chữ viết tay của người chủ sở hữu năm xưa ghi lại kỷ niệm của riêng mình.

Từ kho tài sản quý báu này, chuyên mục:Dòng Nhạc Kỷ Niệm” hình thành.

Chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” trên TV&BH sẽ là một công trình dài hạn. Mỗi kỳ chúng tôi sẽ giới thiệu một bài nhạc, với phần phóng ảnh của Bìa Trước, Bìa Sau, hai trang ghi nhạc và lời bên trong. Kèm theo đó sẽ là phần sưu tập audio, tức bài nhạc được hát bởi một ca sĩ. Chúng tôi sẽ cố sưu tập bản nhạc được hát bởi một ca sĩ miền Nam trước 1975 để ý nghĩa bảo tồn được trọn vẹn, dù rằng cũng bản nhạc đó, với phần kỹ thuật, phối âm , phối khí và ca sĩ trẻ hơn thực hiện tại hải ngọai sau này có hay hơn nhiều. Mặt khác, như tên gọi “Dòng Nhạc Kỷ Niệm”, nghe một bản nhạc cũ bằng chính âm thanh cũ của ngày xưa, là sống lại kỷ niệm về một đoạn đời cùng với những niềm vui, những nỗi buồn của riêng mỗi người. Chúng ta nghe nhạc cũ là nghe kỷ niệm, nhờ kỷ niệm, âm thanh bài nhạc ở lại trong hồn lâu hơn, sâu hơn, đằm thắm hơn. Do đó, ở đây không có chỗ cho những thẩm định chủ quan nhạc hay, nhạc dở, nhạc sang, nhạc sến, nhạc nghệ thuật, nhạc thương mại v.v..( T.Vấn : Dòng Nhạc Kỷ Niệm  với Nhạc cũ miền Nam ).

©T.Vấn 2017

Đọc Thêm:

Nhạc sĩ Anh Bằng và ca khúc “Căn nhà ngoại ô”

Tóm lược: Nhạc sĩ Anh Bằng sáng tác ca khúc “Căn nhà ngoại ô” kể một chuyện tình trong thời chinh chiến giữa một chàng trai sống trong căn nhà ngoại ô và một cô bạn hàng xóm trẻ. Câu chuyện có vẻ chỉ là một chuyện tình xa cách của hai người yêu nhau, nhưng thực ra chất chứa một tình yêu cao thượng và lòng hy sinh vĩ đại. Tác giả gói ghém ý tưởng qua lối diễn tả bình dị, bằng cốt truyện dựa vào nhân vật thay vì tình tiết, và dẫn đến cực điểm sắp xếp một cách táo bạo với kết cục tuyệt diệu.

*

Nhạc sĩ Anh Bằng viết ca khúc “Căn nhà ngoại ô” vào năm 1966 về một chuyện tình thời chinh chiến. Bài hát không phải là bài được ưa chuộng nhất trong những bài ông sáng tác, nhưng cũng rất được ưa thích vì nó nói lên tính chất bình dị của một cuộc tình giữa hai người trẻ vì quê hương phải xa nhau. Tuy nhiên, ít người nhận ra ý nghĩa sâu xa của bài hát vả do đó bài hát không được đón nhận tích cực như những bài hát khác của ông.

Sau đây là tiểu sử vắn tắt của tác giả.

Anh Bằng tên thật Trần An Bường, sinh năm 1926 tại Thanh Hóa. Vì gia đình anh em ông chống Việt Minh, vào thời kỳ Kháng Pháp, ông bị Việt Minh bắt giam ở trại Lý Bá Sơ. Các anh em ông bị tuyên án tử hình nhưng sau được thả, riêng người anh Trần An Lạc bị Việt Minh thủ tiêu. Ông theo gia đình di cư vào Nam năm 1954 và sinh sống ở khu Bà Chiểu, Sài Gòn cho đến năm 1975 (Wikipedia 2014).

Trong thời kỳ 1954 – 1975, nhạc sĩ Anh Bằng rất nổi tiếng với nhiều tác phẩm sáng tác và phổ nhạc. Các tác phẩm như “Nỗi lòng người đi” (đanh dấu cuộc di cư vào Nam), “Nếu vắng anh,” “Hoa học trò,” “Người thợ săn và đàn chim nhỏ” rất thịnh hành trong giới yêu nhạc.

Ông gia nhập Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) năm 1957 ngành Công binh, sau chuyển sang Nha Chiến tranh Tâm lý cho đến năm 1962 thì ông giải ngũ. Cũng trong thời gian trong quân đội, ông là đạo diễn cùng là diễn viên trong ban kịch Liên đoàn Công binh lưu diễn từ Quảng Trị vào Bình Định. Sau khi giải ngũ ông tiếp tục hoạt động trên đài truyền thanh, phụ trách ban Sóng Mới (sđd.).

Cũng vào thời gian hoạt động ở Sài Gòn, Anh Bằng hợp tác trong nhóm Lê Minh Bằng (tên ghép từ ba nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ, và Anh Bằng), quản lý nhà xuất bản và hãng đĩa Sóng Nhạc. Quán cà phê Làng Văn nổi tiếng một thời ở Sài Gòn cũng do ông tổ chức. Năm 1975, Anh Bằng cùng gia đình đi tỵ nạn cộng sản qua Mỹ, và vẫn tiếp tục hoạt động âm nhạc với Trung tâm sản xuất và phát hành băng nhạc cassette Dạ Lan (1981-1990). Thời gian sau này ông cộng tác với Trung tâm Asia và vẫn tiếp tục sáng tác.

(Theo Cao-ĐắcTuấn (Danlambao))

Anh Bằng và những vùng ngoại ô trong Căn Nhà Ngoại Ô, Ngoại Ô Buồn, Cô Hàng Xóm

(Nguồn: nhacxua.vn)

Trong nhạc vàng, có ba bài hát nổi tiếng nhắc về vùng ngoại ô rất được khán giả yêu thích, và đều của nhạc sĩ Anh Bằng sáng tác, đó là Căn Nhà Ngoại Ô, Ngoại Ô Buồn và Cô Hàng Xóm.

Vùng đất ngoại ô là nơi thường gợi lại những hình ảnh vừa yên bình, vừa xa vắng. Vùng đất này có vẻ như tránh xa được ánh đèn nhộn nhịp chốn kinh thành, lại vừa lắng tiếng đạn bom, gợi nhớ lại những ký ức êm đềm nhất trong mỗi người. Có lẽ vì vậy nên các bài nhạc vàng về vùng ngoại ô này vẫn luôn được yêu mến trong hơn nửa thế kỷ qua.

Nhạc sĩ Anh Bằng sáng tác bài Căn Nhà Ngoại Ô năm 1966, lúc ông đã 40 tuổi, yên bề gia thất (con út của nhạc sĩ Anh Bằng sinh năm 1960). Bài Căn Nhà Ngoại Ô cũng giống như nhiều bài hát khác của Anh Bằng, không phải là câu chuyện có thật của đời ông. Đó có thể chỉ là câu chuyện mà tác giả hư cấu, tưởng tượng, nhưng có thể xem đó là đại diện cho hoàn cảnh của rất nhiều người sống vào thời đó: Gặp nhau, yêu nhau, rồi lại xa nhau vì hoàn cảnh đất nước.

Khác với các câu chuyện thường thấy về một người con gái hậu phương thương nhớ chờ chồng (hoặc người yêu) nơi tiền phương, chuyện tình trong Căn Nhà Ngoại Ô là câu chuyện của hai người cùng ở trên chiến trường.

Bài hát Căn Nhà Ngoại Ô có thể xem là một trong những bài nhạc vàng hiếm hoi nói về người nữ quân nhân (bên cạnh bài Người Nữ Đồng Đội của nhạc sĩ Song Ngọc). Thường thấy rằng xưa cũng như nay, người con gái sẽ đóng vai ở hậu phương, như được thấy trong các bài hát nổi tiếng khác là Tình Hậu PhươngAnh Tiền Tuyến Em Hậu Phương (cùng của Minh Kỳ), Người Tình Và Quê Hương (Trịnh Lâm Ngân), Chuyện Tình Người Đan Áo (Trường Sa)… nhưng những người con gái trong bài Căn Nhà Ngoại Ô hay Người Nữ Đồng Đội đã trở thành nữ quân nhân, không phải là chỉ làm việc trong quân nhu hoặc văn phòng, mà là trực tiếp trên chiến trường làm nữ cứu thương hoặc chiến đấu.

Tôi đứng nghe gió lạnh giữa màn đêm, thương xé nát con tim
Em ơi trái đất vẫn tròn,
Chúng mình hai đứa sẽ còn gặp nhau

Hình ảnh người trai từ chiến trường, trở về vùng ngoại ô để tìm người yêu nhưng không thấy, lẻ loi đứng giữa gió lạnh màn đêm, làm cho người nghe cũng buồn tiếc theo và cảm nhận được cùng nỗi cô đơn.

Tác giả để lại một hy vọng cho tất cả bằng câu nói quen thuộc xưa nay: trái đất vẫn tròn. Cái kết lửng đó thắp lên một tia hy vọng cho anh lính (cũng như cho người nghe nhạc) tin vào kết thúc đẹp của hai người.

Căn Nhà Ngoại Ô đã làm nên tên tuổi ca sĩ Kim Loan trước 75

Nếu như vùng ngoại ô tượng trưng cho một sự thanh bình như đã nhắc tới ở trên, nhưng sự yên bình đó đã bị phá nát vì chiến chinh, như trong bài Ngoại Ô Buồn được nhạc sĩ Anh Bằng viết với bút danh T.H (điều thú vị là bài Căn Nhà Ngoại Ô cũng được Anh Bằng ghi tên người sáng tác là Anh Bằng & T.H):

Hơn hai mươi năm, lửa binh tàn phá vùng ngoại ô lắm khổ đau 

Bài hát được sáng tác dịp Mậu Thân năm 1968, khi từ thành đô cho đến nông thôn đều nhuốm màu tang thương của bom đạn. Cái mốc thời gian 20 năm quen thuộc này một lần nữa được nhắc tới trong nhạc vàng, mà chúng ta cũng đã được thấy ở:

Mẹ Việt Nam ơi, hai mươi năm ngăn lối rẽ đường về (Anh Việt Thu)

hai mươi năm nội chiến từng ngày (Trịnh Công Sơn)

hơn hai mươi năm chinh chiến điêu tàn (Duy Khánh)

Hai mươi năm sau đón đợi thu vào tầm tay… (Trầm Tử Thiêng – Tấn An)

Trong bài Ngoại Ô Buồn, tác giả ghi thời gian “hơn hai mươi năm”, có thể là ông tính từ mốc cuộc chiến tranh Việt – Pháp tái diễn ra năm 1945, đến năm 1968 là hơn hai mươi năm, chinh chiến đã tàn phá vùng đất vốn yên bình.

Khi nghe lại Ngoại Ô Buồn, dù rằng khung cảnh chinh chiến như trong bài hát đã lùi xa, nhưng có lẽ ai cũng cảm thấy bùi ngùi, xúc động. Hẳn chúng ta ai cũng từng có một vùng quê giống như vậy, để mỗi khi bước chân trở về lại thấy tràn ngập những kỷ niệm mà cả một đời không thể nào quên. Những câu hát này vang lên qua giọng hát Kim Loan, Dạ Hương (trước 75) hay Trường Vũ, Tuấn Vũ (sau 75) làm cho cả bài hát như chìm vào một cõi tịch liêu và buồn muôn thuở:

Tôi nghe gió ru cây, chim kêu trên ngàn mây,
Hồn miên man khắc khoải chìm giữa khung nhạc đêm dài 

Bài hát ngoại ô còn lại là Cô Hàng Xóm được nhạc sĩ Anh Bằng viết cùng nhóm Lê Minh Bằng, ký tên là Giang-Minh-Sơn. Mặc dù là ca khúc được viết chung nhóm với Minh Kỳ và Lê Dinh, nhưng “cái chất” của Anh Bằng thể hiện rõ nét qua bài hát này, nên có thể phỏng đoán là nhạc sĩ Anh Bằng góp sức nhiều nhất trong ba người.

Mở đầu bài hát là lời kể chuyện: Vùng ngoại ô, tôi có căn nhà tranh… câu hát này quen thuộc và phổ biến đến nỗi nhiều người đổi tên bài hát thành “Vùng Ngoại Ô” mà quên mất tên gốc của bài hát là “Cô Hàng Xóm”, nhắc đến một cô hàng xóm.

Nội dung bài hát gần giống như bài Yêu Một Mình của một nhóm nhạc sĩ nổi tiếng khác là Trịnh Lâm Ngân, là chuyện tình giữa một anh thư sinh nghèo hèn và một tiểu thư giàu có. Rồi như thường lệ, nàng đi lấy chồng giàu sang, để lại anh một mình bơ vơ buồn thương và tiếc nuối, và anh đã viết câu chuyện thành nhạc để kể lại cho nhiều người khác, để cùng nghe và đồng cảm một cách sâu sắc.

Dĩ nhiên đó cũng chỉ là câu chuyện tưởng tượng của nhạc sĩ thôi, nhưng hoàn cảnh này sao mà giống với hoàn cảnh của hàng triệu anh chàng khác trong muôn đời từ cổ chí kim quá. Bởi vậy dù nội dung bài hát đơn giản, rất phổ thông, nhưng lại được hát lên trong bao nhiêu năm qua, là bài hát cửa miệng khi một anh chàng thất tình nào đó, vừa nhấp một ngụm vừa cầm guitar, rồi nhắm mắt bi ai, cất lên lời than vãn:

Tôi ca không hay, tôi đàn nghe cũng dở…

Ngoài những bài hát “ngoại ô” đã nói đến, trong nhạc vàng chúng ta còn bắt gặp một số bài ngoại ô khác như Ngoại Ô Đèn Vàng (Y Vân), Mưa Đêm Ngoại Ô (Đỗ Kim Bảng), Đường Về Ngoại Ô (Đài Phương Trang). Vùng ngoại ô với man mác nỗi buồn, nó vừa giống vùng quê nhưng lại vừa không xa đô thành, gợi lên những niềm cảm hứng vô tận cho người nhạc sĩ: Những ngày chưa nhập ngũ anh hay dắt em về vùng ngoại ô có cỏ bông may… (Trúc Phương).

Đông Kha

Bài Mới Nhất
Search