T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Học Trò: Vài cảm nhận về nhóm nhạc ABBA

abba-portrait-bw-1970-billboard-1548

Ảnh (Nguồn: Billboard)

Tối nay tự nhiên con gái tôi (a teenager), hỏi tôi có biết một bài nhạc mà nó rất thích không, đó là bài Right Here Waiting. Tôi bật liền hai tiếng “Richard Marx”, thế là nó tròn xoe mắt, ngạc nhiên tại sao tôi cũng biết. Thế là tôi kể ra một lô một lốc tên các bài nhạc khác để cháu đánh vào cái “Kindle Fire” của nó để nghe thử. Nó đặc biệt thích các bài Time After Time của Cindy Lauper, Careless Whispers của Wham, và Crazy For You của Madonna. Tôi bảo cháu là sáng mai sẽ lục lại tủ sách nhạc phổ để tìm những bài hay của 70′ và 80′ để đưa cháu tập piano.

I. Nhóm nhạc ABBA

Dòng suy nghĩ miên man đưa tôi về lại Saigon những ngày đầu 80′, khi nhạc ngoại còn là thứ bị cấm lưu hành chính thức – mặc dù nếu ai có tiền thì cũng mua được ở chợ trời Huỳnh Thúc Kháng, hay ở các tiệm sang băng lậu. Tôi cũng không nhớ lần đầu tiên mua được một băng cassette gốc nhập lậu từ tàu viễn dương là năm nào, nhưng có lẽ là vào khoảng 1983 hay 1984. Tôi còn nhớ có mua được một cassette có hình bìa đề ABBA, nhưng bên trong nhạc phối không là ABBA chút nào, nhưng rõ ràng là giọng của hai người đẹp tóc vàng Agnetha và tóc hung Frida. Sau này tìm hiểu kỹ hơn thì các bài đó là trong hai LP riêng rẽ của hai người.

Một trong các tape nhạc đầu tiên (khoảng 1980 hay 1981) tôi mua từ cửa hàng sang băng lậu là một quyển thu lượm các bài nhạc của ABBA, mà các bài gây “ấn tượng” nhất là Kisses of Fire, Dance (While the Music Still Goes On), và The King Has Lost His Crown. Nghe đây tức là thưởng thức giai điệu, cách thức hòa âm, chứ không chú tâm vào lời hát, vì có hiểu gì đâu (tôi học ban Pháp văn), mà lời nhạc nếu có in trước mặt thì cũng không hiểu nhiều. Lúc đó thì style nhạc cũng không biết phân biệt luôn, vì chỉ có biết nghe ABBA mà thôi, nhưng cũng có thích nhạc của ban khác thí dụ như Boney’M. Rồi sau này khi biết nhiều ban khác hơn như Bee Gees, Smokie, Madonna, etc. thì mới cảm nhận sơ sơ tại sao nhạc này nghe khác hơn nhạc kia (nhưng thật ra thì các ban nhạc đó cũng chỉ quanh quẩn là nhạc pop (popular – phổ thông) thôi, chứ tôi cũng chưa biết nhạc jazz là cái chi cả.)

(Kisses of Fire: http://www.youtube.com/watch?v=c-REo5lTwns

Dance (While the Music Still Goes On): http://www.youtube.com/watch?v=7mrmKwFE1wY

The King Has Lost His Crown: http://www.youtube.com/watch?v=gvk-sC5sULE)

Nhiều khi tôi nghĩ việc các nhà phê bình nhạc cho một ban nhạc vào một nhãn, như “disco” cho ABBA chẳng hạn, là một thiệt thòi cho ban nhạc đó. Vì, như bạn nghe thử 3 ba bài trên, thì chúng không có gì giống sự đơn điệu từng nhịp một như kiểu disco hết. Tiết tấu của chúng khi thì nhanh, khi thì chậm, đầy cảm xúc, biến hóa, hòa âm rất đặc sắc mới mẻ. Tôi còn nhớ lần đầu nghe được bài The Day Before You Came từ một quán nhạc bên quận Bình Thạnh mà rùng mình, vì nhạc nền hay quá, nhất là các câu “tata, tata” mỗi cuối câu, biến đổi theo từng hợp âm, hay là giọng họ bè theo, hay các tiếng synthesizers, tiếng strings, quá sức mới mẻ, như từ hành tinh khác.

The Day Before You Came: http://www.youtube.com/watch?v=1HnOFwqpLRQ

Sau này, khi đọc tài liệu và biết là đó là bài cuối cùng họ cùng nhau thu âm, thì tôi thật sự tiếc nuối về sự nghiệp của họ, quá ngắn, chỉ trong vòng 8,9 năm. Dù sao, tôi cũng có duyên may biết đến nhóm nhạc này, và khi còn ở Việt Nam (1980-1990) đã cố công lùng sục và nghe được 90 – 95 % các bài nhạc của họ, khoảng trên dưới 100 bài. Những phong cách trình diễn, hát và hát bè, hòa âm phối khí của 100+/- bài này, khi nhìn lại, đã là một nền móng vững chãi của riêng tôi, là căn bản để tôi so sánh với các ban nhạc khác, hay các loại nhạc khác. Hình như ngoài ABBA, chưa có một ban nhạc nào khác mà tôi thích hết các bản nhạc của nhóm.

Thật phũ phàng là ngày tôi được nghe lần đầu bài  The Day Before You Came cũng là lần cuối họ thu âm! Ngày trước khi em (ABBA) tới đời tôi, tôi còn mê muội chưa biết thưởng thức nhạc hay, rồi em nỡ đi qua đời tôi như zậy sao (Just Like That!!!???)

Just Like That: http://www.youtube.com/watch?v=cPxS0hz-eCE

Vậy thì những gì tôi đã học được từ thú nghe nhạc ABBA? Cũng có nhiều thứ, và khi ngồi nghĩ lại thì mới thấy rõ những điểm đó, chứ hồi đó nghe nhạc thì chỉ biết thích thôi, chứ cũng chưa để tâm vào việc phân tích nhạc như bây giờ, mỗi khi nghe một bài nhạc mới.

Điểm đầu tiên là tôi cảm thụ được những giai điệu hay, mượt mà. Cái này thì ABBA là trùm, giai điệu nào của họ cũng đẹp hết, hổng lẽ bây giờ viết xuống cỡ 50 bài có giai điệu hay để làm chứng? Tôi thích nhất là các bài One of us, Slipping through my fingers, Our last summer, When all is said is done, Happy New Year, Andante Andante, I Wonder, Thank you for the music, v.v. và v.v. Các giai điệu của họ sang quá, châu Âu quá, có lẫn nét cung đình, có chút lộng lẫy của Mozart, chút khoa học của Bach, nhưng không hề đượm vẻ sầu muộn bi lụy của Chopin. Học được (vô tình) ở họ cái cách họ phát triển một bài nhạc, rất kinh điển, như toán học, ra đề trước một câu, rồi nhắc lại câu đó, rồi phát triển câu, từ từ đưa dần đến đỉnh điểm trong phiên khúc, hay chờ để hóa giải trong điệp khúc. Tựa bài nhạc cũng kinh điển, đặt đúng chỗ trong điệp khúc, chỗ đầu hoặc chỗ cuối của đoạn, tựa ngắn và dễ nhớ. Thí dụ rõ nhất của các điều vừa nói ở trên là các bài Money, Money, Money (dịch sang tiếng Việt là Cơm áo gạo tiền) và bài S.O.S (dịch là Chàng ơi, cứu em với).
Điều thứ hai học được là ở cấu trúc bản nhạc. Kinh điển nhất là ABAB, như các bài vừa nhắc, hoặc là AAA như bài Like an angel passing though my room. Thỉnh thoảng có bài có thêm một đoạn phụ (bridge) hay lead guitar sau đoạn ABAB để thay đổi không khí, như trong bài Our last summer,

Our last summer: http://www.youtube.com/watch?v=Z6YqC3D0GMo

hoặc một kết thúc “anh lên xe hoa về nhà nàng”, diễu diễu và chẳng ăn nhập gì đến bài như đoạn cuối của Two for the price of one.

Two for the price of one: http://www.youtube.com/watch?v=pmyFbv-aO-k

Tôi cũng cảm thụ được những bài nhạc có nhiều đoạn nhỏ hơn, đầy đủ hỉ nộ ái ố, nhưng sao vẫn vừa vặn và không lan man như trong bài I let the music speak.

Những lời nhạc trong hai album cuối (Super Trooper và The Visitors) lời nhạc đã trưởng thành và súc tích hơn nhiều nếu so sánh với các LP trước, do công của Bjorn. Tuy không mê Bjorn lắm nhưng tôi rất khâm phục cách đặt lời của ông trong hai LP này, trong đó có bài I let the music speak vừa nhắc ở trên:

I’m hearing images, I’m seeing songs
No poet has ever painted
Voices call out to me, straight to my heart
So strange yet we’re so well acquainted 


I let the music speak, with no restraints
I let my feelings take over
Carry my soul away into the world
Where beauty meets the darkness of the day
Where my mind is like an open window
Where the high and healing winds blow
From my shallow sleep the sounds awake me

I let them take me
(Let them wake me, let them now, let them take me) 

tôi tạm dịch:

Tôi nghe được những hình ảnh, tôi thấy được những bài ca
Mà chưa thi sĩ nào vẽ được
Những tiếng nói réo gọi tôi, tới thẳng tim tôi
Quá đỗi xa lạ nhưng dường như cũng đã biết nhau tự bao giờ
Tôi để âm nhạc lên tiếng – rất tự nhiên, không ràng buộc nó

Tôi để tình cảm tôi tự do lấn át lý trí

Đưa hồn tôi ra khơi, vào một thế giới khác
Nơi cái Ác đối mặt với cái Thiện
Nơi tâm trí tôi như một cửa sổ mở toang
Nơi những ngọn gió lớn nhưng cũng rất bao dung thổi mạnh
Từ cơn mộng mị những âm thanh ấy đã dựng tôi tỉnh dậy
Tôi để chúng chiếm trọn hồn tôi …

Bạn thấy đó, lời nhạc này sâu sắc, bí hiểm và đầy thơ lẫn kịch tính nhiều, nếu ta so sánh với bài Thank you for the music chẳng hạn.

Tôi cũng cảm nhận được phong cách hòa âm tuyệt vời, có một không hai này của ABBA. Mỗi bài nhạc là một tuyệt phẩm, khi họ đã tung ra thì đó là bản tuyệt nhất, cho dù họ có chơi theo nhiều kiểu khác nhau trong studio, cũng hay không kém, nhưng họ vẫn không phát hành một bản khác. Điểm này họ giống hệt như ban nhạc tiền bối The Beatles, chỉ tung ra thị trường những gì hay nhất mà thôi, những gì tàng tàng họ xếp xó. Sau này, khi các ban nhạc này đã rã, nhưng các hãng sản xuất vẫn muốn thu lợi nhuận thêm bằng cách tung ra các version khác không hay bằng, chúng ta mới hiểu rõ hơn đằng sau tấm màn nhung đã xảy ra những gì ….

Trở lại với phong cách hòa âm, ABBA rất sáng tạo và đặc thù trong lối chơi, nên rất khó bắt chước. Tôi nhớ có vài lần nghe Happy New Year trên đài truyền hình SG do Ngọc Bích trình bày, tuy hay đó nhưng hòa âm không đủ dày và theo sát bài gốc, nên bài cũng trở nên kém hay. ABBA đã là một tiêu chuẩn để tôi so sánh với các ban nhạc, loại nhạc khác. Bạn thấy nhạc ABBA phong phú như vậy, sau đó 5,6 năm có nhóm Mô đen Thất kinh lên ngôi, với những giai điệu sàn sàn như nhau, hòa âm thì hệt nhau, thì làm sao là nhạc để đời cho được? Có chăng là chỉ đủ để làm mì ăn liền, đóng 10 cái lon sắt vào 1 cái dây lê la khắp xóm thôi, tức là làm một medley nhạc đó.

Happy New Year: http://www.youtube.com/watch?v=LRa8g-m4UNk

Sau cùng, không gì thú vị hơn khi được đọc những lời bình phẩm gần đây do chính các đương sự viết xuống trong sách “Mamma Mia! How can I resist you“. Tôi dịch vài đoạn để chia sẻ với bạn:

Về cách sáng tác nhạc của Benny Andersson (trang 106-107):

Tôi chẳng biết nhạc tôi viết đến từ đâu nữa, chỉ biết rằng tôi tốn rất nhiều thời gian. Lý do chính khiến chúng tôi (ABBA) không làm các chuyến lưu diễn vì chúng tôi hiểu rõ rằng chúng tôi cần nhiều thì giờ để sáng tác những ca khúc hay. Anh chẳng thể nào viết một bài nhạc hay chỉ trong vòng một giờ. Có lẽ bề ngoài thì bạn có thể viết nhanh như vậy, nhưng bạn cần phải bỏ ra cỡ hai tháng trước đó để thử hết những ý tưởng, trước khi có thể viết được ca khúc hay đó trong một giờ đồng hồ. Đó là cách tôi làm một ca khúc. Tôi không biết đối với ai khác thì sao, chứ với tôi thì chỉ có cách đó thôi. Nếu tôi không ngồi trước piano, và nếu không làm việc cật lực, cố đạt được một cái gì đó và cố làm cho bài hát hay hơn, nhạc phẩm sẽ không chào đời. Nhạc phẩm không thể chào đời trong khi đang lái xe và nghĩ là “Oh! tôi có ý tưởng này hay”, không bao giờ như vậy cả. 

Tôi phải ngồi trước cái piano hay một cây keyboard và chơi đủ mọi ý tưởng hỗn tạp, rồi bỏ câu nhạc đó đi, rồi chơi ngẫu hứng tiếp cho đến khi nào có một câu nhạc hay ho xuất hiện và tôi có thể nói “Cái này hay đấy!” Nếu có hai người cùng viết nhạc, như Bjorn với tôi trong những ngày viết nhạc cho ABBA, thì việc sáng tác nhạc sẽ dễ dàng hơn một chút vì người này có thể phụ phát triển ý nhạc trong khi người kia chưa bắt kịp ý nhạc. Nhưng sự thực là tại sao bài nhạc lại được phát sinh như vậy thì hoàn toàn ngoài sự hiểu biết của tôi.

Xem thêm Benny và Bjorn kể rõ hơn về cách sáng tác của họ: http://www.youtube.com/watch?v=BcxcQ7FSTXc

Benny Andersson nghĩ về The Day Before You Came (trang 124):

Trong bài The Day Before You Came, không có ai khác chơi nhạc ngoài tôi cả, điều này chưa hề xảy ra trong nhạc ABBA. Tôi bắt đầu bằng một click track (như máy giữ nhịp vậy – ht) rồi tôi xây dựng lên từ từ cả bài nhạc. Nhưng nay nhìn lại thì đó không hẳn là một sáng kiến tốt – nhưng dù sao thì tôi vẫn nghĩ đó là một bài nhạc hay.

Sau khi chúng tôi thu âm xong bài này, chúng tôi đã cho phát hành một album dưới dạng các tuyệt phẩm “The Greatest Hits” cùng với bài này và Under Attack, dưới tên gọi là “ABBA The Singles: The First Ten Years”, như muốn chứng tỏ cho mọi người thấy là chúng tôi có chủ đích sẽ quay lại và chơi nhạc thêm mười năm nữa. Hồi đó thì chúng tôi chưa biết con tạo sẽ xoay vần ra sao, nhưng cái tựa đề (ABBA mười năm đầu) nói rõ là chúng tôi không hề có ý định từ bỏ cuộc chơi. ABBA chỉ nghỉ giải lao thôi và chúng tôi vẫn đang nghỉ giải lao. Chì có điều là cái “mười năm tiếp theo” đó sẽ không bao giờ xảy ra.

Với những tiếc nuối về một ban nhạc huyền thoại, mời bạn nghe một bài nhạc mà hoctro rất thích, đó là bài Soldiers. Tuy lời nhạc không hay, nhưng cái melody rất haunting, nghe buồn vời vợi, như người vợ lính tâm sự về nỗi xa chồng vậy. Đặc biệt nhất là các counter-melodies rất ăn khớp với giai điệu chính, không thể nào bỏ chúng mà bài nhạc vẫn hay được. Câu solo guitare cũng quá đặc biệt, theo sát gót câu solo của Our Last Summer trong LP trước.

Mà tại sao lại có solo guitare trong một bài nhạc pop, như trong nhạc rock vậy? Nhóm nhạc đầu tiên thể nghiệm thành công cách solo này không ai khác hơn là nhóm The Carpenters, với bài Goodbye To Love, tay guitare soloist Tony Peluso (1950-2010) đã được chính Richard Carpenter mướn riêng để phăng solo cho bản nhạc trên năm 1972.

Video tribute: http://www.youtube.com/watch?v=6QYiRjIpx58

Học Trò

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2017

Bài Mới Nhất
Search