T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hồng Lĩnh: Tháng Mười và DACA*

Kids-at-DACA-rally

Tháng Mười mang theo sắc vàng của lá, cam của bí ngô và nâu đỏ của những chậu cúc trước hiên nhà, tôi tất tả ra ngoài mua những thứ cần thiết để đón thu về. Lang thang qua những nông trại ngắm các cô cậu bé xíu đi lựa bí, khệ nệ mang những trái bí lựa trên cánh đồng vừa bắt đầu khô cằn vì thời gian thu hoạch đã đến. Tôi nhìn các em bé bụ bẫm, xinh xắn và lại nhớ đến những túi kẹo cho các cháu vì Halloween cũng đang đến dần. Quà của tôi không phải chỉ là kẹo không thôi, mà còn là những cuốn truyện hình cho các cháu bé dưới năm tuổi. Trẻ con ở Hoa kỳ rất thích đọc sách, tôi rất thú vị khi nhận được nụ cười vui vẻ từ cha mẹ khi các cháu đến xin kẹo lại được nhận thêm những món quà như viết và sách hoặc những mẫu hình dán trên áo khi biết là các bé rất ngoan và giỏi ở nhà, và với lời ngợi khen, sự khuyến khích và những món quà nhỏ cũng sẽ là sự tự hào khi bà mẹ cho biết là cô bé hai tuổi đã bỏ tã vào tuần trước. Chúng tôi vỗ tay mừng rỡ trước thành công vĩ đại của của giai đoạn đầu đời, hoặc nghe cậu nhỏ sung sướng khoe với tôi là cậu đã biết đạp xe đạp một mình mà không cần ông bố lúp xúp chạy theo sau vịn nữa. Tiếp đón các cô cậu bé để khen quần áo hóa trang đẹp, ngộ nghĩnh có khi tôi phải bật cười vì cô bé mặc bộ áo giả làm cô cún, và cô cún thì mặc áo đầm hóa trang thành cô bé. Cả hai trông đều đáng yêu như nhau.

Tôi còn nhớ ngày lễ Halloween trước, vừa qua mười giờ đêm, tôi đang chuẩn bị tắt đèn và đóng cửa thì có một gia đình hối hả chạy đến, với hai cháu bé trai và gái khá xinh xắn, người Mễ Tây Cơ, cả cha mẹ cũng chỉ cười và và nói tiếng Tây Ban Nha, còn hai cháu bé cũng không thể nói tiếng Anh ngoài ấp úng chữ “gracias” (cám ơn). Tôi tặng cho hai cháu bé tất cả những gì còn lại trong chiếc rổ mây, hai cháu bé vui lắm ôm những cuốn sách hình và ríu rít khoe với nhau, còn cha mẹ thì cầm rổ kẹo thật vui vẻ và cùng cám ơn bằng tiếng Tây Ban Nha.

Năm nay, khi cầm trong tay túi kẹo, tôi lại nhớ khuôn mặt của hai cháu bé, bản tin từ tháng trước về DACA đã làm cho tôi có một chút chạnh lòng vì qua câu chuyện mà tôi được nghe của một gia đình Việt Nam ở bên Đức khi qua Hoa kỳ thăm họ hàng và thấy cuộc sống của người Việt ở California sống thoải mái hơn so với bên nước Đức cho nên họ quyết định ở lại. Theo luật pháp của Hoa Kỳ thì các cháu bé dưới mười tám tuổi cho dù không phải là thường trú nhân vẫn được hưởng quy chế giáo dục miễn phí. Cô bé đi theo cha mẹ cũng đã trưởng thành tại Mỹ. Do hoàn cảnh của cô theo cha mẹ trốn vào Hoa Kỳ và đã trở thành người bất hợp pháp cho đến khi cô tốt nghiệp xong đại học, thế nên cô phải tự trả tiền học phí mà không thể nhận được trợ giúp về học bổng và sau khi học xong cô gái cũng không thể xin được việc làm. Vào lúc ấy chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố chấm dứt chương trình DACA, là chương trình bảo vệ 800.000 di dân trẻ tuổi (còn có tên gọi là the Dreamers) không có giấy tờ nhập cư hợp lệ khỏi bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ. Hoang mang trước sắc lệnh bảo vệ mình sẽ bị hủy bỏ, cô lo lắng và sợ hãi rồi sau đó cô bị tai nạn xe và sau một thời gian cô qua đời; trước đó cô không hề được hưởng bất cứ quyền lợi nào về bảo hiểm y tế hay trợ giúp xã hội.

Để hiểu hơn về Chương trình DACA, cần phải quay lại với cuộc tranh cãi trong chính giới Hoa Kỳ trong suốt 15 năm từ thập niên 1990 cho tới giữa những năm 2000. Trong giai đoạn đó một lượng lớn gia đình bao gồm vợ và con của các lao động bất hợp pháp, chủ yếu người Mexico, đã vượt biên giới sang Mỹ để đoàn tụ với người thân của họ. Về cơ bản những người này hoàn toàn không có cơ hội trở thành công dân hợp pháp, thường trú nhân hay thậm chí là có giấy phép làm viêc hoặc giấy phép lái xe theo luật pháp Hoa Kỳ.

Những đứa trẻ trong các gia đình ấy được bố mẹ đem tới Mỹ, trên thực tế, tự chúng hoàn toàn không biết là mình đang cư trú bất hợp pháp và chỉ cho tới khi đến tuổi vị thành niên, khi không thể đăng ký thi bằng lái xe hay nộp hồ sơ xin những khoản tài trợ học phí tại các trường cao đẳng và đại học vì không có số an sinh xã hội, chúng mới nhận ra tình trạng khốn khổ của mình.

Điều gì sẽ xảy ra với những đứa trẻ này, khi từ nhỏ chúng đã được đi học tại các trường học của nước Mỹ, thông thạo tiếng Anh, quen thuộc với cuộc sống và văn hóa như những đứa trẻ bản địa nhưng trong tương lai lại không thể có được một công việc hợp pháp để nuôi sống bản thân và ổn định cuộc sống? Liệu những đứa trẻ ấy có bị buộc trở về quốc gia nơi chúng đã được sinh ra nhưng lại hầu như không biết tí gì về cuộc sống ở đó, hay chúng sẽ tiếp tục cuộc sống bất hợp pháp tại Mỹ như bố mẹ của chúng?

Chương trình DACA bảo vệ những người mà thời niên thiếu đã theo gia đình nhập cảnh vào Hoa Kỳ, phần lớn khi mới lên 6 tuổi, chủ yếu từ Mexico và các nước Trung Mỹ. Thành phần này được biết đến dưới tên gọi chung là ‘Dreamers’ theo đạo luật Dream Act, và xem Hoa Kỳ là quê hương duy nhất của họ.

Đứng trước thực tế này, năm 2001, hai thượng nghị sĩ Orrin Hatch và Maria Cantwell giới thiệu dự luật Dream Act, theo đó, những di dân đến Mỹ từ khi còn nhỏ tuổi sẽ được phép nộp đơn xin cư trú hợp pháp với giấy phép lao động và thậm chí trở thành công dân Mỹ. Tuy nhiên, dự luật dự trù sẽ giúp 11 triệu di dân được hợp pháp hóa tình trạng cư trú tại Mỹ, không hội đủ 60 phiếu thuận tại Thượng viện để chính thức trở thành luật cho ban hành và áp dụng.

Để tìm một giải pháp và cũng là lối thoát cho hàng triệu người nhập cư không giấy tờ tới Mỹ từ nhỏ có cơ hội được ở lại, làm việc hợp pháp, đóng góp chung vào lực lượng lao động của nước Mỹ, tháng 6 năm 2012, Tổng thống Barrack Obama ra sắc lệnh mở ra chương trình DACA, tạm thời bảo vệ những di dân này khỏi bị trục xuất. Những di dân trẻ tuổi không giấy tờ, nếu hội đủ một số điều kiện như tốt nghiệp trung học tại Mỹ, chưa từng vi phạm pháp luật… có thể nộp đơn xin giấy phép lao động trong hai năm để cư trú và làm việc hợp pháp tại Hoa Kỳ và phải xin gia hạn sau mỗi hai năm như thế.

Với DACA bị xóa sổ ngày 5/9/17, giới hữu trách không tiếp nhận các đơn mới nữa. Tuy nhiên, với những người đang được hưởng lợi từ DACA, các giới chức cho biết giấy phép làm việc của họ sẽ tiếp tục có hiệu lực đến ngày hết hạn; các đơn xin DACA đã nộp trước ngày 5/9/17 sẽ được cứu xét; những ai hết hạn diện DACA trước ngày 5/3/18 có một tháng để xin giấy làm việc 2 năm và những giấy xin gia hạn sẽ được xem xét.

Nếu Quốc hội không thông qua được một luật nào bảo vệ những người theo diện DACA thì gần 300 ngàn người sẽ bắt đầu mất tình trạng hợp lệ và đối mặt với nguy cơ trục xuất trong năm 2018 và hơn 320 ngàn người nữa sẽ bị mất tình trạng hợp lệ trước tháng 8 năm 2019.

Trục xuất một đội ngũ lao động trẻ – mà nước Mỹ đang rất cần đến họ – những người vô tội vì họ chỉ theo chân cha mẹ đến mảnh đất của cơ hội và là thiên đường trong ý nghĩ của những người đã rời khỏi quê hương tôi thật không đành lòng nhìn thấy họ sẽ bơ vơ và lạc lõng khi trở về nơi mà họ đã ra đi khi còn rất nhỏ. Mảnh đất này họ đã sống và lớn lên, hưởng được một nền giáo dục rất tốt trong tinh thần dân chủ và tự do. Và theo thống kê cho thấy là một đứa trẻ được trả tiền học một năm có thể từ 10 ngàn đến 15 ngàn từ tiểu học đến trung học, như thế thì đào tạo một con người từ lúc bé cho đến khi có thể làm việc thì gia đình và xả hội đã đầu tư rất nhiều về thời gian và tiền bạc. Hiện giờ những người trẻ tuổi đã đến tuổi 25, có thể cống hiến cho xã hội thì lại bị trục xuất, không được chấp nhận. Tôi cho đó là một sự lãng phí và không có tình người, vì khi phải ra đi có lẽ họ sẽ rất buồn và khó mà chịu đựng nổi sự mất mát của một kẻ bị xua đuổi. Còn một điều nữa là chưa chắc chính phủ của đất nước của những người di dân này bằng lòng tiếp nhận lại họ. Như một lời an ủi và mong mỏi cho những người đã có một giấc mơ đến Mỹ, được thực hiện trọn vẹn giấc mơ nước Mỹ, chúng ta hãy đọc lại bài thơ “New Collosus” của thi sĩ Emma Lazarus. Bài thơ này được khắc trên một tấm biển ở dưới chân tượng Nữ thần tự do ở thành phố New York vào năm 1903.

“Không giống như tượng đồng Hy Lạp

Với đôi chân dang rộng chế ngự hai bên bờ đất liền

Nơi đây bên những cánh cổng nước biển bào mòn, với ánh hoàng hôn

Một người phụ nữ vĩ đại với cây đuốc lửa chiếu sáng

Bà Mẹ của những kẻ tha hương.

Từ bàn tay nâng cao ngọn đèn dẫn đường, sáng lên lời chào toàn thế giới

Ánh mắt trìu mến ra lệnh cho bờ cảng nối liền hai thành phố

“Hãy giữ lại những vùng đất của ngàn xưa, sự hoa lệ thêu dệt trong truyền thuyết”

Bà khóc, với đôi môi câm lặng

“Trao cho tôi sự mệt mỏi, sự nghèo đói, những đám đông hỗn loạn đang khát khao được hít khí tự do.

Sự từ chối khốn khổ của cái bờ biển lúc nhúc người.

Hãy đưa những người này, và những kẻ không nhà, bị bão tố vùi dập đến cho tôi”.

Tôi nâng ngọn đèn soi bên cạnh cánh cửa vàng”

Lời cam kết của một nước Mỹ vĩ đại, vùng đất hứa cho những kẻ tha hương tìm đất sống, những người may mắn đã đến trước và trở thành chủ nhân ông có quyền quyết định cho tương lai và vận mệnh cho những kẻ đến sau. Tôi tự hỏi là cái tên gọi cho Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ có còn ý nghĩa gì không khi chủ nghĩa da trắng thượng tôn đang trở lại và ảnh hưởng rất nhiều đối với những người da trắng bảo thủ, họ không muốn sự có mặt của các sắc dân khác. Tổng thống Trump đang làm ngược lại những gì mà Tổng thống Obama đã tạo ra, một cách nào đó để thỏa mản tự ái mà vì lòng đố kị cho nên ông không thể làm với lòng nhân đạo của một người biết lắng nghe và thương xót những kẻ cùng cực.

Tôi cũng có một ý nghĩ là vì ông đã diễn xuất trên sân khấu của show truyền hình thực tế “The Apprentice” trong suốt 14 năm liên tiếp, và qua show diễn này, ông luôn có khả năng làm khán giả không thể rời bỏ đến phút cuối và người xem tập sau luôn cao hơn tập trước.

Bị ám ảnh bởi tỉ lệ khán giả, ông luôn cố gắng tìm ra mạch chuyện mới, đẩy các nhân vật chính đến bờ vực. Người xem sẽ không bao giờ biết chính xác ai sẽ là người rời khỏi cuộc chơi. Và ngày mai ông ta sẽ nói gì, mang vấn đề nào ra để tấn công và nạn nhân sẽ rất bất ngờ trong việc ra tay của ông.

“Những chiêu trò của truyền hình thực tế đang được vận dụng triệt để và hoàn hảo trong sân khấu chính trị”, các show truyền hình thực tế nổi tiếng với chuyện tạo ra kịch tính bằng việc sỉ nhục, mắng mỏ cùng với lối hành xử hung hăng, thô bạo và bây giờ thì ông có thể tạo thêm nhiều màn hồi hộp, hấp dẫn người coi hơn bằng chính số phận của nhiều nạn nhân trong tay ông. DACA cùng là một trong những gì ông đang thực hiện và với tư cách của một con buôn, ông đang ngả giá với đảng Dân Chủ về việc giảm thuế cho người giàu và xây bức tường ở biên giới Mễ Tây cơ.

Báo chí và các đài truyền thông Mỹ nói nhiều về cái gọi là “vòng tròn thân tín” gồm những cá nhân chủ chốt mà ông Trump tin tưởng hơn hết thảy. Điều này một phần xuất phát từ chính tính cách cá nhân của tổng thống Trump

Dù Nhà Trắng luôn phủ nhận, thực tế đã cho thấy điều truyền thông nói là đúng. Nói như một nhà bình luận, hoặc là anh phải thật giỏi và làm tốt việc của mình để không ai nói được gì, hoặc anh phải thể hiện sự trung thành với tổng thống. Nhưng chúng ta đã thấy là ông Trump cần người trung thành hơn là làm việc giỏi, vì bây giờ những người làm việc trong nội các của ông cũng đã ra đi khá nhiều, giống như game show của ông ngày trước.

Bà Laurie Ouellette, giáo sư truyền thông tại Đại học Minnesota, người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về truyền hình thực tế, đưa ra nhận định là ông Trump làm chính trị theo kiểu truyền hình sân khấu, và nhiều người đã nhìn nhận là chính trị nước Mỹ chưa bao giờ đa dạng và nhiều sắc màu như “một show truyền hình thực tế” ở thời tổng thống Donald Trump.

Xin ơn trên phù hộ cho nước Mỹ, những người cần được giúp đỡ và cho tất cả chúng ta.

Hồng Lĩnh

*DACA: Deferred Action for Childhood Arrivals.

 

©T.Vấn 2017

 

Bài Mới Nhất
Search