T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lưu Na: Mưa Khuya (1)

clip_image002

Có tiếng chìa khóa lách cách.  Cửa mở, Thu bước vào trước, hi Mây.  Một bóng người to lớn đứng sau.  Gật đầu, chào chị, ánh mắt dò dẫm, không nhìn thẳng mà như hơi liếc ngang thật nhanh.  Mây bước tới bắt tay hắn.

Thăm hỏi qua quít.  Ngồi một chút, Chiến hỏi thẳng.

_Chị chắc cũng hơn 50.

Trời đất.  Ậm ừ

_In short, I am older than you.

_Tôi biết, I can tell.

Dường như Mây bị shocked.  Chiến nói tiếng Mỹ của người đã ở đây từ 30 năm.  Chiến có cung cách của người đã hội nhập với đời sống ở Mỹ.  Nhưng Chiến vẫn mang trong mình cái văn hóa cũ?  Được không?  Ông, đại diện của văn hóa cũ, nhưng chưa bao giờ thấy ông hỏi và nói những câu thiếu tế nhị như vậy.  Gentlemen they were, một thế hệ có học, biết thưởng thức biết cư xử.  Họ vẫn giữ truyền thống, vẫn mang những thói xấu của một văn hóa coi thường phụ nữ, nhưng họ không ứng xử kiểu của Chiến.  Mây loay hoay không tìm được một hình ảnh một cách gọi cho cung cách của Chiến.

Chiến gọi Mây bằng Chị, khẳng định một ngôi thứ, một lằn ranh.  Chiến nói Chị cứ ngồi chơi đi, chén đũa dẹp sau.  Thì Thu vẫn thường nói vậy, thì Bà vẫn thường nói vậy?  Nhưng, dường như Chiến là chủ nhà, chủ tọa, và chủ gì gì đó, và Mây, Mây phải giữ phận khách của mình.  Bên cạnh, Ông và Bà thinh lặng khi Chiến nói.  Như sự thinh lặng của thái thượng hoàng nhìn vua mới điều khiển giang san.  Chiến bảo chỉ có Nguyên Thảo hát hay, rằng tay ca sĩ nọ người Qui Nhơn nên hát tiếng Bắc bị ngọng chứ không phải đớt giọng như Mây nghĩ.  Thu phụ họa, người Trung sao hát tiếng Bắc rõ được.  Bây giờ, câu chuyện xoay quanh Tí.  Chiến nói

_Nó là trẻ con, nói cái gì cũng dễ thương, nhưng mình phải dậy những câu thật lạ cho nó nói nghe mới thích.

Ông cười toác hoác, Bà cười khanh khách.  Cả nhà sung sướng nghe chuyện thằng cháu nội mặt rắn như sành.  Bà là một bà má chồng dễ thương.  Bà tin rằng con dâu mang lại đời sống tốt đẹp cho con trai mình.  Bà cảm kích con dâu mang đến cho bà những đứa cháu kháu khỉnh.  Đời sống của bà như giàu thêm, như đẹp thêm khi những đứa cháu chào đời, khi những đứa con trai của bà được nguồn hạnh phúc.  Khi có ai có vẻ như, chỉ mới có vẻ thôi, ám chỉ một điều gì của thực tại phũ phàng làm lu mờ đức độ con dâu mình, bà xù lên như gà mẹ mất con.  Bà mắng té tát.  Bây giờ gặp lại con sau 5 năm xa cách, bà sung sướng lắm.  Cái sung sướng hằn trên khóe mắt trên môi cười.  Bà lẩn thẩn dọn bàn ăn, dẫu không có gì để dọn, xếp lại mấy cái ghế đã đẩy sát vào bàn, lau mặt bếp lò đã sạch.  Rồi bà lại loay hoay bầy ra những là bánh kẹo, hoa, trái.  Rồi bà lại hỏi sao con chưa ăn.  Rồi bà lại loay hoay cất dọn những thứ vừa bầy ra.  Thấy Mây xỏ tay vào áo ấm, bà chậy tới xốc hộ. Cứ như vậy, với một nụ cười và ánh mắt mơ màng.

Câu chuyện lại dẫn đến cái đối thoại không mấy êm đềm giữa Mây và Chiến.  Chiến tỏ ra sắc sảo trong mọi chuyện, từ ý kiến đến sở thích.  Mỗi câu Chiến nói mang một khẳng định, một nhận định, một xu hướng xã hội.  Hình như ở Việt Nam người ta luôn tự khẳng định, luôn tỏ ra mình đang dẫn đầu, từ trong đối thoại đến hiểu biết đến những gì mình chọn lựa.  Có vẻ như người ta phải tỏ rõ mình ra (mà cái tôi phải sắc nhọn).  Mây tự hỏi, Chiến ở đó có 5 năm, có ảnh hưởng gì không, vì Chiến ở đây đã từ 30 năm?  Nhưng trực giác thường theo Mây rất dai dẳng.

Chiến kể một điều gì đó, và Mây phải hỏi lại, phần vì Chiến nói nhanh, phần vì những chữ lạ.  Kết luận là Mây không rành tiếng Việt!  Dĩ nhiên là Mây cãi lại.  Chợt dưng Mây thấy ngộp thở.  Mây bước ra trước hành lang.  Ngước nhìn trời, Mây nhớ buổi gặp gỡ đầu năm.  Hôm đó có vợ chồng bà Thuận, vợ chồng ông Dương, 2 ông bạn, Ông, Bà, Thu, và Mây.  Gian phòng rộn tiếng cười nói, nhưng mang một không khí êm đềm.  Mây chợt nhận ra cái đầy ngập của gian phòng bây giờ.  Chỉ có Ông, Bà, Mây, Thu, và Chiến, nghĩa là một nửa số người.  Dường như Chiến chiếm trọn không gian với lời nói của mình.  Là cái nước Việt Nam, nơi Chiến vừa rời, hay là chuyện gia đình sau 5 năm vắng bóng?  Mây cảm như không phải vậy.  Trở vào bên trong, Mây lại phải lúng túng trước một nhận định gì đó, nói cho đúng, một khẳng định gì đó mà Chiến đang dành cho Mây.  Có tiếng gọi thầm, Mây, Mây, về đi Mây.  Mây vẫn ngơ ngác và cái bướng bỉnh cố hữu như đang buộc Mây phải bắc một nhịp cầu, tạo một quan hệ.  Mây, Mây, về đi.

Hình như nghe được tiếng gọi thầm, Mây đứng lên từ giã ra về, không cà kê như mọi bữa.

Đến nhà, Mây cất xe rồi ra đi bộ.  Mây bước thong thả trên đường dành cho bộ hành.  Đầu Mây hơi cúi và bước chân như vội vã.  Mỗi một lúc Mây lại ngước nhìn quang cảnh chung quanh, nhìn nếp nhà, nhìn cây cảnh, nhìn sắc trời nhìn cành lá dạt theo chiều gió, rồi lại cúi đầu rảo bước, một cố tật từ nhỏ.  Gió thổi, tóc và áo và váy Mây dạt qua một bên, như vẫy tay gọi ai đó.

Khi Mây bước vòng tránh đạp lên một nếp cỏ, Mây chợt nhận ra cái điều mình mang mang ngẫm nghĩ mà không gọi được tên.  Mây nhớ tới nhân vật Thạch Đạt Lang, một kiếm khách đã đi hết tuổi thanh niên, trốn chạy một tình yêu mãnh liệt để học cho xong một thế kiếm tối thượng: kiếm ý.  Câu chuyện hết sức thú vị khi Thạch Đạt Lang phải né tránh ánh mắt của vị sư già làm vườn, mà thực ra chỉ là do nơi tham vọng và nội lực không kềm chế của chính mình dội lại.  Nhưng Chiến, cái ý cao ngạo tuôn tràn thì phải, chứ Mây, Mây chỉ là một người đàn bà ngơ ngác.  Mây đâu phải vị sư già nội lực thâm sâu.  Loay hoay, Mây vẫn không xé rời được tên Thạch Đạt Lang ra khỏi hình ảnh của Chiến.  Tệ hơn nữa, khi Mây nghĩ đến Chiến như một thanh mã tấu.

Thanh mã tấu đó còn huơ thêm nhát nữa khi Mây gặp lại Chiến lần thứ 2.

***

Chiến đã tìm được việc làm.  Chiến cũng đã dẫn Thu đi xin học với thầy cũ.  Chiến cũng định rằng sẽ tìm chỗ ở, rồi Thu sẽ dọn ra ở cùng Chiến để Chiến có thể kèm cặp việc học cho Thu.  Rụp rụp.  Không ngần ngừ, không có phút nghĩ ngợi, không có chỗ cho sự do dự.  Nơi bàn ăn, Chiến cằn nhằn mẹ, mẹ cứ ngồi yên để Thu nó làm được rồi.  Lời cằn nhằn y hệt như của Thu, như Chiến chưa bao giờ rời khỏi nhà.  Vóc người to lớn của Chiến chiếm một phần tư cái bàn tròn, trong căn phòng ăn 9 thước vuông.  Tiếng Chiến không oang oang nhưng mang một sự khẳng định lấp đầy không gian.  Ánh mắt Chiến không nhìn thẳng ai, chỉ như thanh mã tấu quơ nhẹ một vòng phạt lấn cỏ cây chung quanh cho một chỗ đứng.  Tự dưng Mây thấy mình thừa thãi, thấy mình không có chỗ ở đây, nơi Mây vẫn có mặt hằng ngày.  Mây không biết mình còn qua bên ông được bao lâu, nhưng ngay bây giờ đây Mây phải cáo từ.  Chiến hỏi, ủa chị không ở lại ăn cơm à.  Mây đâu tới để ăn cơm?  Chỉ mới lần thứ 2, mà Mây thấy mình phải đứng lên đi về, khác với thông lệ là đến vào giờ cơm thì cùng ăn, dù chỉ ăn một miếng.  Chiến cười cười, bộ khắc khẩu à.  Mà có cần giải thích chữ này không đó.  Vẫn ánh mắt liếc ngang như dò xét như phán định.  Mây giả lả, cái đó là tiếng Việt chứ có gì khó hiểuKhông, tiếng Hán Việt đó.  Ừ ừ.  Bye chị Mây, Thu chào với.  Mây xém xỉu.  Sau một năm xưng gọi với Mây bằng tên, hôm nay Thu gọi Mây tiếng chị như anh của nó!!!   Xuống thang.  Mây thấy lúng túng lùng bùng không biết vì sao.  Mây thấy ngượng ngập bơ vơ và mệt muốn chết được.  May, không có Việt ở đây, chứ không còn thêm mắc cở.  Mà, Việt chứ ai mà phải mắc cở.  Mây hít vào lòng một hơi dài, hóa ra nẫy giờ Mây nín thở.  Bước chân trên đường Mây thở phào nhẹ nhõm, như mới thoát một cuộc chiến.

Đêm xuống.  Ngày dù dài mấy cũng phải lui, niềm vui của ông bà chắc cũng phải tắt.  Chỉ có nỗi buồn thì cứ quyến luyến dằng dai.  Mây nằm đọc sách, rồi lại dừng lại suy nghĩ vẩn vơ.  Chiến ra sao nhỉ?  Mây ráng mà chỉ nhớ nét mặt Chiến lúc cúi xuống.  Lông mày lưỡi mác hơi cau lại, cằm vuông bạnh và xương xương chứ không đầy đặn như những khi ngẩng lên.  Những lúc ấy trông Chiến giống ông lạ lùng.  Hay Mây chỉ nhớ nét mặt ấy vì bức hình trên kệ?  Có cái gì nối hai cha con với nhau, nhưng hai người thật khác biệt.  Mây tần ngần.  Trời lại bắt đầu mưa, tiếng mưa nhẹ nhàng tí tách.

Mây nhớ mưa của một thuở thanh xuân.  Mây nhớ Các một năm nào.

Hồi đó, mỗi đêm vào sở là mỗi cực hình.  Ở nhà ngủ ngày không quen, vào sở đêm dài mệt nhọc.  Mỗi lúc Các mỗi đem cho Mây hộp kẹo, băng nhạc.  Cả khi đứt tay Mây cũng xòe ngón tay ra chờ bandaid.  Vì không cãi cọ được với hắn.  Nhưng Mây bận khóc một mối tình, Các chả là ai trong kiếp sống.  Buổi sáng ra về, quyến luyến hỏi Mây uống cà phê.  Rủ Mây đi chợ trời sáng thứ Bẩy.  Có hôm 2 đứa dắt nhau ra gềnh đá nhìn sóng bạc vỗ  cao, ôm cái lạnh cắt da thịt vào lòng.

Đứng lại đây với Các một chút nữa đi

Lạnh lắm, về thôi.  Tôi buồn ngủ rồi

Ok, về.

Về, về căn phòng lạnh lẽo.  Tấm chăn như ẩm ướt những giọt sương dù nắng bên ngoài đã lên cao.  Những giấc ngủ xanh xao nặng chĩu.

Về sớm không?  Các chở ra chỗ này lạ lắm

Thôi

Nhưng trời đang mưa, đi dầm mưa nha

Ok

Mưa đã mau hột, tháng 12 lạnh như càng lạnh thêm.  Ướt 2 ống quần.

Các chỉ có 1 cái dù, 1 cái áo lính.

Thì Các mặc đi, tôi không cần

Ướt thì sao

Chịu

Hm.  Sao ngang vậy

Chỗ này có cột sưởi, ngồi đây đi.

Ok

Tôi có giống chị Cẩm của Các?

Không.  Mây là Mây.  Mây chỉ hơn Các 1 tuổi, tưởng nhiều sao.

Tôi muốn về

Không muốn

Nhưng tôi muốn về

Thì về

 

Mây lại về, lại nằm xuống chiếc giường trống lạnh ươn ướt, lại trằn trọc.  Má, Má có biết con ở nơi đây trơ trụi có một mình và con ghét ai thương hại con, con ghét ai nghĩ rằng con thiếu nghị lực.  Trời mưa, trời ở đâu cũng như nhau, nhưng trời Sài gòn sao vẫn khác.  Hùng của Sài gòn cũng khác Hùng nơi đây.  Hùng có còn cần Mây?  Mây thiếu cái gì?

Mùa Xuân đến.  Những cành cây trong Mile-Square Park có vẻ mời gọi.

Các chở Mây vô đây chơi nha.  Leo cây cũng vui

Mỉa mai hả. 

Thì you hay đòi leo.

Kệ Mây.

Thôi ra biển nha

 

Lại ngồi khuất vào hốc trên gềnh nhìn sóng.

Lạnh

Xích lại đây

Hết chỗ rồi

Co chân lại rồi

Ok

Năm phút, quay lại, Mây thật ra đang ngồi dựa lưng vào lòng Các, Các tựa như đang ôm Mây trong lòng.  Mặc kệ.  Nắng vàng ánh trong đáy mắt buồn tênh.  Mặc kệ.  Hùng, Mây đã thôi không còn nghĩ tới.  Anh Công, anh còn vợ con gia đình.  Sao Mây tội nghiệp nhọc nhằn vậy.  Sao Mây phải lẻ loi.  Đất trời bao la sao Mây chỉ có một mình nơi đây.

Ngồi hết buổi rồi, phải về chứ

Ở đây thêm với Các một chút không được sao

Đói

Ok, ăn pizza nha.  Ăn thử đi, ngon lắm

Hết đói.  Mây lại về, căn phòng hình như khác.  Hình như có một sơi tơ nhện vừa chăng ngang bàn viết.  Lát nữa Hùng về, sẽ lại một ngày thờ ơ nặng nhọc qua đi.  Rồi Mây sẽ lại vào sở lúc đêm về.  Rồi lại ngồi lại thêm với Các một chút nữa đi lúc tan sở.

Mấy ngày Tết, đủ thứ người đủ thứ chuyện.  Phố phường đông tấp nập, mà trời ơi lẻ loi.  Có ai biết không nỗi lẻ loi của Mây.  Trở lại sở làm, dường như Mây mừng dường như Các mừng.  Mây thà trốn đêm thâu cho quên nỗi lẻ loi.  Còn Các, Các mừng nỗi gì?

Ra biển xem mặt trời không?

Lạnh?

Không đâu, mùa hè biển chỉ mát thôi

Ok

Nắng rực rỡ huy hoàng trong đáy mắt.  Mặt trời xuống như lòng mình xuống thấp, mình sắp bị nhấn chìm trong biển bao la.  Các nắm chặt vai Mây la bải hải coi chừng té.  Mặc kệ, Mây muốn vươn mình ra trước coi mình có hòa tan vào nắng vào gió.

Thôi thôi, về, về

Ủa, không bảo ở lại thêm một chút nữa sao

Mắt Các buồn hoang dại.  Nhưng Mây không cần biết.  Mây đã thôi xưng tôi với Các.  Bây giờ Mây chỉ xưng tên.  Bây giờ cần gì Mây cũng nói với Các.  Bây giờ chuyện gì Mây cũng mách với Các.  Các nhẫn nại và chịu đựng như một người cận vệ trung thành.  Mây không dám nghĩ xa hơn nữa.  Nhưng Mây không lùi được nữa.  Trời lại vào thu.  Mây lại co ro cùng Các ra biển vắng, ra đầu gềnh ngắm sóng.  Mây lại co ro cùng Các dầm mưa.  Có bao giờ Mây hết cô đơn.  Có bao giờ Mây thôi thấy lẻ loi.

Các, Các, làm gì vậy

Các thương Mây, Các chả biết vì sao.  Các chỉ thua Mây 1 tuổi, sao cứ coi thường Các

Mây…

Các kéo sát Mây vào lòng, nhẹ nhàng hôn lên môi Mây.  Chậm rải từ từ, Các hôn Mây.  Mây bừng tỉnh.  Bấy lâu nay Mây không còn nhớ đến Hùng, không còn nghĩ đến anh Công.  Bấy lâu nay Mây chả còn thắc mắc cuộc đời Mây.  Mây đã tới đường cùng, đâu có gì lạ?

Các đưa Mây về.  Các ngồi xuống bên giường, ánh mắt buồn tênh.  Rồi nhẹ nhàng Các mở vòng tay Mây vuốt ve tấm thân gầy héo của Mây.

Mây đã nằm với Các.  Một chút xa lạ một chút ngỡ ngàng, rồi tất cả qua đi trong hờ hững.  Mây vẫn chưa tỉnh giấc lẻ loi.  Mây nằm trên giường than đói, đòi Các mua đồ ăn.  Các lập cập mặc quần áo.

Quên cài nút kìa !!!

Trời ơi, cưng làm Các quên hết mọi điều

Cười

Kéo tấm ra đắp lên cổ Mây, quyến luyến ra cửa.  Mây thầm nghĩ, chỉ 15 phút có lâu la gì đâu sao phải lừng chừng?

Khi xa Các, Mây mới nhớ đến cái mặn nồng.  Mây nhớ những khi Các hôn trên thân thể mình.  Mây nhớ những khi Các hôn Mây chậm rãi tưởng như cái hôn kéo dài không bao giờ dứt và Mây sẽ chết vì hết thở.  Mây nhớ những khi Các nhẹ nhàng nói, cưng đừng sợ, cứ kêu lên tiếng kêu của riêng mình.  Lâu, lâu lắm về sau, khi Mây đã già, đã mỏi, đã sống nhiều tháng năm với chuyện yêu đương, Mây mới nhớ ra mới hiểu hết cái thiết tha lướt trên da thịt.  Không phải là những xúc chạm của hai thân xác, mà là cái thiết tha chuyền qua làn môi qua hơi thở qua những cái xốc vào tận nhau mà mình biết mình được yêu.  Và, khi kêu lên tiếng kêu chất ngất thì âm thanh đưa cái buốt xót rung động bên trong vượt thoát lên tất cả thịt da hoàn thiện một cảm xúc, và mình biết cái đẹp cái điều kỳ diệu của chữ sống, mình biết mình yêu, khi cất được tiếng kêu.

Hiểu ra thì Mây không còn tìm được niềm yêu ấy nữa.

***

Chiều, Mây qua bên ông, lại như cũ_cô Năm, Mây, và Ông, Bà ăn cơm với nhau.  Mây liếc mắt vào trong, phòng ông bà mở cửa và ánh TV chớp lóe.  Ông nói tụi nó đi về đói nên lần lượt ăn hết rồi.  Mây nghĩ thầm, chắc Chiến thấy được nỗi ngại ngần của Mây nên không ra.  Chắc Chiến biết nên trả không gian cho “hội bạn người rách việc.”  Bên trong, Chiến nằm xem TV.  Chiến không ở trong phòng Thu, dù Thu đi vắng.  Rõ ràng Chiến biết tôn trọng cái riêng tư của Thu và có vẻ như gần gũi mẹ cha.  Thực khó hiểu, có phải Chiến cà khịa với Mây?  Mây muốn hỏi Chiến, bộ Mây có vẻ gì khó ưa sao mà mới gặp Chiến đã tấn công Mây như vậy.  Nhưng rồi Mây vẫn lặng im.  Mây nghĩ chắc hắn cũng chả xem gì trên TV, chắc hắn đang loay hoay nhớ vợ con.  Mây để cho cây mã tấu ấy nằm im trong thế giới riêng của hắn.

Bên ngoài, giữa lúc cô Năm và Bà dọn chén đũa, Mây nói nhỏ cùng Ông

_Không có gì đổi khác mà sao dưng không Mây thấy cuộc sống của mình như bị xáo trộn. 

Ông gật đầu,

_Tôi cũng cảm thấy vậy.

_Tại sao, là điều gì?

_Chưa gọi được tên, chỉ cảm thấy vậy thôi. 

 

Mây và Ông lại yên lặng, cùng xem một bài viết trên net.  Mây về.  Bước chân trên lối hẹp, Mây thèm nói chuyện cùng Việt, những chuyện không đầu đuôi như hồi hai đứa còn ở cạnh nhà nhau.

Mây ước sao có Việt ở đây, ngay sát bên nhà như những năm còn bé.

Hồi đó, cứ tối đến thì Mây lên lầu, ra sau gác nói chuyện với Việt.  Cái nhà hồi xưa cũng lạ, nửa phần gác bên trong là gỗ, mà nữa phần sau lại là sân xi măng để phơi quần áo.  Gác nhà Mây cách gác nhà Việt bằng tấm lưới mắt cáo, 2 đứa tha hồ rù rì.  Những đêm trăng sáng Mây còn thấy được mắt Việt trong và nâu nhạt như mắt con búp bê.

Nói cái gì đâu có nhớ nữa.  Nhưng nó chưa bao giờ kể ra nó bị đòn, bị “bố.”  Nhà sát vách thì sao dấu nhau được chứ, rồi Mây cũng hỏi, rồi mắt nó cũng tối sầm.  Những năm tuổi 13, Mây chả hiểu nó nghĩ gì, mà có lẽ Việt cũng không biết Mây nghĩ gì.  Có một năm nào đó, Việt xa cách với Mây, không nói với Mây một lời như thể không quen.  Mây buồn lắm, mà tự ái nên không hỏi gì, chỉ làm thinh theo.  Rồi một hai năm sau, Việt làm quen lại, nhắn qua em Mây rằng muốn nói chuyện.  Việt rủ Mây đi cắm trại cùng lũ bạn của Việt.  Mây nói cùng Việt,

_Người ta nghĩ tao với mày là bồ thì sao

_Không có đâu.

Việt càng thuyết phục thì Mây càng nói không.  Mơ hồ Mây nghĩ Việt không muốn mắc cở cùng bạn vì mình chưa có bồ.  Nhưng Mây sẽ quờ quạng ra sao trước cái đám đông xa lạ đó?  Phải chăng mặc cảm và thiếu tự tin đã mọc lên từ lúc Mây còn tuổi thơ…  Ngày gia đình Mây dọn đi nơi khác mắt Việt buồn tênh.  Mà khờ quá, chả đứa nào biết hỏi nhau địa chỉ, hẹn nhau nhắn tin gì cả.  Mây xa Việt từ đó.

Trước khi Mây kịp biết yêu, Việt đã có đứa con đầu lòng.  Gặp nhau trên đường Trương minh Giảng, Mây ngỡ ngàng quên cả thắc mắc Việt đi đâu lang thang vào giờ này, giờ tan học.  Hai đứa đi song song trên lề.  Mây không biết phải gọi Việt là gì, mày tao như xưa, hay gọi tên cúng cơm , nhưng, Mây gọi Việt, trống không.

Việt khoe có đứa con trai đầu lòng, đặt tên Nam, êm như cái gối đầu nằm.  Việt mơ màng say sưa với tình duyên mới trong khi Mây lúng túng với cái tin trên trời rơi xuống, với thằng bạn đã thành đàn ông, và với cái tôi không còn thơ.  Mây dẫn Việt về nhà, pha cà phê cho Việt uống, và cho đến khi Việt ra về vẫn không quyết được cách xưng hô.

Bây giờ Việt ở đâu?  Cái tình bạn như ruột thịt như tận cảm thông đó đứt đoạn nên Mây cứ thấy như tức tưởi.

Mây nằm yên bên ánh đèn vàng, tấm chăn đắp lên ngực và cuốn truyện đang đọc dở úp bên trên.  Mắt Mây nhìn sâu lên trần nhà.  Những khi có điều gì muốn nói Mây cứ như cây đuốc chờ lửa thắp, mà khi nói lại nói chả đầu đuôi gì.  Như bây giờ, Mây nghĩ mình sắp bốc cháy, tựa như năm 13 tuổi Mây nói với Việt,

_tao thích cha Si-ca-que

_Nhưng thằng chả già thấy mồ

_Ừ. Mà mày thích ai?

_Tao thích chị mày.

Việt và Mây đã nói với nhau như vậy.  Việt và Mây đã cùng rơi như hai hạt mưa.  Mưa khuya đều đều êm đềm rơi, Mây buồn ngủ rồi.  Mây ước thấy Việt trong mơ.  Mây có thể gặp Việt không? Mây thở đều.

***

Sáng dậy Mây tắm rửa rồi qua rước ông.  Đi cà phê nha?  Ừ.

Mỹ thật lạ.  Họ không chỉ thích hoa.  Họ còn thích lá, thích gốc cây sù sì, thích đám chim vỗ cánh là là trên hồ như muôn vạn vì sao cánh trắng rơi phủ mặt nước cạn.  Mây ngồi nhấm nháp ly cà phê yên lặng nghe ông nói.  Trước mắt, cây cổ thụ to trụi lá với cơ man là cành đứng khoe thân trong nắng.  Dưới gốc cây, hoa poppy nở rực rỡ khỏe mạnh vàng cam hồng trắng…  Bồ câu từng loạt đổi chỗ từ sân cỏ qua mái kề bên mỗi khi có một miếng bánh tung ra, hay một con kêu gọi gì đó.  Bên cạnh Mây, một anh lông tơ vàng óng trên cánh tay, kính đen gác mái tóc, đang đắm chìm với cái máy tí hon trên tay và ly cà phê bốc khói trước mặt.

Ông nói với Mây tiếng còi tàu những năm 7, 8 tuổi.  Ông nói với Mây tiếng chuông chùa khi gieo trong gió làm im bặt muôn tiếng chim trong cây cổ thụ sát đê.  Ông nói với Mây cái ánh vàng đổ xuống mặt nước lấp loáng, khi một mình đứng trên con đê.  Cái quạnh quẽ của kiếp người, đâu chỉ là khi xa cách người thân.  Nó còn là cái quạnh quẽ đơn côi của một tấm thân trần trụi trước vũ trụ, khi xe lửa băng ngang từng cánh đồng hoang trống tưởng như mình đang đi ngược về tiền kiếp, về cái dĩ vãng không chịu phai.  Khi về tới cái nôi, mình có chấm dứt một vòng quay dẫu còn đang thở?  Phải chăng khi nhìn quanh chỉ thấy tuổi thơ, thấy quá khứ, là khi mình đã chết, đã xa rời một kiếp trong muôn kiếp biến hóa của những năm tuổi đời lay lứt trên dương thế?

Mây nhớ một năm nào đó lúc 8,9 tuổi Mây theo Ba Má vào một club của lính Mỹ.  Trong ánh đèn mờ mờ, nhạc quay cuồng và người đi lại nhộn nhịp.  Kẻ bưng nước, người lôi nhau ra sàn nhảy, kề vai bá cổ rần rần chung quanh.  Mây chợt thấy một anh lính ngồi đơn độc.  Anh trẻ lắm, chừng 20 thôi.  Anh ngồi lặng thinh uống beer, ánh mắt buồn chảy xuống như những giọt nước lăn từ miệng ly xuống bàn.  Thấy Mây nhìn, anh ngoắc ngoắc.  Bị hút vào ánh mắt trống đó, Mây bước tới.  Anh rút ra tờ bạc trăm dúi vào tay Mây.  Mây lắc đầu.  Anh rút thêm tờ nữa, Mây càng lắc.  Ánh mắt anh như hoảng loạn ngơ ngác.  Mây về bàn của mình.  Ba Má trở lại bàn, rồi về.  Cả tuần lễ sau Mây vẫn khóc khi nhớ ánh mắt buồn bã ấy.  Bây giờ Mây vẫn không hiểu sao mình đã khóc.  Mây nhớ tuổi ấy Mây đã có những bước chân lẻ loi trong xóm vắng khi mọi người xúm nhau xem boxing máu me hay xem phim chiến tranh Combat!  Sông thì chắc không chảy qua một chỗ hai lần, nhưng nó có mang theo những mảnh hồn lẻ loi ?

Ông nói ra biển.  Hôm nay sóng lớn, trắng xóa.  Hình như giờ nước lên, bãi đầy sóng, và chó, và người!!!  Vòng 2 vòng mới có chỗ đậu xe, Mây cùng ông bước chầm chậm theo bờ trên cao, nhìn xuống bãi dưới chân như từ cõi nhân gian nhìn xuống một thiên đàng.  Sự sống đầy ắp lóe mắt trên bãi ngập sóng.

Cô nọ nằm ngay xuống mặt cát ướt mà tập thể dục bụng.  Anh bạn đồng hành vung cây vợt xanh có một đầu tròn như cái môi múc spaghetti dứ bên phải dứ bên trái.  Hai con chó lăng xăng quanh chân, chờ cái vợt vung lên, trái banh tenis nằm trong đầu môi sẽ văng vào biển trước mặt.  Chúng sẽ tranh nhau lượm về.  Sau lưng, một anh vện trắng đen tung vó xả hết tốc lực rượt chim, cái hớn hở bung ra theo từng sãi chân.  Quay ra, một anh nâu đen cứ ngoạm trái banh tenis chậy vài bước nhả vào hốc, chờ em vện vàng tới lấy.  Rồi anh lăn ngửa ra dẫy dẫy cái lưng xuống cát ướt, rồi lại uốn lưng vung dậy, rồi lại ngoạm banh đi thả vào hốc khác…  Bên cạnh cái tưng bừng rộn ràng của người với vật, sóng cứ đều đều tung trắng xóa từng đợt.  Mỗi lượn sóng khi vào bờ đều cuộn lăn êm ả, cho đến khi một lớp sương trắng mờ bung tỏa trên đầu lượn nước là khi sóng bủa trắng như domio sập xuống theo hàng ngang.  Giữa sự sống phơi phới mát trong đó Mây chợt thấy đau nhói như đang đi trên cát ướt mà đạp trúng hòn đá sắc khi nhớ cái chấm câu của Chiến, “chính xác.”  Chữ đó, cách nhấn câu đó, thì người cũ vẫn nói như vầy, “đúng như thế.”  Sao Mây thấy như vấp phải đá?

***

Mây ghé chở ông ra bưu điện.  Ông mở cửa, rồi trở lại bàn computer, bảo, ngồi đi.  Ông đang chat với bạn.  Một lúc nào đó, Mây liếc thấy hàng chữ trên cả tình, trên cả sự cảm thông, như mưa tự trời, như vạt nắng…  Ông đang nói với bạn về sự đồng cảm tìm được với một người.  Lời nói rung động lòng Mây, như giọt mưa lạnh soi xuống đáy lòng mình.  Ông nhìn sự việc như thấy luôn kiếp trước đời sau, ông nói lời tự nhiên như làn sương như ngọn gió.  Ngẫm sâu thêm lời ấy, Mây thấy bàng hoàng.  Mây thấy một chiều khác của những việc đã qua, một cảm niệm cao hơn sức suy nghĩ của mình.  Mây thấy một bề sâu nơi một tâm hồn xa lạ.  Bàng hoàng chứ không giật mình bối rối hay hụt hẫng không biết trả lời sao như với những lời của Chiến.

Trên đường, ông lại nói cùng Mây những chuyện chẳng ăn thua gì nhau, như những khúc phim đứt rời không mạch lạc.  Mây chợt nhận ra cái ngược ngạo nơi mình.  Mây đã bắt đầu nhìn vào con người và tâm hồn ông qua những lời như độc thoại như bây giờ ông đang nói, ở những câu buông ra không cân nhắc đắn đo sắp xếp.  Chính những lời ấy bộc lộ tâm hồn và con người ông, đẩy Mây tới những con chữ của quá khứ.  Mây tưởng đến ông như một cây lúa.  Đâu cần phải có hạt thì lúa mới là cây lúa, nhưng không có hạt thì lúa uổng đời cây lúa.  Ông đã cho hạt, đã trổ bông, mà Mây thì lại chỉ biết đến ông từ một thân lúa xanh xưa, một cọng rơm khô bóng.  Không sao, Mây cho rằng Mây đã được thấy, đã được nếm hưởng hơn rất nhiều những người chỉ biết đến bông lúa hạt gạo!

Mây mơ hồ thấy ra cái khác biệt của Ông và Chiến.  Ông, máu trong người là nhựa cây trắng xóa, rỉ ra từ thuở tấm thân còn non yếu đến vóc vạc trưởng thành và giờ đây héo rụm.  Nơi ông sự sống tuôn chẩy, nơi ông nhựa trắng yêu đời đổ xuống thành những con chữ đen thê thảm, thành những giọt máu khô trên đường đi qua.  Giữa tiếng cười diễu cợt đáo để của ông và những con chữ dường như là một đại dương mênh mông, một lòng giếng sâu bất tận.  Nỗi buồn như ẩn dấu sau những âm thanh.  Những lời ông nói là những thực thể bị phủ mờ sương, là những món ăn tả trên trang giấy không muối tiêu hành mỡ, là những xác thịt lẩn vào trong ánh trăng mờ không dấu cong vết trầy, không hơi thở, không buốt xót.  Giữa những gì đã viết và những điều muốn nói_thực nói tới, là một không gian bao la không thể nắm bắt.  Giữa mỗi con chữ, giữa hai hàng chữ, thường là những lỗ đen, những khoảng trống ơ thờ.

Ông có lẽ đã ước mơ và đã sống trong mơ ước, nhưng chưa bao giờ và sẽ không bao giờ trọn vẹn một niềm mơ.  Ông không là loài cây ăn thịt, ông chỉ dám xăm soi sự sống, vuốt ve sự sống, hít hà sự sống, chứ chưa chắc dám ngoạm nuốt một miếng to của sự sống.  Mây cảm nghĩ, Ông không sao chịu nổi những tanh nồng của máu me khi nuốt vào một miếng sống, ông chỉ là một thứ “tôi muốn.”  Bên cạnh ông Mây thấy mình như vũng nước hồ, phản chiếu sự sống những khi có sự sống lướt ngang mặt hồ, Mây hiểu ra, những cảm nghĩ mỏng manh trong chuỗi đời tào lao đã qua đều là thật, đều là sự sống phản chiếu nơi mặt hồ mình.  Ảnh trầm hàn thủy, phải vậy không?  Bên ông Mây hiểu ý nghĩa những điều thật nhỏ nhoi mơ hồ.  Bên ông Mây hiểu và chấp nhận những việc mình đã làm trong vô thức.

Còn Chiến, Chiến về Việt Nam chơi gặp cô gái đẹp ngoan Chiến hỏi cưới ngay và rồi ở lại.  Bây giờ con sắp đến tuổi vào trường Chiến trở lại Mỹ.  Ngày đầu trở lại, Chiến liên lạc với “buddies.”  Ngày thứ 2, lấy lại bằng lái.  Ngày thứ 3, dọn dẹp nhà cửa cho Bố Mẹ.  Ngày thứ 4, đi mua xe.  Trong vòng 1 tuần lễ, Chiến như đã plan xong cuộc tái định cư thứ ba trong đời.  Chiến bước tới không chần chừ.  Chiến có lời sắc nhọn như dao, có cung cách lao tới cho đến hết giọt cuối cùng của mồ hôi của sức lực.  Có lẽ Chiến cũng mang cái tâm hồn nghệ sĩ như Ông, nhưng hắn consume sự sống, hắn yêu đời như người ta ăn óc khỉ.  Hắn không tuôn tràn những hàng chữ đen thê thảm mà hắn rực nơi mắt màu đỏ máu, hắn thắm cái xanh lá, hắn vang tiếng cười thay cho note nhạc chán chường.  Dòng máu nghệ sĩ nơi hắn là cái “tôi là.”  Hắn chính là dương bản, là bức hình nổi của ông_tấm phim xám trong đen nhờ không tiếng.

Nhưng không thể vì cái tương phản của hắn với Ông mà Mây mắc nghẹn.  Mây là ai và sao đứng nơi này, bên âm bản, trước dương bản, của một sự sống xa lạ?

***

Đi chợ Tết.  Còn 2 tuần nữa là Tết, Mây đi chợ Costco với anh Tư.  Nơi Mây ở, những khi gần lễ rất nhộn nhàng ơi ới.  Mây học ra từ khi vượt biên ý nghĩa câu tha hương ngộ cố tri, nhưng 35 năm sau hình như Mây thấy nhiều lúc cố tri nhức nhối hơn cựu thù.

Ở lối vào, xe nối đuôi chờ quẹo phải vào parking nên xe quẹo trái cũng phải chờ, nên xe muốn ra đường cũng phải chờ, nên xe muốn de ra khỏi chỗ đậu cũng phải chờ, nên xe muốn lấy chỗ đậu cũng phải chờ, nên xe muốn vào parking cũng phải chờ, vân vân.  Có thể nói chung rằng xe Lexus, Mercedes, Honda Pilot, Toyota Sienna dù xe nhỏ hay xe to phần nhiều là của người Việt.  Và có thể nói (và có thể bị đánh), cái xe chờ chỗ đậu làm nghẽn lối là một xe của người Việt.  Sau 20 phút Mây và anh Tư vào được bên trong chợ.  Ở đây chợ đáp ứng nhu cầu người mua rất nhanh.  Christmas, kẹo chocolate đủ loại, kẹo rượu, và rượu, nhiều hơn ở những Costco nơi khác và bán hết rất nhanh.  Ngày trung thu có bánh trung thu (dẫu chưa đúng nhãn hiệu !!!)  Ngày tết, cúc đại đóa chất đầy 3 từng kệ, lan đất vàng tía xanh lục lợt tràn lan.  Kế bên là những khay mứt, rổ mứt trà gói sẵn thành từng phần quà đầy ngập kệ.

Đi chợ Costco trở thành một cái vui khám phá những mặt hàng mới_ tốt, đẹp, giá phải chăng.  Chỉ cái tội hàng tiêu dùng loại nào cũng bán nhiều, gia đình nhỏ mua về không chỗ chứa, không dùng kịp ngày hết hạn.  Mây mua hoa, lủi vào lựa cúc đại đóa.  Bên cạnh, một anh phân bua với vợ và bầy trẻ con: mình mới lựa được 2 chậu hoa để vào xe, quay lưng tìm chậu lan trở lại thì xe và cúc đã mất tiêu.  Người chung quanh cười rộ, Mây trợn mắt dặn anh Tư ôm lấy xe.  Mây lấy 3 chậu cúc, 2 chậu lan, và 2 bó huệ.  Huệ ở đây rất tươi, mập.  Anh Tư hỏi Mây,

_Bộ Mây mua đi bán lại hay sao mà nhiều vậy

_Đâu phải, nhiêu đây là hà tiện đó.  Mua biếu, mua cho nhà, nay mai còn phải trở lại mua hoa để bàn thờ.

_Ừ.  (Có vẻ ngao ngán !!)

Mây mở cuốn coupon book ra, tìm những món hàng cần.  Cũng lại là một thú vui khác khi đi chợ Costco.  Cứ hễ có “cu bông” thì mua cho bằng hết theo giới hạn, đem về để dành.  Gọi nhau bê, chỉ nhau mua, mua cho sạch kệ.  Sau nhiều lần cúng vài trăm với mấy cái “cu bông” vài đồng, Mây mới thấm đòn “sale” của Costco.  Nhưng Mây vẫn thích đi Costco, vui mắt vui tai và tiện lợi.

Trẻ em tha hồ tìm games, tìm sách.  Quí bà quí cô lăn vào hàng quần áo, xà bông, thực phẩm.  Quí ông dí mũi vào computers, máy hình.  Cụ ông cụ bà ra chỗ cây chậu hoa bó kẹo bánh hộp mà tẩn mẩn_Ồ, cây này xứ mình mọc hoang mà nó bán.  Hoa này to đùng thô quá.  Kẹo bánh này thì ở mình thích biết mấy…. Thích ăn vặt free?  Đi một vòng là no, đủ món ăn uống bày sẵn từng mẫu nhỏ cho người đi chợ thử, quảng cáo hữu hiệu lắm nha.  Hay nhất, là các đại ca không cần biết nấu nướng vẫn có thể gầy ra một bữa nhậu hay một bữa ăn thịnh soạn.  Ghé qua hàng rượu vác một chai Cordon Rouge Grand Manier, 30 đồng  trừ 5 đồng cu bông, đãi bạn hiền.  Lượm thêm thùng dầu gió xanh 24 chai Heineken.  Bước tới hàng đồ nguội, lấy đại miếng ham, một thỏi xúc xích.  Qua hàng đồ ăn liền bắt một con gà Rotisserie chỉ có 5 đồng.  Một hũ salsa, một bịch tortilla chips.  Ăn hết buổi tối vẫn còn hàng !!!!

 

Thú nhất với Mây là ráng nghe xem họ nói gì với nhau.  Tiếng Việt không đấy, nhưng nhiều chữ lạ và âm thanh véo von lắm.  Nơi quầy tính tiền, một anh có đeo túi nhỏ travel trước bụng hăm hở chất hàng lên quầy.  Hai cô tính tiền hỏi thẻ hội viên, anh bèn lục.  Anh lục từ ngăn ngoài cùng vào ngăn giữa, đến ngăn trong.  Mắt anh nhìn sang dẫy bên cạnh tìm kiếm, miệng anh lẩm bẩm đ. mẹ… thật giầu âm điệu!  Anh đưa mắt nhìn Mây phẩy phẩy tay ra dấu lên trước đi, nhưng hàng của anh nằm ì trên bàn, Mây không tới được.  Anh Tư hỏi Mây anh ta nói gì, Mây lắc đầu_chỉ nghe được tiếng chửi thề, những tiếng kia như chim hót, không nghe kịp.  Anh ta lấn ngang đầu xe Mây, ra trước để dỡ hàng xuống lại xe đẩy.  Mây la rầm, gẫy bông gẫy bông, bồng 2 bó huệ lên tay.  Anh ta giả lả, Mây trừng mắt.  Im, tự dưng ai cũng im hết.  Trả xong tiền Mây mới nghe 2 bà ngoại trẻ nói chuyện

_Tại sao phải mua lan ở đây, ra trước tiệm vàng Ngọc Quang mua.  Một chậu 35 đồng 5 nhánh đẹp hết biết.  Ở đây 20 đồng 2 nhánh, lỗ

_Nhưng Costco bán hàng uy tín thiệt thà chất lượng

_Hoa thì đâu ai gạt được ai

_Nhưng phải trả giá

_Họ nói 35 đồng, khỏi kỳ kèo.

Mây tính vòng lại trả chậu lan, anh Tư trợn mắt, “cho Mây 10 đồng.”  Ok, ok, Mây đành đi ra.  Ra khỏi Costco Mây vuốt tóc, giũ sống áo.  Trong xe Mây ông ổng rao, muốn đổ mồ hôi trong tháng đông, muốn thấy nắng hè trong trời giá, xin mời ghé qua… (quát to) CO..OO..ST CO (xuống giọng) Garden grove.  Anh Tư càng trợn hơn sau cặp kính.

Mây về nhà rồi lại qua căn gác quạnh quẽ ấy, mang cúc đại đóa sang biếu Ông và cô Năm.  Phòng khách chỉ có Ông Bà.  “Nó” nằm trong phòng suốt, Ông nói vậy.  Mây nghĩ, cõi riêng?  “Nó” nằm trong phòng, nhưng Mây vẫn cảm thấy như có cái hố chờ mình.  Mây ớn nếu bị tạt vào mặt những câu hỏi, những lời nhận định mà càng tự phân bua rằng đâu có gì quá đáng thì càng lấn cấn.  Nhưng hôm nay khác.

“Nó” ra.  Mây chào nhưng không nghe Chiến trả lời, Mây nói nghe tiếng tưởng là Thu, Chiến nói dạ không phải.  Chiến phụ mẹ dọn cơm, rồi vào bàn chung với mọi người.  Chiến không nói gì với Mây, cũng không nhìn Mây trong suốt bữa ăn, như Mây không có mặt, như Mây là “người cõi trên.”  Mây cười với ý nghĩ đó.  Chiến im lặng như Thu vẫn im lặng trong mỗi bữa cơm, chỉ nói chuyện với Bố Mẹ với cô Năm, và chỉ trả lời nếu Mây hỏi.  Mây cảm thấy như Chiến không biết nói gì cùng Mây.  Mây càng cười cho sự đảo ngược đó.  Có vẻ như Chiến và Thu không biết cư xử sao với người chỉ đồng vai vế mà lại là bạn của Bố.  Chiến lặng lẽ ăn, nhìn y tưởng như cây mã tấu chống mũi xuống đất.  Mỗi khi hắn nhìn cô Năm, tưởng như 2 cái đinh nơi chuôi đao lấp lóe sáng.  Nhưng trước sau gì, hắn cũng sẽ dọn ra, cũng sẽ trả cái quạnh quẽ lại cho Bố Mẹ hắn, dầu không thể như xưa.  Mây, Mây, cái không gian này rồi sẽ còn buồn hơn, Mây biết không.  Chiến nói với cô Năm, cháu đi mua ly cà phê, và không hề nhìn lại Mây, không bye Mây như Thu mỗi khi ra đi.  Cái im lặng đó có phải do bản tính tự nhiên, hay do không lấn được thì lui?  Cho đến bây giờ Mây vẫn chưa thấy Chiến nhìn thẳng, cái nhìn mạch lạc và thẳng thắn của người dân địa phương khi nói chuyện cùng người đối diện.

Không muốn nghĩ thêm về những lấn cấn đó, Mây đi bộ về nhà.

Lưu Na

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search