T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

KHẢI TRIỀU: LỜI TẠ TỪ QUÊ HƯƠNG

Cuối năm 2018 quê hương tôi đã mở một Hội làng, suốt một tuần lễ, mừng kỷ niệm ngôi nhà thờ 100 năm xây dựng (1914-2018). Và đầu năm 2019, ngôi nhà thờ này và bàn thờ đá được Cung hiến. Một Hồng y và một Tổng Giám mục của Tổng Giáo phận Hà Nội lần lượt về chủ sự hai buổi lễ này. Để đáp đền công ơn sinh thành và của cội nguồn, cha mẹ, họ hàng và quê hương, tôi đã viết một quyển sách, dày hơn 350 trang. Viết xong năm 2023, nhan đề: “Đem tâm tình viết về làng đạo An Mỹ, Xứ Lường Xá, Phú Xuyên, Hà Nội”. Sách có nội dung về địa lý, lịch sử văn hóa, lịch sử tôn giáo. Có những nhân vật tiêu biểu về tôn giáo từ khi làng tôi theo Tin Mừng của Chúa Giêsu từ hơn 200 năm trước; có những nhân vật tiêu biểu về chính trị, hành chính, quân sự, kinh tế. Họ thuộc hai miền Nam-Bắc khác nhau về chế độ chính trị, từ giai đoạn 1945-1975.

Nhân dịp này, tôi được mời về để cùng với BBT của làng viết một kỷ yếu của làng và trong một buổi họp của BBT, có gần 20 người, có cha xứ chủ sự. Tôi nói vài lời về Kỷ yếu này, như kỷ niệm mừng 100 năm hay 200 năm, không chỉ có sự kiện này, sự kiện kia, mà quan trọng hơn là 100 năm qua, làng quê mình, về mặt đạo, đã có linh mục nào, tu sĩ nào làm được những gì cho giáo hội hay đã đóng góp gì cho đất nước về mặt văn hóa-giáo dục. Còn giáo dân, có ai ra gánh vác việc nước, việc xã hội không. Tôi nêu tên một vài vị tôi đã chọn trong miền Nam trước năm 1975 và miền Bắc từ năm 1945. Tất cả có 10 vị: về tôn giáo, có 3 linh mục, xã hội có 7 vị. Trong số 7 vị này, ở Hà Nội có 5, Sài Gòn 2. Mới chỉ nghe tôi nói đến tên một người trong Sài Gòn ra làm việc nước ở thời kỳ Đệ I VNCH, (đã qua đời sau năm 1975 ở nước ngoài), thì một ông là cán bộ đảng viên thư ký BBT Kỷ yếu, chống đối liền với giọng điệu gay gắt, thù nghịch. Còn một giáo dân cũng trong BBT này thì từ tốn, nhẹ nhàng nói rằng ở làng cũng có người không thích ông X…(tên một nhân vật là đảng viên CS, tôi chọn, tham gia kháng chiến từ năm 1945 mà nay đã chết).Trước tình hình có vẻ không mấy thuận lợi về mặt tinh thần của cuốn sách, nhưng tôi không thể không viết cuốn này, với tư cách cá nhân, nên đã viết mấy trang  bày tỏ quan điểm và lập trường của tôi, in trước danh sách 7 vị. Đại khái: những người có tên trong sách đều là người làng quê An Mỹ, đồng hương với tôi, có người là họ hàng với tôi, rất gần. Hơn nữa, theo giáo lý Hội thánh Công giáo, mọi người đều là anh em với nhau, con cùng một Cha trên trời. Trong Kinh thánh Tân ước, Chúa Giêsu dạy người ta yêu thương nhau: “Hãy yêu  kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em (Lc 6, 27-28). Còn chuyện hàn gắn chia rẽ, thù hận, băng bó vết thương giữa hai miền, là chuyện của trăm năm! Tục ngữ Việt Nam có câu: Thương nhau trái ấu cũng tròn – Ghét nhau bồ hòn cũng méo.

Tôi không tránh né những thời kỳ quê tôi nói riêng và toàn thể nông thôn ở miền Bắc nói chung, trải qua những biến cố hãi hùng, như Cải cách ruộng đất, hợp tác xã nông nghiệp cũng như về đời sống tôn giáo. Xứ đạo quê tôi không có linh mục suốt mấy chục năm. Cho nên, tôi đã viết một bài về những cái đã “mất” và “được” tại làng tôi từ Cách mạng Tháng Tám, năm 1945 cho đến sau “đổi mới”, năm 1986. Chiến tranh cũng là toàn diện, không một thôn làng nào dù bé nhỏ cũng không là một hòn đảo bị lãng quên. Cho nên tôi cũng viết một bài: làng tôi trong chiến tranh. Có đồn bót, có lính Tây về bắt hết thanh niên lên nhốt ở thị xã Hà Đông, vì Tây nó bảo mặt trận sắp tràn về vùng làng tôi. Lúc đó là cuối năm 1951 hay năm 1952 gì đó. Người có tên trong sách tôi và ông cán bộ đảng viên chống đối, mà tôi đã nói đến trong buổi họp BBT kỷ yếu, đã đứng ra can thiệp với người Pháp nên số thanh niên làng tôi bị Tây bắt, khoảng 200 người, đã được trả về hết.

Tôi đã về thăm nhà hơn 20 lần và kết quả là tôi đã viết được 5 quyển sách riêng cho quê hương, trong đó có hai quyển là Gia phả của dòng họ tôi, gồm có 5 chi, từ Cụ Cao tổ cho đến các con cháu hiện nay, đời thứ 6, thứ 7, khoảng hơn 200 năm. Đây cũng là quyển Gia phả đầu tiên ở quê tôi từ mấy trăm năm. Gia phả này có bản Hương ước cổ của làng tôi, do các cụ Kỳ mục trong làng soạn năm 1910, nói là lưu lại một số điều khoản cũ. Như thế có nghĩa, bản Hương ước năm 1910 là mới, còn bản cũ không dùng nữa. Bản nói đây viết bằng chữ Nôm, hiện lưu trữ tại Thư viện Khoa học Xã hội Hà Nội, ký hiệu H.ư 548. Bản Gia phả họ Nguyễn, Tập 1, viết xong năm 2014 và phân phối cho những người trong họ hàng, sống ở quê và tại Sài Gòn hay ở hải ngoại.Tập 2, viết xong năm 2023. Tôi cho in chung Tập 2 này với quyển Đem tâm tình viết về làng đạo An Mỹ, vì vậy sách dày hơn 550 trang. Nhưng trước khi in chung hai cuốn vào làm một, tôi đã in riêng cuốn Đem tâm tình viết về làng đạo An Mỹ…,với số lượng hơn 100 cuốn, dành biếu các cha và các tu sĩ ở làng, hay tặng một số người bên ngoài họ hàng tôi. Còn cuốn in chung, tôi dành phân phối đến mọi gia đình trong họ nội họ ngoại.

Đã có lúc tôi nghĩ rằng, viết mấy cuốn sách về quê nhà mình, không kể hai quyển Gia phả viết về các chi của dòng họ tôi, thì với cuốn Đem tâm tình viết về làng đạo An Mỹ, xứ Lường Xá, Phú Xuyên, Hà Nội rồi tự in cả trăm cuốn đem về quê biếu cho một số người, có phải là tôi ngớ ngẩn hay đã ra điên rồ rồi không! Vì tôi nghĩ từ khi Việt Nam  “ra biển lớn” hay gọi là “hội nhập” với thế giới dân chủ, tự do hay thế giới tư bản mà trước kia suốt mấy chục năm dài, Việt Nam bảo là họ đang “giẫy chết”, rồi Internet xuất hiện, điện thoại thông minh trở thành “vật bất ly thân” đối với giới trẻ và nhiều thành phần khác cũng lướt, cũng nhấn và căng mắt nhìn vào màn hình, thì làm gì còn quê hương! Một số nhà văn nhà báo cũng đã phản ảnh về tình trạng tại nông thôn Việt Nam,nhiều làng đã biến mất, nhiều di tích lịch sử cũng đã bị phá hủy từ thời “bao cấp”. Vậy mà tôi lại làm một việc hầu như chẳng có ai làm trong lúc này, như thế thì không điên rồ cũng ngớ ngẩn! Tuy nhiên tôi còn tỉnh táo và tự nhủ mình: Tôi nhớ và yêu mến quê hương tôi, vì trên mảnh đất này đã thấm đượm mồ hôi, nước mắt và cả máu của Tổ tiên tôi, các đấng sinh thành ra tôi, những người thân yêu khác của tôi suốt mấy trăm năm nay rồi. Còn với tôi, đã có một thời tôi được phục vụ bàn thờ, nhà xứ, được yêu thương, được cưu mang. Cho nên, tôi có ra người ngớ ngẩn hay thành kẻ điên rồ vì viết sách về quê hương mình ở vào thời đổi mới, đổi mới toàn diện, thì tôi cũng không ân hận gì. Cuộc thay đổi ở Việt Nam mới chỉ bắt đầu, chưa biết ngả về đâu.

Ở cuối cuốn Gia phả, tập 2, tôi có viết ít trang để thay lời nói cuối, như một tâm tư của kẻ xa nhà gửi lại cho những người thân yêu, dù đã khuất. Tâm tư thế này:

“Dòng họ tôi, sau hơn 200 năm, nay đã mất đi thật nhiều. Hiện tại, có chi không còn một ai, có chi còn lại một hai người nhưng cũng không còn mối liên hệ nào nữa với những chi họ khác. Điều này vẫn còn đang diễn ra từ từ bởi sự liên đới lỏng lẻo, tại quê hương cũng như tại Sài Gòn! Tôi không biết điều này là do biến dịch của lịch sử hay do xu hướng văn hóa đương thời trên toàn cầu. Có lẽ cả hai, nên sự lỏng lẻo trong tình cảm giữa người với nhau càng ngày càng rộng. Có đôi lúc, tôi chợt nghĩ đến điều này rồi ứa lệ. Dẫu biết rằng ngay trên bình diện toàn cầu từ khi con người thái cổ xuất hiện cho đến nay, đã có bao nhiêu bộ lạc, bao nhiêu chủng tộc bị “xóa tên” hay tự “biến mất” vì không đủ sức đề kháng  với những biến đổi khắc nghiệt của thiên nhiên, hoặc bị những bộ lạc khác mạnh hơn tiêu diệt. Cụ thể là Việt Nam vẫn tự hào mình là một dân tộc có gần 5000 năm Văn Hiến, gồm 100 bộ lạc gọi là Bách Việt, chiếm cứ một vùng đất rộng lớn  ở phía nam sông Dương Tử, Trung Quốc, nhưng hầu hết đã bị Hán tộc đồng hóa.

“Lịch sử là thế, từ bộ lạc lớn đến bộ lạc nhỏ, từ các dòng họ một thời vang danh anh hùng cái thế, đến những chi tộc nhỏ bé, những cá nhân đơn độc, đã hiện diện trên mặt đất này, hoàn toàn bình đẳng nhau, theo lẽ tự nhiên mà Thiên Chúa ban tặng cho con người nói chung. Mỗi con người cũng có lịch sử của mình, hay mỗi người là một “ngôi-sao-may-mắn” hay “ngôi-sao-xấu”.

“Dẫu biết vậy, nhưng mỗi khi suy nghĩ đến những gia đình trong gia tộc của mình đã đi xa, sinh con đẻ cái ở xa, rồi không trở về quê cũ của mình nữa, thì trong tôi vẫn thấy có một sự trống trải, một nỗi buồn khó diễn tả bằng lời.”

Đến nay thì tôi đã già và biết không còn thời giờ nữa, nên tôi đã viết bài Giã biệt quê hương, để cuối cuốn Đem tâm tình viết về làng đạo An Mỹ… Nay đổi tên bài là “Lời tạ từ quê hương”với vài sửa đổi và thêm thắt.Cuốn này là cuốn thứ 5 và cũng là cuốn cuối cùng dành riêng cho quê hương tôi. Dẫu là thế, tôi vẫn thấy như còn thiếu một mảng tâm tư chưa trải ra được trong suốt 5 cuốn sách, ước lượng cũng hơn 1.000 trang. Vậy, tôi xin gửi nốt mảng tâm tư này cho quê hương yêu dấu qua mấy lời thơ:

1-Tôi rời xa quê nhà từ năm 18 tuổi, khi trở về thì tóc đã bạc, cảnh trí nơi ngày xưa mình gắn bó đã thay đổi. Tôi ra bờ hồ, nơi có tượng đài Đức Maria Hồn Xác lên trời, Bổn mạng quê hương tôi, nhìn  lên Mẹ mà tâm tư:

Mẹ còn đây. Quê hương còn đây!

Ánh vầng dương vẫn tràn đầy Tin Yêu

Ôi quê hương! Vấn vương nhiều

Thơ tôi là tiếng quốc kêu đêm hè

Bao lần về. Bao lần đi

Đi về hai ngả biệt ly trăm chiều

Bâng khuâng nhớ bát cơm chiều

Hồi chuông tắt lửa đìu hiu cõi lòng

Ở nông thôn ngày xưa, lúc tác giả còn ở nhà, có ba hiện tượng rất ấn tượng. Đó là tiếng chim quốc kêu tại các rặng tre ở bờ ao. Nó trở nên biểu tượng của những tâm tư, những sĩ phu yêu nước, thấy lòng tan nát khi nhìn thấy đất nước bị nhấn chìm trong lửa máu chiến tranh, phận người lênh đênh, chìm nổi. Thời gian người ta nghe tiếng chim quốc kêu là về đêm, cũng có người nói vào trưa mùa hè, nên nó gợi cho người ta nhớ đến bài ca dao “Đêm buồn”:

Đêm qua ra đứng bờ ao

Trông cá, cá lặn

Trông sao, sao mờ

Buồn trông con nhện giăng tơ

Nhện ơi! Nhện hỡi! Nhện chờ mối ai?

Buồn trông chênh chếch sao mai

Sao ơi! Sao hỡi! Nhớ ai sao mờ?!

Chữ “nhớ” ở đây là “nhớ nước”. Vì nước đã mất. Cũng có thể hiểu là tác giả bài ca dao
“nhớ” đến những anh hùng trong lịch sử dân tộc, hoặc một lãnh tụ nào đó còn ẩn mặt. Nên hiểu, bài ca dao này xuất hiện trong thời kỳ Việt Nam bị Pháp đô hộ trong suốt 80 năm. Và có lẽ thế mà con chim kia gọi là “chim quốc”? Quốc là nước. Còn những chữ “chờ mối ai” ở câu trên là chờ một anh quân, xuất hiện cứu nước.

Thứ hai là “bát cơm chiều”, nó chứa đựng biết bao nhiêu là tình cảm và trìu mến đối với người xa quê. Thứ ba là “hồi chuông tắt lửa”. Sau buổi kinh chiều, đèn trong nhà thờ đều tắt. Đã hơn nửa thế kỷ nay, những điều này không thấy được nói đến trong văn học nữa. Vì thế cần được nhắc lại vì đó là những sắc thái đặc thù của nông thôn Việt Nam ở thời yên bình. Còn hồi chuông tắt lửa là một biểu hiện mầu nhiệm của đời sống tôn giáo, nó làm cho tâm hồn con người thấy nao nao lúc chiều về.

2- Với những người năm xưa đã khuất bóng và những người ra đi rời xa quê hương và những người thân trong bất cứ trường hợp nào, không trở về:

Ở đâu bây giờ những người năm cũ?

Gió từ tha ma dưới kia thổi về

Bờ tre xơ xác, ao hồ hoang lạnh

Cây đại ngoài sân có ai quét lá?

Một người cô đơn

Ngồi bên thềm đá

Tóc rũ gió lùa

Lệ ứa bờ mi

Lá vàng bay bay

Rơi trên bờ cỏ

Lá vàng rơi rơi

Rơi về cổ mộ

Nhớ người nằm đó

Trăm năm còn gì!

Lá rơi vào tim

Con tim rướm máu.

  • Sau khi nhận được một bức hình  từ quê nhà đăng trên facebook, ngôi nhà thờ có tháp chuông cao và hai mái của quê tôi với lời ghi: “đón ánh hoàng hôn đầu thu 2018”, tác giả cảm xúc viết bài thơ Trăm Năm, kèm một lời nhắn gửi người trẻ:

TRĂM NĂM

Thu tới hoàng hôn êm dịu quá

U hoài cho lữ khách viễn du

Trăm năm còn đó người đâu tá?

Hỏi người hay ta hỏi ta!

.

Hỏi người hay ta lại hỏi ta?

Tình xưa hương lửa (1) đã phai nhòa?

Nhắn người năm cũ (2) bao vương vấn

Xưa hoàng hôn nay lại hoàng hôn.

.

Bây giờ ta lại hỏi ta

Trăm năm hồn cũ còn đâu nhỉ

Ai người biết được chỉ ta nhé

Lửa hương xin hãy nhóm lên đi.

———-

Ghi chú:

(1)Tình xưa hương lửa”: “hương lửa”: chỉ sự thăng hoa tinh thần (như lửa và hương bốc lên) trong phụng vụ. Ở đây chỉ  sự gắn bó giữa nhà xứ, nhà thờ với tác giả từ những năm 1948-1954.

(2)“Nhắn người năm cũ”: nhân cách hóa hai nơi này.

KHẢI TRIỀU

©T.Vấn 2024

Bài Mới Nhất
Search