T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đặng Tiến (Thái Nguyên): ĐOẢN KHÚC THÁNG HAI: 17 THÁNG HAI

Ảnh: RFA

ĐOẢN KHÚC THÁNG HAI
[Người già dạy ta “Tháo cởi oán thù khắc ghi tội ác!]
÷÷÷÷

1.
Tháng Hai!
Mùa Xuân!
Trùng vào tháng Giêng – lich Mặt trăng
Tháng của Tết
Lúc nông nhàn
Người thảnh thơi cùng Đất nghỉ ngơi
Đợi Mưa
Đợi Nắng
Đợi Gió ấm nồng nàn
Hoa nở búp non lộc biếc
Trên cành
Trên khăn
Trên túi
Trên váy
Trên áo
Trên gương mặt bụ bẫm trẻ thơ
Trên gương mặt cần lao rạng ngời sắc hồng men rượu
Tháng Giêng tháng Hai bình yên núi
Bình yên cây
Bình yên suối
Bình yên những nếp nhà quần tụ
Bình yên tiếng gà
Bình yên mõ trâu khua
Bình yên khói lam chiều hòa cùng sương núi
Biên cương một dải xanh mờ…

2.

Bất ngờ chúng đến
Tràn như thác lũ
Đông đặc như mối như kiến
Hùng hổ dữ tợn như lợn rừng chó sói
Những thanh âm từ địa ngục
Những sắc màu chết chóc
Xích xe tăng nghiến nát mặt đường
Kèn xung trận the thé giọng hoạn quan
Tiếng hô hét chói tai mùi kinh kịch
Phá!
Cướp!
Đốt!
Giết!
Hiếp!
Chặt đầu!
Banh xác!
Hơi ngạt!
Giếng sâu!
Hang đá!
Súng phun lửa!
Ngùn ngụt khói lốp ô tô thiêu đốt!
Lựu đạn hơi cay!
Ngựa lừa hôi của!
Giêng, Hai mùa địa ngục
Giêng, Hai mùa chết chóc
Giêng, Hai tan hoang đổ nát điêu linh
Giêng, Hai lặn sâu tâm khảm hãi hùng
Giêng, Hai mặt thật phơi bày…

3.

Giêng, Hai!
Giêng, Hai!
Bà già, em thơ chạy loạn
Mưa phùn, gió bấc, đá sắc, đường trơn
Ngằn ngặt rét
Hun hút những lối mòn
Trùng trùng ác nhân vây bủa
Trùng trùng mắt xanh lét cú diều
Giêng, Hai biên cương xám ngắt
Cây rừng ngơ ngác
Núi trắng khăn tang
Suối nghẹn giọng
Đào mận mơ rũ héo
Mùa lê hoa rụng tơi bời
Hoa chuối rừng chết nghẹn trên cây
Giêng, Hai từ ngày ấy
Ngàn ngàn đám giỗ ngậm ngùi
Khói hương màu oan khốc…

4.

Giêng, Hai!
Chinh chiến lùi xa
Ta trở về
Làng xóm cũ rờn rợn lạnh
Người già chỉ cho ta xem cái cối đá sứt mẻ
Chỉ cho ta nhìn cái cột nhà cháy dở
Chỉ cho ta nhìn những di ảnh sau làn hương khói
Cho ta xem tấm thổ cẩm lưu dấu vệt máu loang
Những chứng tích Giêng, Hai thủa ấy!
Chén rượu Giêng, Hai phảng phất hồn người chết
Người già đưa mời ta mà không nói một lời
Giọt nước mắt trong veo lăn dài trên má
Ta lặng người
Rượu gọi hồn người chết thảm hòa vào máu ta từng giọt
Mặn
Đắng
Cay
Giêng, Hai…
Tiếng vọng từ những suối những thung những khe những  rừng những núi
Giêng, Hai… 

17 THÁNG HAI

[Như một sẻ chia cùng mấy người bạn cũ…]

1.

Bỗng nhiên hôm nay trời u ám 

U ám quá chừng

Dở mưa 

Dở tạnh

Dở lạnh

Dở nồm

Tháng Giêng ảm đạm 

Buồn nhức xương

Buồn như không thể buồn hơn

Một ngày nặng nề trôi

Ngày 17 tháng Hai năm 2024

Dở mưa

Dở lạnh

Dở nồm

Một ngày buồn như không thể buồn hơn!

2.

Ngày 17 tháng Hai tôi tin 99,999% người Việt nhớ…

Một kỉ niệm đớn đau

Một kỉ niệm khốc tàn

Ứa máu

Thảm sầu

Nhát dao đâm ngang nhiên trâng tráo 

Công khai thách thức

Ngày 17 tháng Hai như một ngày ô nhục

Nỗi ô nhục chưa từng

Chúng ta bị lôi ra đánh đòn

Một bài học sáu mươi ngàn roi quất

Một bài học bằng xích xe tăng 

Bằng pháo bầy

Bằng dao quắm

Bằng kèn đồng

Bằng lừa ngựa dân binh

Đòn thù tơi tả từng ngôi nhà từng cây cầu từng cột điện từng đoạn đường

Ngày đất nước bị đem ra sỉ nhục

17 tháng Hai

Bốn mươi nhăm năm tái dại nỗi buồn …

3.

Vì sao? 

Vì sao?

Vì sao?

Lưỡi dao nhọn hoắt quay ngoắt đâm vào hai đầu đất nước?

Đốt, phá, cướp, giết, tận cùng, tận diệt ghê gớm chưa từng?

Trang sử đen ngòm trang sử tối tăm

Cuộc khiêu vũ đỏ ngầu màu máu

Cuộc khiêu vũ đen ngòm 

Cuộc khiêu vũ của quỷ

Cuộc khiêu vũ ta có lúc dự phần chia sẻ có lúc gieo mầm 

Mùa ác quay trở lại

Ta nhận về trái đắng 

Nhận về lưỡi dao bén sắc 

Lưỡi dao bén sắc ta từng rũa mài

Lưỡi dao đâm thẳng, công khai

Lưỡi dao oan nghiệt…

4.

Lịch sử!

Lịch sử!

Mười năm dở lại bàn

Trăm năm dở lại bàn

Nghìn năm bàn lại

Chuyện xưa, chuyện cũ lặng tiếng im hơi

Nấm mộ thời gian đen ngòm

Cõi hư vô không dấu vết

Chỉ nỗi oan khuất của những người thiện lương là không bao giờ chết

Không bao giờ thôi tra vấn

Không bao giờ chịu ngủ yên

Không bao giờ vết thương oan khuất thôi rớm máu

Không bao giờ

Ngày 17 tháng Hai 

Nỗi oan khuất ngút trời

Vạn hồn oan vạn hồn oan 

Không nước nào rửa nổi

Không rượu nào rửa nổi

Không thần phật nào không pháp sư nào không nhà tu hành nào rửa nổi

Không ai rửa nổi!

Ngày 17 tháng Hai!

Vĩnh viễn găm vào kí ức

Người Việt còn là còn Ngày – mười – bảy – tháng – hai!

In trên đá núi

In trên cây rừng

Trên đầu sông ngọn suối

Trên những vòm hang đá ám khói

Trên những pháo đài cổ

Trên ngã bảy ngã ba những lối mòn xuyên núi xuyên rừng

Trên màn sương mờ xám giăng giăng

Ngày 17 tháng Hai!

5.

Rồi một ngày tôi sẽ về cát bụi

Bạn sẽ về cát bụi

Thế hệ chúng ta về cát bụi

Chúng ta vô tăm tích

Lời ta nói với con ta sẽ còn

Ngôn từ sẽ còn

Kí ức khảm khắc mãi còn

Những dòng chữ hôm nay ta viết cho ta

Sẽ hòa vào kí ức

Sẽ dưỡng nuôi kí ức…

Ngày – mười – bảy – tháng – hai.

Đặng Tiến (Thái Nguyên)

PHỤ LỤC:

RFA: Nỗi đau 17/2/1979 bị báo chí Nhà nước “lãng quên”?

Cuối tháng 1 vừa qua, báo Công thương – cơ quan ngôn luận của Bộ Công thương và là diễn đàn của giới công thương Việt Nam – có bài viết về những sự kiện, ngày lễ đặc biệt trong tháng 2 năm 2023. Ngoài ngày Thành Lập Đảng Cộng Sản Việt Nam, bài viết liệt kê cả ngày Thần tài, ngày Valentine, ngày Quốc khánh Kuwait, nhưng lại không có ngày 17 tháng 2, là ngày Trung Quốc khởi sự cuộc chiến biên giới Việt- Trung. 

Là một người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu chống quân xâm lược Trung Quốc, bảo vệ tổ quốc vào tháng hai năm 1979, ông Đinh Kim Phúc nêu quan điểm của ông với RFA sáng ngày 7 tháng 2 năm 2023:

“Nhân dân không bao giờ quên cuộc chiến tranh này vì chính nghĩa thuộc về nhân dân Việt Nam. Hàng năm, Trung Quốc vẫn kỷ niệm cái ngày mà họ gọi là ‘dạy cho Việt Nam một bài học’. Nhưng tôi không biết vì lý do gì tờ báo Công thương, cơ quan ngôn luận của Bộ công thương, lại không nhắc đến cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Việt Nam vào ngày 17 tháng 2 năm 1979. Họ cố tình đui, điếc, câm khi không hề nhắc đến.

Khi máu và nước mắt của nhân dân Việt Nam đã đổ xuống để bảo vệ đất nước này thì tôi cho rằng, hành động của báo Công thương là phản bội sự nghiệp dân tộc, phản bội lại cái chính nghĩa trước bọn bành trướng bá quyền sô vanh đại hán cách đây 44 năm. Điều đó không thể chấp nhận được.”

Một số nhà quan sát cho rằng, từ sau Hội nghị Thành Đô, Việt Nam đã đưa cuộc chiến tranh xâm lược và chống xâm lược ra khỏi sách giáo khoa. Không có một buổi lễ kỷ niệm chính thức nào về ngày này. Lý do có thể vì những cam kết không nhắc lại quá khứ từ hai phía để xây đắp tình hữu nghị trong tương lai.

Khi máu và nước mắt của nhân dân Việt Nam đã đổ xuống để bảo vệ đất nước này thì tôi cho rằng, hành động của báo Công thương là phản bội sự nghiệp dân tộc, phản bội lại cái chính nghĩa trước bọn bành trướng bá quyền sô vanh đại hán cách đây 44 năm. Điều đó không thể chấp nhận được. – Ông Đinh Kim Phúc

Theo bài viết có tựa “Why Won’t Vietnam Teach the History of the Sino-Vietnamese War?” của tác giả Travis Vincent trên tờ The Diplomat hôm 9 tháng 2 năm 2022, phiên bản năm 2001 sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 kể lại cuộc chiến tranh chỉ trong 24 dòng ở cuối sách. Đến phiên bản năm 2018 giảm xuống chỉ còn 11 dòng. Ngoài ra, phần mở đầu của Hiến pháp năm 1980 của Việt Nam đã gọi Trung Quốc là “kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm của Việt Nam”. Tuy nhiên, cụm từ này đã bị loại bỏ khỏi Hiến pháp 1980 vào năm 1988 để mở đường cho quá trình bình thường hóa song phương.

Cách đây chín năm, tại hội nghị bàn về quy chế phối hợp giữa Mặt trận tổ quốc và Chính phủ, khi một số đại biểu đề cập tới cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, quyền chủ nhiệm Ủy ban Tư vấn Khoa học và Giáo dục lúc đó là bà Phạm Thị Trân Châu đã đề nghị xem xét tổ chức kỷ niệm, làm tượng đài và đưa thông tin về cuộc chiến vào sách giáo khoa. Thủ tướng Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định: “Đảng, Nhà nước không bao giờ quên cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, cũng không bao giờ quên công lao của những đồng chí, đồng bào mình chiến đấu hy sinh để giành thắng lợi trong cuộc chiến chống xâm lược ngày 17/2/1979”.

Tuy ông Dũng phát biểu như vậy, nhưng những cuộc tưởng niệm hàng năm của người dân đều bị ngăn cản, thậm chí bị đàn áp.

000_Hkg2107885.jpg
Thác Bản Giốc bị Trung Quốc chiếm năm 1979. AFP

Cựu chiến binh Nguyễn Khắc Toàn chia sẻ suy nghĩ của ông với RFA với tư cách một người lính:

“Tôi thấy cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc lên sáu tỉnh biên giới phía Bắc nổ ra vào ngày 17 tháng 2 năm 1979 nhưng báo chí truyền thông trong nước hầu như không nhắc nhở đến ngày này. Đã là lịch sử thì phải công bằng và tôn trọng sự thật lịch sử. Việt Nam gần như có sự chỉ đạo thống nhất từ trên xuống dưới nên báo chí, truyền thanh, truyền hình không nhắc đến. Không phải chỉ năm nay mà từ nhiều năm trước đây. Như vậy là không công bằng, không tôn trọng lịch sử. Cái này thì dễ hiểu thôi bởi vì người ta không muốn khơi lại cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo mà Trung Quốc tiến hành với Việt Nam.”

Cựu chiến binh Nguyễn Khắc Toàn nói thêm, hàng năm một số tỉnh ở Trung Quốc có đường biên giới giáp Việt Nam vẫn tổ chức long trọng ngày này, không giảm nhẹ như chủ trương của phía Việt Nam. Lý do được ông nêu ra là vì Trung Quốc là nước lớn, là đàn anh của Việt Nam nên họ ở vị thế trịch thượng, kẻ cả; còn Việt Nam là một nước nhỏ, một nước đàn em nên không thể làm như họ được.

Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 18 tháng 1 năm 1950. Ngày 17 tháng 2 năm 1979, Trung Quốc đem quân tấn công các tỉnh dọc biên giới của Việt Nam với mục đích ‘dạy cho Việt Nam một bài học’. Cuộc chiến kết thúc khi Trung Quốc rút quân vào ngày 16 tháng 3 năm 1979. Các thị xã Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng và một số thị trấn vùng biên mất vào tay Trung Quốc. Hai nước trở thành kẻ thù của nhau.

Đến năm 1991, Việt Nam và Trung Quốc tuyên bố bình thường hóa quan hệ theo phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt: “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

Việt Nam gần như có sự chỉ đạo thống nhất từ trên xuống dưới nên báo chí, truyền thanh, truyền hình không nhắc đến. Không phải chỉ năm nay mà từ nhiều năm trước đây. Như vậy là không công bằng, không tôn trọng lịch sử. Cái này thì dễ hiểu thôi bởi vì người ta không muốn khơi lại cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo và Trung Quốc tiến hành với Việt Nam. – Ông Nguyễn Khắc Toàn

Đến nay đã 44 năm trôi qua, hai bên đã bình thường hóa quan hệ, nhưng những tổn thất vẫn in sâu trong tâm trí người dân Việt, nhất là với những người lính, cho dù họ không trực tiếp cầm súng trong trận chiến đó.

Luật sư Phạm Công Út, một cựu chiến binh, nói với RFA quan điểm của ông sáng ngày 7 tháng 2 năm 2023:

“Sau sự kiện năm 1979, khi Trung Quốc gọi là đã ‘dạy xong cho Việt Nam một bài học’, hai bên đã bình thường hóa quan hệ và khép lại quá khứ, ngày 17/2 hàng năm trước đây có nhiều hội nhóm ra tượng đài lý Thái tổ ở Hà Nội đặt vòng hoa tưởng niệm thì bị ngăn chặn. Họ tới nghĩa trang lịch sử của những người lính Việt Nam hi sinh cũng không được nhà nước ủng hộ. Tức là người ta đã muốn khép lại quá khứ rồi. 

Tuy nhiên, người Việt Nam không có những cái tour du lịch thăm lại chiến trường xưa một cách danh chính ngôn thuận. Đó là một sự bất công đối với lịch sử, bởi để bảo vệ đất nước, giang sơn thì người ta phải hy sinh tính mạng của mình, đổi bằng máu của mình.” 

Vị luật sư này đặt câu hỏi: “Tại sao ở Việt Nam một năm có nhiều ngày kỷ niệm vô bổ, nhưng đối với vấn đề bảo vệ biên cương 17 tháng hai thì lại không kỷ niệm? Đó là một nỗi đau!”

 
Bài Mới Nhất
Search