T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lê Văn Chung: Một Chút Tâm Sự với Nhà Thơ Lê Mai Lĩnh

Tôi đã nhận được một món quà rất quý giá. Đó là hai cuốn sách sau:

– TUYỂN TẬP LÊ MAI LĨNH (Thơ – Văn – Tiểu luận) – sách dày 629 trang

– CHÂN DUNG NGƯỜI LÍNH (Thi sĩ Miền Nam – Lê Mai Lĩnh dày 276 trang.

Cầm trên tay hai quyển sách dầy gần 900 trang, được in ấn ở nước Mỹ, rất cẩn thận, rất chu đáo và rất đẹp. Tác giả là một THI SĨ MIỀN NAM, một danh hiệu mà tôi cũng như rất nhiều người dân miền Bắc, từ rất lâu rồi luôn luôn ngưỡng mộ, và cảm phục họ. Vì nhờ có họ mà đời sống tinh thần của chúng tôi mới được sự phong phú đa dạng như ngày hôm nay. Nhờ có họ mà chúng tôi mới ngộ ra một điều rằng: TỰ DO và GIÁ TRỊ CỦA TỰ DO đã mang đến cho con người sự giàu có về mặt tinh thần, để từ đó mang đến sự SÁNG TẠO KHÔNG BIÊN GIỚI cho con người, thúc đẩy sự tiến bộ không ngừng cho nhân loại nói chung và dân tộc Việt Nam nói riêng.

Các nhà khoa học nói rằng: Não trái của con người là vị trí của lý lẽ, mà lý lẽ bao giờ cũng là kẻ hèn nhát. Đó chính là lý do vì sao bạn không thể tìm thấy ở Việt Nam một người vừa can đảm vừa có trí thức. Bất cứ khi nào tìm thấy một người can đảm, bạn sẽ không tìm thấy người trí thức. Người can đảm đó sẽ không phải là trí thức, chắc chắn là như vậy! Điều đó đã được những lãnh tụ cộng sản, trong những thế kỷ trước, lợi dụng tầng lớp bần cố nông, làm cách mạng, để cướp chính quyền. Nhưng ở nhà thơ Lê Mai Lĩnh, tôi thấy ông vừa là một trí thức vừa là một con người vô cùng CAN ĐẢM, vô cùng dũng cảm khi ông đã từng dám đối mặt (thậm chí là đối đầu) với những nỗi sợ hãi lớn nhất của một đời người, đó là: CÁI CHẾT.

Một lần nữa xin gửi đến nhà thơ Lê Mai Lĩnh lời tri ân sâu sắc nhất, và một sự cảm phục, ngưỡng mộ lớn nhất đối với ông – một nhân cách lớn, một nhà thơ, nhà văn lớn – mà tôi được biết từ trước đến nay.

MỘT CHÚT CẢM NHẬN VỀ THƠ – VĂN CỦA LÊ MAI LĨNH

Lần đầu tiên trong cuộc đời đọc và thưởng thức THƠ – VĂN của mình, tôi được tiếp cận với những tác phẩm thơ – văn của một con người từng trải CUỘC NGƯỜI, theo một cách hết sức phong phú và đa dạng như nhà thơ, nhà văn Lê Mai Lĩnh. Tất cả những tác phẩm của ông đều xuất phát từ những trải nghiệm của chính cuộc đời của ông. Toàn bộ những trải nghiệm của một cuộc đời hơn 80 năm (ông sinh năm 1942, nhưng đến năm 1958 – khi ông 16 tuổi – ông đã có một tác phẩm với tựa đề là “CÁO TRẠNG” (và ông có một số năm tạm nghỉ cầm bút) đã được ông ghi chép lại bằng thơ – văn một cách trung thực nhất có thể. Với tất cả những sự trải nghiệm đó, mà ông đã để lại cho cuộc đời này, một công trình đồ sộ, bao gồm những tác phẩm thơ – văn vô cùng đa dạng, đan trải qua rất nhiều đề tài, nhiều cung bậc tình cảm, với rất nhiều tâm trạng sâu sắc của một nhà thơ, nhà văn lớn của Việt Nam ở hải ngoại.

Đúng như bài tựa đầu tiên của “TUYỂN TẬP LÊ MAI LĨNH – THƠ – VĂN – TIỂU LUẬN”, nhà văn Song Nhị, đã đưa ra nhận định sau đây: “Lê Mai Lĩnh, Văn và Người là một PHIÊN BẢN.” Nhà văn Hồ Minh Dũng cũng có nhận xét: “Lê Mai Lĩnh ngoài cuộc đời, trong văn chương là một.”

Những người như tôi và những thế hệ người Việt Nam sau năm 1975, sẽ không thể cảm nhận được hết những đau thương của cuộc chiến tranh mà dân tộc Việt Nam đã phải chịu đựng trong một thời gian rất dài, đã vậy lại bị một nền giáo dục nhồi sọ, tẩy não từ bé cho đến khi đã lớn tuổi, đã làm cho chúng tôi, đã trở nên vô cùng hèn nhát, vô cùng yếu đuối, chỉ có thể lựa chọn một con đường duy nhất là BUÔNG XẢ, chấp nhận thuận theo dòng chảy của cuộc sống. Khi đó, dù cho dòng sông cuộc đời có đưa đi đến bất cứ nơi nào … thì chúng tôi cũng không cần phải hỏi, chỉ đơn giản trôi theo dòng chảy ấy mà thôi. Hy vọng một ngày nào đó – bất cứ lúc nào – chúng tôi cũng sẽ ra được đến đại dương, và sẽ tan biến, mà không mong để lại bất kỳ một dấu ấn nào lên thời gian.

Nhưng cuộc đời của nhà thơ Lê Mai Lĩnh thì lại rất khác, thậm chí vô cùng khác với những người như chúng tôi. Thật sự sẽ rất khó để những người như chúng tôi, có thể hiểu được Lê Mai Lĩnh, khi ông vẫn đang sống giữa những vòng xoáy của cuộc đời, với tất cả sự đói rét, cùng cực của cảnh lao tù, mà ông vẫn có thể làm thơ – văn rất nhiều và rất diệu kỳ đến thế.

Nhà văn Kinh Dương Vương nói rằng: “Đọc thơ Lê Mai Lĩnh, máu đang nguội cũng nóng lên.”

Đó chính là sức mạnh của Thơ của ông. Còn Văn thì sao? Xin thưa rằng: Những áng văn chương của Lê Mai Lĩnh cũng rất đanh thép, hùng hồn.

Bạn sẽ dễ dàng hiểu được, việc một ngọn nến không bị tắt, nếu nó được đặt ở nơi khuất gió. Nhưng làm sao bạn có thể hiểu được một ngọn nến vẫn cháy ổn định giữa phong ba bão táp.

Lê Mai Lĩnh, giống như một ngọn nến được đặt ở giữa phong ba bão táp của thời cuộc, thời đại của mình, ông đã sống và chiến đấu, hết mình như một ngọn lửa rực cháy một cách ổn định.

Sức mạnh của Thơ – Văn Lê Mai Lĩnh hẳn phải đến từ nguồn sống tâm linh sâu thẳm nào đó, nếu không thì nó không thể có một sức mạnh chuyển hoá người đọc như thế – một vẻ đẹp riêng của nó. Lê Mai Lĩnh ở bên trong nguồn sống tâm linh đó, và nó chính là cội nguồn sáng tạo cho những tác phẩm thơ – văn của ông.

Tên thật sự của ông không phải là Lê Mai Lĩnh, cũng không phải là Lê Văn Chính, hay Sương Biên Thuỳ … tất cả chúng chỉ là cái tên bên ngoài của ông. Còn cái tên bên trong sâu thẳm của ông phải chăng là sự CHÍNH TRỰC, là sự can đảm vượt lên trên những thiên kiến của đám đông, vượt lên số phận nghiệt ngã của bản thân để tìm về những chân lý đích thực cho cuộc đời này.

Phương pháp của ông là phương pháp của một người lính, của một chiến binh, của một đấu sĩ, cho nên ông ông đã đặt tiêu đề cho tập thơ của mình là: CHÂN DUNG NGƯỜI LÍNH THI SĨ MIỀN NAM”.

Cùng tên với một bài thơ trong tập thơ, trong bài thơ đó ông đã xác định:

Năm mươi sáu năm cầm bút xung phong

Giờ 72, mình vẫn không muốn làm người đào binh. …

Mình không đào ngũ

Mình không phản bội anh em

Mình vẫn hiện diện dưới cờ mình hứa…

Rõ ràng là, ông đã làm người lính (BẢY NĂM LÀM LÍNH) và rất muốn làm một người lính cho đến hơi thở cuối cùng, thậm chí ông cũng chiến đấu không ngừng nghỉ với hiện hữu mà ông cho là kẻ thù của ông và của dân tộc ông. Ông đã đấu tranh với chúng, tự trong sâu thẳm. Nó không phải là cuộc đấu tranh nửa vời, mà nó chính là sự tận hiến trọn vẹn cho sự đấu tranh đó, trong tâm thức của ông. Cho dù, ở bên ngoài cuộc đời, ông biết kết quả của nó có thể không đạt được sự hoàn hảo như con người mong muốn, thì ông vẫn không hề nao núng, không hề đầu hàng hay khoan nhượng với bất cứ cái xấu, cái ác nào. Ông vẫn liên tục xả thân vì sự nghiệp mà ông theo đuổi. Trong nghệ thuật đích thực, bản thân người nghệ sĩ biến mất, do vậy mà không có chỗ cho CÁI TÔI. Theo đó nghệ thuật trở thành một tôn giáo và người nghệ sĩ trở thành một nhà HUYỀN MÔN.

Bóng dáng của người nghệ sĩ càng ít xuất hiện trong tác phẩm của mình thì tác phẩm ấy càng hoàn hảo. Khi người nghệ sĩ hoàn toàn quên mất bản thân mình, thì sự sáng tạo sẽ là tuyệt đối. Nếu hình bóng của người nghệ sĩ quá lớn trong tác phẩm, tác phẩm đó sẽ trở nên kinh tởm. Nó chỉ là sản phẩm của CÁI TÔI không hơn không kém. Cái tôi là một chứng bệnh thần kinh. Cái tôi lúc nào cũng muốn được hoàn hảo. Cái tôi lúc nào cũng muốn được cầu toàn. Cái tôi lúc nào cũng muốn phải cao hơn, phải tốt hơn người khác. Tuy vậy, sự hoàn hảo chẳng bao giờ có thể đạt được qua cái tôi, những nỗ lực kiểu đó luôn dẫn đến thất bại. Sự hoàn hảo chỉ đến khi cái tôi không hiện diện, nhưng khi đó con người cũng chẳng nghĩ đến sự hoàn hảo, mà chỉ nghĩ đến sự tận hiến trọn vẹn mà thôi.

Chẳng hạn, mời các bạn hãy đến với bài thơ “BÀI THƠ GỬI VÀO HƯ KHÔNG” sau đây của nhà thơ Lê Mai Lĩnh.

BÀI THƠ GỬI VÀO HƯ KHÔNG

(Trích)

Bài thơ này gửi vào hư không vì từ nay không còn ai đọc mỗi sáng mai trước tách cà phê đầu ngày

Cũng là chuyện bình thường với cuộc bể dâu đời

Cũng là bình thường khi lòng người có có không không tuỳ duyên tuỳ phận

Cũng là chuyện bình thường khi tình là muôn mặt, sấp, ngửa, trắng, đen

Nên bài thơ này, mặc dù thi sĩ biết làm ra không ai cần đọc

 Nhưng thi sĩ vẫn làm ra

Như một kiếp tằm

Như thi sĩ vẫn yêu, dù ai đó không cần yêu

Như thi sĩ vẫn yêu như thi sĩ vẫn thở…

Ly cà phê dù đắng thêm hay ngọt thêm một chút

Cũng vẫn là vô nghĩa khi người uống đã bỏ đi, mặc cho ly cà phê bốc khói vào hư không

Nhưng dẫu gì bài thơ vẫn còn lại với những kỷ niệm chưa phôi pha

Hãy uống đi thi sĩ, ly cà phê đầu ngày dẫu uống một mình

Nhưng vẫn cứ để dành ly cà phê trước mặt cho người học trò

Biết đâu có lúc nàng trở lại

Như một lô độc đắc không bao giờ biết trước giờ xổ số

Rồi mọi điều sẽ tới

Rồi lộc trời sẽ tới

Trăng vẫn vằng vặc đêm thâu

Trăng vẫn là trăng muôn thuở

Ở “Bài Thơ Gửi Vào Hư Không” này, chúng ta thấy, tác giả không hề dụng công trong việc sắp xếp câu chữ, không cần phải vận dụng ngôn ngữ thơ, luật thơ, bất kỳ một kỹ thuật, hay một trò chơi ngôn từ nào, như những ông THỢ làm thơ nào đó. Mà chúng ta chỉ thấy tác giả của nó viết một mạch, rất hồn nhiên vô tư, một cách NGẪU HỨNG.

Cái tôi nhà thơ và cả bài thơ nữa, hoàn toàn bị biến mất vào trong HƯ KHÔNG, giống như một kiếp tằm nhả tơ, giống như một hơi thở, một ly cà phê bốc khói, hay một vầng trăng vằng vặc đêm thâu… Mặc dù vậy, người đọc vẫn cảm thấy được sự xuất hiện HỒN THƠ của bài thơ, một cách đậm đà nhất có thể.

Theo tôi đó là phẩm chất của một nhà thơ lớn, một người nghệ sĩ thực thụ, khi sáng tác thơ, làm nghệ thuật sẽ không bao giờ nghĩ đến sự hoàn hảo. Anh ta không hề có khái niệm nào về sự hoàn hảo mà chỉ đơn giản là trao gửi mình, buông bỏ và bất cứ điều gì xảy ra, cứ để chúng xảy ra.

Lê Mai Lĩnh là một nhà thơ thực thụ, một nhà thơ đích thực như thế, ông luôn luôn nghĩ đến việc tận hiến – Làm thế nào để tận hiến trọn vẹn cho quê hương đất nước, cho thơ – văn.

Trăn trở hoài cùng tiếng đêm thầm thì

 Nằm ngửa, nằm nghiêng, lật trái, lật phải

Không làm sao chớp mắt

Nghĩ mình chung nỗi đau Ức Trai

Nghĩ mình phải làm gì cùng Nguyễn Trãi

(NGUYỄN TRÃI I)

Lê Văn Chung

Bài Mới Nhất
Search