T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đặng Hiếu Sinh: CHUYẾN VỀ QUÁ KHỨ

50 Năm Hội Ngộ San Jose (Ảnh: Tác Giả)

Đáp chuyến bay của Southwest, vợ chồng tôi đến Santa Ana thăm người chú họ trước khi đến San Jose tham dự đại hội kỷ niệm 50 năm khóa 3/ SVSQ/ ĐHCTCT Đà Lạt ra trường.

Đây là ông chú họ của Nhà tôi đã cùng ở tù tại trại Vườn Đào, Mộc Hóa. Lúc ấy, ông chỉ biết cô cháu gái của mình có người yêu là một chàng thiếu úy, xuất thân từ trường đại học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt. Đã có vài lần cầm thư của tôi từ bác phát thư đem vào nhà cho Nàng, nên ông biết tên tôi. Khi vào trại Vườn Đào, nghe nói có một số sĩ quan CTCT nên ông dò hỏi và được biết tôi có mặt trong đám tù binh ở đây. Ông nhờ người nhắn tin và nhân lúc trại bị lũ lụt, sự kiểm soát lỏng lẻo, tôi đã bơi sang trại 4 để tìm gặp ông. Sau đó tôi vượt trại, ông được thả về. Mệnh đời trôi nổi cũng phải gần hai mươi năm sau mới được tin nhau trên đất Mỹ.

Vài ngày ngắn ngủi bên nhau, đêm từng đêm vui buồn theo biết bao chuyện đã qua. Nhà tôi kể:

-Con nhớ lúc Thím ghé thăm có anh S ở đó. Má giới thiệu với Thím “đây là cháu của chị”. Một lúc sau, chờ S ra phòng khách Thím nhỏ giọng báo tin “Thím mới đi thăm chú tuần trước. Chú cho hay S trốn trại rồi, N có tin tức gì không?”. Con phải ra vẻ buồn rầu “dạ không” mà nói thầm trong bụng “Anh đang ở trước mặt Thím kìa”.

-Hồi đó, hai đứa mới là bồ nhau chứ chưa cưới nên thím đâu biết mặt S ra sao!.

Những tiếng cười ròn rã vang lên. Tình cảm họ hàng sao mà ấm áp.

Bốn ngày sau, chúng tôi rời Nam Cali với Thuật – khóa đàn em.  Ngồi trên xe ngắm cảnh trùng trùng đồi núi hai bên xa lộ 5 từ Los Angeles đến San Jose thật hùng vĩ. Một bên hướng Tây là dãy đồi núi dài bất tận, bên hướng đông là những cánh đồng mênh mông trồng nho và các nông sản khác, thẳng tấp những con đường cơ giới hóa nông nghiệp mà nước Mỹ đã có từ trăm năm.

Khi đến gần San Jose, Thuật nói, anh lắng nghe sẽ ngửi thấy mùi tỏi thoang thoảng. Đây là Gilroy, vùng trồng tỏi nổi tiếng. Mỗi năm đều có tổ chức Lễ Hội Tỏi diễn ra vào ba ngày cuối tuần sau cùng của tháng Bảy. Trong những ngày lễ hội có trưng bày nhiều mặt hàng như xà bông làm từ tỏi hoặc các chai mật ong tỏi, rượu ngâm tỏi cũng được đông đảo khách ghé mua. Chúng tôi ghé qua một gian hàng bán tỏi bên lề đường, ngắm những dây treo các củ tỏi no tròn trông rất hấp dẫn và nhiều sản phẩm công nghệ tỏi nhưng giá không rẻ chút nào.

Đến San Jose, bước vào căn nhà rộng rãi đủ chỗ cho ba cặp và một chàng độc thân đã thuê sẵn, chúng tôi  háo hức chờ giờ đến điểm hẹn, nơi tổ chức  kỷ niệm 50 năm ngày ra trường, bạn bè chia tay đi muôn lối.

                                                          ***

Vừa bước vào cửa hội trường, gặp ngay người bạn đến từ Atlanta. Anh chàng vẫn gầy như xưa, khuôn mặt có già đi nhưng  cái lý lắc của thuở thanh xuân vẫn còn đọng lại đâu đó. Tôi đấm vai Hùng:

-Sến trông bảnh quá ta. Ủa, dẫn em nào theo đây, sao không giống cô trợ lý hồi xưa?

-Thằng mắc dịch, bà xã tao “cô Kem Hạnh Tâm” đây. Mày giỡn kiểu nầy bả tưởng thiệt, về nhà chắc bộ xương cách trí của tao bầm dập hết.

Lúc ở quân trường Hùng hay ngân nga nhạc Chế Linh, Duy Khánh nên chết danh là Hùng Sến.

Không khí của tiền đại hội – đêm tâm giao – vô cùng náo nhiệt. Tay bắt, mặt mừng, đâu đây có những ngấn lệ trong đôi mắt già nua khi gặp lại bạn xưa mấy mươi năm xa cách.

Góc kia là Cơ đến từ Canada. Anh chàng có nụ cười hiền lành và đôi mắt một mí, điển trai không thua tài tử Hồng Kông, nay thì… “thôi rồi, còn chi anh ơi…” chỉ còn lại tóc gió thôi bay với cái đầu bóng láng. Nhớ thời đó, sinh viên sĩ quan chỉ được ăn sáng với bánh mì baguette và bơ đường. Ăn hoài nên ngán tận cổ. Vậy mà khi trở về phòng chuẩn bị đi học, hầu như lúc nào hắn cũng có một “cà -men” cơm chiên bơ, vàng cháy ngon lành ai thấy cũng thòm thèm. Nếu người nào muốn được ăn ké thì phải trao đổi với hắn cái gì đó, chẳng hạn như một trái ớt sừng trâu chín đỏ. Ớt cay xé lưỡi mà hắn ăn như ăn dưa leo. Bởi vậy, thay vì tên Tiêu Khôn Cơ, bạn bè đặt cho hắn biệt danh Tiêu Không Cay.

Gặp Pháp, giọng nói đặc sệt Quảng Trị với dáng người tròn trịa hơn xưa, khuôn mặt không thay đổi nhiều và là trưởng ban tổ chức cuộc hội ngộ 50 năm nầy. Nhìn Pháp, tôi nhớ lại một kỷ niệm dở khóc, dở cười. Hồi còn sinh viên, chúng tôi không có người thân ở Đà Lạt, lại chưa có bạn gái nên cứ cuối tuần là lang thang ngoài phố, chẳng biết làm gì. Một hôm, Pháp đưa tôi và Hồng đến một biệt thự trên đường Trần Hưng Đạo có bác quản gia là người đồng hương của Pháp. Nhà kín cổng cao tường, lối đi trải đầy sỏi trắng và vườn hoa hồng rất đẹp. Ăn trưa xong, ông đưa chúng tôi lên phòng ngủ sang trọng, thơm phức, trên tường treo chân dung hai cô tiểu thư xinh đẹp là ái nữ của vị đại gia chủ nhà. Chúng tôi nhìn ngẩn ngơ và thầm mơ ước…

Xế trưa, xuống phòng khách uống cà phê được bác giới thiệu một người bạn vừa đến chơi. KHÁCH có nhã ý mời chúng tôi đến biệt thự Hồng Lan – nơi ông ở – vào ngày mùng 3 để ăn Tết với gia đình ông. “Nhà chỉ có hai con gái thôi, đừng ngại”. Nghe ông nói, “ba thằng” lòng mừng như mở hội và nghĩ rằng, chắc ông già thấy mình ngon lành nên muốn ghép cho con gái. Thế là những tuần kế tiếp, chúng tôi không dám xài tiền để dành mua quà đi “xem mắt” và cùng thỏa thuận, tên nào may mắn được lọt vào mắt tiểu thư thì hai tên kia không được tranh giành.

Sáng mùng 3 Tết, ba chàng “ngự lâm” ôm một lẵng dâu và cam thật to, gọi taxi đến biệt thự với biết bao hứng thú, hồi hộp. Hiên ngang sóng bước trên lối vào nhà mà mắt láo liên nhìn vào khung cửa sổ màu xanh để tìm kiếm dáng ngà thục nữ. Vợ chồng KHÁCH đón tiếp ân cần, chúng tôi dở hết các chiêu của “những người đàn ông lịch lãm” học được từ các lớp dạy phong cách của cô giáo Alice Kiều Oanh. Từ các thế ngồi, cách bắt tay, nói chuyện. Chúng tôi nóng lòng diện kiến hai tiểu thư nhưng không dám hỏi. Sau tuần trà nước, đèn nhang thắp bàn thờ tổ tiên và trao cho nhau những lời chúc tết tốt đẹp, ông bà gọi:

 -Thủy, Tiên ra chào khách.

“Ba thằng” nín thở, chuẩn bị nụ cười thật tươi để lấy lòng người đẹp. Nhưng…. hỡi ơi, Thủy và Tiên chỉ là hai cô nhóc tì 8 tuổi và 6 tuổi. Lúc đó, nhìn nét mặt quê độ và sượng sùng của hai thằng bạn, tôi ráng kềm chế để không phát ra tiếng cười sặc sụa.

KHÁCH giới thiệu:

-Hai con gái của chúng tôi. Hai con khoanh tay mừng tuổi các chú đi.

-Năm mới, con mừng tuổi các chú. Chúc các chú phát tài, sống lâu trăm tuổi.

Thất vọng tràn trề nhưng cũng phải móc hết mớ tiền ít ỏi trong ví lì xì cho hai bé. Sau nầy hỏi ra mới biết KHÁCH chỉ là quản gia.

Đang cụng ly với nhóm Khải, Chân, Đê đến từ Boston, bỗng có cú đập vào vai từ phía sau, tôi giật mình quay lại.

-Nhớ tao không?

-Cấn chứ ai. Chà! có phải nhờ ăn mề hột vịt lộn mà mày còn sống khỏe đến bây giờ?

Một kỷ niệm vui lại hiện về. Hồi đó, cứ mỗi chiều là có một tiểu đội SVSQ với súng ống, nghi lễ chỉnh tề, đi theo nhịp quân hành từ doanh trại đến sân Vũ Đình Trường làm lễ chào cờ. Ông thượng sĩ Kèn lười biếng, không chịu thổi kèn quân hành hết đoạn đường đi mà phải đếm nhịp bằng miệng. Ông Kèn là người mỗi tối thường lén đến doanh trại của SVSQ để bán hột vịt lộn. Vì thế, để dụ dỗ ông chúng tôi phải hứa hẹn sẽ mua hàng của ông. Biết Cấn là người nghiện hột vịt lộn nên hôm nào có Cấn trong đội, tôi không đếm 1,2,3,4 mà đếm 10, hột, vịt, lộn… Thế là ông thượng sĩ hăng hái thổi kèn và tối hôm đó, khoảng chín giờ, ông vào phòng ngủ, nơi chúng tôi đang ngồi học, rao nho nhỏ “Lộn đây, lộn đây”. Đã hứa thì phải mua và mua đúng 10 hột như đã ra dấu buổi chiều.  Cấn là người duy nhất trong phòng có tiền trả mà hắn chỉ ăn cái mề, còn phần vịt con, lòng đỏ, muối tiêu, rau răm, bọn tôi chia nhau ăn miễn phí.

Và còn biết bao nhiêu câu chuyện vui buồn của tuổi thanh xuân, thời chinh chiến, tù đày anh em kể hoài không hết.

Hôm sau là ngày đại hội chính thức với sự tham dự đông đảo của các cựu SVSQ và gia đình, đặc biệt là các cháu thế hệ thứ hai. Lồng trong bữa dạ tiệc là một chương trình văn nghệ phong phú với chủ đề “Trôi Theo Vận Nước”, gồm những màn hoạt cảnh diễn tả lại cuộc chiến bảo vệ miền nam tự do và cảnh tù đày mà cha ông của các cháu đã trải qua như một bi hùng ca cảm động đã làm rơi lệ con cháu và khách tham dự.

                                                          ***

Năm mươi năm xưa, những chàng trai trẻ – giờ mái tóc phủ đầy sương – đã quỳ xuống Vũ Đình Trường trong tiếng kèn loa dập dồn để nhận trên vai trách nhiệm bảo quốc an dân mà nay phải thổn thức:

Ba mươi năm về lại

Tóc bạc nợ tóc xanh

Gươm kiếm xưa mài mãi

Không trả nổi oan khiên…

Ba mươi năm về lại

Hát đợi ngày nắng lên

Tôi về đây tìm lại

Trái tim VN ơi!(*)

Nhưng không phải 30 năm mà đã 50 mươi năm rồi. Anh em quy tụ về đây để gặp gỡ lần nầy như trở về quá khứ.  Một quá khứ có vui, có buồn, có nụ cười và nước mắt của những con người còn mang nặng trái tim Việt Nam để cảm nhận được niềm hạnh phúc. Thứ hạnh phúc nhỏ nhoi của tuổi xế chiều nhưng vẫn còn đủ nồng nàn cho cuộc hành trình còn lại trong ánh sáng le lói cuối đời.

Đặng Hiếu Sinh

—————-

*”30 năm về lại” thơ N.T. Thanh Bình, nhạc Vĩnh Điện

Truy Điệu Những Bạn Bè đã nằm xuống (Ảnh: Tác Giả)
Nhớ lại những ngày tháng gian khổ trong lao tù (Ảnh: Tác Giả)
Và những chàng trai trẻ của 50 năm trước (1973-2023) – (Ảnh: Tác Giả)

©T.Vấn 2023

Bài Mới Nhất
Search