T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khải Triều: VỀ CHỖ CŨ

 

Lời Giới Thiệu : Khải Triều là một cái tên không xa lạ với giới sinh họat chữ nghĩa trước 1975 ở miền Nam. Tuổi của ông không còn trẻ, đã qua  thất thập hơn nửa đoạn đường để tới chặng kế tiếp (1937). Khải Trìều được biết như một cây bút thiên về tiểu luận qua các vấn đề thời sự chính trị, xã hội, văn hoá….Trước đây trong sinh hoạt báo chí, ông cộng tác với nhật báo Dân Việt (1964). Báo Liên Sinh (các sư huynh Taberd), nguyệt san Giáo Dục (Viện Khoa Học Giáo Dục _ sư huynh Mai Tâm,từ 1969 đến 1975), nguyệt san Tinh Thần ( nha Tuyên Úy Công Giáo, từ 1967…) Tập san Nghiên Cứu Văn Học ( Đại học Văn Khoa Saigon_ Linh mục Thanh Lãng, từ 1966…). Trong nhóm chủ trương biên tập Bán nguyệt san Văn học Thời đàm Quần Chúng( Cùng với Cao Thế Dung, Chu Vương Miện, Bùi Đức Uyên, Đỗ Đức Thịnh, Ngọc Tự..từ 1967 đến 1971…) Thư ký toà soạn báo Diễn Đàn Chính Đảng ( Trương Vĩnh Lễ, Nhị Lang..từ 1971…). Biên tập viên báo chí Không Quân( Lý Tưỏng, Chính Huấn…từ 1967…).

       _ Một vài tác phẩm:

                  . Người ôm mặt khóc. Thơ. Đại Nam Văn Hiến xuất bản 1963

                  . Tiếng hát khuẩn trùng. Thơ. Đại Nam Văn Hiến xuất bản 1964

                  . Bản Tự Thú . Tập tiểu luận viết chung với Bùi Phổ, Quần Chúng xuất bản 1970.

                  .Công Giáo Nam Việt Nam sau 1975. Khảo luận và nhận định,ký Nguyễn An Tôn. Nhà xuất bản Dân Chúa (Hoa Kỳ 1988).

T.Vấn & Bạn Hữu

 

(Tùy Bút)

Khải Triều

Trong những nơi xưa kia tôi ở, có một chỗ đã để lại trong tôi những kỷ niệm, những dấu ấn hầu như vẫn không phai nhạt, mặc dù chỉ có 3 năm không nhiều, tính từ lúc bắt đầu tôi đến, năm 1957, cho tới nay, ngày tôi trở lại, là 56 năm. Đối với một đời người, thời gian 56 năm này thật là xa. Chỗ cũ đó là Ban Mê Thuột.

Về mặt Hành chính hiện nay, Buôn Mê Thuột là tên được sử dụng chính. Riêng với tôi và có lẽ với nhiều người khác, sinh trưởng hoặc đã một thời sống tại Ban Mê Thuột, trên dưới 40 hay 50 năm vừa qua, thì Ban Mê Thuột luôn mang một dư âm thân thiết, trìu mến chẳng khác nó là tên gọi của bản quán thứ hai của đời mình.Trong đời sống thường nhật tại thành phố Tây Nguyên này, nhiều người có tuổi vẫn sử dụng tên gọi cũ như một thói quen bẩm sinh. Về mặt tôn giáo, ngày 22 tháng 6 năm 1967, Tòa Thánh Vatican thiết lập Giáo phận Ban Mê Thuột. Điều này cũng có nghĩa tên gọi này đã nằm trong danh bạ các giáo phận Công giáo hoàn vũ. Muốn thay đổi thì phải có sự chấp thuận của Tòa Thánh. Giám mục tiên khởi của Giáo phận Ban Mê Thuột là Đức cha Phêrô Nguyễn Huy Mai (1913-1990). Ngài quê Khuyến Lương, ngoại ô Hà Nội. Ngài nguyên là vị sáng lập Trường Dũng Lạc, Tuyên úy Thanh Sinh Công, Chính xứ nhà thờ Chính tòa, Hà Nội, Giám đốc Tiểu Chủng viện Piô XII của Giáo phận Hà Nội, kiêm Tổng Đại diện Giáo phận Hà Nội. Khi nhậm chức Giám mục Giáo phận, ngài vẫn duy trì danh xưng cũ.

Ban Mê Thuột, là một tên gọi, một địa danh, một chỗ cũ của tôi vẫn luôn mang trong tự thân của nó một tiếng gọi ẩn dấu một không gian, bao phủ một làn khí mát, trong lành, một hương thơm êm dịu của núi rừng Tây Nguyên. Chẳng biết ai đã đặt tên cho nó là “Xứ buồn muôn thuở”. Bởi đâu ? Bởi không gian? Bởi con người ở đây? Hay bởi một tình sử xa xưa nào đó giữa một mỹ nhân và một chiến sĩ trẻ tuổi thuộc hai bộ tộc khác nhau?

Ngoài tất cả những điều này, riêng với tôi, Ban Mê Thuột còn là một ân sủng, trao ban một sứ điệp. Tại đây, tôi uống no thỏa bầu khí thanh tịnh, tinh khiết, hương thơm của núi rừng, nhất là những giờ khắc của hoàng hôn, những thiêng liêng trong thánh lễ chiều và những huyền bí của năm canh trong đêm dài, nơi bước chân tôi, âm thầm và lặng lẽ, từ một tiệm cà phê trên lối về nhà trọ, 56 năm trước.

Những năm sống tại đây, với cảnh trí đó, tôi như quên thời gian, như không tồn tại, như quên cả chính mình.Tôi bị không gian này bao phủ. Thời kỳ này, tôi lại mang trong lòng nỗi hoài hương khôn nguôi. Ở nơi quê nhà yêu dấu đó, còn Thầy Mẹ tôi. Mới ngày nào, mẹ còn dẫn tôi đi học ở Hoàng Nguyên, Phủ Lý, rồi Hà Đông, Hà Nội. Nơi nào có bước chân non của tôi, thì cũng có dấu chân của mẹ. Bây giờ sao mà xa đến thế! Bài thơ đầu tay tôi viết trong đời là tại đây, đó là bài Sang Mùa, ký tên Mạc Hồ Phong. Tôi gửi về Sài-Gòn cho thi sĩ Nguyễn Vỹ, chủ nhiệm bán nguyệt san Phổ Thông. Tôi không còn lưu lại bài thơ này, nhưng tôi vẫn không thể quên được cái cảnh trí của Ban Mê Thuột lúc bước vào mùa thu năm ấy, nó như một sức hút, một chất ma túy tác động mãnh liệt đến tâm thức tôi. Như một mời gọi khẩn trương, tôi cầm lấy bút viết lên bài thơ này.Tờ Phổ Thông đã dành trọn một trang giấy khổ nhỏ, tương tự như tờ A4 gấp đôi hiện nay, đóng khung trịnh trọng.

Thế rồi, mấy năm sau, trong một giấc ngủ trưa, có một vật gì vướng trong cổ họng làm tôi khó chịu, phải bật dậy ngay và lập tức ho ra mấy cục máu nhỏ. Đây là nguyên nhân để tôi phải rời xa đám học trò của tôi, trở về Sài-Gòn sau ba năm bỏ bạn bè, bỏ trường học và bỏ thành phố.

Tất cả những điều trên đây là lý do để tôi trở lại Ban Mê Thuột, một chỗ cũ thiết tha và như tiếng gọi của cái thời khắc lúc sang mùa năm ấy, tuy cách xa đã hơn nửa thế kỷ. Một lý do khác là tôi cũng muốn đi tìm một không gian yên tĩnh của núi rừng trong vài ngày. Tôi đi tìm tôi trong bản chất từ bào thai, trong trút bỏ những phiền trọc tại một thành phố ồn ào, ma quái. Tôi quên đi những trách nhiệm, những trao ban thiêng liêng hàng ngày.

Chiếc Air Bus 320 chở tôi và hành khách đáp xuống sân bay Ban Mê Thuột lúc 8:oo, sau 30 phút bay, ngày 4/4/2013. Tôi lên một taxi về khách sạn Tây Nguyên, trên đường Lý Thường Kiệt. Đoạn đường này dài khoảng 10km.Taxi chạy mất 30 phút. Như vậy là tôi có cả một ngày.trọn vẹn. Tuy vậy, mấy ngày ở Ban Mê Thuột là thời gian tôi không muốn tự mình bị câu thúc bởi bất kỳ điều gì, không suy nghĩ một điều gì.Tôi “buông bỏ”. Trước khi đi, tôi có mang theo quyển sách giấy đã ngả mầu vàng, nói về một chuyển biến trong văn chương Pháp, với một vài tên tuổi như Samuel Beckett, Michel Butor, Claude Mauriac, Alain Robbe-Grillet, Nathalie Sarraute v.v…Sau bữa điểm tâm tại khách sạn ngày hôm sau, tôi lên phòng, mở sách ra đọc một trong mấy nhà văn trên đây. Nhưng chưa hết nửa trang, tôi đã buông sách xuống, vì thực ra lúc này tôi không còn tiếp nhận được gì khác nữa. Ngay cả việc thờ phượng, nguyện kinh và dự thánh lễ, tôi cũng không muốn bị ràng buộc bởi một thói quen, một hình thức.Tôi cũng tránh những ý tưởng có sẵn trong đầu khi tôi trở về chỗ cũ này, nhất là lúc tôi đi lại chỗ tôi ở, ngôi trường học Thăng Long nhỏ bé, khu chợ Ban Mê Thuột trên đường Y Jut và sau cùng là nhà thờ Cột đèn ba ngọn. Còn những tiệm cà phê ngày đó tôi thường ghé sau những thánh lễ ban chiều, trước khi trở về nhà trọ. Tôi chẳng có một mong muốn nào tìm lại được những dấu vết cũ, vì đã qua đi một thời gian thật dài với những biến cố lửa đạn. Nào là cuộc đảo chính 1963, trận Tết Mậu Thân 1968, trân Mùa Hè 1972 rồi 1975. Tất cả, vẫn như còn trước mặt với bao kinh hoàng và đắng cay.

Có một vài chỗ cũ khác những lần tôi về thăm nhà, tôi cũng đã vội vã đi thăm viếng ngay, không phải một lần mà nhiều lần, như Hà Đông, giáo xứ Thạch Bích và nhất là Trường Hoàng Nguyên, nơi đã đào tạo bao nhiêu tu sĩ và linh mục, cách riêng cho Giáo phận Hà Nội, cho Giáo hội Việt Nam nói chung. Nhà cách mạng Mai Lão Bạng xuất thân từ ngôi trường này; các nhạc sĩ trong Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh cũng xuất thân từ đây. Nhạc sư Linh mục Tiến Dũng, trước khi đi Rôma học là thầy của tôi ở Hoàng Nguyên v.v…

Khi đến những nơi này, tôi có nhiều cảm xúc hơn, nhất là khi đứng trước cửa trường Hoàng Nguyên. Có lẽ ngay tại đây, những dấu tích cũ nay vẫn còn đó, nhưng đã phủ một lớp rêu phong, các vách tường đã tróc hết lớp vữa, lộ ra những lớp gạch. Các phòng học ngày trước trống trơn, bụi bặm, nhiều rác rưởi.Thật xúc động và bồi hồi.

Lần đó, năm 1997,trở về nhà, tôi viết mấy câu thơ này:

Tôi đứng nơi đây trước cổng trường

Bên hồ lở loét, gạch rêu phong

Nét son ngày đó còn đâu nữa!

Mặt nước trong xanh cũng chẳng còn!

 

Người hỡi! Bây giờ thôi đã hết

Dấu xưa hồn cũ thấy mà đau!

Nao nao chiếc lá rơi về cội

Cảnh đó mà sao thấy vắng người?!

Câu trên, chữ “hồ” chỉ cái hồ nước, dùng để chủng sinh tắm, ngoài cổng trường đi vào là gặp, bên phải; “nét son” chỉ những bậc gach xuống hồ, qua nhiều đời, đỏ au. Khi tôi và người anh em linh tông vừa đến nơi, chúng tôi chẳng ai bảo ai, dừng chân trước cổng trường ngay, lặng lẽ nhìn một lượt toàn cảnh mặt tiền nhà trường phía ngoài. Nhà cha Bề trên (thời tôi học là Cha Giuse Kiều Năng Lợi), ngài qua đời tại Giáo xứ Hàm Long, Hà Nội, ngày 28 tháng 11 năm 1959,vẫn còn nguyên đó nhưng như phủ một bầu khí lạnh lẽo.

Khi tôi ngồi gõ từng chữ trên phím máy computer này, là tôi đã trở về ý thức, với những ràng buộc, những câu thúc, những trách nhiệm của một kẻ làm người với những quan hệ trong gia đình, trong thân tộc, bạn hữu, xã hội và tôn giáo. Tôi lại đâm ra lẩm cẩm khi nhớ mấy ngày ở Ban Mê Thuột vừa qua, cả thời kỳ ở Ban Mê Thuột 56 năm trước. Những ngày và năm tháng này, tôi thật sự là tôi, những ngày tôi làm thơ Người ôm mặt khóc, Tiếng hát khuẩn trùng; những ngày tôi có mặt mà như không có mặt ở đời, mặc những bon chen, thị phi, ngộ nhận. Đấy là điều tôi muốn tìm lại mà không được. Có một lúc, tôi tưởng mình đã bước qua những phạm trù, những ý niệm về sai biệt, về giai cấp, về đấu tranh… Nhưng đâu là ý niệm về sự giải thoát, về sự viên mãn…, một khi con người còn phải “lụy-phiền” chính bản thân mình, còn phải đối mặt với những ma quái, những bán buôn lương tâm và vô liêm sỉ?! Thật sự có giải thoát, khi con người còn hiện hữu trong thân xác không? Một người đã quên mình cho những con người bất hạnh, bị chính người thân bỏ rơi trên các đường phố tại Calcutta (Ấn Độ) như Mẹ Têrêxa, ngay lúc còn sống, Mẹ đã được thế giới coi là một vị thánh sống, thế mà đã có lúc lòng Mẹ bị chao đảo, Mẹ hoài nghi về niềm tin của mình! Thiên Chúa ở đâu? Ngài hiện hữu mà như vắng mặt. Ngài kiên nhẫn chờ đợi con người đến bao giờ!? Thế giới ngập tràn khổ đau, tội lỗi, khủng bố, bạo lực! Con người ở xã hội tôi vẫn đang bị tước đoạt quyền làm người. Tôi được an bình vì tôi sống như thế không hiện hữu, tôi giả vờ vô tư, mặc kệ nó! Tôi giả vờ mình được cứu rỗi, được hạnh phúc! Nhưng tôi không thoát được tiếng thì thầm của lương tâm, trách tôi vô cảm, im lặng trước sự thật bị chà đạp! Tôi có bình an thật không hay bất an trong lòng!

Ngày thứ hai ở Ban Mê Thuột, lúc tôi đi lại chỗ ở và lớp học cũ, khu chợ cũ trên đường Y Jut, tôi chỉ thấy một thoáng bâng khuâng. Chợ thì đã xây mấy tầng, còn chỗ ở và lớp học thì đang xây dựng một công trình lớn, chạy dài cả trăm mét với mấy tầng lầu. Hình như đây là một khu kinh doanh tổng hợp, vì bên dưới thấy những bảng hiệu của một vài công ty. Đi qua mấy con đường dài và lớn, như Lý Thường Kiệt, Phan Bội Châu, Quang Trung mà tôi chẳng thấy một tiệm cà phê nào, chỉ thấy toàn các mặt hàng của một thành phố đang phát triển về công nghiệp. Có một vài cửa hàng nhỏ, có mấy người ngồi trước cửa uống cà phê trên cái bàn nhựa nhỏ, nhưng có lẽ đấy không phải là chỗ chủ yếu bán cà phê, tôi không ghé vào. Đi một lúc nữa, tới ngã tư Lý Thường Kiệt-Quang Trung, rẽ phải một quãng, gặp ngã tư Quang Trung-Y Jut. Chợ Ban Mê Thuột đang ở trước mặt tôi, nhưng tôi chưa vào chợ ngay, mà đi về phía tay mặt Y Jut. Con đường này xưa kia cũng là một con đường rộng, nay mở rộng thêm.Có một chỗ cũng bán cà phê, nhưng chỉ một vài người đàn ông đứng tuổi ngồi, tôi cũng không ghé. Đi một quãng nữa, bên kia đường có một chỗ bán cà phê trên vỉa hè, nhiều thanh niên ngồi. Tôi qua đường bên ấy, ghé vào gọi ly cà phê sữa nóng.Tối hôm trước, sau bữa cơm ở khách sạn Tây Nguyên, tôi cũng gọi một ly cà phê sữa nóng. Đây là ngày thứ hai và cũng là ly cà phê sữa nóng thứ hai tôi uống khi trở lại Ban Mê Thuột. Cả hai ly, có cùng một hương vị, một lượng nước, còn lượng bột cà phê thì tôi không thấy được vì người bán pha sẵn. Ly cà phê sữa thứ ba là ly cà phê phin ở sân bay Ban Mê Thuột sáng ngày tôi trở lại Sài-Gòn, ngồi chờ làm thủ tục lên máy bay, vì máy bay trễ khoảng 50 phút. Ly cà phê ở sân bay cũng giống như các cửa tiệm cà phê tôi ngồi uống với bạn bè hay người thân ở Sài-Gòn, cái phin lược cà phê đầy nước, thấy mà hết muốn uống. Tuy nhiên, ngồi ở sân bay Ban Mê Thuột mà uống cà phê có một điều hay, trước mặt khách là những con đường dành cho xe cộ đưa tiễn khách, giáp ranh khu rừng rậm, nên ngồi uống cà phê ở đây có cả làn gió mát của rừng, pha trộn hơi nóng tỏa ra từ những con đường nhựa mới làm kia. Một chút khó chịu. Có lẽ vào những tháng cuối năm, uống cà phê ở đây chắc là thú vị hơn, vì khách ở giữa một không gian, trước mặt khách là một khoảng mầu xanh của rừng, những chiếc xe chở khách cũng ra vào sân bay cách nhẹ nhàng, như không vội vàng, không tranh giành. Tuy nhiên, trong ba ly cà phê sữa này, chỉ có một ly tôi uống vào buổi tối ở khách sạn và một ly trên vỉa hè đường Y Jut, là có được tính chất cà phê Ban mê (?) điều làm tôi nhớ mà trở lại đây.Cả hai ly này, lượng nước chỉ bằng 1/2 cái ly có chiều cao khoảng 5 hay 6cm. Lượng nước đã ít như thế thì lượng cà phê cũng phải tùy thuộc vào đó mà pha, lại còn lớp sữa nữa. Như vậy, hẳn nhiên đây là một loại cà phê đặc biệt. Tuy nhiên, khi tôi nghĩ đến vấn đề đời sống kinh doanh hiện nay, tôi đâm ra hoài nghi về chính cái mục đích của tôi, là đi để tìm lại hương vị cũ.Trong khi việc pha chế cà phê bây giờ tinh xảo hơn, máy móc sản xuất đồng loạt tân tiến hơn xưa gấp bội, vì vậy mà có lẽ, đấy chính là cách làm giảm trừ tính chất thực sự của cà phê nguyên thủy, thực ra là thời kỳ tôi sống ở đây.

Ngày đó, tôi thường đến những tiệm cà phê mà chủ quán cũng là chủ đồn điền cà phê. Có khi được chủ quán đãi vì gặp buổi có sản phẩm mới, chính xác là nguyên chất. Bây giờ mà tôi đi tìm cái hương vị xa xưa ấy, có phải là tôi đã lạc hậu, lẩm cẩm và ngu ngơ quá không? Ai bảo đảm rằng có một chỗ nào đó có bán cà phê với hương vị tôi gọi là nguyên thủy ấy?!

56 năm về trước và bây giờ, hiển nhiên là một thời gian dài, làm sao có thể hiểu được tính chất sai biệt của hương vị cà phê. Nhưng chắc không ai phân biệt được sự thay đổi hương vị cà phê của ngày xưa đó và hiện nay. Một yếu tố khác, ấy là tuổi tác. Ngày đó, tôi chỉ mới hai mươi mốt tuổi đời, lên Ban Mê Thuột mới biết uống cà phê. Còn lúc này, tôi đã 77 tuổi đầu, làm sao nhớ lại hương vị cà phê ngày ấy để mà so sánh với hương vị ngày nay tại chính thủ phủ cà phê này. Tuy nhiên, vẫn còn một điều để nhớ. Đó chính là không gian, là những làn gió mát mang hương thơm của núi rừng về phố thị. Cho nên, uống cà phê ở Ban Mê Thuột chính là uống cả hương vị đó, cả không gian núi rừng Tây Nguyên. Chỉ có ở Ban Mê Thuột tôi mới thấy cảm giác này. Đây là một cảm giác thật sự.

Khải Triều

(Ngày 21/4/2013)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search