T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hồng Duyệt: Đường Chiều

“ . . .Đường Chiều là một trong những bản nhạc Việt’ Blues độc đáo nhất thời bấy giờ. Đường Chiều đã khiến giới văn nghệ sĩ đương thời kinh ngạc, và làm say đắm lòng người mộ điệu ngay từ lúc khai sinh. Đã một thời, Đường Chiều của thầy giáo Dương Hồng Duyệt “làm mưa làm gió” trên đài phát thanh, và được một số lượng lớn khán thính giả – nhất là giới trẻ – hoan nghênh nồng nhiệt.

Rất nhiều ca sĩ hát Đường Chiều của nhạc sĩ Hồng Duyệt, nhưng theo sự ý kiến của một vài người đáng tin cậy – song ít khi phát biểu ý kiến công khai – thì người hát Đường Chiều hay nhất, ra được nhiều chất  Blues nhất lại là kịch sĩ Túy Phượng (con gái cặp nghệ sĩ Túy Hoa/ Anh Lân). Còn theo lời kể của anh/ chị Dương Nghiệp Dao, Dương Thu Diễm Trang  – con của nhạc sĩ Hồng Duyệt – thì: “ Mẹ tôi nói, ca sĩ Duy Khánh hát bài này của bố tôi là hay nhất…”

Hồng Duyệt: Đường Chiều

(Xin bấm vào hình để mở lớn)

Duong Chieu 01 Duong Chieu 02

Duong Chieu 03Duong Chieu 04

Duong Chieu 05

 Đường Chiều – Sáng Tác: Hồng Duyệt

Trình bày: Duy Khánh (Pre-75)

Trong một chuyến về thăm quê nhà gần đây nhất, tôi lại được người Sài Gòn cũ gởi gắm hồn của những người trẻ năm xưa còn sống ở quê nhà. Trẻ năm xưa nhưng nay đã là những ông bà lão tóc hai màu. Dầu vậy, hồn Sài Gòn cũ vẫn như ngày nào trước khi có cuộc đổi đời. Nó không mất, không bị “cải tạo”. Nó vẫn sừng sững tồn tại trong những ấn phẩm văn hóa trước 1975 sống sót qua cuộc phần thư tàn khốc. Nó sống sót được là nhờ ở lòng dân. Nhờ vậy, hôm nay đây tôi may mắn “sở hữu” hồn Sài Gòn ấy qua kho tài sản vô giá: hàng mấy trăm bài nhạc cũ in trước 1975, với thủ bút, chữ ký của các nhạc sĩ tác giả, với cả những hàng chữ viết tay của người chủ sở hữu năm xưa ghi lại kỷ niệm của riêng mình.

Từ kho tài sản quý báu này, chuyên mục:Dòng Nhạc Kỷ Niệm” hình thành.

Chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” trên TV&BH sẽ là một công trình dài hạn. Mỗi kỳ chúng tôi sẽ giới thiệu một bài nhạc, với phần phóng ảnh của Bìa Trước, Bìa Sau, hai trang ghi nhạc và lời bên trong. Kèm theo đó sẽ là phần sưu tập audio, tức bài nhạc được hát bởi một ca sĩ. Chúng tôi sẽ cố sưu tập bản nhạc được hát bởi một ca sĩ miền Nam trước 1975 để ý nghĩa bảo tồn được trọn vẹn, dù rằng cũng bản nhạc đó, với phần kỹ thuật, phối âm, phối khí và ca sĩ trẻ hơn thực hiện tại hải ngọai sau này có hay hơn nhiều. Mặt khác, như tên gọi “Dòng Nhạc Kỷ Niệm”, nghe một bản nhạc cũ bằng chính âm thanh cũ của ngày xưa, là sống lại kỷ niệm về một đoạn đời cùng với những niềm vui, những nỗi buồn của riêng mỗi người. Chúng ta nghe nhạc cũ là nghe kỷ niệm, nhờ kỷ niệm, âm thanh bài nhạc ở lại trong hồn lâu hơn, sâu hơn, đằm thắm hơn. Do đó, ở đây không có chỗ cho những thẩm định chủ quan nhạc hay, nhạc dở, nhạc sang, nhạc sến, nhạc nghệ thuật, nhạc thương mại v.v..(T.Vấn: Dòng Nhạc Kỷ Niệm với Nhạc cũ miền Nam).

©T.Vấn 2016

Đọc Thêm:

Diệp Hoàng Mai – Thầy giáo – Nhạc sĩ Dương Hồng Duyệt

(Nguồn: ngo-quyen.org)

Thầy giáo – Nhạc sĩ Dương Hồng Duyệt

BẢN VIỆT’ BLUES ĐỘC ĐÁO VÀ ĐỘC NHẤT
clip_image001
BS Phm Vn, NS.Dương Hng Duyt, NS. Cung Tiến ( đánh guitar) và các hc sinh Sài Gòn.

“Ngoài thầy giáo – nhạc sĩ Lê Hoàng Long nổi tiếng với một tác phẩm duy nhất để đời, trường trung học Ngô Quyền còn một thầy giáo – nhạc sĩ khác, cũng nổi tiếng chỉ với một tác phẩm để đời duy nhất, đó là thầy Dương Hồng Duyệt…”  Thầy Trần Thái Hùng và thầy Trịnh Hồng Hải đã cho tôi biết thông tin này, trong buổi “café cuối tuần” nhân ngày Nhà Giáo 2014 vừa qua…

Dò tìm trong danh sách Ban giáo sư trung học Ngô Quyền Biên Hòa ( 1956 – 1975), tôi được biết thầy Dương Hồng Duyệt từng là giáo sư môn Toán và Nhạc trường tôi từ năm 1961 đến 1965. Tổng hợp thông tin ít oi từ internet,  cùng trí nhớ – cũng quá  ít oi –  của một số chs.NQBH, tôi xin phép được “ phác họa” lại chân dung của cố giáo sư trung học Ngô Quyền Biên Hòa Dương Hồng Duyệt …

Xuất thân từ trường Luật, nhưng khi tốt nghiệp anh sinh viên Dương Hồng Duyệt lại không chọn lựa công việc liên quan đến ngành nghề đã học. Ông đi dạy học, rồi làm cố vấn, viết diễn văn cho chính trị gia… Nhưng tất cả những việc ông làm, đều man mác sắc màu nghệ sĩ nhiều hơn công việc mưu sinh. Ông đến với âm nhạc cũng vậy, cứ như là một cuộc dạo chơi, hơn là một nhạc sĩ chuyên nghiệp.

Là cháu của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, là bạn thân – và là anh vợ – của ca sĩ luật sư Khuất Duy Trác, nên thầy giáo – nhạc sĩ Dương Hồng Duyệt gần như là “ người nhà” của giới văn nghệ sĩ. Vào thập niên 1955 – 1965, nhạc sĩ Dương Hồng Duyệt phụ trách chương trình phát thanh dành cho sinh viên học sinh đài phát thanh Quốc Gia. Hầu hết ca sĩ nổi tiếng thời bấy giờ như: Đỗ Đình Tuân (Đỗ Tuấn), Phạm Vận, Duy Trác, Thể Tần, Hồng Hảo, Mai Hương, Bạch Tuyết, Mai Ngân, Mai Hân … đều đã hát trong chương trình này.

Theo nguồn tư liệu từ internet, Đường Chiều là một trong những bản nhạc Việt’ Blues độc đáo nhất thời bấy giờ. Đường Chiều đã khiến giới văn nghệ sĩ đương thời kinh ngạc, và làm say đắm lòng người mộ điệu ngay từ lúc khai sinh. Đã một thời, Đường Chiều của thầy giáo Dương Hồng Duyệt “làm mưa làm gió” trên đài phát thanh, và được một số lượng lớn khán thính giả – nhất là giới trẻ – hoan nghênh nồng nhiệt.

Rất nhiều ca sĩ hát Đường Chiều của nhạc sĩ Hồng Duyệt, nhưng theo sự ý kiến của một vài người đáng tin cậy – song ít khi phát biểu ý kiến công khai – thì người hát Đường Chiều hay nhất, ra được nhiều chất  Blues nhất lại là kịch sĩ Túy Phượng ( con gái cặp nghệ sĩ Túy Hoa/ Anh Lân). Còn theo lời kể của anh/ chị Dương Nghiệp Dao, Dương Thu Diễm Trang  – con của nhạc sĩ Hồng Duyệt – thì: “ Mẹ tôi nói, ca sĩ Duy Khánh hát bài này của bố tôi là hay nhất…”

Năm 1976 thầy Dương Hồng Duyệt và mấy người con, cùng một số thân nhân ruột thịt ra khơi vượt biển. Chiếc tàu oan nghiệt đã đắm chìm trong lòng đại dương năm ấy, không kịp đưa thầy Dương Hồng Duyệt cùng thân nhân đến bến đỗ bình an. Ba mươi tám năm dài, tác giả nhạc phẩm Đường Chiều đã rời xa trần thế. Thế nhưng, bản Việt’ Blues độc đáo và độc nhất của ông, vẫn sống mãi với thời gian.

Bia tưởng niệm thầy giáo –  nhạc sĩ Dương Hồng Duyệt cùng thân nhân, được an vị tại khu tượng đài Thuyền Nhân thuộc thành phố Westminster (Nam California, Hoa Kỳ). Nếu có dịp, rất mong anh chị em chs.NQBH một lần đến viếng Thầy Xưa Dương Hồng Duyệt của chúng ta.

Tháng 12/2014

Diệp Hoàng Mai

Bài Mới Nhất
Search