T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đỗ Xuân Tê : Ngày Xuân đi tìm Tuổi Thọ

clip_image002

Chân dung một ông già – Tranh : Nikolay Fechin ( Họa sĩ Nga 1881-1955)

Mỗi năm tết đến khi trời đất âm dương quay đúng một vòng thì kiếp nhân sinh dù già dù trẻ mỗi người lại thêm một tuổi. Cho nên tự ngàn xưa lệ mừng tuổi trong ngày Tết đã trở thành tập quán dân gian trong vănh hóa Việt. Người ta mừng vì được sống thêm một năm trên đất, một cái lộc mà chỉ có trời cho chứ con người không thể tự tạo. Để tỏ sự mừng vui, không phải chỉ có lời chúc tụng đơn thuần mà đối với các vị cao niên trưởng thượng cháu con đều chúc thọ trao quà, trong niềm trân trọng công ơn sinh thành dưỡng dục, rồi các bậc cha ông lại lì xì cho con cho cháu bằng những bao thư có đựng những đồng tiền ít nhiều thì cũng gọi là ‘đồng tiền may mắn’, chúc cho con cháu học hành giỏi giang, ngoan ngoãn vâng lời. Mặc nhiên tập tục đáng yêu trong ngày đầu năm trở thành sự nối kết giao lưu huyết thống vô hình, thắt chặt dây chuyền gia tộc qua nhiều thế hệ, mà dù cho người Việt có tha hương năm châu bốn bể, họ vẫn khuyên cháu con gìn giữ nét đẹp văn hóa này mỗi khi tết đến xuân về.

Nói đến tuổi tác vốn là phạm trù thiên cơ bất khả lậu, vì chuyện đời đố ai biết được ngày mai, sống chết trong bàn tay thiên định nên khi trẻ là tuổi thơ, về già là tuổi thọ, mỗi đoạn đời dù có đa đoan phiền toái, nhưng con người hầu như ai ai cũng muốn hưởng những ngày vui trên đất, chẳng ai muốn chết yểu chết non. Tiếc thay dòng đời lại như bóng câu qua cửa sổ, mới đó đang dậy thì bẻ gãy sừng trâu, tuổi đời đôi mươi lòng xuân phơi phới thì đang khi mộng ước chưa thành, lập thân chưa tới, vài thập niên sau bỗng ở tuổi trung niên, chưa kịp hồi xuân thì ‘cái già xồng xộc nó thì đến ngay’, lục tuần cập kề trước ngõ, về hưu minh dưõng thất thập dòng đời đi vào tuổi thọ.

Nhân ngày xuân và viết cho báo Xuân, người viết muốn cùng bạn đọc cùng nhau ta bàn chuyện tuổi thọ trong xã hội ngày nay. Mỗi thời một khác, ngày xưa thọ đến 70, 80 thường cho là hiếm, nhưng ngày nay tuổi thọ có kéo dài hơn, thậm chí có người nói ‘chín mươi chưa phải đã già’, do sự tiến bộ về kỹ thuật y học phòng bệnh, chữa bệnh, chế độ ăn uống dinh dưỡng cùng phong cách sống và hỗ trợ tâm linh phục vụ cho độ tuổi cao niên. Nhờ vậy mà ở Việt nam cũng như ở Mỹ, nhiều cụ ông cụ bà bước sang tuổi 90 không còn là hiếm, theo thống kê tuổi thọ trung bình của các nuớc Bắc Âu đạt trên 85, ở Mỹ và nhiều nước phát triển tròm trèm 80… Có người hỏi chắc các cụ phải có bí quyết nào đó, sống thọ đâu phảỉ dễ?

 

clip_image004

Cụ Hà thị Xinh

Cụ Hà thị Xinh năm nay 108 tuổi quê xã Đông Sơn, tỉnh Phú thọ, đang sống trong một bản làng nằm sâu trong một thung lũng khoảng ba ngàn dân mà có tới 6 cụ tuổi từ 100-109, chưa kể nhiều cụ suýt soát 100! ở tuổi này cụ vẫn còn ru cháu, theo trâu ra đồng, tẻ bắp, phụ việc nhà, còn xỏ được kim đan đuợc áo. Chuyện cứ như là cổ tích, ấy vậy mà khi hỏi bí quyết sống lâu , bà cụ bật cười trả lời ‘chẳng có gì cả’, cụ nói theo văn xuôi, tôi viết lại theo văn vần cho người già dễ nhớ, đại loại:

Cụ bảo muốn sống lâu

đừng để lòng lấn cấn

đừng để hồn vướng bận

vào mấy chuyện… không đâu

Cứ sống cốt thỏa lòng

có gì thì ăn nấy

“như con chim trên rừng”

như bầy dê khe núi

Sống cho trọn tuổi đời

tuổi xuân ta tận hưởng

tuổi già ta chắt chiu

ngày vui ta giữ lại

ngày buồn cho quên mau…

Triết lý sống của cụ xem ra đơn giản, “như con chim trên rừng”, nguyên văn lời cụ, làm được hay không tùy thuộc vào ta. Nay quay sang Mỹ xem có lời khuyên gì khác. Cũng lại tìm ông cụ thọ nhất.

 

clip_image006

Cụ Walter Breuing

Cụ ông Walter Breuing, hiện sống ờ Great Falls, bang Montana vừa mừng sinh nhật thứ 113, đang là người già nhất nước Mỹ. Hỏi cụ bí quyết thì cụ chỉ khuyên, ‘tôi cho rằng các bạn nên rời khỏi bàn ăn khi còn cảm thấy…đói’ (ý cụ bảo đừng ăn cố như các ông bà mình hay có tật sợ bỏ dư thì tiếc). Cụ có thói quen từ 35 năm nay, một ngày chỉ ăn hai bữa, bữa điểm tâm thật no, bữa ăn trưa bình thường, cụ không ăn tối, thay vào đó bằng ăn trái cây và uống nhiều nước. Cụ cũng siêng năng lao động, làm hai jobs cho đến năm 66 tuổi, và thực sự nghỉ hưu khi tuổi đời chỉ còn 12 tháng là đủ…bách niên.

Cũng bàn về bí quyết sống khoẻ, sống thọ, tôi nhớ trên tuần báo Sàigòn Nhỏ có lần đăng 10 nguyên tắc sau đây, có cái thì giảm, có thứ lại tăng, dù ít dù nhiều ăn uống sinh hoạt cho quân bình điều độ, cụ thể:

Ít ăn thịt, ăn nhiều rau/ít chất mặn nhiều chất chua/

ít ăn đường nhưng nhiều trái cây/ nên ăn ít nhưng nhai nhiều/

mặc ít áo lo tắm nhiều/ít nói làm nhiều/ít lấy thêm mà cho đi nhiều/

ít ưu tư cần ngủ nghỉ nhiều /ít đi xe ráng đi bộ nhiều/ít nóng giận nên cười nhiều.

Mấy nguyên tắc này cũng không khác mấy lời khuyên của Dr. Oz, chuyên gia dinh dưỡng fitness hàng đầu của Mỹ mới đăng trên tờ TIME, ông nói muốn sống khỏe sống thọ thật ra ‘không khó lắm’. Trang báo có hạn không đi sâu vào chi tiết, chung qui:

Nên hoạt động thể dục hàng ngày (lợi cho xương và tim mạch, ít té ngã lúc tuổi già)/mỗi ngày ra ngoài lấy15 phút ánh sáng mặt trời (nếu lười thì phải uống thêm 1000IU vitamin D và 1000mg calcium)/ chọn thức ăn khi ăn vẫn thấy tươi sống như nó còn trong đất (nên ăn vặt các thức ăn lành mạnh trong vòng vài ba tiếng thay vì ăn dồn một lúc quá no)/ ngủ mỗi ngày 7 tiếng (nửa số dân Mỹ ở tuổi trung niên bị khó ngủ nên giảm tuổi thọ)/sống phải có chủ đích, đặc biệt cho gia đình, cho việc làm, cho cộng đồng.

Chuyện bí quyết sống lâu thì hầu như ai cũng được đọc đâu đó những lời khuyên bổ ích nêu trên. Nay đi vào báo cáo khoa học của tờ U.S.News& World Report sau khi điều tra thực nghiệm trong nhiều năm đã nhin nhận tỷ lệ người già sống thọ nhất tại các thành phố ( không phải chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới) lại thuộc về nhóm người cao tuổi sống quanh vùng Loma Linda (cách quận Cam không đầy 50 km). Họ là những người theo đạo Cơ đốc Phục lâm có đức tin cao, có lối sống điều độ, có thói quen dinh dưỡng chủ yếu là dùng các thức ăn như rau đậu, trái cây, sữa, trứng, ngũ cốc nguyên chất và các thứ hạt. (Theo tôi, các vị cao niên xứ mình rất hạp và quen với các thức ăn dinh dưỡng này, giống như bên đạo Phật các cụ ăn chay thì ở đây thêm sữa và trứng).

clip_image008

Cụ Trần Qui Trừ

Vì gần quận nhà nên tôi có nhiều dịp tiếp xúc với nhóm người này, nhìn chung họ cũng không khác ta là mấy, nhưng ở họ nhiều ‘tuổi’ chưa phải là đáng nói, mà nhiều ‘sinh lực’ tích lũy trong họ mới là điều đáng nể. Đa phần trong số họ đều có thái độ tích cực, lạc quan, vui vẻ, biết chia sẻ và thỏa lòng trong cuộc sống. Người Việt hải ngoại mình mới đây có cụ ông Trần Qui Trừ, một tín đồ ở Orlando cũng theo phong cách ăn uống kết hợp sinh hoạt tâm linh như nhóm người này, cụ mới đi vào yên nghỉ ở tuổi 102 sau khi được tổng thống Obama chúc thọ ở tuổi bách niên và vinh danh cụ như một công dân gương mẫu.

clip_image010

George Burns và điếu xì gà “Trademark”

Cuộc sống khi nói đến lạc quan phải nhắc đến nụ cười, các danh hài xưa nay xứ nào cũng vậy tuổi thọ rất cao, đơn cử như ở Mỹ, Bob Hope trên 90, George Burns 100 có lẻ, sống vui sống khoẻ cho đến mãn đời. Tôi còn nhớ câu nói của ông già Burns khi tròn trăm tuổi. Được hỏi nếu cho sống thêm một trăm năm nữa ông có vui không. Ông già gân chuyên hút xì-gà trả lời, ‘Vui, nhưng nếu cho đánh đổi, tôi sẽ chọn được ngủ một đêm với… Sharon Stone!’ (tên một nữ tài tử sexy nổi tiếng trong phim Basic Instinct). Ông mất sau đó mấy tháng qua một giấc ngủ say không hiểu đã đánh đổi chưa.

Cũng chuyện ‘chín mươi chưa phải đã già’ thì sống lâu trên đất quả là một ơn phước, nhưng sống sao cho sống chứ cứ lây lất bệnh tật, đi đứng khó khăn, uống ăn hạn chế thì quả thật nhiều cụ mình chả ai muốn. Nhưng điều này lại là cái lộc của trời, Trời cho ai nấyhưởng, có muốn cũng chẳng được. Chẳng vậy mà người ta hay kèm ba cái ông ‘Phước, Lộc, Thọ’ luôn đồng hành nối kết với nhau. Cái thọ thì cụ thể bằng tuổi tác, cái phước cái lộc thì khôn lường khó mà cân đo đong đếm. Cứ như sách cổ đã nói dù sống đến hai ngàn năm mà không được hưởng chút phước nào thì quả là luống công chẳng ai muốn sống, cho nên người xưa khuyên ta biết sống thỏa lòng, có gì ăn nấy, có sao ở vậy, vui với con với cháu, chẳng giận chẳng hờn, sống tròn tuổi thọ, nghe sao rất tiệp với gương trải nghiệm của bà cụ Xinh quê ta.

clip_image012

Cụ bà Gladys Burrill và niềm vui đến đích

Viết tới đây tôi lại nhớ đến hai cụ, một bên xứ mình, một bên xứ Mỹ, cả hai tuổi thọ đều ngoại ‘cửu tuần’, nhưng mỗi người xử dụng quĩ thời gian và sức khoẻ của mình một cách riêng.Có ai tưởng tượng ở tuổi 92, cụ bà Gladys Burrill ở bang Oregon vừa được sách kỷ lục Guiness ghi nhận là phụ nữ đầu tiên trên thế giới đã hoàn tất quãng đường 26.2 miles (42km) tại cuộc thi việt dã marathon tổ chức tại Hawaìi cuối năm 2010 với thời gian 9 tiếng đồng hồ 53 phút. Đáng phục hơn là cụ đã dự đều đặn từ 7 năm nay và còn dự tiếp nếu Chúa cho còn sống.

Tấm gương vận động và nhẫn nại của cụ ở tuổi đại thọ gây niềm hứng khởi cho nhiều thế hệ cả trẻ lẫn già để thấy tuổi tác không hẳn là giới hạn làm cản trở những mơ ước và phong cách sống trong xã hội ngày nay khi nạn béo phì ở trẻ em và chứng sơ vữa động mạch ở người lớn tuổi đang là những vấn nạn cho sức khỏe loài người. Làm được điều này cụ không có lời khuyên gì khác hơn là ‘hãy ăn uống lành mạnh và chịu khó tập thể dục, trí thể phải đi đôi, nên suy nghĩ nhiều về những điều tích cực, lạc quan.’

clip_image014

Cụ Đặng Huyền

Người ta ngưỡng mộ cụ Burrilll trong niềm vui thể hiện phong cách sống ở tuổi về chiều bao nhiêu, thì tôi lại tỏ lòng cảm phục sức dẻo dai, trí nhẫn nhục của cụ Đặng Huyền người Việt nam mình bấy nhiêu, khi ở tuổi 98 cụ vẫn còn …đạp xích lô chở khách hàng ngày làm kế sinh nhai. Theo báo Tuổi Trẻ, cụ đang sống ở Huế, người ta quen gọi là cụ Huần, ngày ngày đạp xe ba cọc ba đồng kiếm tiền nuôi thân và nuôi bà vợ già cũng trên tám chục. Cái khổ là khó kiếm mối vì người ta không dám để cụ chở mà cụ thì không muốn nhận những đồng tiền thương hại của khách qua đường. Cũng là trùng hợp khi người ta được biết ở tuổi 85, cụ có lần tham dự một cuộc đua đạp xích lô, người ta đã vinh danh cụ ‘dũng sĩ xích lô’ trong số đồng nghiệp cùng về tới đích!

clip_image016

Cụ ông Gerald Peebler và cụ bà Harriette

Bàn về tuổi thọ thì nó vô cùng, vừa khi khép lại bài viết tác giả lại đọc được bài phóng sự của tờ O.C. Register khi báo này tường thuật cặp vợ chồng người quận Cam, cụ ông Gerald Peebler và cụ bà Harriette vừa hoàn tất một vòng nước Mỹ… bằng xe hơi, hai cụ thay phiên nhau lái hơn 9,000 miles. Xin nhớ cụ ông năm nay bằng tuổi cụ Huần cũng 98 và cụ bà vừa tròn 90. Họ trở về nhà bình an trong niềm vui của con cháu chắt trong lễ mừng kỷ niệm 70 năm ngày hai cụ cưới nhau!

Đỗ Xuân Tê

(Xuân Nhâm Thìn, 2012)

 

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search