T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Captovan: Anh Đi Lính, Tôi Cũng Đi

Bức Tường Đá Đen di động ở thành phố Garden Grove (Nam California) –

Ảnh: http://saigontimesusa.com/

Trong khi tham dự lễ Chiến Sĩ Trận Vong tại tượng đài chiến sĩ Việt-Mỹ ở Westminster CA, tôi nghe mấy em trẻ tuổi nói nhỏ với nhau là tại sao không viết tên các quân nhân Việt Nam đã hy sinh trên những miếng đá xung quanh tượng đài như các quân nhân Mỹ đã được khắc tên trên bức tường đá đen ở Washington D.C?

Nghe các em nói vậy, tôi nhớ lại một lần đi thăm Thủ Đô D.C, người bạn dẫn tôi đến công viên nơi có bức tường đá đen ghi danh 58 ngàn quân nhân Mỹ đã hy sinh trên chiến trường Việt Nam, tôi đọc tên họ và đôi lúc đứng lại thật lâu tưởng như ngắm bóng mình in trên vách đá. Thấy tôi có vẻ “hâm hấp” và mất thì giờ nên anh bạn T.Vấn nửa đùa nửa thật hỏi:

– Tìm mãi mà không thấy tên mình trên bức tường đá hả?

Tôi ngập ngừng trả lời:

– Bóng mình thì có, còn tên mình thì không, nhưng thử cố tưởng tượng xem có một tên nào mang dòng họ Lê, Trần, Hoàng, Nguyễn, Vũ v.v.. trên bức tường này không, và tôi ước mong được như thế.

Nay nghe mấy em nhỏ đặt vấn đề làm tôi bâng khuâng. Từ ngày bị giải ngũ vì “gãy súng” cho tới nay, dường như chưa có một “người lớn” nào trong cuộc chiến nghĩ đến và đặt câu hỏi như các em! Có lẽ các em ao ước được đọc những quí danh như: Binh Nhì Trần Nhẩy Dù, Binh Nhất Lê Biệt Động, Hạ Sĩ Nguyễn Mũ Xanh, Trung Sĩ Đinh Thiết Giáp, Thiếu Úy Trịnh Bộ Binh, Trung Úy Vũ Phi Công, Đại Uý Lý Biệt Cách, Thượng Sĩ Võ Địa Phương, Trịnh Nghĩa Quân v.v.. những tử sĩ có đơn vị, có danh nghe xúc động hơn là: “Các Chiến Sĩ Vô Danh”.

Tôi đang nghĩ về các Chiến Sĩ Vô Danh thì một cơn lốc nhẹ cuốn tàn nhang từ lư hương theo làn khói trắng bốc lên cao như những hồn hoang, hoảng hốt bay lên vào lúc hoàng hôn để về một nơi nào đó thật xa, hay tìm về chiến trường xưa, nơi xác mình còn bỏ lại trên quê hương Việt Nam!

Tôi nhớ đến những đồng đội Thủy Quân Lục Chiến đã ra đi, người thì may mắn còn nấm mồ, anh thì không, trong số đó có những người thân trong gia đình tôi. Con cháu trong dòng họ cũng thường hỏi những người đã chiến đấu và hy sinh ấy là ai? Vì vậy tôi phải viết đôi dòng về “Những Người Lính Trong Gia Đình…

Trước tiên xin nói về anh Nguyễn Duy Xướng:

Anh là người cùng làng, con nuôi của linh mục Thọ, nhưng bản tính năng động, anh xuất tu, là tu xuất anh tình nguyện vào lính Commando Du Nord từ những năm 1953-54 ngoài Bắc Việt. Khi nước Việt bị chia hai, đơn vị anh di chuyển vào Nam rồi chuyển thành Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam. Lúc đầu doanh trại của anh đóng gần nơi gia đình tôi cư ngụ (Khánh Hội). Người cùng làng, cùng đi lễ nhà thờ Xóm Chiếu. Anh cầu nguyện: “Sao cho con lấy được người con thương” nên anh được toại nguyện, anh là anh rể của tôi từ đó.

Nhớ lại vào khoảng năm 1953, đám học sinh lớp nhất trường tiểu học Kiến An – Bắc Việt, chúng tôi đang đánh bi, đánh đáo trước sân trường thì hai chàng Tây gạch mặt say xỉn chở nhau trên chiếc xe đạp tông vào chúng tôi, miệng chửi tục “mẹc-xà-lù” rồi vung tay chân khiến đám con nít chúng tôi đổ máu mồm dồn máu mũi! Thầy hiệu trưởng Nhữ Đình Chu, thầy giám thị Nguyễn Hữu Lãng, chạy ra can thiệp cũng bị hai tên này rút dao găm ra hăm dọa. May thay, lúc đó có ba ông lính “Commando Du Nord” gốc Việt Nam đi ngang, thấy chuyện bất bình, chạm tự ái dân tộc, thế là ba chàng xung trận can thiệp. Kết quả cuối cùng hai chàng Tây ôm đầu máu chạy còn ba chàng lính Việt bị Police Militaire dẫn về đồn, hai trong ba người lính ấy là anh Nguyễn Duy Xướng và Phạm Khắc Dật.

Hai anh Xướng, Dật đã có mặt ngay từ đầu, ngày thành lập Tiểu Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến. (TĐ1/TQLC). Trong một trận đánh tại Mỏ Cày 1956, Trung Đội Trưởng Phạm Khắc Dật tử trận, tên anh Dật được đặt cho doanh trại TĐ1/TQLC ở Rừng Cấm, Thủ Đức. Trung Đội Phó Nguyễn Duy Xướng bị trọng thương, lòi phèo, đứt ruột, sau khi lành vết thương anh vẫn tiếp tục chiến đấu, tiếp tục bị thương nhiều lần nữa, lần sau cùng anh bị cắt 1/3 lá phổi.

Lẽ ra với cấp độ tàn phế như thế thì anh là thương phế binh, anh nên giải ngũ theo lời năn nỉ của chị tôi, nhưng anh có vẻ “hơi gàn”, gắt lại với vợ: “Nếu có chết thì phải chết trong bộ quân phục Thủy Quân Lục Chiến”.

Anh vẫn tiếp tục hăng say làm việc trong bộ quân phục rằn ri với cấp bạc chuẩn uý cho tới cuối cùng cuộc chiến 30/4/1975. Sau những ngày “lao động là vinh quang” trong ngục tù CS, ra tù, vết thương mới và cũ hành hạ rồi anh ra đi! Ngày anh ra đi, không còn đồng đội, không có phủ cờ, nhưng các con vẫn mặc cho anh bộ quân phục TQLC theo ý của anh.

Sau 22 năm (1953-1975) phục vụ trong quân đội, huy chương sao vàng, sao bạc, sao đồng, sao đỏ (chiến thương bội tinh) đầy ngực, sẹo cũng đầy người, anh đi từ cấp Binh Nhì leo lên đến cấp Chuẩn Úy. Tuy khởi đầu binh nghiệp anh không là một sinh viên sĩ quan, nhưng với 8 lần thăng cấp, anh xứng đáng là bậc thầy của tôi

Nói về anh tôi nhớ tới những ông thầy trong đời binh nghiệp của tôi như Chuẩn Úy Lơ ĐĐ4/TĐ2 tử thương trên đồi Cồn Tiên, Chuẩn Úy Hóa ĐĐ1/TĐ2 bị bắn mất 1 trong 2 hòn bi trong trận Cầu Khởi. Người trung đội phó đầu đời binh nghiệp của tôi là Thượng Sĩ Lô ĐĐ4/TĐ5 bị đạn cắt cụt chân trái tới háng mà vẫn cười và vẫn giúp “thượng sĩ phu nhân” bổ sung thêm quân số cho gia đình. Tôi nhớ tới Thượng Sĩ Cương, Thượng Sĩ Lư, Trung Sĩ 1 Khánh, Trung Sĩ Oanh v.v.. Đối với tôi, họ là những bậc thầy về kinh nghiệm tác chiến, đức tính hy sinh với 10- 20 năm lính, sẹo đầy mình mà vẫn an phận là những Hạ Sĩ Quan.

“Một người làm quan cả họ được nhờ”, nhờ gì chưa biết nhưng rõ ràng đời binh nghiệp của Chuẩn Úy Duy Xướng đã ảnh hưởng nhiều đến các anh em trong gia đình. Tôi theo gương anh, ngày gia nhập Trường Võ Bị, tôi đem cái mũ beret xanh và may mắn tôi bốc trúng lá thăm được chọn về Binh Chủng TQLC. Rồi từ đó, các em, cháu khác cũng nhất định theo gương anh, theo tôi để được đội cái “Mũ Xanh” TQLC.

Đó là niềm hãnh diện cho gia đình nhưng cũng không tránh được những mất mát đau thương. Người buồn đầu tiên là bà cô Châu, người trong họ, sống sát vách với nhà anh Xướng. Bà có thằng con trai duy nhất là Nguyễn Văn Mão đang học lớp đệ tam trường Trần Lục thì bỏ học để đi lính rồi tình nguyện về TĐ1/TQLC khiến bà Châu chửi anh Xướng là đã xúi bẩy con bà bỏ học đi lính! Chưa nguôi cơn giận thì TQLC Nguyễn Văn Mão tử trận tại ngã ba sông Vĩnh Định, Bích La thôn Quảng Trị năm 1966. Tại mặt trận này, tôi ở bên TĐ2/ TQLC chỉ bị thương thôi nên bà cô Châu càng giận thêm.

Bà cô Châu còn đang buồn giận thì tới ông chú Tô Văn Phiếu buồn phiền, ông chống ba-toong tới kiếm tôi bảo có cách gì lo cho con ông là Tô Hùng Sơn không? Nó tốt nghiệp trung sĩ và đã chọn TQLC rồi, làm sao để kéo nó ra khỏi Binh Chủng này?

Tôi không chơi thân với Sơn nên chẳng biết chú em này học hành thế nào và tại sao lại chọn Mũ Xanh, nay nghe ông chú hỏi cách nào lo cho con của ông ra khỏi Binh Chủng mà tôi đang phục vụ nên tôi bị chạm tự ái, bèn phang ngang bổ củi với ông chú:

– Dễ lắm, không tốn kém gì cả, chú bảo em nó đảo ngũ.

Hùng Sơn không đảo ngũ mà còn hăng say phục vụ dưới cờ TĐ3/TQLC, đại đội trưởng của Sơn là Đại Úy Nguyễn Kim Tiền, trong trận đánh Tết Mậu Thân 1968 ở cầu Bình Lợi, Sài Gòn. Sơn đã về vui Xuân với Bố Phiếu trong “hòm gỗ cài hoa” ngay ở xóm nhà mà gia đình Sơn đang cư ngụ!

Kế tiếp là Tô Thanh Chiêu. Bố Chiêu và bố tôi là anh em chú bác.

Thực ra lúc đầu Chiêu là SVSQ Không Quân đang thụ huấn bên Mỹ nhưng vì lý do đánh lộn với ông quan đại diện nên Chiêu và bạn là Nguyễn Gia Quyết bị trả về nước, cho theo học Khóa 26 Thủ Đức rồi tình nguyện về TQLC.

“Trời sinh Chiêu sao còn sinh Quyết!” Hai tên này mà đi cặp với nhau thì đời chịu gì thấu! Họ có nhiều chuyện vui buồn với những biệt danh là 9-Quyết và 9-Chiêu.

Theo lời giải thích của bạn bè thì số 9 (là cửu, là cẩu) ám chỉ hai ông thần này là cao thủ “bít-la” (ba lít) của võ đường “Cờ Tây” (cầy tơ). Ngoài ra Chiêu bị mất một ngón nên đồng đội của chàng Chiêu là “Tháng Ba Gẫy Súng” Cao Xuân Huy, khai sinh thêm cho Chiêu cái danh: “Cửu Chỉ Thần Cái”.

Sau khi Chiêu tốt nghiệp Khóa 26 Thủ Đức, anh ruột của Chiêu là Tô Đức Hạnh, giáo sư trung học Lâm Đồng, rổi đắc cử làm dân biểu Quốc Hội, Hạnh khoe với tôi là đã lo cho Chiêu về Lâm Đồng, một nơi dễ tìm thấy chữ “Thọ”, nên tôi ngạc nhiên khi thấy Chiêu mang quân phục rằn ri đến tìm tôi rồi vỗ ngực khoe cái huy hiệu Hắc Long TĐ5/TQLC, tôi bèn chọc quê:

– Không kiếm đủ tiền để chi cho ông dân biểu Hạnh một chầu “rựa mận” nên đành làm thân lươn* chẳng ngại lấm bùn phải không?

(*Huy hiệu Hắc Long là con rồng, nhưng một số anh em TĐ5/TQLC lại tự hài hước, tự giễu cợt mình là thân lươn, long giống lươn).

 Bị tôi chọc quê, Chiêu gỡ gạc:

– Tôi đẹp trai hơn anh, cao hơn anh, không lẽ lại đứng “thấp” hơn anh?

Chẳng hiểu ở với Hắc Long đánh đấm ra sao mà Chiêu sớm bị ôm đầu máu, bị thương rồi về trung tâm huấn luyện TQLC ở Thủ Đức. Chiêu chơi thân với tôi vì thời gian này tôi cũng đang “nhổ cỏ” ở căn cứ Sóng Thần nên chiều nào sau giờ làm việc, Chiêu cũng sang chỗ tôi đánh cờ tướng, thoọc bi-da, lai rai ba sợi (nhậu).

Sĩ quan độc thân lại là huấn luyện viên thì tiền lương tiêu được mấy ngày ở quán “Cây-Còn”, quán “Con Gà Quay”, quán 3 số 2 (222) có cô chủ mặc quần đen Mỹ-A thủng lỗ ở mông, nên Chiêu hay sang cái am của tôi ăn cơm “chùa”. Nhiều lần đấu cờ tướng, tên nào thua phải ra cái hố đầu nhà cấu vài nắm rau muống nấu canh, rau muống mọc hoang nên có nhiều nhựa, nước canh đen như pha mực, anh em tôi vừa đánh cờ vừa xì-xụp canh đại dương rồi hắn rung đùi ngâm thơ:

– Người quân tử ăn không cần ngon, chỉ cần no.

– Ý chú mày nói “quân tử” ở đây là lính gà chết phải không?

Một chiều tối anh em tôi đang chiếu tướng bên tô canh rau muống thì Hạnh đến chơi, mang theo chai “John đi bộ” với con vịt quay, Chiêu cầm chai Johnnie Walker ngắm nghía rồi gật gù:

– Thứ này là gu của moa.

Thấy Chiêu lẻo mép, tôi chọc quê hắn:

– Thứ đếch nào có hơi men cay-cay, say-say cũng là gu của toa! Dân tu chùa* đừng có xạo.”

(*Thứ nhất chớ tu tại bar, thứ nhì chớ tu tại gia, thứ ba chỉ nên tu chùa. Tu chùa có nghĩa là có người mời uống bia, uống rượu free chứ không phải đi tu ở chùa.)

Mỗi khi Chiêu mở miệng nói điều gì thì tôi kiếm ngay cái tủ đứng kê vào miệng hắn, nhưng hắn chỉ nhăn răng cười “hề hề”! Vì chính hắn là vua chọc quê thiên hạ.

Cờ đang dở cuộc, rượu mới nửa chừng thì Tô Đức Hạnh khơi lại chuyện lo cho Chiêu về tiểu khu Lâm Đồng đã xong rồi, Hạnh là dân biểu mà lo chỗ thọ cho thằng em cấp úy là chuyện nhỏ nhưng Chiêu không chịu, nó to tiếng cự lại: “Em không thích gõ cửa bằng chân”.

Đúng là “cờ dang dở cuộc không còn nước, rượu chửa qua môi đã cay sè!” Vài ngày sau Chiêu xin giã từ trung tâm huấn luyện, về đầu quân TĐ4/TQLC Kình Ngư. Hắn nói với tôi sẽ sống với Kình Ngư và chết với Kình Ngư! Và Chiêu đã toại nguyện.

Ngày 26/3/1975 trong khi tôi buồn tôi đi lang thang trong căn cứ Non Nước, Đà Nẵng chờ lệnh Tham Mưu Trưởng để ra tòa án Quân Sự (!) vì trình diện trễ 2 ngày thì tôi đụng Tiểu Đoàn Trưởng TĐ18/TQLC là Cao-Bồi Trần Ngọc Toàn. Anh hỏi tôi đã nghe tin tức gì chưa, nhưng không đợi tôi trả lời, anh nghẹn ngào ứa nước mắt nói tiếp:

– Hai thằng Nam và Chiêu chết rồi!

Anh Toàn là TĐT/TĐ4/TQLC nhưng anh vừa được lệnh bàn giao TĐ4 lại cho Th/Tá Đinh Long Thành để anh về Non Nước thành lập TĐ18, tuy nhiên anh vẫn theo dõi sát tình hình ở đơn vị cũ. Anh cho biết trong lúc giao tranh dọc theo bãi biển từ cửa Thuận An đến cửa Tư-Hiền, Th/Tá Nguyễn Trí Nam Tiểu Đoàn Phó TĐ4 và Đ/Úy Tô Thanh Chiêu Đại Đội Trưởng ĐĐ3, những thuộc cấp của anh, đã tử trận chiều 25-3-1975.

Tôi không còn chỗ trong lòng để nhét thêm nỗi buồn nữa nên bèn chạy về Trung Tâm Hành Quân để hỏi tin tức về xác thằng em nhưng không ai biết.

Ngày 27/3, một chiếc tàu chở thương binh và tử sĩ từ Thuận An về Đà Nẵng, Bác Sĩ Phạm Vũ Bằng và tôi được lệnh ra đón thương binh tử sĩ, trong số thương binh có Đại tá Nguyễn Thế Lương, Lữ Đoàn Trưởng LĐ 147/TQLC, trong số tử sĩ thì có Thiếu Tá Nguyễn Trí Nam chứ không có xác Chiêu! Tôi hỏi thì được đồng đội của Chiêu cho hay đã đưa xác Chiêu lên tầu nhưng rồi rơi lại xuống biển!

Cho đến nay, cấp chỉ huy và đồng đội của Chiêu vẫn không xác định được “Chiêu ơi bây giờ mi ở đâu?” Thôi thì ở đâu cũng được, không lòng đất thì lòng đại dương, nôm na là mất xác!

Chiêu mồ côi cha mẹ từ khi còn nhỏ nên anh em Chiêu rất thương yêu và lo cho nhau, nhưng không vì thế mà chiều lòng ông anh để thay bộ TQLC bằng bộ áo có chữ THỌ trước ngực. Bộ quân phục đã thấm máu thì khó cởi ra và Tô Chiêu đã chết với bộ rằn ri TQLC như anh Duy Xướng, như Nguyễn Mão, như Tô Hùng Sơn.

Khi còn ở trung tâm huấn luyện, Chiêu lấy vợ, có một con gái, chẳng may vợ qua đời vì tai nạn nên cháu gái được ông bà ngọai ở Cầu Chữ Y (Chợ Lớn) mang về nuôi

Khi về TĐ4 ở Vũng Tầu, Chiêu kết duyên với cô… (tạm gọi là Hồng Loan). Lúc Chiêu tử trận thì Hồng Loan mang thai và sau nay sinh con gái. Cháu gái này hiện đã tốt nghiệp đại học và hành nghề luật ở miền Bắc California.

Chiến tranh! Sinh tử! Loạn lạc! Chia ly! Chừng nào hai chị em ruột, cùng bố khác mẹ mới gặp nhau, nhận ra nhau và cùng đốt cho bố Chiêu một nén nhang?

Vì sống gần nhau nên tôi có nhiều kỷ niệm vui buồn với Chiêu, một trong những kỷ niệm “miếng ngon nhớ lâu điều đau nhớ đời” đó là chiều Christmas Eve 1970, trong khi tôi đang nằm bệnh viện Lê Hữu Sanh Thị Nghè, chân tay còn bó bột thì 9-Chiêu và Cửu Quyết đến khiêng tôi lên xe, chở nhau ra Mai Hương trên đường Lê Lợi uống café.

Chiều hôm đó, ngồi Mai Hương với café thuốc lá rửa mắt thì nhất, nhưng chưa hết gói Ruby Queen thì họ lại khiêng tôi lên nhà hàng vũ trường gần đó. Nhà hàng hình như đang chuẩn bị cho dạ tiệc Noel nên chưa có thực khách. Mấy cô guây-trét (waitress) có vẻ ngạc nhiên khi chúng tôi đến quá sớm nhưng họ vẫn tiếp đón lịch sự, có lẽ vì thương hại thấy hai thằng TQLC khiêng một thằng bị thương.

Chiêu cầm thực đơn gọi món nhậu gì đó rồi kéo cô Mạc-ten “cổ lùn” từ túi áo jacket ra để lên bàn, một lúc lâu sau tiếp viên nhẹ nhàng đặt trước mặt mỗi thằng một đĩa nấm “chiên bơ”(!). Dân chơi thứ thiệt không thắc mắc về mồi nhậu mà men cay mới là chính nên ba thằng cứ ly anh ly tôi và nghe nhạc “Đêm Thánh Vô Cùng”, “Thằng Bé Đánh Trống”, “Sao Cho Con Lấy Được Người Con Yêu” v.v..

Khoảng 9 giờ tối thì hết rượu, những đĩa nấm còn, chúng tôi đứng dậy rủ nhau đi nhà thờ Đức Bà mà cái hóa đơn tính tiền thì gần hết tháng lương vừa lãnh! Đang tính hỏi nhân viên sao cái máy chém sắc thế thì sực nhớ ra đây là vũ trường. Vừa ra khỏi cửa, tiếc tiền tôi than phiền:

– Chiêu! Sao mày lại gọi nấm? Ai nhậu với nấm bao giờ? Ngu thế!

Chiêu cười hề hề:

– Em gọi chim bồ câu chiên bơ, nhưng không hiểu sao tụi nó lại mang nấm? Rõ ràng em “o-đơ champignons” mà. (Thực đơn bằng tiếng Tây).

Tôi cố nín cười rồi văng tục với Chiêu

– C…Champignon là nấm đó ông nội, còn con chim… cu là pigeon. Gọi mẹ nó bằng tiếng Việt là “chim cu” có phải đỡ vất vả vì nấm không, phí cả tiền!

Đúng là một kỷ niệm khó quên của lính tiền tuyến bày đặt đi nhậu ở vũ trường hậu phương, vừa đau chân, đau cái bụng, đau cái ví, buồn mà phải cười vì cái vốn tiếng Tây học đã sôi cơm nhưng chửa chín nên chữ Tác đánh chữ Tộ, chữ Ngộ hóa chứ Quá!

Trong tác phẩm “Tháng Ba Gẫy Súng”, tác giả Cao Xuân Huy đã nói về thái độ ung dung của Tô Thanh Chiêu lúc hành quân xung trận, khi nghỉ ngơi thì vui vẻ chịu chơi, ăn nhậu. Đại Đội Trưởng Dương Công Phó, là bạn, là cấp chỉ huy của Chiêu thì nói:

– Chiêu là thằng có tình có nghĩa, biết trọng cấp trên, thương thuộc cấp, cho lính nhậu nhưng không được say, say thì đi ngủ, thằng nào mượn hơi men mà quấy rầy thì không cho uống, không cho tu mà lấy rượu đổ vào họng, ấn đầu vào rượu cho ngộp luôn. Đó là cách Chiêu trị bệnh say-quậy của lính, thế mà lính phục, lính nể, lính sợ.

(Khi tôi ôn lại những kỷ niệm này 3/2024 thì cả 3: Chiêu, Huy, Phó không còn nữa!)

Sau 1975, tôi gặp một số thương phế binh thuộc đại đội của Chiêu, họ đã ca tụng “ông thầy” Chiêu cứu họ mà hy sinh, nay những người ấy sống chết ra sao làm sao tôi biết?

Chiến tranh kéo dài, trong một gia đình có hai ba thế hệ chiến đấu trong cùng một đơn vị, một binh chủng là chuyện bình thường, năm anh em tôi (Xướng, Cấp, Chiêu, Sơn, Mão) đã và đang mặc quân phục TQLC thì lại đến lượt các cháu.

Một sáng Chủ Nhật tôi ngạc nhiên khi thấy ba bà chị kéo nhau vào căn cứ Sóng Thần Thủ Đức, nơi tôi làm việc, tìm gặp tôi rồi cự nự:

– Cậu tính thế nào chứ mấy thằng cháu tụi nó bắt chước cậu đăng vào lính TQLC hết rồi, hiện chúng đang tập ở Trung Tâm Huấn Luyện, cậu xin cho tụi nó về được không? Mấy cậu chết chưa đủ hay sao mà còn dắt các cháu vào để chết chùm cả đám à?

Thì ra thằng Vũ Văn Tuấn, con bà chị ruột, thằng Thanh, thằng Úy con hai bà chị họ, chúng cùng rủ nhau đi TQLC. Tôi tìm gặp chúng và hỏi xem có muốn xuất ngũ không thì thằng nào cũng lắc đầu, chúng muốn làm lính TQLC. Tôi cũng chẳng muốn chúng đảo ngũ, nên nói với các chị:

– Thời chiến tranh mà học hành dở dang, đằng nào cũng phải đi lính, để đó em lo cho

Tôi an ủi mấy bà chị như vậy và hứa sẽ lo cho các cháu sau.

Mãn khóa, Nguyễn Văn Thanh được nhận về Tiểu Đoàn Quân Y của Bác Sĩ Nguyễn Văn Thế. Vũ Văn Tuấn về TĐ4 của Trung Tá Quang. Nguyễn Thiếu Úy về TĐ2 của Th/Tá Trần Văn Hợp. Cả 3 ông đơn vị trưởng này có duyên nợ với tôi, một tiếng nói cho cháu ruột kiếm tí “thọ” thì không khó. Cháu Thanh được tiếp tục học nghề chuyên môn y tá thì an tâm, nhưng còn Tuấn và Úy thì tôi nói với hai ông Tiểu Đoàn Trưởng Quang và Hợp “trông chừng” tụi nó giùm.

Cháu Thanh sau khi tốt nghiệp y tá được đi theo bác sĩ Phạm Vũ Bằng hành quân. Tôi tưởng thế là an tâm vì ông lang Tây này rất thương thuộc cấp và mát tay, nhưng rồi ông thầy Bằng bị thương, học trò Thanh tử trận!

Thật đau lòng khi tôi đến chia buồn cùng bà chị, mẹ Thanh, bà nhìn tôi không nói gì mà ôm quan tài phủ cờ của con khóc đay nghiến:

– Thanh ơi! Dậy đi con, cậu Cấp đến thăm con đây này!

Từ đó tôi tránh gặp mặt các bà chị, nhưng chẳng bao lâu, tháng 2/1972, chị Tô Thị Tiếp, mẹ của Tuấn, đến nhà khóc lóc ăn vạ với mẹ tôi và bảo tôi:

-Cháu Tuấn nó chết mất xác rồi, cậu phải đi tìm xác cháu về cho chị.

Sau khi được về TĐ4/TQLC, Tuấn viết thơ cho tôi khoe là được ông thầy Quang cho đi học lái xe, nhưng cháu không thích và xin ra tác chiến, rồi vào mùa Hè Đỏ Lửa, VC tấn công mạnh vào TĐ.4 ở căn cứ Động Toán (Quảng Trị). cháu Tuấn chết mất xác cùng với nhiều đồng đội. Âu cũng là tại số!

Tội nghiệp nhất là anh Min- bố cháu Thiếu Úy! Anh vốn là dân “tay cày vai bừa” nên sinh được mấy thằng con thì đặt tên là Thiếu Úy, Trung Úy, Đại Úy v.v.. những mong ước sau này các con được làm quan. Nhưng thằng Thiếu Úy về với Trâu Điên chưa ấm chỗ thì Tiểu Đoàn Trưởng Trần Văn Hợp gọi cho tôi báo:

– Sorry, cháu Thiếu Úy của mày hy sinh rồi!

Cháu Úy tử thương ở trận Cửa Việt và được truy thăng Binh Nhất! Tội nghiệp! Nếu nó còn sống và tiếp tục chiến đấu thì thế nào 20 năm sau cũng lên tới ông quan thiếu úy, đạt được nguyện vọng của song thân.

Nhà tôi và nhà cháu Úy cùng trên đường Tô Hiến Thành, cách nhau 5 căn. Lần cuối cùng tôi gặp cháu Úy khi nó về phép, thấy cháu đội cái mũ rộng vành có thêu hình con Trâu Điên to lại có vẻ hung hăng con bọ xít, hù đám bạn cùng xóm, tôi gọi cháu sang nói nhỏ:

– Trâu Điên chỉ điên khi đụng trận với VC mà thôi, còn khi về hậu phương thì phải hiền lành, lịch sự với mọi người, những trâu già đụng trận đến mòn cả sừng thì không ai biết, không ai phiền, cháu mới chỉ là “nghé con” đẻ thiếu tháng mà lúc nào cũng hung hăng làm mất mặt những Trâu Điên thứ thật, coi chừng bị điên thật đấy.

Sau lần bị tôi rầy, cháu Úy đi hành quân và không ngờ cháu đi luôn!

Tôi không hối hận nhưng buồn, có ba thằng cháu nối bước cha ông vào TQLC thì thay nhau tử trận hết! Biết làm sao hơn! Thân tôi bị trọng thương, loại khỏi vòng chiến, không xin giải ngũ, mà ở lại phục vụ Binh Chủng, dù bị lang thang như “chó ba chùa”, làm công việc của “con mèo” nên chỉ có khả năng lo cho cháu thế thôi, mà chúng cũng không muốn là lính kiểng.

Ngoài 8 người (5 anh em và 3 đứa cháu) phục dưới cờ TQLC thì tử trận hết 7, gia đình chúng tôi còn góp thêm 4 mạng nữa cho chiến trường, đó là là Thượng Sĩ Thiết Giáp Tô Văn Đát “ra đi” tại Tây Ninh, Thiếu Úy Nguyễn Văn Phong SĐ23/BB tử trận trên Cao Nguyên và em ruột của Phong là Hải Quân Trung Sĩ Nguyễn Văn Tuấn, đi theo HQ10 đã nằm sâu dưới lòng biển cả trong trận hải chiến Hoàng Sa với quân Trung Cộng vào ngày 19/1/1974! Và Quân Cảnh Vũ Văn Hùng (em ruột TQLC Vũ Văn Tuấn) chết trong lúc bảo vệ kho đạn Gò Vấp trong trận Mậu Thân 1968!

Nói về những người lính trong một gia đình đã hy sinh vì Tổ Quốc, “Nửa Đường Gẫy Gánh” không phải để than van hay khoe khoang gì, vì tất cả chỉ là lính và họ đã hy sinh thì cũng cần một lần nhắc đến tên, một lần xướng danh để con cháu biết có những người cha người chú đã sống và chiến đấu rồi chết như thế nào trong Binh Chủng TQLC nói riêng và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nói chung.

Cái chết của những người lính trận khi đối đầu với quân CS thật đáng trân trọng, ít nhất cũng một lần xin được nhắc tên Các Anh, nếu không khắc được tên lên bia đá. Riêng anh em con cháu trong dòng họ tôi thì tôi xin được viết tên các anh vào cuốn “NỬA ĐƯỜNG”./.

Captovan

©T.Vấn 2024

Bài Mới Nhất
Search