T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoàng Hưng: MỘT CHUYỆN TẾ NHỊ VỀ HỒ SƠ “VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975” CỦA VĂN VIỆT: “VĂN HỌC ĐÔ THỊ MIỀN NAM”???

Khi được radio RFA hỏi về nhận thức của trong nước về Văn học Việt Nam Cộng hoà trước 1975, tôi có nhận xét: “Nhìn chung còn sai lầm, lệch lạc, mơ hồ kéo dài, ngay cả trong những người có thiện chí với nền văn học này” (trong đó có bản thân tôi).

Một ví dụ: Năm 2014 khi chuẩn bị công bố hồ sơ “Văn học miền Nam” của mạng Văn Việt, người được giao trách nhiệm chủ biên là nhà thơ Lê Hoài Nguyên viết lời mở đầu với tên gọi “Văn học đô thị miền Nam 1954-1975”. Nhan đề dự kiến “Văn học đô thị Miền Nam 1954-1975” là theo thói quen của tất cả giới nghiên cứu văn học ở miền Bắc cho đến lúc ấy (với hàm ý là phân biệt với văn học trong “vùng giải phóng” của “Mặt trận dân tộc Giải phóng…”).

Cẩn trọng trước khi công bố, tôi viết thư sang Mỹ xin góp ý của một số nhà văn nhà nghiên cứu (Nhật Tiến, Nguyễn Vy Khanh, Trần Hoài Thư…). Lập tức nhà văn Nhật Tiến (mà tôi coi như ông anh) công khai câu chuyện lên mạng, phản ứng rất gay gắt, coi như sự cố tình hạ thấp nền văn học Việt Nam Cộng hoà. Việc này gây ra sự cố dây chuyền, một số nhà văn khác nhân đó khá nặng lời với ban vận động Văn đoàn Độc lập mà họ có thể nghi ngờ là một thứ “đối lập… cuội” do chính ĐCS lập ra! Các thân hữu của Văn Việt như Thuỵ

Khuê ở Pháp, Nguyễn Đức Tùng ở Canada thì có sự giải thích đỡ lời cho Văn Việt. Tôi lập tức viết thư xin lỗi anh Nhật Tiến, xin sửa sai, và khi công bố, Văn Việt đã lấy tên “Văn học miền Nam 1954-1975” với ghi chú là “nền văn học trong lãnh thổ Việt Nam Cộng hoà”.

Rất thiện chí, nhà văn Nguyễn Vy Khanh, nhà thơ Trần Hoài Thư, những người dày công sưu tập và tái bản Văn học VNCH ở hải ngoại đã viết ngay bài đầy tình-lý phân tích cái sai của danh xưng ấy gửi cho chúng tôi. Văn Việt công bố ngay lập tức.

Sau đây là bài của Trần Hoài Thư với lời dẫn của Văn Việt:

Văn Việt: Đầu tháng 7/2014, trong thời gian khởi thảo dự án tủ sách Văn học Miền Nam 1954-1975, một thành viên trong nhóm biên tập Văn Việt có gửi thư xin ý kiến tư vấn và giúp đỡ của mấy nhà văn, nhà nghiên cứu ở hải ngoại, và rất nhanh chóng nhận được phản hồi của các đồng nghiệp. Một ý kiến rất nhất trí là không tán thành cụm từ “Văn học Đô thị miền Nam” được dùng trong bản dự thảo đầu tiên mà thành viên nhóm biên tập Văn Việt chỉ gửi cho các đồng nghiệp hải ngoại để xin ý kiến (chứ chưa hề công bố ở bất cứ đâu). Trong các phản hồi, Văn Việt ghi nhận lòng chân thành xây dựng của nhà văn Trần Hoài Thư. Ông phân tích cái sai của cụm từ và gợi ý nên đọc bài viết của ông về vấn đề này. Văn Việt đã lập tức viết thư cảm ơn góp ý của ông, cũng như của mấy nhà văn khác, khẳng định sẽ sửa lại, và văn bản chính thức công bố vài ngày sau đó đã dùng danh xưng “Văn học Miền Nam 1954-1975” với ghi chú “tức nền văn học trong lãnh thổ Việt Nam Cộng hoà”. Sự thật là các nhà văn và bạn đọc trong nước đã bị làm cho quen với cụm từ “Văn học Đô thị Miền Nam” từ mấy chục năm qua, nên kể cả những người cấp tiến nhất cũng sơ suất không nhận ra những sai lầm của cụm từ này mà bài viết sau đây của nhà văn Trần Hoài Thư đã nêu rõ.

VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975 (6): MỘT BIA MỘ CHO DÒNG VĂN HỌC ĐÔ THỊ

TRẦN HOÀI THƯ

Cụm từ “văn học đô thị miền Nam” không phải có sau 1975. Nó được xuất hiện truớc 1975, từ những cây bút nhận định phê bình miền Bắc hay từ nhũng đặc công văn hóa như Vũ Hạnh, Lữ Phương. Nó đồng nghĩa với “văn học nô dịch”, “văn học đồi trụy”, “văn học hiện sinh”, “văn học thực dân kiểu mới”, “nọc độc văn hóa”. Nó là một mũi dùi trong số những mũi dùi tiến công mà cấp lãnh đạo miền Bắc tận dụng trong mục đích thôn tính miền Nam. Nó cũng là cái cớ ngay sau tháng 4–1975, để cả một nền văn học miền Nam bị truy diệt tận gốc, sách vở bị đốt hủy tận tình. Chỉ cần google “Văn học đô thị miền Nam”, ta có thể hiểu tại sao lại có sự đồng nghĩa ác nghiệt này. Người viết này khỏi cần nhắc lại. Nhắc lại cũng thừa. Bởi ai cũng biết. Và hầu như trong trái tim của mỗi người đều có những vết chém, vết cứa rỉ máu khi nhớ lại những rừng sách vở chìm trong lửa ngọn…

Mãi đến những năm gần đây, thực chất của nền văn học miền Nam trong thời chiến kia mới được các nhà phê bình, nhận định thuộc thế hệ trẻ sau này nhìn lại với một cái nhìn quay 180 độ:

“…đến thời điểm này chúng ta vẫn chưa hiểu và khai thác hết cái di sản văn học nghệ thuật nói chung hay thơ ca nói riêng của cha ông ở “khu vực” mà các nhà nghiên cứu hiện nay vẫn gọi đó là “văn học đô thị miền Nam” những năm đất nước còn bị chia cắt (– một di sản văn học được đánh giá là rất phong phú và đa dạng). Trong cái nhìn cầu thị và chân thành nhất, riêng ở chỗ này chúng ta cũng lại chưa kịp hiểu hết những tâm tư, tình cảm, những trăn trở của cha ông ta trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc trên dãy đất hình chữ S thống nhất. Một lần nữa, có thể nói, chúng ta vẫn chưa kịp hiểu hết cha ông mà đã vội hát câu“ví dầu tình bậu muốn thôi/bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra” rồi.” (Nguồn Internet: Nguyễn Trọng Bình – Chưa hiểu hết cha ông thì đừng tính chuyện “soán ngôi” thơ ).

Chúng ta không ngạc nhiên trước sự thay đổi quan niệm 180 độ trên. Internet đã mở ra bát ngát và mênh mông kiến thức và tầm nhìn. Những tiếng nói đòi lại quyền được viết, được nghĩ, càng nhiều và càng được lắng nghe. Đám cuồng tín giáo điều đã bị gạt ra ngoài sân chơi. Những tên tuổi mà một thời được đánh bóng, lớp trẻ xem là thần tượng, nay đã bị lột trần cái vỏ giả dối hay hèn nhát. Hoặc qua những lời thú tội ở cuối đời hoặc qua những hồi ký của người trong cuộc. Trong các đại học, những luận án tốt nghiệp về khoa văn, thắp đuốc đi tìm không còn thấy những nhà văn nhà thơ của chế độ mà trái lại là Thanh Tâm Tuyền, là Sáng Tạo, là văn chương đô thị miền Nam. Bằng chứng cho sự thay đổi quan niệm là việc cho tái bản những tác phẩm mà tên tuổi tác giả trước đây được xem là cấm kỵ với chế độ. Tuy nhiên việc cho tái bản vẫn còn dè dặt, dựa vào những tác phẩm mà nội dung thì vô thưởng vô phạt. Chỉ mới gần đây nhất, vào đầu năm 2013, thi phẩm “Ngậm Thẻ Qua Sông” của Phù Hư mới là một hiện tượng lạ. Những bài thơ viết về thời làm lính “Mỹ ngụy” miền Nam, có cả ba-lô nón sắt, với những câu thơ chan chứa tình người, tình yêu quê hương sông núi, tình đồng đội lại được Hội Nhà Văn tp HCM cho phép xuất bản với tất cả những lời ngợi khen nồng nhiệt!

Đây có phải là cuối cùng văn học miền Nam đã khôi phục lại danh dự? Và cũng là lúc cái mà nền văn chương tuyên huấn, chỉ thị đã bị đào thải?

Nhưng vẫn có một thứ không thay đổi. Đó là nhãn hiệu “văn học đô thị miền Nam”.

Hễ nhắc đến văn chương miền Nam là nhắc đến văn chương đô thị. Làm như tất cả đội ngũ người viết văn làm thơ đều được sống ở đô thị, và lấy đô thị làm xúc tác, môi trường để viết. Làm như văn chương miền Nam chỉ quanh quẩn với phòng trà, vũ nữ, ăn chơi, ánh đèn màu, hay bị tiêm nhiễm bởi những triết lý hư vô, hiện sinh, nôn mửa… Làm như văn chương miền Nam chỉ bị bao trùm bởi bóng Sáng Tạo, với Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, hay những ngòi viết nữ như Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trùng Dương, Nhã Ca, Lệ Hằng … chỉ sống và viết ở thành thị?

Ngay cả một người viết về nhận định văn học được xem là thuộc lớp mới tiến bộ là Lại Nguyên Ân cũng đã xem nhà văn đô thị là nhà văn “từng nổi tiếng trong văn học đô thị miền Nam trước 1975”: “Mươi năm trước, lần đầu tới một thành phố miền Trung, tôi đã tò mò muốn hỏi xem tại thành phố này liệu có còn “nhà văn đô thị” nào (nghĩa là nhà văn từng nổi tiếng trong văn học đô thị miền Nam trước 1975) sống ở thành phố này không? Một cán bộ trong ngành văn hóa nói với tôi theo cách nói suồng sã giữa những người thân quen: “Không còn ai đâu ông, ai không di tản ra nước ngoài thì cũng đã chạy vào sống ở Sài Gòn rồi. Ông tính, siết con người ta như kiểu tuyên huấn nhà mình thì anh nhà văn cũ nào mà sống nổi ở địa phương? (nguồn Internet: Mênh mông chật chội, chật chội mênh mông)

***Vâng, nếu hỏi có nền văn học đô thị không, tôi sẽ không ngần ngại trả lời: Có. Đó là vào những năm của thời đệ nhất cộng hòa (từ 1955-1962) lúc mà con quái vật chiến tranh chưa thật sự vồ chụp miền Nam. Sài Gòn vẫn là nơi dung thân của nhà văn, nhà thơ và nhà nghiên cứu cùng với báo chí, nhà phát hành, nhà in… Đó là những năm mà Sáng Tạo được mùa. Từ số đầu xuất hiện vào năm 1956 đến số cuối phát hành vào năm 1961 không thấy một từ bom đạn, chết chóc, lửa khói. Trái lại là những cuộc thảo luận văn học nghệ thuật bàn tròn, khi thì 8, khi thì 10, khi thì 12 người. Đông đúc. Náo nhiệt như chợ Tết.

Đến nỗi Mai Thảo đã phải dành trang đầu của số đầu tiên để đội vương miện cho Sài Gòn, gọi nó là thủ đô văn hóa của Việt Nam. Như vậy, gọi văn học miền Nam là văn học đô thị thì cũng thấy có lý. Trong khi Mai Thảo xem SG là: Không còn là chân tay, Sài Gòn đã là một trái tim. Những biến cố trọng đại của lịch sử đất nước từ một ngày nào đã chuyển đổi trọng tâm sinh hoạt dân tộc, và Sài Gòn đang phát triển, thay thế cho một Hà-Nội đã tàn lụi, đã nghiễm nhiên biến thành một thứ cứ điểm chính yếu quy tụ mọi thiện chí xây dựng và mọi nỗ lực đóng góp của những hoạt động, văn-hóa hiện hữu, trên mọi ngành mọi mặt … (1)

Trong khi đó thì Vũ Hạnh dưới bút danh Cô Phương Thảo, một nhà văn mà sau này chúng ta biết là một đặc công văn hóa nằm vùng cũng vẫn xem đô thị là nơi mà văn học có mặt:

“Giữa các cù lao đô thị, giữa các tường phố cao dày rũ bóng ta gặp những văn nghệ sĩ đang đi. Họ đi về đâu?” (2)

Có nghĩa là dù hoan hô hay đả đảo, văn học miền Nam trong thời bình vẫn là văn học ở thành thị. Ít có nhà văn nào, ở tận đồng tháp mười hay tuốt trên đỉnh núi Trường sơn, hay một vùng quê hẻo lánh viết bài và gởi về đóng góp. Ví dụ Võ Hồng thì ở Nha Trang. Nguyễn Văn Xuân thì ở Đà Nẵng… Phan Du ở Huế, Quách Tấn ở Nha Trang. Họ đều sống và viết ở thành thị…Sơn Nam viết về nhà quê, nhưng ông vẫn ở ngay tại Sài Gòn viết lách…. Sài Gòn rõ ràng là thủ đô văn hóa. Thành thị, đô thị là nơi trú ẩn của văn học nghệ thuật miền Nam. Độc giả thì cũng vậy. Giới trí thức, có học thì có Sáng Tạo, Hiện Đại, Thế Kỷ 20. Giới ưa chính trị thì có Quan Điểm, Chỉ Đạo. Giới bình dân thì có những tuần báo hay những nhật báo với những truyện ngắn hay truyện dài kiểu feuilleton… Có nghĩa là người viết và người đọc hầu hết đều ở thành thị,

Lúc bấy giờ, chiến tranh chỉ nghe nói bằng những tin tức không đáng quan tâm. Sáng Tạo vẫn hô hào cổ xúy cho việc làm mới văn học nghệ thuật. Cuộc thảo luận thứ tư đã gây nên nhiều bất bình vì họ đời thanh toán với thế hệ đi trước, bằng cách từ khước văn học tiền chiến. Kẻ đánh mạnh nhất là Vũ Hạnh, dùng bút hiệu Nguyên Phủ sau đó là Cô Phương Thảo. VH cũng không nương tay một người đã chết: nhà thơ Quách Thoại: “…Chưa có năm nào – trong khoảng thời gian 6 năm lại đây – nhiều báo văn – nghệ ra đời như thế. Một tờ Sáng Tạo cố gượng ngoi lên sau lần ngã quỵ. đem cái cầu kỳ và sự lập dị làm nền giá – trị của mình. Ngoài những cuộc mạn-đàm trong nhóm về các vấn-đề văn – nghệ không dẫn đến đâu – trừ dẫn đến cái giả-tạo của sự sáng tạo – tờ báo còn tự tố cáo một sự bế- tắc bằng cách phí công phủ nhận văn-nghệ tiền chiến và suy tôn quá đáng một nhà thơ trẻ tầm thường thỉnh thoảng mới tỏ xuất – sắc trong một đôi câu, nhưng nhờ cái chết làm cho tự – ái của những người khen không bị thương-tổn và nhờ cái chết mà chóng . . . hiển thánh trong một tôn giáo chưa tìm đâu ra thần tượng. (2)

Đến nỗi, Mai Thảo phải phản công qua bài viết “Con đường trở thành và tiến tới của nghệ thuật hôm nay” trên Sáng Tạo số 6 Bộ mới đầu năm 1961. Chưa bao giờ ông lại dùng những lời lẽ hằn học, nặng nề như thế này:

“Những khuynh hướng mới. tồng hợp thành trào lưu tư tưởng nghệ thuật mới, trào lưu đó đang hình thành rực rỡ, đã bắt đầu gây những tác động mãnh liệt xâu rộng trong tâm hồn người sáng tác trong đời sống xã hội, khả năng xây dựng và hủy phá của nó đang tạo thành một đổi mới, một đảo lộn chưa từng thấy trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam, những khuynh hướng đó có thực là những trạng thái tiêu biểu cho một thứ nghệ thuật vô luân, xa đọa, phản luân lý đạo đức, vong bản, ngoại lai, phản loạn, như bọn bão thủ phản tiến hóa ở đây đang điên cuồng gào thét, đòi tố cáo trước chính quyền, đòi trừng phạt…, đòi đền tội trước tiền nhân hay không? Những khuynh hướng đó có thực là hiện thân của một lớp người vô trách nhiệm, vong bản, lập dị, của những tâm hồn điên loạn, những kẻ vọng ngoại, “hiện sinh” bắt chước vô ý thức một trào lưu nghệ thuật suy đồi Tây phương hay không? Người ta có thể nhân danh một nhà luân lý của một thứ luân lý nào đó, nhân danh đạo đức của một thứ đạo đức nào đó, nhân danh nghệ thuật (cũng được) của một thử nghệ thuật nào đó đề trả lời có. Và để đi xa hơn, lên án, đòi tố cáo, đòi trừng phạt những khuynh hướng đó như những sản phầm tinh thần độc hại, những người chủ trương những khuynh hướng đó như những tội phạm chính trị nguy hiểm cho xã hội và chính quyền. (3) Làm sao ông biết VH là một đặc công văn hóa nằm vùng, gia nhập Mặt Trận Giải Phóng vào năm 1960!

Trong lúc đó, chiến tranh bắt đầu gia tăng cường độ. Mức độ xâm nhập người và vũ khí từ miền Bác vào Nam đến mức quan ngại đến nỗi vào năm 1962, Mỹ bắt đầu dùng thuốc khai quang thả xuống đường mòn HCM. Các toán lực lượng đặc biệt Mỹ bắt đầu huấn luyện những đơn vị người Thượng để chống lại sự xâm nhập của bộ đội Bắc Việt qua ngả cao nguyên.

Sỡ dĩ tôi lái qua những tin nóng chẳng liên quan đến bài viết về văn học,không ngoài mục đích chứng minh là chiến tranh đã thật sự bủa chụp xuống miền Nam, ảnh hửong từng đời sống cá nhân nói chung và văn nghệ sĩ nói riêng. Có nghĩa là chiến tranh đã không từ một ai.

Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nguyên Sa, Du Tử Lê, Doãn Dân, Lê Tất Điều. Thảo Trường, Tạ Tỵ, Song Linh, Dương Nghiễm Mậu, Viên Linh. Y Uyên…. kẻ trước người sau bị động viên. Có người thì may mắn được ở lại SG tiếp tục viết văn viết báo như Thanh Tâm Tuyền, Du Tử Lê, Tô Thùy Yên, Dương Nghiễm Mậu, Nguyên Sa, Tạ Tỵ… Có người phải mang ba lô về nơi heo hút và tử trận như Doãn Dân, Y Uyên, Hoàng Yên Trang, Song Linh…

Từ đó, từ 1962, văn học thành thị đã thấy rã ra từng mảng. Trong một bài phỏng vấn của tạp chí Khởi Hành. TTT cho biết ông không làm thơ trong 10 năm. (*).

Tuy nhiên chúng tôi đã sưu tầm được hai bài thơ liên quan đến cuộc chiến.

Trời còn đêm nay còn mãi mãi Sao như lệ ướt chưa muốn rơi Anh ném hồn dong ngoài bãi trận Mai Hoa Mai Hoa em

(Tặng Phẩm)

…..

Trong hang động vô cùng rét lạnh và cô đơn Lô cốt thả neo giữa không trung Trái phá nổ ngậm miệt rừng chồi, hàng dừa nước ven sông ùa sáp tới Anh bảo: Đừng ngủ em, chống mắt lên, chờ kẻ địch Đừng ngủ em, trời sắp sáng, đừng ngủ em Anh trở xuống lẩn vào đám cao ướt sắc vượt đầu Và lại nghe khúc hát mỏng như tợ sợi rét dăng ngang mặt – Em ơi, em ơi, ngồi đây anh nhớ em.

(Tuần gác – Văn số 18-1964 – chủ đề thơ văn Có Lửa)

Van 38

(Bìa của tạp chí Văn số 18 chủ đề “ Thơ văn có lửa” vào ngày 18-9-1964)

Chúng tôi xin đăng lại Phần Mục Lục của số báo Văn quan trọng này:

§ Nguyễn Quang Hiện SỰ ANH HÙNG CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐANG SỐNG 2

§ Hoàng Yên Trang MỘT LẦN THÔI CŨNG ĐỦ 6

§ Thế Uyên VẤN ĐỀ 7

§ Thanh Tâm Tuyền TUẦN GÁC 15

§ Tạ Tỵ ĐỒN C.K. 17

§ Hữu Phương MÙA BIỂN ĐỘNG 34

§ Hoàng Ngọc Liên MŨ ĐỎ TRỜI XANH 40

§ Thao Trường DỌC ĐƯỜNG 41

§ Tường Linh NIỀM VUI HÔM NAY 51

§ Phan Lạc Tiếp NHỮNG NGÓN TAY CỦA BIỂN 53

§ Thái Tú Hạp LÒNG MẸ 59

§ Duy Lam NỖI CHẾT KHÔNG RỜI 61

§ Du Tử Lê TÂM SỰ NGƯỜI LÊN MẶT TRẬN 71

§ Thanh Đào GIẤC HỒ 72

§ Đỗ Thúc Vịnh NƯỚC ĐỔ LƯNG ĐÈO 73

§ J. D. Saligner Trần Đình Phong dịch TẶNG NÀNG ESMÉ, VỚI TÌNH YÊU VÀ LÒNG ĐÊ TIỆN

§ H.L. Nguyên Trần HOÀNG HÔN CHIẾN ĐỊA 112

§ Nguyên Vũ THƯ CON PHƯƠNG XA 113

§ Dương Nghiễm Mậu ĐÊM TÓC RỐI 115

Bạn tìm thử xem: Văn học đô thị ở chỗ nào?. Tạ Tỵ viết về đồn bót. Thảo Truờng ghi lại những dặm đường hành quân. Du Tử Lê thì nói hộ dùm những người lên mặt trận. Phan Lạc Tiếp thì mang chiến hạm, biển cả, và bất trắc vào văn chương. Văn học đô thị ở chỗ nào chứ?

Có thể nói, bìa của tạp chí Văn số 18 này là tấm cáo phó cho một giòng văn học mà phía miền Bắc quen gọi là văn học đô thị bắt đầu từ 1955 và chấm dứt vào 1962. 7 năm có lẽ. Chiến tranh đã tạo nên một thế hệ khác tiếp nối, nhưng cũng tạo nên một giòng văn học khác, lẫy lừng, và tấp nập vô cùng.

Sự đóng góp của thế hệ chiến tranh thật sư là to lớn và hùng vĩ. Trong khi nhà thơ Thanh Tâm Tuyền thú nhận là trong vòng 10 năm sau năm 1959, ông không làm một bài thơ nào thì chúng tôi đã sưu tầm vào khoảng 400 nhà thơ trong thời chiến, mà các sáng tác của họ đều xuất hiện trên các tạp chí thời danh bấy giờ! (4)

Qua thư mục online của Thư viện trường đại học Khoa học Xã Hội và Nhân văn TP HCM (tức Đại học Văn Khoa cũ) tôi đã thực hiện một bảng thống kê về số lượng đóng góp cho văn học thời chiến từ năm 1964 đến năm 1975 của một số tác giả tiêu biểu: ba người đã xuất hiện trong thời Sáng Tạo là Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên:

THANH TÂM TUYỀN

1. Thơ tình / Thanh Tâm Tuyền// Văn. – 1972. – Số 210. – Tr. 2 – 6. – 5.

2. Thơ mừng năm tuổi / Thanh Tâm Tuyền// Văn. – 1972 Số 199. – Tr. 73 – 79. – 7.

3. Anh đã đọc thằng kình chưa / Thanh Tâm Tuyền// Văn. – 1970 Số 236. – Tr. 21 – 24. – 4.

4. Thầm nhủ / Thanh Tâm Tuyền// Văn. – 1969. – Số 0. – Tr. 87 – 90. – 4.

5. Khúc tháng chạp / Thanh Tâm Tuyền// Văn. – 1972. – Số 0. – Tr. 69 – 70. – 2.

6. Ngựa tía / Thanh Tâm Tuyền// Văn. – 1969 Số 130. – Tr. 27 – 30. – 4.

7. Giới hạn / Thanh Tâm Tuyền// Văn. – 1966. – Số 62. – Tr. 71 – 77. – 7.

8. Sáng chiều / Thanh Tâm Tuyền// Văn. – 1970 Số 166. – Tr. 51 – 58. – 8.

9. Bọn ngốc / Thanh Tâm Tuyền// Văn. – 1966 Số 135. – Tr. 94 – 97. – 4.

10. Ca tụng già vượng / Thanh Tâm Tuyền// Văn. – 1970 Số 236. – Tr. 5 – 7. – 3.

11. Đêm gió / Thanh Tâm Tuyền// Văn. – 1972 Số 193. – Tr. 13 – 20. – 8.

12. Phòng thủ / Thanh Tâm Tuyền// Văn. – 1972. – Số 0. – Tr. 87 – 95. – 9.

13. Thời kỳ ca dao / Thanh Tâm Tuyền// Văn. – 1970 Số 151. – Tr. 3 – 10. – 8.

14. Thơ mừng năm tuổi: Tết cao nguyên của đạo khòm / Thanh Tâm Tuyền// Văn. – 1972 Số 200. – Tr. 71 – 79. – 9.

15. Bóng chiếc / Thanh Tâm Tuyền// Văn. – 1972. – Số 0. – Tr. 69 – 75. – 7.

16. Nghĩ về Thành Cát Tư Hãn, cái cớ của Vũ Khắc Khoan / Thanh Tâm Tuyền// Văn. – 1973 Số 233. – Tr. 1 – 12. – 12.

17. Cuộc gặp gỡ / Thanh Tâm Tuyền// Văn. – 1965. – Số 26. – Tr. 93 – 109. – 17.

18. Tuần gác / Thanh Tâm Tuyền// Văn. – 1964. – Số 18. – Tr. 15 – 16. – 2.

19. Người gác cổng / Thanh Tâm Tuyền// Văn. – 1964. – Số 2. – Tr. 87 – 97. – 11.

TÔ THÙY YÊN

1. Trường Sa hành / Tô Thuỳ Yên// Văn. – 1970 Số 236

2. Qua sông / Tô Thuỳ Yên// Văn. – 1971 Số 190..

3. Tưởng tượng ta về nơi bản trạch: Quỉ xướng thi / Tô Thuỳ Yên// Văn. – 1972. – Số 207.

4. Hề, ta trở lại gian nhà cỏ: Quỉ xướng thi / Tô Thuỳ Yên// Văn. – 1972. – Số 207.

5. Chuyện tình người lỡ vận / Tô Thuỳ Yên// Văn. – 1971 Số 188.

6. Đãng tử / Tô Thùy Yên// Văn. – 1971 Số 190.

7. Mòn gót chân sương nắng tháng năm / Tô Thùy Yên// Văn. – 1972. – Số 209.

8. Anh hùng tận / Tô Thuỳ Yên// Văn. – 1971 Số 190. – Tr. 57 – 58. – 2.

9. Nỗi kiên tâm / Tô Thuỳ Yên// Văn. – 1972. – Số 0. – Tr. 119 – 127. – 9.

10. Bất tận nỗi đời hung hãn đó… / Tô Thùy Yên// Văn. – 1972. – Số 208. – .

11. Chim bay biển Bắc / Tô Thùy Yên// Văn. – 1970 Số 208.

12. Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai: Quỉ xướng thi / Tô Thuỳ Yên// Văn. – 1972 . – Số 207.

13. Bài ca lý của người cuồng sĩ: Quỉ xướng thi / Tô Thuỳ Yên// Văn. – 1972. – Số 207.

14. Ba trăm năm, lịch sử làm thinh: Quỉ xướng thi / Tô Thuỳ Yên// Văn. – 1972. – Số 207.

15. Trời mưa đêm xa nhà / Tô – Thùy – Yên// Văn. – 1965. – Số 44.

NGUYÊN SA

1. Ý thức và nghệ thuật / Nguyên Sa, Trần Bích Lan// Văn học. – 1965. – Số 42

2. Cắt tóc ăn tết / Nguyên Sa// Văn học. – 1966. – Số 54.

3. Viết về Duyên Anh / Nguyên Sa// Văn học. – 1972. – Số 149.

4. Vết đạn / Nguyên Sa// Văn học. – 1964. – Số 30.

5. Tạp chí văn chương năm nay / Nguyên Sa// Nghiên cứu văn học. – 1971. – Số 6.

6. Mười sáu Nguyễn Du / Nguyên Sa// Nghiên cứu văn học. – 1967. – Số 0.

7. Descartes những ngày tuổi trẻ / Nguyên Sa// Văn học. – 1970. – Số 10.

8. Descartes những ngày tuổi trẻ / Nguyên Sa// Nghiên cứu văn học. – 1967.

9. Tình trạng tạp chí văn chương năm nay / Nguyên Sa// Nghiên cứu văn học..

10. Đề tài và tác phẩm / Nguyên Sa// Văn học. – 1965 Số 38

11. Tình trạng tạp chí văn chương năm nay / Nguyên Sa// Nghiên cứu văn học.- 1971 – Số 7.

12. ý thức và nghệ thuậ t / Nguyên Sa, Trần Bích Lan// Văn học. – 1965. – Số 43

13. Lời năn nỉ / Nguyên Sa// Tập san Văn. – 1966. – Số 49 + 50.

14. Vết đạn / Nguyên Sa// Văn học. – 1964. – Số 29.

15. Cơn mưa mùa hạ / Nguyên Sa// Văn học. – 1965. – Số 38.

16. Lời dặn bản thân / Nguyên Sa// Tập san Văn. – 1966. – Số 52.

17. Xin lỗi về những nhầm lẫn dĩ vãng / Nguyên Sa// Văn học. – 1967. – Số 79.

18. Một đoạn thư gửi Vũ Hoàng Chương / Nguyên Sa// Văn học. – 1969. – Số 97.

19. Vết sẹo / Nguyên Sa// Nghiên cứu văn học. – 1971. – Số 1.

20. Phần thưởng / Nguyên Sa// Văn học. – 1966. – Số 60.

21. Kỷ niệm, ban đêm và cà – phê / Nguyên Sa// Văn học. – 1964. – Số 20.

22. Hỏi thăm Sài Gòn / Nguyên Sa// Văn học. – 1969. – Số 91.

23. Đóng cửa / Nguyên Sa// Văn học. – 1966. – Số 53.

24. Hỏa châu và huyền thoại / Nguyên Sa// Văn. – 1965. – Số 26.

25. Chuyến khởi hành của Luân / Nguyên Sa// Văn. – 1965. – Số 26.

26. Bao giờ / Nguyên Sa// Văn. – 1965. – Số 42.

27. Dặn vợ sắp cưới / Nguyên Sa// Văn. – 1965. – Số 38.

28. Định mệnh chân dài / Nguyên Sa// Văn. – 1964. – Số 16.

29. Tám phố Sài Gòn / Nguyên Sa// Văn. – 1964. – Số 3.

30. Khái niệm thẩm mỹ học / Nguyên Sa// Văn. – 1964. – Số 16.

Và 3 tác giả thuộc thế hệ chiến tranh là Luân Hóan, Mường Mán và Trần Hoài Thư. Cả ba đều mang bộ đồ lính. Luân Hoán phục vụ tại Sư đòan 2, bàn chân trái bị mìn phải cưa. Mường Mán thì Sư đoàn 1 BB tại Thừa Thiên. Và THT thì phục vụ tại một đơn vị thám kích sư đoàn 22 BB tại Bình Định. Để xem sức sáng tác của họ như thế nào:

(Lược bỏ đoạn trích các tác phẩm của 3 tác giả: Luân Hoán, Mường Mán và Trần Hoài Thư – TV&BH)

Thống kê trên đã chứng minh về sự đóng góp rất lớn lao của những người viết trẻ mà đại đa số đều sống và viết ngoài vòng đai Sài Gòn. Họ đã viết trong hoàn cảnh và điều kiện như thế này. Vậy mà sức sáng tác của họ quả thật kinh khủng!

“…Vâng, hãy cho tôi trở về cùng những ngày tháng cũ. Chiếc bè đã đưa tôi vào dòng văn chương không phải đẹp và dịu dàng như một giấc mơ. Mà trái lại, văn chương bấy giờ là văn chương của lửa, lệ, và những gào thét, tra vấn, tử sinh. Văn chương bấy giờ là những ngày đêm trong lòng hỏa ngục, là những vết thương toé máu đớn đau, là tiếng kêu trầm thống của một thế hệ mà, nói theo ý Tolstoi, chỉ những ông già bụng phệ ký giấy tuyên chiến, còn phần chết thì dành cho bọn thanh niên. Nó là văn chương mà yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét, chứ không phải từ cửa miệng đầu môi của những lãnh tụ, đồ tể chiến tranh, hay từ những môi miệng tuyên truyền tâm lý chiến. Đó là văn chương đích thật, bởi vì từng hơi thở, từng giọt lệ, từng cay đắng, thù hận, từng nỗi buồn rầu già trước tuổi đã cấy đã hằn theo từng chữ. Chúng tôi tự hào đã nói tất cả những gì chúng tôi muốn nói, muốn nghĩ, muốn tra vấn. Chúng tôi đã tạo nên những trận sấm sét phá sập nền văn chương tháp ngà. Chất liệu văn chương của chúng tôi không phải là từ đơn đặt hàng của chế độ, hay những món hàng làm dáng du nhập từ ngoại quốc mà là sự thật bằng trái phá, bằng mồ mả oan khiên, bằng những người như chúng tôi bị nướng thiêu trong lò lửa chiến tranh…” (**)

Hay:

“Tôi đang nằm viết trong đêm. Nơi Xóm Cạnh Đền. Hỏa châu thoi thóp từ một đồn bót nào trong lãnh thổ Kiên Long [Kiến Phong.] Con rồng lửa đang phun những cầu vồng đạn lửa đỏ từ trên trời xuống một trận địa. Một đơn vị bạn nào đang chạm địch đâu đây? Nhìn qua mùng dưới ánh đèn bấm chập chờn. Muỗi từng đàn đậu đen như thóc và bay liệng lao xao… “

Người viết thư này là nhà văn Song Linh, từng có bài đăng trên Sáng Tạo. Đọan này được trích từ một bài đăng trên KH số 42, 1970. Sau đó,tác giả tử trận ngày 24.1.1970. (***)

Như vậy, loại văn chương được viết trên ban lô, trên thùng đạn pháo binh, trên bao cát phòng thủ, dưới hầm ẩn trú, là loại văn học gì? Có phải là văn học đô thị?

___

(1) Mai Thảo – Sài Gòn thủ đô văn hóa VN . Sáng Tạo số 1 tháng 10-1956

(2)Cô Phương Thảo: Tình hình văn nghệ trong năm 1960, Bách Khoa số 97 15/1/1961)

(3) Mai Thảo: Con đường trở thành và tiến tới của nghệ thuật hôm nay, Sáng Tạo số 6 (bộ mới) tháng 12 -1960 & tháng 1-1961

(4) Bộ thơ miền Nam trong thời chiến gồm 5 tập do Thư Ấn Quán xb vào năm 2009, tổng cọng khỏang 400 nhà thơ. (*) Trong tạp bút “Âm Bản” đăng trên tạp chí Khởi Hành, nhà thơ Thanh Tâm Tuyền thú nhận: “Đã lâu lắm tôi không làm thơ. Có đến mười năm. Tập thơ cuối cùng đã làm hồi 59-60…” (tạp chí Khởi Hành số 51, năm 1970).

(**) Trần Hoài Thư – Đại đội cũ & Trang sách cũ, Thư Ấn Quán xuất bản 2009

(***) Viên Linh: Tuổi Trẻ Trong Thơ Văn Miền Nam Những Năm ’69, ’70, nguồn: Internet.

(Trích từ trang Văn Học Nghệ Thuật của Hoàng Thụy Hưng trên mạng lưới Facebook)

Bài Mới Nhất
Search