T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khải Triều: NGƯỜI NỮ TU VÀ THI CA

Cõi Người Ta – Tranh: Thanh Châu

Hình như không mấy nhà thơ Công giáo bỏ quên hình ảnh người nữ tu trong các sáng tác của mình. Hai thành phần này trong Giáo hội,  thường liên tưởng nhiều đến cái Đẹp, cái Đẹp trong tâm hồn, trong ý hướng của cuộc sống. Người nữ tu coi nhẹ cuộc sống trần thế, không bám víu, không quyến luyến, không tiền bạc. Họ nghèo về vật chất nhưng phong phú về tâm linh. Còn nhà thơ Công giáo, phải nói họ sống về tình cảm, trọng những giá trị tinh thần. Họ cũng là những người nghèo về vật chất. Nhưng giàu về những giá trị nhân văn. Hai thành phần này chỉ khác nhau một điểm. Đó là các Nữ tu cần vào một Tu viện, một Đan viện. Còn nhà thơ Công giáo không cần vào một Tu viện hay một Đan viện, mặc dù họ rất thích cuộc sống ở những nơi này. Trong đó, họ có những khoảnh khắc thanh tịnh riêng cho mình. Vì thế, cuộc sống trần thế đối với họ đôi khi làm họ bực bội, phiền toái.Trong mắt họ, nữ tu là một thành phần tiêu biểu cho những giá trị cao đẹp về tinh thần. Thể xác họ cũng mang một phẩm chất hơn người. Cho nên cũng là một yếu tố để người ta tôn kính.Tuy nhiên, có một điều xem ra có vẻ nghịch lý đối với hai thành phần này. Đó là, người nữ tu phải sống theo một khuôn khổ của lề luật, có tính chất ràng buộc, khắt khe. Ngược lại, nhà thơ thì lãng mạn, không thích bị gò bó. Cụ thể là về niêm luật trong thi ca, cách riêng là Đường luật, người ngoài cho là rất chặt chẽ, hầu như trái ngược với tính chất mông lung, thoáng đoạt của thơ. Vậy mà đối với nhà thơ thì chẳng có gì, niêm luật trong thơ còn giúp họ vươn lên đỉnh cao trong việc dùng chữ. Còn về cuộc sống thường ngày của hai thành phần này, thì tất nhiên có khác biệt rất lớn. Người nữ tu yêu cuộc đời tu trì của mình gắn liền với nội quy, như học tập, cầu nguyện, kiêng khem, nhiệm nhặt, phục vụ trong dòng hoặc cộng đoàn đức tin. Tất cả nhằm mục đích đào tạo người tu sĩ thánh thiện, những chứng nhân của chân lý, của đạo Thánh. Còn nhà thơ Công giáo, thì tự họ đi một con đường của họ trong cuộc sống thường ngày. Họ cũng không mấy lệ thuộc vào những luật lệ trong Giáo hội. Họ có tuân thủ thì do tinh thần họ muốn thay đổi, chứ không phải sợ mắc lỗi hay sợ tội.

Nữ tu Agnès đã viết cho tác giả một cảm nghiệm ngắn về cuộc đời tu hành của mình, xin dẫn nguyên văn như sau:

Cảm nghiệm

 “Người đời vẫn cho rằng: “ Tu là cõi phúc tình là dây oan”…Vậy, tại sao vẫn có nhiều người không tìm được hạnh phúc trong đời tu? Nhiều người vẫn bỏ cái phúc của đời tu để đi tìm cho mình một hướng đi khác…Phải chăng dây oan có sức hấp dẫn hơn cõi phúc? Và có phải đời tu là một sự ràng buộc khắt khe đến nỗi người ta không dám tin là mình có thể chịu nổi?

 “Thật vậy, sống trong đời tu là tuân giữ lề luật một cách nghiêm túc, bởi lề luật là một thành tố quan trọng của đời tu. Nhìn lề luật qua lăng kính tích cực, thì nó không phải là những ách nặng nề, nhưng là những mối dây êm ái bảo vệ hạnh phúc đời tu. Phải chăng, những người không tìm được hạnh phúc trong đời tu là vì họ chưa khám phá ra giá trị đích thực của việc tuân giữ luật hay bên trong tâm hồn họ còn có nhiều mảng tối khác không thể nói ra?

“Bởi vậy, làm thế nào để nhận ra được cái phúc trong đời tu? Nhất là một đời tu đúng nghĩa? Thiết nghĩ rằng, đời sống tu đòi những người sống đời Thánh Hiến phải nỗ lực về nhiều phương diện khác nhau, thì mới có thể trở thành một con người tu sĩ thực sự. Chính đời sống đặc biệt này, đòi hỏi người tu sĩ phải có một lòng mến, một sự dấn thân cao, một tinh thần kỷ luật nghiêm khắc…Hay nói đúng hơn, đó là một sự chọn lựa liên lỉ không ngừng, mà sự chọn lựa trong đời tu thường mang đến cho người tu sĩ những hy sinh và đau khổ, đúng như lời Chúa Giêsu đã nói: “Hãy bỏ mình vác thập giá hằng ngày mà theo Ta” (Mc 8,34). Song chính sự hy sinh đau khổ ấy làm nên giá trị đời tu và là của lễ đẹp lòng Chúa.

 “Nhìn lại hành trình ơn gọi của mình, con thấy đó là một chuỗi dài của những chọn lựa. Có những chọn lựa thật dễ dàng, nhưng bên cạnh đó, lại có những chọn lựa thật khó khăn, đến trầy vi tróc vẩy…Qua đó, Chúa đã dạy con biết bao bài học quý báu bởi những biến cố thăng trầm của cuộc sống. Vâng, con đã được va chạm với những con người mà tính tình chẳng ai giống ai. Con đã vấp ngã nhiều lần, để rồi đến hôm nay con đã nghiệm ra rằng: chẳng có cái dại nào giống cái dại nào. Vì thế, Chúa mời gọi con hãy luôn tập luyện sống khiêm nhường, tự hủy…Tạ ơn Chúa, đã dẫn con đi qua một quãng đường đầy ân sủng. Nhìn về phía trước với lời mời gọi hôm nao “Hãy theo Thầy” (Mt 4,19) thì con lại mạnh dạn hăng hái lên đường, dẫu biết rằng, phía trước còn có nhiều khó khăn, thử thách, còn nhiều mảng tối cần vượt qua…Nhưng với tình yêu đáp trả tình yêu thì những khó khăn thử thách đó cũng không làm cản trở, chùn bước chân người sống ơn gọi Thánh Hiến vì con luôn xác tín rằng:

 *Những khi con yếu đuối thì Chúa luôn thì thầm với con “Ơn Ta đủ cho con” (2Cr 12,9)

*Những khi con muốn chùn bước, lo sợ trước những hiểm nguy thì Chúa quả quyết “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ” (Mt 14,27)

*Những khi mệt mỏi chán nản thì Chúa mời gọi con “Thiên Chúa sẽ làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Ngài” (Rm 8,28).

 Quả thật, đời tu của con chưa đủ dài nhưng cũng không phải là quá ngắn để đi tới kết luận “Trọn” hay “Chưa”, nhưng con thiết nghĩ, dài hay ngắn trong đời tu không quan trọng, mà điều quan trọng phải hệ tại ở bề rộng và bề sâu của cõi lòng, tình yêu dành cho Thiên Chúa và tha nhân. Nguyện xin tình yêu của Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh luôn đồng hành, nâng đỡ con trên mọi nẻo đường Dâng Hiến, để con có thể mạnh dạn thưa lên với Chúa trong niềm xác tín: “Con không đến để làm theo ý con, nhưng con xin dâng trọn đời cho Nước Trời”.

 Nhà thơ nói chung, khi họ dùng Đường luật sáng tác, thì cũng ở trong trường hợp nữ tu Agnès nói về lề luật trong đời tu, nghĩa là nhà thơ không hề cảm thấy mình bị gò bó, bị câu thúc bởi niêm luật rất chặt chẽ của Đường luật, tức là một loại luật lệ của thơ có từ thời Nhà Đường bên Trung Quốc cổ như đối câu, đối chữ, luật gieo vần trắc, vần bằng…

Đã nói ít lời về nữ tu với thi ca.Thế còn hàng linh mục, giáo sĩ? Quan điểm của hàng giáo sĩ và linh mục như thế nào về thi ca nói riêng và văn chương nói chung?

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, phần nhiều giáo sĩ và linh mục rất ít quan tâm tới lãnh vực này, không nói là còn có vấn đề kiêng kỵ nữa. Có lẽ bởi kho tàng sách vở, ngôn ngữ và sứ mạng của hai thành phần trong giáo hội khác nhau. Môi trường học tập và đời sống của họ cũng khác nhau, chưa nói đến ý tưởng và đối tượng của hai thành phần này nhắm đến. Đối tượng phục vụ của linh mục rõ ràng, đó là con người. Còn khi nhà thơ sáng tác thì họ không cần phải có đối tượng, nếu có thì họ viết cho chính họ (xin đừng hiểu lầm chỗ này: họ không ích kỷ), ngay cả trường hợp họ viết cho người họ yêu hoặc khi họ viết để chống lại cái ác, chống lại một thành phân sâu mọt của đất nước, thì lúc bấy giờ, nhà thơ mới có đối tượng rõ rệt.

Thí dụ 1:

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (1882-1888), có hai câu thơ được yêu thích nhiều:

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.

 Nhà văn hay nhà thơ có quan điểm phục vụ con người khác với thành phần linh mục. Người linh mục dù có ghét cái ác, có muốn xây dựng một xã hội từ xấu trở nên tốt hay có ghét những kẻ quyền chức gây bao tội ác cho con người, thì họ cũng không thể đi quá xa ngoài kỷ luật của giáo hội, mặc dù từ năm 1945 là năm Việt Minh-Cộng sản xuất hiện cho tới những năm sau khi kết thúc hai cuộc chiến, từ 1945-1975, miền Bắc cũng như miền Nam, đã có một số thành phần linh mục dấn thân làm chính trị. Họ bảo “vì sự thôi thúc của Chúa”! Người chống đối mấy linh mục này thì bảo họ “thỏa hiệp với Cộng sản”, bởi họ đi quá xa tinh thần của Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay: Gaudium et Spes, được ban hành sau Công Đồng Chung Vatican II (1962-1965).

Nói đến đây tôi lại nhớ đến hai lần trong đời cầm bút của tôi, năm 1974 và năm 2000, tôi đã tham dự vào những buổi họp để thành lập một hội nhà văn Công giáo Việt Nam. Nhưng lần đầu, 1974, người khởi xướng việc này là Linh mục Nicolas Huỳnh Văn Nghi, Chính xứ Tân Định, Sài Gòn, sau là Giám mục Giáo phận Phan Thiết. Vì thời cuộc nên việc phải dừng lại. Còn lần sau, hưởng ứng lời kêu gọi của Đức TGM Francesco Marchisano, Chủ tịch Ủy ban Nghệ thuật của Tòa thánh, từ tháng 10 năm 1999, đã gửi thư ngỏ, mời tất cả các văn nghệ sĩ Công giáo trên toàn thế giới cùng đến Roma trong ngày 18-2-2000, là ngày kính nhớ Chân phúc Họa sĩ Fra Angelico (1400-1455), Giáo hội chọn làm ngày dành cho giới văn nghệ sĩ, thì tại Sài Gòn, chính TGM Phạm Minh Mẫn, về sau ngài là Hông y TGP Sài Gòn-Tp.HCM, tổ chức một cuộc họp tại hội trường Nhà thờ Chính tòa Sài Gòn, ngày 19-2-2000, có mặt một số văn nghệ sĩ Công giáo Sài Gòn, cá nhân chúng tôi cũng được mời tham dự. Nhưng ít lâu sau, linh mục Trưởng Ban Mục vụ Giới trẻ TGP Sài Gòn, thời gian sau, ông là Giám đốc Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn – Tp.HCM, cũng có mặt buổi đầu ấy nói với tác giả rằng “sẽ không có một cuộc họp thứ hai nữa”, vì có phức tạp về nhiều mặt, từ vị chủ chăn, một vài linh mục trong nhóm “yêu nước” và chính bản thân những nhà văn Công giáo ngày ấy. Một số người thuộc thành phần này, có người từng bị đi tù trong các trại “cải tạo”, nay miền Nam, mai ở Bắc trong điều kiện nghiệt ngã; một số khác thì đã trải qua một thời kỳ đầy những xáo trộn và khó khăn của miền Nam. Họ có quá nhiều trăn trở và mâu thuẫn, với Giáo hội địa phương và giữa những nhà văn có khuynh hướng ngả theo chế độ mới. Cho nên đã không có thêm một cuộc họp mặt nào khác. Bởi họ không có tiếng nói chung với các vị Bề trên của giáo hội Sài Gòn lúc bấy giờ.

Nhắc lại hai việc này, tác giả chỉ muốn nói đến sự quan tâm của các vị chủ chăn trong Giáo hội về sứ mạng loan báo Lời Chúa của những người cầm bút hay cây cọ trong Giáo hội Công giáo Việt Nam hôm nay. Tiếng nói của các ngài là khẩn thiết. Các ngài hiểu rằng ngôn ngữ văn chương, thi ca và tiểu thuyết, hội họa và nghệ thuật biểu diễn, là những phương tiện truyền giáo có sức truyền giáo mạnh nhất, thì hiện tại dưới chế độ Cộng sản vô thần và độc tài, tất cả đều bị cấm kỵ nghiêm ngặt. Trong khi đó, đạo đức đã mất ngôi trong xã hội. Còn tôn giáo thì chính người có đạo cũng sống với trạng thái hời hợt, chuộng hình thức. Họ không có những “món ăn” tinh thần ngoài những thông tin, báo chí một chiều vô hồn, vô bổ, lại còn tác hại nữa.

Kinh tế lên thì đạo đức xuống, phải chăng là một quy luật!

Từ cung điện của giáo triều, Đức thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã viết một thư gửi các nghệ sĩ vào ngày Chúa Nhật Phục Sinh, 4 tháng 4 năm 1999. Ngài nhận định:

“Phải nhìn nhận rằng trong kỷ nguyên hiện đại này, bên cạnh chủ nghĩa nhân bản của Kitô giáo đã không ngừng sản sinh ra những tác phẩm văn hóa và nghệ thuật quan trọng, còn có một thứ chủ nghĩa nhân bản khác đang dần dần khẳng định được vị trí của mình; chủ nghĩa này có đặc điểm là không đề cập đến Thiên Chúa hay nhiều khi chống đối lại Thiên Chúa. Tình hình này đôi khi đưa tới hiện tượng : chia rẽ thế giới văn hóa với thế giới đức tin, ít là ở chỗ nhiều nhà nghệ sĩ hiện nay đã bớt quan tâm tới các đề tài tôn giáo.” (Đoạn 10) (Lm Phêrô Đ.X.T chuyển dịch)

Ở một đoạn khác trong thư gửi các nghệ sĩ, Đức thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II viết:

“Với lá thư này, tôi xin hứa với các anh chị em nghệ sĩ trên toàn thế giới là mình vẫn luôn luôn quý trọng và sẵn sàng giúp đỡ, củng cố sự cộng tác tích cực hơn giữa nghệ thuật và Giáo Hội. Tôi mời gọi anh chị em hãy khám phá  lại chiều sâu tâm linh và tôn giáo, vốn là nét điển hình của nghệ thuật từ xưa tới nay dưới những hình thức  cao quý nhất. Nghĩ như thế, nên tôi kêu gọi anh chị em nghệ sĩ: nghệ sĩ của chữ viết và lời nói, của sân khấu và âm nhạc của tạo hình và thông tin theo các kỹ thuật tiên tiến nhất. Còn các nghệ sĩ Kitô giáo, tôi cũng xin có lời hiệu triệu đặc biệt đối với các bạn: tôi muốn nhắc anh chị em nhớ rằng, ngoài những suy nghĩ nặng tính chức năng trên đây, ta còn thấy có một sự liên minh chặt chẽ và luôn luôn giữa Tin Mừng và nghệ thuật, nghĩa là các bạn được mời sử dụng trực giác sáng tạo của mình để đi sâu vào mầu nhiệm Thiên Chúa Nhập Thể và đồng thời, đi sâu vào mầu nhiệm con người (Đoạn 14) (Nguồn: Nhà thờ Chính tòa GP. TP.Hồ Chí Minh)

Trong dịp một số nhà văn nhà thơ Công giáo Sài Gòn, đi thăm Nữ Đan viện Xitô Thánh Mẫu Vĩnh Phước tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, ngày 04-6-2016, nhà thơ Vĩnh An đã trao đổi với các Đan sĩ của Đan Viện trên, về người Công giáo làm thơ. Ông vắn tắt:

“Người công giáo làm thơ đạo là người bước vào thánh địa siêu nhiên của thi ca. Thánh địa này nằm giữa đất và trời, giữa cõi những sự thuộc thế gian – và hơn mọi nghệ thuật khác kể cả nghệ thuật thờ phụng – cõi ấy tiếp giáp và nhiều nơi hòa nhập vào cõi của Lời hằng hữu. Vậy những điều kiện để làm thơ đạo là gì? “. Sau đó ông đến với Thomas Merton :

Khát khao sự thánh thiện: Trong nhật ký ngày 1 tháng mười 1941, Thomas Merton viết: “Có một điều gì mà mọi thi sĩ [công giáo] cần biết? Họ cần được nhắc lại rằng họ gần gũi các thánh, mọi người cũng cần được nhắc lại điều này. Để làm một điều gì tốt trong thế giới này, bạn phải từ bỏ mọi sự trần tục để làm điều đó: bạn phải yêu thích nó và cho nó cả đời sống bạn… Lý do có quá ít các thi sĩ công giáo giỏi cũng giống với lý do tại sao có quá ít người công giáo tỏ ra khao khát sự thánh thiện (…) Tất cả chúng ta đều tầm thường, thờ ơ, bám víu vào những cái vô giá trị hay những vấn đề nhỏ mọn của lòng tự mãn…”

Cũng trong đoạn nhật ký này, Thomas Merton cũng gợi ý rằng để nuôi dưỡng lòng khát khao sự thánh thiện, họ không thể thiếu tinh thần nghèo khó và khiêm nhu nếu không nói phải sống trọn đủ tám mối Phúc thật của Bài giảng trên núi của Đức Giê-su Chúa chúng ta.

Tinh thần chiêm niệm : Trong tiểu luận “Thi ca và Chiêm niệm: một nhận định mới”, ngày 24 tháng 10, 1958 nghĩa là hai năm trước khi ông mất, Thomas Merton viết: “Không có một thi ca Ki-tô giáo xứng đáng với tên gọi mà không được viết ra bởi một người có một trình độ chiêm niệm nào đó. Tôi nói “một trình độ nào đó”, vì rõ ràng không phải một nhà thơ Ki-tô hữu nào cũng là một nhà thần bí. Nhưng một nhà thơ chân chính luôn luôn giống với nhà thần bí vì trực giác tiên tri của người ấy khi nhìn các thực tại tinh thần, các ý nghĩa bên trong của đối tượng mà người ấy chiêm ngưỡng, làm cho thực tại cụ thể không chỉ đáng được ngưỡng mộ nhưng trên hết nó làm nên một dấu chỉ về Thiên Chúa. Mọi nhà thơ Ki-tô hữu đều là những nhà chiêm niệm theo nghĩa họ thấy Thiên Chúa mọi nơi trong tạo vật của Người và trong các mầu nhiệm của Người. Họ nhìn thấy thế giới tạo vật chứa đầy dấu chỉ và biểu tượng của Thiên Chúa. Đối với nhà thơ Ki-tô hữu chân chính, toàn thể thế giới và mọi sự cố của đời sống đều trở thành các bí tích – các dấu chỉ về Thiên Chúa, dấu chỉ về tình yêu của Người đang hoạt động trong thế giới.”

Cũng trong tiểu luận đó, Thomas Merton đã xác định ý nghĩa của tinh thần chiêm niệm mà nhà thơ phải có, ông viết:

“Rõ ràng nhà thơ không cần phải đi vào một đan viện để trở thành một nhà thơ tốt hơn, cái chúng ta cần là những “người chiêm niệm” bên ngoài nội cấm và bên ngoài kiểu mẫu cố định nghiêm ngặt của đời tu, … Điều này có nghĩa là sự thống nhất của công việc, tư tưởng, tôn giáo, đời sống gia đình và những sự tiêu khiển của một người phải ở trong sự hài hòa sinh động với Đức Ki-tô tại trung tâm của đời sống ấy. Đời sống phụng vụ là một ví dụ rõ ràng nhất của “sự chiêm niệm tích cực,”

Trở lại với các Nữ tu. Trước mắt nhà thơ Công giáo, một cử chỉ hay một phong cách mà họ cho là đẹp của nữ tu, sớm hay muộn họ cũng mang vào sáng tác của mình.

Thí dụ:

1/ Khi nữ tu rước lễ:

Hai tay nhè nhẹ nâng cao,

Tôi như  run rẩy đặt vào “Thánh thiêng”.

Lời thưa êm ái dịu hiền,

Bay trong thinh lặng về miền tâm tư.

Tôi về nhớ bóng hiền từ,

Người em tu viện viết thơ ân tình.

Tìm trong nét bút nguyên trinh,

Tôi như lạc bước thiên đình cô đơn.

(Bài BÀN TAY trong tập Vượt Qua)

Tác giả vẽ lại lúc cho nữ tu rước lễ, hai bàn tay của chị  nhè nhẹ nâng cao. Rồi sau khi tác giả đặt MTC vào lòng bàn tay, chị thưa lời “Amen” êm ái và dịu hiền. Những điều này lập tức đã nhập vào hồn của tác giả, lặng lẽ đi vào “miền tâm tư” của ông và tác giả tưởng như mình đã ở cõi thiên đàng.

2/ Khi Nữ tu cầu nguyện:

Mỗi sáng mai khi tôi rời nhà thờ

Đã thấy Sơ Hồng ngồi bên khung cửa

Nhà Chầu im ắng ánh đèn hắt hiu

Người ngồi đó như hiền giả trầm tư.

Có một ngày cửa Nhà Chầu vắng người

Trời Sài Gòn bỗng dưng có mù sương

Tôi ra về lòng vấn vương khôn tả

Lối ngõ quạnh hiu đời thấy vô thường.

Có người đọc đoạn thơ trên, nói rằng tác giả đã “yêu” nữ tu này. Cũng có người bảo rằng, đây là biểu hiện của một tình yêu siêu nhiên. Vì tâm hồn người nghệ sĩ rất mong manh, tựa như dây đàn, cảm xúc thì kỳ diệu. Nếu bảo tác giả “yêu” nữ tu kia, thì đó là ông “yêu” cái dây phút nàng ngồi cầu nguyện, như  một “hiền giả” trầm tư. Nhìn người nữ tu này cầu nguyện, ông chợt nghĩ đến những giáo dân đến nhà thờ rất hờ hững, lạnh lẽo, những giáo dân sống đạo không có chiều sâu, nên ông cảm xúc rất mạnh trước phong cách cầu nguyện của nữ tu ấy.

Khi cảm xúc mạnh, người thi sĩ không còn hiện hữu nữa. Ông “hòa” với thiên nhiên, với cỏ cây, với trăng sao như Lý Bạch thấy trăng dưới nước tưởng là một “hiện hữu”, nên nhẩy xuông “ôm trăng”. Ông quá cảm xúc khi “chợt thấy trăng” nên đã thăng hoa.

3/ Người Nữ tu phục vụ:

Người lãng quên tình yêu

Cho những người đau khổ

Đói khát và cô đơn

Sơ sinh bị vứt bỏ

Người sống đời hy sinh

Quên mình cho nhân thế

Người sống đời bác ái

Mang niềm vui hy vọng.

Khải Triều

(Trích: Chuyện Nội Tâm Của An –Tự Truyện)

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search