T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

HỌC TRÒ: Thế Giới Âm Thanh của Nhạc Sư Ennio Morricone

Khoảng hè năm 2020, khi dịch COVID-19 còn đang hoành hành trong nước Mỹ cũng như trên toàn thế giới, các cửa tiệm đều đóng cửa, người lao động hoặc bị cho thôi việc hoặc may mắn hơn thì được mang việc về nhà, tôi tình cờ nghe được một giai điệu thật lạ và cũng thật quyến rũ. Youtube có cái hay là nó randomly chọn những thứ giông giống như cái mình đang nghe, có điều là bài nhạc này thật không giống như những bài trước đó chút nào. Giai điệu réo rắt với những cung bậc trầm bổng, lúc khoan thai, lúc dồn dập, các câu nhạc trong phiên khúc không có độ dài bằng nhau như ta thường thấy trong nhạc pop. Tựa nhạc của bài là “Love Theme from Cinema Paradiso”.(1)

Sau này, khi tìm hiểu rõ hơn, tôi được biết bài nhạc được viết bởi Andrea Morricone, là con thứ của Nhạc Sư Ennio Morricone (1928-2020) (xin được gọi ông Ennio với danh xưng Maestro, hay là Morricone). Ông Ennio chỉ bổ túc một vài điểm nhỏ cho bài nhạc được chặt chẽ hơn. Ông Andrea (sinh năm 1964) vừa hoàn tất một cuộc trình diễn nhạc của bố mình ở Nhật Bản và Châu Âu, không biết khi nào ông mang ban đại hòa tấu sang Mỹ trình diễn đây? (12)

Càng nghe bài nhạc này và một số bài nhạc khác mà Maestro soạn, tôi như bước vào một thế giới âm thanh mới mẻ, với những cách đặt câu nhạc thông minh, hòa âm toàn hảo, phong cách nhạc pop, dàn nhạc giao hưởng chỉ với nhạc công mà không dùng synthesizers. Tôi giống như theo một “rabbit hole”, không màng gì tới các loại nhạc khác vẫn thường nghe, mà cứ thế đi sâu tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của Maestro cùng sưu tầm các tác phẩm viết cho nhạc phim của ông. Thật buồn là khi tôi biết đến ông thì ông đã qua đời tháng 7 cùng năm 2020. Trước đó, tôi chỉ biết rất sơ sài về ông như là người viết nhạc cho bản Chi Mai.

Ennio Morricone – Musiques de Films – Volume 1

Rất thuận tiện cho việc tìm hiểu, trên Amazon lúc đó (và vẫn đang) có bán một sưu tập các CD nhạc của ông, với tựa đề là Ennio Morricone – Musiques de Films-  Volume 1. (3) Giá bán cũng văn nghệ, khoảng $90 cho 18 đĩa nhạc, tính ra mỗi đĩa chỉ khoảng $5, chỉ bằng 25% tới 50%, nếu mua riêng từng đĩa.

Sau khi rinh bộ sưu tập này về, tôi “rip” nó và bỏ vào iPhone nghe từ từ. Với khoảng 400 tựa nhạc và gần 20 tiếng đồng hồ nếu nghe một lượt, tôi bận rộn với sưu tập này khoảng gần tròn năm mới biết rõ bài nào ở CD nào, cho tựa phim nào. Có thể nói với người nhập môn nghe nhạc Ennio Morricone, bộ sưu tập đã thành công trong việc giới thiệu thế giới âm thanh của Maestro. Năm đĩa đầu tiên dành riêng cho đạo diễn Sergio Leone, mới đầu tôi tự hỏi ông này là ai mà “dớt” 25% tổng số đĩa, sau này tìm hiểu kỹ mới thấy ông giữ một vai trò đặc biệt trong sự nghiệp của Ennio Morricone. Các CD trong bộ sưu tập này có cái hay là đa số giữ nguyên số bài của LP gốc, chỉ khi nào có chủ đề như “Lịch Sử nước Ý”, “Diện Mạo Điện Ảnh Ý”, v.v. thì mới trích đoạn các bài tiêu biểu, nổi tiếng nhất của LP gốc mà thôi.

Đặc điểm thú vị nhất của dòng nhạc Ennio Morricone là bài nhạc nào cũng có kết cấu như một bài nhạc nhẹ, có đầu có đuôi, có trống, bass, v.v. đầy đủ. Thường thì một LP hay CD của một nhạc phim có khoảng hai hay ba “themes”, tạm dịch là “chủ đề”, tùy theo phim, Maestro sẽ tạo ra các track nhạc viết theo các chủ đề ấy. Lúc bắt đầu nghe thì thấy có vẻ nhàm, nhưng dần dần mưa dầm thấm lâu, tôi quen dần với lối viết này và đôi khi còn so sánh xem nhạc khí nào tôi thích nghe giai điệu tấu lên nhất.

Ennio Morricone: In His Own Words

Maestro có cách đặt giai điệu và khai triển thành bài nhạc rất hay. Vốn là người thích đi tìm học cách đặt giai điệu, tôi dùng các từ khóa như “Morricone motive”, “Morricone interview” để xem người ta tìm hiểu ra sao về cách ông đặt nhạc. Trên Amazon lại cũng có bán một quyển sách do một nhạc gia trẻ tuổi là Alessadro De Rosa viết chung với Maestro và được dịch sang tiếng Anh với tựa đề Ennio Morricone: In His Own Words (4), tôi bèn mua về và tìm hiểu thêm.

Sách này thật nhức đầu vì phần nhiều nói về các đạo diễn Ý, Mỹ, Pháp, mà tôi không biết tên; nhưng vì cũng muốn tìm hiểu rõ hơn Maestro đã cộng tác với đạo diễn ra sao, cách viết nhạc, v.v. mà tôi cũng ráng đọc, mỗi lần chỉ từ 5 tới 10 trang là bị nhức đầu. Sách viết thật đầy đủ, như Maestro nói là “the truest”.Tôi cũng mua một số sách khác về Maestro như Ennio Morricone: Master of the Soundtrack, Reflections on the Music of Ennio Morricone, rồi một quyển tiếng Pháp là Ennio Morricone, Perspective d’une oeuvre, thậm chí cả sách tiếng Ý như Ennio. Un maestro. Conversazione hay Morricone, la Musica, il Cinema (bản mới, 25th anniversary edition), rồi dùng các phương pháp scan lấy chữ rồi cho vào Google Translation hay Micorosft Word 365 để tìm hiểu ý chính! Ngoài ra tôi cũng mua một số sách nhạc để mày mò tập đánh trên piano như Ennio Morricone: Anthology, The Best of Ennio Morricone: Original Soundtrack Collection 1, 2 & 3, The Legend of 1900, v.v. Thêm vào đó, trên mạng cũng có cộng đồng mạng của người yêu nhạc Morricone, họ ghi lại đầy đủ danh sách nhạc của Maestro, và phát hành tạp chí miễn phí Maestro dạng PDF từ năm 2013, tới nay đã được 23 số.

https://chimai.miraheze.org/wiki/Main_Page

Cinema Paradiso, Butterfly, Once Upon a Time in the West

Như đã trình bày, nhạc Ennio Morricone có thể nghe riêng mà không cần xem phim, vì cấu trúc bài nhạc hệt như một bài pop, dài cỡ 3 đến 5 phút, có lớp lang và dễ hiểu, không như nhạc cổ điển của các đại nhạc sư như J.S. Bach, W.A. Mozart, L.V. Beethoven, v.v. hễ cấu trúc như một bài Concerto trở lên là tôi không dám nghe vì không hiểu các ông ấy muốn truyền đạt điều gì.Thế nhưng vì là nhạc Maestro viết cho phim, nên tôi cũng thử mua một vài phim về để xem. “Ấn tượng” nhất có lẽ là phim “Cinema Paradiso”, sao mà các track nhạc vừa vặn với khung cảnh và tâm trạng của các diễn viên đến thế! Love Theme mà tôi nhắc khi đầu thật phù hợp với tâm trạng của chàng trai trẻ mới lớn, yêu và được yêu, rồi mòn mỏi đợi chờ, viết thật nhiều thư tình mà đều bị bưu điện gửi trả vì địa chỉ không người nhận. Once Upon A Time in the West cũng vậy, nhạc trỗi dậy khi nữ diễn viên chính dấn thân vào miền Viễn Tây bao la và xa lạ, thật hợp tình hợp cảnh.

Hình: internet ( https://www.youtube.com/watch?v=Jp0d330bbxs )

Ennio Morricone – Musiques de Films – Volume 2

Theo sách Ennio Morricone: In His Own Words, ông Ennio soạn nhạc cho gần 500 bộ phim và phim truyền hình trong suốt sự nghiệp 60 năm viết nhạc của ông, một con số thật đáng nể phục. Tôi trộm nghĩ, nếu mình theo đuổi mua từng LP hay CD về nghe chắc không nổi và cũng khó mua vì LP/CD sản xuất bên Ý và đã tuyệt bản từ lâu. Thế nên khi nghe tin ông Stephane Lerouge, người chịu trách nhiệm xuất bản Volume 1 sẽ cho ra đời Volume 2 với 14 CD nhạc Ennio Morricone nữa, tôi “hồ hởi phấn khởi” đặt cọc trên Amazon và mong chờ từng ngày (5). Cuối cùng thì collection cũng đến tay và tôi lại được nghe thêm một số các bài nhạc quý hiếm khác. Ngoài ra, tôi cũng tìm mua một số CD mà Volume 1 hoặc không có, hoặc chỉ giới thiệu vài tracks thôi, như các đĩa Butterfly, Yo-Yo Ma Plays Ennio Morricone, Morricone 60, Morricone Segreto, Malèna, Quando l’amore è sensualità, Ennio Morricone: Piano Music, We All Love Ennio Morricone, Morricone Duel: The Most Dangerous Concert Ever,Paradiso (by Hayley Westenra), Focus (Ennio Morricone and Dulce Pontes) v.v. Nhiều khi cách phối của từng bài khác nhau, rồi có bài có hát lời theo, như Metti, Una Sera A Cena chẳng hạn.

Nếu bạn ráng đọc tới đây, chắc bạn tự hỏi, người viết muốn gì đây khi giới thiệu dòng nhạc Ennio Morricone mà không bàn gì tới cách soạn nhạc, v.v. mà chỉ nói tới mua cái này cái kia? Xin thưa, tôi có một dạo bị bế tắc trong cách chọn và nghe nhạc. Nhạc thời Âu Mỹ 60, 70, 80, nghe mãi cũng chán và cũng không còn phù hợp với thế giới nội tâm nữa.ABBA thì tuy mới ra một đĩa năm 2021 nhưng phong độ không còn như xưa. The Beatles thì tuy mới ra một documentary năm ngoái với tựa đề “Get Back” thật thú vị, nhưng họ cũng đã nghỉ chơi từ 1970, có cho ra các “alternate takes” mấy đi nữa cũng có bao nhiêu đó bài thôi. Các ban nhạc khác thời 70, 80 thì mỗi group cũng chỉ có vài bài hay mà thôi.

Tôi cũng không muốn đặt Apple Music hàng tháng, tuy có nhiều nhạc thật, 100 triệu bản (!), nhưng với thói quen hay tìm hiểu sâu xem cách viết nhạc, càng nghe nhiều bài càng bị loạn trí, chẳng có lợi gì. Nhạc Việt (hải ngoại và nội địa), nhạc cổ điển, nhạc Jazz, nhạc mới ở Âu Mỹ cũng vậy, nếu mình đã sẵn ít nghe thì sẽ không có hứng thú để nghe, hay nếu nghe lại cũng chỉ để hoài niệm một thời hoàng kim của nhạc hải ngoại.

Tôi có chụp hình một bộ 3 CD tên là “Ennio Morricone – 50 Movie Themes Hits” rất hiếm quý, tôi có thấy bán trên Apple Music chỉ với $15.Các bài này đúng là bài tuyển, nếu bạn chưa nghe nhạc Morricone bao giờ và bạn thích nhạc pop và rock thời 60, 70, 80, có lẽ collection này sẽ làm bạn hài lòng. Với 500 dĩa nhạc cho phim, nhạc Morricone là một nguồn âm nhạc dồi dào mà có lẽ bạn sẽ không bao giờ thấy chán. Nếu bạn thích nghe nhạc trên Youtube, kênh Ennio Morricone cũng có một số free videos dài khoảng trên một giờ, rất thuận tiện cho bạn thưởng thức dòng nhạc của ông. (2) (10)

Ennio DVD

Cuối năm nay tôi lại may mắn mua và xem được một phim tài liệu về Ennio (6), do đạo diễn Giuseppe Tornatore (người đạo diễn phim Cinema Paradiso khi xưa) thực hiện. May mắn là vì ở Mỹ mà xem được phim hệ PAL châu Âu, tôi tưởng chừng không bao giờ coi được, vì không thấy có bán phiên bản dành cho các nước Bắc Mỹ. Số là tôi thử xem có đầu máy nào đọc được các hệ khác ngoài NTSC không, mới biết là người ta có bán máy (trên Amazon, chỉ $40 thôi, hiệu Megatek) đọc được hết các hệ khác nhau trên thế giới, miễn là DVD format thôi, còn Blu-ray thì không được. Thế là tôi đặt lẫn DVD và máy, rồi xem DVD, thật đặc sắc và học hỏi thêm được nhiều điều mới lạ, trong sách cũng không nói tới. Từ khi Giuseppe Tornatore đoạt Oscar (Best Foreign Language Film) năm 1990 với phim Cinema Paradiso đến khi Maestro qua đời, cả hai đã cùng làm việc chung trên 30 năm nên hiểu nhau rất rõ, chính Tornatore kể lại ở phần Bonus là Morricone chỉ đồng ý làm phim nếu Tornatore chịu làm đạo diễn! Phim quả thật rất xuất sắc, Tornatore điểm lại thời đi học của Morricone, những danh sách các bản nhạc Maestro hòa âm cho nhạc trẻ Ý đầu thập niên 60, rồi tới những phim bắt đầu như A Firstful of Dolllars, tới bộ ba Once Upon A Time in The West, Giù La Testa, Once Upon A Time in America, tới những phim thập niên 70, rồi 80 như Sacco & Vanzetti, Allonsanfan, Days of Heavens, The Mission, The Untouchables, Cinema Paradiso, cuối cùng là The Hateful Eight năm 2016 khi ông được giải Oscar dành cho nhạc phim xuất sắc nhất trong năm. Phim cho ta thật nhiều chi tiết như Maestro đã cảm thấy tội lỗi trong một thời gian dài hai ba chục năm vì đã “làm thuê” cho điện ảnh, trong khi lẽ ra ông phải viết nhạc “absolute” như thầy của ông, Goffredo Petrassi. Một chi tiết thú vị khác là lối viết nhạc của Morricone: cũng hệt như Beethoven khi xưa khi ông bị điếc, Morricone không dùng đến keyboards, nốt nhạc ở trong đầu, chỉ phải viết xuống mà thôi, như ta viết một bài luận văn vậy. Ông cũng viết toàn bộ tổng phổ chứ không giao cho người khác viết phụ một bè nào hết! Đúng là có thấy mới tin.

Love Theme from Cinema Paradiso và Metti, Una Sera a Cena

Thật may mắn là một giảng sư trên mạng là Dr. Christopher Brellochs đã bỏ thì giờ giải thích tường tận những điểm làm bản nhạc Love Theme from Cinema Paradiso thật đặc sắc, đọng lại trong người thưởng ngoạn, mặc dù bản nhạc khó nhớ, nhưng nhớ rồi thì sẽ không bao giờ quên (1) (7).

Nguồn: internet ( https://www.sheetmusicdirect.com/en-US/se/ID_No/453949/Product.aspx )

Trước tiên, ông giảng về hòa âm, về cách hợp âm Cm7 là một “pivot chord” làm bài nhạc vừa nghe như cung thứ Gm mà cũng lại là cung trưởng liên hệ Bb. Sau đó, ông giảng về tiết tấu, với sự chen vào một trường canh nhịp 2/4 trong một bài 4/4. Kế đến là một tuyên bố (declaration) với nốt Si, nghỉ một nhịp rưỡi, rồi một quãng nhảy (leap) xuống re, rồi từ từ điền vào những nốt (filling the gaping hole) để cân bằng với đoạn nghỉ trước đó. Sau đó mà một câu rải hoành tráng(glorious appergio) (Re Fa La Do), v.v. Cứ như thế, như thế, ông giải thích tường tận tại sao bản nhạc lại được nhiều người yêu chuộng đến thế.

Một bản nhạc khác cũng rất thú vị vì nhiều điểm khác nhau, đó là bài Metti, Una Sera a Cena(Wikipedia dịch là “Let’s Say, an Evening for Dinner”, dịch thoát là, “Hay là ta hẹn hò một bữa ăn tối?”) (8). Trong  DVD, Maestro nhắc đến một thí dụ tương tự là bài Se Telefonando, chỉ rõ rằng ông dùng một motive chỉ có ba nốt, trong bài Metti … này là Do# Re Si. Đây là phương pháp dùng motive bằng cách giới hạn các nốt, như các nhạc sư Tây phương thời xưa hay dùng, như dùng chữ BACH (B=B giáng, A, C, H=B natural) làm các nốt motive.

Nguồn: internet https://www.scribd.com/document/400314549/Ennio-Morricone-Metti-una-sera-a-cena-1-pdf#

Điểm đặc biệt là chỉ có ba nốt thôi, nhưng vì nhịp 4/4, nên ông Morricone đã khéo léo để mỗi nốt Do#, Re, Sirơi vào nhịp đầu của mỗi câu nhỏ(chỗ bôi vàng ở hình trên), làm câu nhạc rất chõi (syncopation) nhưng rất fresh vì các nốt nằm ở các điểm nhấn khác nhau. Sau khi lặp lại câu thêm lần nữa, Maestro lại rất thông minh khi ông rải các nốt nhạc lên và chuyển cung, làm cho ba nốt motive này trở thành Mi Fa Re! Tiết tấu và khoảng cách giữa các nốt vẫn như cũ, nhưng vì đây là các tone mới, nên nhạc trở nên tươi mát mà vẫn có cảm giác thân thuộc. Cuối cùng, ông tạo ra một motive mới, cónhiều hơn 3 nốt (Sol# La Si Si Fa#), rồi khai triển motive đó thành một giai điệu chơi trên nền của giai điệu ba nốt lúc đầu!!!

Trong thế giới nhạc của Maestro còn thật nhiều điểm thú vị như vậy, tỉ như 3 giai điệu và tiết tấu hòa quyện với nhau trong bài On Earth As It Is In Heaven(9) hay Vita Nostracủa phim The Mission, hay các giai điệu tuyệt vời (Main Theme, Deborah’s Theme, Childhood Memories) của phim One Upon A Time In America, Giù La Testa, The Most Beautiful Wife, v.v. và v.v.

Cũng như trong những lần trước khi tìm hiểu nhạc sư Paul Mauriat và Raymond Lefevre, họ đã qua đời thì tôi mới tìm nghe nhạc họ.Lần này cũng vậy, nhưng dẫu sao muộn còn hơn không. Dòng nhạc Ennio Morricone từ hơn hai năm nay đã là một phần của đời sống tinh thần riêng tôi, hy vọng nếu bạn đã biết thì càng nghe sâu, nghe lại, nếu chưa biết thì nên tìm hiểu thêm, mua và xem DVD về sự nghiệp của một soạn nhạc gia vĩ đại, người mà soạn nhạc gia đàn em Hans Zimmer xem như nguồn cảm hứng và động lực, và ông đánh giá Morricone là tài năng bậc nhất của thế kỷ 20 về nhạc phim (11).

Xin tạm dừng bút và hẹn bạn kỳ tản mạn sau.

Sài Gòn Nhỏ, ngày cuối năm 2022.

Học Trò

Ghi chú:

©T.Vấn 2023

Bài Mới Nhất
Search