T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khải Triều: NGÀY 30-4-2019: NGHĨ GÌ?

 

Tranh: Thanh Châu

Kể từ ngày 30-4-1975 đến nay, đã gần nửa thế kỷ trôi qua, tôi chưa viết một bài nào về cái ngày xảy ra biến cố mà vì nó hàng triệu người phải lìa bỏ xứ sở, đất nước, nhà cửa và tài sản dành dụm cả đời, để liều mình, lao thân vào biển cả, gió bão nếu sống thì được yên hàn, còn không thì bị bọn cướp biển sát hại, liệng xác xuống biển. Không có một thống kê nào chính xác về những mất mát về nhân mạng, nhưng mất mát về tài sản, nhất là về tinh thần thì không thể nói được, ngoài cái từ khủng khiếp. Có lẽ trên thế giới vảo cái thời hận bán thế kỷ XX, chỉ có dân tộc Việt Nam duy nhất chịu nhiều mất mát, nhiều tủi nhục nhất, khởi đầu từ chính những kẻ cầm quyền “đồng chủng” với mình!

Trước năm 1975, tôi có gần mười năm viết báo, làm báo, ra báo tự phát hành báo tuần và bán nguyệt san, lập trường chống Cộng. Số báo nào cũng có bài chống Cộng của những nhà báo, chính khách uy tín. Thế nhưng, chính tôi thì lại chưa viết một bài nào chống Cộng in trên tờ báo của mình cũng như trên báo khác. Tôi ngả về xã hội. Mấy anh em chúng tôi viết bản tự thú về sự bất lực của thế hệ mình đối với chiến tranh ngày càng khốc liệt, tàn bạo. Chúng tôi giận người Mỹ nhưng chưa đủ mạnh để tự mình đứng vững, nên vẫn phải chấp nhận họ.

Cái thời đó, có lẽ tôi hiểu biết Cộng sản quá ít. Cuốn sách của Linh mục Jaeger đã mang đến cho tôi hình ảnh Cộng sản Tàu đối với Công giáo tại Hoa lục thời Mao. Đó là cuốn “Kẻ Nội thù”. Cuốn thứ hai là “Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc” (Sài Gòn 1959) Hoàng Văn Chí (1913-1988) chủ biên, viết về cuộc đấu tranh tư tưởng của các văn nghệ sĩ miền Bắc vào thời kỳ sau khi họ từ chiến khu trở về Hà Nội, họ nhận ra chế độ họ phục vụ suốt 9 năm, nay đã lộ ra những điều giả dối, khô cứng, kỳ thị, phân biệt, phản khoa học, phản dân tộc và phi nhân bản, trên hết là thiếu tự do, nhất là tự do tư tưởng. Nhưng cách riêng là trong suốt những năm này, tôi liên tục đọc tờ Tuần báo Công Giáo và Dân Tộc, do mấy Linh mục và giáo dân gọi là “tiến bộ” phổ biến. Cái dở của vài thành phần Tây học  mê thuyết Mác-xít, đọc Mác-Lênin do những người cùng lập trường, cùng quan điểm với mình, nhiều hơn là đọc những tác giả đọc Mác-xít nghiêm túc và khách quan. Có lẽ họ cũng đọc những tác giả “không Mác-xít” này, vì đấy là công việc của trí thức, nhưng họ vẫn “bảo thủ” vì lúc ấy họ đang sống dưới chế độ dân chủ, tự do và vì có những điều họ không ưa, họ ghét. Nên họ vẫn mơ có ngày phe Xã hội chủ nghĩa sẽ thắng… Điển hình là Linh mục Trương Bá Cần (1930-2009), Tiến sĩ Sử học. Ông viết một tham luận: “25 năm xây dựng Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc”, tham khảo, dẫn chứng toàn dựa vào nguồn tài liệu chính thức của Hà Nội, phổ biến trước ngày 30-4-1975. Nếu Linh mục Trương Bá Cần đã đọc “Kẻ nội thù” của cha Jaeger, cuốn “Từ thực dân đến Cộng sản” của Hoàng Văn Chí và cuốn “Trăm hoa đua nở trên đất Bắc”, Hoàng Văn Chí chủ biên, thì ông đã không có nhiều sai lầm như vậy. Thế nhưng, chính trị đã chi phối ông. Cho nên, bằng cách này hay cách khác, ông phải dấn sâu hơn vào việc trục xuất Đức Tổng giám mục Henri Lemaitre, Khâm sứ Tòa Thánh và đẩy Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận vào trại tù! Trước đó, chỉ khoảng một tuần lễ sau ngày 30-4-1975, tôi đã có một phản ứng bất ngờ là khước từ việc một tay “văn nghệ ngang” nằm vùng, tay đeo băng đỏ, lưng quần giắt súng, đến nhà kêu tôi đi “đăng ký” văn nghệ sĩ. Mấy ngày sau, thấy tôi không đi tới đường Nguyễn Du, số 4, trình diện, vì chẳng biết ai mách bảo, tôi bị xếp vào thành phần văn nghệ sĩ Sài Gòn, phải đi “đăng ký” để dự học tập. Lần thứ hai tôi bảo lão này: “Tôi thuộc thành phần lính, nên tôi bỏ bút, đợi chính sách của nhà nước về lính”. Lần thứ ba, lão này đưa cho tôi một mảnh giấy để tôi ghi lại tất cả những tờ báo tôi đã làm, sách tôi đã viết… Tôi đã bỏ miếng giấy này ở đâu đó trong nhà, coi như không có. Rồi, 8 năm sau ngày người Cộng sản Việt Nam đặt ách cai trị tại miền Nam, đồng thời tôi cũng vừa trải qua cuộc sống 7 năm của một công nhân lao động nặng trên các công trường tại các nhà ga thuộc quyền quản lý của ngành hỏa xa (đường sắt), từ ga Sài Gòn tới ga Mường Mán tỉnh Phan Thiết, sửa chữa hoặc xây mới tất cả các nhà ga trên tuyến đường này, đã bị hư hỏng, để nhân viên có nhà ở, nơi làm việc v.v…Vì thế tôi đã nghe một số cán bộ, nhân viên trong ngành này ở Hà Nội vào, nói về công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội tại miền Bắc, về lập trường chính trị của cán bộ, nhân viên đối với Chủ nghĩa xã hội, cũng như tôi đã trải nghiệm từ chân lý đến thực tiễn xã hội như thế nào, để rồi kết quả là cuốn sách “Công Giáo Miền Nam Việt Nam Sau 30-4-1975” ấn hành tại Hoa Kỷ, do Cơ sở Xuất bản Dân Chúa thực hiện năm 1988, có phép lành của Đức Gioan-Phaolô II. Tôi coi đây như một bảo chứng của tình yêu Chúa, qua vị Giáo Hoàng, thay mặt Chúa trên Tòa Phêrô, ban phép lành cho tôi. Nhờ “bảo chứng” này, tôi đã trải qua nhiều đoạn trường, có lúc tưởng như đã được “mây trắng” đưa về trời, nếu không thì cũng vướng vòng lao lý, tù đày v.v…Lúc viết sách này, Việt Nam chưa có Internet, nên đã chuyển bản thảo viết tay qua bưu điện. Mọi việc suôn sẻ.

MẤY CÂU CHUYỆN VỀ XÂY DỰNG CON NGƯỜI VÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Đã 44 năm trôi qua, tôi sống dưới chế độ Cộng sản, một chế độ mà có nhiều người thuộc nhiều thành phần xã hội, chỉ nghe nói đến là họ đã hãi hùng. Tôi có gặp và nói chuyện với vài nhà văn miền Bắc, trước thời kỳ đổi mới, năm 1986, trước khi cuốn sách của Vũ Thư Hiên xuất hiện, cuốn Đêm giữa ban ngày, trước khi Tô Hải xuất hiện qua cuốn Hồi ký của một Thằng Hèn… Hỏi về chuyện cũ ở Hà Nội, có nhiều cái hay lắm phải không? Họ chỉ trả lời bằng cách đưa ngón tay chỉ lên đầu: Mọi cái phải ghi vào đầu! Lúc đó, tôi là một công nhân công tác trên tuyến đường sắt từ ga Sài Gòn ra tới ga Mường Mán, Phan Thiết.

Trong lúc chúng tôi đang khởi công sửa chữa một căn nhà làm văn phòng cho Thanh Niên Đoàn tại ngay trụ sở chính, trên đường Nguyễn Thông, quận 3, kế cận ga Hòa Hưng, thì một thanh niên dáng cao ráo, đẹp trai, dường như là trưởng đoàn Thanh niên của tuyến đường sắt này (về sau tôi mới biết rõ cái danh xưng này là Bí thư đoàn) từ ngoài bước vào. Anh ta nhìn quanh nhìn quẩn một lát khắp gian nhà, rồi đưa tay chỉ lên hàng chữ đỏ trên vách giữa gian nhà, nói lớn để chúng tôi nghe: “Các anh xóa hết dòng chữ trên tường này đi, không có trăm năm trồng người gì hết. Trồng cái con khỉ thì có.” Rồi tại Hội trường của đoạn đường sắt này, một cuộc Đại hội công nhân viên chức được mở ra, kéo dài 2,3 ngày gì đó. Trong các bài tham luận của các thành phần lãnh đạo, tại cơ sở cũng như tại “cơ quan chủ quản”, tức ban lãnh đạo của Đoạn đường sắt Sài Gòn – Mường Mán, tôi chỉ nhớ bài tham luận của một cán bộ giọng đặc Hà Nội, nói về chính sách kinh tế của đảng và nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam từ những giai đoạn trước đó (trước đổi mới về kinh tế). Nội dung chính của tham luận này là: Nền kinh tế của chúng ta như con cua. Sản xuất bông gòn cho cả nước không đủ cấp cho trường học!…

Khi đội sửa chữa chúng tôi công tác tại ga Bình Triệu, một cặp nam nữ còn rất trẻ trong lúc đợi tàu, đã trao đổi với nhau chuyện xây dựng xã hội chủ nghĩa kiểu mẫu của miền Bắc, mang vào áp dụng tại miền Nam. Người thanh niên nói:

  • Các em được chuyển vào đây công tác là nhận một nhiệm vụ đặc biệt. Đó là xây dựng xã hội chủ nghĩa theo kiểu mẫu của miền Bắc bấy lâu nay của chúng ta. Hân hạnh lắm đó.

Người con gái nói:

  • Chúng em chả dám. Có biết gì là xã hội chủ nghĩa đâu mà xây dựng.

Vừa lúc đó, con tàu từ Sài Gòn ra hú còi vào ga…

VỀ TÔN GIÁO VÀ XÃ HỘI

Trước khi có chuyện “cởi trói” cho tôn giáo, một Đại chủng sinh của một trường  đào tạo linh mục tại miền Bắc, nói với người viết bài này:

Một cán bộ nói rằng, việc “cởi trói” cho tôn giáo, đồng nghĩa với việc cho giáo hội tuyển sinh vào các trường hàng năm, chứ không như trước đây là 2 năm mới tuyển một lần, các dòng tu cũng được nhận người đi tu rộng rãi, là một ý đồ nham hiểm. Cán bộ đảng viên này bảo, nhà nước không sợ tôn giáo bành trướng ảnh hưởng. Bởi vì họ đã có biện pháp ngăn chặn. Đó là mở rộng internet, với những cái xấu được đưa lên màn hình rộng rãi, chắc chắn thu hút được đông đảo thanh thiếu niên, tách giới trẻ xa cách tôn giáo, hoài nghi tôn giáo, kể cả bỏ đạo.

 Cụ thể như: trên tờ Tuần báo Công giáo và Dân tộc số 2202 tuần lễ từ 19.4 đến 25.4.2019, có chủ đề Tuần Thánh và Phục Sinh 2019, nơi trang 9 có một bài ngắn, tựa đề: “Nguy hiểm tiềm tàng…”, của Nguyễn Tấn Quốc, Q5,TP.HCM. Xin dẫn:

Hiện nay trên các trang mạng xã hội và trang chia sẻ giải trí, xuất hiện nhiều hình thức live-streams, đăng ảnh, đăng dòng trạng thái rất “đầu gấu”, được giới trẻ theo dõi “sốt sắng”.

Điều lạ là có từ vài trăm ngàn đến vài triệu lượt người theo dõi. Họ làm gì mà người trẻ mê tít đến độ theo dõi thường xuyên như thế? Xin thưa, họ không chia sẻ chuyện đời tử tế, không diễn hài…mà xoay quanh chuyện…”giang hồ”. Cụ thể, những live-streams của họ đều khoe mẽ chiến tích thanh toán nhóm X,Y,Z. đòi nợ thuê, đe dọa nạn nhân, thác loạn tại vũ trường, phá hoại tài sản…Đồng thời họ chào hàng “khả năng” của mình…Thêm nữa, họ còn buôn bán hàng cấm, hoạt động vay mượn tín dụng đen, cờ bạc…Những lời nói của họ thốt ra toàn là chửi thề, xúc phạm đến người khác.

Điều đáng quan tâm ở đây là những hệ lụy tiềm tàng từ các băng nhóm giang hồ online. Điều chúng ta thấy trước mắt nhất là sự suy đồi đạo đức. Nghĩ xem, họ ăn nói sống sượng, đòi chém giết lung tung. Thậm chí nhiều bạn trẻ còn để giống kiểu tóc, xăm mình, điệu nhẩy… của những tay giang hồ online.

Cũng không ít người trẻ bình luận rằng xem cho vui chứ không ủng hộ cái xấu. Từ việc “xem cho vui” sẽ tạo ra thói quen, gây nên những hệ lụy về sau. Việc bắt chước, bị cái xấu ảnh hưởng là điều không thể tránh khỏi và có thể kéo theo hàng loạt những biến đổi tính cách trong cuộc đời của một cá nhân. Điều hiển nhiên vào lúc này là đã thấy không ít người trẻ giao tiếp với nhau luôn thốt ra những câu chửi thề, tính khí hung hăng, không lễ phép với người lớn tuổi, ăn mặc dị hợm…Sâu xa hơn nữa là mối nguy hại cho sự nhận thức lệch lạc ở giới trẻ, cũng như mất phương hướng trong việc tiếp nhận thông tin.

 Phía sau những gì bài viết trên đây nêu ra là gì? Có phải là hành động của một vài cá nhân trẻ thích đùa hay là một nhóm, một tập thể có quyền lực, có tổ chức giữa lúc vấn đề chính trị trong nước đang ở thời kỳ hiểm nghèo. Đặc biệt, kể từ ngày 14/4/2019, TBT Đảng kiêm CT Nước CHXHCNVN, ông Nguyễn Phú Trọng, bị đột quỵ vì xuất huyết não tại Đảng bộ tỉnh Kiên Giang.

Ngày mai dân tộc Việt Nam đi về đâu?!

Trong một buổi nói chuyện với giới Liên Tu Sĩ của Tổng Giáo phận Sài Gòn, ngày 27-4-2006 tại Hội trường Tòa Tổng Giáo phận Sài Gòn, có khoảng 80 đại diện của các Dòng Tu và Tu Hội nam nữ đã tham dự, Đức Hồng y GB Phạm Minh Mẫn sau một chuyến đi Rôma đã chia sẻvề tình hình một số Giáo hội địa phương, như Giáo hội Hồng Kông, Giáo hội Hàn Quốc, Giáo hội Philippines…và theo ngài, Giáo hội ở nước nào cũng có những khó khăn, những vấn đề phải giải quyết. Nước nhiều tự do hay nước ít tự do cũng có lắm vấn đề. Chẳng hạn ở nước mình bây giờ: Thiếu khả năng tiếp nhận ơn gọi…Trước kia Nhà nước giới hạn ứng sinh vào Chủng Viện. Năm nay Nhà nước không cắt nữa. Xin bao nhiêu cho bấy nhiêu. Vì thế lớp học từ 7-80 tăng lên khoảng 100. Thế là phải dọn cả kho để làm chỗ ở…

Liên quan đến Chủng viện, bây giờ có đề nghị năm thứ nhất của Chủng Viện làm năm tu đức để rửa sạch bụi đời và trau dồi những khả năng cần thiết khác. Vì nhiều Chủng Sinh đã học đại học mà viết một câu tiếng Việt cũng không nổi. Bên cạnh thiện chí, còn có nhiều chuyện khác không lành mạnh đi vào tâm thức của những người trẻ nhập tu. Do đó phải đào tạo cho các Chủng Sinh có ý hướng ngay lành, có kỹ năng đáp trả Ơn Gọi, có khả năng bỏ mình và vác thập giá. Tôi cảm nghiệm điều này hết sức sâu xa. Phải bỏ thói đời. Phải bỏ thói ăn gian nói dối. Vì cả xã hội đã như vậy rồi…(Dẫn theo Bản Tin Công Giáo Việt Nam/ EPHATA 266, Lm Nguyễn Văn Khải, DCCT, lược ghi)

Đấy là tiếng nói của một vị Hồng y lúc còn đương chức. Còn có tiếng nói của “Nhóm yêu nước” Như trong một bức thư (Bản Việt ngữ) viết từ Tp. Hồ Chí Minh, gửi Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đề ngày 13 tháng 5 năm 1996. Thư dài 10 trang đánh máy khổ giấy A4, cuối thư ghi:

Trân trọng kính tâu

Người con khiêm hạ của Giáo hội VN

Nhân Mùa Phục Sinh năm 1996

Bản chúng tôi có trong tay, có chữ viết tay ở cuối thư: “Nhóm yêu nước”.

Ở giai đoạn bức thư được viết, năm 1996, nói “Nhóm yêu nước” là nói đến 4 linh mục cầm đầu cái Ủy Ban Đoàn kết Yêu nước, về sau bỏ 2 chữ yêu nước, thay bằng 2 chữ Công giáo: “Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo”, ở Thành phố Hồ Chí Minh thì thêm những chữ này vào đuôi, ở Đồng Nai thì viết: Ủy Ban Đoàn Kết Công giáo tỉnh Đồng Nai. Và trên hết là Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Việt Nam. Nhưng giáo dân thì gọi đơn giản họ là Linh mục yêu nước, hay “Nhóm yêu nước” vì trong nhóm cũng có vài giáo dân tham gia. Vì chỉ có 4 linh mục mới có thể viết bức thư gửi Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II. Và người bên ngoài cũng chỉ biết rõ tính danh của bốn vị này, sau khi có lá thư riêng của Linh mục Vương Đình Bích gửi Lãnh đạo Dân vận, Mặt trận và Ban tôn giáo Tp. Hồ Chí Minh đề ngày 25-12-1997, đề cập đến “Nhóm nghiên cứu” của Ủy ban Đoàn kết và chuyện tiền bạc. Rồi chuyện gì phải đến đã đến: Thư từ qua lại công khai giữa linh mục Vương Đình Bích và Phan Khắc Từ mở ra. Một dấu chấm hết đã khép lại, ít ra là bề nổi của vấn đề. Bởi vì, mục tiêu chia rẽ giữa người Công giáo với nhau, ít ra tại Sài Gòn uy linh này, đối với Nhà nước Cộng sảnnhư vậy là đã đạt, ở giai đoạn đầu vào chiếm Sài Gòn.Thái độ của họ trong trường hợp này là một thái độ “làm ra cao thượng”, nghĩa là họ như thể “đứng ngoài” sự việc, để mặc cho mấy ông cha đấm đá nhau.

Chúng tôi coi bức thư gửi ĐGH Gioan-Phaolô II như một tài liệu tham khảo, vì những gì nói đến trong thư này, liên quan đến một số linh mục có một đời sống vi phạm luật độc thân linh mục… là những sự thật, nhiều giáo dân bình thường cũng biết đến, họ rất đau lòng, nhưng không biết nói ra với ai. Trình với Giám mục thì các ngài chỉ “hòa giải” âm thầm, “treo chén” “khổ chủ” chăng? Như thế là “nặng tay” và bẽ mặt quá. Vì thế chẳng giải quyết được gì. Chuyện xấu cứ xảy ra, mà nói ra thì bị chê trách, “chuyện con người yếu đuối mà, nói ra là mình “vạch áo cho người xem lưng!” Những linh mục dấn sâu vào con đường tình dục, phản bội lời khấn độc thân hoặc sa ngã về đường mê đắm xác thịt, biết đâu rằng cuộc sống của mình như thế đã gây gương mù gương xấu cho giáo dân. Có người bỏ nhà thờ, bỏ việc tham dự các lễ nghi trong đạo…

Bức thư của “Nhóm yêu nước” viết:

“Nhiều Giám mục, Linh mục và giáo dân chúng con nhận thấy rằng Giáo hội Việt Nam đang có những dấu hiệu khủng hoảng như các giáo hội ở Âu – Mỹ. Có những linh mục coi thường luật độc thân, liều mình vào các hoạt động tình dục…, lạm dụng tình dục trẻ em, quấy rối tình dục nữ giáo dân, công khai có vợ hoặc nhân tình…gây cớ vấp phạm cho nhiều người. Có linh mục đã tuyên bố trước mặt Giám mục, một số linh mục và cả nhân tình của ông, rằng mình đã hy sinh cả cuộc đời thanh xuân cho giáo hội, nay đã về già, ông cần tình yêu với phụ nữ và ông cũng cần phải làm lễ  để có tiền sinh sống và không cảm thấy có lỗi lầm gì…” (Trang 3)

Về Chủng viện:

“Có vị Giám đốc Đại chủng viện đang tỏ ra bi quan về nền giáo dục của chủng viện, đã than phiền rằng: “Tôi phải nuôi toàn là con của công an” (ám chỉ tất cả các chủng sinh được Nhà nước Việt Nam xét duyệt cho vào Đại chủng viện đều là người của công an CSVN)

“Một số linh mục Tổng đại diện giáo phận đang lo ngại cho rằng Giáo hội Việt Nam hiện đang “không có một cái đầu lãnh đạo”, mạnh ai nấy lo, có những vị lo thỏa hiệp với CS để được lợi cá nhân và riêng cho nhiệm sở của mình, ít quan tâm đến quyền lợi chung của Giáo hội Việt Nam. Chúng ta cần phải cầu nguyện cho nhiều…” (Trang 4)

Cuối trang 3 có đoạn: “Chắc hẳn Đức Thánh Cha đã biết rõ hơn chúng con, nhiều giám mục, linh mục và giáo dân trên thế giới đang lo âu, chán nản, thất vọng về tình trạng tha hóa của Giáo hội Công giáo chúng ta. Riêng tại Việt Nam, một vị Giám mục trí thức cao niên đã viết: “Hiện giờ chúng ta thấy trong giáo hội Chúa, nhiều vụ bê bối quá, không những nơi dân thường, mà cả nơi các vị chức sắc…Thật là xấu hổ cho cái bản tính yếu đuối của con người, khi không sống kết hợp mật thiết với Chúa Kitô…Mấy tháng nay tôi chán nản quá… Chỉ còn biết dâng lên Chúa lời cầu nguyện và những hy sinh bé nhỏ với hy tế của Chúa Giêsu, mà đền bồi phạt tạ và xin ơn trở lại cho các quý vị ấy…”. Một vị Giám mục khác, dường như đang được sự tín nhiệm cao của Tòa Thánh, đã tâm sự: “Giáo Hội Việt Nam đang bị suy dinh dưỡng do bị đàn áp lâu năm ở miền Bắc và bị chèn ép 20 năm ở miền Nam…Giáo hội Việt Nam chưa bị sụp đổ là còn may mắn lắm.”

KHẢI TRIỀU

Sài Gòn, Ngày 25-4-2019

 

 

©T.Vấn 2019

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search