T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lê Mai Lĩnh :BẠN TÔI, NGƯỜI LÁI XE NHÀ ĐI TRẤN GIỮ BIÊN CƯƠNG

clip_image002

Gió – Tranh : Mai Tâm

 

(Trích : Tuyển tập Lê Mai Lĩnh)

Bạn tôi, người ĐÔNG HÀ,
Cao chồng ngồng như tôi, mới vào đệ thất
Lớp tôi, có PHAN HOÀNH, người NHAN BIỀU,
Đã có vợ con, cũng đệ thất, như chúng tôi
Nghĩ mà đau, nhưng vui
Vui đáo để.

Bạn tôi, ăn cơm tháng, nhà tôi
Chủ yếu, rau muống luộc, hột vịt luộc
Bấy giờ thế giới hình như chưa có thịt
Hay họa hoằn, loài người mới cho chút chút thịt,
cùng cá mắm.
Bạn tôi con nhà giàu, thỉnh thoảng ăn tiệm
Tôi, con chủ nhà, đôi khi được bạn cho ăn ké.
Bạn tôi, người cứng như thép, nhưng tình yêu thì mềm
Bạn tôi, có đứa con gái “MỜI”, những bạn đắn đo
Nói trắng ra, bạn sợ bị gài độ, bắt cưới.

Chiến tranh mở rộng, nhu cầu chiến trường
Bạn vào Thủ Đức, một hai, một hai, một hai.
Bẵng đi một thời gian mất liên lạc, tôi rời Quảng Trị
Khi gặp lại, bạn ta, THIẾU TÁ, TIỂU ĐOÀN TRƯỞNG, ĐỊA PHƯƠNG QUÂN
Quảng Trị, cuối thập niên 60
Ban lái xe nhà, bạc triệu, lao nhanh như gió
Trấn Biên Cương, CỬA VIỆT, chỉ huy chiến trường,
Binh sĩ thương bạn tôi và cũng sợ bạn tôi
Dũng mãnh, đảm lược, như ÔNG THẦN SẤM SÉT

LÊ VIẾT LÀO, chữ đẹp
BẠN TÔI, viết văn
SƯƠNG BIÊN THÙY là tôi, tập tễnh làm thơ
tỏ tình người đẹp BÍCH LA
Ba chúng tôi, luôn hoàn thành tờ BÍCH BÁO lớp
Chỉ có ba người chúng tôi, đủ quậy
Một thời VĂN NGHỆ HỌC TRÒ

Ba chúng tôi, hai nước MỸ, một Việt Nam
ÔNG NĂM TÀO chưa tính sổ hay là quên
Đều đã THẤT THẬP CỔ LẠI HY, vẫn còn BƯỚM BAY
Bay vòng vòng, vòng vòng.

Bạn tôi
NGƯỜI LÁI XE NHÀ ĐI TRẤN GIỮ
BIÊN CƯƠNG là PHAN BÁ ÂN.
Cao, như cột thiên lôi
Nặng, chỉ bằng hai tạ gạo
Không hút thuốc, không uống rượu, không gái gú
Suốt ngày ngồi THIỀN
Và niệm NAM MÔ

Bài thơ nầy làm tặng bạn
trả món nợ mấy ly sinh tố quán ÔNG TÀU
Cuối đường QUANG TRUNG
Gần nhà HOA KHÔI QUỲNH HOA
của một thời QUẢNG TRỊ
NGUYỄN HOÀNG
yêu dấu
(những ngày cuối đời nhớ bạn bè xưa và nhớ NÀNG THƠ đang nơi QUÊ NHÀ)

6/2014

BÀI THƠ TẶNG
BẠN LÊ VIẾT LÀO

Lê viết Lào
Lê viết Lào,
Tao nhớ vợ mày hơn nhớ mày
Tao thương vợ mày hơn thương mày
Ngày mới ra tù, chân ướt chân khô
Về Quảng Trị, theo Đỗ Tư Nhơn xuống ĐẠI HÀO
Ghé thăm nhà mày, tao trúng mánh
Mắm nêm, bánh hỏi, lòng heo CHỢ THUẬN
Vợ mày chiêu đãi tao và NHƠN, tao nhớ đời

Tao mang theo qua Mỹ, ký ức bánh hỏi lòng heo
Kể cả mùi mắm nêm và nụ cười của vợ mày
Làm sao tao không nhớ không thương vợ mày
hơn mày được
Ngày nghe tin vợ mày bị thấp khớp
Tao có gởi về, trước sau, khoảng ba trăm
Cho tới nay, tao vẫn còn ân hận
Tại sao tao không ba triệu hay ba tỷ dollar cho mày vui và tao cũng vui

Lê Viết Lào,
Tại vì mày viết chữ quá đẹp
Nên mày bị thằng PHAN BÁ ÂN nó đì
Mỗi cuối tuần nghe nó, mày tới nhà tao làm bích báo
Đến như một ly nước lạnh tao cũng không mời
Đứa nào khát, cứ ra lu mà uống
Lê viết Lào,
Nếu tao nhớ không lầm

Tao đã nhờ mày viết tay một tập thơ tình
Bằng giấy màu xanh xanh, đỏ đỏ,
Có tím, lẫn hồng.
Trong đó có tên LÊ THU THỦY, QUỲNH HOA, LỮ THỊ QUẾ, LÝ THỊ PHỤNG, VƯƠNG LỆ HẰNG
MAI SÁNG TẠO, NGHĨA LƯỢNG GIANG, DUNG RẠNG ĐÔNG,TỐNG THÌ GÒN, CAO THI HIỀN, TƯ ĐỒ BÍCH LIỀN, NGỌC LAN
của một thời tao cà chớn, cà cháo kiêm cà pháo
Không giống con giáp nào,
Phải không Lê viết Lào

Lê viết Lào
Lê viết Lào
Giờ thì mày đã hiểu tao
Tại sao tao nhớ, thương vợ mày hơn nhớ thương mày
Duy một điều, tao không tha mày:
Đó là lần mi nói với tao:
Nhờ BÁC HỒ, nhân dân ta mới có hôm nay
Nhà nhà nhà ngói, không còn nhà tranh.

Nếu mày nói câu này với tao
Khi tao là TRƯỞNG BAN CHIẾN TRANH CHÍNH TRỊ CHI KHU trước năm 75
Tao đã nhốt mày dưới hầm rượu nhà tao
Mà toàn là rượu MINH MẠNG
Cũng không quên, phạt mày thêm một lu CỦ KIỆU, TÔM KHÔ
Cho mày biết THẾ NÀO LÀ LỄ ĐỘ
Nghe LÀO, LÊ VIẾT LÀO.
(những ngày nhớ TRĂNG quê nhà)

12/6/2014

 

Đọc thêm:

Hòang Nhất Phương đọc Tuyển Tập Lê Mai Lĩnh

bia sach

Ngay trang bìa của Tuyển Tập Lê Mai Lĩnh có in những giòng chữ: Tất cả chúng ta đều là những kẻ chiến bại trước sự đói nghèo của nhân dân. Trước quê hương khổ đau, chúng ta đều có tội, dẫu khoác cho nhau màu áo nào. Trái tim, máu, nước mắt tôi đây ngày trở lại sau 3102 ngày khổ sai trong 10 trại tù của Cộng Sản Việt Nam, từ Nam ra Bắc, xin trao tặng quê hương và bạn bè. Có thể nói mấy giòng ngắn gọn này chính là nội dung được gửi gắm trong Tuyển Tập Lê Mai Lĩnh – một tuyển tập mà tác giả nói rằng ông đã viết cho người sống và người chết, viết cho cả quá khứ, hiện tại,và tương lai. Cũng theo lời Lê Mai Lĩnh, nếu quá khứ mách bảo cho ông viết về hiện tại, thì hiện tại lại sai khiến ông viết về tương lai, và tương lai chỉ thị cho ông viết về một tương lai xa hơn. Nói tóm lại ông viết theo “mệnh lệnh, sứ mạng, chỉ thị, hướng dẫn, của bốn ngàn năm lịch sử, của hồn thiêng sông núi” [1]

Tác giả Lê Mai Lĩnh tên thật là Lê Văn Chính sinh trưởng tại Quảng Ðiền, Triệu Phong, Quảng Trị. Ông bắt đầu bén duyên với nghiệp dĩ văn chương từ năm 1958, với bút danh đầu tiên là Sương Biên Thùy – cái tên quen thuộc với độc giả hâm mộ văn học nghệ thuật của Miền Nam, trước năm 1975. Lê Mai Lĩnh từng cộng tác với các tạp chí Nghệ Thuật, Khởi Hành, Gió Mới, Ngàn Khơi, Văn, Tiền Phong. Ông là cựu sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, sau ngày 30 tháng 4 bị giam trong nhà tù cộng sản suốt 8 năm 6 tháng, kể từ tháng 05/ 1975 đến tháng 11 / 1983. Trong suốt 56 năm cầm bút từ ngày còn là học sinh lớp đệ thất của Trường Trung Học Nguyễn Hoàng, Quảng Trị, ông đã ấn hành 16 tác phẩm vừa cá nhân, vừa in chung với nhiều tác giả. Nổi bật nhất là “Thơ Lê Mai Lĩnh,” “Ðứng Ngồi Không Yên,” “Chân Dung Lê Mai Lĩnh,” “ Những Ðứa Con Hoang”

“Tuyển Tập Lê Mai Lĩnh- Thơ-Văn-Tiểu Luận” dày hơn 600 trang gồm có 8 chương, do nhà xuất bản Cội Nguồn phát hành trong năm 2015 là tác phẩm mới nhất của ông. Như tất cả những người từng khóc cười theo vận nước nổi trôi [*], Lê Mai Lĩnh đã chọn quê hương đau khổ là đề tài để sáng tác. Những điều ông ký gửi trong từng trang sách nói về cuộc đời của cá nhân ông, từ thuở thư sinh tay trắng mộng đầy cho đến khi nhập ngũ trở thành quân nhân bảo vệ tuyến đầu tổ quốc. Và dĩ nhiên có cả 8 năm 6 tháng bị giam giữ trong nhà tù cộng sản. Dù ở trong bất cứ tình huống nào, dù tự do hay là bị gông cùm xiềng xích, Lê Mai Lĩnh vẫn là Lê Mai Lĩnh, một quân nhân trên chiến trường. Nhà văn Trương Anh Thụy đánh giá văn thơ của Lê Mai Lĩnh có “lửa ngông,” trong khi nhà văn Tâm Vấn nhận xét ông “có khí phách của nhà thơ, một kẻ sĩ trước thời cuộc.” [2]

Hòang Nhất Phương

[1].Trích từ “Những Điều Nói Với San Jose” của ông Lê Mai Lĩnh.
[2]. Trích từ “Nhà thơ Lê Mai Lĩnh và tác phẩm mới chuẩn bị ra mắt” của Tâm Vấn.
[*]. Trích từ nhạc phẩm “Tình Ca” của nhạc sĩ Phạm Duy.

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search